GÒ MỐI BỐC RA MÙI HÔI THỐI
Kế tiếp, “vamati” — vì nó ói ra, nôn ra, nên nó được gọi là Gò Mối (vammika). Cái gì được ói ra? rắn, rít, bò cạp, chuột, thằn lằn và đủ mọi loại côn trùng khác thường thoát ra khỏi gò mối. Những sinh vật dơ dáy, đáng ghê tởm và đáng sợ hãi này được ói ra bởi gò mối. Theo cách tương tự, thân này đang tống ra, tiết ra chất gèn từ mắt; chất ráy từ tai; nước mũi từ mũi; nước miếng, nước nhớt, nước hôi thối thải ra từ miệng; mồ hôi từ những lỗ chân lông; … Thêm nữa, từ các môn (dvāra) thấp hơn, chất phân và nước tiểu cũng đang tìm lối thoát để thoát ra ngoài. Bạn có tìm thấy bất cứ điều gì khả ý hay đáng yêu trong số đó không? Không. Tất cả đều dơ dáy và đáng ghê tởm. Vì thân này đang ói ra những chất dơ bẩn đáng nhờm gớm, nó được gọi là Vammika hay một gò mối đang thải ra những chất rác rưởi dơ bẩn.
GÒ MỐI — MỘT ĐỐNG HỖN ĐỘN ĐÁNG GHÊ TỞM
Ý nghĩa kế tiếp của gò mối: Gò mối là một đống đất do những con mối lăn lại và đùn lên dần dần. Cũng như những hạt đất do những con mối thải ra tạo thành một cái gò mối như thế nào, thân này cũng vậy, do ba mươi hai bộ phận (kotthāsa) — như tóc, lông, móng, răng, da,… vốn đã bị Đức Phật, Đức Độc Giác Phật và các bậc thánh A-la-hán, từ bỏ như những thứ không giá trị, tạo thành. Những thứ bị bỏ đi này lại được hàng phàm phu xem như khả ái. Như thế nào? Cũng như có những người thích để tóc dài, có những người thích cắt ngắn, theo phong cách riêng của họ. Có những người làm tóc theo kiểu thời trang, xịt chút dầu thơm hoặc sáp thơm để làm cho nó trông có vẻ tao nhã hơn. Thậm chí có người thích làm cho nó quăn lại, hay đem uốn ép tại những tiệm uốn tóc hay Thẩm Mỹ Viện… Tất cả những điều này được người ta làm chỉ để tăng thêm vẻ đẹp cho ngoại hình của họ. Do đó, rõ ràng là họ phải tìm thấy một sự thích thú nào đó khi làm như vậy. Họ cũng cảm thấy thích thú với những mái tóc dài của người khác hay thích thú trong những kiểu tóc được làm theo thời trang của người khác. Thực sự, tóc chỉ được thấy là dễ thương bao lâu chúng còn ở trên đầu, một khi chúng bị cắt đi hay cạo đi, những lọn tóc ấy liền trở nên đáng ghê tởm. Thậm chí đôi khi nhìn thấy một sợi tóc trong chén cơm hay trong tô canh, bạn sẽ trở nên nhờm gớm với nó liền. Nhìn xem! Thật là mâu thuẫn có phải không? Khi tóc còn ở trên đầu, chúng đem đến cho bạn niềm vui. Nhưng khi chúng rơi xuống khỏi đầu, một cảm giác khó chịu sẽ phát sanh.
Con người ta lấy làm thích thú và hài lòng không chỉ với tóc trên đầu họ mà cả với lông nữa. Có những người bỏ rất nhiều thời gian để chăm sóc và cắt tỉa bộ ria mép hay lông mi, lông mày của họ cho hợp với thời trang. Vẻ đẹp của lông mi dường như đã được mô tả một cách đầy cảm hứng và lan tỏa trong thơ văn lãng mạng. Một số phụ nữ thậm chí còn nhổ hay tỉa lông mày làm cho nó thành một vệt mảnh mai hay uốn cho nó cong lại thành một mảnh trăng lưỡi liềm. Một số thì nuôi ria mép cho thật dài và vuốt nhọn nó ở hai đầu, trong khi người khác lại để râu cằm cho thật dài (như ông già Nô-el). Điều này chỉ ra cho thấy sự hài lòng của con người khi làm điều ấy và nó cũng đem lại cái nhìn vừa ý cho người khác.
