Dhamma Mahi, Pháp

Tháng 8 năm 1988

Làm thế nào để củng cố một trung tâm Dhamma

Các con trai con gái Dhamma thân mến của Thầy,

Bây giờ chúng ta có một trung tâm tại châu Âu, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là làm thế nào để duy trì kỷ luật tại đây. Dĩ nhiên kỷ luật cũng được duy trì tại những nơi không phải là trung tâm, nhưng ở đây quan trọng hơn vì chúng ta muốn phát triển những rung động Dhamma tốt lành để những thiền sinh tới đây hưởng được nhiều lợi lạc hơn so với nơi không phải là trung tâm.

Hãy hiểu rằng: Một trung tâm Dhamma không phải được tạo dựng chỉ vì lợi ích của những thiền sinh trong hiện tại. Nếu được điều hành đúng đắn, trung tâm sẽ tiếp tục phục vụ nơi đây qua nhiều thế hệ, có thể qua nhiều thế kỷ. Các con, những người tạo dựng trung tâm là những người tiên phong và có một trách nhiệm lớn lao. Nếu các con duy trì được sự thuần khiết của phương pháp, sự thuần khiết của giáo huấn và sự thuần khiết của những rung động (môi trường) Dhamma, những thế hệ tương lai sẽ bắt chước các con và cũng làm y hệt; và như vậy từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác những rung động sẽ mỗi lúc một mạnh mẽ hơn.

Một số thiền sinh sẽ không thích một vài điều lệ nào đó. Đây là nhiệm vụ của những thiền sinh kỳ cựu, thành viên ban điều hành, ban tổ chức, và thiền sư phụ tá thuyết phục được những người này rằng đây là điều cần thiết. Các con có thể giải thích rằng luật lệ tại nhà thương là điều cần thiết cho lợi ích của bệnh nhân, và tương tự như thế, kỷ luật cũng cần thiết tại trung tâm Dhamma này, giống như nhà thương là dành cho những người bị khổ đau. Sự thật nó quan trọng hơn tại trung tâm Dhamma bởi vì nếu kỷ luật nơi đây lơi lỏng, những lực đối kháng với Dhamma (Mara, ma lực) sẽ bắt đầu hoành hành.

Thầy nhớ trường hợp xảy ra tại một trong những trung tâm ở phương Tây, một vài thiền sinh kỳ cựu nói với Thầy là điều lệ cách biệt nam nữ chỉ thích hợp cho phong tục phương Đông, mà không phù hợp với phương Tây. Họ nói: “Nếu Thầy áp dụng điều lệ này, nó sẽ là gánh nặng cho thiền sinh. Tại đây khi gặp nhau, người ta bắt tay, ôm và hôn nhau trên má, do đó đụng chạm tay chân khó mà tránh được. Nếu không cho họ làm như vậy, họ sẽ bất mãn vì nghĩ rằng chúng ta quá khó khăn.”

Thầy không hài lòng, nhưng vì thiền sinh tiếp tục năn nỉ và họ là những người thành thực và đầy kính trọng, Thầy nói, “Thôi được, để chúng ta thử xem sao. Không nên khuyến khích sự đụng chạm tay chân, nhưng khi nào không thể tránh được, điều lệ này có thể du di.”

Chỉ ít lâu sau đó, Mara bắt đầu tác động và sau khoảng một năm, một cặp vợ chồng, cả hai đều là thiền sinh kỳ cựu, ly dị nhau bởi vì cả hai đều có liên hệ tình ái với hai thiền sinh kỳ cựu khác ở trung tâm. Trung tâm đã trở thành nơi để tán tỉnh, và điều này khuyến khích những thiền sinh khác bắt chước. Môi trường trở nên rất tồi tệ, và chính những thiền sinh này nhận ra rằng kỷ luật chặt chẽ phải được duy trì; bằng không trung tâm sẽ hư hỏng.

Chúng ta có thể học hỏi từ một sai lầm; chúng ta sẽ không phạm cùng một lỗi lầm ở mọi trung tâm. Bởi vậy hãy hết sức cẩn thận, không để cho Mara tìm thấy một kẽ hở dù rất nhỏ nhặt, để xâm nhập vào đất Dhamma. Nếu không Mara sẽ ngăn cản sự lan truyền của Dhamma.

