Thái tử Bodhi quy y Tam bảo

Khi Đức Phật đã thuyết bài pháp về sự an trú của nhóm năm vị Sa-môn trong đạo quả A-la-hán, thì thái tử Bodhi hỏi Đức Phật rằng:

“ Bạch Đức Thế Tôn, đối với người có đạo sư là Đức Thế Tôn, người ấy phải tu tập bao lâu để chứng đắc đạo quả A-la-hán và thọ hưởng sự an lạc tịch tịnh?” Đức Phật trả lời: “ Thưa thái tử, về vấn đề này, Như Lai muốn hỏi thái tử một câu hỏi và thái tử có thể trả lời nếu thấy thích hợp : Phải chăng thái tử đã lão luyện trong việc điều phục voi và sử dụng móc sắt?” Thái tử đáp: “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, con đã lão luyện trong việc điều phục voi và sử dụng móc sắt.”

Đức Phật tiếp tục hỏi thái tử :

“Thưa thái tử, giả sử có một người nào đó biết rằng thái tử lão luyện trong việc điều phục voi và sử dụng móc sắt, ông ta đi đến xin học nghệ thuật điều phục voi nhưng ông ta có những khuyết điểm sau đây :

(1)   Thiếu lòng tin: Ông ta không có đủ lòng tin để đạt đến mục tiêu mong muốn.

(2)   Bịnh: Ông ta bị bịnh đủ nặng làm ngăn trở ông ta trong việc đạt đến mục tiêu mong muốn.

(3)   Tự phụ: Ông ta có tánh tự phụ thích khoe khoang, là pháp làm ngăn trở ông ta trong việc đạt đến mục tiêu mong muốn.

(4)   Thiếu cố gắng: Ông ta thiếu sự nỗ lực cố gắng để đạt đến mục tiêu mong muốn.

(5)   Thiếu thông minh: Ông ta không đủ thông minh để đạt đến mục tiêu mong muốn.

Liệu người ấy có khả năng học được nghệ thuật điều phục voi và sử dụng móc sắt chăng ?”

Thái tử đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn… không thể nào dạy cho một người mà có một trong năm khuyết điểm để đạt đến mục tiêu mong muốn, nói chi đến việc dạy cho người có cả năm khuyết điểm ấy. ”

Rồi Đức Phật hỏi tiếp :

“Thưa Thái tử… Giả sử có người đi đến thái tử để học môn điều phục voi và sử dụng móc sắt, ông ta có năm đức tánh sau đây:

(1)   Về lòng tin : ông ta có đủ niềm tin khiến ông ta có thể đạt đến mục đích mong muốn.

(2)   Về bịnh tật: ông ta không có bịnh nào cả, hay ông ta là người khỏe mạnh có thể đạt đến mục đích mong muốn.

(3)   Về tánh tự phụ: ông ta không tự phụ hay ông ta là người có tánh chất phác, nhờ đó giúp ông ta có khả năng đạt đến mục đích mong muốn.

(4)   Về sự tinh tấn: ông ta là người có sự nỗ lực tinh tấn, nhờ đó giúp ông ta có thể đạt đến mục đích mong muốn.

(5)   Trí thông minh: ông ta là người có trí thông minh có khả năng đạt đến mục đích mong muốn.

Với một người có những đức tánh như vậy, liệu thái tử có thể dạy cho ông ta đạt đến mục đích mong muốn chăng? ”

Thái tử Bodhi đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn … Con có thể dạy cho một người đạt được mục đích mong muốn chỉ cần ông ta có một trong năm đức tánh trên, tốt hơn nếu ông ta có cả năm đức tánh. ”

Năm chi Cần (Padhāniyañgac)

Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết giảng:

“Cũng vậy, thưa thái tử, có năm đức tính mà người hành thiền quán cần phải có :

(1)      Trong giáo pháp này, vị tỳ khưu có niềm tin đầy đủ trong A-la- hán đạo trí và Nhất thiết trí của Đức Phật, có sự hiểu biết rằng Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác có đầy đủ chín ân đức (Araham:vì đáng được sự tôn kính cao nhất; Sammāsam- buddha: vì đã tự mình giác ngộ hoàn toàn; v.v… ; Bhagavā: vì có sáu oai đức vĩ đại).

