Chức vị trưởng giả của xứ Kosambi

Bảy ngày sau cái chết của trưởng giả Kosambi, vua Udena suy nghĩ phải tìm một người kế thừa có những phẩm chất tốt để trao danh hiệu trưởng giả của xứ Kosambi. Vị ấy truyền lịnh cho thị vệ đi tìm xem vị trưởng giả quá vãng kia có con trai không. Tất cả những người hầu thân tín của cựu trưởng giả đều trình lên rằng vị trưởng giả quá vãng có một đứa con trai tên là Ghosaka, là người xứng đáng kế thừa địa vị của cha.

Vua Udena ban danh hiệu trưởng giả xứ Kosambi cho Ghosaka với đầy đủ biểu hiệu của chức vụ.

Khi Ghosaka trở thành trưởng giả xứ Kosambi, người vợ tài trí của cậu ta nói rằng: “Này anh yêu… Dầu chúng ta có nguồn gốc thấp hèn, chúng ta đã trở nên vĩ đại và có tiếng tăm nhờ phước quá khứ của chúng ta. Do đó chúng ta hãy cố gắng và gìn giữ nó tốt hơn bằng cách làm những việc phước với sự tinh cần và nhiệt tâm gấp đôi.” Chồng của nàng hoan hỉ chấp thuận những lời đề nghị của nàng. Và hai vợ chồng thỏa thuận với nhau là chi ra một ngàn đồng mỗi ngày trong những việc làm từ thiện (nibaddha dāna) và đều đặn như vậy cho đến hết cuộc đời của họ không gián đoạn.

(Đây là bài mô tả về trưởng giả Kosambi dựa theo Chú giải Tăng chi bộ (Aṅguttara, cuốn I).

 

ĐỨC PHẬT TRẢI QUA MÙA AN CƯ THỨ CHÍN TẠI KOSAMBI

 

Ở nước Kosambi, trước khi Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện, có ba vị trưởng giả hay bá hộ nổi tiếng. Đó là Ghosaka, Kukkudha và Pavarika là những người bạn thời thơ ấu của nhau. Họ sùng mộ năm trăm vị ẩn sĩ và hộ độ những vị ấy rất chu đáo. Tất cả những vị ẩn sĩ thường trú ngụ tại Kosambi suốt bốn tháng mùa mưa, rồi trở về các khu rừng tại Himalaya vào mùa hè và mùa đông kéo dài tám tháng.

 

Năm tháng trôi qua và đến một hôm nọ, họ cảm thấy kiệt lực sau khi phải đi qua vùng sa mạc không có nước trong chuyến đi từ Himalaya đến Kosambi. Cuối cùng, họ đến tại một cây đa to lớn và họ khởi ước muốn rằng: “ Một cây đa to lớn như thế này, ước gì có một vị thọ thần có đủ oai lực để cho họ nước uống.”

Vị thọ thần của cây đa nghĩ nên đáp ứng nhu cầu của các vị ẩn sĩ, và vị ấy khiến một dòng nước chảy ra từ nhánh chẻ của cây. Khi các vị ẩn sĩ trông thấy dòng nước trong vắt, họ hứng lấy nó và uống đến thỏa cơn khát. Sau khi đã hết khát và khỏe khoắn trở lại, họ bắt đầu suy nghĩ rằng thật tốt thay nếu vị thọ thần có thể cho họ vật thực, vì họ đang ở trong khu rừng cách xa làng mạc. Nhân đó, thọ thần cho họ vật thực của chư thiên.

Các ẩn sĩ suy nghĩ, bởi vì thọ thần đã cho họ vật thực và nước uống nên họ muốn được tận mắt trông thấy thọ thần. Rồi thọ thần hiện ra và các ẩn sĩ hỏi vị ấy: “ Thưa vị thiên… ngài đang hưởng lạc thú như thế, vì vậy chúng tôi muốn biết ngài đã làm loại phước nghiệp gì trong kiếp quá khứ? ” Vị thọ thần đáp lại: “ Trong kiếp trước, tôi đã thọ Bát quan trai giới nửa ngày.”

