Lời Nói Đầu

(Tái bản lần thứ nhất, có sửa và bổ sung)

 

Tái bản lần thứ nhất “Quyển IV: Nghiệp Và Quả Của Nghiệp” có sửa và bổ sung, sắp xếp phần nội dung để giúp cho độc giả dễ hiểu.

Nghiệp và quả của nghiệp là đề tài vô cùng sâu sắc trong giáo-pháp của Đức-Phật, cũng là một trong bốn điều bất khả tư nghì, nên Bần sư đã cố gắng sưu tầm các nguồn tài liệu đem trình bày trong quyển Nghiệp Và Quả Của Nghiệp này, giúp cho độc giả hiểu biết một phần cơ bản của nghiệp và quả của nghiệp.

Tuy bần sư đã cố gắng hết sức mình tái bản  quyển  Nghiệp Và Quả Của Nghiệp lần này cho được hoàn thiện, nhưng vì khả năng có hạn, nên cũng chỉ thực hiện được bấy nhiêu thôi! Bần sư tin chắc rằng:

“Soạn phẩm này vẫn còn nhiều chỗ sơ suất, thậm chí còn có chỗ sai nữa, ngoài khả năng hiểu biết của bần sư. Kính mong các bậc thiện-trí có tâm từ chỉ giáo, góp ý chân tình. Kính xin quý vị xem soạn phẩm này như là của chung mà mỗi người trong chúng ta ai cũng có bổn phận đóng góp, để cho soạn phẩm này được hoàn hảo, hầu mong đem lại sự lợi ích chung, sự tiến hoá, sự an lạc cho phần đông.”

Bần sư chân thành biết ơn quý vị.

  1. 2561 / DL. 2017

Rừng Núi Viên Không

xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tỳ-Khưu Hộ-Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita)

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

 Paṇāmagāthā

 Tilokekagaruṃ Buddhaṃ,

pāyāsibhayahiṃsakaṃ.

Āyunopariyosānaṃ,

gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.

Ādimajjhantakalyāṇam,

Buddhassa dhammamosadhaṃ.

Nibbānapariyosānaṃ,

gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.

Tassa sāvakasaṃghañca,

puññakkhettaṃ anuttaraṃ.

Arahattapriyosānaṃ,

gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.

Buddhaṃ Dhammañca Saṃghañca,

abhivandiya sādaraṃ.

Mūlabuddhasāsanan’ ti,

Ayaṃ gantho mayā kato.

Kệ Đảnh Lễ Tam-Bảo

 Đức-Thế-Tôn cao thượng nhất tam-giới,

Dắt dẫn chúng-sinh thoát khỏi tai họa,

Nguyện suốt đời con xin quy-y Phật,

Mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

Pháp của Ngài như linh dược nhiệm mầu,

Hoàn hảo ở phần đầu giữa và cuối,

Nguyện suốt đời con xin quy-y Pháp,

Mong được chứng ngộ Niết-bàn thoát khổ.

Tăng bậc Thánh thanh-văn đệ-tử-Phật,

Là phước điền cao thượng của chúng-sinh,

Nguyện suốt đời con xin quy-y Tăng,

Mong được chứng đắc Thánh A-ra-hán.

Đức-Phật Đức-Pháp Đức-Tăng cao thượng,

Con hết lòng thành kính lạy Tam-bảo,

Rồi gom nhặt biên soạn tập sách nhỏ,

Soạn phẩm này gọi “Nền-Tảng-Phật-Giáo”.

Quyển IV: Nghiệp Và Quả Của Nghiệp (Kamma-Kammaphala)

Nghiệp Và Quả Của Nghiệp có 1 chương là chương VI.

Nghiệp và quả của nghiệp là 2 pháp có liên quan với nhau theo nhân và quả:

Đức-Phật thuyết dạy nghiệp và quả của nghiệp rằng: “Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu  kammappaṭisaraṇo,  yaṃ  kammaṃ  karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi”(1).

“Ta  có  nghiệp  là  của  riêng  ta,  ta  là  người  thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng ‘quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.”

*  Nghiệp của mỗi người nói riêng, của mỗi chúng-sinh nói chung đã tạo rồi, đều được tích-luỹ, được lưu trữ ở trong tâm sinh rồi diệt liên tục từ kiếp nay sang kiếp kia, trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại này.

*  Và quả của nghiệp được hiện hữu trong mỗi kiếp chúng-sinh khác nhau do năng lực quả của nghiệp.

*  Nghiệp và quả của nghiệp này là 1 trong 4 điều bất khả tư nghì mà chỉ có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của Đức-Phật và của tất cả mọi chúng-sinh muôn loài khác, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai mà thôi.

Ngoài Đức-Phật ra, không có một ai trong toàn cõi- giới chúng-sinh có thể thấy rõ, biết rõ được nghiệp và quả của nghiệp của mình và của chúng-sinh khác được.

Thật vậy, Đức-Phật dạy trong bài kinh Acinteyya- sutta(1) có nghĩa như sau:

–   “Này chư tỳ-khưu! Có 4 điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.

4 điều bất khả tư nghì là:

1-    Những Ân-đức của Chư Phật như trí-tuệ toàn-giác của Chư Phật, v.v… đó là điều bất khả tư nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.

2-   Thiền-định, phép thần-thông đó là điều bất  khả tư nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm  khổ tâm mà thôi.

