Giải thích 4 loại nghiệp cho quả theo thời gian

3.1- Diṭṭhadhammavedanīyakamma: Hiện-kiếp-quả-nghiệp

Diṭṭhadhammavedanīyakamma: hiện-kiếp-quả-nghiệp là nghiệp cho quả trong kiếp hiện-tại (kiếp thứ nhất).

Thế nào gọi là hiện-kiếp-quả-nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện-tại (kiếp thứ nhất)?

Diṭṭhadhamme  vedanīyaṃ  phalaṃ  etassāti:  diṭṭha- dhammavedanīyaṃ.

Nghiệp nào chỉ có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện-tại mà thôi (không có khả năng cho quả trong kiếp sau),  nghiệp  ấy  gọi  là  diṭṭhadhammavedanīyakamma: hiện-kiếp-quả-nghiệp là nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện-tại (kiếp thứ nhất), đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) và 8 đại-thiện-tâm khi làm phận sự dục-giới tác-hành-tâm (kāmajavanakicca) sát-na-tâm thứ nhất của tác-hành-tâm trong mỗi dục-giới lộ-trình-tâm.

*  Nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện-tại có 2 loại

–  Ác-nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện-tại.

–  Đại-thiện-nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện-tại.

1- Ác-nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện-tại

Nếu ác-nghiệp trong 12 ác-tâm có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện-tại, thì có 7 bất-thiện-quả vô-nhân- tâm là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) như sau:

Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm có 7 tâm:

1-   Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp nhìn thấy đối-tượng sắc xấu.

2-   Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp nghe đối-tượng âm-thanh dở.

3-   Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp ngửi đối-tượng hương mùi hôi.

4-  Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp nếm đối-tượng vị dở.

5-   Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ là quả của ác-nghiệp xúc giác đối-tượng xúc thô.

6-   Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp tiếp nhận 5 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu.

7-   Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác- nghiệp suy xét 5 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu.

2- Đại-thiện-nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện-tại

Nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả ngay trong kiếp hiện-tại, thì có 8 thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của 8 đại-thiện-nghiệp như sau:

Thiện-quả vô-nhân-tâm có 8 tâm:

1-    Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp nhìn thấy đối-tượng sắc tốt.

2-   Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp nghe đối-tượng âm-thanh hay.

3-   Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp ngửi đối-tượng hương thơm.

4-    Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp nếm đối-tượng vị ngon.

5-  Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ lạc là quả của đại-thiện-nghiệp xúc giác đối-tượng xúc êm.

6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp tiếp nhận 5 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt.

7-   Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại- thiện-nghiệp suy xét 5 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt.

8-   Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ hỷ là quả của đại- thiện-nghiệp suy xét 5 đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc rất tốt.

Diṭṭhadhammavedanīyakamma: hiện-kiếp-quả-nghiệp là nghiệp chỉ có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện- tại mà thôi. Nếu nghiệp nào không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện-tại thì nghiệp ấy trở thành vô-hiệu-quả- nghiệp (ahosikamma) là nghiệp không còn hiệu lực cho quả của nghiệp được nữa.

Hiện-kiếp-quả-nghiệp này không có khả năng cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và cũng không có khả năng cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái- sinh (pavattikāla) nữa. Vì sao?

Bởi  vì  diṭṭhadhammavedanīyakamma  là  nghiệp  mà tác-ý tâm-sở vừa mới đồng sinh với tác-hành-tâm thứ nhất trong 7 tác-hành-tâm, chưa nhận được sự hỗ trợ của thường-tác-duyên (āsevanapaccaya), nên chưa có nhiều năng lực. Vì vậy, nghiệp này chỉ có khả năng cho quả trong kiếp hiện-tại mà thôi.

Nếu nghiệp nào không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện-tại thì nghiệp ấy trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) nghiệp ấy không còn hiệu lực cho quả của nghiệp được nữa.

Năng lực của hiện-kiếp-quả-nghiệp, có 2 loại

1- Paripakka  diṭṭhadhammavedanīyakamma  là  hiện- kiếp-quả-nghiệp già dặn nhiều năng lực có khả năng cho quả ngay kiếp hiện-tại ấy trong khoảng thời gian 7 ngày.

2-  Aparipakka diṭṭhadhammavedanīyakamma là hiện- kiếp-quả-nghiệp chưa già dặn ít năng lực có khả năng cho quả quá thời gian 7 ngày sau, cho đến trọn kiếp hiện-tại ấy.

Phần giải thích

1-  Hiện-kiếp-quả-nghiệp già dặn nhiều năng lực có khả năng cho quả ngay kiếp hiện-tại ấy trong khoảng thời gian 7 ngày như thế nào?

Hiện-kiếp-quả-nghiệp già dặn nhiều năng lực có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện-tại trong khoảng thời gian 7 ngày, nghĩa là sau khi đã tạo nghiệp nào  xong,  thì nghiệp ấy có năng lực rất mạnh cho quả ngay trong ngày hôm ấy.

*  Đại-thiện-nghiệp bố-thí cho quả ngay trong ngày

Ví dụ: * Trường hợp người nghèo khó Mahāduggata tạo phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực lên Đức-Phật Kassapa. Sau khi cúng dường vật thực đến Đức-Phật xong, ông ôm bát tiễn đưa Đức-Phật ngự trở về đến cốc.

Đảnh lễ Đức-Phật, ông xin phép trở về nhà, ông nhìn thấy 7 thứ báu vật từ hư không rơi xuống đầy tràn từ trong nhà ra ngoài sân nhà của ông.

Đức-vua tấn phong ông là đại-phú hộ ngay trong ngày hôm ấy.

*  Trường hợp ông bà Puṇṇa nghèo khổ tạo phước- thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta vừa mới xả diệt-thọ-tưởng buổi sáng hôm ấy. Ông Puṇṇa đã cày thửa ruộng từ buổi sáng, đến buổi trưa, những luống đất cày ấy hóa thành những thỏi vàng ròng sáng chói. Ông đem một thỏi vàng đến trình lên Đức-vua Bimbisāra, tâu xin Đức-vua truyền lệnh đem 1.00 (một ngàn) chiếc xe đến thửa ruộng kia để khuân tất cả số vàng ấy về cung điện.

Quân lính trong triều khuân toàn bộ số vàng ấy đem về chất giữa sân rồng thành đống vàng cao 80 hắc tay.

Đức-vua Bimbisāra tấn phong ông Puṇṇa là vị đại- phú hộ có số vàng nhiều nhất, v.v…

* Ác-nghiệp cho quả ngay trong ngày

Ví dụ: * Trường hợp tên Nanda hãm hiếp Ngài Đại- đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇāttherī là bậc Thánh A-ra- hán. Sau khi đã tạo ác-nghiệp trọng-tội xong, tên Nanda vừa đặt hai chân xuống mặt đất, thì mặt đất nứt nẻ làm hai phun lên ngọn lửa hút tên Nanda vào trong lòng đất.

Sau khi tên Nanda chết, ác-nghiệp trọng-tội ấy cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa- ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài nhiều đại-kiếp trái đất.

*  Trường hợp tên đồ tể Nanda làm nghề giết bò để bán thịt. Một hôm, người nhà bán hết thịt bò, không còn lại miếng thịt nào cho y. Tức giận, y lấy con dao đến chuồng bò cắt cái lưỡi con bò còn sống, đem vào bảo vợ làm món ăn cho y.

Khi y ăn món lưỡi bò ấy, thì ngay khi ấy, cái lưỡi của y bị đứt lìa rơi xuống, vô cùng đau đớn khiến y quằn quại rống lên như con bò bị cắt tiết, rồi y chết tại nơi ấy.

2-  Hiện-kiếp-quả-nghiệp chưa già dặn ít năng lực cho quả quá thời gian sau 7 ngày cho đến trọn kiếp hiện-tại ấy như thế nào?

