TẠI SAO GỌI LÀ NHƯ LAI?
Chữ Tathāgata đã được chọn để đặt tên cho trung tâm thiền này (Như Lai Thiền Viện), vì thế sẽ rất thú vị khi chúng ta nghiên cứu ý nghĩa của từ ấy. Tôi nghĩ, tất cả thành viên của thiền viện này nên hiểu biết ý nghĩa của danh hiệu ấy, và mọi người sẽ thấy rằng có rất nhiều thông tin liên quan đến nó. Lý do tại sao từ Tathāgata lại đặc biệt đến nỗi nó được xem như một từ đồng nghĩa với từ Phật (Buddha). Về những từ đồng nghĩa, giống như tiếng Anh, ngôn ngữ Pāli và Sanskrit rất phong phú. Nếu như tiếng Anh có từ điển đồng nghĩa và phản nghĩa thì Pāli và Sanskrit cũng có những tác phẩm tương tự được biết đến như sách “từ vựng”. Văn hệ Pāli có một cuốn sách gọi là Abhidhānappadīpikā mà phần lớn của cuốn sách là một sưu tập về những từ đồng nghĩa. Ngoại trừ phần cuối, cuốn sách có một ngàn hai trăm lẻ ba bài kệ. Ở đất nước Myanmar (Miến điện) các học viên lớp nghiên cứu Pāli, nhất là các vị sư, đều được trông đợi phải học thuộc lòng cuốn sách ấy. Những từ đồng nghĩa với từ Buddha (Phật) được liệt kê ở đầu cuốn sách đó, và Tathāgata là một trong số những từ đồng nghĩa ấy. Có cả thảy 32 danh hiệu khác nhau chỉ Phật (Buddha). Do đó không có gì ngạc nhiên khi thấy rằng Ấn Giáo (Hindus) có tới một ngàn tên cho vị thần Vishnu của họ, và họ có một cuốn sách gọi là Một Ngàn Danh Hiệu của Vishnu. Có thể nói người ta sáng tạo ra những cái tên khác nhau để gọi các bậc đạo sư của họ là do lòng sùng đạo và sự uyển chuyển trong ngôn ngữ.
Mặc dù có ba mươi hai danh hiệu trỏ Phật (Buddha) nhưng phổ biến nhất vẫn là Bhagavant hay Bhagavan (Thế Tôn). Mở đầu của hầu hết các bài kinh chúng ta thấy chữ Bhagava (Thế Tôn) thế cho chữ Phật. Người ta thường dịch chữ này là Thế Tôn, tức bậc được thế gian tôn kính. Và có cả ngàn bài kinh (sutta) trong kinh tạng chúng ta thấy từ đó được sử dụng rất nhiều lần. Mới đây, một số vị thầy đã tự giới thiệu mình là Thế Tôn (Bhagavan), nhưng đối với một người Phật tử, từ này chỉ nói đến đức Phật, và không người nào trong giới Phật tử dám lấy danh hiệu Bhagavan.
Còn về danh hiệu Buddha (Phật), vốn có nghiã là bậc đã giác ngộ hay thức tỉnh thì sao? Từ này cũng thường được thấy trong Tạng Luật (Vinaya Pitaka), vốn là bộ sưu tập về những điều luật và các học giới cho các vị sư, tu nữ và sa-di, trong đó từ Buddha được dùng chung với từ Bhagavant. Vì thế trong văn kinh chúng ta thường gặp, ‘Một thời đức Phật, Thế Tôn trú tại kinh thành Vương Xá,…(Tena samayena buddho bhagavā rājagahe viharati…), ở đây hai từ được dùng chung với nhau để nói về đức Phật.