Câu này sẽ được giải thích rõ hơn: Trong kiếp quá khứ, vị thọ thần này là một trong những người hầu của trưởng giả Anāthapiṇḍka. Mọi người sống trong nhà của ông Anāthapiṇḍka có quy lệ là thọ bát quan trai giới vào những ngày giới. Một buổi sáng sớm nọ (của ngày giới) một người làm công được yêu cầu đi đến chỗ làm việc để làm những phận sự của ông ta. Khi ông Anāthapiṇḍka cầm bảng danh sách những người lãnh vật thực ngày hôm ấy, ông ta khám phá ra rằng người công làm người duy nhất đã đi vào rừng để làm việc trong ngày hôm ấy. Bởi vậy, ông ta cho phép người nấu bếp chừa lại một phần ăn dành cho người làm công ấy vào buổi chiều. Những người nấu bếp đã chừa lại một khẩu phần và để dành sẵn cho người làm công kia. Khi ông ta trở về, người nấu bếp trao phần ăn dành sẵn cho ông ta.

Khi người làm công thấy rằng cả nhà ngày hôm ấy đều im lặng khác thường, ông ta dò hỏi về sự im lặng bất thường ấy và phòng ăn không có người. Người nấu bếp trả lời: “ Tất cả mọi người trong nhà đang thọ trì bát quan trai giới, vì hôm nay là ngày giới.” Ông ta lại hỏi: “ Có thật vậy không mẹ ?” Bà ta gật đầu nói rằng: “ Đúng vậy.” “ Thưa mẹ… xin mẹ hỏi giùm ông chủ xem một người có thể thọ bát trai giới trong thời gian còn lại của ngày được không?” Người nấu bếp bèn đi đến vị trưởng giả và chuyển câu hỏi của người làm công và được trả lời rằng: “ Nó có nghĩa là thọ trì Bát quan trai nửa ngày chứ không phải trọn ngày. ”

Khi nghe những lời của vị trưởng giả, người làm công súc miệng và phát nguyện thọ trì giới rồi đi về chỗ nghỉ của ông ta và và thọ giới cho đến khi lăn ra ngủ. Ông ta chết do kiệt sức vào sáng hôm sau và được tái sanh làm thọ thần của cây đa to lớn ấy tại bìa rừng.

Khi nghe toàn bộ câu chuyện về kiếp quá khứ của vị ấy, các ẩn sĩ bèn hỏi thọ thần: “ Ngài đã nói về Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng… mà trước đây chúng tôi chưa bao giờ nghe đến. Có thật chăng Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác đã xuất hiện trên thế gian?” Khi thọ thần trả lời bằng sự khẳng định, các ẩn sĩ lại hỏi: “ Hiện giờ Đức Phật ấy đang trú ngụ ở đâu?” Thọ thần trả lời: “ Đức Phật hiện đang ngụ tại Jetavana tịnh xá ở nước Sāvatthi.”

Các ẩn sĩ bèn lên đường ra đi và nói rằng: “ Thưa thọ thần của cây đa… Chúng tôi sẽ đi đảnh lễ Đức Phật,” và họ đến Kosambi trên đường đi đến Sāvatthi. Ba vị đại trưởng giả nồng hậu đón tiếp các vị ẩn sĩ và mời họ thọ thực vào ngày hôm sau. Lễ bố thí vật thực vào ngày ấy đã diễn ra rất linh đình và to lớn.

Ngay sau khi các vị ẩn sĩ đã thọ thực xong, họ lịch sự nói rằng: “ Chúng tôi sẽ đi…” và các đại trưởng giả rất đỗi ngạc nhiên khi nghe những lời ấy, họ hỏi rằng: “ Thưa các đại đức…Thật hết sức không bình thường khi các ngài nói ra những lời như vậy trong khi các ngài mới đến đây chỉ có một ngày, những dịp trước các ngài thường đến ở lại một, hai, ba hay bốn tháng. Xin các ngài giải thích lý do khiến các ngài ra đi sớm như vậy trong ngày ?” Rồi các vị ẩn sĩ đáp lại: “ Thưa các vị trưởng giả… Thật vậy, sự thật là: Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác đã xuất hiện rồi, và cái chết là vấn đề chắc chắn, dầu chúng tôi không biết khi nào chết và chết như thế nào? Do đó, chúng tôi phải  vội vã đi yết kiến Đức Phật.” Các vị trưởng giả bèn xin phép được đi theo các vị ẩn sĩ.

Các ẩn sĩ bèn nói vài lời sách tấn để đáp lại lời thỉnh cầu của họ: “ Các vị có thể nán lại và đi sau vì các vị còn phải lo sửa soạn mọi thứ cho chuyến đi. Chúng tôi sẽ đi trước.” Họ rời khỏi Kosambi và lên đường hướng tới Sāvatthi mà không dừng nghỉ quá lâu trên đường đi. Khi đến tại Sāvatthi, họ đi ngay đến Đức Phật và Ngài tiếp họ bằng món ăn chánh pháp. Các vị ẩn sĩ chứng đắc đạo quả A-la-hán nhờ đạo tuệ mà họ đạt được do nghe thời pháp của Đức Phật.