3-   Nghiệp và quả của nghiệp đó là điều bất khả tư nghì không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.

4-   Sự hiện hữu các cõi-giới đó là điều bất khả tư nghì không nên suy nghĩ, người  nào  suy  nghĩ,  người ấy sẽ trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm  khổ tâm mà thôi.

“Này chư tỳ-khưu! Đó là 4 điều bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ, người nào suy nghĩ, người ấy  sẽ  trở thành người loạn trí cuồng điên, chỉ tự làm khổ tâm mà thôi.”

Nghiệp Và Quả Của Nghiệp Nghiệp là gì?

Đức-Phật dạy:

“Cetanā’haṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā.(1)

Này chư tỳ-khưu! Sau khi đã có tác-ý, rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

Vì vậy, Như-Lai dạy “tác-ý gọi là nghiệp.”

Tác-ý đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) là 1 trong 52 tâm-sở đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.

Vậy, tác-ý tâm-sở đồng sinh với những tâm nào gọi là nghiệp? Và tác-ý tâm-sở đồng sinh với những tâm nào không gọi là nghiệp?

Tác-ý gọi là nghiệp

–    Nếu khi tác-ý tâm-sở nào đồng sinh với 12 bất- thiện-tâm và đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện-tâm thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là nghiệp như sau:

* Nếu tác-ý tâm-sở nào khi đồng sinh với 12 bất- thiện-tâm (12 ác-tâm) thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

*   Nếu tác-ý tâm-sở nào khi đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là dục- giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

*   Nếu tác-ý tâm-sở nào khi đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là sắc-giới thiện- nghiệp bằng ý.

*   Nếu Tác-ý tâm-sở khi đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là vô-sắc-giới thiện- nghiệp bằng ý.

Nếu Tác-ý tâm-sở khi đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh- đạo-tâm thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là siêu-tam-giới thiện- nghiệp bằng ý.

Tác-ý không gọi là nghiệp

Nếu tác-ý tâm-sở nào đồng sinh với 36 hoặc 52 quả- tâm(1) và 20 duy-tác-tâm(2) thì tác-ý tâm-sở ấy không gọi là nghiệp.

Nghiệp liên quan với quả của nghiệp như thế nào?

Đức-Phật dạy:

“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma- bandhu  kammappaṭisaraṇo,  yaṃ  kammaṃ  karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi.”

Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng ‘quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Kammassako’mhi: Ta có nghiệp là của riêng ta, nghĩa là nếu ta đã tạo thiện-nghiệp nào hoặc ác-nghiệp nào rồi thì thiện-nghiệp ấy hoặc ác-nghiệp ấy là của riêng ta, không phải là của chung với một ai, không liên quan đến người nào, chúng-sinh nào cả.

Tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp dù nặng dù nhẹ mà ta đã tạo từ kiếp này sang kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại đều được lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm sinh rồi diệt liên tục không hề bị mất mát một mảy may nào cả.

Dù cho thân thuộc về sắc-pháp (rūpadhamma) bị thay đổi theo mỗi kiếp do năng lực của nghiệp và quả của nghiệp của ta, nhưng tâm vẫn sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia, nên tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp ấy vẫn được lưu-trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm, không hề bị mất mát một mảy may nào cả.

Cho nên, chỉ có nghiệp là của riêng ta mà thôi, mỗi tâm sinh rồi diệt liên tục có phận sự lưu trữ tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp của ta. Trong tất cả mọi chúng-sinh, mỗi chúng-sinh cũng có nghiệp là của riêng mỗi chúng-sinh như vậy.

Ngoài đại-thiện-nghiệp, ác-nghiệp là của riêng ta ra, còn lại tất cả những thứ của cải tài sản khác mà ta đang có quyền sở hữu, chắc chắn không hẳn là của ta thật sự trong đời này, bởi vì những thứ của cải tài sản ấy sự- thật đều là của chung giữa ta với những người khác có quan hệ với nhau trong kiếp hiện-tại.

Những thứ của cải tài sản bên ngoài thân như vậy, ngay thân thể mà ta đang sử dụng hằng ngày cũng không hẳn là của ta thật sự, bởi vì nó không chiều theo ý muốn của ta, nó già, nó bệnh, rồi nó chết theo trạng-thái tự nhiên của nó, mà ta không có quyền làm chủ được.

Những thứ của cải tài sản không phải là của riêng một ai cả. Ví như, người nào đang làm chủ một ngôi nhà, một miếng đất nào đó, qua một thời gian sau, người ấy bán ngôi nhà ấy cho người này làm chủ, bán miếng đất cho người kia làm chủ, nên ngôi nhà ấy, miếng đất ấy không còn thuộc về của người ấy nữa. Điều chắc chắn nếu khi người ấy chết, thì ngôi nhà ấy, miếng đất ấy thuộc về của các con cháu của người ấy.

Thật ra, ta có quyền hoàn toàn chủ động tự lựa chọn tạo ác-nghiệp, hoặc không tạo ác-nghiệp, và nên tạo thiện-nghiệp nào tuỳ theo khả năng của ta.

Khi ta đã tạo các ác-nghiệp nào hoặc đã tạo các đại- thiện-nghiệp nào rồi, nếu nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì ta hoàn toàn bị động thừa hưởng quả của nghiệp ấy của ta, như người thừa kế quả của nghiệp ấy của ta, mà ta không có quyền khước từ được.

