Nội Dung Chính
Câu chuyện tóm tắt về Upaka
Đạo sĩ Upaka sống ở một thảo am nhỏ trong ngôi làng của những thợ săn tại xứ Vaṅkahāra, được kính trọng và hộ độ bởi người thợ săn lãnh đạo của ngôi làng. (Vì trong ngôi làng ấy có nhiều ruồi nhặng nên Upaka phải vào sống trong một cái bình lớn).
Khi người thợ săn muốn đi vào rừng nai ở xa, ông ta căn dặn đứa con gái Cāpā: “ Này con gái, hãy chăm sóc và hầu hạ chu đáo người thầy đáng kính của chúng ta, là bậc A-la-hán. Đừng quên phận sự!” (Cf. Chāvā, Chú giải kinh Nipāta; Chú giải Majjhima Nikāya). Rồi ông ta đi vào rừng cùng với những đứa con trai và các em trai của ông ta.
Cāpā, đứa con gái của người thợ săn lãnh đạo, có khuôn mặt xinh đẹp, khả ái. Nàng có sắc thân hoàn hảo với những nét duyên dáng của một thiếu nữ. Ngày hôm sau khi người thợ săn đã ra đi, đạo sĩ Upaka đến nhà của ông ta và khi trông thấy thiếu nữ Cāpā, con gái người thợ săn khi nàng đến gần vị ấy để dâng vật thực mà nàng đã sửa soạn, đạo sĩ trở nên bàng hoàng bởi tham dục. Thân run rẫy và tê tái đến nỗi không thể ngồi lại để thọ thực, vị ấy trở về chỗ ngụ mang theo đĩa vật thực. Khi cất nó ở chỗ thích hợp và nghĩ rằng: “ Ta sẽ sống cuộc đời còn lại nếu ta có được nàng Cāpā! Nếu không lấy được nàng thời ta sẽ chết!” Vị ấy nằm với tâm không rời hình bóng của nàng Cāpā, chẳng ngó ngàng gì đến vật thực.
Vào ngày thứ bảy khi người thợ săn lãnh đạo trở về nhà, ông ta dò hỏi đứa con gái Cāpā về vị thầy Upaka. Sau khi nghe Cāpā kể lại rằng : “ Thưa cha, vị thầy Upaka của cha có đến nhà chỉ một ngày và đã không đến nữa.” Ông ta bèn đi đến ông thầy Upaka (mà không kịp thay y phục) với y phục của người thợ săn, và hỏi đạo sĩ “ Thưa ngài, ngài bị bệnh gì vậy?” Đạo sĩ Upaka không trả lời mà cứ nằm như vậy, lăn qua lăn lại và nói lẩm bẩm. Khi người thợ săn thúc dục đạo sĩ trả lời: “ Thưa ngài, cứ cho tôi biết. Nếu tôi có khả năng thì tôi sẽ giúp ngài.” Đạo sĩ bèn đáp lại rằng: “ Tôi chỉ có thể sống nếu tôi có được Cāpā. Nếu không, tôi thà chết ngay tại chỗ này còn tốt hơn.”
Rồi người thợ săn hỏi: “ Thưa ngài, ngài có nghề gì không?” Đạo sĩ Upaka đáp lại: “ Tôi chẳng có nghề gì cả.” Lại nữa, khi người thợ săn nói : “ Thưa ngài, người không có nghề gì sẽ không thể chăm lo công việc gia đình.” Đạo sĩ Upaka đáp lại: “ Tôi không rành một công việc gì. Tuy nhiên tôi sẽ mang thịt ông săn được đem ra chợ bán.” Người thợ săn nói: “ Chúng tôi cũng cần có người đi bán thịt.” Người thợ săn bèn trao cho đạo sĩ chiếc áo khoác của ông ta. Đạo sĩ mặc vào chiếc áo khoác và trở thành người thế tục. Rồi sau khi dẫn Upaka về nhà, người thợ săn bèn gả đứa con gái Cāpā cho Upaka.
Upaka và Cāpā sống với nhau, kết quả là có được một đứa con trai, đặt tên là Subhadda. Khi đứa bé khóc, Cāpā thường khiêu khích trêu chọc Upaka bằng cách hát lời ru sau đây để gián tiếp hạ nhục và làm tổn thương vị ấy.
(Ạ, ơ, ờ…. Ơi con người bán thịt rong,
Trước đây đạo sĩ, Sa-môn một thời
Con trai đạo sĩ nửa vời
Bỏ về nhờ vả nơi người thợ săn.
Dục tham chất chứa muôn phần
Thấy mẹ xinh đẹp thương thầm bỏ ăn.
Nín đi, con hãy nín đi!
Mẹ ru con ngủ, ngủ đi mẹ nhờ.
Chiếc nôi cẩn ngọc, kim cương
Ngủ đi! Con hỡi, đứa con ngọc ngà.
Mẹ ru, mẹ hát ê a,
Cục vàng của mẹ nín và ngủ đi!
Cha con ở cuối hàng người!
Bỏ đường giải thoát cuộc đời khổ đau.
Mẹ ru, con ngủ cho mau
Con xinh của mẹ, vòng châu ngọc ngà!
Nhân đó, Upaka nói rằng: “ Này em, phải chăng em cho ta là người không có ai để nhờ cậy và nương tựa sao? Ta có một người bạn rất tốt tên là Ananta Jina. Ta sẽ đi đến người bạn tốt Ananta Jina ấy.” Cāpā nhận ra rằng:“ Chàng Upaka này đã tự ái do những lời trêu chọc và lăng mạ của ta.” Cāpā cứ hát đi hát lại bài ru con ấy. Một hôm, Upaka bỏ đi đến Trung độ (Majjhima Desa) mà không báo với Cāpā.
Lúc bấy giờ, Đức Phật đang trú ngụ ở Jetavana tại Sāvatthi, và Ngài dặn trước các vị tỳ khưu rằng: “ Này các tỳ khưu, nếu có ai đến hỏi thăm Ananta Jina thì hãy chỉ vị ấy đến gặp Như Lai.” Upaka dò hỏi hết người này đến người khác mà vị ấy gặp trên đường đi. “ Ananta Jina hiện đang ở đâu?” và đúng lúc vị ấy đến Sāvatthi. Khi đứng giữa tịnh xá Jetavana, Upaka hỏi các vị tỳ khưu rằng: “ Thưa các ngài, các ngài có biết Ananta Jina hiện đang ở đâu không?” Các vị tỳ khưu bèn dẫn Upaka đến trước Đức Phật. Khi trông thấy Đức Phật, Upaka liền nói với Ngài : “ Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn có còn nhớ con chăng, người đệ tử của Thế Tôn đây?” Khi Đức Phật nói rằng : “ Có, này Upaka, Như Lai có nhớ. Vậy hiện nay ngươi đang sống ở đâu?” Upaka đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, con hiện đang sống ở xứ Vaṅkahāra.” Nhân đó, Đức Phật lại hỏi: “ Này Upaka, bây giờ ngươi đã lớn tuổi rồi. Vậy người có thể xuất gia vào Tăng chúng được không?” Upaka đáp lại: “ Thưa vâng! Bạch Đức Thế Tôn, con có thể.” Rồi Đức Phật cho phép vị ấy xuất gia trong Tăng chúng và dạy pháp thiền thích hợp. Upaka thực hành thiền quán với sự cố gắng mạnh mẽ và chứng đắc đạo quả A-na-hàm (anāgāmi-phala). Khi Upaka mạng chung, vị ấy sanh về cõi Vô phiền thiên (Avihā), cõi Phạm thiên thứ nhất trong năm cõi Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa Brahmā); và tại đây không bao lâu, vị ấy chứng đắc A-la-hán quả (arahatta-phala).
Câu chuyện tóm tắt về nàng Cāpā
Sau khi bị Upaka bỏ lại, Cāpā cảm thấy buồn chán với cuộc sống thế tục. Bởi vậy, giao lại đứa con nhỏ Subhadda cho ông ngoại nuôi dưỡng, nàng cũng đi theo con đường của Upaka. Khi đến Sāvatthi, nàng xuất gia tỳ khưu ni trước sự chứng minh của các vị tỳ khưu ni khác. Tại đó nàng tinh tấn tu tập và phát triển thiền minh sát rồi chứng đắc arhatta-phala sau khi trải qua bốn magga, và trở thành một thánh nữ A-la-hán mang tên Trưởng lão ni Cāpā (Chú giải Therigāthā).