Mặc dù từ Tathāgata không được dùng thường xuyên như hai từ kia, nhưng nó lại rất ý nghĩa, bởi vì bất cứ khi nào muốn nói về mình đức Phật đã dùng từ này. Có hai trường hợp trong kinh điển ở đây đức Phật nói, “Ta là Phật”, hay “Hãy biết Ta như là một vị Phật,” còn lại mọi trường hợp khác Ngài tự gọi mình là Như Lai (Tathāgata), chứ không bằng bất cứ danh hiệu nào khác. Sau khi giác ngộ, ngài đã trải qua bảy tuần lễ dưới cội Bồ Đề, sau đó đi đến nơi cư ngụ của năm vị đệ tử đầu tiên (nhóm 5 vị Kiều Trần Như) để giảng cho họ nghe bài kinh Chuyển Pháp Luân. Khi năm vị này nhìn thấy đức Phật, họ không tin rằng ngài đã thành Phật, bởi vì họ nghĩ ngài đã rời bỏ pháp hành khổ hạnh mà theo họ là pháp hành đúng đắn đưa đến giác ngộ giải thoát. Vì thế khi đức Phật đi đến, họ không tỏ ra tôn trọng lắm, và họ còn gọi ngài bằng tên riêng theo lối bằng hữu. Thấy vậy đức Phật nói với họ, “Này các tỳ kheo, chớ có gọi Như Lai (Tathāgata) bằng tên riêng như vậy, chớ có gọi ta là hiền giả như vậy. Như Lai là bậc đáng tôn kính và đã gíac ngộ hoàn toàn. Hãy nghe đây, ta đã chứng được pháp Bất Tử. Bây giờ ta sẽ hướng dẫn cho các ngươi, ta sẽ dạy Pháp ấy cho các ngươi.” đức Phật đã lập đi lập lại ba lần như vậy để thuyết phục họ, và sau ba lần, đức Phật hỏi, “Này các tỳ kheo, Ta có từng bao giờ nói với các vị như thế này trước đây chưa?” Cuối cùng, họ đã bị thuyết phục và gọi đức Phật theo cách khác. Họ nói, “Bạch Tôn Giả (Bhante), chưa”. Chữ Bhante có nghĩa là bậc đáng tôn kính (tôn giả). Như vậy chúng ta thấy rằng bất cứ khi nào đức Phật muốn nói đến chính mình, ngài sẽ dùng chữ Như Lai.
Vì danh hiệu Như Lai đã được chọn để đặt tên cho trung tâm thiền này, do đó tôi mong quý vị nên hiểu rõ ý nghĩa của từ ấy. Có thể nói Như Lai là một từ thích hợp vì nó nói đến chính đức Phật. Trong các bản chú giải, có rất nhiều nghĩa được gán cho từ này đến nỗi khó mà biết chính xác nghĩa nguyên thủy của nó là gì. Các nhà chú giải giải thích từ này rất rõ ràng và còn chia từ ra làm nhiều phần để giải thích thêm ý nghĩa. Một trong những bản chú giải đó đưa ra tám ý nghĩa của từ này, và thực sự có những thay đổi về hai ý nghĩa, vì thế chúng ta có cả thảy mười ý nghĩa cho từ Như Lai.
Thứ nhất: Như lai có nghĩa là người đã đi đến giống như các vị Phật khác. Ở đây, tathā nghĩa là ‘theo cách tương tự’, và gata, có nhiều nghĩa, song nghĩa chính ở đây là “người đã đi đến” (thực ra chữ này là āgata, nhưng do “ā” bị lược bỏ khiến cho chữ thành Tathāgata). để trở thành một vị Phật, vị Bồ Tát hay đức Phật tương lai phải thực hiện một lời phát nguyện và sau đó vị ấy còn phải được một vị Phật đương thời thọ ký. Vị ấy phải hoàn thành mười pháp Ba-la-mật (pāramīs), đó là bố thí, giữ giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ, và tâm xả. Ngoài ra, vị ấy cũng phải hoàn thành năm pháp đại thí, các pháp tinh tấn (tiền nỗ lực), chánh hạnh, thuyết pháp và thực hành vì lợi ích của các hàng quyến thuộc, v.v… trước đó. đức Phật tương lai cũng còn phải thực hành tứ niệm xứ và các pháp hành khác. Như vậy đức Phật Gotama hiện tại của chúng ta đã trở thành một vị Phật giống như cách chư Phật quá khứ đã làm. Vì thế Tathāgata có nghĩa là người đã đến bằng con đường thực hành giống như các vị Phật khác.
Mặc dù chúng ta nói đến người như vậy là Phật (Buddha), nhưng từ Buddha hay Phật vẫn không phải là tên riêng của ngài. Tên của ngài là Siddhattha, và tộc tánh của ngài là Gotama. Chỉ sau khi giác ngộ, ngài mới được gọi là đức Phật. Nếu chúng ta muốn phân biệt ngài với các vị Phật khác chúng ta có thể gọi ngài là đức Phật Cồ đàm (Gotama Buddha). điều này là cần thiết bởi vì, như chúng ta đã thấy, ý nghĩa đầu tiên của Tathāgata là người đã đi đến giống như các vị Phật khác (tathā+āgata).
