Nội Dung Chính
Đó là 4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại thành 16 loại nghiệp được giảng giải về mỗi nghiệp như sau:
Giảng giải về phận sự mỗi nghiệp, có 4 loại nghiệp
I- Kiccacatukka: 4 loại nghiệp có phận sự mỗi nghiệp
1.1- Janakakamma: Sinh-quả-nghiệp là nghiệp có phận sự cho quả trong thời-kỳ tái-sinh (paṭisandhikāla) và cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại cho đến trước khi chết.
1.2- Upatthambhakakamma: Hỗ-trợ-nghiệp là nghiệp có phận sự hỗ trợ nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau và có phận sự hỗ trợ cho nghiệp khác được tồn tại.
1.3- Upapīḷakakamma: Hãm-hại-nghiệp là nghiệp có phận sự hãm hại nghiệp đối nghịch khác không cho quả, nếu nghiệp đối nghịch khác đã cho quả rồi thì có phận sự hãm hại tiềm năng cho quả của nghiệp ấy.
1.4- Upaghātakakamma: Sát-hại-nghiệp là nghiệp có phận sự sát hại nghiệp khác không có cơ hội cho quả, hoặc có phận sự hại một phần hoặc hại toàn phần quả của nghiệp khác.
1.1- Janakakamma: Sinh-Quả-Nghiệp
Thế nào gọi là sinh-quả-nghiệp?
Nghiệp nào có phận sự cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và có phận sự cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại cho đến trước khi chết.
Nghiệp ấy gọi là sinh-quả-nghiệp đó là 12 bất-thiện- nghiệp (ác-nghiệp), 17 tam-giới thiện-nghiệp là thiện- nghiệp trong tam-giới.
* 4 loại nghiệp cho quả trong 2 thời-kỳ gồm có:
1- 12 bất-thiện-nghiệp cho quả trong 2 thời-kỳ.
2- 8 dục-giới thiện-nghiệp (8 đại-thiện-nghiệp) cho quả trong 2 thời-kỳ.
3- 5 sắc-giới thiện-nghiệp cho quả trong 2 thời-kỳ.
4- 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả trong 2 thời-kỳ.
1.1.1- 12 Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) cho quả trong 2 thời-kỳ:
12 bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) đó là 8 tham-tâm + 2 sân-tâm + 2 si-tâm.
– Tham-tâm có 8 tâm đó là:
1- Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với hỷ, hợp với tà- kiến, không cần tác-động.
2- Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với hỷ, hợp với tà- kiến, cần tác-động.
3- Tham-tâm thứ ba đồng sinh với hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.
4- Tham-tâm thứ tư đồng sinh với hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.
5- Tham-tâm thứ năm đồng sinh với xả, hợp với tà- kiến, không cần tác-động.
6- Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với xả, hợp với tà- kiến, cần tác-động.
7- Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.
8- Tham-tâm thứ tám đồng sinh với xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.
– Sân-tâm có 2 tâm đó là:
1- Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với ưu, hợp với hận, cần tác-động.
2- Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với ưu, hợp với hận, cần tác-động
– Si-tâm có 2 tâm đó là:(1)
1- Si-tâm thứ nhất đồng sinh với xả, hợp với hoài-nghi. 2- Si-tâm thứ nhì đồng sinh với xả, hợp với phóng-tâm.
Bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) cho quả trong 2 thời-kỳ:
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.
- b) Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh.
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.
* Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) chỉ có bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 11 bất-thiện-tâm (ác-tâm) (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm(1)), cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla,) chỉ có 1 quả-tâm là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp (upekkāsahagataṃ akusalavipākaṃ santīraṇacittaṃ) thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm.(2) Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả này gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới là địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.
Năng lực của suy-xét-tâm
– Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả này là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra, 2 loài chúng-sinh này thường có tham-tâm thèm khát.
– Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả này là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục, loài chúng-sinh trong cõi địa-ngục này thường bị hành hạ nên có sân-tâm không hài lòng.
– Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả này là quả của ác-nghiệp trong si-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì tái-sinh làm loài súc-sinh, loài chúng-sinh này có tính si-mê.
b)- Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh
Trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện- tâm (ác-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm biết đối-tượng xấu.
Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm có 7 tâm:
1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, nhìn thấy đối-tượng sắc xấu.
2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất- thiện-nghiệp, nghe đối-tượng âm thanh dở.
3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất- thiện-nghiệp, ngửi đối-tượng hương mùi hôi.
4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất- thiện-nghiệp, nếm đối-tượng vị dở.
5- Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ là quả của bất-thiện-nghiệp, xúc-giác đối-tượng xúc xấu thô cứng.
6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu.
7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất- thiện-nghiệp, suy xét trong 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu.
7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm này là quả của bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm.
