HƯỚNG DẪN HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
PHẦN IV: NHỮNG THÁP TƯỞNG NIỆM ĐÁNG GHI NHỚ TRÊN ĐƯỜNG HÀNH HƯƠNG
1. Sự Ra Đời & Phát Triển Của Những Tháp Tưởng Niệm Stupa: Đối Tượng Để Tôn Kính (4), (24)
1.1 Đối Tượng Để Tôn Kính Trong Phật Giáo
Khi Đức Phật còn tại thế ở Tu Viện Kỳ Viên (Jetavana vihara) ở Savathi (Xá-vệ), những Phật tử kính đạo thường mang những bó hoa hay vòng hoa đến dâng lên Đức Phật để tỏ lòng thành kính. Khi Phật đi vắng, họ lại mang hoa đến đặt ở Hương Thất (gandhakuti) của Phật và hoan hỷ ra về. Nghe được điều này, ngài Cấp Cô Độc (Anathapindika) đã thỉnh cầu ngài Ananda tìm hiểu từ Phật xem cách nào để những Phật tử, cư sĩ đến đảnh lễ Phật khi Phật đi thuyết giảng ở nơi khác. Theo Đức Phật, có 3 đối tượng để lễ bái và cúng dường (cetiyani), được xem như là Phật, khi Phật không có mặt. Đó là:
(a) Những thứ thuộc về nhục thân của Phật (saririka)
(b) Những thứ thuộc về vật dụng của Phật (paribhogika)
(c) Những thứ hay những điều gợi nhớ hay làm tưởng nhớ đến Phật (uddesika)
Đức Phật nói rằng, nếu dựng Tháp hay vật gì để thờ những thứ thuộc về nhục thân của Phật là không đúng, vì lúc đó Đức Phật còn tại thế, nhưng sau khi Phật Bát-Niết-bàn, thì việc đó là đúng. Những thứ gợi nhớ đến Phật thì hoàn toàn thuộc về Tâm, chứ không phải là vật chất. Còn Cây Bồ Đề được Đức Phật sử dụng thì được làm đối tượng lễ bái thay cho Phật khi Đức Phật còn sống hay đã đi xa, đều được. Sau khi nghe lời dạy này của Đức Phật, ngài Ananda đã thu xếp chọn một cây con của Cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng đem về trồng trước cổng tu viện Kỳ Viên làm biểu tượng thay cho Phật khi Phật không có mặt. Cây Bồ Đề Ananda (Ananda-Bodhi).
1.2 Sự “Sùng Kính” Trong Phật Giáo (44)
Kinh điển Phật giáo có ghi lại những trường hợp Phật tử vì quá sùng kính Đức Phật nên họ đã cần những thứ dùng để lễ bái, tôn kính như là Đức Phật khi Người vắng mặt. Sự sùng kính này bhatti (tiếng Phạn: bhakti) thường cũng có trong những tôn giáo khác. Đức Phật thường chỉ trích những kiểu tôn sùng một cách mù quáng dành cho Đức Phật, bởi vì sự sùng bái thái quá về mặt tình cảm sẽ là chướng ngại cho sự tự phát triển tâm linh, trí tuệ trong việc thực hành Con Đường Bát Chánh Đạo.
Theo Kinh tạng, câu chuyện về Tỳ kheo Vakkali, người luôn luôn sùng kính Đức Phật một cách sâu sắc. Ngay cả khi lúc đang nằm bệnh, ông cũng muốn được gặp Phật. Đối với ông ta, Đức Phật đã dạy rằng: “Điều gì tốt đẹp khi nhìn thấy tấm thân hư giả này? Này Vakkali, ai thấy được Giáo Pháp (Dhamma) là thấy được ta, nhìn thấy ta là thấy được Giáo Pháp.” (Khanda Samyutta, kinh Vakkali Sutta).