Thứ hai, Tathāgata có hai biến nghĩa. Một là người đã đi giống như các vị Bồ-tát (bodhisattas) khác. Ở đây chữ gata có nghĩa là “đi”, “sau khi đã đi” hay “đã đi”. Quý vị có thể nhớ lại ý nghĩa của việc đi này trong cuộc đời đức Phật. Ngay sau khi vừa sanh ra, ngài đã đứng thẳng dậy, nhìn chung quanh, và bước đi bảy bước theo hướng bắc. Và rồi ngài tuyên bố, “Ta là bậc cao quý nhất trên thế gian”. Kinh điển nói rằng mỗi vị Phật ra đời đều làm giống như vậy. Nghĩa là sau khi sanh ra, các vị đều bước đi giống nhau và đều tuyên bố những lời dũng cảm như vừa đề cập giống nhau. Vì, giống chư vị Bồ tát khác, Bồ tát Gotama của chúng ta đã đi theo cách như vậy nên được gọi là Như Lai.
Biến nghĩa khác của nghĩa thứ hai là người đã đi giống như chư Phật khác. Ở đây, từ ‘người đã đi’ mang ý nghĩa của người đã bỏ lại đằng sau mọi phiền não. Như vậy từ này hàm ý rằng đức Phật là một người đã đoạn trừ tất cả phiền não bất tịnh nhờ chứng đắc Phật quả. Vì vậy chữ ‘đã đi’ ở đây không có nghĩa là hành động đi của thân vật lý, mà là đã đạt đến mục đích nhờ sức mạnh của trí tuệ. Trong văn hệ Pā©i, đi cũng có thể có nghĩa là tuệ tri. động từ đi, trong cả Pāli lẫn Sanskrit, lúc đầu có nghĩa là ‘đi’ nhưng về sau nó còn mang nghĩa của “xảy ra, đạt đến, và biết (tuệ tri).” Trong ngữ cảnh này, gata (đi) có nghĩa là đã biết, và như vậy nghĩa thứ hai của Tathāgata là người đã đi bằng con đường trí tuệ, bằng con đường đoạn trừ phiền não, giống như các vị Phật khác.
Thứ ba, Tathāgata có nghĩa là người đã đến, bằng con đường trí tuệ, bằng sự hiểu biết thực tính của vạn pháp. đức Phật hiểu biết thấu đáo thực tính của các pháp hữu vi, như tứ đại (đất, nước, lửa, gió), thực tính của các danh pháp, như thức, xúc, thọ,… Ngài cũng biết rõ thực tính của của các thực tại vô vi, đó là Niết-bàn. Sở dĩ ngài hiểu biết thấu đáo được thực tính của các pháp ấy là vì, trong lúc hành thiền tâm ngài nghiêng về tất cả đối tượng, và khi tâm thành tựu định trên những đối tượng ấy, Ngài thấy các đặc tính của chúng. đây là mục đích của Thiền Minh Sát (vipassanā).
Ý nghĩa thứ tư, Tathāgata có hai biến nghĩa. Một, Như Lai là bậc đã tuệ tri Tứ Thánh Đế, đó là tuệ tri sự thực (thánh đế) về khổ, sự thực về nhân sanh khổ, sự thực về sự diệt khổ, và sự thực về con đường dẫn đến sự diệt khổ. đức Phật là người đầu tiên khám phá ra Tứ Thánh đế và sau đó truyền đạt chúng cho thế gian. Như vậy, Tứ Thánh đế luôn luôn hiện hữu nhưng bị (vô minh) che lấp cho đến khi một vị Phật ra đời và phát hiện ra chúng. Biến nghĩa khác, Như Lai là bậc đã biết rõ sự thực về quy luật duyên sanh. Ở đây, từ Tathāgata có nghĩa là Bậc hiểu biết chân lý (sự thực), và sự thực mà nó muốn nói đến là quy luật nhân quả hay pháp duyên sanh, một quy luật tuyên bố rằng mọi vật đều do duyên hay do một hiện tượng khác nào đó tạo thành. Tất cả các hiện tượng tâm lý và vật lý, tất cả các pháp hữu vi, đều dựa vào nhân duyên mà sanh khởi. Một pháp hay một sự kiện có thể là nhân hay duyên cho một pháp khác hay sự kiện khác theo nhiều cách. đây là giáo lý trung tâm của đạo Phật.
Ở đây từ Tathāgata được chia làm hai, tatha và gata. Mẫu tự “a” ở cuối vần thứ hai trong “tatha” không có dấu ngang ở trên nên là một âm ngắn (đoản âm). Khi tatha có đoản âm “a” thì nó có nghĩa là “sự thực”. Còn khi tathā có trường âm “ā”, nó có nghĩa là “theo cách tương tự”. điều này hoàn toàn có thể nhận ra khi ta nghe hai âm cuối của chữ đó được phát âm khác nhau. Trường âm “ā” được kéo dài khi phát âm, trong khi đoản âm, chữ “a” không có dấu ngang ở trên, được phát âm ngắn hơn. Ở đây chú giải chỉ nói rằng chữ ‘gata’ mang nghĩa của một bậc đã biết rõ hay một bậc đã tỉnh thức; chứ không nói bất cứ điều gì về lý do tại sao chữ tathagata lại trở thành tathāgata. Chúng ta có thể đoán chừng rằng âm ‘a’ của ‘tha’ đã được kéo dài ra, hoặc một trường âm ‘ā’ đã được chèn vào giữa tatha và gata vậy thôi.
