Nội Dung Chính
- 1.3- Upapīḷakakamma: Hãm-Hại-Nghiệp
- 1.3.1- Hãm-hại-nghiệp có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội cho quả của nó, có 2 trường hợp:
- 1.3.2- Hãm-hại-nghiệp có phận sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả, có 2 trường hợp:
- 1.3.3- Hãm-hại-nghiệp có phận sự làm biến đổi ngũ- uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy, có 2 trường hợp:
1.3- Upapīḷakakamma: Hãm-Hại-Nghiệp
Thế nào gọi là hãm-hại-nghiệp?
Nghiệp nào hãm hại nghiệp đối nghịch và hãm hại ngũ-uẩn, quả của nghiệp đối nghịch.
Nghiệp ấy gọi là hãm-hại-nghiệp, đó là 12 bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) và 8 dục-giới thiện-nghiệp gọi là 8 đại-thiện-nghiệp).
Hãm-hại-nghiệp có 3 phận sự:
1.3.1- Hãm-hại-nghiệp có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội cho quả của nó.
1.3.2- Hãm-hại-nghiệp có phận sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả.
1.3.3- Hãm-hại-nghiệp có phận sự làm biến đổi ngũ- uẩn, quả của nghiệp đối nghịch ấy.
Mỗi phận sự như thế nào?
1.3.1- Hãm-hại-nghiệp có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội cho quả của nó, có 2 trường hợp:
1- Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại hãm hại, ngăn cản bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) không cho có cơ hội cho quả của nó.
2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại hãm hại, ngăn cản đại-thiện-nghiệp không cho có cơ hội cho quả của nó.
Giải thích 2 trường hợp:
1- Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại, hãm hại, ngăn cản bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) không cho có cơ hội cho quả của nó như thế nào?
Ví dụ: Khi chưa gặp được bậc thiện-trí, ông A thường thân cận, gần gũi với các người ác, bắt chước theo các người ác, nên ông đã tạo mọi ác-nghiệp như sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm, nói-dối, uống rượu và các chất say, …
Về sau, ông A gặp được bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, nên phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo. Ông A xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới.
Sau khi thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, ông A trở thành người biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, ông A giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, cố gắng tạo mọi thiện-nghiệp như bố-thí, giữ giới, thực- hành pháp-hành thiền-định, nhưng chưa chứng đắc bậc thiền nào, và cũng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ mà chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, vẫn còn là hạng phàm-nhân.
Đến lúc lâm chung, ông A nằm bình tĩnh, tâm trí sáng suốt, hoan hỷ với những đại-thiện-nghiệp của mình đã tạo.
Sau khi ông A chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam trong cõi trời dục- giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.
Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại hãm hại, ngăn cản những bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong thời gian trước, không cho có cơ hội cho quả của nó.
2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại hãm hại, ngăn cản đại-thiện-nghiệp không cho có cơ hội cho quả của nó như thế nào?
Ví dụ: Cậu B là người được sinh trưởng trong gia đình theo truyền thống Phật-giáo. Khi còn nhỏ ở nhà, cậu được cha mẹ dạy dỗ biết tụng kinh lễ bái Tam-bảo, lúc đến chùa, cha mẹ dạy cậu biết đảnh lễ Đức-Phật, biết đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng, biết dâng những thứ vật dụng, … đến chư tỳ-khưu, sa-di.
Khi lớn lên được 10 tuổi, cha mẹ chấp thuận cho phép cậu xuất gia trở thành sa-di, ở trong chùa theo học pháp- học Phật-giáo. Đến khi vị sa-di B tròn 20 tuổi, chư tỳ- khưu-Tăng cho phép làm lễ nâng vị sa-di B trở thành tỳ-khưu. Tỳ-khưu B cố gắng tinh-tấn thích học pháp-học Phật-giáo, thích thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, nên mọi thiện-pháp được phát triển.
Về sau, tỳ-khưu B có đức-tin càng ngày càng giảm dần, nên không còn muốn học pháp-học Phật-giáo và không còn muốn thực-hành pháp-hành như trước nữa.
