Dhamma House, California, U.S.A

Ngày 26 tháng 8 năm 1989

Tinh túy của Dhamma

Những thành viên trong gia đình Dhamma thân mến,

Tất cả các con đều mong muốn được củng cố trong Vipassana, được tăng tiến trên con đường và hưởng được những thành quả Dhamma tốt đẹp nhất. Để tăng tiến trên con đường Dhamma, điều tuyệt đối quan trọng là phải thực hành Dhamma. Và để thực hành Dhamma, điều thiết yếu là các con phải hiểu Dhamma là gì.

Nếu các con không thực hành Dhamma mà chỉ trở nên ràng buộc vào nó, cho đó là giáo điều, tông phái hay một tổ chức tôn giáo, thì Dhamma sẽ không còn là Dhamma cho các con nữa. Khi các con hiểu được thực chất của Dhamma, sự tinh túy thâm sâu của Dhamma, thì cái vỏ bề ngoài không còn quan trọng nữa.

Để hiểu được Dhamma là gì, các con phải hiểu được sila (giới) là gì và tại sao lại phải giữ giới; các con phải hiểu được samma-samadhi là gì và tại sao lại phải thực hành loại Samadhi này; các con phải hiểu được panna đích thực là gì và tại sao lại phải thực hành nó.

Đức Phật dạy người ta hiểu ở mức độ trải nghiệm, tại sao phải giữ sila (giới) và cho họ khả năng thật sự để giữ được sila. Ở mức độ trí thức, ta có thể hiểu, “Ta không nên làm điều này, nó không thiện lành. Ta không nên làm việc kia, nó không thiện lành.” Tuy nhiên trong cuộc sống hằng ngày, ta vẫn tiếp tục làm những việc không thiện lành. Một trong những kinh điển cổ xưa chỉ rõ điều này, nói rằng:

Janami dharmam na ca me pravitta,

Janami addharmam na ca me niritta.

Tôi hiểu rất rõ dharma là gì, tuy nhiên tôi không thể làm theo,

Tôi biết rất rõ những gì trái với dharma, tuy vậy tôi vẫn không tránh khỏi chúng.

Có người đã trở thành Phật khám phá ra cách tránh làm điều bất thiện. Ngài khiến cho người ta hiểu được cái gì thật sự xẩy ra khi ta giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối hay dùng chất gây say, nghiện.

Đi sâu vào nội tâm, các con bắt đầu hiểu rằng, “Tôi không thể giết hại trừ khi tôi tạo ra bất tịnh trong tâm – giận dữ, oán hận, ác ý, hận thù, không bất tịnh này thì bất tịnh khác.” Và các con cũng nhận ra rằng, “Ngay khi tôi tạo ra bất tịnh trong tâm, thiên nhiên bất đầu trừng phạt tôi. Tôi trở nên khổ sở ngay lập tức.” Nhận ra sự thật phổ quát này, Đức Phật nói,

Idha tappati, pecca tappati,

Các người bắt đầu bị khổ ngay bây giờ và tiếp tục bị khổ sở trong tương lai.

Hạt giống của những hành động bất thiện mà các con đã gieo trồng khiến các con đau khổ ngay tại đây và ngay bây giờ. Nó tiếp tục gia tăng và đem lại kết quả đắng cay.

Đức Phật đưa ra một ví dụ: Nếu các con lấy một sợi giây thừng và không ngừng xoắn vặn, nó sẽ càng lúc càng thắt chặt hơn. Mỗi khi các con vi phạm sila, các con xoắn giây thừng chặt hơn, và các con trở nên căng thẳng trong nội tâm. Khuynh hướng phản ứng cùng kiểu cách đó trở thành thói quen và các con không ngừng xoắn vặn; bởi vậy đau khổ của của các con không ngừng gia tăng. Ngài nói rằng, có thể trên bề mặt của tâm, các con không biết là các con tạo ra căng thằng trong nội tâm. Làm sao nó cứ tiếp tục xảy ra mà các con không ý thức được?

Nếu các con nhìn vào một cục than cháy đỏ bị che phủ bởi một lớp tro dày thì có vẻ như cục than không cháy đỏ, có vẻ như không cháy bừng. Cùng một kiểu cách, chín mươi chín phần trăm tâm các con đang cháy bừng và một phần trăm trên bề mặt bị xao lãng bằng cách hưởng thụ những khoái cảm này nọ. Bởi vì các con không nhìn vào nội tâm, các con không biết rằng nó đang cháy bừng.

