Nội Dung Chính
Dhamma Giri, Ấn độ Tháng 12, năm 1985 |
Làm Thế Nào Để Phục Vụ Giúp Chính Mình Được Lợi Lạc?
Những con trai và con gái Dhamma thân mến của thầy,
Tối nay thầy muốn nói vài điều về cách phục vụ cho khóa thiền, sự cách biệt nam nữ và sử dụng Dana.
Sáng sớm ngày hôm nay thầy đã đọc những điều lệ về kỷ luật cho người phục vụ Dhamma một lần nữa; Đó là một bản viết rất hay và tràn đầy Dhamma. Có thể tất cả các con đã đọc rồi nên nếu thầy lặp lại thì nó không có ý nghĩa gì cả. Nếu chỉ đọc mà không tuân theo điều lệ này, thì cũng không có ích gì cả.
Các con ở đây – trên đất Dhamma vì cho sự lợi lạc của chính các con, cho dù các con phục vụ người khác nhưng đó cũng là phục vụ lợi ích của chính mình. Thầy muốn mọi thiền sinh Vipassana trở nên ích kỷ. Đây là giáo huấn của Đức Phật: Hãy ích kỷ. Nhưng cũng nên hiểu rằng sự lợi lạc của mình nằm ở đâu? Những hành động bằng ý nghĩ là những hành động đích thực chứ không phải là hành động bằng việc làm hay lời nói – đây là điều mà các con học được trong Dhamma. Nếu tâm ý là bất thiện thì các con sẽ làm hại chính mình, cho dù các có vẻ như đang phục vụ rất nhiều cho thiền sinh.
Có hai loại phục vụ Dhamma. Loại phục vụ thứ nhất, các con không tiếp xúc với thiền sinh. Các con có thể tưới cây, lau nhà, chùi rửa nhà vệ sinh v.v… Loại phục vụ thứ hai: Có liên quan trực tiếp với thiền sinh. Cho dù sự phục vụ khiến các con có thể tiếp xúc với thiền sinh hay là không, các con phải có được lợi ích tối đa trong thời gian các con ở đây.
Khi các con phục vụ trong đường lối không tiếp xúc với thiền sinh, không ngừng xem xét là có bao nhiêu niềm vui và sự vị tha mà các con đang tạo ra. Trong khi các con chùi rửa hoặc sơn nhà, các con nên nghĩ một cách vui vẻ rằng, “ấn tượng đầu tiên của thiền sinh mới khi tới một trung tâm Dhamma này rất quan trọng. Sự phục vụ của tôi sẽ giúp cho rất nhiều người khi họ tới đây.”
Khi các con tưới cây, các con nên cảm thấy tràn đầy an vui. Các con nên hòa nhịp với từng cây cỏ. Khi chăm sóc chúng với tình thương, các con sẽ bắt đầu cảm thấy cây cối cũng tỏa ra tình thương và rung động Dhamma. Mọi công việc ở đây sẽ chỉ trở nên có giá trị khi các con tạo ra niềm vui vị tha trong khi làm việc. Nếu các con nghĩ, “Để coi, tôi muốn tham dự những khóa thiền một cách liên tục nhưng ban quản trị không cho phép. Tôi không có đủ tiền để thuê khách sạn, do đó tôi phải ở đây phục vụ với những bất tịnh.” Khi đó các con sẽ làm ô nhiễm bầu không khí Dhamma trong mảnh đất này.