Do đó, tỳ-khưu B xin xả giới tỳ-khưu, hoàn tục, xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới trở thành người cận-sự-nam, trở về nhà sống tại-gia.
Cận-sự-nam B có vợ và có nhiều con, khi cha mẹ đã qua đời, gia đình cận-sự-nam B không còn nhờ cậy cha mẹ được nữa. Gia đình lâm vào cảnh nghèo khổ, túng thiếu, cận-sự-nam B phải làm lụng vất vả suốt ngày đêm, để nuôi vợ và các con. Do làm nghề giết hại gia súc, gia cầm bán thịt, … cho nên, cận-sự-nam B giữ gìn ngũ-giới của mình không còn trong sạch như trước.
Cận-sự-nam B làm bằng tà-nghiệp, sống bằng tà- mạng, mà gia đình cận-sự-nam B vẫn nghèo khổ.
Đến lúc sắp lâm chung, cận-sự-nam B cảm thấy khổ thân, khổ tâm vô cùng, nên tâm bị ô nhiễm.
Sau khi cận-sự-nam B chết, bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác- giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.
Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại trong thời gian sau, hãm hại, ngăn cản đại-thiện-nghiệp đã được tạo kiếp hiện-tại trong thời gian trước không cho có cơ hội cho quả của nó.
1.3.2- Hãm-hại-nghiệp có phận sự kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả, có 2 trường hợp:
1- Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại có phận sự kìm hãm bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy.
2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã được tạo trong kiếp hiện-tại, có phận sự kìm hãm đại-thiện-nghiệp đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy.
Giải thích 2 trường hợp:
1- Đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại có phận sự kìm hãm bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy như thế nào?
Ví dụ: Đức-vua Ajātasattu vốn là một người có đầy đủ đại-thiện-nghiệp ba-la-mật có thể trở thành bậc Thánh-nhân trong kiếp hiện-tại. Nhưng Đức-vua gần gũi thân cận với tỳ-khưu Devadatta, nghe lời khuyên bảo của tỳ-khưu Devadatta, Đức-vua Ajātasattu đã giết cha là Đức-phụ-vương Bimbisāra, nên đã phạm ác-nghiệp trọng-tội giết cha thuộc vào 1 trong 5 ác-nghiệp vô- gián trong-tội, đáng lẽ sẽ cho quả tái-sinh trong cõi đại- địa-ngục Avīci chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài nhiều đại-kiếp trái đất.
Về sau, nhờ biết ăn năn hối lỗi về ác-nghiệp vô-gián trọng-tội giết Đức-Phụ-vương của mình, nên Đức-vua Ajātasattu nhờ vị quan ngự y Jīvaka đưa đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy bài kinh Samaññaphalasutta tế độ Đức-vua Ajātasattu.
Sau khi lắng nghe bài kinh ấy xong, nếu Đức-vua Ajātasattu không phạm ác-nghiệp vô-gián trọng-tội giết cha, thì ngay khi ấy, Đức-vua sẽ trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. Nhưng vì đã phạm ác-nghiệp vô-gián trọng- tội giết cha, nên Đức-vua Ajātasattu không thể trở thành bậc Thánh-nhân.
Đức-vua Ajātasattu phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo, kính xin Đức-Thế- Tôn công nhận Đức-vua Ajātasattu là cận-sự-nam đã quy y Tam-bảo đến trọn đời, rồi Đức-vua Ajātasattu xin sám hối tội lỗi giết Đức Phụ-vương của mình.
Đức-Thế-Tôn chứng minh lời sám hối của Đức-vua Ajātasattu. Từ đó về sau, Đức-vua Ajātasattu có đức-tin trong sạch đặc biệt nơi Tam-bảo, hết lòng tận tâm lo phục vụ Tam-bảo cho đến trọn đời.
Thật vậy, sau khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn được 3 tháng 4 ngày, Ngài Đại-trưởng-lão Mahākassapa chủ trì kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất, gồm có 500 chư bậc Thánh A-ra-hán, tại động Sattapaṇṇi gần kinh-thành Rājagaha xứ Magadha, thời gian suốt 7 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam-Tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
Đức-vua Ajātasattu là người hộ độ 500 vị Thánh A- ra-hán 7 tháng trong kỳ kết tập Tam-Tạng Pāḷi và Chú- giải Pāḷi lần thứ nhất ấy.