Ba vị trưởng giả chứng đắc Sotāpanna

Ba vị trưởng giả rời khỏi Kosambi, mỗi vị có năm trăm cỗ xe bò chất đầy vật thí đủ loại để cúng dường, và đến Sāvatthi đúng lúc. Họ cắm trại ở gần Jetavana tịnh xá và dựng lên những phước xá tạm thời trước khi họ đi vào đảnh lễ Đức Phật. Sau khi đảnh lễ Đức Phật, họ ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Đức Phật thuyết pháp phù hợp với căn tánh của họ, kết quả là tất cả họ đều chứng đắc quả thánh Dự lưu (Sotāpanna). Họ thực hiện những sự bố thí cúng dường to lớn trong mười lăm ngày liên tục. Họ chính thức thỉnh cầu Đức Phật ban vinh dự cho họ bằng chuyến viếng thăm của Ngài đến Kosambi. Đức Phật đáp lại: “ Chư Phật thường ưa thích những nơi vắng vẻ.”

 

Các vị trưởng giả thành kính đáp lại: “Chúng con đã hiểu… Bạch Đức Thế Tôn!” và nói thêm rằng: “Xin Thế Tôn hãy bi mẫn ban vinh dự cho chúng con bằng chuyến viếng thăm của Ngài sau khi nhận lời thỉnh cầu của chúng con.” Và sau khi đi nhiễu quanh ba vòng về phía bên phải của Đức Phật, họ lên đường trở về quê nhà. Và dựng lên những nhà nghỉ ở mỗi trạm cách nhau một do tuần trên tuyến đường giữa Sāvatthi và Kosambi. Khi về đến Kosambi, họ công bố khắp nơi cho mọi người biết sự xuất hiện của Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác. Mỗi vị trưởng giả đều xây dựng những tịnh xá lớn ở trong những khuôn viên của họ với phí tổn to lớn, để dành sẵn khi Đức Phật đi đến.

 

Ba tịnh xá mang tên ba vị trưởng giả, đó là tịnh xá Ghositārāma do trưởng giả Ghosaka dâng cúng, tịnh xá Kukkudhārāma do trưởng giả Kukkudha dâng cúng, và tịnh xá Pavarikambavana của trưởng giả Pavarika xây dựng trong vườn xoài của ông.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, ba vị trưởng giả bèn cho sứ giả đặc biệt lên đường đi đến Sāvatthi để thỉnh mời Đức Phật ngự về xứ Kosambi.

Đức Phật tế độ hai vợ chồng Bà la môn Magandhi

Trên đường đến Kosambi cùng với hội chúng đông đảo tỳ khưu, Đức Phật nhận biết rằng hai vợ chồng Bà-la-môn Magandha có duyên lành chứng đắc đạo quả A-la-hán. Do đó Ngài tách khỏi con đường chính và đi về hướng của thị trấn Kammasadamma ở nước Kuru.

Bà-la-môn Magandhi trở về lúc sáng sớm sau khi trải qua suốt đếm ở bên ngoài ngôi làng để cúng dường ánh sáng theo tục lệ của họ. Trên đường đi đến ngôi làng để khất thực, Đức Phật trông thấy Bà-la- môn Magandhi đang đi hướng ngược lại. Ngài tận dụng cơ hội xuất hiện trước mặt vị Bà-la-môn già. Khi trông thấy Ngài, Magandhi tự nghĩ: “ Từ lâu ta đi tìm kiếm một chàng rễ xứng đôi với con gái của ta, duyên dáng như con ta, và có tướng mạo của vị Sa-môn. Vị Sa-môn này có trông thật quyến rũ và đẹp trai. Vị ấy quả thật xứng với con gái của ta.” Với ý nghĩ này, ông ta đi thẳng về nhà.

(Trong luân hồi, có một kiếp ông ta làm Sa-môn. Do đó Magandhi có khuynh hướng ái mộ Sa-môn).

