Nội Dung Chính
- 1.4- Upaghātakakamma: Sát-Hại-Nghiệp
- Thế nào gọi là sát-hại-nghiệp?
- Sát-hại-nghiệp có 2 phận sự:
- 1.4.1- Sát-hại-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa, có 3 trường hợp:
- 1.4.2- Sát-hại-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ- uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh-mạng của chúng-sinh ấy, có 4 trường hợp:
1.4- Upaghātakakamma: Sát-Hại-Nghiệp
Thế nào gọi là sát-hại-nghiệp?
Nghiệp nào có phận sự sát hại, cắt đứt nghiệp khác, và sát hại cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác.
Nghiệp ấy gọi là sát-hại-nghiệp, đó là 12 bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp)(1), 21 thiện-nghiệp(2).
* Sự khác biệt giữa hãm-hại-nghiệp và sát-hại-nghiệp
* Hãm-hại-nghiệp là nghiệp có phận sự hãm hại, ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội cho quả, hoặc khi đã có cơ hội cho quả rồi thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả hoặc làm biến đổi ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp đối nghịch ấy.
* Sát-hại-nghiệp là nghiệp có phận sự cắt đứt nghiệp nào rồi, thì nghiệp ấy vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa, hoặc cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh- pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh-mạng của chúng-sinh ấy.
Sát-hại-nghiệp có 2 phận sự:
1.4.1- Sát-hại-nghiệp có phận sự cắt đứt nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa.
1.4.2- Sát-hại-nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh-mạng của chúng-sinh ấy.
1.4.1- Sát-hại-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa, có 3 trường hợp:
1- Thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp) khác.
2- Thiện-nghiệp bậc cao có phận sự sát hại, cắt đứt thiện-nghiệp bậc thấp khác.
3- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự sát hại, cắt đứt thiện-nghiệp khác.
Giải thích 3 trường hợp:
1- Thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt bất- thiện-nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa như thế nào?
Ví dụ: Trước khi chưa chứng đắc thành bậc Thánh A- ra-hán, Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla là kẻ cướp sát nhân đã từng giết chết hơn ngàn người. Như vậy, bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) sát-sinh của Ngài Trưởng-lão khó tránh khỏi cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục.
Khi Đức-Thế-Tôn ngự đến tế độ và cho phép kẻ cướp sát nhân Aṅgulimāla xuất gia trở thành tỳ-khưu. Tỳ- khưu Aṅgulimāla thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A- ra-hán cao thượng.
Đến khi hết tuổi thọ, Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. Cho nên, tất cả mọi bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) và mọi thiện-nghiệp mà Ngài Trưởng-lão đã từng tạo, và được lưu-trữ ở trong tâm từ vô thủy trải qua vô số kiếp trong quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại trước khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán đều trở thành vô-hiệu- quả-nghiệp (ahosikamma) vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa.
Đó là trường-hợp siêu-tam-giới thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) khác vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa.
2- Thiện-nghiệp bậc cao có phận sự sát hại, cắt đứt thiện-nghiệp bậc thấp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa như thế nào?
Ví dụ: Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định có khả năng chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm (1) tột đỉnh của bậc thiền sắc-giới.
Hành-giả có khả năng giữ gìn 4 bậc thiền sắc-giới ấy cho đến lúc chết. Sau khi hành-giả chết, chắc chắn chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ tứ thiền sắc-giới thiện- tâm ưu tiên cho quả tương xứng là đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau lên tầng trời sắc- giới tột đỉnh.
– Nếu hành-giả là hạng phàm-nhân thì đệ tứ thiền sắc giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau lên tầng trời sắc-giới phạm-thiên gọi là Quảng-quả-thiên (hoặc Vô- tưởng-thiên), có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.
– Nếu hành-giả là bậc Thánh Bất-lai thì đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh 1 trong 5 cõi Tịnh-cư-thiên do năng lực của 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp- chủ theo 5 tầng trời Tịnh-cư-thiên có tuổi thọ từ 1.000 đại-kiếp trái đất đến 16.000 đại-kiếp trái đất, tùy theo mỗi tầng trời thấp cao. Bậc Thánh Bất-lai chắc chắn sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới tại tầng trời sắc-giới ấy.
Còn 3 bậc thiền sắc-giới thiện-nghiệp bậc thấp đó là đệ nhất thiền sắc-giới thiện-nghiệp cho đến đệ tam thiền sắc-giới thiện-nghiệp đều bị sát hại, bị cắt đứt vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa.