* Tassa dāyādo bhavissāmi: Ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy của ta, hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy của ta.

–   Nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả an-lạc, quả tốt thì ta trực-tiếp thừa hưởng quả an-lạc, quả tốt của đại-thiện-nghiệp ấy của ta, như người thừa kế.

–   Nếu ác-nghiệp nào có cơ hội cho quả khổ, quả xấu thì ta trực-tiếp chịu quả khổ, quả xấu của ác-nghiệp ấy của ta, cũng như người thừa kế.

Thật ra, tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác- nghiệp dù nặng dù nhẹ mà ta đã tạo từ kiếp này sang kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện- tại đều được lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm sinh rồi diệt mà ta hoàn toàn không thể cầu mong đại- thiện-nghiệp này cho quả an-lạc đối với ta, và cũng không thể ngăn cản ác-nghiệp kia đừng cho quả khổ   đối với ta.

Sự thật, nếu khi đại-thiện-nghiệp nào gặp điều thuận- duyên (sampatti) thì đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả an-lạc, nếu khi đại-thiện-nghiệp nào gặp điều nghịch-duyên (vipatti) thì đại-thiện-nghiệp ấy không có cơ hội cho quả an-lạc.

Nếu khi ác-nghiệp nào gặp điều nghịch-duyên (vipatti) thì ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả khổ, nếu khi ác-nghiệp nào gặp điều thuận-duyên (sampatti) thì ác- nghiệp ấy không có cơ hội cho quả khổ.

Thuận-duyên (sampatti) và nghịch-duyên (vipatti) như thế nào?

*  Sampatti: thuận-duyên có 4 điều(1):

1-  Gatisampatti: cõi-giới thuận-duyên là cõi thiện-giới.

2- Upadhisampatti: thân-thể thuận-duyên là thân-thể không tật nguyền.

3- Kālasampatti: thời-gian thuận-duyên là thời gian có đầy đủ sung túc.

4-   Payogasampatti: tinh-tấn thuận-duyên là sự tinh- tấn tạo mọi thiện-pháp.

Nếu đại-thiện-nghiệp nào gặp điều thuận duyên thì đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả an-lạc, nếu đại- thiện-nghiệp nào gặp điều nghịch-duyên thì đại-thiện- nghiệp ấy không có cơ hội cho quả an-lạc.

*  Vipatti: nghịch-duyên có 4 điều:

1- Gativipatti: cõi-giới nghịch-duyên là cõi ác-giới.

2- Upadhivipatti: thân-thể nghịch-duyên là thân thể bị tật nguyền.

3-  Kālavipatti: thời-gian nghịch-duyên là thời gian gặp nạn đói, nạn dịch bệnh, v.v…

4-  Payogavipatti: tinh-tấn nghịch-duyên là tinh-tấn tạo ác-pháp.

Nếu ác-nghiệp nào gặp điều nghịch-duyên thì ác- nghiệp ấy có cơ hội cho quả khổ, nếu ác-nghiệp nào gặp điều thuận-duyên thì ác-nghiệp ấy không có cơ hội cho quả khổ.

Như vậy, nghiệp cho quả hoàn toàn không phụ thuộc vào ai cả, nên nghiệp và quả của nghiệp đều là pháp- vô-ngã (anattā).

Tuy nhiên, khi đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc, quả tốt thì không chỉ riêng chủ nhân của nghiệp trực-tiếp thừa hưởng quả an-lạc ấy, mà quả an-lạc của đại-thiện- nghiệp ấy còn gián-tiếp ảnh hưởng đến người thân gần gũi với chủ nhân của nghiệp nữa.

Hoặc khi ác-nghiệp cho quả khổ, quả xấu thì không chỉ riêng chủ nhân của nghiệp trực-tiếp chịu quả khổ ấy, mà quả khổ của ác-nghiệp ấy còn gián-tiếp ảnh hưởng đến người thân gần gũi với chủ nhân của nghiệp nữa.

* Quả an-lạc, quả tốt của đại-thiện-nghiệp còn gián tiếp ảnh hưởng đến người thân cận gần gũi như thế nào?

Ví dụ 1: * Tích Ngài Trưởng-lão Sīvali(1) được tóm lược cốt lõi của tích như sau:

Trong thời kỳ Đức-Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, khi ấy, tiền kiếp của Ngài Trưởng-lão Sīvali là một người cận-sự-nam có ý nguyện muốn trở thành vị Thánh A-ra-hán Đại-thanh-văn có tài lộc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật trong thời vị lai, được Đức-Phật Padumuttara thọ ký xác định trong thời vị-lai khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Khi ấy người cận-sự-nam sẽ trở thành vị Thánh A-ra-hán Đại-thanh-văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Nghe Đức-Phật Padumuttara thọ ký như vậy, người cận-sự-nam ấy vô cùng hoan hỷ cố gắng tinh-tấn bồi bổ cho đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, nhất là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp của người cận-sự-nam trong thời-kỳ Đức- Phật Padumuttara do nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái- sinh đầu thai kiếp chót vào lòng Hoàng-hậu Suppavāsā nước Koliya.

Từ khi tái-sinh đầu thai (thai-nhi Sīvali) nằm trong bụng, mỗi ngày mẫu-hậu thường nhận được những món quà quý giá, đặc biệt trong các kho của cải dù xuất ra bao nhiêu cũng không thấy vơi bớt chút nào. Những người trong hoàng-tộc đều được đầy đủ sung túc.