Bà-la-môn Magandhi nói với vợ rằng: “ Này bà nó… Tôi chưa bao giờ trông thấy một vị Sa-môn nào như vậy. Người mà tôi đã trông thấy có nước da vàng ròng. Vị ấy có tướng mạo của Đại phạm thiên. Vị ấy thực sự xứng đôi với con gái của chúng ta. Hãy cấp tốc trang điểm cho con gái Magandhi của chúng ta.” Khi hai vợ chồng ông Bà- la-môn đang bận rộn mặc y phục cho con gái của họ thì Đức Phật đã để lại dấu hai bàn chân (Pada ceti) của Ngài tại chỗ gặp ông Bà-la- môn lần đầu tiên, rồi Ngài đi vào thị trấn để khất thực.

(Chú thích: Dấu chân của Đức Phật nằm ở chỗ mà Ngài đã chọn chứ không phải bất cứ chỗ nào khác. Đồng thời, dấu chân của Đức Phật chỉ những người có phước đặc biệt mới thấy được và không có gì có thể che chắn những dấu chân ấy; ngay cả voi lớn, mưa bão dữ dội cũng không thể xóa đi những dấu chân này). (Chú giải Pháp Cú)

Hai vợ chồng ông Bà-la-môn và đứa con gái của họ đi đến chỗ mà ông Bà-la-môn già đã bắt gặp Đức Phật, nhưng họ không thể nhìn thấy Ngài vì lúc bấy giờ Ngài đã vào làng. Ông Bà-la-môn già càu nhàu trách móc bà vợ của ông ta đã làm mất nhiều thì giờ trang điểm cho con gái của họ nên vị Sa-môn đã đi mất. Bà vợ bảo ông Bà-la- môn rằng: “Hãy để vị Sa-môn đi, chỉ cần cho tôi biết vị ấy đi về hướng nào?” Ông Bà-la-môn già trả lời cộc lốc: “Ông ta đi về hướng đó,” và cuối cùng họ tìm thấy những dấu chân của Đức Phật. Ông Bà- la-môn già nói: “Đây là những dấu chân của vị Sa-môn, chắc hẳn vị này đã đi về hướng đó.”

Khi trông thấy những dấu chân, vợ của ông Bà-la-môn suy nghĩ: “Ông Bà-la-môn này quả thật ngu dốt. Ông ta không đủ thông minh để biết những điều phức tạp trong kinh Phệ đà.” Và để chế giễu ông chồng, bà ta nói lời nhận xét châm biếm này: “ Này ông Bà-la- môn, ông quả thật ngu đần vì đã nói rằng ông muốn gả con gái của chúng ta cho người mà dấu chân của người ấy hoàn toàn khác biệt với những kẻ phàm phu trần tục đầy dẫy tham (rāga), sân (dosa) và si (moha). Này ông Bà-la-môn, hãy nhìn vào những dấu chân của vị ấy, đó là dấu chân của vị Phật Chánh đẳng Chánh giác, là bậc đã phá tan những xiềng xích của các phiền não. Hãy thận trọng nhìn vào những dấu chân ấy.”

Rattassa hi ukkuṭkam padaṃ bhave

duṭhassa hoti avakaḍḍhitam padaṃ

mūṭassa hoti saha sānupiḷitam

vivaṭaccha dassa imīdisaṇ padaṇ.

 

–       Dấu chân của người nhiều tham dục không chạm đất ở phần giữa.

–       Dấu chân của người nhiều sân hận được in đậm hơn ở hai gót chân.

–       Dấu chân của người si mê được in đậm ở hai gót chân và những ngón chân.

 

Dấu chân mà chúng ta thấy thì không có những biểu hiện này và do đó rõ ràng là nó thuộc về bậc Chánh Biến tri, Bậc đã đoạn trừ tất cả phiền não.

 

Ông Bà-la-môn già cảm khó chịu trong tâm vì những lời nhận xét châm chọc của bà vợ và phàn nàn rằng: “ Này bà, bà thật thô lỗ và thích sanh sự.” Trong khi họ đang lời qua tiếng lại với nhau như vậy thì Đức Phật đã thọ thực chung với các vị tỳ khưu và Ngài xuất hiện ở một nơi để ông Bà-la-môn có thể dễ dàng trông thấy Ngài.

Khi ông Bà-la-môn Magandhi trông thấy Đức Phật đi đến từ xa, ông ta quở trách vợ và nói rằng: “Người mà tôi đã nói đến chính là vị Sa-môn kia.” Và khi nói vậy, ông ta đi đến Đức Phật và phân trần với Ngài:

“ Thưa ngài Sa-môn! Tôi đã đi tìm Ngài khắp các nơi từ sáng sớm đến giờ. Không có người nào trên thế gian mà xinh đẹp như con gái của tôi và không có ai nào trên thế gian mà tuấn tú như Ngài. Tôi muốn gả con gái của tôi về làm vợ ngài để hầu hạ ngài.”