Cho nên, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-nghiệp bậc cao có phận sự sát hại, cắt đứt 3 bậc thiền sắc-giới thiện- nghiệp bậc thấp không còn có cơ hội cho quả được nữa.
Hoặc hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định sau khi đã chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi tiếp tục thực-hành có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền vô- sắc-giới thiện-tâm.
Sau khi hành-giả chết, chỉ có bậc thiền phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-nghiệp bậc cao nhất ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau lên tầng trời vô-sắc-giới Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ-thiên mà thôi, có tuổi thọ 84.00 đại-kiếp trái đất.
Còn 3 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-nghiệp bậc thấp đều bị sát hại, bị cắt đứt vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa.
Cho nên, đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-nghiệp bậc cao có phận sự sát hại, cắt đứt 3 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-nghiệp bậc thấp không còn có cơ hội cho quả nữa.
Đó là trường-hợp thiện-nghiệp bậc cao có phận sự sát hại, cắt đứt thiện-nghiệp bậc thấp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa.
3- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự sát hại cắt đứt thiện-nghiệp khác không còn có cơ hội cho quả được nữa như thế nào?
Người nào đã tạo 8 dục-giới thiện-nghiệp, 5 sắc-giới thiện-nghiệp và 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp.
Về sau, người ấy bị phạm ác-nghiệp trọng-tội thuộc 1 trong 5 ác-nghiệp vô-gián trọng-tội (pañcānantariya- kamma) là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật và chia rẽ chư-tỳ- khưu-Tăng.
Sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác-nghiệp vô- gián trọng-tội này có quyền ưu tiên, có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci mà thôi, mà không có nghiệp nào có thể làm gián đoạn được, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại-kiếp trái đất. Còn các thiện-nghiệp khác đều bị sát hại, bị cắt đứt không có cơ hội cho quả.
Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự sát hại, cắt đứt mọi thiện-nghiệp khác không có cơ hội cho quả được nữa.
1.4.2- Sát-hại-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ- uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh-mạng của chúng-sinh ấy, có 4 trường hợp:
1- Thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của ác-nghiệp.
2- Thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại-thiện-nghiệp khác.
3- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại- thiện-nghiệp.
4- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) khác.
Giải thích 4 trường hợp:
1- Thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện-nghiệp (ác- nghiệp) như thế nào?
Ví dụ: Trường hợp nhóm ngạ-quỷ đã từng là thân quyến của Đức-vua Bimbisāra từ thời Đức-Phật Phussa có thời gian cách Đức-Phật Gotama 92 đại-kiếp trái đất, trải qua 8 Đức-Phật. đã tuần tự xuất hiện trên thế gian
Tiền-kiếp của nhóm ngạ-quỷ là nhóm thân quyến của Đức-vua Bimbisāra trong thời-kỳ Đức-Phật Phussa, đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp vật thực của chư Đại-đức-Tăng, tự mình ăn và cho con cái ăn.
Sau khi nhóm người ấy chết, ác-nghiệp trộm-cắp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa- ngục, từ cõi đại-địa-ngục đến cõi tiểu-địa-ngục, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trải qua thời gian lâu dài nhiều đại- kiếp trái đất.
Đến lúc mãn quả của ác-nghiệp trong cõi tiểu-địa- ngục, song ác-nghiệp ấy vẫn còn có năng lực cho quả tái-sinh làm kiếp ngạ-quỷ chịu cảnh đói khát khổ cực.
Trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, nhóm ngạ quỷ đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đến khi nào chúng con mới có thân quyến làm phước bố-thí, rồi hồi hướng phần phước-thiện ấy đến cho loài ngạ-quỷ chúng con, để cho chúng con được thoát khỏi cảnh khổ đói khát, được an- lạc? Bạch Ngài.
Đức-Phật Kassapa truyền dạy rằng:
– Này các ngạ-quỷ! Bây giờ, các con chưa có được gì đâu! Các con ráng chờ đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, Đức-vua Bimbisāra đã từng là thân quyến của các con cách đây 92 đại-kiếp trái đất. Đức-vua Bimbisāra sẽ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Gotama cùng chư Đại-đức- Tăng, rồi sẽ hồi hướng phần phước-thiện ấy cho các con.
Nghe lời thọ ký của Đức-Phật Kassapa, nhóm ngạ- quỷ vô cùng hoan hỷ chờ đợi, mong ngóng, từ thời Đức- Phật Kassapa cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, trải qua một thời-kỳ lâu dài chờ đợi.
Đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Đức-vua Bimbisāra ngự tại kinh-thành Rājagaha trị vì xứ Magadha. Đức-Phật Gotama ngự cùng với chư tỳ- khưu-Tăng đến kinh-thành Rājagaha, thuyết pháp tế độ Đức-vua Bimbisāra cùng với các quan trong triều và dân chúng trong kinh-thành Rājagaha.
Sau khi lắng nghe chánh-pháp, Đức-vua đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu, phần đông các quan và dân chúng cũng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Đức-vua Bimbisāra phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tạo phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức- Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng xong. Khi ấy, Đức-vua Bimbisāra không hồi hướng phần phước-thiện đến cho nhóm ngạ-quỷ.
Nhóm ngạ-quỷ vô cùng thất vọng, đêm đến chúng hiện đến cung điện của Đức-vua kêu la, khóc than thảm thiết phát ra những âm thanh đáng kinh sợ.
Sáng ngày hôm sau, Đức-vua Bimbisāra ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, bèn bạch hỏi do nhân nào có âm thanh đáng kinh sợ như vậy.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này Đại-vương! Đại-vương không nên kinh sợ! Đó là tiếng kêu la than khóc của nhóm ngạ-quỷ. Nhóm ngạ- quỷ này đã từng là thân quyến của Đại-vương trong kiếp quá-khứ, chúng trông ngóng từ lâu, với hy vọng Đại-vương tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi hướng phần phước-thiện ấy đến cho chúng, để chúng thoát khỏi cảnh khổ kiếp ngạ-quỷ, nhưng Đại-vương tạo phước-thiện bố- thí xong, không hồi hướng phần phước-thiện ấy đến cho chúng. Vì vậy, nhóm ngạ-quỷ thất vọng hiện đến kêu la than khóc như vậy.”
Lắng nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, nên Đức-vua Bimbisāra bèn bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, ngày mai, con xin kính thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự cùng với chư Đại-đức-Tăng đến cung điện của con, để con tạo phước-thiện bố-thí cúng dường một lần nữa. Lần này, con sẽ hồi hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho nhóm ngạ-quỷ thân quyến của con.
Đức-Thế-Tôn nhận lời bằng cách im lặng.
Đức-vua Bimbisāra đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép trở về cung điện.
Sáng hôm sau, Đức-Thế-Tôn ngự cùng với chư Đại- đức-Tăng đến cung điện của Đức-vua Bimbisāra. Chính Đức-vua tự tay dâng cúng dường vật thực đến Đức-Thế- Tôn và chư Đại-đức-Tăng, rồi Đức-vua Bimbisāra hồi hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho nhóm ngạ- quỷ thân quyến.
Đức-Thế-Tôn thuyết bài kinh Tirokuḍḍapetavatthu tế độ nhóm ngạ-quỷ. Nhóm ngạ-quỷ phát sinh đại-thiện- tâm vô cùng hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí ấy đồng nói lên lời “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!”
Ngay khi ấy, nhờ dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện- nghiệp) hoan-hỷ phần phước-thiện ấy, nên tất cả nhóm ngạ-quỷ đều thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát, liền cho quả tái-sinh làm chư-thiên trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.
Đó là trường-hợp dục-giới thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).
2- Thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn sắc-pháp, danh-pháp là quả của thiện-nghiệp khác như thế nào?
Ví dụ: Người tại-gia là cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân- lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Sau đó, nếu bậc Thánh A-ra-hán không xuất gia trở thành tỳ-khưu thì bậc Thánh A-ra-hán ấy chắc chắn sẽ tịch diệt Niết-bàn ngay trong ngày hôm ấy, không thể duy trì sinh mạng sang ngày hôm sau được, bởi vì phạm- hạnh cao thượng của bậc Thánh A-ra-hán không thích hợp với đời sống của người tại-gia. Cho nên, bậc Thánh A-ra-hán phải tịch diệt Niết-bàn trong ngày hôm ấy.
* Trong thời-kỳ Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, trường hợp Đức-vua Suddhodana (Phụ hoàng của Đức- Phật) sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn ngay ngày hôm ấy.
* Trường hợp vị quan đại cận thần Santati trong triều đình của Đức-vua Pasenadi Kosala, sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi đảnh lễ xin phép Đức- Thế-Tôn tịch diệt Niết-bàn ngay ngày hôm ấy.
