TÁM PHÁP THẾ GIAN
“Thế nào là tám? Được lợi (lābho), mất lợi (alābho); được danh (yāso), mất danh (ayāsa); bị chê (nindā), được khen (pasamsā); hạnh phúc (sukha) và khổ đau (dukkha).”
Như vậy tám pháp thế gian này gồm bốn cặp: được lợi — mất lợi, được danh — mất danh, được khen — bị chê, hạnh phúc — khổ đau. Trong đó, bốn là tốt và bốn là xấu. Dĩ nhiên, người ta ai cũng thích cái tốt và ghét cái xấu.
Ở đây, thế nào là được Lợi (lābho)? ðược lợi là có được những điều vừa ý, vừa lòng, những điều đáng mong ước và hữu ích; đối với con người thì đó thường là vàng, bạc, kim cương, đá quý, trâu bò, voi, ngựa, thực phẩm, y phục, xe cộ, nhà cửa, đất đai, v.v… Có được những thứ này bằng sự lao nhọc hay không cần phải cố gắng, đều tốt, và có càng nhiều càng tốt. Như vậy, thành công trong công việc mua bán hay trong những phương tiện sinh sống khác là có được đầy đủ lợi lộc (Lābha), hay được giàu sang. Còn đối với các vị sư, có được bốn món vật dụng — thức ăn, y phục, trú xứ, và dược phẩm, là tốt.
Trái lại, Alābho có nghĩa là bị mất đi những thứ này hoặc bị thất bại trong công việc làm ăn. Thật đáng tiếc nếu một người cố gắng làm giàu nhưng thất bại. Có lẽ họ sẽ cảm thấy ân hận rằng mình không làm giàu được như những người khác. Và còn ân hận hơn nữa nếu như họ bị mất những gì mình đã sở hữu. Có năm kẻ thù hay năm sức mạnh phá hủy trong cuộc sống, và do năm kẻ thù này mà tài sản của một người có thể bị thất thoát hoặc bị phá sản.
Trong hai trường hợp vừa nói, được lợi hay có được tài sản là điều ai cũng thích. Dù có được nó bằng phương tiện chân chánh hay gian trá, không thành vấn đề. Kẻ ngu thường không quan tâm đến điều này. Không ai muốn bị khước từ những gì mình đã từng mong muốn hay khao khát; dù là con người ở thời đại ngày nay hay con người ở thời đại ngày xưa thì cũng vậy. Mọi người chẳng ai thích bị rơi vào hoàn cảnh sa sút.
Yāso có nghĩa là có một người bạn đời, có được những bạn bè, những người đồng hành, đệ tử, tùy tùng, và nhiều người mà bạn có thể vận dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình trên họ.
Ayāso nghĩa là bị mất đi những sự ủng hộ kể trên.
Trong cặp pháp thế gian này cũng vậy, mọi người ai cũng thích nhận được sự ca tụng hết mình của những người đồng hành và đệ tử. Mới đầu, bạn sống độc thân, sau đó lấy vợ hoặc chồng, rồi bạn có con cái. Bạn làm việc trong xã hội và có bè bạn, người cộng sự và đệ tử, nói chung là những người bạn có thể vận dụng sự ảnh hưởng của mình trên họ. Bạn thích được sống trong những điều kiện như vậy, và sẽ chào đón nhiều người đến với mình thêm nữa. Nếu bạn bị mất chúng bạn sẽ cảm thấy chán nản. Khi bạn không có được tình bằng hữu của những người lẽ ra bạn phải kết thân được với họ, hay khi bạn mất đi những người từng theo mình hay từng phục tùng mình chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất đau khổ.
Kế tiếp đến cặp Chê (nindā) và Khen (pasamsā). Nindā có nghĩa là bị chỉ trích, nhạo báng và pasamā là được khen ngợi và quý trọng. Trong cặp pháp thế gian thứ ba này cũng vậy, bạn sẽ không thích bị ai sỉ vả, chế nhạo hay chỉ trích. Có thể lời chỉ trích như thế chẳng đáng gì đối với bạn, nhưng chắc chắn, bằng cách này hay cách khác, bạn sẽ không thích nó. Không ai có thể chịu đựng được sự chế nhạo. Nếu bạn không có sự nhẫn nại và một tinh thần tha thứ bạn sẽ dễ cảm thấy bị tổn thương, đặc biệt khi sự chỉ trích ấy là một sự chỉ trích không đáng. Cũng giống như khi để rơi cái cây trên một vết thương, nó sẽ đau rất nhiều. Bạn cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng vì nghĩ rằng mình không đáng bị chỉ trích công khai như vậy.
Đối với những người có một tâm hồn cao thượng, nếu sự chỉ trích là xứng đáng, họ sẽ có đủ kham nhẫn để tiếp thu nó và suy nghĩ đến những lầm lỗi của họ với thái độ bình thản. Tuy vậy, vẫn không ai thích bị chỉ trích hay chế nhạo. Không một ai, dù là trẻ hay già. Còn về pasamsā, nghĩa là được khen, mọi người ai cũng thích nó. Cho dù những lời khen đó lắm khi không đáng và chỉ là sự nịnh hót, tâng bốc, người ta vẫn sẽ chấp nhận nó với một nụ cười.