BẢY VỊ ĐÃ HÀNH THIỀN NHƯ THẾ NÀO TRÊN ĐỈNH NÚI
Sau khi vứt bỏ cây thang, bảy vị Tỳ-kheo không còn chỗ dựa nào khác ngoài Pháp. Giờ đây họ không thể nào xuống núi được nữa. Nếu họ nhảy xuống, chắc chắn họ sẽ gặp tử thần. Nước họ mang theo có lẽ chỉ rất ít vì được chứa vỏn vẹn trong một cái túi đựng nước. Nếu hết nước, họ có thể phải chết vì khát. Còn về thức ăn, họ không có gì cho ngày hôm sau. Vì thế, họ cũng có thể phải chết vì đói. Dưới những hoàn cảnh như vậy, cơ hội sống duy nhất của họ chỉ dựa vào sự thành tựu các tầng thánh nhờ thực hành minh sát hoặc chứng đắc các năng lực thần thông (Abhiññā) bằng thiền định mà thôi. Mối nguy tử vong gần đến nỗi họ không còn nghĩ gì đến ngày mai nữa. Nói cách khác, họ đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm đích thực, và vì thế, với tất cả sự nghiêm túc và chuyên cần cả bảy vị đều lao vào hành thiền một cách sốt sắng. Nhờ nhiệt tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, vị Đại Trưởng Lão cao hạ nhất trở thành một bậc A- la-hán ngay sau cái đêm đầu tiên ở trên đỉnh núi ấy.
Trong việc hành thiền, theo chú giải Kinh Niệm Sự Chết (maranānussati) nếu niệm chết được tu tập bằng cách an trú tâm trên ý nghĩ về bản chất sắp xảy đến của cái chết, nó có thể đem lại lợi ích rất lớn. Chính vì vậy, để khích lệ sự an trú tâm trên niệm chết Đức Thế Tôn đã thuyết giảng như sau:
Ajjāva kicca mātappam, ko jannā maranam suve. Na hi no sangaram tena, mahāsenena maccunā.
Có nghĩa là: Attappam, sammappadham, với nỗ lực chân chánh hay đúng hơn tất cả những việc cần được làm bằng sự nỗ lực hăng say và nhiệt thành, ajjava — ngay trong hiện tại này, không nên trì hoãn nó đến ngày mai hay ngày mốt, kiccaṃ-kattabbam — phải được làm. Nói cách khác, những gì có thể làm được vào lúc này, nên làm ngay tức thời với sự hăng say và nhiệt thành đừng có chần chừ.
Tinh tấn được thực hiện để xua tan hay loại trừ những ác bất thiện pháp đã sanh; để ngăn ngừa hay ngăn chặn những ác bất thiện pháp chưa sanh; để thành tựu hay thâu thập những phước thiện, như bố thí (dāna), giữ giới (sīla), tịnh chỉ đạo (samatha magga) hay minh sát đạo (vipassanā magga) chưa thành tựu hay chưa nhận được, được gọi là Sammappadham, chánh tinh tấn. Tất cả mọi công việc, đặc biệt là công việc thiền minh sát phải được thực hiện một cách chuyên cần với chánh tinh tấn, không nên trì hoãn đến ngày mai hay ngày mốt. Việc hành thiền được thúc giục là phải ngay bây giờ. Đây là lời khuyến giáo của Đức Phật. Điều này thực ra đã rất rõ ràng. Không lẽ bạn không hiểu? Nếu hiểu, bạn nên đến một trung tâm thiền ngay bây giờ. Một số người tại gia cư sĩ dường như không thể làm đúng theo lời dạy của Đức Phật. Bỏ qua một bên người tại gia cư sĩ, ngay cả một số vị sư cũng thế, dường như việc tuân thủ nghiêm ngặt những lời chỉ dẫn của Đức Phật có vẻ không dễ tí nào. Họ thấy khó mà tuân thủ đúng. Tuy nhiên, Đức Thế Tôn với lòng bi mẫn sâu xa đã thành khẩn thúc giục chúng ta hãy hiến mình cho việc hành thiền.