Mỗi bất-thiện-quả vô-nhân-tâm này phát sinh cần phải hội đủ nhân duyên của mỗi quả-tâm ấy, và còn tùy theo mỗi hạng chúng-sinh trong mỗi cõi-giới ấy.
Suy-xét-tâm nào đồng sinh với thọ xả thuộc về bất- thiện-quả vô-nhân-tâm, gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh (paṭisandhikicca) kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc- sinh), chỉ có 1 sát-na-tâm xong rồi diệt, tiếp theo thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, cũng chính suy-xét-tâm ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅga- citta) làm phận sự hộ-kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn hộ trì kiếp chúng-sinh ấy cho đến mãn kiếp, rồi cuối cùng cũng chính suy-xét-tâm ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự tử (chết) (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của chúng-sinh ấy.
Tất cả mọi quả khổ của chúng-sinh trong cõi địa- ngục, hoặc loài a-su-ra, hoặc loài ngạ-quỷ, hoặc loài súc- sinh đều là quả khổ của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) mà chính chúng-sinh ấy đã tạo trong kiếp hiện-tại hoặc trong những kiếp quá-khứ.
1.1.2- 8 Dục-giới thiện-nghiệp gọi là 8 đại-thiện- nghiệp cho quả trong 2 thời-kỳ
Dục-giới thiện-nghiệp gọi là đại-thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm gọi là 8 đại-thiện-tâm.
– Đại-thiện-tâm có 8 tâm đó là
1- Đại-thiện-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
2- Đại-thiện-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
3- Đại-thiện-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
4- Đại-thiện-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
5- Đại-thiện-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
6- Đại-thiện-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
7- Đại-thiện-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
8- Đại-thiện-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.(1)
Dục-giới thiện-nghiệp gọi là đại-thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm gọi là 8 đại-thiện-tâm cho quả trong 2 thời-kỳ:
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.
- b) Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh.
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau
* Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có dục-giới thiện-nghiệp gọi là đại-thiện-nghiệp trong 8 dục-giới thiện-tâm gọi là 8 đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 9 quả-tâm là 8 đại-quả-tâm và 1 suy-xét-tâm hợp với thọ xả thuộc về thiện-quả vô-nhân-tâm. 9 quả-tâm này gọi là 9 dục- giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới.
* Đại-quả-tâm có 8 tâm là:
1- Đại-quả-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
2- Đại-quả-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
3- Đại-quả-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
4- Đại-quả-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
5- Đại-quả-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
6- Đại-quả-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
7- Đại-quả-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
8- Đại-quả-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.(1)
Như vậy, 8 đại-quả-tâm có 2 loại tâm:
– 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ.
– 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ.
* Dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) có 9 quả-tâm
– 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau
– Nếu có 1 trong 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ nào gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) cùng với 3 sắc- pháp (kāyarūpa: thân, bhāvarūpa: sắc nam-tính hoặc sắc nữ-tính và hadayavatthurūpa: sắc ý căn) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) có đầy đủ 3 thiện-nhân (vô-tham, vô- sân, vô-si) từ khi đầu thai vào lòng mẹ.
Khi sinh ra đời, lúc trưởng-thành, người tam-nhân vốn có trí-tuệ sáng suốt.
– Nếu người tam-nhân ấy là hành-giả thực-hành pháp- hành thiền-định thì có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, chứng đắc 5 phép thần-thông thế gian (lokiya abhiññā).
– Nếu người tam-nhân ấy là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn.
Hoặc nếu có 1 trong 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái- sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam tam-nhân hoặc vị thiên-nữ tam-nhân có trí-tuệ sáng suốt, có nhiều oai lực, hào quang sáng rực, hưởng mọi an-lạc cao quý trong cõi trời dục-giới ấy.
Nếu vị chư-thiên tam-nhân có cơ hội lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật thì có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn.
b)– Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh
Đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ nào gọi là dục-giới tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) phát sinh chỉ có 1 sát-na- tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới ấy xong rồi diệt, liền tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, chính đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) làm phận sự hộ-kiếp giữ gìn hộ trì kiếp người tam-nhân ấy hoặc kiếp vị thiên- nam tam-nhân hoặc vị thiên-nữ tam-nhân ấy cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi thiện-giới ấy, rồi cuối cùng cũng chính đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự tử (chết) (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của người tam-nhân ấy tại cõi người hoặc kết thúc kiếp vị thiên-nam tam-nhân hoặc vị thiên-nữ tam-nhân ấy tại cõi trời dục-giới ấy.
Trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, đại-thiện-nghiệp trong 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái- sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, có 8 đại-quả-tâm và 8 thiện-quả vô-nhân-tâm gồm có 16 loại quả-tâm.
Thiện-quả vô-nhân-tâm có 8 tâm
1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp, nhìn thấy đối-tượng sắc tốt, đáng hài lòng.
2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp, nghe đối-tượng âm thanh hay, đáng hài lòng.
3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, ngửi đối-tượng hương thơm, đáng hài lòng.