Một câu chuyện khác ngay trước khi Bát-Niết-bàn (Parinibbana), hai cây Sala Long Thọ nở rộ trái mùa, gieo khắp và tung vãi trên thân Người, cùng với bột chiên đàn, và ca nhạc trên hư không nổi dậy, tất cả để tôn vinh Đức Phật. Ngay lúc đó, Đức Phật dạy rằng: “Không phải như vậy, này Ananda, là Như Lai được kính trọng, được tôn vinh, được kính mến, được đảnh lễ và được vinh danh cao nhất. Nhưng, này Ananda, bất kỳ Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni hay thiện nam hay tín nữ thực hành đúng theo Giáo Pháp, sống ngay thẳng đúng với Giáo Pháp, đi theo đúng con đường Giáo Pháp, thì bởi vì người đó Như Lai mới được kính trọng, được tôn vinh, được kính mến, được đảnh lễ và được vinh danh cao nhất.” (Kinh Đại Bát Niết Bàn-Mahaparinibbana Sutta, V, 6).
Hai ví dụ trên cho thấy rằng Đức Phật không nhấn mạnh sự thờ phượng, sự sùng kính thái quá về mặt tín ngưỡng và tình cảm, mà nhấn mạnh việc thực hành Bát Chánh Đạo theo đúng Giáo Pháp (Dhamma). Tuy nhiên, càng không nên nghĩ rằng Đức Phật chê bai sự sùng kính có được từ trong tâm xuất phát từ những hiểu biết thật sự và sự mến phục sâu sắc về những điều cao quý. Cần nhấn mạnh rằng, việc “thấy được Giáo Pháp” không phải chỉ đơn thuần sự hiểu biết kiểu trí thức, mà là kiến thức có được do trải nghiệm (bhavanamaya ňāna) thông qua việc thực hành Bát Chánh Đạo. Đây chính là lòng tin xác tín rằng không có gì ngoài Con đường Bát Chánh Đạo có thể dẫn đến sự Giải Thoát.
Đức Phật đã từ chối làm một đối tượng để thờ phượng, cúng tế.
▪ Lưu ý: Những tranh, tượng Phật không tồn tại khi Phật còn tại thế và chỉ xuất hiện hơn 500 năm sau Bát-Niết-bàn của Phật.
Nhưng Đức Phật cũng cho rằng việc tôn kính và thờ cúng cũng mang lại niềm hạnh phúc lớn cho mọi người, như Người đã thuyết giảng trong Kinh Hạnh Phúc (Mangala Sutta). Bởi vì khi một người tỏ thái độ tôn kính, người ấy sẽ khởi sinh sự khiêm nhường, sự từ tốn và vì vậy có thể nhận biết được những phẩm chất cao đẹp hơn của đối tượng và học hỏi từ đó. Điều này cũng đúng và cần thiết để học tập tiến bộ, dù là tiến bộ về mặt tâm linh hay những tiến bộ trong cuộc sống thế gian.
Sự sùng kính, sự mến mộ là biểu hiện tự nhiên của lòng tin (saddha) và đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng các căn hay giác quan (indriya samata) với trí tuệ bát-nhã (panna). Nếu sự phát triển một-bên về các căn bản trí tuệ (thông thái, minh sát, trí tuệ) thường có xu hướng làm cho một người nghi ngờ, trong khi đó sự phát triển một-bên về lòng tin hay sự sùng kính thường làm người ta cả tin, dễ bị đánh lừa. Vì vậy, việc phát triển cân bằng cả hai căn bản sẽ tạo ra sự tiến bộ về tinh thần và tâm linh.
