Dhamma Giri, India Tháng 6, 1986

Phục vụ để giúp bánh xe Dhamma luân chuyển

Những người phục vụ Dhamma thân mến của thầy:

Mục đích của sự phục vụ Dhamma là gì? Chắc chắn không phải để nhận được chỗ ăn chỗ ở hay để sống qua ngày trong một môi trường thoải mái, hay để trốn tránh trách nhiệm của đời sống hàng ngày. Những người phục vụ Dhamma biết rất rõ điều này.

Những người đó đã thực hành Vipassana và nhận ra sự lợi ích bằng sự trải nghiệm của chính họ. Họ đã thấy sự phục vụ vô vị lợi của các thiền sư, ban quản trị và những người phục vụ Dhamma, sự phục vụ đã khiến cho họ nếm được hương vị không có gì sánh bằng của Dhamma. Họ đã bắt đầu bước đi trên con đường thánh thiện, và bắt đầu phát triển phẩm chất hiếm hoi của lòng biết ơn một cách tự nhiên, ước nguyện đền đáp tất cả những gì họ đã nhận được.

Dĩ nhiên, thiền sư, ban quản trị và những người phục vụ Dhamma phục vụ vô vị lợi mà không trông đợi được đền đáp hoặc nhận được bất cứ thù lao vật chất nào. Cách duy nhất để họ trả món nợ là giúp bánh xe Dhamma luân chuyển, phục vụ người khác cùng một đường lối vô vị lợi. Đây là chủ ý thánh thiện về sự phục vụ Dhamma.

Khi những người hành thiền Vipassana tiến triển trên con đường, họ thoát khỏi thói quen cố hữu của sự tự cao, tự đại và bắt đầu quan tâm tới người khác. Họ nhận ra rằng, ở khắp nơi người ta khổ như thế nào: trẻ hay già, nam hay nữ, da đen hay da trắng, giàu hay nghèo, mọi người đều khổ. Những người hành thiền nhận ra rằng chính họ cũng đã khổ cho tới khi gặp được Dhamma. Họ biết rằng, giống như họ, những người khác bắt đầu hưởng được hạnh phúc và bình yên thật sự bằng cách đi theo con đường này. Chính sự thay đổi đó đã khích lệ những cảm nghĩ về sự hỷ lạc cho người khác, và củng cố ước nguyện giúp những người đau khổ thoát khỏi khổ đau bằng Vipassana. Lòng trắc ẩn trào dâng cùng với chủ ý giúp người khác thoát khỏi khổ đau.

Dĩ nhiên là cần thời gian để phát triển sự thấm nhuần về Dhamma và nhận được sự đào tạo để dạy Dhamma. Nhưng cũng có rất nhiều cách khác để phục vụ những người tới tham gia khóa thiền và mọi sự phục vụ đều vô giá.

Ước nguyện để trở thành một người thật sự phục vụ Dhamma là ước nguyện giản dị – một người phục vụ Dhamma giản dị, khiêm nhường.

Và những người thực hành Vipassana bắt đầu nhận ra rằng, theo luật tự nhiên, những hành động bằng việc làm và lời nói làm tổn thương người khác sẽ cũng làm tổn thương những người gây ra chúng. Trong khi những hành động giúp người khác sẽ mang lại bình an và hạnh phúc cho những người làm việc này. Vì thế, giúp đỡ người khác cũng là giúp chính mình. Như vậy phục vụ là vì lợi ích của chính mình. Làm được như thế sẽ phát triển Parami của mình và khiến cho mình có thể tăng tiến nhanh chóng và chắc chắn trên con đường. Phục vụ người khác thực ra cũng là phục vụ chính mình.

Hiểu được sự thật này, một lần nữa, sẽ khuyến khích những ước nguyện được tham gia vào nhiệm vụ thánh thiện của việc giúp đỡ người khác thoát khỏi khổ đau.

Nhưng cách hay nhất để phục vụ là gì? Không biết được điều này, người phục vụ không thể giúp người khác hay chính họ; thay vào đó họ có thể gây ra tai hại. Cho dù nhiệm vụ Dhamma có thánh thiện đến đâu đi nữa, nó sẽ không có sự lợi lạc đích thực trong việc giúp đỡ nếu chủ ý của người phục vụ Dhamma không được tốt. Sự phục vụ sẽ không có lợi lạc nếu chỉ để làm gia tăng bản ngã của mình hay để trông đợi một điều gì đó – dù chỉ là lời khen ngợi hay sự biết ơn.

Khi phục vụ, phải chắc rằng các con hành thiền ít nhất là ba lần một ngày, mỗi lần một giờ, để giúp cho các con vững mạnh để phục vụ. Nếu các con thấy rằng tâm mình dao động hoặc đầy những bất tịnh và không thể phục vụ một cách đúng đắn, thì tốt hơn các con nên ngừng phục vụ và tham dự khóa thiền. Trước hết phải giúp mình trước! Hãy hiểu rằng, trừ khi các con củng cố bản thân trong Dhamma, các con không thể giúp người khác được. Một người ốm yếu không thể hỗ trợ một người ốm yếu khác. Một người mù lòa không thể chỉ đường cho một người mù khác. Hãy củng cố bản thân để các con có thể phục vụ một cách lành mạnh.

Mọi hành động của các con đều rất quan trọng bởi vì thiền sinh sẽ xem xét những hành động của thiền sư, ban quản trị và của những người phục vụ Dhamma. Nếu họ thấy rằng những người này nóng nảy, họ sẽ trở nên kém hăng hái. Nhưng nếu họ thấy rằng, thiền sư, ban quản trị và những người phục vụ đều bình an, tươi vui, giúp người với đầy tình thương, không một chút ác ý, chắn chắn họ sẽ được khuyến khích để bước đi một cách nhiệt tình trên con đường. Bởi vậy, hãy hiểu rằng các con có một trách nhiệm lớn lao. Mọi hành động của các con trong mảnh đất Dhamma này phải tạo ra sự tin tưởng và thành kính đối với Dhamma trong tâm của những người mới tới và giúp củng cố lòng thành và sự tự tin trong tâm của những thiền sinh cũ.