4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nếm đối-tượng vị ngon, đáng hài lòng.
5- Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ lạc là quả của đại-thiện-nghiệp, xúc-giác đối-tượng xúc tốt mềm mại, đáng hài lòng.
6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.
7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ hỷ là quả của đại- thiện-nghiệp, suy xét 5 đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt, đáng hài lòng.
8- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp, suy xét trong 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) trung bình, cũng hài lòng.
8 thiện-quả vô-nhân-tâm này là quả của đại-thiện- nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, nếu có cơ hội thì phát sinh trong kiếp hiện-tại, trong 11 cõi dục- giới và 1 số tầng trời sắc-giới phạm-thiên tùy theo nhân- duyên.
Mỗi thiện-quả vô-nhân-tâm này phát sinh cần phải hội đủ nhân-duyên của mỗi thiện-quả vô-nhân-tâm ấy, và còn tùy thuộc vào hạng chúng-sinh trong cõi-giới ấy.(1)
– 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau
Nếu 1 trong 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ nào gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) cùng với 3 sắc- pháp (kāyarūpa: thân, bhāvarūpa: sắc nam-tính hoặc sắc nữ-tính và hadayavatthurūpa: sắc ý căn) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm hạng người nhị-nhân (dvihetukapuggala) chỉ có 2 thiện-nhân (vô-tham và vô- sân, không có vô-si) từ khi đầu thai vào lòng mẹ.
Khi sinh ra đời, lúc trưởng-thành, người nhị-nhân vốn không có trí-tuệ.
– Nếu người nhị-nhân ấy là hành-giả thực-hành pháp- hành thiền-định thì không có khả năng chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cả.
– Nếu người nhị-nhân ấy là hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì không có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
Hoặc nếu có 1 trong 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam nhị-nhân hoặc vị thiên-nữ nhị-nhân (không có trí-tuệ), có oai lực, hào quang trung bình, hưởng mọi an-lạc trung bình trong cõi trời dục-giới ấy.
Nếu vị chư-thiên nhị-nhân có cơ hội lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật thì không có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
b)– Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh
Đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ nào gọi là dục- giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) phát sinh chỉ có 1 sát-na-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới ấy xong rồi diệt, liền tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại, chính đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) làm phận sự hộ-kiếp giữ gìn hộ trì kiếp người nhị-nhân ấy hoặc kiếp vị thiên-nam nhị-nhân hoặc vị thiên-nữ nhị nhân ấy cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi thiện-giới ấy, rồi cuối cùng cũng chính đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự tử (chết) (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của người nhị-nhân ấy tại cõi người hoặc kết thúc kiếp vị thiên-nam nhị-nhân hoặc vị thiên-nữ nhị-nhân ấy tại cõi trời dục-giới ấy.
Trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, đại-thiện-nghiệp trong 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, có 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ và 8 thiện-quả vô-nhân-tâm gồm có 12 loại quả-tâm.
* Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau
Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp bậc thấp thuộc về thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) cùng với 3 sắc-pháp (kāyarūpa: thân, bhāvarūpa: sắc nam-tính hoặc sắc nữ- tính và hadayavatthurūpa: sắc ý căn) làm phận sự tái- sinh kiếp sau đầu thai làm hạng người vô-nhân cõi thiện-giới (sugati-ahetukapuggala),(1) là hạng người đui mù, câm điếc, tật nguyền, … từ khi đầu thai trong bụng mẹ.
Khi sinh ra đời, lúc trưởng thành, người vô-nhân cõi thiện-giới đui mù, câm điếc, tật nguyền, ngu dốt, đần độn, biết tầm thường trong cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên, nếu thai nhi bị đui mù, câm điếc, tật nguyền,… do ác-nghiệp nào cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, trong bụng mẹ, thì không thể gọi là hạng người vô-nhân cõi thiện-giới được, bởi vì có những đứa bé sinh ra đời có năng khiếu đặc biệt.
Hoặc nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp bậc thấp thuộc về thiện-quả vô- nhân-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam vô-nhân hoặc vị thiên-nữ vô-nhân thuộc về hạng chư-thiên bậc thấp trên mặt đất (bhummaṭṭhadevatā) không có oai lực thuộc trong cõi tứ Đại-Thiên-vương.
b)– Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh
Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả nào là quả của đại-thiện-nghiệp bậc thấp thuộc về thiện-quả vô-nhân- tâm gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) phát sinh chỉ có 1 sát-na-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người vô-nhân trong cõi người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam vô-nhân hoặc vị thiên-nữ vô-nhân trong cõi bhummaṭṭhadevatā chư-thiên nương nhờ trên mặt đất thuộc về cõi trời tứ Đại-thiên-vương, xong rồi diệt, liền tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, chính suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) làm phận sự hộ-kiếp giữ gìn hộ trì kiếp người vô-nhân ấy hoặc kiếp vị thiên-nam vô-nhân hoặc vị thiên-nữ vô-nhân ấy cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi thiện-giới ấy, rồi cuối cùng cũng chính suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự tử (chết) (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của người vô- nhân ấy tại cõi người hoặc kết thúc kiếp vị thiên-nam vô-nhân hoặc vị thiên-nữ vô-nhân ấy tại cõi trời tứ Đại-thiên-vương ấy.
Trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, đại-thiện-nghiệp bậc thấp trong 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại chỉ có 8 thiện-quả vô-nhân-tâm mà thôi, tiếp xúc các đối-tượng tầm thường.
1.1.3- 5 sắc-giới thiện-nghiệp cho quả trong 2 thời-kỳ
5 sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.
– Thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 bậc
1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền: vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại: kāmacchanda, byāpāda, thīna- middha, uddhacca-kukkucca, vicikicchā.
2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 4 chi-thiền: vicāra, pīti, sukha, ekaggatā do chế ngự được chi-thiền vitakka.
3- Đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền: pīti, sukha, ekaggatā do chế ngự được chi-thiền vicāra.
4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền: sukha, ekaggatā do chế ngự được chi-thiền pīti.
5- Đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā do thay thế chi-thiền sukha bằng chi- thiền upekkhā.
Sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm cho quả trong 2 thời-kỳ:
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.
- b) Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh.
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau
* Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 5 sắc-giới quả-tâm tương xứng gọi là sắc-giới tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế- tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 15 tầng trời sắc- giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên).
– Thiền sắc-giới quả-tâm có 5 bậc tương xứng
1- Đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm có 5 chi-thiền: vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā .
2- Đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm có 4 chi-thiền: vicāra, pīti, sukha, ekaggatā.
3- Đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm có 3 chi-thiền: pīti, sukha, ekaggatā.
4- Đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm có 2 chi-thiền: sukha, ekaggatā.
5- Đệ ngũ thiền sắc-giới quả-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā.
Hành-giả nào là hạng người tam-nhân nếu có khả năng chứng đắc được 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.
Sau khi hành-giả ấy chết, thì chắc chắn chỉ có đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ ngũ thiền sắc-giới quả-tâm gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm- thiên trên tầng trời Vehapphalā (Quảng-quả-thiên) là tầng trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh. Vị phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới tột đỉnh này có tuổi thọ 500 đại- kiếp trái đất.
* Trường-hợp đặc biệt hành-giả nào có tâm nhàm chán 4 danh-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức- uẩn) chỉ muốn có sắc-uẩn mà thôi, chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm.
Sau khi hành-giả ấy chết, đệ ngũ thiền sắc-giới thiện- nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có nhóm sắc-pháp gọi là jīvitanavakakalāpa (nhóm sắc-pháp có sắc-mạng-chủ là thứ 9) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên chỉ có nhất-uẩn là sắc-uẩn với 1 trong 3 tư thế: (tư thế ngồi hoặc tư thế đứng hoặc tư thế nằm), trên tầng trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên (asaññasattā). Vị phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên này có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.
Sắc-giới thiện-nghiệp bậc thấp còn lại trong 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm (đệ nhất thiền sắc-giới thiện- tâm, đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ tam thiền sắc- giới thiện-tâm, đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm) đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả của nghiệp được nữa.
b)- Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh
Đệ ngũ thiền sắc-giới quả-tâm nào gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) phát sinh chỉ có 1 sát-na- tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh là vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy xong rồi diệt, liền tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, chính đệ ngũ thiền sắc-giới quả-tâm ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) làm phận sự hộ-kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn hộ trì kiếp vị phạm-thiên ấy cho đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời sắc- giới phạm-thiên ấy, rồi cuối cùng cũng chính sắc-giới quả-tâm ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự tử (chết) (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của vị phạm- thiên tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy.
1.1.4- 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả trong 2 thời-kỳ
4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.
– Thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có 4 bậc:
1- Đệ nhất thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là không- vô-biên-xứ thiện-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā.
2- Đệ nhị thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là thức-vô- biên-xứ thiện-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā.
3- Đệ tam thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là vô-sở- hữu-xứ thiện-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā.
4- Đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ thiện-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā.
Vô-sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả trong 2 thời-kỳ:
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.
- b) Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh.
- a) Paṭisandhikāla: Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau
* Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 4 vô-sắc-giới quả-tâm tương xứng gọi là vô-sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm chư phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.
– Thiền vô-sắc-giới quả-tâm có 4 bậc:
1- Đệ nhất thiền vô-sắc-giới quả-tâm gọi là không-vô- biên-xứ quả-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā.
2- Đệ nhị thiền vô-sắc-giới quả-tâm gọi là thức-vô- biên-xứ quả-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā.