Đó là quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp (thai-nhi Sīvali) đang nằm trong bụng mẫu-hậu có ảnh hưởng tốt đến những người thân trong hoàng-tộc của hoàng tử.

Hoàng-tử nằm trong lòng bà hoàng-hậu Suppavāsā, dòng Koliya suốt thời gian 7 năm, 7 tháng và 7 ngày(1) mới sinh ra đời, hoàng-tử được đặt tên là Sīvali.

Sau khi hoàng-tử Sīvali sinh ra đời, mẫu-hậu của Ngài kính thỉnh Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng ngự đến cung điện để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu- Tăng suốt 7 ngày.

Đến ngày thứ 7, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta hỏi hoàng-tử Sīvali rằng:

–   Này hoàng-tử Sīvali! Con đã chịu đựng nỗi khổ ở trong lòng mẫu hậu lâu như vậy, nay con muốn xuất gia để giải thoát khổ hay không?

–  Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, con muốn xuất gia, nếu con được mẫu-hậu và phụ-vương cho phép.

Thấy hoàng-nhi bạch chuyện với Ngài Đại-Trưởng- lão, hoàng-hậu Suppavāsā muốn biết bạch chuyện gì.

–   Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, hoàng-tử của con bạch điều gì với Ngài Đại-Trưởng-lão vậy?

–  Này hoàng-hậu! Hoàng-tử của Bà chịu nỗi khổ nằm trong lòng mẫu-hậu suốt thời gian lâu dài như vậy, nên bạch rằng: “Con muốn xuất gia, nếu mẫu-hậu và phụ- vương cho phép.”

Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão nói như vậy, hoàng-hậu Suppavāsā vô cùng hoan hỷ đồng ý cho phép hoàng-tử  đi xuất gia, nên Bà bạch rằng:

–    Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài có tâm từ tế độ hoàng-tử của con được phép xuất gia.

Hoàng tử Sīvali khi đang làm lễ cạo tóc, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, hoàng-tử Sīvali trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng một lúc lễ cạo tóc xong không trước không sau.

Khi ấy, hoàng-tử Sīvali kể từ khi tái-sinh đầu thai vào lòng Hoàng-hậu Suppavāsā suốt 7 năm 7 tháng 7 ngày cộng với 7 ngày sinh ra đời. Hoàng-tử Sīvali trở thành bậc Thánh A-ra-hán lúc 7 năm, 7 tháng 14 ngày.

Sau đó, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là thầy tế độ làm lễ xuất gia sa-di cho giới-tử Sīvali.

Sau khi trở thành Sa-di Sīvali, những thứ vật dụng phát sinh không chỉ đến Ngài Đại-đức Sīvali, mà còn phát sinh đến chư sa-di, chư tỳ-khưu một cách đầy đủ sung túc chưa từng có.

Khi Ngài Đại-đức Sīvali tròn 20 tuổi, chư tỳ-khưu- Tăng làm lễ nâng lên trở thành tỳ-khưu. Những thứ vật dụng được phát sinh càng dồi dào sung túc hơn.

Đó là quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp của Ngài Đại- đức Sīvali có ảnh hưởng đến chư sa-di, tỳ-khưu-Tăng.

* Quả khổ của ác-nghiệp còn có thể gián tiếp ảnh hưởng đến người thân cận gần gũi như thế nào?

Ví dụ 2: * Tích Ngài Trưởng-lão Losakatissa(1) được tóm lược cốt lõi của tích như sau:

Trong thời kỳ Đức-Phật Kassapa, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Losakatissa là vị tỳ-khưu trụ trì chùa làng.

Vị tỳ-khưu trụ-trì nhận phần vật thực pāyāsa của thí- chủ nhờ đem về chùa kính dâng đến Ngài khách-Tăng (bậc Thánh A-ra-hán), vị tỳ-khưu trụ trì đào đất chôn phần vật thực pāyāsa ấy, lấy củi chất lên đốt, để không ai hay biết, rồi vị tỳ-khưu trụ trì đi trở về chùa.

Khi về đến chùa, không nhìn thấy Ngài Trưởng-lão khách Tăng ấy nữa. Vị tỳ-khưu trụ trì ăn năn hối hận việc làm tội-lỗi của mình, phát sinh bệnh rồi chết.

Sau khi vị tỳ-khưu trụ trì chết, ác-nghiệp ấy liền cho quả tái-sinh trong 4 cõi ác-giới, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp của vị tỳ-khưu trụ trì thoát ra khỏi cõi ác- giới, nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh đầu thai kiếp chót (chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán) vào xóm dân chài gồm có 1.000 gia đình.

Từ khi tái-sinh đầu thai nằm trong lòng mẹ trong xóm 1.000 gia đình dân chài ấy, do quả của ác-nghiệp của thai nhi (tiền-kiếp là vị tỳ-khưu trụ trì) khiến cho xóm dân chài 1.000 gia đình lâm vào cảnh đói khổ.

Về sau, phát hiện gia đình có người mẹ mang thai- nhi xui xẻo, nên bị đuổi ra khỏi xóm dân chài. Người mẹ mang thai chịu cảnh đói khổ, đến khi đủ tháng ngày, người mẹ sinh ra, đặt tên là cậu Losakatissa. Mẹ cha  của cậu Losakatissa phải chịu vất vả khổ cực lắm mới nuôi dưỡng cậu Losakatissa lên 7 tuổi.