Nếu sự phục vụ mà tiếp xúc trực tiếp với thiền sinh, các con không ngừng xem xét mình, “Bằng sự phục vụ này, tôi đang làm hại hay giúp chính mình?” Hãy nên ích kỷ. Đôi khi trong một giờ ngồi thiền chung, thầy thấy một người hành thiền còn mới, có thể do không hiểu hoặc vì lý do nào đó, đứng lên và đi ra ngoài thiền đường. Rồi thầy rất buồn khi thấy một người phục vụ Dhamma mặt mày cau có, chạy theo thiền sinh này. Người phục vụ này sẽ hành xử như thế nào ở bên ngoài? Thầy biết rõ những điều người đó nói ra sẽ đầy bất tịnh. Nếu các con có một gương mặt cau có, thì các con đang phục vụ kiểu gì vậy? Khó mà giúp người khác trong khi chính các con đang tạo ra bất tịnh. Cho dù thiền sinh phạm giới một cách cố ý và không tôn trọng kỷ luật của trung tâm, sự cau có của con sẽ giúp ích bằng cách nào? Các con cần một nét mặt tươi vui và lòng trắc ẩn đối với thiền sinh này. Các con ở đây để phục vụ những người này. Nếu điểm này bị bỏ quên thì sự phục vụ các con không còn là phục vụ nữa.
Thầy nhận được những lá thư của thiền sinh từng tới Dhamma Giri nói rằng, họ rất ngưỡng mộ những người phục vụ Dhamma, nhiều người đã phục vụ với đầy an vui, lòng trắc ẩn và Mettā. Tuy nhiên, thầy cũng nhận được những thư chỉ trích, “Đây có phải là một điển hình của Dhamma không? Người phục vụ tôi đã gặp tràn đầy bất tịnh, không có một chút Mettā nào ở người đó. Và tôi thấy rằng toàn thể bầu không khí tràn đầy bất tịnh.” Nếu một người phục vụ tạo ra bất tịnh đối với một thiền sinh thì thiền sinh sẽ cảm thấy bị bao trùm bởi bất tịnh. Do sai lầm vì quá nhiệt tình trong lúc phục vụ, các con đã tạo ra hàng rào ngăn cản họ tăng tiến trong Dhamma. Người này sẽ không bao giờ trở lại trung tâm Dhamma, và có thể trở thành rào cản cho những người khác bằng cách nói, “Tại các trung tâm đó, họ nói về Dhamma nhưng không thực hành Dhamma.”
Nếu hành xử lỗ mãng, không có tình thương, không có lòng trắc ẩn hay cảm tình cho thiền sinh, thì cho dù các con làm việc chăm chỉ đến đâu đi nữa, các con đã không phục vụ họ đúng đắn. Thay vào đó các con nên cảm thấy, “Bằng sự phục vụ của tôi, tôi có thể khuyến khích các thiền sinh đang đối mặt với giông bão. Tôi cũng đã trải qua những giông bão đó khi ngồi khóa thiền đầu tiên.” Không nên bỏ qua thực tế là thiền sinh đã phá giới và vi phạm luật lệ, nhưng nên có hảo ý trong việc đối xử với họ. Nếu đảm bảo được điều này, các con không những phục vụ thiền sinh mà còn phục vụ chính mình.
Nhiều thiền sinh phương Tây đến phục vụ Dhamma ở Dhamma Giri, nơi có rất nhiều thiền sinh người Ấn Độ. Sự liên hệ rất khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, nhưng thầy luôn luôn nói rằng, “Ngôn ngữ của Dhamma sẽ luôn được hiểu, các con không cần phải nói gì cả.” Nếu một thiền sinh Ấn Độ phạm giới, chỉ đi tới và mỉm cười, chắp tay theo truyền thống chào nhau của Ấn Độ. Thế là đủ để người đó hiểu. Các con không cần phải nói gì cả. Nếu các con nói cả trăm lời với sự cau có, nó không giúp ích được cho ai cả.