3- Đệ tam thiền vô-sắc-giới quả-tâm gọi là vô-sở-hữu- xứ quả-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā.
4- Đệ tứ thiền vô-sắc-giới quả-tâm gọi là phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ quả-tâm có 2 chi-thiền: upekkhā, ekaggatā.
Hành-giả nào là hạng người tam-nhân nếu có khả năng chứng đắc được 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi tiếp tục chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.
Sau khi hành-giả ấy chết, thì chắc chắn chỉ có đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-nghiệp gọi là phi-tưởng phi-phi- tưởng-xứ thiện-nghiệp trong đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ tứ thiền vô-sắc-giới quả-tâm gọi là phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ quả-tâm gọi là vô-sắc- giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ-thiên là tầng trời vô-sắc- giới phạm-thiên tột đỉnh. Vị phạm-thiên trong tầng trời vô-sắc-giới tột đỉnh này có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp trái đất lâu dài nhất.
Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và vô-sắc-giới thiện-nghiệp bậc thấp còn lại trong 3 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả của nghiệp được nữa.
b)- Pavattikāla: Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh:
Đệ tứ thiền vô-sắc-giới quả-tâm nào gọi là vô-sắc- giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) phát sinh chỉ có 1 sát-na-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh là vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy xong rồi diệt, liền tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại, chính đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅga- citta) làm phận sự hộ-kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn hộ trì kiếp vị phạm-thiên ấy cho đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy, rồi cuối cùng cũng chính vô-sắc-giới quả-tâm ấy trở thành tử-tâm (cuti- citta) làm phận sự tử (chết) (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của vị phạm-thiên tại tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy.(1)
Paṭisandhicitta, bhavaṅgacitta, cuticitta
Quả-tâm gồm có 36 hoặc 52 tâm đó là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm + 8 thiện-quả vô-nhân-tâm + 8 dục-giới quả-tâm+ 5 sắc-giới quả-tâm + 4 vô-sắc-giới quả-tâm + 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm.
Trong 52 quả-tâm ấy chỉ có 19 quả-tâm đó là 1 suy- xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp + 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp + 8 dục-giới quả-tâm + 5 sắc-giới quả-tâm + 4 sắc-giới quả-tâm gọi là 19 paṭisandhicitta: tái-sinh- tâm, 19 bhavaṅgacitta: hộ-kiếp-tâm, 19 cuticitta: tử- tâm trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới chúng-sinh.
Mỗi chúng-sinh trong 31 cõi-giới chúng-sinh, trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) chỉ có 1 trong 19 quả-tâm nào gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) chỉ có 1 sát-na-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) làm hạng chúng-sinh nào trong cõi- giới nào tương xứng với quả-tâm ấy xong rồi diệt, liền tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, chính quả-tâm ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) làm phận sự hộ-kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn hộ trì kiếp chúng-sinh ấy cho đến khi mãn kiếp, rồi cuối cùng cũng chính quả-tâm ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự tử (chết) (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của chúng-sinh ấy.
Ví dụ: đại-quả-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) cùng với 3 sắc-pháp (kāyarūpa: thân, bhāvarūpa: sắc nam-tính hoặc sắc nữ-tính và hadaya- vatthurūpa: sắc ý căn) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai (paṭisandhikicca) làm người tam-nhân chỉ có 1 sát-na-tâm xong rồi diệt, liền tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, chính quả-tâm thứ nhất ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅga- citta) làm phận sự hộ-kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn hộ trì kiếp người tam-nhân ấy cho đến khi mãn kiếp, rồi cuối cùng cũng chính quả-tâm thứ nhất ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự tử (chết) (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của người tam-nhân ấy.
Như vậy, mỗi kiếp người hoặc mỗi kiếp chúng-sinh dù lớn dù nhỏ trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới cũng chỉ có 1 tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta), 1 hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) và 1 tử-tâm (cuticitta) cùng một loại quả-tâm giống nhau, chỉ có khác nhau về 3 giai đoạn thời gian:
– Thời gian trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi- sandhikāla) gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) chỉ có 1 sát-na-tâm làm phận sự tái-sinh (paṭisandhikicca) rồi diệt.
– Thời gian liền tiếp theo trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅga- citta) làm phận sự hộ-kiếp (bhavaṅgakicca) giữ gìn hộ trì kiếp người tam-nhân ấy cho đến khi mãn kiếp.
– Thời gian cuối cùng trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự tử (chết) (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của chúng-sinh ấy.