* Đối với người tại-gia khi trở thành bậc Thánh A-ra- hán có siêu-tam-giới thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn là quả của đại-thiện-nghiệp khác, gọi là Ngũ-uẩn Niết-bàn ngay trong ngày hôm ấy, không thể duy trì sinh mạng sang ngày hôm sau.
Cho nên, người tại-gia sau khi trở thành bậc Thánh A- ra-hán, nếu bậc Thánh A-ra-hán ấy cần duy trì sinh mạng cho đến hết tuổi thọ thì bậc Thánh A-ra-hán ấy phải xuất gia trở thành tỳ-khưu.
* Như trường hợp đặc biệt trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama còn hiện hữu trên thế gian, trường hợp bà Khemā là chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Bimbisāra, sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Đức-vua Bimbisāra chấp thuận cho bà xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni.
Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Khemā là bậc Thánh-nữ Tối- thượng thanh-văn xuất sắc nhất về trí-tuệ trong hàng Thánh-nữ thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.
Đó là trường-hợp siêu-tam-giới thiện-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại-thiện-nghiệp.
3- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại- thiện-nghiệp như thế nào?
Ví dụ: Con người sinh ra đời, có ngũ-uẩn tốt đẹp, thân thể khoẻ mạnh, có đầy đủ ngũ quan tốt … Đó là quả của đại-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ.
Người ấy tòng quân đi chiến đấu, giữa trận địa, hai bên giao chiến với nhau, người ấy chẳng may bị thương nặng nên bị tử trận (chết do bất-thiện-nghiệp trong kiếp hiện-tại).
Hoặc trường hợp người bị tai nạn làm cho gẫy chân hoặc gẫy tay, hoặc bị mù mắt, bị điếc, gây thương tích trọn đời hoặc bị thương nặng rồi tử vong, hoặc bị lâm bệnh nặng gây ra bệnh mất trí cuồng điên cho đến chết (chết do bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong kiếp quá-khứ).
Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của đại-thiện-nghiệp.
4- Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) khác như thế nào?
Ví dụ: Tất cả mọi loài súc-sinh sinh ra trên trái đất này đều là quả của bất-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ.
Số loài súc-sinh gặp nhau cắn xé lẫn nhau, gây thương tích cho nhau, thậm chí còn cắn chết rồi ăn thịt nữa (chết do ác-nghiệp trong kiếp hiện-tại).
Hoặc trường hợp, số loài súc-sinh bị tai nạn gây ra thương tích trọn đời, hoặc bị thương nặng rồi tử vong (chết do bất-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ).
Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) khác.
Sát-hại-nghiệp cắt đứt ngũ-uẩn
Sát-hại-nghiệp có phận sự sát hại, cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác có 3 trường hợp đặc biệt:
1- Sát-hại-nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp danh-pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không cho quả tái-sinh kiếp sau và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau.
2- Sát-hại-nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn, sắc- pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy giành cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau.
3- Sát-hại-nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn, sắc- pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi cho nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau.
Giải thích 3 trường hợp:
1- Sát-hại-nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn, sắc- pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không cho quả tái-sinh kiếp sau, và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau như thế nào?
Ví dụ: Trường hợp hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Siêu-tam-giới thiện-nghiệp của A-ra-hán Thánh- đạo-tâm có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn và đồng thời ngũ- uẩn Niết- bàn gọi là jīvitasamasīsī: chứng đắc A-ra-hán Thánh-quả xong, đồng thời hết tuổi thọ gọi là ngũ-uẩn Niết-bàn không trước không sau.
– Hoặc trường hợp Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā- moggallāna, Ngài Đại-Trưởng-lão bị bọn cướp đánh đập tan xương nát thịt đến gần chết. Chúng tưởng Ngài Đại- Trưởng-lão đã chết rồi, nên đem thi thể của Ngài Đại- Trưởng-lão bỏ vào bụi cây, rồi bỏ đi khỏi nơi ấy.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna sử dụng thần- thông kết nối xương thịt lại, rồi bay đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin phép tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmogallāna đã từng tạo bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đánh đập cha mẹ đến chết trong kiếp quá-khứ. Nay bất-thiện-nghiệp ấy có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn và đồng thời ngũ-uẩn Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.
Đó là trường-hợp sát-hại-nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của thiện-nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy không cho quả tái-sinh kiếp sau, và cũng không cho nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau (trường hợp bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn gọi là ngũ-uẩn Niết-bàn).
