2.3- Āciṇṇakamma: Thường-hành-nghiệp

Thế nào gọi là thường-hành-nghiệp?

Ācīyati punappunaṃ karīyatīti āciṇṇaṃ: nghiệp nào mà người thường hành hằng ngày, đêm, trở thành thói quen, thường được tích lũy hằng ngày, đêm, nghiệp ấy gọi là thường-hành-nghiệp, đó là 12 bất-thiện-nghiệp (12 ác-nghiệp) và 8 dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện- nghiệp).

* Thường-hành-nghiệp có 2 loại:

2.3.1- Thường-hành ác-nghiệp (akusala āciṇṇa- kamma) đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 ác-tâm.

2.3.2- Thường-hành đại-thiện-nghiệp (kusala āciṇṇa- kamma), đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm (8 đại-thiện-tâm).

2.3.1- Thường-hành ác-nghiệp

Người thường tạo ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý hằng ngày để nuôi mạng hoặc không phải để nuôi mạng, ác-nghiệp ấy gọi là thường-hành ác-nghiệp.

Ví dụ: Người dân chài làm nghề đánh cá, người làm nghề giết gà, giết vịt, giết heo, giết bò, … để bán thịt, người buôn bán rượu, bia và các chất say, người buôn bán các loại thuốc sát hại sinh vật, v.v… đều là những người hằng ngày thường tạo ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Đó là thường-hành ác-nghiệp.

* Hay một trường hợp đặc biệt khác: Người nào đã tạo ác-nghiệp nào đó, tuy chỉ có một lần, nhưng ác- nghiệp cứ ám ảnh trong tâm của người ấy, làm cho tâm của người ấy luôn luôn hối hận, nóng nảy, khổ tâm.

Đó cũng là thường-hành ác-nghiệp.

Nếu người nào không có trọng-yếu ác-nghiệp trọng- tội cũng không có cận-tử ác-nghiệp lúc lâm chung, sau khi người ấy chết, thì chắc chắn thường-hành ác-nghiệp có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả  của  ác-nghiệp  gọi  là  tái-sinh-tâm  (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa- ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

2.3.2- Thường-hành đại-thiện-nghiệp

*   Người cận-sự-nam, người cận-sự-nữ là những người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức- Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, nên thường hay tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các thứ vật dụng cần thiết đến chư tỳ-khưu-Tăng, chư sa-di, những người nghèo khổ khác, giữ gìn ngũ-giới, bát-giới uposathasīla, trong những ngày giới hằng tháng, v.v…

Hằng ngày, họ tụng kinh paritta Pāḷi, thường thực- hành pháp-hành thiền-định mà chưa chứng đắc được bậc thiền nào, thường thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, mà chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, nên tâm vẫn còn thuộc về đại-thiện-nghiệp, và hoan hỷ tạo mọi thiện- nghiệp khác. Đó là thường-hành đại-thiện-nghiệp.

*    Vị sa-di giữ gìn giới của sa-di trong sạch và trọn vẹn, thực-hành đầy đủ 14 pháp-hành của sa-di, thường thực-hành pháp-hành thiền-định mà chưa chứng đắc bậc thiền nào, thường thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, mà chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, nên tâm vẫn còn thuộc về đại-thiện-nghiệp. Đó là thường-hành đại- thiện-nghiệp.

*    Vị tỳ-khưu giữ gìn giới của tỳ-khưu trong sạch và trọn vẹn, thực-hành 14 pháp-hành của tỳ-khưu, thường thực-hành pháp-hành thiền-định mà chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, nên tâm vẫn còn thuộc về đại-thiện-nghiệp. Đó là thường-hành đại-thiện-nghiệp.

*    Hay một trường hợp đặc biệt khác: Người nào đã tạo phước-thiện nào đó thuộc về đại-thiện-nghiệp, dù chỉ có một lần, đặc biệt vẫn thường niệm tưởng đến phước- thiện ấy. Mỗi khi niệm tưởng đến phước-thiện ấy thì đại- thiện-tâm phát sinh vô cùng hoan hỷ trong phước-thiện ấy. Đó cũng là thường-hành đại-thiện-nghiệp.

Nếu một người không có trọng-yếu thiện-nghiệp và không có cận-tử đại-thiện-nghiệp lúc lâm chung, sau khi người ấy chết, thì chắc chắn thường-hành đại-thiện- nghiệp trong đại-thiện-tâm có quyền ưu tiên, có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla)   có   đại-quả-tâm   gọi   là   tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới (cõi người, hoặc cõi trời dục-giới), hưởng được quả an-lạc cho đến khi mãn quả của đại-thiện- nghiệp ấy mới rời khỏi cõi thiện-dục-giới ấy.

Nhận xét về cận-tử-nghiệp và thường-hành-nghiệp

Nếu xét về năng lực của nghiệp thì cận-tử-nghiệp không thể có nhiều năng lực hơn thường-hành-nghiệp, bởi vì cận-tử-nghiệp được phát sinh trong khoảng thời gian ngắn ngủi lúc lâm chung, còn thường-hành-nghiệp đã được tích lũy, được lưu-trữ trong tâm suốt khoảng thời gian lâu dài trong kiếp hiện-tại.

Vì vậy, thường-hành-nghiệp có nhiều năng lực hơn cận-tử-nghiệp.

Tuy cận-tử-nghiệp có ít năng lực hơn thường-hành- nghiệp, nhưng cận-tử-nghiệp này phát sinh lúc lâm chung có khả năng làm phát sinh 1 trong 3 đối-tượng hiện-tượng là nghiệp (kamma) hoặc hiện-tượng của nghiệp (kammanimitta) hoặc hiện-tượng cõi-giới tái-sinh (gatinimitta) làm đối tượng trong cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta), nên cận-tử-nghiệp này có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.

Ví dụ: Trong chuồng bò, nếu có con bò yếu đứng gần cổng chuồng, khi người chăn bò mở cổng chuồng thì con bò yếu đi ra cổng trước các con bò lực lưỡng khác.

Cũng như vậy, cận-tử-nghiệp tuy có ít năng lực hơn thường-hành-nghiệp nhưng cận-tử-nghiệp được phát sinh trong lúc gần lâm chung, cho nên, sau khi chết, cận-tử- nghiệp có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.

Vì vậy, trong bộ Abhidhammasaṅgaha: Vi-Diệu- Pháp Yếu-Nghĩa, giải về nghiệp theo tuần tự cho quả, Ngài Đại-Trưởng-lão Anuruddha sắp đặt cận-tử-nghiệp trước, thường-hành-nghiệp sau.

Trong 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định, nếu chúng-sinh nào không có loại trọng-yếu-nghiệp (garukakamma), cũng không có loại cận-tử-nghiệp (āsannakamma) và cũng không có loại thường-hành- nghiệp (āciṇṇakamma), thì sau khi chúng-sinh ấy chết bình-thường-nghiệp (kaṭattākamma) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app