Đối với những Phật tử tại gia, những việc lễ cúng hàng ngày như dâng hoa, cúng nhang, đèn và lễ lạy, thờ cúng (puja) là một phương tiện để nối kết mình với Tam Bảo trong cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng hơn những việc dâng cúng bên ngoài như vậy là việc thực hành Tâm niệm, như quán tưởng những Phẩm Chất của vị Phật, sẽ dẫn đến nhiều kết quả lớn lao hơn, như là:
a) Sẽ có được thêm lòng tin sâu sắc hơn, giúp tâm thanh tịnh, trong sạch nhiều hơn và lúc đó sự chánh Niệm và chánh Định sẽ dễ dàng được thiết lập.
b) Cần thiết cho những lúc đau bệnh, mất mát hay đối đầu với những thăng trầm của cuộc đời.
c) Làm thấm nhuần lòng tự tin cho mỗi con người, giúp xua tan đi những nỗi sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ và bất an trong cuộc đời.
Thiền quán tưởng niệm Phật, tưởng nhớ đến Đức Phật có thể mang lại những lợi ích vô giá để đạt Định, làm cơ sở để giải thoát từ trong nội tâm. Về vấn đề thiền quán tưởng niệm Phật, không ai có thể giảng giải tốt hơn chính Đức Phật đã giảng dạy như sau:
“Khi một đệ tử cao quý đang quán tưởng đến Như Lai như vậy, tâm của người ấy không còn bị đeo bám bởi tham, sân, si, tâm ngay thẳng, với Như Lai là đối tượng của Tâm. Khi một đệ tử cao quý có tâm ngay thẳng sẽ trở nên nhiệt thành với mục tiêu, nhiệt thành với Giáo Pháp, đạt được niềm an vui (pamojja) gắn liền với Giáo Pháp. Khi người ấy được an vui, niềm hoan hỷ (piti) khởi sinh, và khi người ấy được nâng lên bởi niềm hoan hỷ, toàn thân trở nên an lạc (passadhi), người an lạc trong thân sẽ cảm thụ được niềm hạnh phúc (sukha), mà khi một người hạnh phúc, tâm sẽ trở nên định (samadhi). Người như vậy được gọi là một đệ tử cao quý giữa một nhân loại đang sai đường, lạc lối, đã chứng ngộ được lẽ phải, là người giữa nhân loại đau khổ mà không còn đau khổ, là người đã bước vào dòng chảy của Giáo Pháp và phát triển việc quán niệm về Phật.” (Tăng Chi Bộ Kinh Anguttara, Quyển Sáu, 10)
1.3 Sự Khởi Dựng Đền, Tháp Tưởng Niệm Stupa Từ Sau Khi Bát-Niết-Bàn Của Đức Phật
Từ Stupa (tiếng Pali ‘thupa’, tiếng Anh-Ấn ‘tope’) được xuất phát từ gốc ‘stup’ (chất đống, dồn đống) có nghĩa là một mô đất, gò đất hay phần mộ. Ban đầu việc chôn cất trong đám tang, đắp những mô đất để chôn tro và thân của xác hỏa thiêu. Tập quán đắp mộ đất, vun đất lên làm mộ để tưởng niệm (giống như việc chôn xác và xây mồ mã ở Việt Nam), đã có từ thời trước Phật.
Đức Phật nhận thấy được ý nghĩa của việc thờ kính của hàng Phật tử tại gia, nên người đã làm cho việc tôn thờ xá lợi Phật là thiêng liêng. Khi Ngài Ananda hỏi Đức Phật rằng nhục thân của người sẽ được giải quyết như thế nào sau khi người Bát-Niết-bàn, Phật đã chỉ rằng nhục thân sẽ được hỏa thiêu theo nghi thức dành cho bậc quân vương và phần xá lợi sau khi hỏa thiêu sẽ được giữ trong các tháp stupas được xây để cất giữ xá lợi để thờ cúng ở những giao lộ (ý chỉ dọc theo đường hành hương hay nơi hành hương – ND).
Đối với những Tỳ kheo, Đức Phật nhận thấy rằng nếu tốn thêm nhiều thời gian vào những nghi lễ tôn thờ xá lợi sẽ làm cản trở cho việc thực hành Bát Chánh Đạo. Cho nên, Đức Phật đã khuyên các Tỳ kheo “không nên cản trở mọi người tôn vinh nhục thân của Người, mà hãy để cho những người Phật tử tại gia sùng kính Như Lai và thực hiện việc tôn vinh nhục thân của Người”.
