KHỔ THÂN VÀ ĐỨC PHẬT
Khổ có hai loại, khổ thân và khổ tâm. Về khổ tâm, đức Phật đã hoàn toàn quét sạch nó. Trước những thất vọng, chán nản, buồn phiền, thậm chí trước sự nguy hiểm của cái chết, đức Phật không hề bị khổ tâm. Tâm ngài luôn luôn trong sáng. Bậc thánh A-la-hán, và ngay cả bậc thánh bất lai, vị đã diệt được sân (dosa) và những phiền não trong tâm khác cũng vậy. Vị thánh A-la-hán đã dứt sạch mọi kiết sử nên không còn khổ tâm. Nhưng trong một bậc thánh bất lai (anāgāmi) còn nán lại chút vết tích của vô minh, hữu ái và ngã mạn kiết sử, vì thế chúng ta không thể nói rằng vị ấy đã dứt khỏi khổ tâm hoàn toàn. Riêng đối với khổ thân, không ai được miễn trừ.
Đức Phật cũng buộc phải chịu loại khổ thân như mọi người. điều này được chứng minh qua việc đức Phật thỉnh thoảng nói về chứng đau lưng của ngài. Theo Apādana, sở dĩ đức Phật phải chịu sự khổ thân này là vì một trong những tiền kiếp trước ngài là võ sĩ, có lần ngài đã đánh ngã đối thủ của ngài và làm cho người này gãy lưng. Và khi làm con trai của một người đánh cá ngài đã thích thú khi thấy người ta đập đầu cá. Vì thế kinh nói ngài bị một chứng bệnh đau đầu.
Có lần, đức Phật đi dạo trên một dải đất cao của vùng núi Gijjhakuta, đề-bà-đạt-đa đã lăn một tảng đá lớn xuống chỗ ngài. Tảng đá va vào mỏm đá khác nhô ra ở bên trên đức Phật, và một mảnh của nó đập vào chân ngài khiến cho ngài rất đau đớn. Lý do có sự khổ thân này là vì trong một tiền kiếp trước, do tranh chấp quyền thừa kế, ngài đã giết chết người em họ của ngài với một cục đá. Và trong một kiếp làm vua ngài đã ra lệnh xử tử các phạm nhân bằng giáo. đức Phật cũng có lúc bị bệnh tiêu chảy. Lý do ngài bị sự khổ thân này là khi ngài làm thầy thuốc, ngài đã cho con trai của một người nhà giàu nọ một loại thuốc gây ra sự lỏng ruột và ỉa chảy.
Lại nữa, theo Tương Ưng Kinh (Saµyutta), có lần Tôn giả đại Ca-diếp và Tôn Giả đại Mục-kiền-liên bị bệnh cấp tính; đức Phật cũng vậy. Nhưng cơn bệnh tiêu tan sau khi các ngài được nghe bài kinh Bojjhaïga (Thất Giác Chi).
Lại nữa, đức Phật đã trải qua mùa hạ thứ 45, và cũng là hạ cuối của ngài tại ngôi làng Baluvā gần kinh đô Vesāli. Lúc bấy giờ ngài bị một chứng bệnh trầm trọng lẽ ra nó đã khiến ngài mệnh chung nếu như ngài không nhập vào thiền minh sát (vipassanā bhāvanā). Sở dĩ đức Phật phải ngăn thọ khổ này vì ngài thấy lúc đó chưa đúng thời để nhập Vô Dư Niết Bàn. Ngài nói như vậy và theo Chú Giải PāLi, đức Phật nhập vào tiến trình minh sát đầy năng lực như khi ngài thực hành vào cái đêm trước lúc đắc thành Phật Quả của ngài vậy. Ngày nay cũng có một số trường hợp người hành thiền ngăn được những hậu quả khốc liệt do những chứng bệnh nghiêm trọng gây ra. Chúng ta có thể nói rằng những trường hợp này cũng giống như trường hợp khắc phục được bệnh tật nhờ nghe tụng kinh Thất Giác Chi hay thực hành minh sát mà đức Phật và các vị A-la-hán ngày xưa đã làm vậy.