Mỗi lần phạm giới, các con tự bào chữa và trên bề mặt các con cảm thấy ổn thỏa. Các con nói với chính mình, “Tôi giết người đó bởi vì hắn xấu xa quá.” Hay các con có thể nói, “Tại sao hắn lại có cái đó? Nếu tôi lấy thì có gì sai trái đâu? Bây giờ tôi rất sung sướng.” Hay các con có thể nói cách khác, “Tôi có quan tình dục nhưng tôi không làm hại một ai. Cả hai chúng tôi đều đồng tình nên không phải là hãm hiếp. Như thế thì có gì sai trái đâu? Hay các con một lần nữa nói rằng, “Tôi chỉ uống một ly rược nhỏ và tôi không say sưa. Điều đó có gì sai trái đâu? Nói cho cùng, khi tôi sống trong xã hội, có người mời tôi ly rượu và tôi chấp nhận thì tôi không phá hoại sự bình yên và hài hòa của xã hội, tôi còn giúp cho xã hội. Mọi người đều vui vẻ.”

Một vị Phật sẽ mỉm cười và nói, “Những người khùng điên. Họ sung sướng với lớp tro che phủ sự thật. Họ không biết là họ đang cháy bừng sâu tận bên trong và họ không ngừng bỏ thêm nhiên liệu cho sự cháy bừng này.” Mỗi lần các con phá giới, các con thêm càng nhiều nhiên liệu cho sự cháy bừng này và các con mỗi lúc một khổ sở hơn. Điều này không thể hiểu được chỉ bằng tranh cãi hay lý luận. Chỉ khi nào đi sâu hơn vào nội tâm các con mới hiểu được rằng, mọi hành động bằng lời nói hay việc làm trái với luật tự nhiên thì lập tức sẽ làm hại chính các con.

Khi đi sâu hơn vào nội tâm, các con cũng thấy rằng, khi các con bắt đầu có những hành động thiện lành bằng lời nói hay việc làm, ngọn lửa cháy bừng bên trong tàn lụi và các con bắt đầu cảm thấy bình yên. Đức Phật nói, Idha nandati, pecca nandati, katapunno ubayattha nandati. Bởi vì các con đang vun trồng khuôn mẫu thói quen tinh thần của tạo ra sự bình yên, hài hòa, và hạnh phúc thật sự, trạng thái tinh thần này cứ tiếp diễn. Mọi hành động bằng việc làm hay lời nói nếu làm với tâm thanh tịnh sẽ tạo ra hạnh phúc – không phải là thứ hạnh phúc của lớp tro mỏng che phủ cục than đang cháy đỏ, nhưng là hạnh phúc tại bề sâu của tâm.

Samadhi là sự tập trung tâm. Cách tập trung như thế nào? Và tại sao các con lại tập trung theo cách đặc biệt này? Đây là sự giác ngộ sủa Đức Phật: Samma-samadhi phải là thứ Samadhi đưa chúng ta đến panna, và mục tiêu phải là sự thật liên quan đến tâm và thân của chính mình.

Đức Phật gọi cái mà phương Tây cho là tâm ý thức là paritta citta, nghĩa là một phần nhỏ bé của tâm. Thực ra toàn bộ tâm đều có ý thức, không có phần nào là vô thức hay bán ý thức. Những phần của tâm gọi là vô thức hay bán y thức không ngừng cảm thấy cảm giác của thân và phản ứng lại chúng. Phần bề mặt của tâm giống như lớp tro che phủ cục than cháy đỏ. Các con có thể đùa chơi bằng cách bỏ đá lạnh vào đó để các con có thể cảm thấy là sự cháy bừng đã chấm dứt, để các con thấy hoàn toàn hạnh phúc. Nếu các con hành thiền bằng cách tụng niệm thì chỉ có tâm ý thức đang tụng niệm; tâm vô thức ở dưới sâu không tham gia vào việc này. Như vậy chỉ phần nhỏ bé của tâm, “tâm ý thức” hình dung hay tưởng tượng, hay suy diễn hay chơi trò chơi trí thức hay tình cảm. Tâm ở dưới bề sâu không tham dự vào những trò này, tuy thế các con cảm thấy có vẻ như là mình đang được bình yên.

