HOÀI NGHI GIỐNG VỚI SỰ LỪA ĐẢO

Trong cuộc đời này, có những người biết cách giả dạng thế này thế nọ để đánh lừa người khác. Một kẻ ‘lừa đảo’ sẽ phải nghĩ ra đủ loại thủ thuật hay mánh khóe để làm cho người khác tin mình.

Có lần, một vị vua nọ cho gọi một người có tiếng xấu là kẻ lừa đảo đến, và hỏi anh ta: “Ngươi có tài đánh lừa người khác phải chăng?” Hắn trả lời, “Tâu Đại Vương, đúng vậy.” Khi ấy, Đức Vua nói, “Nếu ngươi có tài như vậy, hãy thử đánh lừa trẫm xem nào.”  Người ấy nói: “Tâu Đại Vương, thật hơi khó cho hạ thần để đánh lừa một vị Đế Vương quyền quý và uy nghiêm như ngài. Làm sao có thể đánh lừa được một vị đế vương với cách ăn mặc bình thường như hạ thần hiện nay chứ, hạ thần chỉ có thể đánh lừa nếu được mặc đầy đủ Long Bào giống như đức vua mà thôi.” Nghe thế Đức Vua ra lệnh “Vậy! Hãy đem cho hắn một bộ long bào và những biểu tượng của hoàng gia đi.” Thế là hắn được vua ban cho một bộ long bào. Sau khi nhận được biểu chương và y phục của vua, hắn nói, “Tâu Đại Vương, hạ thần không thể đánh lừa bệ hạ ngay lúc này được. Hạ thần sẽ đến và chơi trò lừa đảo với ngài vào ngày này, ngày này.” Và hắn ấn định ngày cho vua. Tới ngày đã định, đức vua chờ hắn trong tư thế sẵn sàng và suy nghĩ “Cái gã này hôm nay sẽ đến, không biết hắn sẽ giở trò gì với ta đây!”  Từng giờ, từng giờ trôi qua và ngày cũng sắp hết; vậy mà chưa có dấu hiệu gì cho thấy có sự xuất hiện của gã lừa đảo cả. Đức vua liền ra lệnh cho sứ giả đi điệu gã về diện kiến vua. Vua hỏi gã, “Hừm, này gã kia! Ngươi hứa với ta là ngươi sẽ đến để chơi trò đánh lừa ta vậy mà cuối cùng ngươi lại không đến. Lý do vì sao ngươi lại làm như vậy?”

Hắn trả lời tỉnh bơ, “Tâu Đại Vương, thần đã lừa ngài rồi mà!”

“Ơ hơ, này gã kia! Ngươi lừa ta khi nào và lừa ra sao chứ?”, Đức Vua thốt lên.

“Tâu Đại Vương, thần đã đánh lừa Đại Vương ngay từ cái ngày đầu tiên và thậm chí còn nhận được đầy đủ biểu chương và long bào từ nơi ngài đấy thôi,” gã lừa đảo nói.

Đức vua điếng người,“Ah, chính xác thật! Quả đúng thực là vậy.”