(2)      Vị ấy không có bệnh và có thân tâm bình thường và có bộ phận tiêu hóa tốt (pācaka-tejo) có thể tiêu hóa vật thực dễ dàng, tiện việc thực hành thiền quán.

(3)      Vị ấy không tự phụ và không dối trá, thành thật với Đức Phật hay các vị đồng tu.

(4)    Vị ấy siêng năng trong công việc đoạn trừ mọi điều ác và cố gắng thực hành các điều thiện. Vị ấy nỗ lực và kiên trì. Vị ấy có nhiệt tâm bất thối trong việc thực hành các việc phước, không phạm tội.

(5)    Vị ấy có trí tuệ và là người có tuệ quán (thấy được trạng thái ‘sanh và diệt’ của các pháp hữu vi – udayabbaya-ñāṇa, nhằm đoạn trừ khổ đau của vòng sanh tử).

Thưa thái tử…, như đã giải thích, một người có năm đức tính này, trong vòng bảy năm, dưới sự hướng dẫn của vị đạo sư là Đức Phật, có khả năng giác ngộ đạo quả A-la-hán và có thể sống an lạc.

Thưa thái tử…, nếu thời gian bảy năm được xem là quá dài, người có năm đức tánh này có thể chứng ngộ đạo quả A-la-hán trong sáu năm, bốn, ba, hai hoặc một năm dưới sự hướng dẫn của bậc đạo sư là Đức Phật có thể sống hạnh phúc.

Thưa thái tử…, nếu thời gian một năm được xem là quá dài, người có năm đức tánh này có thể chứng ngộ đạo quả A-la-hán trong vòng bảy tháng dưới sự hướng dẫn của bậc đạo sư là Đức Phật và có thể sống hạnh phúc.

Thưa thái tử…, nếu thời gian bảy tháng được xem là quá lâu, người có năm đức tánh này có thể giác ngộ đạo quả A-la-hán trong vòng 6,5,4,3,2, một tháng, nửa tháng dưới sự hướng dẫn của bậc đạo sư là Đức Phật và có thể sống hạnh phúc.

Thưa thái tử…, nếu thời gian mười lăm ngày được xem là quá lâu, người có năm đức tánh này có thể chứng ngộ đạo quả A-la-hán trong vòng bảy ngày, sáu ngày, 5,4,3,2, một ngày dưới sự hướng dẫn của bậc đạo sư là Đức Phật và có thể sống hạnh phúc.

Thưa thái tử …, nếu một ngày được xem là quá lâu, người có năm đức tánh này có thể giác ngộ đạo quả A-la-hán trong nửa ngày, nghĩa là người có năm đức tánh này và được Đức Phật chỉ dạy vào buổi chiều sẽ giác ngộ đạo quả A-la-hán vào buổi sáng, nếu được chỉ dạy vào buổi sáng thì sẽ giác ngộ đạo quả A-la-hán vào buổi chiều.

Đây là câu trả lời của Đức Phật đối với câu hỏi của thái tử Bodhi.

Sau đây là bài kệ của ngài Ledi Sayadaw tóm lượt về năm cần chi, nên được ghi nhớ nhằm lòng:

Đức tin, sức khỏe, thật thà,

Tinh cần, tuệ quán gọi là cần chi,

Năm đức cần phải thọ trì,

Ngõ hầu chứng đắc vô vi Niết-bàn !

 

Trong năm cần chi này, đức tin (saddhā) có thể phân thành 4 loại:

(1)  Āgama saddhā: Đức tin của chư vị Bồ tát tồn tại bất thối chuyển từ khi phát nguyện thành Phật.

(2)    Adhigama saddhā: Đức tin của các bậc thánh nhân (ariya- puggala) tồn tại bất động kể từ khi chứng đắc đạo trí (magga- ñāṇa).

(3)  Okappana saddhā: Đức tin vào Đức Phật là Bậc đã tự giác ngộ hoàn toàn; tin vào Pháp được khéo thuyết giảng;  tin  vào  sự  chánh trực của đức Tăng.

(4)   Pasāda saddhā: Tâm tịnh tín do lòng tôn kính đối với những ân đức của Phật, Pháp và Tăng.

