Wanli, Taiwan

Ngày 3 tháng 8 năm 1998

Hãy để Dhamma tỏa chiếu trong sự tinh khiết

Các con Dhamma thân mến của Thầy,

Tất cả các con đều muốn thấy giáo huấn tinh khiết của Bậc Giác Ngộ được hồi phục ở đây, và Thầy cũng mong muốn điều này xảy ra. Tuy nhiên, nếu các con tổ chức những khóa thiền 10 ngày nhưng không chú trọng đến sự quan trọng của việc áp dụng Dhamma trong cuộc sống, khóa thiền sẽ trở thành một loại nghi thức, nghi lễ, tế tự và sẽ không có hiệu quả đáng lẽ phải có.

Qua Vipassana ta biết cách áp dụng sila trong cuộc sống, và sila bắt đầu bằng samma-vacca, lời nói chân chính. Lời nói chân chính có nghĩa là tránh nói không đúng sự thật, tán gẫu và nói sau lưng. Do đó, ở bất cứ nơi đâu Vipassana được giảng dạy, chúng ta được khuyên là, nếu có người tìm thấy lỗi ở một người anh hay chị Dhamma thì không nên nói với một ai mà nên gặp riêng người đó và giải thích một cách lịch sự, “Tôi không nghĩ là hành động của bạn phù hợp với Dhamma.”

Các con có thể bày tỏ quan điểm của mình một hay hai lần. Nếu người dó vẫn không hiểu các con có thể nói, “Tôi sẽ thông báo cho thiền sư cao cấp là chúng ta có ý khiến khác nhau về việc này.” Đây là đường lối đúng đắn để đối xử với người mà các con có ý kiến bất đồng. Ngay lúc các con nói xấu người khác mà không có mặt của họ, các con đã phạm sila, một sila quan trọng trong samma-vacca.

Các con nên tự xét mình. Nếu các con nói đã nói xấu một anh hay chị em Dhamma, hãy tự sửa càng nhanh càng tốt. Hãy tới gặp và xin lỗi, nói, “Tôi đã phạm lỗi, tôi đã nói xấu bạn mà đáng lẽ ra tôi phải tới gặp và nói với bạn.”

Đây là một sangha, một gia đình của những người hành thiền Vipassana. Nói xấu người khác sẽ tạo ra xung khắc và chia rẽ. Vài người có thể chấp nhận những gì họ nghe, có người không chấp nhận, và dần dần xung khắc bắt đầu, nó hoàn toàn trái ngược với Dhamma. Đức Phật nói rất rõ ràng là một số hành động hết sức bất thiện và đưa đến hậu quả rất tai hại; tạo ra chia rẽ trong sangha là một hành động trong số ít những hành động tai hại này.

Chắc chắn phải có những ý kiến khác nhau khi những người trong gia đình sống chung hay hành thiền hay phục vụ chung với nhau; không có gì sai quấy trong việc này cả. Các con không thể đi theo người khác một cách mù quáng cho dù người đó có kỳ cựu đến đâu đi nữa. Nhưng ý kiến khác nhau không nên đưa tới sự chia rẽ trong sangha.

Thầy lúc nào cũng dạy rằng mọi thành viên trong gia đình Dhamma, gia đình Vipassana phải không có gì ngoài ánh mắt yêu thương đối với nhau, không bao giờ nên tức giận hay thù ghét dù chỉ chút ít.

Có những tổ chức chính trị và xã hội là nơi có người khao khát quyền lực và địa vị muốn tạo ra một nhóm người đi theo và lên án người khác. Nhưng những hành vi như thế không phù hợp trong lãnh vực Dhamma. Ngay khi con nhận thấy có một nhóm người đi theo con và một nhóm khác không theo, con phải lập tức nhận ra, “Có cái gì sai quấy trong tôi, đó là lý do tại sao tôi muốn mọi người phải làm theo ý muốn của mình. Ồ, ngã mạn của tôi cao đến thế! Tôi không xứng đáng để phục vụ Dhamma chứ đừng nói đến hướng dẫn trong Dhamma. Tốt hơn hết là tôi phải rút lui và thực hành Dhamma trong lúc này.”

Trừ khi ta bắt đầu chấp nhận sự thật là bản ngã của mình quá cao, và sự ràng buộc vào bản ngã của mình quá mạnh, ta không bao giờ có thể thoát khỏi thói quen xấu của việc thấy lỗi của người khác. Ngay lúc ta nhận ra, “Hãy xem, ta đã có hành động này bởi vì ngã mạn của mình,” rồi thì ngã mạn bắt đầu tan biến, tan rã. Nhưng nếu các con lúc nào cũng biện hộ cho hành động của mình, dù bằng lời nói hay việc làm, thì ngã mạn mỗi lúc một cao hơn.

Sáng nay Thầy nghe thấy, trong một vụ việc mới xảy ra gần đây. Một hay hai con gái Dhamma của Thầy trở nên bất mãn vì sơ đồ chỗ ngồi ở thiền đường không được như ý. Đây là một tình huống rất đáng buồn. Với thái độ này thì Dhamma ở đâu? Ngã mạn quá sức quan trọng đối với những người này. Thầy cảm thấy rất thương xót họ. Họ phải tiến triển trong Dhamma để họ có được tình thương và lòng trắc ẩn cho người khác, thay vì chỉ thấy lỗi của họ.