Theo cách tương tự, mặc dù hoài nghi

(vicikicchā) được nói là đã đánh lừa chúng ta nhưng biểu hiện của nó không thể thấy rõ. Người ta thường hiểu lầm nó như là một loại “kiến thức”. Do đó điều đáng sợ là hoài nghi, dưới lốt một: “kiến thức”, có thể lừa đảo bạn. Cái then-cửa, như đã nói ở trước, có liên quan đến hoài nghi. Mục đích chúng tôi nói thêm về điều này là để giúp quý vị loại bỏ cây “Then Cửa” và giữ cho cánh cửa được mở, nhờ vậy hoài nghi mới có thể bị xua tan. Bằng không, nó có thể hủy diệt đức tin của bạn. Đây là điều rất đáng quan ngại, khi hoài nghi sanh khởi, nó phải được loại bỏ bằng cách ghi nhận nó (hoài nghi) với sự quán thích hợp. Dần dần, khi bạn tiếp tục công việc quán và ghi nhận này, bạn sẽ nắm bắt được sự thực của Pháp (dhamma). Khi bạn tiến hành quán và ghi nhận các hoạt động của thân, bạn sẽ hiểu rõ toàn bộ tiến trình từ đầu đến cuối. Nếu chánh niệm có mặt khi ghi nhận các hiện tượng xảy ra ở từng sát-na thấy, nghe, ngửi, ăn, xúc chạm, co, duỗi, chuyển động, suy nghĩ, dự định,… thời sẽ không có hiện tượng nào bị bỏ ra. Nếu bạn duy trì liên tục việc quan sát, bạn sẽ đi đến chỗ biết một cách thuyết phục bản chất thực của mỗi hiện tượng từ đầu đến cuối khi nó xảy ra.

Ví dụ: như một hàng kiến đang di chuyển. Bạn có bao giờ thấy hàng kiến như vậy chưa? Nếu nhìn thoáng qua, nó sẽ xuất hiện như thể đó là một hàng kiến dài, thẳng tắp và liên tục. Nhưng nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy chúng tách biệt nhau, con này đi theo sau con kia trong hàng kiến. Chúng không nối liền với nhau. Nghĩa là con kiến này cách xa con kia khi di chuyển, chứ không phải là một hàng kiến nối sát nhau. Tất nhiên chỉ nhờ quan sát gần và kỹ chúng ta mới thấy được sự thực này. Theo cách tương tự, khi các hiện tượng danh và sắc được quán và ghi nhận trong từng sát na sanh của chúng, những hiện tượng này sẽ được thấy là sanh lên và biến mất từng hiện tượng một trong những phần nhất định nào đó chứ không như một chuỗi dài của vật chất (sắc) hay ý nghĩ (danh). Tiến trình sanh – diệt của các hiện tượng thân – tâm là cực kỳ nhanh và biểu lộ rõ tính chất vô thường. Và tính chất vô thường này chỉ có thể được biết một cách rõ rệt bằng minh sát trí của mỗi người.

Ví dụ khác: giả sử chúng ta treo một bao cát trên một cái móc rồi chọc thủng một lỗ ở dưới đáy bao. Cát trong bao sẽ chảy ra khỏi cái lỗ ấy như thể nó là một hàng cát dài vậy. Nếu chúng ta đẩy cái bao về phía trước, hàng cát chảy ra cũng có vẻ như đang di chuyển về phía trước. Khi kéo cái bao lại thì nó cũng có vẻ như đang di chuyển về phía sau. Điều này cũng sẽ xảy ra y như vậy khi bạn di chuyển cái bao cát theo bất cứ hướng nào. Trong thực tế, không phải là hàng cát di chuyển mà chỉ có những hạt cát nhỏ li ti đang san sát nhau rơi xuống. Tương tự, nếu các hiện tượng danh và sắc được quán và ghi nhận ở từng sát na chúng xảy ra, bạn sẽ nhận ra sự sanh diệt liên tục của các pháp. 

Chúng ta sẽ ôn lại những gì vừa nói: “Ngã ba đường là gì?”. Nó chỉ đơn thuần là sự tưởng tượng — “cảm giác hoài nghi đã phát sanh.”

“Cái Xẻng” là “Kiến thức”. “Đào” là sự “Nỗ lực”. Ở đây sự nỗ lực chính là Chánh Tinh Tấn (sammappadhānaviriya) vốn có bốn loại. Cái “Then Cửa” được so sánh với “Vô minh”, hay sự không hiểu biết về phương pháp hành thiền. Con “Cóc” tiêu biểu cho “Sân Hận”, vốn phải được quán và xua tan trong lúc hành thiền, nếu có thể. Còn không, nó phải được loại trừ sau khi quán và ghi nhận. “Ngã Ba Đường” là tà kiến hay sự “hoài nghi”.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app