2- Sát-hại-nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn, sắc- pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác xong, rồi chính nghiệp ấy lại giành cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau như thế nào?
Ví dụ: * Trường hợp chúng-sinh trong cõi địa-ngục, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) nào có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn của chúng-sinh trong cõi địa-ngục xong, rồi chính bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) ấy lại giành cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau cũng trong cõi địa-ngục ấy.
Chúng-sinh trong cõi địa-ngục thuộc về loài hóa- sinh, cho nên khi chúng-sinh ấy bị hành hạ đến chết, rồi hóa-sinh trở lại, cứ tiếp tục tử rồi sinh, sinh rồi tử trong cõi địa-ngục cho đến khi mãn quả của bất-thiện-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi địa-ngục, rồi tái-sinh trong cõi khác tùy theo nghiệp của chúng-sinh ấy.
Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) khác, rồi chính bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) ấy lại giành cơ hội cho quả tái- sinh kiếp sau.
Hoặc * trường hợp chư-thiên trong cõi trời dục-giới cũng thuộc về loài hóa-sinh, chư-thiên đến khi hết tuổi thọ của cõi trời dục-giới ấy, nếu đại-thiện-nghiệp ấy còn có nhiều năng lực thì chính đại-thiện-nghiệp ấy lại có cơ hội cho quả tái-sinh trở lại cõi trời dục-giới cũ, hoặc cõi trời dục-giới cao hơn, hoặc cõi trời dục-giới thấp hơn cõi trời cũ, tùy theo năng lực của thiện-nghiệp ấy.
Như trường hợp ông phú hộ Anāthapiṇdika là bậc Thánh Nhập-lưu. Sau khi Ông phú hộ chết, đại-thiện- nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh lên cõi trời dục-giới Tusita (Đâu-suất-đà-thiên) có tuổi thọ 4.000 (bốn ngàn) năm trời (bằng 576 triệu năm cõi người).
Khi hết tuổi thọ ở cõi trời dục-giới Tusita, sau khi vị thiên-nam Anāthapiṇdika chết, đại-thiện-nghiệp ấy giành cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau lên cõi trời dục-giới cao Nimmānaratī có tuổi thọ 8.000 (tám ngàn) năm trời (bằng 2.304 triệu năm cõi người).
Khi hết tuổi thọ ở cõi trời dục-giới Nimmānaratī, sau khi vị thiên-nam Anāthapiṇdika chết, đại-thiện-nghiệp ấy giành cơ hội tái-sinh kiếp sau hóa-sinh lên cõi trời dục- giới cao Paranimmitavasavatti có tuổi thọ 16.000 (mười sáu ngàn) năm trời (bằng 9.216 triệu năm cõi người).
Khi hết tuổi thọ ở cõi trời dục-giới Paranimmita- vasavatti, sau khi vị thiên-nam Anāthapiṇdika chết, sắc- giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau lên tầng trời sắc-giới phạm-thiên. Và cứ như vậy, từ tầng trời sắc-giới tầng thấp cho đến tầng trời sắc-giới cao tột đỉnh gọi là Akaniṭṭhā có tuổi thọ 16.000 đại-kiếp trái đất. Vị Phạm- thiên Anāthapiṇdika sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, tại tầng trời sắc-giới Akaniṭṭhā ấy.
Tương tự bà đại-thí-chủ Visākhā mahā-upāsikā là bậc Thánh Nhập-lưu cũng phát nguyện như vậy.
Trường hợp ông phú hộ Anāthapiṇḍika và bà đại-thí- chủ Visākhā mahā-upasikā là 2 bậc Thánh Nhập-lưu đặc biệt đã từng phát nguyện trong thời quá-khứ như vậy.
Đó là trường-hợp đại-thiện-nghiệp có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp là quả của nghiệp khác, rồi chính đại-thiện-nghiệp ấy lại giành cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau.
3- Sát-hại-nghiệp có phận sự cắt dứt ngũ-uẩn, sắc- pháp, danh-pháp là quả của đại-thiện-nghiệp khác xong, rồi cho đại-thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau như thế nào?
Ví dụ: Trong thời quá khứ, tiền-kiếp của Đức-vua Bimbisāra đã từng mang dép đi vào trong khuôn viên xung quanh ngôi Bảo-tháp, khuôn viên xung quanh cội Đại-Bồ-đề, với tội không biết tôn kính.