Chúng ta có thể tìm được sự khuây khỏa và an ủi phần nào khi biết rằng ngay cả đức Phật cũng phải đương đầu với pháp thế gian về khổ thân này. đặc biệt trong trường hợp bệnh trầm kha hay những chứng bệnh kinh niên khó chữa, người thọ khổ nên suy xét như vầy “Ngay cả đức Phật còn không thể tránh khỏi cái loại pháp thế gian này. Thân phận như ta thì có thể nói được gì chứ? Tuy nhiên, đức Phật chỉ bị khổ thân chứ không bao giờ khổ tâm. Vì thế ta cũng sẽ cố gắng chịu đựng để ngăn ngừa khổ tâm.” Nếu bạn có đủ khả năng để hành thiền, bạn nên suy nghĩ về thọ khổ bằng cách ghi nhận những cảm thọ khi chúng khởi lên đúng như chúng là, không để cho sân và những nghiệp phiền não khác lẻn vào. đối với một người hành thiền có kinh nghiệm, họ hoàn toàn có thể chịu được thọ khổ này và tìm được sự khuây khỏa trong đó.
Điều quan trọng là phải loại bỏ những cảm giác ưu sầu bằng thiền minh sát vào cái lúc bạn biết rằng cái chết của mình đang đến rất gần hoặc biết rằng ngay cả nếu có bình phục thì bạn có thể sẽ mất hết năng lực cho sự sống và đời bạn kể như vô ích. Pháp (dhamma) là phương thuốc tốt nhất để tự chữa khỏi những nỗi thống khổ, cả về thể xác lẫn tinh thần, như vậy.
Giả sử, bạn đang chịu đựng một chứng bệnh đau đầu kinh niên và rất khổ sở vì không kiếm được loại thuốc công hiệu để chữa trị cho chứng bệnh ấy. Tuy nhiên, nếu có thuốc hay, sau khi uống thuốc, bệnh đau đầu chẳng bao lâu sẽ hết. Tương tự, nếu bạn không có thuốc thiền bạn sẽ phải chịu khổ rất nhiều và kéo dài do chồng thêm cái khổ tâm lên đó. đức Phật suy nghĩ như vầy: “Khổ hiện đang có mặt này là vô thường; đúng lúc nó sẽ biến mất. Cái ta gọi là ‘Tôi’, suy cho cùng, chỉ là sự kết hợp của Danh và Sắc, không thường hằng, và thay đổi không ngừng. Sự kết hợp này là bất tịnh và không thể dựa vào chúng; nó hoàn toàn là khổ. Vì có một sự thay đổi không ngừng của các hiện tượng (danh-sắc) trong sự kết hợp này, nên bản chất của nó là vô ngã ‘anatta’.” Các đệ tử của đức Phật cũng ghi nhận sự sanh và diệt của các hiện tượng danh – sắc với chánh niệm và suy xét trên bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của chúng, và như vậy biết được sự thực đúng như nó là. Trong khi vị ấy ghi nhận như vậy, sẽ không có cơ hội nào cho khổ tâm xen vào, và cho dù nó có xuất hiện nó sẽ không kéo dài lâu. Với sự biến mất của khổ tâm, khổ thân cũng biến mất. Nếu nó không biến mất, nó sẽ hoàn toàn có thể chịu đựng được.
Người không cảm thấy hân hoan đối với các pháp thế gian tốt, cũng không cảm thấy buồn rầu đối với các pháp xấu là người đã thoát khỏi thuận (anurodha), và nghịch (virodha) hay thoát khỏi thích và ghét. Vì thế đức Phật nói “Khi thích và ghét đối với các pháp thế gian đã được loại trừ, vị đa văn thánh đệ tử của Phật thoát khỏi sanh, già và chết.”
Theo cách hành thiền này, khi một người đắc các tuệ minh sát và đạt đến bốn thánh đạo trí; hay khi một người đạt đến đạo quả A-la-hán và đúng thời nhập vô dư Niếtbàn, lúc đó sẽ không còn sự hiện hữu mới, không còn sanh, không còn già, không còn chết, nữa. Ngoài ra, như đức Phật nói, “vị ấy thoát khỏi sầu, bi, khổ (thân), ưu (tâm) và não.”