Thứ năm, Tathāgata có nghĩa là bậc đã biết rõ thực tại. Trong nội dung này “Tatha” có nghĩa là thực tại, và gata biểu thị hành động thấy hay biết. Hơn nữa, thực tại muốn nói ở đây là cảnh sắc (sắc trần), và các đối tượng khác, sau khi đã được phân tích bởi đức Phật như đáng mong muốn hay không đáng mong muốn, sau khi đã được thấy, nghe, tri giác, như quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài,… tất cả những pháp ấy được phân tích như vậy là thực tại hay phi thực tại. Có thể nói đức Phật đã biết các đối tượng ấy trên mọi khía cạnh của chúng. Do đó Ngài được gọi là Như Lai, bậc đã biết về thực tại một cách thấu suốt, biết trên mọi phương diện (tatha+gata, “a” của tatha được đổi thành “ā”).
Thứ sáu, Tathāgata có nghĩa là người chỉ nói những sự thực, người mà lời nói luôn đúng với sự thực. Ở đây cũng vậy, chúng ta có từ “tatha” với đoản âm “a” ở âm tiết thứ hai. đức Phật là một nhà diễn thuyết vĩ đại, hàng ngày ngài giảng dạy không biết mệt mỏi. Chú giải nói rằng ngài nói nhiều tới mức, nếu chúng ta cố gắng sưu tập những lời ngài nói thành kinh sách, có thể chứa đầy cả thư viện. Chú giải cũng nói rằng Ngài có thể nói nhanh hơn người bình thường gấp 128 lần, và chúng ta chỉ có thể hình dung được điều này nếu chúng ta nghĩ tới vận tốc của một chiếc máy tính thời nay. Hai tháng sau khi Giác Ngộ, ngài bắt đầu đi thuyết giảng và tiếp tục thuyết giảng cho đến khi Ngài nhập diệt Niết-bàn. Ngay cả trong giờ phút lâm chung, khoảng hai tiếng đồng hồ trước lúc nhập diệt ngài còn dạy đạo cho Subhadda, người đệ tử cuối cùng củ ngài. đối với người Phật tử, mọi điều ngài nói đều là sự thực, và vì vậy ngài được gọi là người mà lời nói luôn xác thực (tatha+gada hay āgada; d>t, và trường âm “ā” được xen vào nếu phần thứ hai là “gada”).
Thứ bảy: Tathāgata có nghĩa là người làm đúng như vậy, tức người mà hành động của họ tương hợp với lời nói và lời nói của họ tương hợp với hành động (người nói như thế nào làm như thế ấy và làm như thế nào nói như thế ấy). đây là một đức tính rất đáng khâm phục, một đức tính rất hiếm thấy nơi con người. Hầu hết mọi người đều có những sự mâu thuẫn sâu xa giữa lời nói và hành động của họ – thậm chí họ còn nói với con cái hay đệ tử của họ rằng, “Hãy làm những gì ta nói, đừng làm những gì ta làm.” Thật khó để sống theo cách chúng ta muốn sống, và cũng thật khó để thừa nhận sự thực về những hành động của chúng ta, ngay cả với bản thân chúng ta. Chúng ta luôn luôn có một bộ quy tắc cho những người khác, và bộ quy tắc khác cho bản thân mình. Có câu chuyện kể về vị sư nọ luôn luôn có thái độ rất thản nhiên về sự chết. Bất cứ khi nào thân quyến hay bạn bè của ai đó chết, vị sư này luôn nói rằng, ‘Khóc lóc làm gì. đó chỉ là bản chất của đời sống thôi mà.’ Nhưng đến khi mẹ của vị sư ấy chết, vị ấy khóc rất nhiều. Những đệ tử của vị ấy hỏi lý do tại sao vị ấy lại khóc trong khi luôn luôn khuyên họ hãy chấp nhận cái chết một cách thản nhiên. Vị ấy trả lời, ‘Lần này là vì chính mẹ của tôi chết.’ đức Phật không có thái độ giống như vậy. đức Phật làm những gì ngài dạy và dạy những gì ngài làm. đây là một tấm gương tốt cho chúng ta noi theo. Vì chúng ta là những thành viên của Như Lai Thiền Viện, chúng ta nên hành những gì chúng ta nói và nói những gì chúng ta hành. Chúng ta không nên bảo ai đó đến đây để hành thiền trừ phi chính chúng ta đã thực hành. Sau khi chúng ta thực hành chúng ta mới có thể khuyến khích những người khác, noi theo tấm gương của đức Phật. Như vậy đức Phật đã hành những gì ngài dạy và dạy những gì ngài hành, và chính vì điều này ngài được gọi là Như Lai. Trong ngữ cảnh này, gata mang nghĩa của một người đã làm hay đã hành (tathā + gata).