Trong bốn loại saddhā này, Okappana saddhā, đức tin vào Tam bảo được xem là Tín chi của năm cần chi (Padhāniyañga).

Khi thái tử Bodhi nghe xong thời pháp do Đức Phật thuyết giảng, vị ấy nói những lời tán dương đầy tôn kính sau đây: “ Người hành đạo đúng theo sự chỉ dạy của Đức Phật vào lúc chiều thì có khả năng đắc Đạo và Quả vào buổi sáng; người hành đạo đúng theo sự chỉ dạy của Đức Phật vào buổi sáng thì có khả năng đắc Đạo và Quả vào buổi chiều. Đức Phật kỳ diệu, giáo pháp thật kỳ diệu, cách thuyết pháp thiện ở phần đầu, thiện ở phần giữa và thiện ở phần cuối quả thật kỳ diệu.” Như vậy thái tử đã nói lời tán dương về cách thuyết pháp của Đức Phật.

Khi thanh niên Sanjikaputta nghe thái tử Bodhi tán dương thời pháp, vị ấy nói lời khiêu khích thái tử: ‘Vị thái tử Bodhi này đã nói rằng, Đức Phật kỳ diệu, Giáo pháp kỳ diệu vì thiện ở phần đầu, thiện ở phần giữa và thiện ở phần cuối, và vị ấy cũng tán dương cách mà trong đó pháp được thuyết giảng. Chung quy, thái tử xem ra vẫn chưa quy y Phật, Pháp và Tăng.

Rồi thái tử giải thích cặn kẽ với vị ấy:

“Này ông bạn… Sañjikaputta… đừng nói như vậy, đừng nói như vậy, ông bạn Sañjikaputta. Hãy chú ý đến những điều mà ta sắp nói cho ngươi biết bây giờ, những điều mà ta đã nghe mẹ ta nói trong quá khứ.”

Khi Đức Phật đang ngụ ở tịnh xá Ghositarāma trong nước Kosambi, mẹ của ta cung kính đi đến Đức Phật và nói lời thỉnh cầu long trọng: “Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Thế Tôn nhủ lòng bi mẫn ban phước cho đứa con sắp sanh của con có thể là con trai hoặc con gái, mà con đang mang trong người, được quy y Phật, quy Pháp, quy y Tăng bằng cách nhận nó là cận sự của Tam bảo (upāsaka hoặc upāsikā) kể từ lúc nó sanh ra cho đến khi chết.”

Này ông bạn Sañjikaputta… Khi Đức Phật đang ngụ trong rừng thiêng Bhesakala này thuộc phủ Bagga, thì bà nhũ mẫu của ta đã bồng ta đến Đức Phật và nói lời thỉnh cầu rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, vị hoàng tử Bodhi này xin quy y Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng . Xin Ngài bi mẫn xem hoàng tử Bodhi này là thiện nam kể từ hôm nay cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. ”

Này ông bạn Sañjikaputta… thêm vào hai lời thỉnh cầu của mẹ ta và nhũ mẫu của ta, lần thứ ba này chính ta quy Phật, quy y Pháp và quy y Tăng: “Bạch Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy xem con là cận sự nam từ nay cho đến trọn đời.”

(Ở đây có câu hỏi cần được nêu lên về tánh hiệu quả hay nói cách khác về những lời thỉnh cầu của mẹ và nhũ mẫu của thái tử. Nói đúng ra, chúng không có hiệu quả do thiếu chủ ý (cetanā ) của đương sự. Không có sự quy y Tam bảo như vậy nếu không có chủ ý).

Phải chăng hai lời thỉnh cầu trước không có hiệu lực gì ? Thực ra, chúng không hẳn là không có giá trị, chúng làm bước mở đầu cho niềm tịnh tín và đem lại lợi ích cho thái tử. Vị ấy biết rõ những ân đức của Tam bảo khi cha mẹ của thái tử báo cho thái tử biết điều mà họ đã làm cho thái tử phòng khi vị ấy đi đến Đức Phật. Vị ấy hầu như trở thành một thiện nam vững chắc vào lúc vị ấy biết rõ những ân đức của Tam bảo và đặt niềm tin vào đó.

(Những sự kiện liên quan đến thái tử Bodhi được rút ra từ bài kinh Majjhima-paṇāsa Bodhi Rājakumāra Sutta Pāḷi, Atthakata and Tika).