Khi các con đi xem chiếu phim, tới quán rượu hay nhà hát, các con chuyển hướng tâm ý thức và thích thú với những khoái cảm. Khi các con làm cho tâm ý thức say sưa với rượu chè và ma túy, các con lại có thể quên đi sự đau khổ của mình một thời gian. Cùng một kiểu cách, khi các con làm cho tâm say sưa bằng những loại thiền khác nhau, các con quên đi sự đau khổ của mình. Các con quên đi cụ than đang cháy đỏ trong nội tâm.

Sự giác ngộ của Đức Phật là đi tới tận bề sâu và hiểu được luật nhân quả. Ngài hiểu là khi ta phản ứng bằng thèm muốn và chán ghét, đau khổ liền theo sau; đây là luật tự nhiên. Ngài tìm hiểu tại sao ta phản ứng bằng cách này.

Mức độ hiển nhiên, ta cảm thấy là mình phản ứng lại những đối tượng bên ngoài, những gì các con trông thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, hay suy nghĩ. Nếu là dễ chịu, có vẻ như là các con phản ứng bằng thèm muốn đối sự xúc chạm của giác quan. Tương tự như thế, sự xúc chạm mà các con cảm thấy ở bất cứ giác quan nào, có vẻ như là các con phản ứng bằng sự chán ghét. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng ở trên bề mặt. Có một mắt xích nối bị bỏ quên khiến các con không hiểu được nếu không thực hành Vipassana. Các con không phản ứng lại những đối tượng bên ngoài khi chúng xúc chạm với những giác quan tương ứng; các con phản ứng lại những cảm giác trong người do sự xúc chạm gây ra. Khi cảm giác là dễ chịu, các con phản ứng bằng sự thèm muốn; khi cảm giác là khó chịu, các con phản ứng bằng sự chán ghét. Nếu mắt xích nối này bị bỏ quên, các con không tập ở bề sâu của tâm, các con chỉ tập trên bề mặt.

Những người chỉ tập với tâm ý thức tự lừa đối mình, và thực sự không giúp ích gì cho họ. Các con phải đi vào tận bề sâu, giới hạn sự chú tâm của mình vào hiện tượng tâm – thân và quan sát sự tương tác đang xảy ra. “Tâm vô thức” sâu tận bên trong không ngừng tiếp xúc với cảm giác trong thân. Tâm và thân liên hệ mật thiết với nhau đến nỗi từng giây phút bất cứ những gì xảy ra trong tâm đều ảnh hưởng đến thân, và bất cứ những gì xảy ra ở mức độ thể chất đều ảnh hưởng đến tâm.

Đức Phật là người đầu tiên trong kỷ nguyên này (có nhiều vị Phật trong quá khứ cũng đã khám phá ra cùng một điều này) đã tìm thất sự thật này, và với lòng trắc ẩn và thiện ý, ban phát cho mọi người, “Hãy xem, đây là quy luật. Hãy hiểu luật bằng sự chứng nghiệm của chính mình, và thoát khỏi khổ đau.

Có người sẽ quên luật này và nói, “Dù tôi có đi tới thiền sư này hay thiền sư khác thì sự hành thiền vẫn giống nhau.” Thầy sẽ trả lời, “Nếu thiền sư dạy cho ta cách quan sát cảm giác trên thân và phát triển sự bình tâm đối với chúng thì nó giống nhau. Không quan trọng gì cả dù nó được gọi là Vipassana hay không, cho dù đó là giáo huấn của Đức Phật hay bất cứ ai khác.” Nhưng vị đạo sư nào không chỉ dạy các con thực hành như thế này, và các con vẫn nói, “Sự giảng dạy vẫn giống nhau.” Các con làm hại chính mình bởi vì các con quên đi cảm giác trên thân và không ngừng phản ứng lại chúng bằng thèm muốn hay chán ghét.

Lớp tro che lấp sự thật bên trong này cần được loại trừ. Bất cứ loại thiền nào giúp cho lớp tro này dày hơn đều không phải là đối tượng thiền hữu hiệu. Bất cứ đối tượng thiền nào loại trừ được lớp tro này khiến ta cảm thấy được sự đau khổ trong nội tâm đều hữu dụng.

Đây là sự thật thánh thiện thứ nhất, “Hãy nhìn xem, có biết bao sự cháy bừng đang xảy ra, có biết bao căng thẳng.” Điều này chỉ có thể chứng nghiệm được khi các con bắt đầu cảm thấy cảm giác trong người. Mọi cảm giác trong người đều là khổ đau. Vì vô minh các con phản ứng và sinh ra đau khổ. Làm thế nào để chặn đứng việc này? Làm thế nào để cái tâm bị nô lệ vào khuôn mẫu thói quen này không còn bị nô lệ?