Thứ tám, Tathāgata có nghĩa là người thống lĩnh thế gian nhờ có thuốc chữa (agada) đích thực. Thuốc chữa trong nội dung này muốn nói tới cả sự thiện xảo của lời dạy lẫn sự tích lũy các công đức. Lời dạy của đức Phật được xem là thiện xảo bởi vì ngài là một nhà diễn thuyết rất hùng biện, khéo léo và hiệu quả. Ngài dạy đạo theo nhiều cách khác nhau, và ngài có thể diễn đạt lại bức thông điệp của ngài bằng nhiều cách khác nhau để giúp mọi người hiểu. Ngài giới thiệu giáo pháp của ngài với sự đa dạng và, vì ngài có nhất thiết trí (Sabbađđutāđāïa 一切知智), ngài biết tùy người mà thuyết loại pháp nào cho phù hợp và biết tùy thời đưa ra một lời dạy nào đó để sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Như vậy, ngài giống như một vị lương y biết phải cho thuốc gì và cho vào lúc nào thì thích hợp. đó là lý do tại sao lời dạy của ngài luôn luôn hiệu quả. Ở đây chữ thiện xảo mang những ý nghĩa sau: phong phú, nghiêm trang, hợp thời, khéo léo và giản dị.
Một ví dụ về cách trình bày đa dạng của đức Phật trong một giáo lý mang tính triết lý sâu xa mà chúng ta có thể thấy là giáo lý về năm uẩn. đức Phật dạy rằng tất cả pháp hữu vi đều do năm uẩn (pađcakkhandha) cấu thành, đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn. Nhưng vào những lúc khác, cũng ý niệm này ngài lại dạy bằng định thức mười hai xứ, đó là, nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ và các đối tượng tương ưng của chúng như, sắc xứ, thinh xứ,… Và cũng pháp hữu vi ấy, những lúc khác ngài gọi bằng 18 giới, hoặc 22 quyền. Song tất cả đều giống như nhau. Sở dĩ đức Phật phải làm điều này là vì mỗi người quen nghe những từ khác nhau và những thể loại ngôn ngữ khác nhau. Nếu người ta được nghe một lời giải thích bằng ngôn ngữ quen thuộc đối với họ, chắc chắn họ sẽ hiểu nó tốt hơn. đức Phật biết tâm và cảm giác của những người đang nghe ngài thuyết giảng, vì thế ngài đã phát triển sự thiện xảo trong việc giảng dạy như một khí cụ nhằm giúp người ta chứng ngộ. Như vậy ngài được gọi là bậc có phương tiện thiện xảo và thuốc chữa đích thực để chữa lành bệnh khổ của chúng sanh.
Nghĩa khác của thuốc chữa (agada) là sự tích lũy các công đức. đức Phật có một sự tích lũy công đức không thể tính kể, những công đức này ngài đã thâu thập qua nhiều kiếp sống trong nỗ lực trở thành Phật của ngài. Với số công đức vô lượng này, ngài cố gắng để chữa lành tâm bệnh của các chúng sanh. đó là ngài chỉ cho họ cách để đoạn trừ phiền não, những bất tịnh của tâm vốn làm cho họ đau khổ.
Chính nhờ sự thiện xảo của lời dạy và sự tích lũy các công đức này mà ngài đã thống lĩnh thế gian một cách hiệu quả. Vì thế ngài được gọi là Như Lai (Tathāgata = tatha + agada; d>t).
Như vậy chúng ta có tám ý nghĩa của từ Như Lai – và sẽ là mười nghĩa nếu chúng ta xét đến những biến nghĩa của nghĩa thứ tư và thứ tám. Bây giờ, nếu có ai hỏi quý vị Tathāgata nghĩa là gì, quý vị sẽ nói, “Tôi không biết — vì có quá nhiều nghĩa!” Tuy nhiên quý vị có thể chọn một trong nhiều nghĩa ấy để giải thích. Nói chung Tathāgata là một từ rất phong phú và chứa đựng nhiều thành tố của giáo pháp đức Phật.
