ĐỨC PHẬT RA ĐỜI VÌ LỢI ÍCH CỦA TẤT CẢ NHÂN LOẠI
Ngày nay, hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua, người dân ở đây được thấy là rất hăng hái hoạt động, nhưng dường như họ không còn chút hiểu biết gì về sự ra đời của một vị Phật. Nói chung, ngay cả những làng quê ở Miến Điện cũng vậy, mặc dù những cư dân ở đây đều là Phật tử, nhưng tôi nghĩ Giáo Pháp của Đức Phật trong những thôn làng ở Miến này có thể một ngày nào đó sẽ chìm vào quên lãng. Và nếu điều này xảy ra, tình trạng sẽ thực sự đáng thương.
Do đó, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và thận trọng để cứu vãn nếp sống văn hóa Phật giáo khỏi sự suy đồi và diệt vong. Phương pháp bảo vệ là mỗi người phải tự mình thực hành Giới, Định và Tuệ. Đặc biệt cần phải nỗ lực thực hành thiền minh sát để đạt đến giai đoạn Nhập Lưu. Điều cần thiết nữa là chúng ta phải cổ vũ và động viên các thế hệ tương lai – con cháu của chúng ta, tiếp nối công việc hành thiền để bảo tồn di sản cao quý của văn hóa Phật giáo này sao cho được bền vững lâu dài.
Đức Phật, bậc mà tất cả chúng ta quy ngưỡng, đã tận diệt mọi phiền não và trở thành một con người trí tuệ và có nếp sống văn hóa cực kỳ cao, với cái nhìn thấu suốt và trí tuệ của mình ngài đã chỉ cho chúng ta con dường để được giải thoát khỏi những bất tịnh của phiền não giống như cách ngài đã thành công khi làm như vậy.
Giải thích thêm về câu thứ ba: “Santo so bhagavā samathāya dhammam deseti.” (“Thế Tôn đã tịch tĩnh, Ngài thuyết pháp để tịch tĩnh”). Đức Thế Tôn, bậc mà tất cả chúng ta nương tựa, sau khi đạt đến sự bình yên và tịch tĩnh của tâm nhờ gột rửa sạch những tham muốn và dục vọng của con người, và với lòng bi mẫn mong muốn cho tất cả chúng sanh đều được tâm bình yên và tĩnh lặng như ngài, đã thuyết pháp và chỉ dạy cho chúng ta thấy Chân Lý của Pháp bằng cách viện dẫn thánh trí của ngài như một người tiên phong.
Về câu “Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua” cũng cần phải hiểu như vậy, nghĩa là, Đức Thế Tôn sau khi vượt qua Đại Dương sâu thẳm của Luân Hồi và đến được bờ bên kia – Niết Bàn, đã thuyết giảng Chân Lý về Pháp với lòng đại bi và trí tuệ để giúp nhân loại thoát khỏi khổ đau và vượt qua đại dương luân hồi.
Tất cả chúng sanh đang trôi lăn trong biển khổ luân hồi. Dòng nước lũ của Luân Hồi này do bốn bộc lưu (Ogha) tạo thành, đó là dục bộc lưu (kāmogha), hữu bộc lưu (bhāvogha), kiến bộc lưu (diṭṭhogha) và vô minh bộc lưu (avijjogha). Dục bộc lưu là dòng nước lớn của dục hay trận lụt của những tham muốn nhục dục. Dòng nước xoáy này có thể hút hoặc nhấn chìm một người và giết chết họ. Tai họa hay số phận loại này cũng có thể giáng xuống một người bị cuốn vào những vòng xoáy (hữu, kiến và vô minh bộc lưu) còn lại. Nếu một người có khả năng tạo trữ các thiện nghiệp như bố thí, giữ giới,….họ có thể được giảm khinh nhờ tái sanh trong cõi trời hoặc cõi người. Bằng không, sau khi phạm những ác nghiệp như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, lừa đảo, họ sẽ bị chìm xuống bốn cõi khổ.