Một hôm, người mẹ dẫn cậu Losakatissa đi xin ăn, người mẹ trao cho cậu một cái bát đi xin, rồi bà trốn đi, bỏ cậu một mình bơ vơ đói khổ.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nhìn thấy cậu Losakatissa, phát sinh tâm bi cứu giúp, dẫn cậu về làm lễ xuất gia trở thành sa-di.

Hằng ngày, vị sa-di Losakatissa đi khất thực không đủ ăn, thường chịu sự đói khổ.

Đến khi vị sa-di Losakatissa tròn 20 tuổi, chư tỳ- khưu-Tăng làm lễ nâng lên trở thành tỳ-khưu.

Hằng ngày, vị tỳ-khưu Losakatissa tuy chịu cảnh đói khổ, nhưng vị tỳ-khưu Losakatissa cố gắng tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Ngày cuối cùng, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đi khất thực đem về cho Trưởng-lão Losakatissa độ một bữa no đủ, rồi Ngài Trưởng-lão Losakatissa tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Quả của những người cùng chung tạo ác-nghiệp

Ví dụ 3: Chánh-cung Hoàng-hậu Sāmāvatī của Đức- vua Udena cùng với nhóm 500 thị-nữ của Bà, trong số người thị-nữ ấy có số là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc  Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, đều bị chết thiêu.

Ttrong tích Sāmāvatīvatthu(1) được tóm lược đoạn liên quan đến ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp của Chánh-cung Hoàng-hậu Sāmāvatī cùng nhóm 500 thị-nữ của Bà như sau:

“Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta trị vì kinh-thành Bārāṇasī. Hằng ngày Đức-vua hộ độ cúng dường đến 8 Đức-Phật Độc-Giác.

Đức-vua truyền lệnh cho nhóm cung-nữ gồm có một cung-nữ trưởng nhóm cùng với 500 cung-nữ thuộc hạ thân tín lo hộ độ cúng dường đến 8 Đức-Phật Độc-Giác.

Khi ấy, 7 Đức-Phật Độc-Giác cùng ngự trở về núi Himavanta, còn một Đức-Phật Độc-Giác nhập diệt thọ tưởng suốt 7 ngày đêm trong đống cỏ gần bên bờ sông, cho nên, nhóm cung-nữ được rảnh rỗi.

Một hôm, Đức-vua cho phép nhóm cung-nữ đi tắm sông, mải ham chơi dưới nước, khi lên bờ cảm thấy lạnh, nhóm cung-nữ đến đống cỏ đốt lửa sưởi ấm, đến lúc đống cỏ cháy tàn rụi, họ mới phát hiện thấy Đức-Phật Độc-Giác đang ngồi nhập diệt-thọ-tưởng tại nơi ấy.

Vì sợ bị Đức-vua trị tội, nên nhóm cung-nữ bàn tính cùng nhau đi tìm củi đem đến chất thành đống thiêu rụi Đức-Phật Độc-Giác, để không còn tang chứng, nhưng do năng lực nhập diệt-thọ-tưởng của Đức-Phật Độc- Giác, nên lửa không thể thiêu rụi Đức-Phật Độc-Giác được, đến ngày thứ 7, Đức-Phật Độc-Giác xả diệt-thọ- tưởng trở lại cuộc sống bình thường.

Như vậy, ban đầu nhóm cung-nữ đốt cỏ để sưởi ấm không có tác-ý sát-sinh, nhưng sau đó, có tác-ý thiêu Đức-Phật Độc-Giác, nhóm cung-nữ đều có tác-ý sát- sinh, cùng chung tạo ác-nghiệp sát-sinh không đủ 5 chi- pháp (bởi vì Đức-Phật Độc-Giác không chết).

Sau khi nhóm cung-nữ chết,  ác-nghiệp  sát-sinh không đủ chi-pháp ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa- ngục, bị thiêu đốt suốt nhiều ngàn năm, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi nhóm cung-nữ ấy thoát ra khỏi cõi ác-giới, nhờ có đại-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ cho quả tái- sinh kiếp sau trở lại làm người.

Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp của người cung-nữ trưởng, nay kiếp hiện- tại trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu Sāmāvatī của Đức-vua Udena, và hậu-kiếp của 500 cung-nữ, nay kiếp hiện-tại trở thành thị-nữ của Bà đều là những cận-sự-nữ Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Trước kia, nữ bà-la-môn Māgandhiyā vốn có kết oan trái với Đức-Phật Gotama, về sau, nữ bà-la-môn Māgandhiyā trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức- vua Udena, nên tìm cách trả thù Đức-Phật Gotama.

Tiền-kiếp của Chánh-cung Hoàng-hậu Sāmāvatī cùng nhóm 500 thị-nữ vốn là nhóm cung-nữ trong thời quá khứ ấy, đã từng tạo ác-nghiệp sát-sinh không đủ chi- pháp có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại. Vì vậy, Chánh-cung Hoàng- hậu Sāmāvatī cùng nhóm 500 thị-nữ của Bà đều bị bà Chánh-cung Hoàng-hậu Māgandhiyā có âm mưu thâm độc đóng kín các cửa, rồi dùng lửa đốt cung thất của Chánh-cung Hoàng-hậu Sāmāvatī cùng nhóm 500 thị-nữ của Bà đều bị chết thiêu không còn người nào sống sót.

