MẤT LỢI (Alabha) VÀ ĐỨC PHẬT

Có lần đức Phật sống gần một ngôi làng của người Bà-la-môn gọi là Pađcasāla. Sở dĩ ngài sống gần đó là vì ngài thấy trước rằng năm trăm thiếu nữ của ngôi làng ấy sẽ chứng đắc đạo quả nhập lưu. Vào ngày lễ tế sao quan trọng theo truyền thống bà-la-môn hôm ấy, các cô thiếu nữ được phép đi ra khỏi làng và đến tắm ở một bến sông. Sau khi tắm xong họ quay trở về làng. đúng lúc đó đức Phật cũng đi vào làng Pađcasāla để khất thực. 

Cái tên Pađcasāla có nghĩa là “Năm Nhà”. Ngôi làng lúc đầu được thành lập bởi năm gia chủ, sau đó nó đã phát triển thành một ngôi làng lớn hơn. Vì có năm trăm thiếu nữ nên dân số của ngôi làng chắc hẳn không dưới hai ngàn người và lẽ đương nhiên phải có cả trăm ngôi nhà hoặc hơn

Dân làng lúc đó đang bị ảnh hưởng của chú thuật Ma-Vương (Māra) nên không thể chuẩn bị đồ ăn để đặt bát cho đức Phật. Vì thế đức Phật không nhận được gì dù chỉ là một muỗng cơm. Trên đường trở về, Ma-Vương hỏi đức Phật, “Này Sa-môn, ông có được gì không?” đức Phật nói, “Này Ma-vương, có phải ngươi đã ngăn dân làng không cho cúng dường thức ăn đến ta?” Ma-Vương nói, “Ngài có thích quay trở lại để đi bát không?” Tất nhiên ý định của Ma-Vương lúc này là sẽ xúi giục dân làng chế giễu ngài.

Lúc bấy giờ năm trăm cô gái từ bờ sông cũng đã về đến cổng làng. Họ đảnh lễ đức Phật và ngồi xuống một bên trong khoảng cách thích hợp. Ma-Vương hỏi đức Phật, “Hôm nay không nhận được đồ ăn, ngài không cảm thấy buồn sao?” Sở dĩ đức Phật đến đây là để có được cơ hội này qua đó ngài có thể thuyết pháp độ cho năm trăm cô thiếu nữ. Vì thế đức Phật nói, “Này Ma-Vương! Cho dù ta không nhận được chút gì để ăn hôm nay, Ta vẫn sẽ giữ được niềm hỷ lạc (pīti sukha) giống như đại Phạm Thiên của cõi trời Quang Âm (Ābhassara, 光音[天] Quang Âm Thiên).” Sau đó đức Phật nói lên bài kệ PāLi sau, đặc biệt nhắm vào năm trăm cô thiếu nữ:

Susukhaµ vata jivāma 

Yesaµ no natthi Kiđcanaµ. 

Pītibhakkhā bhavissāma 

Devā ābhassarā yathā

“Vui thay chúng ta sống, 

Không gì, gọi của ta. 

Ta sẽ hưởng hỷ lạc, 

Như chư thiên Quang Âm.”

“(Chúng ta không có bất kỳ ước muốn sở hữu nào, chúng ta cũng không có sự lo lắng phát sanh do dục vọng (rāga) và phiền não (kilesa) nào. Chúng ta sống hạnh phúc hôm nay. Giống như Phạm Thiên cõi Quang Âm, chúng ta sống nhờ hỷ duyệt thực.)”

Có người sát sanh, trộm cắp để kiếm tiền. Có người làm ăn bằng cách lừa đảo và dối trá. Những người như vậy thường nghĩ rằng họ có được hạnh phúc là nhờ thành quả của những hành động xấu (nghiệp bất thiện) của họ nhưng thực sự họ đang tạo ra đau khổ vì họ sẽ đi đến địa ngục do những hành động xấu ấy. Cho dù một người kiếm sống bằng những phương tiện làm ăn lương thiện, cũng không thể nói là họ đang kiếm sống một cách thích hợp trừ phi những nghề nghiệp của họ thoát khỏi những mong cầu và lo lắng. Còn đối với đức Phật, không có những tham dục phát sanh do mong cầu và lo lắng, cũng không có sân hận phát sanh do bất toại nguyện khi bị từ chối những cái cần thiết, hay không có si mê phát sanh do những quan niệm sai lầm về tốt xấu, thiện ác. đức Phật không còn phiền não, nhờ vậy ngài giữ được vẻ an tịnh với sự vững chắc của tâm bất chấp việc ngài không nhận được chút thức ăn nào ngày hôm ấy. đây thực sự là niềm an lạc phát sanh từ Pháp. Vì thế đức Phật của chúng ta luôn luôn sống an vui bất chấp những thử thách cam go.