Một vài điều về sự cách biệt nam nữ: Thầy biết rằng hầu hết các thiền sinh phương Tây xuất thân từ nền văn hóa xa lạ với sự cách biệt nam nữ và họ không thể hiểu tại sao phải cần như vậy. Nhưng Đức Phật đặc biệt nói về sự cách biệt nam nữ, đây là một phần của giáo huấn. Chúng tôi đã thấy, không những chỉ một hay hai, mà hàng là trăm trường hợp khi Māra [những lực đối kháng với sự giải thoát] tạo ra khó khăn với những người hành thiền trong khu vực này. Kẻ thù lớn nhất của các con là dục vọng. Một người hành thiền thường dễ dàng loại trừ được những bất tịnh khác mà không gặp khó khăn. Nhưng bất tịnh về đam mê tình dục thì rất sâu nên khó loại trừ.
Hai sự nguy hiểm có thể có. Một là Māra có thể kích thích những hạt giống đam mê tình dục ở các con. Các con có thể nói với người khác phái mà không có một ý tưởng xấu nào. Nhưng một khi các con bắt đầu nói, rồi đứng mỗi lúc một gần hơn người đó, sự gần gũi có thể kích thích sự đam mê. Đây là một nhà thương, nơi cuộc giải phẫu rất sâu được thực hiện. Cuộc giải phẫu khiến các Saṅkhāra về đam mê tình dục có thể bị lay động. Trong khi nói và đứng gần một người khác phái, các Saṅkhāra có thể chế ngự các con. Các con có thể phạm một lỗi lầm rất có hại cho mình, và cũng có hại người kia.
Có một nguy hiểm khác, đặc biệt đối với thiền sinh phương Tây ở Ấn Độ. Có một ngạn ngữ rất hay nói rằng, “Khi ở La Mã, hãy hành xử như người La Mã.” Khi các con ở nước này, hãy quên đi những gì các con làm ở nước mình. Các con sống ở trong một xã hội, nơi có những lối hành xử khác hẳn với những gì ở phương Tây. Bất hạnh thay, một số những người được gọi là đạo sư đã giảng dạy những thứ linh tinh ở bên phương Tây, dưới danh nghĩa dạy thiền. Bởi vậy nhiều người Ấn Độ đã nghi ngờ cách hành thiền của các thiền sinh cũng như các thiền sư phương Tây. Họ nghi ngờ trung tâm thiền là nơi có sự tự do tình dục, nơi người ta bị lợi dụng. Nếu người Ấn Độ thấy một hoặc hai người Tây phương ở trong đất Dhamma ngồi hoặc nằm, hoặc đi chung với nhau theo cách đặc biệt nào đó, sự nghi ngờ sẽ nảy sinh trong tâm họ. Các con đã không hiểu rằng mình đang tạo ra những chướng ngại lớn cho sự tiến bộ của Dhamma trên mảnh đất này.
Rất có thể một người nam hay người nữ phương Tây đi chung với nhau mà không có một đam mê tình dục nào ở trong tâm, kể cả khi người này cầm tay người kia. Nhưng khi một người ở phương Đông thấy điều này, sự đam mê bị kích thích vì không có ai ở đây hành xử theo kiểu đó, ngay cả vợ chồng cũng không làm thế nơi công cộng. Các con sẽ trở thành một hạt giống Māra cho thiền sinh Ấn Độ và bắt đầu làm hại họ.
Bậc giác ngộ đã biết được điều này. Khi các con ở trên đất Dhamma, các con phải học cách sống như một vị tăng, một vị ni. Hãy hết sức cẩn thận. Sự cách biệt nam nữ sẽ giúp các con xóa bỏ sự đam mê tình dục ở tầng lớp sâu thẳm nhất. Nó sẽ giúp không tạo ra đam mê thể xác một cách dễ dàng.
Cho dù điều lệ này trông có vẻ khó chịu đến đâu đi nữa, nó sẽ có lợi cho chính các con. Khi các con đến một nhà thương thì các điều lệ phải được tuân thủ dù các con có thích hay không vì nó giúp ích cho các con. Tương tự như thế, khi các con tới một nhà thương như thế này, một nhà thương Dhamma. Tất cả mọi điều lệ phải tự nguyện tuân thủ, không nên có những bức xúc về chúng. Chúng là để đảm bảo lợi ích cho chính các con và những người tới tham dự khóa thiền.