Đức Phật đến tại khu rừng Migadaya (khu rừng Nai)
Sau khi đi bộ qua nhiều quãng đường trong chuyến hành trình, cuối cùng Đức Phật đã gặp nhóm năm vị Sa-môn tại Isipatana, khu rừng Nai, gần thành phố Bārānasī, vào buổi chiều mát mẻ của ngày rằm tháng Āsāḷha, năm 103 Mahā Era. Trông thấy Đức Phật đang đi đến từ xa, năm vị Sa-môn bèn thỏa thuận với nhau rằng: “ Này các bạn, Sa-môn Gotama đang đi đến. Sa môn Gotama là người đã từ bỏ các pháp thiền. Vị ấy đã trở thành người nghiêng về tứ vật dụng. Vị ấy đã cố gắng để hoạch đắc tứ vật dụng. Chúng ta đừng kính lễ Sa-môn Gotama. Chúng ta đừng lấy bát từ vị ấy. Tuy nhiên chúng ta sẽ sắp xếp chỗ ngồi cho vị ấy ngồi nếu vị ấy muốn.”
Nhận biết được tâm trạng của năm vị Sa-môn, Đức Phật bèn phóng Từ biến mãn (Odhissaka mettā) đến họ. Khi Đức Phật đi đến gần hơn, bị chạm phải Phật oai quang (Buddhatejo Ānubhāva) và Từ oai quang (Mettātejo Ānubhāva), năm vị Sa-môn nhận thấy họ không thể giữ thỏa thuận mà họ đã cam kết và tất cả họ đều đi đến chào đón Đức Phật – vị thì lãnh bát từ tay Đức Phật, vị khác thì sắp đặt chỗ ngồi cho Ngài, vị nọ thì đem nước ra, vị khác đặt tấm ván và vị khác nữa giữ mảnh nồi vỡ để rửa chân Đức Phật.
Đức Phật ngồi xuống chỗ ngồi và rửa chân. Sau đó năm vị Sa- môn nói chuyện với Ngài như người ngang hàng, gọi Ngài bằng tên Gotama và xưng hô với Ngài là hiền giả (āvuso). Họ mở đầu cuộc chuyện trò thân mật với Đức Phật như thế này: “ Này hiền giả Gotama, lúc hiền giả chuyên tâm thực hành các pháp thiền trong khu rừng Uruvela, chúng tôi đã mang y, bát của hiền giả, và đi khất thực. Chúng tôi đã dâng hiền giả nước và cây chà răng. Chúng tôi quét dọn khu vực của ẩn xá. Vậy sau khi chúng tôi bỏ đi, ai làm các phận sự lớn nhỏ để chăm sóc hiền giả. Hiền giả có gặp khó khăn không khi chúng tôi rời bỏ hiền giả?”