Đó là quả khổ của những người cùng chung tạo ác- nghiệp trong kiếp quá-khứ.

*   Trường hợp những người nào chết cùng một lúc do bởi thiên tai hoặc tai nạn xảy ra, những người ấy đã từng tạo ác-nghiệp giống nhau hay không, điều ấy không thể biết được, nhưng sự sinh, sự tử đều do quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh.

*  Một số người có quan niệm rằng: “tạo thiện-nghiệp để xóa bỏ ác-nghiệp”, quan niệm như vậy có đúng hay không?

Ác-nghiệp nào mà người nào đã tạo trong kiếp hiện- tại, hoặc trong những kiếp quá-khứ, ác-nghiệp ấy đã được lưu trữ ở trong tâm rồi.

Về sau, người ấy dù có tạo đại-thiện-nghiệp có năng lực mạnh như thế nào cũng không thể trở ngược lại thời gian trong quá-khứ để xóa bỏ ác-nghiệp quá-khứ ấy được, còn thiện-nghiệp ấy cũng đã được lưu trữ ở trong tâm của người ấy.

Tuy nhiên, dù đại-thiện-nghiệp không thể xóa bỏ được ác-nghiệp trong quá-khứ, nhưng nếu người ấy cố gắng tinh-tấn tạo nhiều đại-thiện-nghiệp thì cũng có khả năng làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác-nghiệp quá-khứ ấy được. Ví như số lượng muối nhiều ở trong bồn nước, nước ấy có vị mặn không thể uống được. Nếu người ta có sự cố gắng tinh-tấn múc nước đổ thêm vào càng nhiều thì nước ấy trở thành vị lạt có thể uống được.

Cũng như vậy, trước kia, người nào đã từng tạo ác- nghiệp, về sau người ấy cố gắng tinh-tấn tạo nhiều đại- thiện-nghiệp thì cũng có khả năng làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác-nghiệp quá-khứ ấy.

Thật ra, ác-nghiệp nào nếu khi gặp nghịch-duyên (vipatti) thì ác-nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả khổ, nếu khi gặp thuận-duyên (sampatti) thì ác-nghiệp ấy không có cơ hội cho quả khổ.

Nghịch-duyên của ác-nghiệp có 4 điều là gativipatti, kālavipatti, payogavipatti, upadhivipatti.

Đại-thiện-nghiệp nào nếu khi gặp thuận-duyên (sampatti) thì đại-thiện-nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả an-lạc, nếu khi gặp nghịch-duyên (vipatti) thì đại-thiện- nghiệp ấy không có cơ hội cho quả an-lạc.

Thuận-duyên của đại-thiện-nghiệp có 4 điều là gati- sampatti, kālasampatti, payogasampatti, upadhisampatti.

Nền-Tảng-Phật-Giáo quyển IV, chương VI: “Nghiệp Và Quả Của Nghiệp” giảng giải nghiệp phân loại có 4 phần chính:

1- Kiccacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp.

2-  Pākadānapariyāyacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

3- Pākakālacatukka: Phần nghiệp được phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

4- Pākaṭṭhānacatukka:  Phần  nghiệp  được  phân  loại theo cõi-giới cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

Như vậy, 4 phần nghiệp gồm có 16 loại nghiệp, mỗi loại nghiệp có tên gọi như sau:

I-   Kiccacatukka: phần nghiệp phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp:

1.1- Janakakamma: Sinh-quả-nghiệp là nghiệp có phận sự cho quả trong thời-kỳ tái-sinh (paṭisandhikāla) và cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

1.2- Upathambhakakamma: Hỗ-trợ-nghiệp là nghiệp có phận sự hỗ trợ nghiệp khác cho quả.

1.3- Upapīḷakakamma: Hãm-hại-nghiệp là nghiệp có phận sự hãm hại nghiệp đối nghịch.

1.4- Upaghātakakamma: Sát-hại-nghiệp là nghiệp có phận sự sát hại nghiệp khác.

II-  Pākadānapariyāyacatukka: phần nghiệp phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp:

2.1- Garukakamma: Trọng-yếu-nghiệp là nghiệp trọng có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau.

2.2- Āsannakamma: Cận-tử-nghiệp là nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung. Nếu không có trọng-yếu-nghiệp thì cận-tử-nghiệp này cho quả tái-sinh kiếp sau.

2.3- Āciṇṇakamma: Thường-hành-nghiệp là nghiệp thường hành hằng ngày đêm.

Nếu không có cận-tử-nghiệp thì thường-hành-nghiệp này cho quả tái-sinh kiếp sau.

2.4-  Kaṭattākamma:  Bình-thường-nghiệp  là  nghiệp bình thường kém 3 loại nghiệp trên, hoặc nghiệp trong kiếp quá-khứ.

Nếu không có 3 loại nghiệp trên thì bình-thường- nghiệp này cho quả tái-sinh kiếp sau.

III- Pākakālacatukka: phần nghiệp phân loại theo thời gian thời gian cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp:

3.1-  Diṭṭhadhammavedanīyakamma:  Hiện-kiếp-quả- nghiệp là nghiệp cho quả trong kiếp hiện-tại (kiếp thứ nhất).

3.2- Upapajjavedanīyakamma: Hậu-kiếp-quả-nghiệp là nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp (kiếp thứ nhì).