Chính vì chúng ta không biết chính xác khi nào cái chết sẽ xảy ra với chúng ta. Nó có thể là hôm nay hay ngày mai hay một ngày nào đó trong tương lai. Làm sao chúng ta biết được khi nào chúng ta sẽ đối mặt với tử thần? Tuy nhiên, người ta thường có ý nghĩ cho rằng cái chết sẽ không xảy ra hôm nay hay ngày mai hay, ngay cả trong tương lai gần. Và điều này thường thường là đúng. Nhưng nếu chúng ta kiểm lại và làm một bản thống kê về những cái chết, chúng ta sẽ thấy trong số những người đã chết, một con số không nhỏ trong họ đã không chống cự nổi với tử thần, bất chấp sự kiện rằng họ nghĩ họ sẽ không thể chết trong một hoặc hai ngày tới hoặc trong tương lai gần. Mặc dù thực sự là họ đã không gặp cái chết như họ mong đợi, nhưng nó đã xảy ra như vậy mà không biết chính xác rằng tại sao nó lại xảy ra như vậy. Khi nào cái chết sẽ tóm lấy ta, chẳng ai hoàn toàn chắc chắc được. Lý do là, như đã được tuyên bố dưới đây:
“Nā hi no sangāram tena, mahāsenena maccunā”
Có nghĩa rằng không ai cho chúng ta cơ hội để thỏa thuận (sangāram) với Thần Chết, để có được một ngày (chết) ấn định, chúng ta cũng không hối lộ được cho thần chết, cũng không gầy dựng được quân đội để có thể bảo vệ và đánh đuổi được “thần chết”, nhân vật được trang bị đầy đủ với một đội quân khổng lồ và một kho vũ khí giết người đủ mọi lọai, như bịnh hoạn, chất độc,…
Thực sự là vậy, không người nào từng được Yama (Tử Ma) ấn định cho một ngày chết rõ ràng kể như một đặc ân vì đã mong muốn kết thân với ông ta. Cũng chẳng ai có thể đút lót cho tử thần để được sống lâu. Trái lại, trong thế gian này, một người phạm tội ác nghiêm trọng đáng tội tử hình, nếu người ấy biết cách đút lót hay hối lộ, người ấy thậm chí có thể được ân xá hay được tuyên bố trắng án. Tuy nhiên, không có những hình thức đút lót hay hối lộ như vậy cho Tử Ma để thoát khỏi cái chết hay để được sống lâu. Không ai trên quả đất này có thể tuyên chiến với “cái chết” hay chiến đấu chống lại “cái chết” với sức mạnh của một đội quân khổng lồ mặc dù họ có thể chiến đấu hay tự vệ được trước những kẻ thù tệ hại nhất. Mọi người trong chúng ta đều phải cúi đầu trước “cái chết”. Chết, thực sự, là điều không thể tránh được hay nói theo cách ẩn dụ, không ai có thể đánh bại (tử thần).
Đến đây tôi sẽ nói đến tầm quan trọng của niệm sự chết hay ghi nhận tính chất sắp xảy ra của sự chết. Có lần, Đức Thế Tôn gọi một nhóm Tỳ-kheo lại để tìm hiểu xem các vị có tu tập niệm sự chết (maranā nussati) hay không. Nghe Đức Thế Tôn hỏi, sáu vị Tỳ- kheo đều trả lời rằng họ đang quán niệm sự chết. Khi Đức Thế Tôn hỏi họ quán như thế nào, vị Tỳ-kheo thứ nhất trả lời vị ấy đã tưởng tượng rằng sẽ tuyệt vời biết bao nếu như vị ấy còn sống được khoảng một ngày một đêm để quán theo những lời dạy của Đức Phật.
Cách quán này chỉ ra sự giả định của vị ấy rằng vị ấy sẽ không chết trong ngày hôm ấy nhưng rất có thể vị ấy sẽ gặp mặt tử thần vào ngày hôm sau. Vị sư thứ hai nói, ý nghĩ này đã khởi lên nơi vị ấy là sẽ tốt đẹp biết bao nếu ngày hôm nay khi đang còn sống vị ấy có thể quán sự chết trọn cả ngày (12 giờ). Vị thứ ba nói vị ấy tự nghĩ sẽ tốt đẹp biết bao nếu vị ấy có thể hành thiền quán niệm sự chết trong thời gian ngắn ngủi của một bữa ăn. Vị thứ tư nói, sẽ thực sự tốt nếu vị ấy có thể quán niệm sự chết trong khoảng thời gian dùng để ăn bốn hay năm miếng thức ăn. Đối với những câu trả lời mà bốn vị Tỳ-kheo này nêu ra Đức Thế Tôn không bày tỏ sự tán thành. Điều đó được xem như họ bị Đức Phật chê.