Hiện-kiếp-quả-nghiệp chưa già dặn ít năng lực, cho quả thời gian sau 7 ngày cho đến trọn kiếp hiện-tại, nghĩa là sau khi đã tạo nghiệp nào xong, nếu nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì nghiệp ấy chỉ cho quả trong thời gian sau 7 ngày cho đến suốt kiếp hiện-tại ấy mà thôi (không cho quả trong kiếp sau).

–   Người nào đã tạo đại-thiện-nghiệp nào hoặc tạo ác- nghiệp nào trong thời thiếu-niên, nếu nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì người ấy thọ nhận quả an-lạc của đại- thiện-nghiệp ấy hoặc thọ nhận quả khổ của ác-nghiệp ấy trong thời thiếu-niên, hoặc trong thời trung-niên, hoặc trong thời lão-niên trong kiếp hiện-tại ấy.

–   Người nào đã tạo đại-thiện-nghiệp nào hoặc tạo ác- nghiệp nào trong thời trung-niên, nếu nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì người ấy thọ nhận quả an-lạc của đại- thiện-nghiệp ấy hoặc thọ nhận quả khổ của ác-nghiệp ấy trong thời trung-niên, hoặc trong thời lão-niên trong kiếp hiện-tại ấy.

–   Người nào đã tạo đại-thiện-nghiệp nào hoặc tạo ác- nghiệp nào trong kỳ lão-niên, nếu nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì người ấy thọ nhận quả an-lạc của đại-thiện- nghiệp ấy hoặc thọ nhận quả khổ của ác-nghiệp ấy trong thời lão-niên trong kiếp hiện-tại.

Nghiệp ấy không có khả năng cho quả trong kiếp sau.

Như vậy, gọi là nghiệp chưa già dặn ít năng lực cho quả trong thời gian sau 7 ngày cho đến trọn kiếp hiện-tại ấy.

Như  trong  bộ  Chú-giải  Uparipaṇṇāsaṭṭhakathā  giải thích rằng:

“Yaṃ pathamavaye kataṃ pathamavaye vā majjhimavaye vā pacchimavaye vā. Majjhimavaye kataṃ majjhimavaye vā pacchimavaye vā. Pacchimavaye vā kataṃ    tattheva    vipākaṃ    deti    taṃ    diṭṭhadhamma- vedanīyaṃ nāma.”

Nghiệp nào đã được tạo trong thời thiếu-niên, thì nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời thiếu-niên hoặc trong thời trung-niên hoặc trong thời lão-niên.

Nghiệp nào đã được tạo trong thời trung-niên, thì nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời trung-niên hoặc trong thời lão-niên.

Nghiệp nào đã được tạo trong thời lão-niên, thì nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời lão-niên.

Đó  là  nghiệp  diṭṭhadhammavedanīyakamma:  hiện- kiếp-quả-nghiệp là nghiệp cho quả trong kiếp hiện-tại (kiếp thứ nhất).

* Nhân-duyên đặc biệt của nghiệp cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày

Nghiệp nào có năng lực cho quả ngay kiếp hiện-tại trong khoảng thời gian 7 ngày, thì nghiệp ấy cần phải  hội đủ nhân-duyên đặc biệt.

* Đại-thiện-nghiệp bố-thí có năng lực cho quả ngay kiếp hiện-tại trong khoảng thời gian 7 ngày, cần phải hội đủ 4 nhân-duyên như sau:

*  Phước-thiện bố-thí cho quả hội đủ 4 nhân-duyên

1-  Vatthusampadā: Bậc thọ thí là Đức-Phật, hoặc bậc Thánh A-ra-hán hoặc bậc Thánh Bất-lai.

2-   Paccayasampadā: Vật bố-thí được phát sinh một cách hợp pháp và hoàn toàn trong sạch.

3-  Cetanāsampadā: Thí-chủ là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có đầy đủ 3 thời-kỳ tác-ý trong đại-thiện-tâm trong sạch là:

–    Tác-ý trong đại-thiện-tâm trong sạch và hoan hỷ trước khi tạo phước-thiện bố-thí.

–    Tác-ý trong đại-thiện-tâm trong sạch và hoan hỷ đang khi tạo phước-thiện bố-thí.

–     Tác-ý trong đại-thiện-tâm trong sạch và hoan hỷ sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí xong.

4- Guṇātirekasampadā: Bậc-thọ-thí có ân-đức đặc biệt như Đức-Phật hoặc bậc Thánh A-ra-hán, bậc Thánh Bất-lai vừa mới xả diệt-thọ-tưởng suốt 7 ngày đêm  xong, rồi đi khất thực.

Nếu thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí hội đủ 4 nhân duyên đặc biệt này thì đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy sẽ cho quả ngay trong ngày hôm ấy, như những trường hợp sau:

*  Tích người nghèo khó Mahāduggata

Tích người nghèo khó Mahāduggata(1) được tóm lược như sau:

Vào thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, Đức-Phật ngự cùng với 20 ngàn bậc Thánh A-ra-hán  đến kinh-thành Bārāṇasī.

Một hôm, sau khi độ vật thực xong, Đức-Phật Kassapa thuyết pháp dạy rằng:

–  “Này cận-sự-nam, cận-sự-nữ! Trong đời này:

*   Số người tự mình tạo phước-thiện bố-thí, mà không tác động, khuyến khích người khác cùng làm phước- thiện bố-thí với mình, thì phước-thiện bố-thí ấy cho quả đối với số người ấy là người có nhiều của cải, nhưng không có bạn bè, thuộc hạ thân thiết.

*   Số người tác động, khuyến khích những người khác tạo phước-thiện bố-thí, nhưng chính mình thì không chịu đem của cải ra tạo phước-thiện bố-thí, thì phước-thiện của sự tác động, khuyến khích ấy cho quả đối với số người ấy là người có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết, nhưng không có nhiều của cải.

*   Số người tự mình không tạo phước-thiện bố-thí, cũng không tác động, khuyến khích những người khác tạo phước-thiện bố-thí, thì số người ấy sống ở nơi nào cũng là người ít của cải, nghèo khổ, thiếu thốn và cũng không có bạn bè, không có thuộc hạ thân thiết.

*    Số người tự mình tạo phước-thiện bố-thí, còn tác động, khuyến khích những người khác cùng tạo phước- thiện bố-thí với mình, thì những phước-thiện ấy cho quả đối với số người ấy là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, tài sản lớn và có nhiều bạn bè, có nhiều thuộc hạ thân thiết,…”

Nghe Đức-Phật Kassapa thuyết dạy như vậy, người cận-sự-nam suy xét nghĩ rằng: “Ta muốn có được nhiều của cải và cũng có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết.”

Người ấy đảnh lễ Đức-Phật, rồi bạch rằng:

–    Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con xin kính thỉnh Đức- Thế-Tôn ngự cùng với tất cả 20.000 (hai mươi ngàn) chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để chúng con tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường vật thực vào ngày mai.

Đức-Phật Kassapa nhận lời bằng cách im lặng.

Ông trở về đi thông báo cho toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī biết rằng:

“Ngày mai sẽ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật cùng với tất cả 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu- Tăng. Ai có khả năng tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến bao nhiêu vị thì xin ghi danh.”

Có gia đình xin thỉnh 10 vị, có gia đình xin thỉnh 20 vị, … có gia đình xin thỉnh 100 vị, v.v…

Khi gặp cậu Mahāduggata là người nghèo khó nhất trong thành, người cận-sự-nam tác động, khuyến khích cậu Mahāduggata rằng:

–   Này cậu Mahāduggata! Ngày mai, tôi có thỉnh Đức- Phật cùng với 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường. Cậu có khả năng tạo phước-thiện bố-thí được bao nhiêu vị?