Ông Bà-la-môn già đã nói ra những lời chất phát và thẳng thắng. Nhân đó, Đức Phật đáp lại :

“Này ông Bà-la-môn, Như Lai chẳng còn chút ham muốn nào đối với ba đứa con gái của Ma vương ở thiên giới của Vasavatti. Ba người con gái ấy đã đứng bên cạnh Như Lai và dụ dỗ Như Lai bằng những lời tình tứ đầy nét duyên dáng và (ông cứ nghĩ xem) liệu Như Lai có còn ham muốn nào đối đứa con gái  của  ông  không,  Magandhi ?”

Và Ngài đọc lên câu kệ sau đây :

 

Disvāna Tanhaṃ Aratiṃ Ragañca

nāhosi chando api methuna samiṃ

kimevidaṃ muttakarīsa punnaṃ

pādāpi naṃ sanphusituṃ na icche.

Dầu ba đứa con gái của Ma vương, tên là Taṇha, Arati và Raga đã đến gặp Như Lai dưới cây đa Ajapāla với quyết tâm dụ dỗ Như Lai thọ hưởng khoái lạc bằng giao tình với chúng, Ta chẳng còn mảy may ước muốn chìu theo sự dụ dỗ của chúng và cũng chẳng có chút bợn nhơ ái dục nào trong Như Lai. Cũng vậy, Ta chẳng còn chút ham muốn nào khi trông thấy cô gái trẻ Magandhi này với thân đầy cấu uế, tựa như phẩn và nước tiểu, v.v… chí đến đụng bàn chân vào người của nàng, Ta cũng không thích.”

Đức Phật nói lên câu kệ này tựa như Ngài không phải đang nói với ông Bà-la-môn mà với một người khác.

Nàng Magandhi ôm hận

 

Nàng Magandhi, con gái của ông Bà-la-môn Magandhi, nuôi dưỡng oán hận đối với Đức Phật vì đã chê bai nàng bằng cách so sánh thân của nàng với đồ cấu uế, như phẩn và nước tiểu. “ Vị ấy lẽ ra từ chối ta một cách tế nhị mà không xúc phạm đến phẩm cách của ta, ta thề sẽ rửa mối hận này khi có cơ hội về sau.” Như vậy, Magandhi đã gieo hạt giống hận thù đối với Đức Phật.

Vợ chồng Bà la môn Magandhi chứng đắc đạo quả A-la-hán

 

Đức  Phật   chẳng  hề   quan  tâm  đến  sự   oán  hận   của  nàng Magandhi, và tiếp tục  thuyết  pháp đến Bà-la-môn Magandi, phù  hợp với căn tánh của ông (muốn biết đầy đủ chi tiết, hãy tham khảo bộ Sutta Nipāta, bài kinh Magandiya Sutta). Magandhi và vợ chứng đắc quả thánh A-na-hàm (ānāgami) vào lúc kết thúc thời pháp. Về sau, hai vợ chồng họ suy nghĩ rằng thật vô ích khi sống tại gia, và họ giao đứa con gái Magandhi cho một người chú ruột chăm lo, trước khi họ xuất gia làm Sa-môn. Sau khi thực hành phạm hạnh của Sa-môn, họ chứng đắc đạo quả A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc.

Đức Phật thọ nhận sự cúng dường ba tịnh xá

 

Sau khi độ giải thoát cho vợ chồng Bà-la-môn Magandhi, Đức Phật lên đường đi đến xứ Kosambi.

 

Khi ba vị trưởng giả nghe tin Đức Phật cùng chúng tỳ khưu đã đến, họ sửa soạn đón tiếp Đức Phật một cách long trọng và cung rước Ngài đến các tịnh xá. Khi đến các tịnh xá, họ ngồi xuống ở nơi phải lẽ và sau khi đảnh lễ Ngài, họ tác bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, ba tịnh xá đã được xây dựng với mục đích dâng cúng đến chúng Tăng. Chúng con cầu xin Thế Tôn bi mẫn thọ lãnh ba tịnh xá này để chư Tăng khắp bốn phương đến trú ngụ.” Đức Phật hoan hỉ thọ lãnh chúng theo sự thỉnh cầu của các thí chủ. Rồi ba vị trưởng giả thỉnh Đức Phật chủ trì lễ trai Tăng vào ngày hôm sau rồi họ ra đi.