Tôi đã gặp trường hợp một số người theo đuổi thuật trường sinh để mong được sống lâu và để có thể hành thiền trong một thời gian dài hơn. Khi hỏi họ tại sao, họ trả lời rằng họ muốn sống lâu; và rồi khi hỏi nếu có được một thọ mạng lâu dài như vậy họ sẽ làm gì, họ nói điều đó sẽ giúp cho họ được hành thiền lâu hơn. Tất nhiên những gì họ nói không phù hợp với lời dạy của Đức Phật. Chỉ khi một người có thể ghi nhớ trong tâm và niệm tưởng rằng cái “Chết” sắp sửa đến với ta rồi, thời, sau khi cắt đứt những trói buộc của tham ái, họ chắc chắn sẽ hành thiền với nhiệt tâm và tinh cần hết mức được.
Những người theo đuổi thuật trường sinh ấp ủ niềm tin rằng nếu như họ có được thọ mạng lâu dài thì họ có thể hành thiền với sự bình yên của tâm được (không phải lo nghĩ đến cái chết). Có những nguyên lý khác nhau và có rất nhiều quan niệm không đồng nhau. Tuy nhiên, chúng ta không tin vào nguyên lý cho rằng nhờ kéo dài tuổi thọ, một người có thể hành thiền trong một thời gian lâu dài được. Đơn giản là vì hiện nay người ta hành thiền vì lo sợ cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào, và rằng nhờ hành thiền như vậy họ hy vọng sẽ đắc được trí về Pháp sớm hơn trước khi bàn tay của tử thần nắm được họ. Nếu như người ta được sống với thọ mạng cả ngàn năm, tôi không nghĩ họ sẽ hiến mình cho việc hành thiền như hiện nay họ đang hành một cách nhiệt tâm đâu.
Ngay cả trong khi đang hành thiền, một số người cũng không cố gắng hết sức, và thường hành thiền với một cái tâm phóng dật như họ từng buông thả trước và sau khi thiền, nào là họ sẽ đạt được tài sản hay thành công gì trong công việc mua bán của họ, và v.v… thời giờ quý giá của họ đã bị phí phạm vào những chuyện không đâu. Các vị Tỳ-kheo trèo lên đỉnh núi, đã quyết định vứt bỏ cây thang để ngăn tình trạng dễ duôi của họ. Sau khi vứt bỏ cây thang, chẳng có gì để các vị có thể dựa vào được nữa, họ không còn cách nào khác để sống sót ngoài việc nỗ lực không ngừng để thành tựu Pháp (dhamma). Nhờ vậy mà vị
Trưởng Lão cao hạ nhất đã đắc được đạo quả A-la-hán chỉ sau một đêm.
A-la-hán có hai loại. Mặc dù có một số vị trở thành Thánh A-la-hán nhưng không có các năng lực thần thông như bay qua hư không,v.v… nét đặc trưng duy nhất là các vị đã chứng ngộ đầy đủ Tứ Thánh Đế và hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não (kilesās). Một vị A-la-hán như vậy gọi là “Sukkha vipassaka” hay Can (khô) Quán A-la-hán. Nghĩa là một vị A-la-hán đắc Thánh Quả sau khi hành minh sát mà không có thần thông của thiền định (jhāna abhiññā). Tất nhiên cũng có một số đã thành tựu thần thông của thiền định ngay từ lúc đầu, và sau đó mới hành minh sát và chứng A-la-hán. Một số khác đắc những năng lực của thần thông cùng lúc với việc thành tựu đạo quả A-la-hán. Thần thông thành tựu vào lúc đắc đạo quả A-la-hán này được gọi là Thần Thông Thành Tựu Cùng Với Đạo “Maggasiddha jhāna”. Một vị A-la-hán thuộc hạng như vậy sẽ có đầy đủ các năng lực thần thông, như bay qua hư không, v.v… Vị Trưởng Lão đề cập ở trên là một trong những vị đắc A-la-hán có đầy đủ các năng lực thần thông thuộc loại này.
Ngài Đại Trưởng Lão sau khi đắc A-la-hán đã dùng thần thông bay đi khất thực và mang thức ăn về cho các bạn đồng phạm hạnh. Ngài mời các vị bằng cách nói “Này các Tỳ-kheo! Chớ có buông lơi, hãy hành thiền với hết nỗ lực và khả năng của mình sau khi đã thọ dụng vật thực. Tôi sẽ đem thức ăn về cho các vị như thế này mỗi ngày.” Khi ấy, sáu vị Tỳ-kheo xin phép ngài Đại Trưởng Lão để được nói đôi lời, và các vị nói rằng “Trước khi chúng ta bắt đầu lao vào hành thiền, chúng ta có bao giờ thỏa thuận với nhau rằng người nào đắc Đạo Quả trước sẽ đi kiếm thức ăn về cho các vị chưa đạt đến mục đích tối hậu ăn, và những người còn lại này sẽ tiếp tục hành thiền sau khi thọ dụng những bữa ăn được cung cấp như vậy không?” Nghe những lời này, ngài Trưởng Lão A-la- hán trả lời, “Không, chúng ta không có thỏa thuậ nào như vậy, này các huynh đệ của tôi.” Sáu vị lúc ấy tuyên bố, “Nếu chúng tôi có đủ ba-la-mật trong quá khứ, chúng tôi cũng sẽ thành tựu Pháp đặc biệt giống như ngài. Nếu chúng tôi thọ dụng những bữa ăn do Ngài đem về, chúng tôi sẽ trở nên dễ duôi, và điều này sẽ khiến cho việc đạt đến mục tiêu tối hậu của chúng tôi phải mất một thời gian lâu hơn.” Vì thế, ngài Đại Trưởng Lão đành phải giã từ các vị để đi đến một nơi khác thích hợp hơn.
Ngày kế tiếp, vị Trưởng Lão thứ hai trong số sáu vị, đạt đến tần thánh A-na-hàm (Anāgāmi). Vị thánh A-na-hàm vừa nói là vị lớn tuổi nhất trong sáu vị còn lại. Ngài cũng thành tựu thần thông cùng lúc với sự chứng đắc đạo quả A-na-hàm. Vị Trưởng Lão này cũng đi khất thực và đem thức ăn về chia
cho năm vị sư còn lại y như cách vị A-la-hán đã làm. Năm vị sư cũng từ chối nhận vật thực, và tiếp tục hành thiền không ngừng nghỉ. Hai ngày trôi qua, chắc hẳn các vị đã bị đói khát tấn công một cách trầm trọng. Tuy thế, các vị vẫn tiếp tục kiên trì dù có phải hy sinh thân mạng. Thật là kỳ diệu và đáng kính biết bao !
Do quyết tâm của các vị sư còn lại không thể lay chuyển được nên vị Trưởng Lão A-na-hàm (Anāgāmi) buộc phải ra đi để họ lại phía sau. Ngài tiếp tục con đường của mình đến một trú xứ thích hợp khác. Năm vị tiếp tục thực hiện những nỗ lực lớn nhất của mình để đạt đến những giai đoạn tâm tỉnh thức cao hơn hướng đến Giác Ngộ, nhưng vì còn thiếu các ba- la-mật (paramittas) các vị đã không đắc được Pháp đặc biệt. Không lâu sau đó các vị qua đời vì đói và khát. Liên quan đến điều này, có lẽ những người không có niềm tin trong giáo pháp của Đức Phật có thể nghĩ rằng: “Các vị sư này đã phải chịu mất mát lớn vì mải mê hành thiền.” Thực sự thì điều này hoàn toàn trái ngược lại. Không có gì đáng ngạc nhiên cả, cái chết là điều không ai thể tránh được trong cuộc đời này. Cho dù một người có thể được nuôi dưỡng tế nhị đến mức nào chăng nữa, chết cũng là điều không thể tránh khỏi. Một ngày nào đó chắc chắn cái chết sẽ xảy đến. Khi nó xảy ra, quan trọng nhất là phải làm sao giữ cho tâm trong sạch để có được một kiếp sống mới tốt hơn. Đại khái là, nếu trong lúc còn sống bạn sống một cuộc đời không trong sạch thì đối diện với cái chết quả thực là một điều đáng sợ hãi. Trong trường hợp này bạn có thể phải đi xuống những cõi khổ. Tuy nhiên, đối với năm vị sư này, vì các vị chết trong lúc đang hành thiền một cách nghiêm ngặt, chắc chắn các vị phải thành tựu đầy đủ giới, định và trí tuệ ở một mức nào đó. Vì vậy, theo lời dạy của Đức Phật, cái chết của các vị là cao quý một cách đáng khâm phục. Các vị không mất mát gì cả, thay vào đó các vi còn gặt hái được nhiều lợi ích.