–   Thưa ông, gia đình con nghèo khó, vợ chồng con đi làm thuê, làm được ngày nào ăn ngày ấy còn không đủ nữa, thì lấy gì mà tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường. Thưa ông.

–    Này cậu Mahāduggata! Trong thành này, những người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, có quyền  cao chức trọng, … là do nhờ quả của phước-thiện bố- thí. Còn gia đình cậu, ngày qua ngày làm thuê mà không đủ ăn, đó là do không tạo phước-thiện bố-thí. Cậu có hiểu biết rõ như vậy không?

–   Thưa ông! Con hiểu rồi, ngày mai, xin ông cho gia đình con thỉnh một vị đại-đức tỳ-khưu, để gia đình con tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường đến vị đại-đức tỳ- khưu ấy.

Ông cận-sự-nam hoan hỷ chấp thuận cho gia đình cậu Mahāduggata thỉnh một vị đại-đức tỳ-khưu, để tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường vào ngày hôm sau, nhưng ông quên ghi vào danh sách, mà tiếp tục đi tác động, khuyến khích người khác nhận đủ 20.000 vị đại- đức tỳ-khưu-Tăng.

Sau khi được ông cận-sự-nam chấp thuận cho thỉnh một vị đại-đức tỳ-khưu để tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường vào ngày hôm sau, cậu Mahāduggata vô cùng hoan hỷ, trở về báo tin cho người vợ hay biết, người vợ cũng vô cùng hoan hỷ, bàn tính nhau làm thuê kiếm gạo, đồ ăn về để ngày hôm sau tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường đến một vị đại-đức tỳ-khưu ấy.

Cậu Mahāduggata đi tìm việc làm, ông phú hộ nhìn thấy cậu nên gọi lại thuê chẻ đống củi, để ngày hôm sau nấu đồ ăn dâng cúng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, cậu vô cùng hoan hỷ, lấy búa chẻ trong chốc lát là xong ngay đống củi lớn, ông phú hộ ngạc nhiên hỏi:

–   Này Mahāduggata! Sao hôm nay cậu làm việc siêng năng và nhanh nhẹn thế?

–    Thưa ông, ngày mai, gia đình con sẽ tạo phước- thiện bố-thí, cúng dường đến một vị đại-đức tỳ-khưu, nên con cảm thấy hoan hỷ, sung sướng mà làm việc không biết mệt.

Ông phú hộ ca tụng cậu, làm một việc khó làm. Ông trả công cho 4 ô gạo sāli (loại gạo ngon thời xưa).

Về phần vợ của cậu đi giúp việc nhà bếp cho bà phú hộ, cô cũng vô cùng hoan hỷ làm mọi công việc một cách sạch sẽ, gọn gàng, nhanh nhẹn, nên bà phú hộ rất hài lòng, rất ngạc nhiên hỏi rằng:

–   Này con! Sao hôm nay con có vẻ vui sướng và làm việc giỏi giang như vậy?

–   Thưa bà, ngày mai gia đình con sẽ tạo phước-thiện bố-thí đến một vị đại-đức tỳ-khưu, nên con vô cùng hoan hỷ làm mọi công việc, có được những đồ gia vị làm món đồ ăn, để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến một vị đại-đức tỳ-khưu trong ngày mai.

Nghe nói vậy, bà phú hộ ca tụng cô đã làm được một việc khó làm. Bà trả công bằng bơ, dầu, đồ gia vị, …

Vợ chồng Mahāduggata vô cùng hoan hỷ được gạo sāli ngon, dầu bơ, đồ gia vị, …để tạo phước-thiện bố-  thí cúng dường đến một vị đại-đức tỳ-khưu vào ngày hôm sau.

Sáng sớm hôm sau, người vợ thưa với chồng đi kiếm một ít rau về nấu một bát canh. Cậu Mahāduggata đi ra khỏi nhà, vừa đi vừa ca hát, đi ngang bến ghe chài; đêm hôm trước, người dân chài bắt được nhiều cá vừa cập bến, nghe tiếng ca hát của Mahāduggata bèn gọi:

–  Này Mahāduggata! Cậu đi đâu đó? Sao hôm nay vui sướng quá vậy? Hãy xuống đây giúp tôi đem cá bán, rồi tôi sẽ cho một ít cá.

–   Này bạn! Hôm nay gia đình tôi sẽ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến một vị đại-đức tỳ-khưu, tôi đang đi tìm rau về nấu canh.

May quá! Có được cá lại càng tốt!

Cậu Mahāduggata hăng hái đem cá bán, hôm ấy dân chúng trong thành mua cá làm đồ ăn để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, nên phần cá bán không còn con nào cả.

Cậu Mahāduggata muốn về nhà cho kịp tạo phước- thiện bố-thí cúng dường, nên hỏi người chủ thuyền:

–  Này bạn! Phần cá mà anh hứa cho tôi đâu?

–   Này bạn! Tôi còn một phần cá đặc biệt ở dưới ghe, để tôi lấy cho bạn.

Người chủ đem cho cậu Mahāduggata 4 con cá hồi (rohitamaccha). Cậu vội vàng đem về nhà.

* Canh chót đêm ấy, Đức-Phật Kassapa nhập đại-bi- định, khi xả định quán xét chúng-sinh nào có duyên lành nên tế độ. Đức-Phật nhìn thấy Mahāduggata là người có đức-tin trong sạch, thỉnh một vị đại-đức tỳ-khưu để tạo phước-thiện bố-thí vào ngày mai, nhưng người cận-sự- nam quên ghi vào danh sách.

Khi Mahāduggata gặp người cận-sự-nam xin một vị đại-đức tỳ-khưu ấy thỉnh về nhà thì không còn một vị đại-đức tỳ-khưu nào cả.

Vậy, chính Như-Lai sẽ tế độ Mahāduggata mà thôi.

Đức-vua trời Sakka cảm thấy chỗ ngồi phát nóng, suy xét thấy rõ hôm nay Mahāduggata sẽ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Kassapa, nên hiện xuống hỗ trợ Mahāduggata cùng làm phước-thiện.

Đức-vua trời Sakka biến hóa thành một người đầu bếp tài giỏi đến xin giúp việc cho Mahāduggata không lấy tiền công, chỉ bỏ công tạo phước-thiện mà thôi. Mahāduggata đồng ý chấp thuận, xin mời vào nhà lo giúp việc nấu ăn, Đức-vua trời Sakka nấu cơm, các món ăn đều bỏ đồ gia vị cõi trời, hương trời, Đức-vua trời Sakka bảo rằng:

–   Này bạn! Công việc nấu nướng để tôi lo, bạn hãy đi thỉnh vị đại-đức tỳ-khưu ấy về nhà cho kịp giờ.

Cậu Mahāduggata đi đến tìm người cận-sự-nam xin thỉnh một vị đại-đức tỳ-khưu mà ông đã tác động, khuyến khích ngày hôm trước.

Khi đến gặp ông cận-sự-nam, thì hỡi ơi! Ông đã quên ghi vào danh sách, nên không còn một vị đại-đức tỳ- khưu nào cả.

Cậu Mahāduggata thất vọng buồn tủi ôm mặt khóc, mọi người nhìn thấy cậu đáng thương và trách người cận-sự-nam ấy. Người cận-sự-nam ấy nói lời xin lỗi và an ủi cậu Mahāduggata, rồi khuyên bảo rằng:

–  Này Mahāduggata! Còn Đức-Phật ở trong cốc chưa mở cửa. Đức-vua, các quan, các phú hộ đang trông chờ Đức-Phật mở cửa, để thỉnh bát của Đức-Phật.

Đức-Phật thường tế độ những người nghèo khó. Vậy, cậu hãy vào xin kính thỉnh Đức-Phật tế độ.