Nhân đó, Đức Phật nói rằng: “ Này năm vị Sa-môn ! Đừng gọi Như Lai bằng tên Gotama và hiền giả như người ngang hàng với các vị. Này năm vị Sa-môn, Như Lai đã trở thành bậc Chánh đẳng chánh giác, là Bậc có trí tuệ thông đạt, chân thật, viên túc và trong sáng, biết rõ tất cả các pháp như thật (Saccañeyya Dhamma), là Bậc đáng được tôn kính đặc biệt. Này các vị Sa-môn, hãy chú ý lắng nghe. Như Lai đã giác ngộ Niết bàn bất tử (Amata Nibbāna), Như Lai sẽ chỉ dạy các vị. Như Lai sẽ thuyết pháp đến các vị. Nếu các vị thực hành đúng theo sự chỉ dẫn của Như Lai, thời các vị sẽ sớm tự mình giác ngộ sự tịch tịnh của thánh quả A-la-hán do nhờ đạo tuệ. Đó là sự an lạc mà hai hạng thiện nam tử sau đây hằng mong ước: Hạng thượng sanh (jāti kulaputta) và hạng thiện nam tử hạ sanh nhưng có thiện hạnh (ācārā- kulaputta), đã từ bỏ thế gian, từ bỏ đời sống gia đình và trở thành những Sa-môn và thực hành theo giáo pháp của Như Lai.” Nhưng nhóm năm vị Sa-môn vì vẫn còn hoài nghi nên đáp lại rằng: “ Này hiền giả Gotama, cho dù hiền giả đã thực hành và đã đắc được các tầng thiền, v.v… mà người bình thường khó đạt được vào lúc hiền giả thực hành dukkarācariya trong sáu năm, hiền giả lại không thể chứng đắc A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) để trở thành một bậc thánh (ariya). Vào thời gian đó, hiền giả đã cố gắng tích lũy tứ vật dụng và từ bỏ các pháp thiền. Giờ hiền giả trở về với bốn món vật dụng, làm thế nào hiền giả có thể giác ngộ và chứng đắc arahatta-magga-ñāṇa và sabbaññuta-ñāṇa để trở thành bậc ariya, cao hơn thập thiện đạo (kusalā-kammapatha) của những người bình thường?”
Đức Phật nói với nhóm năm vị Sa-môn như vầy: “ Này các vị Sa-môn, Như Lai không phải là người cố gắng tích lũy bốn món vật dụng. Như Lai không phải là người đã từ bỏ pháp thiền. Như Lai cũng không phải là người trở về với tứ vật dụng. Này các vị Sa-môn, Như Lai đã thực sự trở thành bậc Chánh đẳng giác, có trí tuệ thông đạt, chân thật, viên túc và trong sáng, biết rõ tất cả các pháp như thật (Saccañeyya Dhamma), là Bậc đáng được tôn kính đặc biệt. Này các vị Sa-môn! Hãy chú ý lắng nghe. Như Lai đã giác ngộ Niết bàn bất tử, Ta sẽ dạy các ngươi. Ta sẽ thuyết pháp đến các ngươi. Nếu các ngươi thực hành đúng theo sự chỉ dẫn của Như Lai thời các ngươi sẽ sớm tự mình giác ngộ sự tịch tịnh của thánh quả A-la-hán (arahatta-phala) do nhờ đạo tuệ. Đó là sự an lạc mà hai hạng thiện nam tử sau đây hằng mong ước: jāti kulaputta và ācārā-kulaputta đã từ bỏ thế gian, từ bỏ đời sống gia đình và trở thành những vị Sa-môn thực hành theo giáo pháp của Đức Phật.” Lần thứ hai, năm vị Sa-môn vẫn còn hoài nghi và đáp lại như trước.
Dầu Đức Phật đã nói với họ như thế đến lần thứ hai, “ Như Lai không phải là người tích lũy bốn món vật dụng, v.v…” Nhưng năm vị Sa-môn vẫn hoài nghi và đến lần thứ ba vẫn đáp lại như trước.
Nhân đó, Đức Phật thay đổi phương cách và nói với họ như vầy: “ Này các vị Sa-môn, các ngươi hãy nhớ lại, trước kia khi Như Lai thực hành các pháp khổ hạnh trong khu rừng Uruvela, Như Lai đã từng đến và nói với các ngươi đừng buồn chán mà tin tưởng vào Như Lai như vầy: “ Này các bạn, đừng hoang mang và đừng có ý nghĩ bỏ đi một nơi khác, Ta đã bắt đầu thấy các loại ánh sáng và các ấn tướng trong thiền (kammaṭṭhāna nimitta).” Rồi năm vị Sa-môn suy nghĩ: “ Lúc vị Sa-môn Gotama này đang thực hành thiền định, có lẽ chúng ta sẵn sàng tin vị ấy nếu vị ấy nói rằng: “ Ta đã trở thành bậc A-La- Hán!” Nhưng lúc đó Sa-môn Gotama không khoe khoang không dối gạt chúng ta. Tuy nhiên, bây giờ vị ấy chỉ nói về ân đức (guṇa) mà vị ấy thực sự có được.” Với chỉ một lời thốt ra như vậy của Đức Phật, họ yên tâm lấy lại niềm tin và sự kính trọng Đức Phật. Và với niềm tin đầy đủ rằng: “ Sa môn Gotama thực sự đã trở thành bậc Chánh đẳng giác”, họ đáp lại với sự công nhận rằng: “ No hetaṃ, Bhante – Kính bạch Đức Phật, trước đây Ngài chưa nói như vậy.”