Việc này chỉ có thể làm được bằng sự thực tập, thảo luận trí thức, tranh cãi, hay chấp nhận sự thật ở mức độ sùng tín không giúp ích gì được. Điều này có thể cho ta sự hướng dẫn và cho ta biết cách thực hành như thế nào, nhưng sau đó chúng ta phải thật sự thực tập. Những ai muốn tăng tiến trên con đường Dhamma phải hiểu được thiền Vipassana là gì và tại sao chúng ta phải thực hành theo đường lối này.

Dĩ nhiên là chúng ta không chê bai người khác. Những người chỉ dạy phương pháp thiền chỉ tập ở mức độ trí thức cũng giúp ích cho người khác; ít ra là tâm ý thức cũng được thanh lọc được phần nào và điều này hữu ích. Nhưng đối với sự thực hành của chính mình, hãy hiểu rằng, sự giải thoát sẽ chỉ tới khi các con tới tận nguồn gốc sâu xa của khổ đau. Trừ khi các con diệt trừ được ngưồn gốc của khổ đau, các con không thể diệt trừ được khổ đau của mình.

Dhamma rất là giản dị, tuy vậy người ta biến nó thành rắc rối. Không có gì giản dị hơn Dhamma. Nó trở nên rắc rối bằng cách thêm triết lý này hay triết lý khác vào, hay sùng tín này hay sùng tín khác vào. Không nên làm cho nó thành rắc rối. Những người làm cho nó trở nên rắc rối làm hại chínhh họ và người khác. Các con có con đường đích thực nhưng là một con đường dài. Để thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm cần một thời gian dài; nhưng bước đầu tiên đã khởi sự. Ngay như khi các con chỉ tham dự một khóa thiền, một sự khởi sự tốt đẹp đã bắt đầu. Hãy tận dụng điều này để giải thoát tâm ở tầng lớp sâu thẳm nhất.

Khi các con đi sâu hơn trong sự hành thiền trong khi giữ năm sila, các con sẽ bắt đầu hiểu rằng, bất cứ lúc nào phạm giới sẽ làm cho lớp tro ở trên mặt dày hơn và đồng thời gia tăng sự cháy bùng ở bên trong. Do đó hãy nhận ra sự thật về sự cháy bùng của sự đau khổ trong nội tâm. Đừng để bị mê hoặc bởi lớp tro trên mặt này, bởi phần nhỏ được gọi là tâm ý thức này.

Cũng nên hiểu là chỉ bằng cách thực hành Dhamma các con mới có thể hưởng được lợi lạc từ Dhamma. Nếu các con tham dự một khóa thiền nhưng không thực hành hằng ngày, các con sẽ có lợi nhưng rất ít. Hay nếu các con mỗi năm tham dự một khóa nhưng không hành thiền hằng ngày, khuôn mẫu thói quen của tâm không thể thay đổi; và khuôn mẫu thói quen cần phải thay đổi. Mỗi lần các con ngồi thiền khuôn mẫu thói quen được thay đổi từ từ, các con thanh lọc tâm từng chút một cho tới giai đoạn tâm không còn bất tịnh, mọi khuôn mẫu thói quen trong quá khứ biến mất.

Để làm được điều này, các con phải làm việc một cách nghiêm túc. Các con có cơ sở tuyệt vời ở đây, và các con đã tận dụng chúng. Thầy cảm thấy sự rung động ở đây đã trở nên rất tốt chỉ trong ít năm, và bây giờ các con có thể chia sẻ sự rung động này với người khác.

Một khi Dhamma bắt đầu tăng trưởng, nó sẽ không ngừng tăng trưởng và không ai có thể ngăn chặn được. Hãy tăng trưởng bên ngoài và nhiều người sẽ có được lợi lạc. Tăng trưởng bên trong và các con sẽ được lợi lạc trong nội tâm. Nếu chính các con không được lợi lạc và các con chỉ nghĩ là để cho người khác được lợi lạc, nó không hữu hiệu

Hãy phát triển trong Dhamma vì lợi ích của chính mình và vì lợi ích của những người khác; vì lợi lạc của chính mình và vì lợi lạc của người khác, vì sự giải thoát của chính mình và vì sự giải thoát cả những người khác.

Bhavatu sabba mangalam

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app