Nghe nói vậy, đôi mắt của cậu Mahāduggata bừng sáng lên, niềm hy vọng phát sinh, cậu dũng cảm đến trước cửa cốc, đảnh lễ, đầu va chạm vào cửa, bạch rằng:

–    Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong thành này người nghèo khó hơn con không có. Kính xin Đức-Thế-Tôn có lòng đại-bi tế độ con. Bạch Ngài.

Đức-Phật Kassapa mở cửa ra, liền trao bình bát cho Mahāduggata. Cậu được bình bát của Đức-Phật mừng hơn được ngai vàng của Đức-chuyển-luân-Thánh- vương. Đức-vua, các quan, các phú hộ xin lại bình bát trên tay của cậu, hứa sẽ ban cho cậu nhiều tiền của nhưng cậu không màng đến.

Cậu Mahāduggata kính thỉnh Đức-Phật Kassapa về đến nhà, Đức-vua trời Sakka hóa thành người đầu bếp đã làm xong vật thực ngon lành, trải chỗ ngồi cao quý,  thỉnh Đức-Phật Kassapa vào nhà.

Khi Đức-Phật Kassapa vừa bước vào, thì căn nhà cao hẳn lên, nên Đức-Phật không phải cúi khom người xuống, Đức-Phật ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn.

Còn Đức-vua trời Sakka là người đầu bếp đã làm xong những món vật thực, liền bảo Mahāduggata đem những món vật thực dâng cúng dường lên Đức-Phật Kassapa. Mùi thơm của các món vật thực toả khắp cả kinh-thành Bārāṇasī.

Trong khi ấy, Đức-vua cùng các quan, các phú hộ đi theo sau Đức-Phật Kassapa đến tận nhà của Mahā- duggata, để biết Mahāduggata tạo phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức-Phật bằng những món vật thực gì.

Khi đến nơi tất cả đều ngửi được mùi thơm của những món vật thực mà trong đời chưa từng được ngửi bao giờ. Đức-vua trời Sakka đảnh lễ Đức-Phật Kassapa, rồi ngồi hầu Đức-Phật.

Độ vật thực xong, Đức-Phật Kassapa thuyết pháp tế độ gia-đình Mahāduggata, rồi Đức-Phật ngự trở về chùa, Mahāduggata ôm bát theo sau tiễn đưa Đức-Phật.

Đức-vua-trời Sakka hoan hỷ phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Kassapa xong, cũng hồi cung trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Khi Mahāduggata trở về đến nhà đứng trước cửa, nhìn thấy từ hư không rơi xuống 7 thứ báu vật đầy nhà, người vợ phải dắt đứa con ra khỏi nhà, vì 7 thứ báu vật đầy tràn từ trong ra ngoài sân nhà của ông, không còn chỗ nào trống cả.

Cậu Mahāduggata nghĩ rằng: “Đó là quả báu của phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Kassapa của chúng ta ngày hôm nay.”

Cậu Mahāduggata liền đến chầu Đức-vua tâu rằng:

–   Muôn tâu Đại-vương, nhà của tiện dân đầy tràn cả thất báu, xin Đại-vương đem 1.000 chiếc xe đến nhà tiện dân chở tất cả thất báu ấy về cung điện.

Đức-vua truyền quân lính trong triều đình đem 1.00 chiếc xe chở tất cả 7 thứ báu vật đem về chất thành đống trước sân rồng.

Đức-vua truyền hỏi:

–   Trong thành này, người nào có của báu nhiều như thế này không?

Tất cả mọi người đều tâu rằng:

–   Muôn tâu Hoàng-thượng, không một người nào có nhiều của báu như thế này cả.

Do đó, Đức-vua tấn phong Mahāduggata địa vị đại phú hộ, rồi truyền rằng:

–   Này Mahāduggata! Tất cả của báu này là quả báu phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Kassapa của nhà ngươi. Vậy, nhà ngươi hãy nhận lấy.

Đức-vua cấp đất đai, xây cất ngôi nhà lớn, cấp nhiều gia nhân. Khi xây cất ngôi nhà xong, ông đại phú hộ Mahāduggata kính thỉnh Đức-Phật Kassapa ngự cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến ngôi nhà lớn tạo phước- thiện đại-thí suốt 7 ngày.

Từ đó về sau, ông đại-phú hộ Mahāduggata thường bố-thí, giữ-giới, tạo mọi thiện-pháp cho đến hết tuổi thọ.

Sau khi ông đại-phú hộ Mahāduggata chết, đại-thiện- nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời dục-giới hưởng mọi sự an-lạc.

* Đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp của Mahāduggata trong thời-kỳ Đức- Phật Kassapa, là vị thiên-nam sau khi hết tuổi thọ tại cõi trời, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng người con gái của ông phú hộ.

Người mẹ sinh ra một bé trai đặt tên là “Paṇḍita”. Người mẹ của công tử Paṇḍita vốn là người hộ độ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Khi lên 7 tuổi, công tử Paṇḍita xin phép mẹ cha chấp thuận cho xuất gia sa-di với Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là thầy tế độ.

Mẹ cha của vị sa-di Paṇḍita đến chùa tạo phước-thiện bố-thí các món vật thực, đặc biệt có món cá hồi (rohitamaccha) đến Đức-Phật Gotama cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng suốt 7 ngày.

Qua đến ngày thứ 8, vị sa-di Paṇḍita ở tại cốc thực- hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết- bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cùng với tứ- tuệ-phân-tích, hoàn thành xong phận sự của bậc xuất gia trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đi khất thực độ xong, còn đem về cho sa-di Paṇḍita một phần vật thực, trong đó có món cá hồi, theo nguyện vọng của vị sa-di Paṇḍita, người đệ-tử có sắc thân bé nhỏ, còn tâm là bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật với đức-tin trong sạch, hoan hỷ trong phước-thiện, quả báu của phước-thiện bố-thí ấy không chỉ được giàu sang phú quý ngay trong kiếp hiện-tại, những kiếp vị lai đầy đủ của cải thế gian, mà còn kiếp chót cũng có đầy đủ 9  pháp siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn nữa.

* Tích gia đình ông Puṇṇa(1)

Tích ông Puṇṇa, người làm thuê của ông phú hộ Sumana, được tóm lược như sau:

Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama còn hiện hữu trên thế gian, gia đình ông Puṇṇa nghèo khó làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, mọi người trong gia đình đều có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.

Một buổi sáng, ông đi cày ruộng, cũng vào buổi sáng hôm ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta vừa mới xả diệt- thọ-tưởng (sau 7 ngày đêm), đi khất thực để tế độ gia đình ông Puṇṇa, nên Ngài Đại-Trưởng-lão đi thẳng về hướng ông Puṇṇa đang cày ruộng.

Nhìn thấy Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta từ xa đến, ông Puṇṇa liền bỏ cày, đến hầu đảnh lễ Ngài Đại- Trưởng-lão, kính dâng cúng dường cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống. Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thọ nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta xong, bạch rằng:

–  Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài Đại- Trưởng-lão có tâm từ thọ nhận phần vật thực nghèo nàn này của gia đình chúng con.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có tâm từ tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực ấy, bà phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phát nguyện:

–    Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, do nhờ phước- thiện bố-thí thanh cao này của chúng con, cầu mong cho gia đình chúng con được một phần pháp mà Ngài Đại- Trưởng-lão đã chứng đắc.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta chúc phúc rằng:

“Mong cho gia đình các con được như ý.”

Bà cảm thấy vô cùng hoan hỷ quay trở về nhà, nấu lại phần cơm khác đem cho chồng, rồi vội vàng mang cơm ra đồng ruộng, với tâm hoan hỷ phước-thiện bố-thí đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, làm cho thân tâm của bà nhẹ nhàng, nhu nhuyến không sao giấu được.