Đức-vua Ajātasattu là người cận-sự-nam có đức-tin trong sạch đặc biệt nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức- Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tận tâm phục vụ Tam-bảo đến trọn đời.
Cho nên, sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, đáng lẽ ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, nhưng nhờ các đại-thiện-nghiệp quy-y Tam-bảo, hộ độ 500 vị Thánh A-ra- hán trong kỳ kết tập Tam-Tạng lần thứ nhất làm phận sự hãm-hại-nghiệp kìm hãm làm suy yếu tiềm năng cho quả của ác-nghiệp vô-gián trọng-tội, nên chỉ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī (địa- ngục nồi đồng sôi), chịu quả khổ suốt 60.000 năm.
Đức-Phật dạy:
Sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, ác-nghiệp vô- gián trọng-tội giết Đức Phụ-vương cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī (địa-ngục nồi đồng sôi) từ miệng nồi chìm xuống đáy nồi khoảng thời gian 30.000 năm, rồi từ đáy nồi nổi lên miệng nồi khoảng thời gian 30.000 năm, mới mãn quả khổ của ác- nghiệp ấy. Do nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người, hậu-kiếp của Đức-vua Ajātasattu sẽ trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Vijitāvī (1).
Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp đã được tạo trong kiếp hiện-tại có phận sự kìm hãm bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của bất-thiện-nghiệp ấy.
2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong kiếp hiện-tại, có phận sự kìm hãm đại-thiện-nghiệp đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy như thế nào?
Ví dụ: Một thí-chủ là người cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đứng ra tổ chức buổi lễ tạo phước-thiện đại-thí cúng dường đến chư Đại-đức-Tăng rất đông.
Thật ra, thí-chủ này đã có tác-ý trong đại-thiện-tâm hoan hỷ từ trước, nên đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ vật dụng.
Đến ngày lễ chính thức tại ngôi chùa mọi người tụ hội đông đủ, chư Đại-đức-Tăng khách cũng được thỉnh mời đến. Toàn thể chư Đại-đức-Tăng và khách đều tập trung tại chánh-điện. Buổi lễ tạo phước-thiện đại-thí cúng dường được cử hành rất long trọng. Riêng người thí-chủ chính có điều không hài lòng trong buổi lễ ấy.
Tuy nhiên, người thí-chủ chính vẫn tự tay dâng cúng dường đến chư Đại-đức-Tăng một cách cung-kính bình thường, nhưng tâm không được hoan hỷ do có điều không hài lòng trong buổi lễ ấy. Còn phần đông mọi người đều phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong buổi lễ tạo phước-thiện đại-thí cúng dường lớn lao ấy.
Như vậy, khi thí-chủ tạo đại-thiện-nghiệp đại-thí cúng dường đến chư Đại-đức-Tăng, có bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh xen lẫn không hài lòng trong buổi lễ tạo phước-thiện đại-thí cúng dường lớn lao ấy, thì đại-thiện-nghiệp đại-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu- Tăng ấy không được hoàn toàn trong sạch. Cho nên, bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) ấy kìm hãm đại-thiện-nghiệp đại-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của đại-thiện-nghiệp đại-thí ấy.
Sau khi người thí-chủ ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp đại-thí ấy có cơ hội cho quả tái-sinh làm người, đáng lẽ là người có tam-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si), thì chỉ là người có nhị-nhân (vô-tham và vô-sân) mà thôi, bởi vì, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh xen lẫn có phận sự kìm hãm đại-thiện-nghiệp đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của đại-thiện- nghiệp ấy.
Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) phát sinh trong kiếp hiện-tại có phận sự kìm hãm đại-thiện- nghiệp đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả của đại-thiện-nghiệp ấy.
1.3.3- Hãm-hại-nghiệp có phận sự làm biến đổi ngũ- uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy, có 2 trường hợp:
1- Đại-thiện-nghiệp có phận sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp).
2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại-thiện-nghiệp.
Giải thích 2 trường hợp:
1- Đại-thiện-nghiệp có phận sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) ấy như thế nào?
