4.1.2- Khẩu ác-nghiệp:

Khẩu ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác- tâm được biểu hiện ra ở khẩu-môn nói ác còn gọi là khẩu hành-ác, có 4 loại ác-nghiệp:

1-  Ác-nghiệp nói-dối.

2-  Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

3-  Ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc).

4- Ác-nghiệp nói lời vô ích.

1- Ác-nghiệp nói-dối

Nói-dối là nói lời không thật với tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm để lừa dối người nghe tin cho là sự thật.

* Nói-dối như thế nào?

–  Điều mình thấy, nói-dối rằng: “Tôi không thấy.”

–  Điều mình không thấy, nói-dối rằng: “Tôi có thấy.”

–  Điều mình nghe, nói-dối rằng: “Tôi không nghe.”

–  Điều mình không nghe, nói-dối rằng: “Tôi có nghe.”

–  Điều mình biết, nói-dối rằng: “Tôi không biết.”

–  Điều mình không biết, nói-dối rằng: “Tôi có biết.”…

–  Vật nào mình có, nói-dối rằng: “Tôi không có vật ấy.”

–  Vật nào mình không có, nói-dối rằng: “Tôi có vật ấy.” v.v,…

Người nào nói dối không đúng theo sự thật, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm lừa dối người nghe tin theo cho là sự thật, làm thiệt hại cho người tin theo, thì người nói-dối ấy tạo ác-nghiệp nói-dối.

Chi-pháp của ác-nghiệp nói-dối

Để biết có tạo ác-nghiệp nói-dối hay không, cần phải căn cứ vào 4 chi-pháp của ác-nghiệp nói-dối:

1-    Atthavatthu: Điều không thật, vật không có.

2-    Visaṃvādacittatā: ác-tâm nghĩ lừa dối.

3-   Payoga: Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo ác-tâm nghĩ lừa dối của mình.

4-   Tadattha vijānanaṃ: Người nghe tin theo sự lừa dối ấy.

Nếu người nào hội đủ 4 chi-pháp của ác-nghiệp nói- dối này, thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 4 chi-pháp này, thì người ấy tạo ác-nghiệp nói-dối không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp nói-dối này có sự khác biệt:

–    Nếu tạo ác-nghiệp nói-dối hội đủ  4  chi-pháp này thì ác-nghiệp nói-dối ấy có nhiều năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

–   Nếu tạo ác-nghiệp nói-dối không hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp nói-dối ấy có ít năng lực, không có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau, mà có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh, kiếp hiện-tại.

Cố gắng tạo ác-nghiệp nói-dối

Người tạo ác-nghiệp nói-dối bằng lời nói hoặc bằng thân hành động có 4 cách:

1-  Tự mình cố gắng lừa dối bằng lời nói, bằng thân cử động, lắc đầu phủ nhận điều có thật, hoặc gật đầu khẳng định điều không có thật.

2-  Sai khiến người khác lừa dối bằng khẩu.

3-   Viết chuyện không có thật trong thư, trên báo, nói trong đài phát thanh, v.v… lan truyền cho độc  giả,  thính giả tin theo cho là sự-thật.

4-   Viết sách nội dung không có thật, ghi âm thanh vào băng, đĩa, phim ảnh, v.v… có tính cách lâu dài, để lừa dối độc giả, thính giả, khán giả,… tin theo cho là sự-thật.

Người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm lừa dối người khác, nếu người khác tin theo sự lừa dối ấy cho là sự-thật thì người ấy tạo ác-nghiệp nói-dối hợp đủ 4 chi- pháp. Nhưng nếu người khác không tin theo sự lừa dối thì người ấy tạo ác-nghiệp nói-dối không hợp đủ chi-pháp.

Ác-nghiệp nói-dối nặng hoặc nhẹ

Người tạo ác-nghiệp nói-dối tạo ác-nghiệp nói-dối nặng hoặc tạo ác-nghiệp nói-dối nhẹ được căn cứ vào  sự thiệt hại nhiều hoặc sự thiệt hại ít đến cho người tin theo sự nói-dối ấy.

–    Nếu người tạo ác-nghiệp nói-dối đã làm thiệt hại nhiều đến cho người tin theo lời nói-dối, thì người nói- dối ấy tạo ác-nghiệp nói-dối nặng có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

–    Nếu người tạo ác-nghiệp nói-dối không làm thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo sự nói-dối ấy thì người nói-dối ấy tạo ác-nghiệp nhẹ, không có khả năng cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), nhưng nếu có cơ hội thì cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

* Trường-hợp nếu người nào nói dối khiến người nghe tin theo cho là sự-thật, thì người nói-dối ấy có thể phạm điều-giới nói-dối, nhưng không làm thiệt hại nào cho người nghe cả, thậm chí còn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho người nói dối và cả người tin theo lời nói-dối ấy nữa. Như vậy, người nói-dối có phước, không có tội.

Quả xấu của ác-nghiệp nói-dối

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp nói-dối gây ra sự thiệt hại nặng đến cho người khác, thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói-dối ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét- tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác- nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường-hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào trong  đại-thiện-tâm  có  cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau thì có đại-quả-tâm gọi  là  tái-sinh-tâm  (paṭisandhicitta)  làm  phận  sự  tái- sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

* Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp nói-dối nhẹ. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp nói-dối ấy không có cơ hội cho quả thì đại-thiện-nghiệp nào trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp  sau  (paṭisandhikāla)  có  đại-quả-tâm  gọi  là  tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong cõi người này.

Cả 2 trường-hợp này, người ấy còn phải chịu 14 quả xấu của ác-nghiệp nói-dối mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ là:

Kiếp hiện-tại của người ấy:

1-  Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) không trong sáng.

2-  Là người có giọng nói không rõ, khó nghe.

3-  Là người có đôi hàm răng không đều đặn, xấu xí.

4- Là người có thân hình quá mập, dị kỳ.

5- Là người có thân hình quá ốm,

6- Là người có thân hình quá thấp,

7- Là người có thân hình quá cao,

8-  Là người có da thịt sần sùi, xấu xí.

9-  Là người mà trong miệng thường thoát ra mùi hôi khó chịu.

10-  Là người nói không ai tin theo.

11-  Là người nói không ai muốn nghe.

12- Là người có cái lưỡi cứng và ngắn.

13- Là người có tâm thường thoái chí nản lòng.

14- Là người có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc.

Đó là 14 quả xấu của ác-nghiệp nói-dối mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app