Bây giờ tại Dhamma Mahi, cũng như tại những trung tâm thuở ban đầu, một số trong các con muốn nới lỏng kỷ luật. Đã có một số người chống đối việc ở đây không được ca hát hoặc giao du trong thời kỳ giữa hai khóa thiền. Không nên, điều đó không tốt cho trung tâm Dhamma. Không có gì sai quấy trong việc thiền sinh Vipassana giao du với nhau, nhưng không nên làm như thế tại đất Dhamma. Mảnh đất này chỉ dùng để thực hành Dhamma. Cho dù có khóa thiền hay không, kỷ luật chặt chẽ phải được duy trì.

Hãy nhớ rằng, mặc dù các con thi hành điều lệ một cách chu đáo, các con không được sinh ra bất tịnh. Nếu có bất tịnh trong tâm, các con đòi hỏi một thiền sinh làm việc một cách đúng đắn, thì chính các con đã bắt đầu làm hư hỏng môi trường, chính các con đã vi phạm kỷ luật. Nếu có ai phạm kỷ luật, phải có vô lượng từ bi và vô lượng tình thương đối với người này. Các con phải cứng rắn, nhưng phải với tình thương và lòng từ bi sâu đậm.

Khi nói với một thiền sinh có điều sai quấy, trước tiên hãy xem xét tâm mình có được bình tĩnh hay không, và các con có phát sinh tình thương và lòngtừ bi đối với người này hay không. Chỉ khi nào được như vậy, các con mới nên nói với thiền sinhh này; nếu chưa được thì không nên. Nếu các con có những bất tịnh thì tốt hơn nên giữ im lặng và hãy để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên. Các con phải sửa mình trước rồi mới sửa đổi người khác. Điều này rất là quan trọng trong mảnh đất Dhamma; nếu không các con chẳng những làm hư hỏng môi trường mà còn xua đuổi người ta đi.

Khi thiền sinh thấy một người phục vụ kỳ cựu, một thành viên ban quản trị, một người quản lý, một thiền sư phụ tá nói lời hằn học, họ có được khích lệ để bước đi trên đạo lộ Dhamma hay không? Họ sẽ nghĩ, “Nếu những người này, những người đã ngồi rất nhiều khóa, ở đây để giúp người khác, mà không có một chút tình thương và lòng từ bi, thì đây là loại phương pháp gì thế? Ta sẽ học được những gì ở đây?”

Thay vì giúp người khác được củng cố trong Dhamma, các con sẽ xua đuổi họ đi. Tốt hơn nên bỏ qua một điểm về kỷ luật hơn là làm hư hỏng môi trường trong mảnh đất Dhamma bằng sự bất tịnh. Mọi người nên cẩn thận về điểm này.

Cũng không nên đi đến chỗ cực đoan. Chúng ta không muốn sơn phòng ốc Dhamma bằng màu đen hay màu đỏ, nhưng cũng không nên thái quá mà nói rằng, “Bởi vì không được dùng màu đỏ, chúng ta cũng không được dùng màu hồng, hay chúng ta không cho phép người khác mặc áo ấm màu đỏ hay màu hồng.”

Bây giờ, kỷ luật mà chúng muốn duy trì này là gì? Dĩ nhiên sự cách biệt nam nữ rất là thiết yếu. Cũng thế, tại một trung tâm Dhamma và nơi không phải là trung tâm, không được phép ca hát hay tụng niệm, ngay cả tụng niệm những lời về Dhamma. Hãy thuyết phục những người thắc mắc về điều lệ này bằng cách giải thích rằng, khi ta tụng niệm hay ca hát ta tạo ra những rung động, và chỉ có những người được huấn luyện đúng đắn mới được tụng niệm tại trung tâm. Người đã được huấn luyện đi vào sâu trong nội tâm với sự bình tâm và cảm nhận cảm giác mỗi khi ngừng tụng. Lối tụng niệm này tạo ra những rung động lành mạnh. Cho dù một thiền có kỳ cựu đến đâu đi nữa, nếu người đó chưa được huấn luyện đúng đắn để tụng thì tránh không nên tụng. Còn ca hát thì hoàn toàn không được phép.

Giữa các khóa thiền, không nên bàn tán về người khác và tán gẫu. Các con không phải giữ im lặng nhưng chỉ nên nói những gì cần thiết. Có bốn loại bất tịnh về lời nói: nói dối, nói xấu sau lưng, nói thêu dệt, và nói nhảm nhí. Mặc dù các con cần phải giữ im lặng, hãy cẩn thận để tránh loại bất tịnh thứ tư cùng với những bất tịnh khác.