3.3- Aparāpariyavedanīyakamma: Kiếp-kiếp-quả- nghiệp là nghiệp có cơ hội cho quả từ kiếp này đến kiếp kia kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh A- ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn.

3.4- Ahosikamma: Vô-hiệu-quả-nghiệp là nghiệp không còn hiệu lực cho quả của nghiệp được nữa.

IV- Pākaṭṭhānacatukka: phần nghiệp phân loại nghiệp cho quả theo cõi-giới, có 4 loại nghiệp:

4.1- Akusalakamma: Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới là cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, loài ngạ-quỷ, loài súc-sinh.

4.2- Kāmāvacarakusalakamma: Dục-giới thiện-nghiêp trong 8 dục-giới thiện-tâm (đại-thiện-tâm) cho quả tái- sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới.

4.3- Rūpāvacarakusalakamma: Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh trong  16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

4.4- Arūpavacarakusalakamma: Vô-sắc-giới thiện- nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Đó là 4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại thành 16 loại nghiệp.

Nghiệp và quả của nghiệp là một đề tài vô cùng rộng lớn, sâu sắc, vi-tế mà duy nhất chỉ có Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác có trí-tuệ đặc biệt thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của Đức-Phật và của tất cả chúng-sinh muôn loài trong 3 giới 4 loài mà thôi.

Ngoài Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ra, không một vị nào khác có khả năng thấy rõ, biết rõ nghiệp và quả của nghiệp của mình và của tất cả mọi chúng-sinh khác.

Tuy nhiên, chư bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc lục-thông cũng có khả năng biết nghiệp và quả của nghiệp của mình trong tiền-kiếp quá-khứ có giới hạn. Chư bậc Thánh A-ra-hán đã thuật lại tiền-kiếp của Ngài được ghi trong bộ Thera Apadāna Pāḷi, và Chú-giải Pāḷi, bộ Therīpadāna Pāḷi và Chú-giải Pāḷi

*   Quyển IV- “Nghiệp Và Quả Của Nghiệp” này, bần sư đã cố gắng hết sức mình sưu tầm các bài kinh Pāḷi từ trong Tam-tạng Pāḷi và phần Chú-giải Pāḷi, đặc biệt từ toàn bộ sách giáo khoa “Paramatthajotika” của Ngài Trưởng-lão Saddhammajotika, giảng giải về bộ môn Abhidhamma, hiện đang sử dụng giảng dạy trong phân khoa Abhidhammajotikavidayālaya của trường đại-học “Mahācuḷālongkornrājavidayālaya” tại thủ đô Bangkok, Thái-Lan, v.v…

Bần sư đã cố gắng sưu tầm gom nhặt từ nhiều nguồn tài liệu giảng giải về nghiệp và quả của nghiệp đem làm thí dụ dẫn chứng để giúp cho độc giả có thêm đức-tin về nghiệp và quả của nghiệp của mình và của người khác, chúng-sinh khác.

Trong quyển sách “Nghiệp Và Quả Của Nghiệp”này bần sư đã cố gắng hết sức mình để sưu tầm, gom nhặt những nguồn tài liệu có liên quan đến nghiệp và quả của nghiệp, từ Tam-Tạng Pāḷi và các Chú-giải Pāḷi chỉ được bấy nhiêu thôi!

Tuy bần sư cố gắng hết mình giảng giải để giúp cho độc giả tìm hiểu rõ về nghiệp và quả của nghiệp, song vì khả năng có hạn, nên chắc chắn không tránh khỏi những điều sơ sót, thậm chí còn có chỗ sai ngoài khả năng hiểu biết của bần sư.

Để lần sau tái bản được hoàn thiện hơn, kính mong chư bậc thiện-trí từ bi chỉ giáo, góp ý chân tình.

Kính xin quý vị xem soạn phẩm này như là của chung, mà mỗi người trong chúng ta, ai cũng có bổn phận đóng góp xây dựng, để cho soạn phẩm này được hoàn hảo, hầu mong đem lại sự lợi ích chung, sự tiến hoá sự an-lạc cho phần đông chúng ta.

Bần sư kính cẩn đón nhận những lời đóng góp phê bình xây dựng ấy của chư bậc thiện-trí, và kính xin quý Ngài ghi nhận nơi đây lòng chân thành biết ơn sâu sắc của bần sư.

Quyển sách “Nghiệp Và Quả Của Nghiệp” tái bản lần thứ nhất có sửa và bổ sung được hoàn thành do nhờ có nhiều người giúp đỡ như là Dhammavara Sāmaṇera xem bản thảo, Dhammanandā upāsikā đã tận tâm xem kỹ lại bản thảo, dàn trang, làm thành quyển sách; các thí-chủ trong nước và ngoài nước có đức-tin trong sạch lo ấn hành và đã được nhà xuất bản Tôn giáo cho phép ấn hành.

Bần sư vô cùng hoan hỷ và biết ơn tất cả quý vị.

Nhân dịp này, con là Dhammarakkhita Bhikkhu (tỳ- khưu Hộ-Pháp) thành kính dâng phần pháp thí thanh cao này đến Ngài Đại-Trưởng-Lão Hộ-Tông, Vaṃsa- rakkhitamahāthera là sư phụ của con, đồng thời đến Ngài Đại-Trưởng-Lão Thiện-Luật, Ngài Đại-Trưởng-lão Bửu-Chơn, Ngài Đại-Trưởng-Lão Giới-Nghiêm, Ngài Trưởng-lão Hộ-Giác (chùa Từ Quang), Ngài Trưởng- lão Hộ-Nhẫn (chùa Thiền Lâm, Huế) cùng chư Đại- Trưởng-Lão, chư Đại-đức khác đã dày công đem Phật giáo Nguyên-thủy (Theravāda) về truyền bá trên quê hương Việt Nam thân yêu, và xin kính dâng phần phước- thiện thanh cao này đến chư Đại-Trưởng-Lão ở nước Thái-Lan, nước Myanmar (Miến-Điện), đã có công dạy dỗ con về pháp-học và pháp-hành.