Còn phần ông Puṇṇa, trễ giờ đói bụng, thả bò đi ăn cỏ, ông lên bờ ngồi dưới bóng mát cây, chờ đợi vợ. Dù có đói bụng tâm vẫn cảm thấy hoan hỷ, niệm tưởng lại việc tạo phước-thiện bố-thí cúng dường tăm xỉa răng và nước đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Nhìn từ xa, ông thấy vợ mình đang đi đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ hoan-hỷ khác thường, chắc chắn có điều thiện-pháp tốt lành nào đó. Thật vậy, bà vừa đến nơi liền thưa với chồng rằng:

–   Này anh thân thương! Hôm nay, em xin báo cho anh tin vui, để cho anh hoan hỷ thật nhiều.

Sáng nay, khi em đem phần cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đang đi khất thực, em phát sinh đức-tin trong sạch, đem phần cơm của anh để bát cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Ngài Đại-Trưởng-lão không chê vật thực nghèo hèn của chúng ta. Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm từ tế độ thọ nhận tất cả vật thực phần của anh, xin anh nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí này.

Ông Puṇṇa vừa lắng nghe từng tiếng, từng câu làm cho ông phát sinh thiện-tâm hỷ lạc đến cực độ, nên không thể theo dõi liên tục trọn vẹn lời nói của vợ ông.

Sực tỉnh lại, ông muốn biết chắc chắn chính mình nghe đúng sự thật là như vậy không, nên ông bảo với vợ rằng:

–    Này em thân thương! Xin em hãy nói lại cho anh nghe thêm một lần nữa.

Bà vợ thưa lại rõ ràng một lần nữa, lần này ông nghe rõ biết chắc chắn đúng sự thật như vậy rồi, ông phát  sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phước-thiện bố-thí của vợ, đã đem phần cơm của mình tạo phước-thiện bố- thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Sau đó, ông nói cho vợ biết ông cũng vừa tạo phước- thiện bố-thí cúng dường cây tăm xỉa răng và nước đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Nghe chồng nói xong, bà cũng phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ việc phước-thiện bố-thí của chồng.

Hai vợ chồng cùng nhau phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ việc phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại- Trưởng-lão Sāriputta. Dùng cơm xong, ông nằm niệm tưởng đến phước-thiện bố-thí vừa mới làm, nằm thiu  thiu giấc ngủ, ông vừa tỉnh lại, ngồi nhìn thấy phần đất ruộng vừa cày buổi sáng đã hóa thành những thỏi vàng y (vàng ròng) làm cho ông hoa cả mắt, và vợ của ông cũng cảm thấy như ông vậy.

Ông lấy lại bình tĩnh rồi đi xuống ruộng, lấy lên một thỏi, đúng thật là thỏi vàng ròng, ông đem đến khoe và nói với vợ rằng:

–    Này em thân thương! Vợ chồng chúng ta đã tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng- lão Sāriputta, phước-thiện bố-thí ấy liền cho quả báu đến vợ chồng chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta không thể nào giấu một số vàng lớn như thế này được.

Ông Puṇṇa lấy một số thỏi vàng bỏ vào khay, đem trình lên Đức-vua Bimbisāra và tâu rằng:

–     Muôn tâu Đại-vương, sáng nay tiện dân đi cày ruộng, tất cả đất cày đều hóa thành những thỏi vàng ròng. Kính xin Đại-vương truyền lệnh cho binh lính đem

1.00   chiếc xe đến chở số vàng ấy về cất trong kho báu của Đại-vương.

Đức-vua Bimbisāra truyền hỏi:

–  Này ngươi! Nhà ngươi là ai vậy?

Ông Puṇṇa tâu rằng:

–   Muôn tâu Đại-vương, tiện dân là Puṇṇa, một nông dân nghèo khó làm thuê.

Này Puṇṇa! Sáng nay, nhà ngươi đã tạo phước- thiện đặc biệt gì vậy?

–   Muôn tâu Đại-vương, sáng nay tiện dân tạo phước- thiện bố-thí cúng dường cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, còn phần vợ tiện dân tạo phước-thiện bố-thí cúng dường phần cơm của tiện dân đến Ngài Đại-Trưởng-lão.

Đức-vua truyền rằng:

–   Này Puṇṇa! Vợ chồng ngươi đã tạo phước-thiện bố- thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, cho nên, quả báu phát sinh ngay trong ngày hôm nay.

Vậy, ngươi muốn Trẫm làm gì?

Ông tâu với Đức-vua rằng:

–   Muôn tâu Đại-vương, tiện dân xin Đại-vương truyền lệnh đem ngàn chiếc xe đến thửa ruộng kia, để khuân tất cả số vàng ấy về cung điện.

Đức-vua Bimbisāra truyền lệnh đem ngàn chiếc xe đến chở vàng ròng, quân lính trong triều nghĩ và nói rằng: “vàng của Đức-vua” tức thì những thỏi vàng trở lại thành đất như cũ. Quân lính trong triều trở về tâu lên Đức-vua sự việc xảy ra như vậy. Đức-vua sáng suốt truyền hỏi rằng:

–    Này các ngươi! Các ngươi nghĩ như thế nào, khi nhặt lấy những thỏi vàng ấy?

–   Tâu Bệ hạ, chúng hạ thần nghĩ và nói rằng: “vàng của Đức vua.”

Đức-vua truyền bảo rằng:

–    Này các ngươi! Số vàng ròng kia không phải của Trẫm. Các người nên trở lại nghĩ và nói rằng: “vàng của ông bà Puṇṇa” rồi khuân số vàng ấy về đây.

Quân lính vâng lệnh Đức-vua trở lại nơi ấy.

Thật vậy, lần này quân lính khuân toàn bộ số vàng ấy

đem về, chất giữa sân rồng thành một đống vàng cao 80 hắc tay.

Ông Puṇṇa trở thành đại phú hộ

Đức-vua Bimbisāra cho truyền lệnh gọi dân chúng trong kinh-thành Rājagaha hội họp tại sân rồng, rồi truyền hỏi dân chúng rằng:

–     Này toàn thể dân chúng! Trong kinh-thành này có người nào khác có số vàng lớn như thế này không?

Toàn thể dân chúng trong thành tâu rằng:

–     Muôn tâu Hoàng-thượng, trong kinh-thành này không có người nào khác có số vàng lớn như vậy,

Đức-vua truyền hỏi tiếp rằng:

–       Vậy Trẫm nên tấn phong ông Puṇṇa như thế nào mới xứng đáng?

–      Muôn tâu Hoàng-thượng, kính xin Hoàng-thượng tấn phong ông Puṇṇa địa vị đại phú hộ.

Đức-vua Bimbisāra truyền phán rằng:

–    Này Puṇṇa! Từ nay ngươi là đại phú hộ, có tên “Bahudhanaseṭṭhi: Đại phú hộ nhiều của cải.”

Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì suốt 7 ngày.

Đến ngày thứ 7 Đức-Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông Puṇṇa, toàn gia đình ông đại-phú hộ Puṇṇa (hai vợ chồng và đứa con gái tên Uttarā) đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Vợ chồng ông Puṇṇa tạo phước-thiện bố-thí cúng- dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, sau khi xả diệt-thọ-tưởng, do năng lực phước-thiện bố-thí trong sạch và hội đủ nhân duyên ấy, liền cho quả báu trong ngày hôm ấy, trở thành đại phú hộ nhiều của cải thế gian và đặc biệt hơn nữa, toàn gia đình trở thành bậc Thánh Nhập-lưu thuộc về pháp siêu-tam-giới

Những trường hợp tương tự trên, có không ít trong Phật-giáo.