Nay, kiếp hiện-tại được sinh làm Đức-vua Bimbisāra là quả của đại-thiện-nghiệp, nhưng do năng lực của bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) mang dép đi vào khuôn viên xung quanh ngôi Bảo-tháp, cội Đại-Bồ-đề có cơ hội cho quả, khiến cho Đức-vua Ajātasattu (là con) truyền lệnh cho người thợ cạo lấy dao rạch hai bàn chân, thoa dầu, hơ lửa hai bàn chân làm cho Đức-vua Bimbisāra băng hà.
Đức-vua Bimbisāra là bậc Thánh Nhập-lưu, sau khi băng hà, do đại-thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái- sinh kiếp sau trong cõi trời Tứ Đại-thiên-vương-thiên.
Đó là trường-hợp bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có phận sự cắt đứt ngũ-uẩn là quả của đại-thiện-nghiệp xong, rồi cho đại-thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau.
Tóm lược 4 loại nghiệp theo phận sự của nghiệp
1.1- Janakakamma: Sinh-quả-nghiệp đó là 12 bất- thiện-nghiệp, 17 tam-giới thiện-nghiệp có phận sự cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại cho đến cuối cùng của kiếp ấy.
1.2- Upatthambhakakamma: hỗ-trợ-nghiệp đó là 12 bất-thiện-nghiệp, 8 đại-thiện-nghiệp có phận sự hỗ trợ cho nghiệp nào chưa có cơ hội cho quả thì hỗ trợ cho nghiệp ấy có cơ hội cho quả, hoặc hỗ trợ cho nghiệp khác đã có cơ hội cho quả rồi, thì hỗ trợ quả của nghiệp ấy được phát triển đầy đủ, hoặc hỗ trợ quả của nghiệp khác đó là ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp được phát triển và duy trì, tồn tại trong kiếp ấy.
1.3- Upapīḷakakamma: Hãm-hại-nghiệp đó là 12 bất- thiện-nghiệp, 8 đại-thiện-nghiệp có phận sự ngăn cản nghiệp đối nghịch khác không cho có cơ hội cho quả, hoặc kìm hãm nghiệp đối nghịch đã có cơ hội cho quả rồi, thì làm cho suy yếu tiềm năng cho quả, hoặc làm biến đổi ngũ-uẩn là quả của nghiệp đối nghịch ấy.
1.4- Upaghāṭakakamma: Sát-hại-nghiệp đó là 12 bất- thiện-nghiệp, 21 thiện-nghiệp có phận sự cắt đứt nghiệp khác, rồi nghiệp khác vĩnh viễn không còn có cơ hội cho quả được nữa, hoặc cắt đứt ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh- pháp là quả của nghiệp khác, cắt đứt một phần hoặc cắt đứt toàn phần, sát hại sinh-mạng của chúng-sinh ấy.
Tất cả mọi chúng-sinh nói chung, đặc biệt con người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu chúng ta nói riêng đều phải chịu ảnh hưởng chi phối bởi nghiệp và quả của nghiệp của mình đã tạo trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp trong quá-khứ, trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla), bắt đầu kiếp hiện-tại, rồi còn phải chịu ảnh hưởng chi phối bởi nghiệp và quả của nghiệp trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), trong suốt kiếp hiện-tại.
* Người nào nếu đại-thiện-nghiệp nào của họ có cơ hội cho quả thì người ấy hưởng được quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy đó là sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong cuộc sống.
* Người nào nếu ác-nghiệp nào của họ có cơ hội cho quả thì người ấy chịu quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy đó là sự bất lợi, sự thoái hóa, sự đau khổ trong cuộc sống.
Cho nên, trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, khi thì hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp của mình, khi thì chịu quả khổ của ác-nghiệp của mình như người thừa kế quả của nghiệp của mình (kammadāyādo).
Những bậc thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin theo lời giáo huấn của Đức-Phật rằng:
“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma- bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃvā, tassa dāyādo bhavissāmi”.(1)
Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.
Những bậc thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật nên có kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh-kiến sở nghiệp chỉ nên tin nghiệp và quả của nghiệp của mình mà thôi, không nên tin có định mệnh hoặc số mệnh nào cả.
Giả thử, nếu có định mệnh hoặc có số mệnh của mỗi chúng-sinh thì ai có khả năng an bài mỗi định mệnh hoặc mỗi số mệnh của mỗi chúng-sinh lớn và nhỏ trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới này???
(Xong phần 4 loại nghiệp theo phận sự của nghiệp)