Đối với móng tay, móng chân cũng vậy, chúng được cắt dũa và đánh bóng, thoa sơn để nhìn cho có vẻ đẹp đẽ. Lý do tại sao người ta làm điều này? Đơn giản là vì họ thường xem chúng là khả ái. Trong những thành phố lớn như Rangoon này chẳng hạn, móng tay và móng chân của phái đẹp được người ta đánh bóng và tô phết với nhiều lọai màu khác nhau. Tuy nhiên, những cái móng chân, móng tay ấy khi còn ở trên cơ thể chúng ta, chúng được nhìn với sự thích thú, đáng yêu. Một khi chúng đã bị cắt đi bằng một cái bấm móng tay, những cái rẻo móng ấy sẽ trở nên đáng ghê tởm, và thậm chí nếu giữ nó trong nhà, một số người còn nghĩ nó sẽ đem lại điều xui-xẻo nữa. Sự mê tín này có lẽ không phải không thực tế, vì thực ra nếu những cái rẻo móng tay hay móng chân này vô tình để rơi trong nhà, những cạnh bén của chúng sẽ làm cho những đứa bé, da còn mềm mỏng và mong manh, đạp nhằm sẽ tổn thương. Và nếu chẳng may chích vào mắt, nó có thể làm hại đến con mắt nữa.
Kế tiếp là răng. Nếu xét một cách nghiêm túc, răng quả thực vô cùng quan trọng và đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Tất nhiên, chỉ khi răng còn tốt, nó sẽ cải thiện sự tiêu hóa và sức khỏe cho chúng ta. Với răng chúng ta có thể cắn và nhai. Cho dù ít khi người ta nghĩ như vậy. Họ chỉ thấy vui vì có hàm răng để tăng thêm vẻ đẹp cho con người họ mà thôi. Điều này có thể đúng ở một mức nào đó. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nhờ giữ gìn răng sạch và vệ sinh đúng cách, nó có thể giúp chúng ta ăn uống ngon lành và duy trì được sức khỏe. Hàm răng cũng là một nét đẹp, có lẽ vì thế một số người, khi chụp hình cố giữ nụ cười để phô bày hàm răng đẹp của họ. Có người thậm chí còn nhổ bỏ chiếc răng còn tốt của họ để thay vào đó bằng chiếc răng giả bọc vàng… Và có số còn nhận xét một hàm răng trắng đẹp trông không khác gì một chuỗi ngọc trai. Nhưng khi răng bị hư hay bị nhổ bỏ, chúng trở nên thực sự đáng ghê tởm đến nỗi một số người còn không muốn đụng vào chúng.
Kế tiếp, nói về da, con người thường nghĩ lầm là da mịn màng, đẹp đẽ và rất dễ thương. Tất nhiên khi đã có sự luyến ái đối với hình dáng của một người nam hay nữ nào rồi, chúng ta cảm thấy vui thích và hài lòng khi được thấy cái lớp da bên ngoài và cái diện mạo bề ngoài của anh ta hay cô ta. Thực sự, nếu khi người ấy bị mắc một chứng viêm da hay bị đau khổ bởi một chứng bệnh về da nào đó, như cùi chẳng hạn, họ sẽ trở nên thật khủng khiếp và được nhìn với sự ác cảm ngay. Rõ ràng chúng ta chỉ thích cái lớp da đẹp bên ngoài của họ mà thôi.