Bây giờ là một vài lời về sự sử dụng Dāna: Trong khi phục vụ Dhamma, những người phục vụ Dhamma phí phạm dù chỉ một xu của Dhamma, thì người đó không phục vụ một cách thiết thực. Người ta phải làm việc cực nhọc để kiếm tiền một cách lương thiện, nên rất khó để họ có thể hiến tặng. Vì vậy, bất cứ một sự hiến tặng nào nhận được đều phải sử dụng một cách đúng đắn. Một người phục vụ Dhamma không bao giờ được phí phạm dù chỉ một xu.
Trong thời Đức Phật, có một vị vua hiến tặng 500 bộ y phục cho những vị tăng, những thứ không đáng gì đối với một vị vua. Nhưng ông ta bị ràng buộc vào sự giàu sang của mình, do đó vua hỏi ngài Ananda, thư ký riêng của Đức Phật, “Ta đã hiến tặng 500 bộ y mới cho Saṅgha thì ông sẽ làm gì với chúng?”
Ngài Ananda trả lời, “Tôi sẽ giữ nó ở trong kho.”
“Tại sao vậy?”
“Chỉ khi nào tôi thấy y phục của một vị tăng bị rách nát, không dùng được nữa thì tôi mới cho dùng y phục mới. Đây là cách chúng tôi sử dụng vật hiến tặng.”
“Vậy ông sẽ làm gì với những y phục rách?” Nhà vua hỏi.
“Tôi sẽ cắt những bộ y rách ra nhiều mảnh để làm khăn trải giường.”
“Tốt lắm! Nhưng khi khăn trải giường bị rách thì ngài sẽ làm gì?”
“Tôi sẽ cắt ra thành những miếng nhỏ hơn để làm khăn lau mặt.” Ananda trả lời. “Tốt. Khi khăn mặt bị rách thì ông sẽ làm gì?”
“Tôi sẽ cắt nhỏ ra làm khăn lau tay.”
“Tốt. Khi thứ này rách thì ông sẽ làm gì?”
“Tôi sẽ lấy ra những miếng nhỏ và khâu chúng lại với nhau để làm giẻ lau cho những người bị dính bùn vào chân.”
“Khi chúng bị rách thì ông sẽ làm gì?”
“Tôi sẽ gom thành vải vụn, và tiếp tục tạo ra thứ gì đó hữu ích từ chúng.”
“Thật tuyệt vời!”
Đây là đường lối của Đức Phật. Những người hiến tặng trông đợi Dāna của họ được sử dụng đúng đắn. Khi họ đến và thấy mọi thứ vất vương vãi, họ sẽ nghĩ rằng những người ở đây không chăm sóc những phẩm vật nhận được, kết quả là họ sẽ không hiến tặng thêm thứ gì khác. Mọi sự hiến tặng phải được xử dụng đúng đắn.
Hãy nhớ ba điều này trong tâm: Sự phục vụ của các con phải là sự phục Dhamma đích thực, khiến cho các con có được lợi lạc đích thực. Sự cách biệt nam nữ phải được thi hành vì lợi lạc của chính các con. Và cuối cùng, hãy sử dụng những sự hiến tặng một cách tốt nhất vì lợi ích cho chính các con.
Dhamma là sự giải thoát cho chính mình và sự giải thoát cho người khác. Hãy tận dụng Dhamma trong khi các con ở lại nơi đây. Nếu sự phục vụ của các con là tốt đẹp, hãy cải tiến nó bất cứ khi nào có thể được. Các con hãy học cách phục vụ một cách tốt đẹp và thu lượm được công đức. Hãy có được sự thanh tịnh trong tâm. Hãy phát triển Pāramī và thoát khỏi khổ đau.
Bhavatu subba mangalam.
Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.
AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI