Nghiệp Báo Và Tái Sanh

Nghiệp (Kamma) Và Quả (Vipaka)

Kamma là việc làm, Vipāka là kết quả của việc làm. Mỗi vật mỗi có cái bóng của nó; mỗi hành động cố ý sẽ luôn luôn có cái vang dội của nó. Nghiệp cũng như hột giống ẩn ngầm trong cây, trái cây cũng như kết quả của Nghiệp. Lá và bông là sự khác nhau bên ngoài như sức khỏe, bịnh hoạn, giàu nghèo…và đồng thời còn nhiều nhân duyên phụ thuộc tốt xấu, không thể tránh khỏi được (như Anisamsa; quả báo của hành vi nhiều loại và Adinava: thân thể hằng đem lại sự khổ). Nói một cách chặc chịa hơn, thì việc làm (Kamma) và quả báo (Vipāka) đều do nơi tác ý mà ra. Việc lành, việc ác sẽ đem lại kết quả tốt xấu. Nếu việc làm thuộc về ý thì kết quả thuộc về ý sẽ phát hiện dưới hình thức hạnh phúc, tự tại, hoặc dưới hình thức khổ tâm, uất ức. Anisamsa là quả báo của hành vi về vật chất như sự sung túc, sức khỏe, tuổi thọ. Adinava là những tội khổ đem lại, như nghèo khó, bịnh tật, yểu tử, v.v…

Kamma là đặc trưng đạo đức hay loạn luân của phàm tâm thế tục và Kipâka là kết quả của đặc trưng ấy.

Tám đặc trưng của bậc siêu phàm không thể coi như Nghiệp và Quả, vì nó có mục đích bứng gốc rễ của Nghiệp. Yếu tố quan trọng hơn của tám đặc trưng thánh là trí tuệ (Paññā), trái lại yếu tố then chốt của đặc trưng phàm là ý (Cetana).

Có gieo thì có gặt, ở một nơi nào hay lúc nào chẳng hạn, trong kiếp này hoặc kiếp khác. Hiện nay ta gặt những cái chi mà ta đã trồng trong kiếp này hoặc trong kiếp quá khứ.

Kinh Samyutta Nikāya có ghi: “Ta đã có gieo những giống chi, thì nó sẽ đem quả lại cho ta. Ai đã gieo giống lành, sẽ hưởng quả lành; ai đã gieo giống dữ, sẽ thọ quả dữ. Một khi giống đã gieo rồi, thì ta chờ để hưởng lấy quả của giống ấy”.

Kamma là một định luật riêng biệt, cho nên chỉ có hiệu quả trong phạm vi của nó thôi; không có nhân nào chen vô pha lẫn với nó được.

Trong Kamma sẵn có tiềm lực để sanh ra quả: nhân sanh quả, quả giải thích lại nhân, cũng như hột giống sanh ra trái, trái sanh lại hột giống. Trong hột giống đã sẵn có cái mầm của giống, thì sự liên quan giữa nhân và quả cũng như thế ấy. Hạnh phúc và khổ não của nhơn loại chỉ là những quả không thể tránh khỏi, sanh ra bởi một cùng vài cái nhân đó thôi.

Phật giáo không cho đó là sự thưởng phạt của một đấng thiêng liêng toàn trí toàn năng nào ban bố cho những linh hồn đã làm lành hoặc gây dữ, như các nhà thần luận đã giải. Họ cho rằng đấng thiêng liêng ấy hằng ngự trên trời để trông nom và định đoạt số mạng cho chúng sanh. Họ cho rằng kiếp này là giả tạm, chỉ có kiếp vị lai là trường tồn mà họ không quan tâm đến kiếp quá khứ.

Phật giáo không nhìn nhận có đấng Tạo Hóa toàn năng bác ái ấy, cũng không nhìn nhận có linh hồn bất di bất dịch; chỉ tin nơi luật thiên nhiên công bằng, mà luật ấy không do nơi một vị Trời hay một Đức Phật nào định ra cả. Chiếu theo luật thiên nhiên ấy thì mỗi hành động sẽ đem lại sự ban thưởng hay sự trừng phạt dầu cho công lý của thế gian hạp cùng không cũng trối kệ. Có kẻ trình bày những lý luận vụng về như vầy: Kiếp này chúng ta cũng sanh trong cảnh bần cùng, bởi cái nghiệp không tốt chúng ta đã tạo ra trong kiếp quá khứ. Người kia sanh ra giàu có, vì nghiệp xưa của người ấy rất tốt. Như vậy chúng ta nên vui lòng cam chịu lấy khổ sở đi, rồi ráng làm lành để kiếp sau được làm giàu. Hoặc họ nói rằng: Chúng ta đương bị ở dưới quyền chi phối của nghiệp xấu; đó là số phận của chúng ta, chúng ta nên khiêm tốn kiên nhẫn, chịu đựng cái khổ đi; mà phải làm lành ngay bây giờ, để hưởng hạnh phúc sau khi chết.

Phật giáo chẳng hề lấy cái Nghiệp là một định mạng như thuyết nói trên; cũng không đòi hỏi một công lý nào sau khi chết. Đức Phật, với lòng từ bi bác ái vô lượng vô biên, với đức tánh không vị kỷ vị tha, chẳng hề giải thích luật nhân quả như cách nói trên, cho người ta lầm tưởng rằng Ngài ưu đãi người giàu sang hoặc khuyên nhủ kẻ nghèo nàn bằng cách hứa hẹn những hạnh phúc huyền ảo trong kiếp vị lai.

Trong tình trạng nào chẳng hạn, với sự cố gắng chánh đáng, chúng ta có thể tạo ra hoàn cảnh mới thích hợp hơn cho chúng ta, chẳng những cho riêng phần cá nhân của chúng ta mà cho tất cả một nhóm người ở chung quanh ta. Chúng ta được tự do tạo một nghiệp mới, để đem chúng ta tới chỗ tiến bộ, hoặc trái lại, đem chúng ta tới nơi sa ngã trong kiếp này đây. Theo Phật giáo, chúng ta không hề bị trói buộc trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ nào cả, vì Nghiệp không phải là số mạng hay tiền định, mà chúng ta phải cam chịu do nơi một quyền lực vô danh nào tạo ra. Nghiệp chỉ là phản ứng của hành vi ta, với hành vi khác ta có thể xoay chiều đổi hướng các phản ứng ấy một phần nào. Như thế chúng ta đâu có bị bắt buộc nhất định phải gặt hái trọn vẹn những gì mà ta đã gieo trồng.

Đức Phật dạy: “Nếu có người nói rằng họ phải bị bắt buộc gặt hái những chi mà họ đã gieo trồng, thì không có một cuộc đời đạo đức và cũng không có một dịp nào để họ diệt trừ phiền não cả. Nhưng nếu người nào nói rằng những việc chi mà ta đã gặt, đều phù hợp với hành động của ta; như vậy đạo đức vẫn có dịp tốt có thể đưa đến cho họ để diệt lấy phiền não”.

Mặc dầu trong kinh Pháp cú có câu: “Trên trời, dưới đáy biển, trong hang núi, không có một nơi nào trên thế gian này giúp cho chúng ta tránh khỏi cái quả của nghiệp xấu”. Nhưng mọi người không bị bắt buộc phải đền tội cho tất cả những lỗi lầm xưa. Nếu mọi việc đều như thế, thì sẽ không có sự giải thoát. Luân hồi mãi mãi sẽ là một kết quả nan đào.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app