Trong Kinh Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana Sutta), Đức Phật cũng giảng dạy thêm rằng, có 4 loại người xứng đáng được xây tháp để tưởng niệm, đó là:
1. Một vị Phật Giác Ngộ Tối Thượng,
2. Một vị Phật tự thân giác ngộ: Phật Duyên Giác (Pacceka Buddha),
3. Một thánh đệ tử, và
4. Một bậc quân vương.
“Và tại sao mỗi người như thế lại xứng đáng xây tháp tưởng niệm stupa? Bởi vì ý nghĩ: “Đây là tháp tưởng niệm của một vị Phật Giác Ngộ Tối Thượng, một Duyên Giác Phật, một thánh đệ tử và một bậc quân vương”, lòng của mọi người đều được an bình và ngay khi thân thể tan hoại sau khi chết, họ được tái sinh vào cảnh giới an lạc (sugati). Đó là lý do tại sao và 4 loại người đó xứng đáng được xây tháp tưởng niệm”.
Như vậy đó, Đức Phật đã thiêng liêng hóa những tháp tưởng niệm stupa, từ những mô đất hay mộ phần bình thường, trở thành những thánh tích thiêng liêng để tôn thờ của Phật tử. Việc tôn thờ tháp tưởng niệm stupa trở nên phổ biến hơn khi Vua Asoka chuyển thành Phật tử và đã xây 84.000 Tháp tưởng niệm stupas trên khắp vương quốc của ngài. Theo dòng thời gian, từ những mô đất bình thường, những tháp tưởng niệm stupas đã trở thành những kiến trúc mỹ lệ và uy nghi và trở thành những biểu tượng của lòng tin và những chứng tích lịch sử vô giá của Phật giáo.
Khi xá lợi nhục thân Phật được đưa vào thờ trong một bảo tháp stupa, thì xá lợi đó trở thành biểu tượng như sự có mặt của Đức Phật, những người chiêm bái sẽ đến cúng dường và thực hiện những nghi lễ tôn kính, như dâng cúng nhang đèn, hoa, vòng hoa, cờ vải và y vải đắp xung quanh tháp. Tục lệ của người Ấn Độ cổ xưa là những người đến chiêm bái thường đi vòng quanh tháp xá lợi hoặc thánh tích theo chiều kim đồng hồ, từ trái qua phải. Nghi thức này được gọi là Đi Nhiễu Quanh (padakkhina) (tiếng Phạn: pradaksina). Trong Kinh Điển, một người đến chiêm bái luôn luôn thực hiện nghi thức đi nhiễu quanh như vậy trước khi rời khỏi nơi biểu tượng chỗ Đức Phật. Đây có thể gọi là nghi lễ chính thức khi thăm viếng những bảo tháp và người ta luôn làm lối đi nhiễu quanh trong những tháp stupa.
Đối với một người hành hương thành thục, việc đi nhiễu quanh tháp có thể biến thành một cuộc hành thiền để phát triển chánh niệm và lòng từ. Những ai hành hương với tinh thần sùng kính, lễ lạy có thể xem đây là dịp để tưởng niệm Phật, Pháp và Tăng ở nơi bảo tháp nhầm tăng trưởng lòng tin và thanh lọc tâm.