Cũng như khi các con yêu cầu những thiền sinh mới phải giữ giới và kỷ luật trong khóa thiền, phải chắc rằng chính các con cũng phải giữ kỷ luật và im lặng càng nhiều càng tốt. Chỉ nói những gì thật cần thiết. Nói một cách nhã nhặn, đầy tình thương, trung thực và hữu ích. Các con phải giữ cả năm giới trong khi các con phục vụ Dhamma. Nếu phạm bất cứ một giới nào, các con sẽ gây hại cho bầu không khí của trung tâm và hại cho những người khác.

Một người phục vụ Dhamma không phải là một người cai tù mà là một người tôi tớ – một người tôi tớ của Dhamma. Những thiền sinh không phải là những tù nhân. Dĩ nhiên những điều lệ và kỷ luật phải được tuân hành. Nếu thấy một thiền sinh vi phạm kỷ luật, điều đó không có nghĩa là người phục vụ Dhamma sẽ có những hành động đối với người này với thái độ của một người cai tù với phạm nhân. Không được, phải cảm thông. Nếu có ai đó phạm giới, điều đó cho thấy rằng người này hoặc là vô minh hoặc là rất dao động. Một người phục vụ Dhamma tốt sẽ thông cảm và nghĩ rằng: “Người này đang đau khổ; làm sao ta có thể giúp người đó thoát khỏi khổ đau?” Điều này không thể làm được bằng sự trừng phạt hay dùng lời nói hằn học đầy tức giận và oán ghét – điều đó giống như đổ thêm lửa vào một người đang cháy. Người này cần những lời an ủi với đầy cảm thông, tình thương và lòng thương xót.

Có đôi lúc các con phải dùng những lời cứng rắn, nhưng phải chắc rằng nó không làm đau lòng và đầy ác ý. Nếu vì sơ ý các con đã nói không đúng đắn, hãy xem các con nhanh chóng nhận ra điều này và phát triển tình thương và lòng trắc ẩn đối với một thiền sinh như thế nào. Hãy kiếm cơ hội để gặp thiền sinh này và tươi cười nói vài lời đầy tình thương và lòng trắc ẩn. Nếu người này đau lòng vì những hành động sai trái của các con, ảnh hưởng xấu sẽ được gột rửa và thiền sinh sẽ bắt đầu tu tập trở lại với đầy nhiệt tình.

Hãy hiểu rằng mặc dù các con chỉ là một người phục vụ, các con luôn luôn là một thiền sinh. Do đó không bao giờ nên coi mình là một thiền sư. Nếu một thiền sinh gặp các con với bất cứ khó khăn nào liên quan đến việc hành thiền, không nên quá nhiệt tâm, có lời khuyên hoặc là chỉ bảo cho họ về phương pháp thực hành. Một cách nhã nhặn, mang người đó đến gặp thiền sư và hãy để thiền sư trả lời những câu hỏi liên quan đến sự thực hành.

Trong khi phục vụ, các con có thể đề nghị, nhưng không nên trông đợi những đề nghị này được chấp thuận bởi ban quản trị hay thiền sư. Đừng thổi phồng bản ngã, nếu không các con sẽ bắt đầu làm hại chính mình. Nếu các con cảm thấy dao động bởi vì đề nghị của mình không được chấp thuận, các con đã không học hỏi Dhamma. Các con ở đây để phục vụ chứ không phải để chỉ bảo người khác.

Không nên trông đợi bất cứ điều gì vì sự phục vụ của mình. Khi các con cố để làm cho đề nghị của mình được chấp nhận, các con đang trông đợi một điều gì đó. Hãy luôn luôn hiểu rằng: “Tôi ở đây để phục vụ, chỉ có vậy thôi. Tôi đang học cách phục vụ mà không trông đợi được đền đáp; tôi phục vụ với một chủ ý để thấy được rằng, càng ngày càng có nhiều người nhận được lợi lạc. Nguyện cho tôi là một gương sáng cho họ; điều này sẽ giúp họ và cũng giúp tôi nữa.”

Hãy hiểu rằng trong khi phục vụ, các con đang học hỏi làm thế nào để áp dụng Dhamma trong cuộc sống hàng ngày. Sau cùng, Dhamma không phải là sự trốn tránh những trách nhiệm hàng ngày. Bằng cách học, cách hành xử theo đường lối Dhamma trong việc tiếp xúc với các thiền sinh và những tình huống ở đây, trong một thế giới thu nhỏ của một khóa thiền hay một trung tâm, các con đang rèn luyện cho mình cách hành xử tương tự như ở thế giới bên ngoài. Các con thực hành cố để giữ sự bình tâm và tạo ra tình thương và lòng trắc ẩn đối với với những hành vi không tốt của người khác. Đây là bài học mà các con đang học được ở đây. Các con là những thiền sinh giống như những người đang ngồi trong khóa thiền.

Nguyện cho tất cả các con, những người đang phục vụ Dhamma được củng cố trong Dhamma. Nguyện cho các con học cách phát triển thiện ý, tình thương và lòng trắc ẩn đến mọi người. Nguyện cho các con tăng trưởng trong Dhamma để hưởng được bình an thật sự, hòa hợp thật sự, hạnh phúc thật sự.

Bhavatu sabba mangalam

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app