đến đây tôi sẽ trích dẫn một số bài kệ trong Pháp Cú (Dhammapada) do ngài Trưởng Lão Narada dịch (Buddhist Publication Society, 1978), trong đó đức Phật nói về bản thân ngài và tất cả chư Phật khác như các đấng Như Lai, một số bài kệ còn nói về tầm quan trọng của Tứ Thánh đế, Bát Thánh đạo, và tầm quan trọng tối thượng của sự nương tựa vào chính mình và tự chứng. Ngay cả với tất cả năng lực mà các đấng Như Lai có, các ngài cũng không thể chuyển những chứng đắc tâm linh của mình sang người khác được – mỗi cá nhân phải tự nỗ lực để đạt đến sự giải thoát cho chính mình.
- Maggānatthangiko settho,
saccānaµ caturo padā;
virāgo se¥¥ho dhammānaµ,
dvipadānađca cakkhumā. (PC. 273)
“Tám chánh, đường thù thắng,
Bốn câu (Tứ đế), lý thù thắng.
Ly tham (Niết Bàn), pháp thù thắng,
Giữa các loài hai chân,
Pháp nhãn, người thù thắng.”
- Eseva maggo natthađđo,
dassanassa visuddhiyā;
etađhi tumhe pa¥ipajjatha,
mārassetaµ pamohanaµ. (PC. 274)
“Đường này, không đường khác
Đưa đến kiến thanh tịnh.
Nếu ngươi theo đường này,
Ma quân sẽ mê loạn.”
- Etađhi tumhe pa¥ipannā,
dukkhassantaµ karissatha;
akkhāto vo mayā maggo,
ađđāya sallakantanaµ. (PC.275)
“Nếu người theo đường này,
Đau khổ được đoạn tận.
Ta dạy người con đường.
Với trí, gai chướng diệt.”
- Tumhehi kiccamātappaµ,
akkhātāro tathāgatā;
pa¥ipannā pamokkhanti,
jhāyino mārabandhanā. (PC.276)
“Người hãy nhiệt tình làm,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc Ác ma.”
Con đường thù thắng nhất trong các con đường đức Phật muốn nói là Bát Chánh đạo (Con đường Bát Chánh hay Trung đạo), mà Ngài đã khám phá và thực hành, nhờ đó ngài đạt đến sự giác ngộ. Khi người hành thiền thực hành Minh Sát (vipassanā), họ đang đi trên Con đường Bát Chánh. Tám nhân tố của con đường ấy là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Chánh tin tấn được xem là cần thiết để giữ Tâm trên đề mục thiền, có thể đó là sự phồng lên và xẹp xuống của bụng hay hơi thở vôra, hay trong thiền minh sát, đối tượng nào nổi bật nhất vào lúc đó. Với tinh tấn thích hợp, tâm tìm ra đối tượng, và đây là chánh niệm. Chánh định có mặt khi tâm khắn khít với đối tượng. Không có tinh tấn, không thể có niệm, và không có nệm, không thể có định. Với định, người hành thiền có thể thấy thực tánh của các pháp — tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của mọi hiện tượng. đó là chánh kiến. Nhân tố thứ hai của Bát Chánh đạo là Chánh Tư Duy, trong thiền nó chính là Tầm (vitakka), một tâm sở được dạy trong Vi Diệu Pháp. Tâm sở này có nhiệm vụ hướng tâm đến đối tượng, và không có nó, không thể có niệm, định, hay tuệ (chánh kiến). Có thể nói năm nhân tố (chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) luôn luôn làm việc cùng nhau. Ba nhân tố khác — chánh ngữ, chánh nghiệp, và chánh mạng — thuộc về lãnh vực giới (sīla), và chúng cần phải được hoàn tất trước khi hành giả bắt đầu hành thiền. Như vậy cả tám nhân tố này phải làm việc chung với nhau khi hành giả hành thiền và đắc định. đây là con đờng thù thắng nhất trong các con đường.