Thời-kỳ tử (cuti) và thời-kỳ tái-sinh (paṭisandhi)
Tuy nhiên, tử-tâm (cuticitta) đó là quả-tâm cuối cùng kết thúc kiếp hiện-tại của chúng-sinh diệt (chết), liền tiếp theo sau tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) đó là quả-tâm bắt đầu kiếp chúng-sinh chỉ có 1 sát-na-tâm sinh rồi diệt, trong cùng một cận tử lộ-trình-tâm, mà tử- tâm (cuticitta) cuối cùng của kiếp của chúng-sinh (kiếp trước) và tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) bắt đầu của kiếp hiện-tại của chúng-sinh (kiếp sau), chắc chắn 2 quả-tâm này là hoàn toàn khác biệt nhau, bởi vì 2 kiếp chúng-sinh khác nhau.
Ví dụ: Chúng-sinh ấy là loài người, người ấy trong lúc lâm chung (maraṇāsannakāla) với cận-tử lộ-trình- tâm (maraṇāsannavīthicitta) lúc lâm chung, có 1 trong 3 đối-tượng hiện tượng hiện ra là kamma: nghiệp hoặc kammanimitta: hiện tượng của nghiệp, hoặc gatinimitta: hiện tượng cõi-giới sắp tái-sinh, trong cận-tử lộ-trình- tâm lúc lâm chung (maraṇāsannavīthicitta) như sau:
Đồ biểu ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm
Cận-tử lộ-trình-tâm lúc lâm chung theo 5 giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân như sau:
(Biểu đồ)
Ngũ-môn cận-tử lộ-trình-tâm khi cuticitta: tử-tâm (chết) và paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm kiếp sau, các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự như sau:
1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm viết tắt (bha)
2- Atītabhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm quá khứ vt (ati)
3- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động vt (na)
4- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt vt (da)
5- Pañcadvāravajjanacitta: Ngũ-môn-hướng-tâm vt (pañ)
6- Pañcaviññāṇacitta: Ngũ-thức-tâm: (nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm) vt (viñ)
7- Sampaticchanacitta: Tiếp-nhận-tâm vt (sam)
8- Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm vt (san)
9- Voṭṭhabbanacitta: Quyết-định-tâm vt (vot)
10- Javanacitta: Tác-hành-tâm vt (ja)
11- Tadārammaṇacitta: Tiếp-đối-tượng-tâm vt (ta)
12- Cuticitta: Tử-tâm (kiếp hiện-tại) vt (cu)
13- Paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm (kiếp sau) vt (paṭi)
14- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm vt (bha)
Đồ biểu ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm
Cận-tử lộ-trình-tâm lúc lâm chung theo ý-môn các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự như sau:
(Biểu đồ)
(Những chữ viết tắt giống đồ biểu ngũ môn cận-tử lộ- trình-tâm, chỉ còn manodvārāvajjanacitta: ý-môn-hướng- tâm, viết tắt (ma)).
Kiếp hiện-tại tử – kiếp sau sinh không có khoảng cách thời gian chờ đợi
Qua cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta) đối với tất cả mọi chúng-sinh trong tam-giới có cuticitta: tử- tâm là quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại diệt (chết), liền tiếp theo sau paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm sinh bắt đầu kiếp sau chỉ có 1 sát-na-tâm sinh rồi diệt mà thôi, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.
* Cuticitta: tử-tâm (chết) là quả-tâm cuối cùng của mỗi kiếp chúng-sinh diệt (chết) nghĩa là chuyển kiếp sang kiếp chúng-sinh khác tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.
* Paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm là quả-tâm đầu tiên bắt đầu kiếp sau của mỗi kiếp chúng-sinh, nghĩa là bắt đầu một kiếp hiện-tại mới của mỗi chúng-sinh trong cõi- giới ấy.
* Tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) có 19 quả-tâm
Tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) gồm có 19 quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) đối với tất cả chúng-sinh trong tam-giới gồm có 30 cõi-giới (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên) như sau:
– Ác-giới tái-sinh-tâm có 1 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm.
– Dục-giới tái-sinh-tâm có 9 đại-quả-tâm.
– Sắc-giới tái-sinh-tâm có 5 sắc-giới quả-tâm.
– Vô-sắc-giới tái-sinh-tâm có 4 vô-sắc-giới quả-tâm.
– Ác-giới tái-sinh-tâm có 1 quả-tâm đó là 1 suy-xét- tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 11 bất-thiện-tâm (ác-tâm) (trừ si-tâm hợp với phóng tâm), thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân- tâm, gọi là ác-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới là cõi địa- ngục, cõi a-su-ra, loài ngạ-quỷ, loài súc-sinh, thuộc về hạng duggati-ahetukapuggala: chúng-sinh vô-nhân cõi ác-giới.
– 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là dục-giới tái- sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm hạng người tam-nhân (tihetukapuggala), hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam tam-nhân hoặc vị thiên- nữ tam-nhân trên cõi trời dục-giới.
– 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm hạng người nhị-nhân (dvihetuka- puggala). Hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam nhị-nhân hoặc vị thiên-nữ nhị-nhân trên cõi trời dục-giới.