Ác-nghiệp nặng có khả năng cho quả trong 7 ngày

* Tích nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā(1)

Tích nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā được tóm lược  như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại giảng đường thuyết pháp tế độ tứ chúng thanh-văn đệ-tử. Khi ấy, nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā xinh đẹp giả làm người mang thai hằn học bước vào đứng chỉ tay về Đức-Thế-Tôn, buông lời vu khống rằng: “Nàng đã mang thai với Đức-Phật,” rồi mắng nhiếc Đức-Phật giữa tứ chúng thanh-văn đệ-tử, để làm mất uy tín Đức-Phật Gotama, theo mưu kế thâm độc của các nhóm ngoại đạo.(2) Do nguyên-nhân nào?

* Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vào thời- kỳ đầu, chánh-pháp của Đức-Phật được phát triển mạnh, có nhiều người chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn trở thành bậc Thánh-nhân, cho nên, danh thơm tiếng tốt của Đức-Phật Gotama được lan truyền khắp mọi nơi.

Vua chúa, Hoàng tộc, giai cấp Bà-la-môn, các phú hộ, phần đông dân chúng phát sinh đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.

*     Có số xin xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo- pháp của Đức-Phật Gotama.

*    Có số khác xin thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành cận-sự-nam, cận-sự-nữ trọn đời trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, càng ngày càng thêm đông.

Trước đây, tất cả những người ấy đã từng là đệ-tử của các nhóm ngoại đạo, họ thường cúng dường những  phẩm vật đến các tu-sĩ ngoại đạo, nên đời sống của các hàng tu-sĩ ngoại đạo được sung túc.

Nay, những người ấy có đức-tin trong sạch nơi Tam- bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, họ trở thành các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama. Họ thường tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, họ không còn cúng dường đến các hàng tu-sĩ ngoại đạo nữa, nên đời sống của các hàng tu-sĩ ngoại đạo thiếu thốn.

Đó là điều mà các tu-sĩ ngoại đạo cảm thấy bị tổn thương, những tín đồ cũ không giữ được, còn tín đồ mới thì không có.

Các nhóm ngoại đạo tìm mọi cách ngăn cản các nhóm đệ-tử không cho tìm đến Đức-Phật Gotama, nhưng chúng hoàn toàn bất lực, không thể ngăn cản được, làm cho lợi lộc càng ngày càng giảm dần, nên đời sống không được sung túc như trước nữa.

Các nhóm tu-sĩ ngoại đạo hội họp với nhau, bày mưu tính kế thâm độc để hạ uy tín của Đức-Phật Gotama.

Thời ấy, trong kinh-thành Sāvatthī có cô kỹ-nữ xinh đẹp tên là Ciñcāmāṇavikā, nàng vốn là đệ-tử thuần thành của các nhóm tu-sĩ ngoại đạo. Thấy sắc đẹp của nàng, các tu-sĩ nghĩ ra một diệu kế: “Chúng ta dùng nàng kỹ- nữ Ciñcāmāṇavikā giả mang thai rồi vu khống cho Sa- môn Gotama, gây ra sự hiểu lầm, để làm mất uy tín của Sa-môn Gotama.”

Mưu kế ấy được các nhóm ngoại đạo đều chấp nhận.

Một hôm, như lệ thường nàng Ciñcāmāṇavikā đến tu viện ngoại đạo, đảnh lễ các tu-sĩ xong, nàng ngồi một bên. Nàng Ciñcāmāṇavikā rất ngạc nhiên không hiểu sao các tu-sĩ ngồi im lặng không nói với nàng một câu nào Nàng thầm nghĩ: “Mình có lỗi gì đây!”

Nàng bạch vị Đạo-Trưởng rằng:

–    Kính bạch Ngài, con đã lễ  bái quý Ngài  ba lần  rồi, nhưng con không biết con có lỗi gì mà quý Ngài không nói với con một lời nào?

Vị Đạo-Trưởng tỏ vẻ nghiêm nghị nói với nàng:

–    Này con! Con là một đệ-tử rất thuần thành, con không có lỗi gì. Hiện nay đời sống của quý thầy khổ sở, thiếu thốn lắm con à! Vì vậy, quý thầy buồn bực, khổ tâm, không ai buồn nói với ai điều gì cả.

Nàng Ciñcāmāṇavikā ngạc nhiên, nóng lòng hỏi:

–    Kính bạch quý Ngài, trước đây đời sống của quý Ngài được đầy đủ lắm, sao hiện nay lại lâm vào hoàn cảnh khổ cực như vậy?

–    Này Ciñcāmāṇavikā! Con không biết gì hay sao? Chính Sa-môn Gotama đã làm khổ quý thầy, chính Sa- môn Gotama đã làm cho quý thầy mất hết cả uy tín, danh vọng và những lợi lộc cúng dường, … cho nên, quý thầy phải sống trong cảnh thiếu thốn khổ cực như vậy!

Nàng Ciñcāmāṇavikā cảm thấy rất đau lòng, chân tình thưa rằng:

–    Kính bạch quý Ngài, vậy mà con có hay biết gì đâu? Không biết con có thể làm gì, để giúp đỡ cho quý Ngài?

Các vị tu-sĩ ngoại đạo giả vờ im lặng một lúc, rồi có một vị nói rằng:

–     Này Ciñcāmāṇavikā! Chỉ sợ con ngại khó, mà không giúp quý thầy đó thôi.

Nàng Ciñcāmāṇavikā mau mắn đáp:

–    Kính bạch quý Ngài, khó khăn gì con cũng có thể làm được, miễn là làm sao cho quý Ngài được sống an- lạc, thế là con mãn nguyện lắm rồi!

Vị tu-sĩ ngoại đạo nghiêm chỉnh nói:

–   Này Ciñcāmāṇavikā! Đây là việc rất hệ trọng, đòi hỏi con phải khôn  khéo. Nếu con thật tình muốn giúp  đỡ quý thầy, thì chỉ có một phương pháp duy nhất là   con hãy dùng cái sắc đẹp duyên dáng, đầy quyến rũ của con, làm thế nào đó giả mang thai với Sa-môn Gotama. Con làm được như vậy, sẽ làm giảm uy tín của Sa-môn Gotama, như thế thì phần đông tín đồ của Sa-môn Gotama sẽ trở về lại với chúng ta.

Nàng Ciñcāmāṇavikā hớn hở nói:

–   Kính bạch quý Ngài, đúng vậy, kế này rất hay! Xin quý Ngài hãy tin tưởng nơi con, con sẽ cố gắng làm tròn bổn phận để đền đáp công ơn của quý Ngài đối với con.

Từ hôm ấy, cứ vào mỗi buổi chiều dân chúng trong kinh-thành Sāvatthī sau khi nghe Đức-Phật thuyết pháp tại chùa Jetavana xong, đảnh lễ Đức-Phật  trở  về  nhà, họ thường gặp nàng Ciñcāmāṇavikā ăn mặc đẹp đẽ rất quyến rũ, trên tay cầm một bó hoa đang đi trên đường hướng đến ngôi chùa Jetavana, có người tò mò dừng lại hỏi rằng:

–    Chiều tối rồi, cô đi đâu mà ăn mặc đẹp vậy?

Nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā trả lời cố ý tạo ra một sự nghi ngờ rằng:

–    Tôi đi đâu là việc riêng của tôi, quý vị biết phỏng có ích lợi gì!

Nói xong, nàng kỹ-nữ bước đi theo hướng đến ngôi chùa Jetavana, nhưng lại nghỉ qua đêm tại một tu viện ngoại đạo ở gần đó.

Rồi sáng hôm sau, khi có một số cận-sự-nam, cận-sự- nữ đem vật dụng đến ngôi chùa Jetavana để cúng dường Đức-Phật và chư tỳ-khưu-Tăng, thì lại thấy nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā từ hướng ngôi chùa Jetavana trở lại kinh-thành Sāvatthī, người ta hỏi nàng kỹ-nữ rằng:

–    Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu mà sáng nay lại vào kinh-thành sớm vậy?

Nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā ỡm ờ đáp:

–    Tôi nghỉ ở đâu có nơi có chỗ của tôi, quý vị biết phỏng có lợi ích gì!

Và từ đó, cứ vào mỗi buổi chiều và mỗi buổi sáng, từ tháng này sang tháng khác, nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā đều làm như vậy. Cho đến một hôm, có số người cận-sự- nam, cận-sự-nữ khác hỏi rằng:

–    Đêm hôm qua cô nghỉ ở đâu mà sáng nay lại vào thành sớm vậy?

Nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā thấy đã đến lúc cần phải nói, để bắt đầu gây ra sự ngờ vực.

–   Chuyện riêng tư của tôi mà quý vị muốn biết hay sao? Sớm muộn gì quý vị cũng sẽ biết thôi mà! Nếu quý vị muốn biết bây giờ tôi xin khai thật: “Đêm qua tôi nghỉ ở tại cốc Gandhakuṭi chung với Sa-môn Gotama để phục vụ Ngài, đó là một niềm vinh dự lớn lao của đời tôi.”

Nói xong, nàng kỹ-nữ tỏ vẻ đắc ý bỏ vào kinh-thành.

Khi nghe nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā nói vậy, một số cận-sự-nam, cận-sự-nữ thiểu trí, sinh tâm bán tín bán nghi. 3 – 4 tháng sau, nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā lấy vải độn bụng, mặc áo lụng thụng che bên ngoài làm như người đang mang thai. Có một số người không có trí-tuệ, không hiểu biết về giáo-pháp của Đức-Phật nghĩ là nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā có thai với Sa-môn Gotama.

Thời gian đã đến 9 tháng, màn kịch hạ uy tín Sa-môn Gotama đến hồi chung cuộc. Nhóm tu-sĩ ngoại đạo gọi nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā đến, họ dùng một miếng gỗ đẽo hình dạng giống như cái thai sắp đến ngày sinh nở, có 4 đầu dây giăng. Nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā mang vào buộc chặt sau lưng, mặc áo phủ kín lại, nhìn giống như người mang thai thật. Nhóm tu-sĩ ngoại đạo làm cho nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā đóng vai giống như người đàn bà sắp đến ngày sinh nở.

Đức-Phật thắng nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā

Vào một buổi chiều, khi Đức-Phật đang ngự trên pháp tòa, tại giảng đường ngôi chùa Jetavana, tứ chúng thanh- văn đệ-tử đang ngồi im lặng lắng nghe pháp như thường lệ, thì nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā từ ngoài xồng xộc đi vào, đến trước Đức-Phật, chỉ tay buông lời mắng nhiếc:

–    Này ông Đại-Sa-môn Gotama! Ông thuyết pháp thật là hay, thật là giỏi, ông tế độ biết bao nhiêu người, còn tôi sao ông không tế độ?

Tôi bụng mang dạ chửa là vì ông, ông nói ngon nói ngọt với tôi, bảo là sẽ giúp tôi thế này, thế nọ,…

Hôm nay, sắp đến ngày sinh nở, ông lo thuyết pháp tế độ người khác, chẳng đoái hoài gì đến tôi. Dù ông bận không lo cho tôi được, thì ông bảo những người hộ độ ông như Đức-vua Pasenadi, ông phú hộ Anāthapiṇḍika, bà đại-thí-chủ Visākhā,… lo cho tôi cũng được. Nhưng đằng này, ông chỉ biết thỏa mãn dục vọng cá nhân, ông không hề biết đến nỗi khổ của tôi phải chịu bụng mang dạ chửa như thế này đây!

Nghe nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā mắng nhiếc, Đức- Phật ngưng thuyết pháp, vẫn ngồi an nhiên tự tại, an tịnh trên pháp tòa rồi từ tốn nói rằng:

“Bhagini, tayā kathitassa tathabhāvaṃ vā vitatha- bhāvaṃ vā ahameva ca tvañca jānāma.”(1)

–   Này cô! Cô nói lời chân-thật hay lời giả-dối chỉ có cô và Như-Lai biết rõ mà thôi!

Nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā liền đáp:

–   Đúng vậy! Này ông Đại-Sa-môn! Chỉ có ông và tôi biết rõ mà thôi!

Ngay giây phút ấy, tại cung trời Tam-thập-tam-thiên, bảo tòa của Đức-vua-trời Sakka nóng lên, với thiên-nhãn quan sát nguyên nhân, Đức-vua-trời thấy rõ nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā đang mắng nhiếc Đức-Phật trước tứ chúng thanh-văn đệ-tử, bởi những chuyện không có thật.

Đây là mưu kế thâm độc của nhóm tu-sĩ ngoại đạo, dùng cô kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā vô liêm sỉ, cố ý làm hạ uy tín của Đức-Phật trước tứ chúng thanh-văn đệ-tử. Đức- vua-trời Sakka quyết định phải làm sáng tỏ chuyện này.

Đức-vua-trời Sakka cùng với 4 vị thiên-nam xuất hiện xuống giảng đường ngôi chùa Jetavana ngay tức khắc.

Theo lệnh của Đức-Vua-Trời Sakka, 4 vị thiên-nam hóa thành 4 con chuột, cùng một lúc bò lên cắn đứt 4 sợi dây dùng để cột tấm gỗ, giống hình dạng bào thai, sau lưng nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā, đồng thời Đức-Vua-Trời Sakka hóa một luồng gió thổi làm cho tấm gỗ kia rơi xuống đất, đụng nhằm hai bàn chân của nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā, làm cho đôi chân của nàng bầm máu.

Sự việc xảy ra trong thời gian ngắn ngủi, mọi sự thật hiển nhiên phơi bày trước mắt tứ chúng thanh-văn đệ-tử.

Nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā bị mắng nhiếc không tiếc lời, có người nhổ nước bọt rồi xua đuổi nàng kỹ-nữ ra khỏi khuôn viên ngôi chùa Jetavana.

Nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā thất vọng, thất tha, thất thểu bước đi ra vừa khuất tầm mắt của mọi người, mặt đất liền nứt ra làm hai, phát lên một tia lửa thiêu cháy nàng rồi hút nàng xuống sâu dưới lòng đất.

Sau khi Nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā chết, ác-nghiệp(1) nói-dối vu khống ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong đại- địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Chuyện nàng kỹ-nữ Ciñcāmāṇavikā nói-dối vu khống Đức-Phật Gotama đã lan truyền khắp mọi nơi, từ xứ này sang xứ khác. Và ai ai cũng đều biết đó là mưu kế thâm độc đê tiện của nhóm tu-sĩ ngoại đạo.

Một số người trước kia còn hộ độ nhóm tu-sĩ ngoại đạo, nay họ nghe thấy như vậy, mất hết đức-tin, nên không còn cúng dường các thứ vật dụng cho nhóm tu-sĩ ngoại đạo nữa, đời sống của nhóm tu-sĩ ngoại đạo thiếu thốn khổ cực, nay lại càng bị tệ hại hơn nữa.

Dân chúng khắp mọi nơi phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo, nên cúng dường đến Đức-Phật và chư tỳ-khưu- Tăng các thứ vật dụng càng ngày càng sung túc.

Số người đã có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo rồi,  lại càng tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo. Còn số người nào chưa có đức-tin nơi Tam-bảo, nay số người ấy lại có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.

* Tích tên Nanda hãm hiếp Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇāttherī

Chuyện tên Nanda hãm hiếp Ngài Đại-đức tỳ-khưu- ni Uppalavaṇṇāttherī (1) là bậc Thánh A-ra-hán được tóm lược như sau:

* Tiền-kiếp của Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇāttherī

Trong thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, tiền-kiếp của Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇāttherī là một tiểu-thư của gia-đình phú hộ trong thành xứ Haṃsavatī.