Những thiền sinh muốn mang trẻ em tới trung tâm nên hiểu rằng trung tâm không có đủ người để chăm sóc chúng. Nếu cả gia đình tới, người cha nên ở phía ngoài để trông nom chúng trong khi người mẹ ngồi thiền, và ngược lại; việc này chấp nhận được. Rất may ở đây có nhiều đất; cần dàn xếp thế nào để những trẻ em này ở xa nơi hành thiền và không làm phiền thiền sinh. Hãy hiểu rằng, khi một người hành thiền thực hành Metta, những rung động tốt lành rất là mạnh: tương tự như thế nếu một thiền bất mãn với một đứa trẻ, sự bất tịnh cũng rất mạnh và sẽ có hại cho đứa trẻ. Vì lợi ích của trẻ em, cha mẹ không nên để chúng quấy phá trong trung tâm thiền.

Thiền sinh không được mang thú vật tới trung tâm trong cứ hoàn cảnh nào. Điều này tuyệt đối cấm tại trung tâm Dhamma. Nếu có ai mang thú vật tới, hãy nhã nhặn nói họ mang đi chỗ khác. Nếu không được, tốt hơn là họ nên ra về cùng với thú vật.

Kế đến là một câu hỏi quan trọng về thiền sinh và thiền sư phụ tá sống và làm việc chung một cách hài hòa tại trung tâm: Đối với những người khác, thiền sinh cũ và thiền sư phụ tá là những người đại diện cho Dhamma. Họ làm được gương tốt nào nếu họ tranh cãi và đổ lỗi cho nhau?

Đức Phật muốn những người hành thiền cư xử theo phương cách để củng cố niềm tin vào Dhamma trong tâm những người không tin vào Dhamma, và gia tăng niền tin cho những người đã tin vào Dhamma. Những thiền sinh có trách nhiệm phải hết sức cẩn trọng. Không làm bất cứ điều gì làm suy giảm sự tin tưởng và lòng thành tín của thiền sinh đối với Dhamma, hay xua đuổi thiền sinh mới khỏi đạo lộ Dhamma.

Mọi người tới đây để phục vụ chứ không phải để làm gia tăng bản ngã. Một thiền sư phụ tá không bao giờ nên cảm thấy, “Ta cao cả hơn tất cả các thiền sinh.” Con chẳng có gì vượt trội cả; con được giao cho trách nhiệm phục vụ trong cương vị này. Nếu ngày mai con được yêu cầu phục vụ theo cách khác, con sẽ phục theo cách đó. Hãy hiểu rằng có những thiền cũ có khả năng làm thiền sư nhưng vì lý do này hay lý do khác họ không được bổ nhiệm.

Các thiền sinh cũ cũng nên cẩn thận; về phần họ, họ luôn luôn phải cảm thấy kính trọng những người đã được bổ nhiệm làm thiền sư phụ tá. Khi người nào đó ngồi trên chỗ của Dhamma, họ đại diện cho Dhamma, họ đại diện cho người Thầy của các con, như vậy tôn kính họ là tôn kính Dhamma, tôn kính người Thầy của các con.

Nếu cả thiền sư hpụ tá và thiền sinh đều có thái độ này, sự liên hệ sẽ tự động hài hòa. Nhưng có thể người thiền sư phụ tá nghĩ, “Mọi việc phải làm theo ý ta,” hay người quản lý hay người phục vụ Dhamma nghĩ, “Chúng tôi không cần biết thiền sư phụ tá nói gì, chúng tôi làm theo ý chúng tôi. Người này là ai mà ra lệnh cho chúng tôi?” Nếu có thái độ như thế, môi trường sẽ mục nát. Sự hài hòa rất là quan trọng. Mọi người phải hỗ trợ lẫn nhau để hỗ trợ Dhamma để hỗ trợ những người đến đây. Không một ai nên có ý nghĩ tự cao hay tự ti. Các con ở đây chỉ để phục vụ người khác. 