– 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp bậc thấp trong 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ gọi là thiện-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhi- citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người vô-nhân cõi thiện-giới (sugati-ahetukapuggala), hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam vô-nhân, vị thiên-nữ vô-nhân bậc thấp thuộc loại bhumatthadevatā cõi trời Tứ-đại- thiên-vương.
– 5 sắc-giới quả-tâm gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên(1)).
– 4 vô-sắc-giới quả-tâm gọi là vô-sắc-giới tái-sinh- tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa- sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên
* Hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) có 19 quả-tâm và tử-tâm (cuticitta) cũng có 19 quả-tâm.
Quả-tâm nào gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) chỉ có 1 sát-na-tâm sinh rồi diệt, liền quả-tâm ấy trở thành hộ-kiêp- tâm (bhavaṅgacitta) làm phận sự hộ-kiếp (bhavaṅgakicca) hộ trì giữ gìn kiếp chúng-sinh ấy cho đến khi mãn kiếp ấy, cuối cùng quả-tâm ấy trở thành tử-tâm (cuticitta) làm phận sự chết (cutikicca) kết thúc kiếp hiện-tại của chúng-sinh ấy.
Tuy nhiên, mỗi kiếp chúng-sinh đã trải qua vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, từ kiếp này sang kiếp kia, thì chắc chắn tử-tâm (cuticitta) của kiếp này hoàn toàn khác với tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) của kiếp kia bởi vì mỗi kiếp khác nhau.
Ví dụ: những cận-tử lộ-trình-tâm mỗi kiếp chúng- sinh như sau:
(Biểu đồ)
Căn cứ theo cận-tử lộ-trình-tâm của mỗi kiếp chúng- sinh, thì thấy rõ rằng: “Kiếp này chết rồi liền tái-sinh kiếp kia không có khoảng cách thời gian chờ đợi”.
Ví dụ 1: Ông A là người phạm điều-giới, tạo ác- nghiệp. Đến lúc lâm chung, hiện tượng của ác-nghiệp phát sinh làm cho tâm của ông A bị ô nhiễm.
Sau khi ông A chết, nếu ác-nghiệp ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi- sandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ, không có khoảng cách thời gian chờ đợi.
Như vậy, sau khi ông A chết, chính ác-nghiệp của ông A cho quả tái-sinh kiếp sau làm loài ngạ-quỷ, không phải là ông A chết, rồi tái-sinh làm loài ngạ-quỷ.
Ví dụ 2: Ông B là người cận-sự-nam đã thọ phép quy y Tam-bảo, thọ trì ngũ-giới, … có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, giữ gìn ngũ-giới của mình trong sạch và trọn vẹn.
Đến lúc lâm chung, hiện tượng của đại-thiện-nghiệp giữ-giới phát sinh hiện ra làm cho tâm của ông B hoan hỷ trong đại-thiện-nghiệp ấy. Sau khi ông B chết, đại- thiện-nghiệp ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trong cõi trời dục-giới trong lâu đài nguy nga, có hào quang sáng ngời v.v… không có khoảng cách thời gian chờ đợi.
Như vậy, sau khi ông B chết, chính đại-thiện-nghiệp giữ-giới ấy của ông B cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam, không phải ông B chết, rồi tái- sinh làm vị thiên-nam.
Thật vậy, nếu Đức-Bồ-tát nào có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc Đức-Phật Độc- Giác, hoặc vị Thánh Tối-thượng thanh-văn-giác, hoặc vị Thánh Đại-thanh-văn-giác, hoặc vị Thánh thanh-văn- giác hạng thường thì Đức-Bồ-tát ấy cần phải tạo các đại-thiện-nghiệp gọi là các pháp-hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn tương xứng với ngôi vị mà Đức-Bồ-tát ấy có ý nguyện muốn trở thành ngôi vị ấy trong thời vị-lai.
Ví dụ: * Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu- việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời-kỳ:
* Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, để tế độ cứu vớt chúng-sinh giải thóat khỏi biển khổ trầm luân, rồi thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 7 a-tăng-kỳ.
* Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã phát nguyện ra bằng lời nói để cho các chúng-sinh nghe hiểu biết ý nguyện của Đức-Bồ-tát muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, rồi thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 9 a- tăng-kỳ.
Dù đã thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật trải qua 2 thời-kỳ gồm có 16 a-tăng-kỳ, nhưng Đức-Bồ-tát vẫn còn là Đức-Bồ-tát bất-định (aniyatabodhisatta) nghĩa là Đức-Bồ-tát có thể thay đổi ý nguyện không muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, mà muốn trở thành Đức-Phật Độc-Giác hoặc bậc Thánh thanh-văn-giác.
Nếu Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy vẫn không thay đổi ý nguyện, kiên trì thực-hành pháp-hạnh ba-la-mật dẫn đến thời-kỳ cuối.