Bốn Câu muốn nói đến Tứ Thánh đế, và ở đây Đức Phật tuyên bố Tứ Thánh Đế là thù thắng nhất trong các sự thực (Đế). Tất nhiên có thể có những sự thực hay những sự thỏa thuận của quy ước, và từ Pāli, Sacca trỏ sự thực cũng muốn nói đến tất cả những sự thực theo quy ước này. Nhưng Tứ Thánh Đế (Bốn Sự Thực Cao Quý) được xem là quan trọng nhất trong các sự thực. Cũng trong bài kệ Pháp Cú này, Đức Phật tuyên bố rằng vô tham hay ly tham (virāgo) là pháp thù thắng nhất trong các pháp, và ngài liên hệ nó với trạng thái Niết-bàn, sự dập tắt mọi khổ đau. Bài kệ tiếp tục bằng cách tuyên bố rằng Đức Phật, Bậc đã thấy Chân Lý, là thù thắng nhất trong các chúng sanh, dù là người hay chư thiên, bởi vì Ngài đã khám phá ra con đường giải thoát và tiết lộ nó cho thế gian.
Trong bài kệ tứ hai, Đức Phật tuyên bố rằng Tứ Thánh Đế và Bát Chánh Đạo, vốn có thể được tóm tắt trong Tứ Niệm Xứ, là con đường độc nhất để tịnh hoá tâm, con đường độc nhất để thấy các pháp đúng như chúng thực sự là. Nhờ thực hành chánh niệm và thiền Minh Sát, cái nhìn của chúng ta được tịnh hoá và chỉ lúc đó chúng ta mới có thể thấy các pháp một cách đúng đắn. Bằng con đường này, hành giả dứt mình ra khỏi những phiền não.
Trong bài kệ thứ ba, Đức Phật tuyên bố rằng con đường này sẽ cho người ta khả năng trở thành người giác ngộ và chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Sau đó Đức Phật còn xác nhận rằng Ngài đã học hay đúng hơn đã tự mình khám phá ra cách “loại bỏ những cây gai,” nghĩa là loại bỏ những phiền não — Ngài không học nó từ người nào khác hay không tiếp nhận nó từ bất cứ một truyền thống nào cả, ngài cũng không học nó bằng sự suy đoán đơn thuần. Những gì Đức Phật dạy đã được ngaì học từ chính sự thực hành và kinh nghiệm của ngài, và sự thực hành này cuối cùng đã dẫn đến trí tuệ thâm sâu của ngài.
Bài kệ thứ tư rất quan trọng và nó đưa chúng ta trở lại với từ Như Lai (Tathāgata). Trong bài kệ này chúng ta thấy Đức Phật nói về mình như đức ‘Như Lai’. Đức Phật tuyên bố rằng người hành thiền phải tự mình nỗ lực — các đấng Như Lai hay các vị Phật chỉ là người thầy chỉ đường và không thể làm trọn công việc cho người khác được. Trong những lời dạy của Đức Phật, không có chỗ nào nói về việc một người truyền sự chứng đắc tâm linh sang người khác. Ngay cả bản thân Đức Phật cũng vậy, với tất cả sự chứng đắc tâm linh cao tột và lòng bi mẫn vô biên của ngài, không thể ban sự chứng đắc, trí tuệ và sự hiểu biết của ngài cho người khác được. Những gì đức Phật dạy hoàn toàn phải được thực chứng như kinh nghiệm tự thân trong mỗi người. Một số người tin rằng trí tuệ hay các trạng thái thiền có thể đem chia xẻ hay ban cho người khác, nhưng theo Đức Phật, điều này là bất khả. Sức mạnh của Định (samādhi) cần thiết để thể nhập vào sự thực, là một trạng thái tâm xuất hiện bên trong một người, trạng thái tâm này là tài sản của riêng người ấy — không ai có thể lấy đi được, và người ấy cũng không thể cho nó đến người khác được. Không một người nào có thể lấy được kiến thức hay sự hiểu biết của chúng ta. Trí này người hành thiền phải tu tập bằng chính nỗ lực của mình, nhưng họ không thể đem cho nó như một món quà, mặc dù họ có thể chia xẻ hoặc dạy cho người khác cách làm thế nào để có được nó.
Khi Đức Phật chứng đắc giác ngộ, ngài đã đoạn trừ các phiền não trong tâm. Nhưng Đức Phật không thể đi vào trong tâm của người khác để đoạn trừ phiền não cho họ, mặc dù vì lòng đại bi chắc chắn ngài rất muốn làm như vậy. Nếu ngài có thể làm điều đó cho chúng ta, thì bây giờ tất cả chúng ta là Phật hết rồi. Đức Phật dạy chúng ta phải tự mình nỗ lực, chư Phật chỉ là người thầy chỉ đường, không phải vì ngài muốn giữ độc quyền sự giác ngộ cho riêng ngài, mà vì sự giác ngộ này chỉ có thể được đạt đến bằng nỗ lực cá nhân của tự thân mỗi người. Chỉ bằng cách hành thiền người ta mới có thể chứng đắc giác ngộ. Các đấng Như Lai chỉ là bậc đạo sư — các ngài không thể thực hành thế cho đệ tử của mình được. Một vị bác sỹ có thể kê toa thuốc, nhưng không thể uống nó thay cho bệnh nhân.