Cách hay nhất để phục vụ người khác là phát sinnh ra càng nhiều tình thương và lòng từ bi càng tốt, và tiêu trừ bản ngã nhiều chừng nào tốt chừng đó. Điều này không những chỉ vì lợi ích cho thiền sinh mà còn vì lợi ích của chính các con. Nếu các con sinh ra ngã mạn khi phục vụ người khác, nhân danh Dhamma, nhân danh phục vụ người khác, các con bắt đầu làm hại chính mình. Người không thể giúp chính mình thì không thể giúp người khác được.

Lúc khởi đầu một hay hai trung tâm, có sự bất hòa giữa thiền sư phụ tá và ban điều hành. Đám cháy đó phát sinh nhưng được dập tắt rất nhanh; bây giờ không nên để sự việc không tốt đó tái diễn tại đây; chỉ có sự thân thiện và hảo tâm mà thôi.

Khi nào gặp khó khăn, ban quản trị, thành viên ban điều hành nên ngồi lại với nhau trong bầu không khí thân thiện và đưa đến đồng thuận. Nếu các con không thể có quyết định vì có ý kiến khác nhau, hãy cố hiểu quan điểm của người khác và báo cho Thầy; hãy để cho Thầy quyết định. Nhưng không nên nói với Thầy những vấn đề nhỏ nhặt; các con phải có khả năng thảo luận và thỏa hiệp với nhau.

Sau đây là một câu chuyện ngắn: Một người chủ xe bò dùng để vận chuyển hàng hóa từ chỗ này sang chỗ khác. Người này có một con chó nhỏ. Khi di chuyển từ làng nay sang làng khác, ông ta huấn luyện con chó đi dưới cỗ xe để tránh nắng. Bất cứ khi nào di chuyển, ông ta ngồi trên cỗ xe nhưng con chó đi dưới bóng mát của xe.

Chẳng bao lâu con chó nghĩ rằng nó đang mang vác toàn bộ sức nặng của cỗ xe, và nó thắc mắc tại sao ông chủ lại quá chú trọng đến cỗ xe. Nó nghĩ, “Ta mang vác toàn bộ sức nặng trên cỗ xe này! Khi nào di chuyển, sức nặng nằm trên lưng ta. Ta phải được chú trọng hơn!

Thật sự, không ai mang vác cỗ xe cả; Dhamma mang cỗ xe. Không một ai nên nghĩ là, “Ta là người quan trọng nhất, chỉ có ta mới làm cho trung tâm hoạt động một cách đúng đắn. Vì ta mà có sự giảng dạy này, mà Dhamma được truyền bá.” Hãy thoát khỏi sự điên rồ này.

Hãy hiểu rằng các con chỉ là một phương tiện, một công cụ, và Dhamma làm việc của Dhamma. Nếu con không được giao cho nhiệm vụ này, người khác sẽ lãnh trách nhiệm và mọi việc cứ tiếp diễn. Bây giờ Dhamma chắc chắn sẽ được lan truyền: đồng hồ Dhamma đã điểm. Các con đã có cơ hội để phục vụ bằng cách này hay cách khác, và điều này không phải là cái cớ để sinh ra ngã mạn.

Một trung tâm đã bắt đầu và nó phải được phát triển trong một môi trường Dhamma đúng đắn. Trung tâm phải là một nguồn khích lệ không phải chỉ cho những người đang bước đi trên đạo lộ, mà còn cho những người chưa bước đi, để họ sẽ được lôi cuốn và đến với Dhamma. Đây là trách nhiệm lớn lao cho tất cả các con.

Chắc chắn là tất cả các con đã có nhiều phúc đức và Paramis tốt trong quá khứ, đó là tại sao các con đã đến với đạo lộ Dhamma và bây giờ có cơ hội phục vụ Dhamma. Hãy tận dụng cơ hội này để gia tăng Paramis của mình để các con có thể càng lúc càng tới gần mục tiêu tối hậu của sự giải thoát. Hãy tự giúp mình và giúp người.

Nguyện cho Dhamma được tăng trưởng. Nguyện cho Dhamma được truyền bá trong sự thuần khiết tinh nguyên.

Nguyện cho trung tâm đầu tiên tại châu Âu trở thành một trung tâm lý tưởng. Nguyện cho trung tâm là nguồn bình yên và hài hòa cho nhiều người, chẳng những cho hiện tại, mà còn cho những thế hệ mai sau. Nguyện cho vô rất nhiều người hưởng được lợi lạc từ mảnh đất Dhamma này và thoát khỏi khổ đau.

Nguyện cho mọi người được hạnh phúc

Bhavatu sabba Manggalam

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app