Thái tử Bodhi chứng đắc quả thánh Sotāpatti

 

Sau đó, thái tử Bodhi ngồi xuống ở một nơi thích hợp, không phạm vào sáu lỗi và bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn… Con là một trong những cận sự nam của Thế Tôn. Mẹ của con đầu tiên đã xin ân huệ nơi Thế Tôn là chấp nhận con là cận sự nam trước khi con sanh ra và nhũ mẫu của con cũng thỉnh cầu tương tự lần thứ hai khi đang bồng con trong tay của bà. Con cũng đã thỉnh cầu Đức Thế Tôn lần thứ ba khi con đã lớn khôn. Với tất cả điều ấy, Thế Tôn đã từ chối không bước lên tấm thảm trắng do một cận sự nam như con trải ra. Cầu xin Đức Thế Tôn hãy khai sáng cho con về nguyên nhân của tất cả điều này!”

Rồi Đức Phật đáp lại: “ Này Thái tử…đó là lý do khiến Như Lai không bước lên nó.” Thái tử lại hỏi: “ Bạch Đức Thế Tôn… Có phải con bị nghiệp không có con chăng?” “ Đúng vậy…Thái tử.” Đức Phật đáp lại.

Thái tử hỏi: “ Xin Đức Thế Tôn cho biết nguyên nhân của nó.” Đức Thế Tôn nói lời gợi ý: “ Nguyên nhân là thái tử đã dể duôi và đắm chìm trong ngũ dục cùng với vợ của thái tử trong một kiếp quá khứ nọ.” Thái tử thỉnh Đức Phật khai sáng cho vị ấy về lúc nào và kiếp nào vị ấy sống dể duôi và đắm chìm trong ngũ dục. Sau đây là câu trả lời của Đức Phật về lời thỉnh cầu của thái tử.

“Vào một thuở nọ, có hằng trăm người vượt đại dương bằng một chiếc thuyền lớn. Chiếc thuyền bị đắm giữa biển và tất cả những người đi tàu đều bị chết đuối ngoại trừ một cặp vợ chồng nhờ bám vào tấm ván mà sống sót khi tấm ván tấp vào một hải đảo nọ.

Trên đảo này có rất nhiều chim trú ngụ, và hai vợ chồng, để thỏa mãn cơn đói của họ, đã luộc trứng chim để ăn. Ngoài ra họ còn giết những chim con để ăn thịt trải qua suốt cuộc đời của họ. Họ không biết rằng làm như vậy là đã gây ra một ác nghiệp.”

Sau khi mô tả những ác nghiệp trong quá khứ của họ, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng:

“Này thái tử… Nếu thái tử cùng vợ nhận ra những ác nghiệp của mình ở một giai đoạn nào đó của cuộc đời, thì thái tử có cơ may có con vào thời kỳ tương ứng trong kiếp hiện tại của thái tử.

Nếu một trong hai người nhận ra ác nghiệp mà từ bỏ thì sẽ có cơ hội có con.

Này thái tử, người biết thương mình thường biết rõ những lợi ích của những việc thiện trong cả ba thời kỳ của cuộc sống, nếu không, người ấy có thể tự phòng hộ mình tránh xa những việc ác ở một thời kỳ nào đó trong cuộc sống.”

Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết giảng:

Attānañce piyaṃ jaññā,

rakkheyya naṃ surakkitaṃ

tiṇṇaṃ aññataraṃ yāmaṇ

paṭijaggeyya paṇḍito.

 

Này thái tử… người có trí tuệ biết thương mình, hằng hộ phòng bản thân tránh xa mọi tội lỗi, vì lợi ích của chính mình trong kiếp hiện tại và kiếp tương lai. Người ấy nên thanh lọc bản thân để tránh mười ác nghiệp, vì lợi ích của chính mình ở một trong ba thời kỳ của cuộc đời.

( Câu “ Người có trí tuệ biết thương mình hằng hộ phòng bản thân” nên được hiểu rõ như vầy: Trong trường hợp của một cư sĩ (người bình thường), người ấy không nên nghĩ rằng mình được bảo vệ do cổng kín tường cao với gia nhân canh gác. Cũng vậy, vị tỳ khưu không nên cho mình là an toàn khi ở trong hang động có cửa đóng then gài.