Tuy nhiên, người ta có thể hỏi liệu đức Phật có thể sống an vui không cần ăn cả ngày được không. Tất cả chúng sanh trong cõi dục (kāma vacara) bắt buộc phải có bốn điều kiện cần thiết (kamma, citta, utu, āhāra — nghiệp, tâm, thời tiết, và vật thực) để duy trì sự sống, hay để duy trì sự hiện hữu của thân vật lý. Ba điều kiện đầu không quan trọng, nhưng āhāra hay vật thực là điều kiện đòi hỏi phải có một cách chắc chắn nếu một người muốn tồn tại. Con người phải ăn hai hay ba lần một ngày. Con vật cũng vậy, phải đi ra ngoài để kiếm ăn. Trong bốn món vật dụng — y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc trị bệnh, vật thực là quan trọng nhất. Có thể nói kiếm ăn là điều phiền phức lớn nhất và tất cả mọi chúng sanh đều phải đi tìm thức ăn. Loài kiến rất cần cù, chúng đi kiếm thức ăn cả ngày lẫn đêm. Chúng không thể giữ được sự an tịnh và ổn định nếu không có thức ăn. Khi được hỏi về thức ăn, đức Phật trả lời rằng, giống như các vị Phạm Thiên trong cõi Quang Âm, hỷ lạc là thức ăn của ngài.

Các vị Phạm Thiên không ăn uống như chúng ta. Họ luôn luôn ở trong trạng thái thiền (jhāna) với hỷ lạc sung mãn, và họ sống nhờ hỷ lạc ấy. Hỷ lạc này được phát triển cao độ khi họ đạt đến giai đoạn nhị thiền. Trong số các vị Phạm thiên đã đạt đến giai đoạn nhị thiền, thì đặc biệt Phạm Thiên của cõi trời Quang Âm có loại hỷ lạc thù thắng này. đó là lý do vì sao đức Phật nói rằng ngài có thể sống hạnh phúc như các vị Phạm Thiên cõi Quang Âm mặc dù ngài không có thức ăn để ăn trong ngày hôm đó.

Hỷ có thể thay thế cho thức ăn. Sự kiện này được minh chứng rõ ràng trong thế gian này ở lãnh vực tinh thần. Một số người quá vui mừng trước một sự thành công nào đó mà họ đã vất vả để hoàn thành và trong lúc niềm vui lớn ấy đang kéo dài họ không muốn ăn hay muốn ngủ gì cả. Những người cảm thấy hoan hỷ với việc phước thiện nào đó mà họ đã làm cũng vậy, có thể bỏ cơm hai hoặc ba bữa là thường. Những người đang lắng sâu trong thiền có thể ngồi yên một hoặc hai ngày không cần đứng dậy ăn uống hay đại tiểu tiện. đức Phật có thể ngồi yên suốt cả tuần khi ngài nhập Thánh Quả định (phala samāpatti) hay Diệt Tận định (nirodha samāpatti). Ngài cũng có thể sống mà không ăn trong một ngày rất dễ bằng cách hành Vipassanā. Vì thế ngài nói rằng hỷ là thức ăn cho ngài trong ngày hôm ấy. Dù câu trả lời ngài đưa ra là để đáp lại câu hỏi của Ma-Vương, nhưng năm trăm cô gái cũng được nghe bài pháp này và tất cả họ đều đắc đạo quả nhập lưu.

Tại sao năm trăm thiếu nữ này trở thành bậc thánh nhập lưu chỉ nhờ nghe câu trả lời đơn giản của đức Phật cho Ma Vương như vậỵ Lý do nằm ở chỗ, các cô thiếu nữ này đã có ba-la-mật đặc biệt. Trong quá khứ họ từng có cơ hội gặp Phật, đảnh lễ và nghe pháp nơi ngài. Vì thế, khi nghe câu trả lời của đức Phật (cho Ma Vương) họ ngập tràn niềm hỷ lạc cũng như có niềm tin nơi ngài. Xuất phát từ sự tin chắc của họ về các đức cao quý của đức Phật hiển hiện trong việc đã diệt trừ mọi phiền não và an trú trong hỷ lạc dù bị Ma-Vương tước đoạt mất thức ăn trong ngày hôm đó. Họ suy tư trên tính chất vô thường, khổ và vô ngã của hỷ lạc ấy và có được trí tuệ minh sát dẫn đến sự chứng đắc đạo quả nhập lưu.

Chúng ta, những người đang đọc cuốn sách này cũng có thể có được trí tuệ minh sát và chứng đắc đạo quả như vậy nếu chúng ta hình dung được một cách rõ ràng khung cảnh đang diễn ra tại cổng làng Pađcasala và suy tư trên câu trả lời của đức Phật cho Ma-Vương. Khi ấy, chúng ta cũng có thể phát sanh hỷ lạc và nếu chúng ta suy tư trên hỷ lạc ấy với tâm minh sát chúng ta có thể đắc đạo quả giống như năm trăm cô thiếu nữ của ngôi làng đó vậy.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app