Tiếp đến là thịt, chẳng hạn đôi môi đỏ, cánh tay xinh, thân hình, bộ ngực, đôi má,…cân xứng. Nếu là người nam thì phải rắn chắc, vạm vỡ, đẹp trai, hoặc là người nữ thì phải thanh tao, thon thả, với bộ ngực đầy đặn mới được đánh giá với sự hài lòng tuyệt đối. Một số phụ nữ thậm chí còn tô son lên môi và đánh phấn cho đôi má thêm hồng.
Thêm nữa, những mạch máu và dây thần kinh, do đặc tính của chúng là có thể làm cho tứ chi vận động và giúp cho con người đi, đứng, nằm, ngồi, hoặc làm các công việc khác nhau, nên chúng cũng được xem như đem lại niềm vui thích. Các bộ phận khác như xương, dây chằng, tủy,… dù không được thấy một cách rõ ràng nhưng nằm trong thân như một tổng thể, cũng được xem là niềm vui thích của con người.
Đặc biệt, nước miếng, nước mũi và các chất do màng nhầy bài tiết ra thực sự rất đáng ghê tởm. Tuy nhiên, khi nước miếng còn ở trong miệng thì nó lại không đáng ghê, và đó là lý do tại sao chúng ta nuốt nước miếng với sự thích thú khi nó còn ở trong miệng. Để tránh bị khô họng, ta phải nuốt nước miếng vào và về cơ bản trong khi nuốt như vậy nó làm cho chúng ta dễ chịu. Sau khi nước miếng được nhổ ra, chúng trở nên đáng ghê tởm và sẽ không ai muốn đụng vào nó. Ngay cả khi phải lau nước miếng của chính mình nếu miệng bị ứa nước dãi ra cũng vậy. Đối với những chất bài tiết ở mũi thì thậm chí còn khủng khiếp hơn. Đôi khi, nước mũi ấy phải chảy qua miệng và khạc ra. Đờm cũng thế. Có khi đờm phải được nuốt vào và dường như chẳng ai xem nó là đáng ghê tởm cả. Nhưng một khi đờm được khạc ra hay bắn ra do ho, chúng liền bị đối xử như một thứ bẩn thỉu, thậm chí còn được xem là thứ không đáng để đụng vào nữa. Tất cả những thứ bất tịnh này người bình thường đều ghê tởm cũng như các bậc thánh A-la-hán đều nhàm chán và vứt bỏ. Thứ đáng gớm nhất có lẽ là phân và nước tiểu. Trong khi phân và nước tiểu còn ở trong ruột hay trong bọng đái, người ta vẫn chưa ghê tởm chúng. Nhưng một khi chúng đã được trút ra, thậm chí có người phải nhăn mặt khi nhìn thấy chúng.
Ba mươi hai thể trược (kotthāsas) này là những thứ mà Đức Phật và các bậc thánh A-la-hán cự tuyệt như những vật không mong muốn. Có thể nói toàn thân của chúng ta là một sự tích tụ của những vật dơ bẩn không mong muốn. Nó giống như một cái gò mối, vốn là một đống đất do những con mối đùn lên. Liên quan đến điều này, chúng ta phải lưu ý rằng thân này được tạo thành từ những vật chất dơ bẩn, nên được xem như không khả ái và không đáng mong muốn. Vì thế, chúng ta phải cố gắng để đoạn trừ cái thân vật chất đáng ghê tởm này như Đức Phật và các bậc thánh A- la-hán đã đoạn trừ.
Điểm kế tiếp tôi muốn nhấn mạnh ở đây rằng Gò Mối có nghĩa là một đống các phân tử đất vốn do những con mối đùn ra và kết hợp với nước miếng của chúng mà thành. Theo cách tương tự, thân này vốn do dục thủ đối với sự hiện hữu tạo thành, về bản chất rất giống như một cái gò mối lớn.Khái niệm này vô cùng thâm thúy, để làm cho mọi người hiểu được ý nghĩa của nó trong một thời pháp ngắn như vầy quả thực là khó. Hiện giờ tôi cũng không có dự định để bàn rộng về ý nghĩa của nó.