Thực ra, người cư sĩ khéo hộ phòng bản thân chỉ bằng cách bố thí và trì giới càng nhiều càng tốt. Vị bhikkhu hộ phòng bản thân bằng cách siêng năng làm những phận sự thường ngày của mình đối với các vị bhikkhu đồng cư và những vị bhikkhu cao hạ, và cố gắng học giáo pháp và thực hành thiền quán cho được tiến bộ và an lạc.

Câu: “ Người ấy nên thanh lọc chính mình ở một trong ba thời kỳ của cuộc sống,” nghĩa là: điều cấp thiết là người cư sĩ hay vị bhikkhu nên cố gắng gieo tạo phước bằng cách thọ trì giới phù hợp với mình trong cả ba thời kỳ của cuộc sống hoặc một trong ba thời kỳ ấy.

Khi một người không thể làm các việc phước trong độ tuổi còn nhỏ ham chơi, thì người ấy nên làm phước vào thời kỳ thứ hai của cuộc sống. Không làm được vì gánh nặng cuộc đời, người ấy nên làm phước ở thời kỳ cuối của cuộc đời mà không nên bỏ lỡ. Người như vậy được xem là đã lo cho sự thanh lọc bản thân. Người không lo cho sự thanh lọc của chính mình thì đi vào con đường dẫn đến khổ cảnh.

Trường hợp vị bhikkhu không thọ trì tỳ khưu giới và không hành thiền ở giai đoạn đầu vì công việc và phận sự đa đoan, vị ấy nên cố gắng thực hành chúng ở thời kỳ thứ hai. Nếu ở thời kỳ thứ hai cũng còn bận rộn nhiều phật sự thì vị ấy không có lý do gì mà bỏ cả thời kỳ thứ ba không tu tập. Chỉ khi ấy vị ấy mới được xem là người, lo cho sự thanh lọc bản thân là người biết thương mình và không bị sự dày  vò cắn rứt).

Vào lúc kết thúc thời pháp, Thái tử Bodhi chứng đắc quả thánh nhập lưu, và thời pháp đã đem lại lợi ích cho những người hiện diện ở đó.

(Đây là câu chuyện về Thái tử Bodhi).

Ác ma đi vào bụng của Tôn giả Moggalāna

Vào một thuở nọ, tôn giả Mahā Moggallāna đang ngụ ở một tịnh xá trong rừng thiêng Bhesakala, gần thị trấn Susmaragira thuộc phủ Bagga. Trong khi tôn giả đang đi kinh hành ở ngoài trời thì Ác Ma đột nhiên đi vào bụng của tôn giả và ngồi trên khối ruột già. Tôn giả Mahā Moggallāna cảm thấy bụng của mình nặng như có tảng đá to. Cái bụng căng và nặng tựa như chứa đầy vật thực hoặc như cái túi đựng đầy chất lỏng. Vị ấy nghĩ rằng nếu sức nặng trong bụng do bởi chứng khó tiêu thì tốt hơn không nên đi kinh hành ở ngoài trời. Cuối cùng vị ấy trở về phòng và ngồi trên chỗ ngồi được bày sẵn.

Tôn giả tiếp tục suy xét về nguyên nhân của sự khó chịu theo cách thông thường. Nếu vị ấy cố gắng tẩy ruột sau khi quán xét về sự trong sạch của giới và quyết tâm đoạn trừ tất cả sự đau đớn do chứng khó tiêu hoặc rối loạn tiêu hóa gây ra, thì Ác ma ngu xuẩn ắt sẽ bị tan tát thành những mảnh nhỏ. Nhưng vị ấy không cố gắng làm vơi dịu cơn đau theo cách như thế. Vị ấy chỉ tiếp tục suy xét về nguyên nhân của nó theo cách bình thường.