Đức Phật có khả năng làm cho năm vị Sa-môn biết thấu đáo rằng Ngài đã trở thành bậc Chánh đẳng giác. Nhân đó, năm vị Sa-môn kính cẩn lắng nghe những lời của Đức Phật. Họ chăm chú lắng nghe Ngài. Họ hướng tâm đến sự thành đạt arahatta-phala. Sau khi giúp Pañcavaggī (năm vị Sa-môn) biết rõ Ngài đã thực sự giác ngộ, lần đầu tiên Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakka- pavattana), bắt đầu bằng những lời “ Dve’me bhikkhave ante”, v.v… vào lúc chiều tối của ngày rằm tháng Āsaḷha, năm 103 Mahā Era. Lúc bấy giờ, mặt trời vừa lặn ở hướng Tây, chòm sao Uttarasatha cũng vừa mọc lên ở hướng đông và xua tan bóng tối bằng những tia sáng của nó.
(Ngay khi Đức Phật vừa thuyết câu “ Dve’me bhikkhave ante”, thì âm thanh ấy phát ra vang đi khắp mười ngàn thế giới, thấu đến Hữu đảnh thiên (Bhavagga), là cõi Phạm thiên vô sắc cao nhất ở bên trên, còn bên dưới thì thấu đến cõi Avici, là cõi địa ngục thấp nhất. Ngay vào lúc ấy, mười tám koti Phạm thiên (1koti = mười triệu) có phước căn tròn đủ và đã làm những việc phước phi thường (adhikāra- kusala) để có thể giác ngộ Tứ Thánh Đế cũng đã tụ hội ở đó).
Khi Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakka-pavattana), đại đức Koṇḍañña (Kiều trần Như) để tâm theo dõi thời pháp và phát triển tuệ quán, nhờ vậy vị ấy được an trú trong Dự lưu quả (sotāpatti-phala) cùng với mười tám koti Phạm thiên cũng chứng đắc sotāpatti-phala khi thời pháp kết thúc.
Ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu xuất hiện khi Đức Phật thuyết bài kinh Dhammacakka-pavattana, giống như những hiện tượng xảy ra vào lúc Ngài thọ sanh, đản sanh và thành đạo.
Khi đại đức Koṇḍañña an trú trong sotāpatti-phala, Đức Phật hoan hỉ công bố rằng: “ Aññasi vata bho Koñḍañño ! Aññasi vata bho Koñḍañño ! – Koṇḍañña quả thật đã thông đạt Tứ thánh đế! Koṇḍañña quả thật đã thông đạt Tứ thánh đế!” Lời công bố này khiến chư thiên và nhân loại trong mười ngàn thế giới đều có thể nghe được. Vì Đức Phật đã nói lời hoan hỉ bắt đầu bằng câu “ Aññasi vata…” nên Đại đức Koṇḍañña từ đó có tên là ‘Aññasi Koṇḍañña Thera – Trưởng lão A- nhã Kiều trần Như.’
Sau khi đã được an trú trong Dự Lưu quả (sotāpatti-phala), đại đức Aññasi Koṇḍañña xin Đức Phật xuất gia tỳ khưu như vầy: “Bạch Đức Thế Tôn, trước sự hiện diện của Ngài, con xin được xuất gia tỳ khưu.” Nhân đó, Đức Phật duỗi cánh tay phải ánh vàng của Ngài từ dưới chiếc y và nói với vị ấy bằng giọng nói như của Phạm thiên như vầy: “ (1) Ehi Bhikkhu – Hãy đến, này tỳ khưu, hãy nhận lấy địa vị tỳ khưu mà ngươi đã cầu xin, (2) Svākhāto dhammo – Pháp được Như Lai khéo thuyết giảng, (3) Cara brahmacariyaṁ sammā dukkhassa antakiriyāya – Hãy cố gắng hoàn thành pháp hành của bậc Thánh bao gồm ba đạo (magga) bậc cao để chấm dứt vòng đau khổ.” Sự xuất gia của đại đức Aññasi Koṇḍañña được thành tựu ngay khi Đức Phật nói xong ba câu trên.