1.4 Bốn Loại Tháp Tưởng Niệm Stupas
Có bốn loại tháp tưởng niệm của Phật giáo, tùy theo bốn tính chất sau đây:
(a) Tháp Xá Lợi (Saririka Stupa)
Những tháp stupas này có chứa thờ xá lợi nhục thân của Phật, các vị Đại Đệ Tử, những đạo sư và bậc thánh nhân Phật giáo. Những tháp stupas có thờ xá lợi Phật được xem là thiêng liêng nhất để tôn kính, thường được xây rất lớn và uy nghi, và càng ngày càng được mở rộng và trùng tu bởi nhiều đời vua Phật tử ở Ấn Độ. Theo truyền thuyết, Vua Asoka đã cho mở 7 bảo tháp xá lợi nguyên thủy (riêng bảo tháp Ramagama stupa của người Koliya vẫn còn nguyên vẹn), lấy phần lớn xá lợi Phật và phân chia ra để giữ thờ trong 84.000 bảo Tháp xá lợi mà ngài đã cho xây trong thời gian trị vì và hành hương của mình. Nhờ vậy, ngày nay chúng ta có thể được nhìn thấy và chiêm bái nhiều bảo tháp xá lợi Phật ở Ấn Độ cũng như ở Pakistan, ví dụ như bảo tháp Pháp Vương (Dhammarajika stupa) ở Sarnath, Ấn Độ và một bảo tháp cùng tên ở Taxila, Pakistan.
(b) Tháp Giữ Thờ Những Vật Dụng Của Đức Phật (Paribhogika Stupa)
Những bảo tháp stupas này được xây để giữ thờ những vật dụng thiêng liêng đã được Đức Phật sử dụng khi còn tại thế, ví dụ như y cà sa, bình nước, dao cạo và hộp đựng kim chỉ may.
(c) Tháp Tưởng Niệm Sự Kiện (Uddesika Stupa)
Những bảo tháp stupas này được xây để tưởng niệm những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong cuộc đời của Đức Phật, bao gồm cả những nơi ghi dấu những tiền kiếp của Đức Phật hay những nơi được ghi nhớ bởi sự có mặt của Đức Phật lịch sử khi còn tại thế. Ngài Huyền Trang đã ghi lại có 14 bảo Tháp tưởng niệm stupas ở Vesali (Tỳ-xá-ly), trong đó có 12 bảo tháp thuộc loại tưởng niệm sự kiện như vậy và chỉ có 2 bảo tháp là Tháp xá lợi.
(d) Tháp Do Phật Tử Phát Tâm Xây Dựng
Những tháp này thường là những tháp nhỏ được xây trong hay xung quanh những khu thánh địa như là một tâm nguyện cúng dường để tích thêm công đức của một người hành hương. Những loại tháp này được xây nhiều nhất ở bốn thánh địa quan trọng là:
1) Lumbini, xung quanh khu di tích nơi Đức Phật đản sinh;
2) Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), xung quanh gốc Cây Bồ Đề nơi Đức Phật Thành Đạo;
3) Vườn Nai hay Lộc Uyển, Isippatana ở Sarnath, nơi Đức Phật khai giảng bài Thuyết Pháp Đầu Tiên;
4) Kusinara, xung quanh Đền Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana Temple), nơi Đức Phật từ giã trần gian hay Đại Bát-Niết-Bàn Mahaparinibbana.
Ngoài những nơi thánh địa này, những tháp do Phật tử phát tâm xây dựng cũng được xây xung quanh những bảo Tháp xá lợi, với tâm nguyện tôn kính, tôn vinh những bảo Tháp chính thờ xá lợi.
Những người hành hương đến viếng thăm Tám Thánh Địa Quan Trọng sẽ có được những cơ hội quý giá nhất trong đời để nhìn thấy và chiêm bái nhiều loại tháp tưởng niệm stupas khác nhau, từ những bảo Tháp cổ xưa nhất được xây bằng đá ở thành Vesali (Tỳ-xá-ly) cho đến những đại bảo Tháp được xây dựng công phu và kỹ lưỡng nhất như bảo Tháp Dhamek Stupas uy nghi ở Sarnath. Những người hành hương đến địa danh Bhopal cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng Bảo Tháp Sanchi, nơi thờ xá lợi của những vị A-la-hán Đại Đệ Tử của Đức Phật đã được phát hiện sau này.