* Thời-kỳ cuối: Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha tiền- kiếp của Đức-Phật Gotama được Đức-Phật Dīpaṅkara là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại rằng:
“Trong thời vị lai còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại- kiếp trái đất nữa, vị đạo-sĩ Sumedha sẽ trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama,…”
Sau khi Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn lại xong, kể từ kiếp ấy trở về sau, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama trở thành Đức-Bồ-tát cố-định (niyatabodhisatta) chắc chắn sẽ trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.
Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tiếp tục thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt khoảng thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật.
Trong khoảng thời gian suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, mỗi khi có Đức-Phật nào xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama cũng đều đến hầu đảnh lễ Đức-Phật ấy và được Đức-Phật thọ ký xác định thời gian còn lại.
Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama có 24 Đức-Phật thọ ký, kể từ Đức-Phật Dīpaṅkara đầu tiên thọ ký cho đến Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, vị bà-la-môn Jotipāla là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng- bảo, xin xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Kassapa.
Về sau, Đức-Phật Kassapa thọ ký xác định thời gian còn lại rằng:
“Trong thời vị-lai, ngay cùng trong trái đất Bhadda- kappa này, tỳ-khưu Jotipāla này sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama..”
Đức-Phật Kassapa là Đức-Phật thứ 24 cuối cùng thọ ký Đức-Bồ-tát tỳ-khưu Jotipāla.
Như vậy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu việt, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành, bồi bổ cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la- mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba- la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng được lưu-trữ đầy đủ ở trong tâm sinh rồi diệt từ kiếp này sang kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài, suốt 3 thời-kỳ gồm có 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp- hạnh ba-la-mật để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng- Giác có trí-tuệ siêu-việt có 24 Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế gian thọ ký Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama.
* Đến kiếp áp chót của Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức- Phật Gotama, là vị thiên-nam Setaketu, sau khi chết (cuti) từ cõi trời Tusita (Đâu-suất-đà-thiên), tam-nhân đại-thiện-nghiệp bậc cao trong đại-thiện-tâm thứ nhất hợp với hỷ đồng sinh với trí-tuệ, không cần tác-động, cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm thứ nhất hợp với hỷ đồng sinh với trí- tuệ, không cần tác-động gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi- citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) đầu thai kiếp chót vào lòng Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmāyādevī của Đức-vua Suddhodana tại kinh-thành Kapilavatthu, vào canh chót đêm rằm tháng 6 (âm-lịch).
Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmāyādevī mang thai tròn đúng 10 tháng, Thái-tử Siddhattha đản sinh ra đời vào ngày rằm tháng tư (âm-lịch) tại khu vườn Lumbinī,
Thái-tử Siddhattha có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, đó là quả báu của đại-thiện-nghiệp 30 pháp-hạnh ba-la-mật đã được tích-lũy, lưu-trữ ở trong tâm suốt 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại- kiếp trái đất của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót, chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng- Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.
* Năm 16 tuổi, Thái-tử Siddhattha lên ngôi vua và kết hôn với Công-chúa Yasodharā, ngự tại kinh-thành Kapilavatthu. Đức-vua Siddhattha làm vua được 13 năm.
* Năm 29 tuổi, Đức-vua Siddhattha trốn khỏi kinh- thành Kapilavatthu vào đêm rằm tháng 6 (âm-lịch), đi xuất gia để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
* Đức-vua Siddhattha ngự đến ngồi dưới cội Đại-Bồ- đề (1)tại khu rừng Uruvelā, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác độc nhất vô nhị có danh hiệu là Đức-Phật Gotama vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm-lịch), tròn đúng 35 tuổi, đúng như 24 Đức-Phật quá-khứ đã thọ ký, đó là quả báu của 30 pháp-hạnh ba-la-mật của Đức- Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã được tích-lũy, lưu-trữ ở trong tâm sinh rồi diệt từ kiếp này sang kiếp kia trải qua vô số kiếp trong suốt 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất.
* Quả của các đại-thiện-nghiệp 30 pháp-hạnh ba-la- mật phát sinh không chỉ trực-tiếp đối với Đức-Phật Gotama mà còn có gián-tiếp ảnh hưởng tốt đến các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, được thừa hưởng chánh- pháp của Đức-Phật, bậc xuất gia được thừa hưởng 4 thứ vật dụng cần thiết như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh mà các thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, đem đến tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, nên chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng được thừa hưởng 4 thứ vật dụng cần thiết ấy của Đức- Phật, gọi là dāyajjaparibhoga:(1) chư Đại-đức tỳ-khưu- Tăng thọ dụng 4 thứ vật dụng như người thừa-hưởng.
Tóm lại. tất cả mọi chúng-sinh trong 3 giới 4 loài là hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mình đã tạo trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp quá-khứ.
Đức-Phật dạy nghiệp và quả của nghiệp rằng:
“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma- bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃvā, tassa dāyādo bhavissāmi”.(2)
Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. ta tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.