(Ngay khi Đức Phật nói với đại đức Aññasi Koṇḍañña câu “ Ehi Bhikkhu’ thì lập tức tướng mạo đang có trên người vị ấy liền biến mất và thay vào đó là tướng mạo của vị tỳ khưu với đầu đã cạo tóc và thân đắp y vàng. Trên người của vị ấy có tám món vật dụng, mỗi thứ ở đúng chỗ của nó, một sợi dây được buộc ngang thắt lưng, 1 chiếc y một lớp (ekacci) đắp trên thân, chiếc y tăng già lê nằm trên vai, cái bát khất thực được treo bên vai trái. Oai nghi (iriyapatha) của vị ấy rất đáng kính, giống như oai nghi của một vị trưởng lão 60 hạ (với tuổi đời là 80); và vị ấy đang ở trong tư thế làm lễ Đức Phật, là thầy tế độ (upajjhāya) của vị ấy.
(Những món vật dụng có trên người của những vị thiện lai tỳ khưu (ehi bhikkhu) này được gọi là Thần biến sở tác y cụ (vật dụng do thần thông tạo ra- iddhimaya parikkhāra). Nếu một người nào đó bố thí tám món vật dụng như y phục, v.v… (hoặc bình bát hoặc y phục nếu người ấy không đủ khả năng bố thí tám món) đến bậc thánh nhân (ariya-puggala) như bậc Tu-đà-hườn (sotāpanna), v.v.. hoặc đến một vị phàm tăng có giới (puthujjana-sīlavanta) rồi phát nguyện như vầy: “Xin cho phước thí về các món vật dụng này hãy là món duyên lành (paccaya) để trở thành vị ehi bhikkhu trong ngày vị lai”, phước thí kể trên sẽ giúp người kia có được vật dụng do thần thông tạo ra – iddhimaya parikkhāra (để trở thành vị ehi bhikkhu trước mặt chư Phật).
Đức Phật đã trú ngụ trong khu rừng Migadāya suốt mùa mưa. Ngày hôm sau (ngày 16 tháng Āsaḷha), Ngài ở lại tịnh xá ( không đi khất thực) và sử dụng thời gian ấy để hướng dẫn cho trưởng lão Vappa. Bốn vị kia thì đi khất thực. Trưởng lão Vappa chứng đắc quả sotāpaññā vào buổi sáng ngày hôm ấy. Tương tự, Đức Phật chỉ ở lại tịnh xá mà không đi khất thực và dùng thời gian để hướng dẫn cho trưởng lão Bhaddiya trong ngày hôm sau (ngày 17 tháng Āsaḷha). Ngày 18 tháng Āsaḷha, Đức Phật độ cho trưởng lão Mahānāma, Đức Phật độ cho trưởng lão Assaji ngày 19 kế tiếp. Như vậy cả năm vị Sa- môn đều chứng đắc quả thánh sotāpanna và trở thành ehi-bhikkhu trước sự hiện diện của Đức Phật.
Vào ngày 20 tháng Āsaḷha, Đức Phật thuyết bài kinh Anatta- lakkhaṇa (Kinh Vô ngã) để năm vị tỳ khưu có thể trở thành bậc arahat với các lậu hoặc (āsava) được đoạn tận. Khi thời pháp Anatta- lakkhaṇa Sutta kết thúc, nhóm năm vị tỳ khưu tất cả đều trở thành bậc arahat với các āsava được đoạn tận.
(Tất cả những yếu tố liên quan đến bài kinh Dhammacakka- pavattana và kinh Anatta-lakkhaṇa sẽ được nêu ra trong chương về Pháp bảo – Dhamma Ratana).