 

Sau khi xem xét cẩn thận về nguyên nhân của cơn đau ở bụng như thế, tôn giả lưu ý thấy Ác ma đang ngồi trên đống ruột già, và vị ấy nói rằng: “ Này Ác ma… hãy đi ra, này Ác ma… hãy đi ra. Ngươi không nên quấy phá Đức Phật ! Đừng làm khổ chính mình rồi phải lãnh chịu những quả khổ trong thời gian lâu dài về sau.” (Sở dĩ tôn giả Mahā Moggallāna nói như vậy vì mọi cố gắng sinh sự với trẻ con tức là thách thức với cha mẹ của chúng. Cũng thế, quấy rối các vị Thinh văn đệ tử là quấy rối Đức Phật. Đó là điều mà tôn giả Mahā Moggallāna muốn nói khi vị ấy nói rằng: “ Đừng gây phiền phức cho Đức Thế Tôn.”)

 

Ác ma nghĩ rằng: “ Vị tỳ khưu này đã nói rằng : ‘Này Ác ma… hãy đi ra. Đừng gây phiền phức cho Đức Thế Tôn! Đừng gây phiền hà cho đệ tử của Đức Thế Tôn! Đừng cố gắng đem phiền phức cho chính mình và chịu các quả khổ trong một thời gian lâu dài. ” Vị ấy cũng có cảm nghĩ rằng ngay cả Đức Thế Tôn cũng sẽ không có năng lực nhìn thấy vị ấy, huống chi đệ tử của Ngài. Nhân đó, tôn giả Mahā Moggallāna nói rõ với Ác ma: “Này Ác ma, Ta biết người và ta cũng biết người đang nghĩ gì… đừng cho rằng ta không có khả năng biết được ý nghĩ của ngươi. Người là Ác ma. Ngươi hiện đang nghĩ rằng ta không biết gì về ngươi khi ta nói rằng: ‘Hãy đi ra, này Ác ma…đừng cố gắng gây phiền phức cho Đức Thế Tôn. Đừng cố gắng đem phiền phức đến cho đệ tử của Đức Thế Tôn. Đừng cố gắng đem phiền phức cho chính người và chịu những quả khổ trong thời gian lâu dài. Ngươi đã nghĩ rằng ngay cả Đức Thế Tôn cũng không có khả năng biết được ngươi, huống chi một đệ tử như vị ấy. Phải chăng đó là ý nghĩ trong tâm của người?”

 

Ma vương bắt đầu nhận ra rằng vị trưởng lão này đã thực sự trông thấy vị ấy và biết được ý nghĩ của vị ấy nếu không ắt vị ấy đã không nói rằng: “ Hãy đi ra, này Ác ma… Đừng cố gắng gây phiền phức cho Đức Thế Tôn. Đừng cố gắng gây phiền phức cho đệ tử của người. Đừng cố gắng đem phiền phức đến cho chính ngươi và chịu những quả khổ trong thời gian lâu dài, ” và vì thế, Ác ma ra khỏi bụng của đại trưởng lão và ẩn mình ở ngoài cửa.

 

Khi đại trưởng lão trông thấy Ma vương đang đứng ở ngoài cửa, vị ấy nói rằng: “ Này Ác ma, ta thấy ngươi hiện đang đứng ở đâu, ngươi đừng nghĩ rằng ta không thể trông thấy ngươi. Ta trông thấy ngươi đang đứng ở bên ngoài của cánh cửa.” Rồi đại trưởng lão chợt suy nghĩ:

“ Mùi hôi phát ra từ thân người có thể gây bất tiện cho các vị chư thiên ở cách xa một trăm do tuần (xem Di: 2:260). Ma vương là chư thiên ở cõi Tha hóa tự tại thiên (Paranimitta Vasavatti) nơi mà chúng sanh ở đó có sự thanh khiết và thân vi tế. Nhưng, vì Ma vương đã vào ngồi trên đống ruột già dơ dáy, có thể vị ấy cố ý làm hại ta và hủy hoại ta. Vì có bản tánh như vậy, không nên để vị ấy gây ra bất cứ điều ác nào !

 

Vị ấy xem ra không có tàm và quý về những kết quả của những ác nghiệp. Do đó, tốt hơn, trong mọi hoàn cảnh là cho vị ấy biết rằng chúng ta là quyến thuộc máu huyết và làm cho vị ấy trở nên hiền thuận trước khi vị ấy chịu ra đi.”

 

Với ý định như vậy, tôn giả Mahā Moggallāna báo cho Ma vương biết sự thật rằng vị ấy là cháu của tôn giả, bằng cách kể cho vị ấy nghe về một kiếp quá khứ của chính vị ấy.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app