Những ai tạo trữ được các thiện nghiệp trong kiếp này sau khi chết sẽ tái sanh trong cõi chư thiên hoặc cõi người, nơi đây ngoài việc phải gặp và trải qua những loại khổ khác nhau của thân và tâm, họ còn phải trải qua tiến trình già, chết như trước. Đây gọi là trôi theo dòng sông dục (kāma) đến cõi vui dục giới (kāma sugati). Hữu Bộc Lưu (bhavogha) có nghĩa là tham chấp vào sự hiện hữu an vui của cõi Phạm thiên sắc giới (rūpabhava) và Phạm thiên vô sắc giới (arūpabhava). Trong những cõi này cũng vậy, cái chết cuối cùng rồi cũng phải xảy ra. Điều này có nghĩa là họ không thể chống lại nổi cái chết do chìm đắm trong dòng cuồng lưu của hiện hữu gọi là Hữu Bộc Lưu. Kiến Bộc Lưu (diṭṭhogha) còn gọi là tà kiến (micchādiṭṭhi). Vô Minh Bộc Lưu (avijjogha) ngụ ý sự chấp nhận quan niệm sai lầm của thường (nicca), lạc (sukha), và hữu ngã (atta), thay vì có chánh kiến về bản chất của pháp như vô thường (aniccā), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Do vô minh và tà kiến này, người ta sẽ phải đi xuống bốn cõi thấp cùng với những nỗi thống khổ đủ mọi loại đi kèm. Ngay cả trong cõi người và cõi chư thiên, người ta cũng sẽ phải gặp vô vàn khổ đau. Trong cõi Phạm thiên cũng vậy, cái chết là điều chắc chắn phải đến. Do đó, đây cũng chỉ là một hình thức giết người bằng cách nhấn chìm họ vào dòng nước xoáy của vô minh và tà kiến mà thôi.
Đức Phật đã thuyết bài pháp cao quý này để giúp mọi người thoát khỏi Đại Dương Luân Hồi, sự tái sanh liên tục, trong đó con người trôi dạt lúc chỗ này lúc chỗ kia cho tới khi đến được vùng an toàn, hay Vùng Bất Tử gọi là Niết Bàn. Chính vì vậy, Đức Phật luôn khích lệ chúng ta – hãy giữ vững Chánh Pháp và thực hiện sự giải thoát cuối cùng của chúng ta với sự chuyên cần (không dễ duôi).
Về câu thứ năm: “Parinibbuto so bhagavā parinibbānāya dhammam deseti.”
(“Thế Tôn đã chứng Niết-bàn, Ngài thuyết pháp để chứng Niết-bàn”). Đức Thế Tôn, Bậc thực sự xứng đáng để tất cả chúng ta tôn kính, sau khi diệt tận mọi tham ái, với lòng đại bi và trí tuệ ngài đã thuyết giảng và chỉ cho chúng ta thấy Ánh Sáng của Chánh Pháp nhằm đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh giúp họ dập tắt được các phiền não (kilesa).
Đến đây bài Pháp về Kinh Gò Mối (Vammika Sutta) đã hoàn tất trên mọi phương diện. Như bài kinh nói, Tôn giả Kumārakassapa sau khi đạt đến Đạo Quả và diệt tận tham ái, đã trở thành một bậc Thánh A-la- hán. Một thời gian sau đó, nhân dịp Đức Thế Tôn ban tặng danh hiệu tối thắng Đệ Nhất (etadagga), Tôn giả Kumārakassapa được Thế Tôn ca tụng là vị Tỳ-kheo đa văn, cao quý nhất trong số các đệ tử của ngài có thể thuyết pháp với phong cách vi diệu nhất và đặc biệt nhất (Thuyết Giảng Vi Diệu Đệ Nhất). Bây giờ tôi sẽ kết thúc bài Pháp bằng cách nhắc lại một vài điểm quan trọng.