Tôi sẽ chấm dứt bài giảng với một câu kệ pháp cú khác nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phấn đấu theo lời dạy của các đấng Như Lai. Đây là bài kệ số 280 nằm trong Phẩm XX của Pháp Cú, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nỗ lực nhất là đối với những hành giả trẻ.
U¥¥hānakālamhi anu¥¥hahāno,
yuvā balī ālasiyaï upeto;
saµsanna sa™kappamano kusīto,
pađđāya maggaï alaso na vindati.
“Khi cần, không nỗ lực,
Tuy trẻ mạnh, nhưng lười
Chí nhu nhược, biếng nhác.
Với trí tuệ thụ động,
Sao tìm được chánh đạo?”
Đức Phật đã nói lên bài kệ này nhân dịp một vị Tỳ kheo nọ cảm thấy không thể chịu đựng được đời sống tu tập trong rừng. Các vị Tỳ-kheo khác đã phải bỏ vị ấy lại tu viện và lên đường vào rừng hành thiền. Khi các vị trở về, đức Phật khen ngợi họ, nhưng ngài không khen vị Tỳ-kheo ở lại tu viện. điều này khiến vị tỳ kheo ấy cảm thấy hổ thẹn và muốn thực hành, nhưng khi vị ấy nỗ lực hành thiền, vị ấy lại rơi vào hôn trầm và bị té xuống đất gãy chân. đức Phật nói lên bài kệ này nhằm làm sáng tỏ một điều hết sức quan trọng là khi có cơ hội, khi tuổi đời còn trẻ và khỏe mạnh hãy cố gắng hành thiền đừng nên trì hoãn hay lười biếng. Vì lẽ các đấng Như Lai đều dạy: ‘Các ngươi hãy tự mình nỗ lực (để chứng ngộ), Như Lai chỉ là người chỉ đường’, do đó điều khẩn thiết là chúng ta phải nỗ lực tu tập không nên trì hoãn.
Đừng đợi đến lúc tuổi già — việc thực hành sẽ khó khăn hơn khi chúng ta lớn tuổi. Lời dạy của đức Phật là để thực hành chứ không phải để chúng ta nghiên cứu hay đọc tụng suông. Giáo pháp sẽ chỉ hữu ích nếu bạn thực hành nó và thực chứng chân lý cho chính mình. Một số người trẻ ngày nay hay trì hoãn, nghĩ rằng họ còn có nhiều thời gian, nhưng nếu cho đến 50 tuổi mà họ vẫn không khởi sự thì họ sẽ không gặt hái được kết quả gì khi họ 50. Và nếu họ bị bịnh trước 50, họ sẽ để lỡ mất cơ hội thực hành của họ. Do đó điều quan trọng đối với chúng ta là phải thực hành ít nhất một tiếng mỗi ngày, và rồi đi vào độc cư hành thiền khi có thể. Việc thực hành sẽ giúp chúng ta ổn định trong cuộc sống, cả đời sống tâm linh lẫn đời sống hàng ngày. Chúng ta không thể giũ sạch mọi phiền não ngay lập tức, nhưng nếu chúng ta hành thiền mỗi ngày một ít, chúng ta vẫn có thể ngăn được những phiền não không cho chúng sanh khởi và làm cho chúng suy yếu đến một mức nào đó. Trí tuệ, đức Phật nói, chỉ đến qua con đường thực hành. Khi nó đến, nó trở thành của riêng bạn. Sự hiểu biết mang tính tri thức đơn thuần về lời dạy của đức Phật sẽ không làm cho bạn trở nên tốt hơn. đó là những gì được hàm ý khi đức Phật nói: hãy tự mình nỗ lực, các đấng Như Lai chỉ là thầy chỉ đường. Ở đây đức Phật muốn nói rằng bạn phải thực hành: chỉ có hành thiền người ta mới được giải thoát khỏi những trói buộc của Ma Vương. Kiến thức do nghe qua người khác rất hạn chế ngay cả nếu bạn biết hết tất cả những cuốn sách pháp. Còn trí tuệ đích thực, pađđā, không thể có được từ việc đọc, hay nghiên cứu, hay ghi nhớ; nó là kinh nghiệm trực tiếp sẽ giúp bạn loại trừ các phiền não của tâm. Chỉ có kinh nghiệm thiền đích thực này mới có thể làm cho chúng ta tiến bộ trên con đường giác ngộ.
- Viên Không Tháng 5 năm 2015