(Điều tất nhiên là những sự kiện liên quan đến nữ tỳ Khujjuttara, Hoàng hậu Samavatī, và hoàng hậu Magandhi cần được bao gồm ở đây để hoàn thành chủ đề. Nhưng những sự kiện liên quan đến Khujjuttara và Samavatī sẽ được đề cập đến khi chúng tôi bàn về Tăng Bảo. Bài mô tả đầy đủ về Magandhi có thể tìm thấy ở bộ Chú giải Pháp Cú. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập những sự kiện thích đáng cần thiết đối với chương này).

Đức Phật vào ngụ ở các tịnh xá do ba vị trưởng giả dâng cúng và trải qua mùa an cư thứ chín tại Kosambi.

Những ác nghiệp của Magandhi

 

Trong thời gian Đức Phật trải qua mùa an cư thứ chín tại Kosambi, thì nàng Magandhi trở thành chánh hậu của vua Udena. Vấn đề như thế này: Magandhi được cha mẹ giao lại cho người chú của nàng là Cula Magandhi chăm sóc, trước khi họ xuất gia Sa-môn. Vua Udena sau khi bàn bạc với người chú Cūla Magandhi, đã phong nàng làm hoàng hậu. Một hậu cung với năm trăm nữ tỳ được dành cho  nàng và như vậy Magandhi đã trở thành hoàng hậu của vua Udena lúc bấy giờ. Đức Phật nhập hạ thứ chín tại Kosambi.

Sau khi biết được rằng Đức Phật đã đến tại Kosambi, nàng cho gọi tất cả những tên côn đồ, lưu manh và nghiện ngập đến, rồi bỏ ra một số tiền mua chuộc chúng, bảo chúng gọi Đức Phật bằng nhiều cái tên do nàng bày ra. Khi Đức Phật vào kinh thành để khất thực vào ngày hôm sau, để đáp lại lời thỉnh cầu dự lễ cúng dường vật thực của ba vị trưởng giả, những tên lưu manh, nghiện ngập ấy bèn mắng nhiếc Ngài bằng những cái tên có tính chất lăng mạ do Magandhi chỉ dạy.

Đại đức Ānanda nài xin Đức Phật rời khỏi chỗ ấy : “Bạch Đức Thế Tôn… chúng ta không nên trú ngụ tại một thị trấn nơi mà chúng ta bị chửi mắng. Chúng ta hãy đi đến một thị trấn khác!” Nhân đó, Đức Phật đáp lại: “ Này Ānanda, chư Phật hoàn toàn tự tại trước tám pháp thăng trầm của thế gian và tất cả những lời chửi mắng, gièm pha đều phải diệt tắt trong vòng bảy ngày, không thể lâu hơn. Những kẻ lăng mạ sẽ phải nhận lãnh hậu quả về tội lỗi mà chúng đã làm. Ngươi không cần phải lo lắng buồn phiền về những điều sai trái như vậy! ”

(Đây là dạng tóm tắt của bài trình bày trong bộ Chú giải Tăng chi, Chú giải Pháp cú, 223 Nāga Vagga. Lời mở đầu về Atta daṇda vatthu có một bài trình bày khá chi tiết).

Những cố gắng tự nguyện phi thường của ba vị Trưởng lão xứ Kosambi

Ba vị trưởng giả thỉnh Đức Phật vào thành phố và thực hiện sự cúng dường đủ loại rất dồi dào. Đức Phật trú ngụ tại các tịnh xá của họ theo thứ tự luân phiên và thọ lãnh vật thực cũng theo cách ấy. Nói cách khác, khi Đức Phật trú ở tịnh xá Ghositārāma vào ngày nào thì Ngài đến thọ lãnh vật thực ở nhà của ông Ghosita vào ngày hôm sau. Cũng vậy, Ngài thọ lãnh vật thực ở nhà của ông Kukkudha và Pavarika, theo thứ tự nối tiếp. (Chú giải Pháp Cú)

Sau thời gian khoảng một tháng, ba vị trưởng giả cùng hiểu ra vấn đề là :

“Chư Phật xuất hiện vì mục đích che chở chúng sanh và nâng cao lợi lạc của họ, chúng ta nên lo liệu để tất cả dân chúng cũng được góp phần trong các việc phước. ”

Do đó, họ tạo cơ hội thuận tiện để tất cả dân cư đều tham gia vào các việc phước, kết quả là tất cả dân cư trong nước Kosambi đều bố thí cúng dường tại những con đường, góc phố riêng của họ hay bằng cách thành lập những nhóm từ thiện.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app