Một hôm, cô tiểu-thư cùng với dân chúng trong thành đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Padumuttara, lắng nghe Đức- Phật thuyết pháp. Nhân dịp ấy, Đức-Phật có tuyên  dương một vị Đại-đức tỳ-khưu-ni là vị Thánh-nữ Tối- thượng thanh-văn đệ-tử xuất sắc nhất về phép-thần- thông trong các hàng Thánh-Nữ thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Padumuttara.

Nhìn thấy Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni ấy, cô tiểu-thư vô cùng hoan hỷ phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch muốn được địa vị cao quý như Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni ấy, nên cô tiểu-thư kính thỉnh Đức-Phật Pamuduttara ngự cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến tư gia, để tạo phước-thiện đại-thí suốt 7 ngày.

Đến ngày thứ 7, cô tiểu-thư kính bạch với Đức-Phật Padumuttara rằng:

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do phước-thiện đại-thí mà con đã tạo suốt 7 ngày qua, con chỉ muốn trở thành vị Đại-đức tỳ-khưu-ni là bậc Thánh-nữ Tối-thượng thanh- văn đệ-tử xuất sắc nhất về phép-thần-thông trong hàng Thánh-Nữ thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật trong thời vị- lai, như vị Đại-đức tỳ-khưu-ni là vị Thánh-nữ Tối- thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn bây giờ.

* Đức-Phật Padumuttara thấy rõ, biết rõ cô tiểu-thư sẽ được thành-tựu, nên Đức-Phật thọ ký xác định rằng:

“ – Này cận-sự-nữ! Từ đại-kiếp trái đất này, còn lại 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa. Đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, hậu-kiếp của con sẽ trở thành tỳ-khưu-ni là vị Thánh-nữ Tối-thượng thanh-văn đệ-tử xuất sắc nhất về phép-thần-thông trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.”

Sau khi nghe Đức-Phật Padumuttara thọ ký xác định thời gian còn lại như vậy, cô tiểu-thư vô cùng hoan hỷ tiếp tục bồi bổ 10 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa.

Trong sự tử sinh luân-hồi trong tam-giới trải qua vô số kiếp, những hậu-kiếp của cô tiểu-thư thực-hành, bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật khi thì tái-sinh làm vị thiên- nữ cao quý trong cõi trời, khi thì tái-sinh làm người nữ cao quý trong cõi người.

Có một kiếp người, cận-sự-nữ làm phước-thiện, cúng dường một đóa hoa sen hồng rất xinh đẹp đến Đức-Phật Độc-Giác vừa xả diệt-thọ-tưởng, do nhờ quả báu cúng dường đóa hoa sen ấy, mà kiếp nào cô cũng là người rất xinh đẹp, có màu da hồng hào như màu cánh sen hồng.

* Đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, kiếp áp chót của cô là vị thiên-nữ, sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh đầu thai làm con của gia đình phú hộ tại kinh-thành Sāvatthī.

Khi sinh ra, là một bé gái rất xinh đẹp, có màu da hồng hào như màu cánh sen hồng, nên đặt tên là Uppalavaṇṇā.

Khi đến tuổi trưởng thành, cô tiểu-thư nổi tiếng là người xinh đẹp trong cõi Nam-thiện-bộ-châu, các công- tử, phú hộ đều gởi người đến xin cầu hôn với cô tiểu-thư của ông phú hộ, khiến ông phú hộ gặp phải điều khó xử, bởi vì không thể nào làm vừa lòng tất cả những người ấy được. Cho nên, ông phú hộ chỉ còn có một cách gọi đứa con gái đến hỏi rằng:

–  Amma pabbajituṃ sakkhissasi?

–   Này con yêu quý! Con có muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni hay không?

Vốn kiếp này là kiếp chót của cô tiểu-thư, nên khi nghe phụ-thân hỏi đến pabbajituṃ (xuất gia), cô tiểu-thư vô cùng hoan hỷ thưa với phụ-thân rằng: Pabbajissāmi tātā.

–   Kính thưa phụ-thân, con muốn xuất-gia trở thành tỳ- khưu-ni. Thưa phụ-thân.

Ông phú hộ đưa cô tiểu-thư đến ngôi chùa tỳ-khưu-ni, xin cho cô tiểu-thư xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni.

Sau khi trở thành tỳ-khưu-ni không lâu, một hôm, ban đêm đốt đèn trong chánh-điện, nhìn thấy ánh sáng đèn, tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā dùng làm đề-mục thiền-định tejokasiṇa: đề-mục-lửa, để thực-hành pháp-hành thiền- định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi sử dụng bậc thiền sắc-giới thiện-tâm làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ, để thực-hành pháp-hành thiền- tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cùng với tứ-tuệ-phân-tích, đặc biệt chứng đắc lục-thông.

Về sau, Đức-Phật tuyên dương Ngài Đại-đức tỳ-khưu- ni Uppalavaṇṇā là bậc Thánh-nữ Tối-thượng thanh-văn đệ-tử xuất sắc nhất về phép-thần-thông trong các hàng nữ Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, đúng theo nguyện vọng tiền-kiếp của Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā và đã được Đức-Phật Padumuttara thọ ký trong quá khứ.

Ngài Đại-đức Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇāttherī bị hãm hiếp

Một thuở nọ, Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā ở trong cốc nhỏ trong rừng, Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni đi vào kinh-thành Sāvatthī để khất thực.

Khi cô tiểu-thư Uppalavaṇṇā còn sống tại-gia, tên Nanda là con của một người cô, say mê sắc đẹp của cô tiểu-thư Uppalavaṇṇā. Đến khi cô tiểu-thư Uppala- vaṇṇa đã xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni và đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Tên Nanda theo dõi biết Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā ở trong rừng, biết giờ Ngài Đại-đức tỳ- khưu-ni đã đi khất thực, nên y lén vào cốc của Ngài Đại- đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā trong rừng, nằm chờ ở dưới giường.

Khi khất thực độ xong, Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā trở về cốc trong rừng, vừa ngồi lên giường, tên Nanda bò ra từ dưới giường, dùng sức mạnh cưỡng hiếp Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni.

Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni đã ngăn cấm rằng:

–   Này tên si mê ngu muội (bāla)! Ngươi chớ nên làm điều tội lỗi!

–   Này tên si mê! Ngươi chớ nên làm điều tội lỗi!

Mặc dù Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni đã ngăn cấm, nhưng tên Nanda vì quá si mê, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên đã dùng sức mạnh hãm hiếp Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni do năng lực dục vọng của y.

Cho nên, y đã tạo ác-nghiệp trọng-tội, nên mặt đất nứt nẻ ra, ngọn lửa phun lên hút y vào trong lòng đất.

Sau khi tên Nanda chết, ác-nghiệp trọng-tội cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci ngay trong ngày hôm ấy, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy bị thiêu đốt trong cõi đại-địa-ngục ấy suốt thời gian lâu dài nhiều đại-kiếp trái đất.(1)

Hiện-kiếp-quả-nghiệp (diṭṭhadhammavedanīyakam-ma) là nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện-tại.

Ví dụ nôm na dễ hiều như sau:

* Một kẻ cướp của sát nhân bị bắt quả tang, bị mọi người đều chê trách, bị nhà chức trách bắt giam giữ trong tù, chờ xét xử tội phạm, v.v… tòa tuyên án tội tử hình tên cướp của sát nhân ấy.

Đó là ác-nghiệp cho quả ngay trong kiếp hiện-tại.

* Một người cứu người khác thoát chết, nên được mọi người tán dương ca tụng, khen thưởng xứng đáng, v.v…

Đó là đại-thiện-nghiệp cho quả ngay kiếp hiện-tại.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app