Ví dụ: Một người nghèo khổ thường hay bệnh hoạn ốm đau, chịu bao nhiêu nỗi khổ thiếu thốn những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, v.v… đó là quả của bất- thiện-nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ, hoặc trong kiếp hiện-tại này.
Hằng ngày, người ấy sống bằng nghề lượm đồ phế thải, không có nơi nương tựa.
Một hôm, một người thiện-trí có tâm bi cứu khổ, gặp người ấy đang lâm bệnh, nằm một nơi không có người săn sóc. Người thiện-trí gọi xe đưa bệnh nhân ấy đi bệnh viện để chữa trị, ít hôm sau người ấy được khỏi bệnh.
Người thiện-trí nghĩ rằng: “Nếu ta đem người ấy về ở trong nhà, thì người ấy chỉ giảm bớt được phần khổ thân mà thôi, nếu ta gửi người ấy vào ở trong chùa, thì người ấy không chỉ giảm được phần khổ thân, mà còn giảm được phần khổ tâm nữa.”
Nghĩ xong, người thiện-trí dẫn người ấy đem gửi Ngài Trưởng-lão trụ trì một ngôi chùa, nhờ Ngài Trưởng-lão tế độ người nghèo khổ ấy.
Từ đó, người ấy có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, rồi phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, xin thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành người cận-sự-nam trong Phật- giáo, thọ trì bát-giới uposathasīla để thích ứng với đời sống ở trong chùa.
Hằng ngày, người cận-sự-nam ấy biết lo công việc lau chùi, quét dọn sạch sẽ trong và xung quanh chánh-điện, nơi cội Đại-Bồ-đề, chăm sóc cây cảnh trong chùa, v.v… tạo cho cảnh quang ngôi chùa sạch đẹp.
Người cận-sự-nam ấy là người dễ dạy, hằng ngày, biết tụng kinh, thực-hành pháp-hành niệm ân-Đức-Phật, biết cung-kính hộ độ từ Ngài Trưởng-lão, cho đến vị tỳ-khưu, sa-di nhỏ, cho nên, người cận-sự-nam được quý Ngài thương yêu quý mến.
Người ấy còn tận tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện, tiện nghi, phụ giúp những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đến chùa dâng hoa cúng dường Đức-Phật, tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu, sa-di, cho nên, người ấy cũng được những người cận-sự-nam, cận- sự-nữ khác thương yêu quý mến.
Từ khi người ấy ở trong chùa đời sống vật chất và tinh thần được thoải mái, cho nên người ấy không còn bệnh hoạn ốm đau như trước nữa. Bây giờ, người ấy là người cận-sự-nam có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có giới-hạnh, có sức khỏe tốt, mỗi ngày tạo mọi phước- thiện tăng trưởng; nhất là người cận-sự-nam ấy được phần đông chư tỳ-khưu, sa-di, và cận-sự-nam, cận-sự-nữ khác thương yêu quý mến giúp đỡ.
Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp có phận sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).
2- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại-thiện-nghiệp như thế nào?
Ví dụ: Trong đời này, một người có thân thể khỏe mạnh, tâm trí sáng suốt, có một cuộc sống giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, có đầy đủ về mọi phương diện, cuộc sống được an lành hạnh phúc, … đó là quả của đại-thiện-nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ hoặc trong kiếp hiện-tại.
Về sau, người ấy bị lâm bệnh nan y như bệnh ung thư, hoặc bị bệnh bại liệt toàn thân, hoặc bị tai nạn gây thương tật suốt đời, v.v… hoặc gặp cơn tai biến tan gia bại sản, mất chức mất quyền, v.v… Những điều bất hạnh xảy ra trong cuộc sống của người ấy đều là do quả của bất-thiện-nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá-khứ hoặc kiếp hiện-tại này.
Hoặc một đứa trẻ được tái-sinh làm người đó là quả của đại-thiện-nghiệp. Nhưng khi sinh ra đời, đứa trẻ bị mù, bị tật nguyền, v.v… cũng là do quả của bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp).
Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự hãm hại làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh- pháp là quả của đại-thiện-nghiệp.