Con kính mong quý Ngài hoan hỷ.

Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.

Phước-thiện pháp-thí thanh cao này, xin hồi hướng đến tất cả bà con thân quyến của chúng con, từ kiếp hiện-tại cho đến vô lượng kiếp trong quá-khứ, cầu mong quý vị hoan hỷ nhận phần phước-thiện thanh cao này để thoát khỏi cảnh khổ, được an-lạc lâu dài.

Imaṃ puññābhāgaṃ mātāpitu-ācariya-ñāti- mittānañ ceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu, dukkhā muccantu sabbattha.

Chúng con thành tâm hồi hướng, chia phần phước- thiện pháp-thí thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân quyến, bạn hữu cùng tất cả chúng-sinh từ cõi địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, nhân-loại, chư- thiên trong các cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong các cõi trời sắc-giới,… Xin tất cả quý vị hoan hỷ nhận phần phước-thiện pháp-thí thanh cao này, cầu mong quý vị thoát mọi cảnh khổ, hưởng được mọi sự an-lạc lâu dài trong khắp mọi nơi.

Idaṃ me dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Phước-thiện pháp-thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não trầm- luân, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Nếu mỗi người trong chúng con chưa diệt tận được mọi phiền-não trầm-luân, chưa giải thoát khổ sinh, vẫn còn tử sinh luân-hồi, thì do năng lực phước-thiện pháp- thí thanh cao này ngăn cản mọi ác-nghiệp không có cơ hội cho quả tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su- ra, ngạ-quỷ, súc-sinh; và cũng do năng lực phước-thiện thanh cao này chỉ hỗ trợ đại-thiện-nghiệp cho quả tái- sinh trong cõi thiện-giới: cõi người, các cõi trời dục- giới… mà thôi.

Được sinh kiếp nào, mỗi người trong chúng con đều là người có chánh-kiến, có đức-tin trong sạch nơi Tam- bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, có đức-tin trong sạch nơi bậc thiện-trí, cố gắng tinh-tấn thực-hành theo lời giáo-huấn của bậc thiện-trí, không ngừng tạo mọi pháp-hạnh ba- la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn, để mong sớm chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, mong chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, mong diệt tận mọi phiền-não trầm-luân, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Trong kiếp tử sinh luân-hồi, mỗi khi chúng con được nghe tin lành Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng ngự nơi nào, dù gần dù xa, chúng con liền phát sinh đại-thiện- tâm hỷ lạc, có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, Đức- Pháp, Đức-Tăng, quyết tâm tìm đến nơi ấy, để hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức- Phật, lắng nghe chánh-pháp, cố gắng tinh-tấn thực-hành theo chánh-pháp của Đức-Phật, để mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Nay, chúng con hết lòng thành kính quy-y Tam-bảo: quy-y nơi Đức-Phật-bảo, quy-y nơi Đức-Pháp-bảo, quy- y nơi Đức-Tăng-bảo, và thành tâm hộ trì Tam-bảo cho đến trọn đời, trọn kiếp.

Do nhờ năng lực phước-thiện thanh cao này, cầu mong cho mỗi người chúng con luôn luôn có duyên lành, tạo được thiện nhân sâu sắc trong Phật-giáo.

Do nhờ năng lực phước-thiện pháp-thí thanh cao này theo hỗ trợ, nhắc nhở cho mỗi người chúng con trong mỗi kiếp, dù có được thành tựu quả-báu ở cõi người (manussasampatti) hưởng được mọi sự an-lạc đầy đủ trong cõi người như thế nào, cũng không đắm say trong cõi người; hoặc dù có được thành tựu quả-báu ở cõi trời (devasampatti) hưởng được mọi an-lạc đầy đủ trong cõi trời như thế nào, cũng không đắm say trong cõi trời.

Thật ra, mục đích cứu cánh cao cả của mỗi chúng con chỉ có cầu mong sớm thành tựu quả-báu chứng ngộ Niết-bàn (Nibbānasampatti) mà thôi, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

 Icchitaṃ patthitaṃ amhaṃ, khippameva samijjhatu.

Điều mong ước, ý nguyện của chúng con Cầu mong sớm được thành tựu như ý.

 

  1. 2561 / DL. 2017

Rừng Núi Viên Không

xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 

Tỳ-khưu Hộ-Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita)

 

 

—————————–

Bài viết được trích từ Quyển 4 – Nghiệp Và Quả Của Nghiệp, tác giả Hộ Pháp Tỳ Khưu    

Link Quyển 4 – Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
Link tải sách ebook Quyển 4 – Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
Link video Quyển 4 – Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
Link audio Quyển 4 – Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
Link thư mục tác giả Hộ Pháp Tỳ Khưu
Link thư mục ebook Hộ Pháp Tỳ Khưu
Link giới thiệu tác giả Hộ Pháp Tỳ Khưu
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app