Đây chỉ là một sự kiện nhỏ nhoi nhưng đó là cách bất tịnh khởi sự và phát triển. Nếu chúng ta không nói một lời nào chống lại loại bất tịnh này, các con sẽ làm cho ngã mạn của mình mạnh hơn và tạo ra chán ghét cho người khác.

Vài tai hại khác khiến Thầy chú ý: Truyền thống truyền dạy Vipassana chỗ nào cũng giống nhau khắp thế giới; các con không được phép thay đổi phương pháp. Thầy có một lịch sử Vipassana trước mắt. Vipassana đã hoàn toàn biến chỉ trong vòng năm trăm năm ở Ấn Độ bởi vì người ta ở những tông phái khác nhau bắt đầu thêm một số điều từ tông phái của họ. Dần dần những thứ được thêm vào trở nên chiếm ưu thế và Vipassana bị nhạt nhòa. Sự tinh khiết được duy trì suốt 2300 năm tại Miến Điện, nơi Thầy sinh trưởng, lưu truyền từ thầy tới trò. Nếu họ thêm gì vào, cái thêm vào sẽ chiếm ưu thế và Vipassana sẽ mai một; nhưng họ đã giữ phương pháp được tinh khiết và đây là tại sao chúng ta nhận được ngày nay. Chúng ta không được làm hư hỏng phương pháp nhân danh sự cải thiện. Mọi người làm phương pháp hư hỏng nói, “Tôi cải thiện phương pháp!” – làm như người này thông thái hơn Đức Phật hay truyền thống. Đây là chiều hướng nguy hiểm, ta phải hết sức cẩn trọng.

Bởi vậy cho nên, những người mong muốn Dhamma tinh khiết nảy sinh bây giờ được duy trì hằng thế kỷ phải hiểu rằng chúng ta có một trách nhiệm lớn lao. Chúng ta không có quyền thay đổi điều lệ, giáo huấn hay hướng dẫn cách thực hành. Nếu các con thực sự muốn thay đổi cái gì đó, hãy gởi đề nghị của mình đến Thầy. Chỉ khi nào Thầy đồng ý thì mới được thay đổi. Nếu các con cảm thấy rằng mình thông thái hơn Thầy và thay đổi sự giảng dạy theo ý mình, các con sẽ làm hại truyền thống, các con sẽ làm hại sự truyền bá Dhamma.

Một điểm khác cần phải được rõ ràng: Pháp thoại buổi tối, hướng dẫn thực hành hằng ngày và Anapana và Vipassana đã được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng và chúng ta phải đảm bảo sự dịch thuật phải chính xác. Một sự phiên dịch không đúng sẽ đưa ra những hướng dẫn sai lạc trong nhiều năm cho những người dùng ngôn ngữ đó.

Một khi dịch xong, một hay hai thiền sinh thông thạo ngôn ngữ đó phải xác nhận lại. Sau đó Thầy sẽ gởi mẫu giọng nói của một số thiền sinh từ quốc gia đó, và từ đó Thầy sẽ chọn một giọng nói có sự rung động thích hợp. Cuối cùng thiền sinh đó phải tới Igatpuri để thâu âm. Nhiều người đã đến từ Indonesia, Mãi Lai, Mông Cổ và Nga. Việc thâu âm phải được thâu tại Igatpuri hay những trung tâm phát triển gần bằng Igatpuri bởi vì những rung động của môi trường rất là quan trọng. Giọng thâu sẽ mang những rung động của môi trường xung quanh. Nếu sự rung này không được lành mạnh, những gì các nói, cho dù con đã dịch đúng một trăm phần trăm, cũng không có kết như mong muốn. Chúng ta đã thấy sự khác nhau trong sự thâu âm nên những điều lệ này mới được đặt ra.

Đối với những khóa thiền, chúng ta muốn thiền sinh được củng cố trong phương pháp bằng cách ngồi nhiều khóa mười-ngày trước khi tham dự khóa Satipatthana. Khóa Satipatthana đem lại sự hiểu biết trí thức về sự thực hành và xác định những gì chúng ta thực hành phù hợp với những lời của Đức Phật.

Người ta thường thích hiểu Dhamma ở mức độ trí thức hơn là thực hành. Nhưng trong Dhamma sự thực hành quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác. Chúng ta không thể nhân nhượng ở đây. Nếu khóa Satipatthana là khóa đầu tiên của thiền sinh thì người này thực sự thực hành cái gì? Người này chỉ chơi trò chơi trí thức.

Nếu chúng ta tiếp tục cho những thiền sinh chỉ thích chơi trò chơi trí thức tham dự những khóa Satipatthana, chúng ta làm hại những thiền sinh này, tạo ra hàng rào ngăn cản sự tiến bộ của họ. Họ sẽ không bao giờ thực hành một cách nghiêm túc bởi vì họ vui với trò chơi trí thức. Dhamma không phải là một trò chơi trí thức. Hãy hết sức cẩn thận.

Một hôm Thầy biết một sự kiện nhỏ khác: Thiền sinh được yêu cầu ngồi thiền và tụng niệm trước giờ báo chí tới để phỏng vấn. Thật là sốc khi phô trương sự hành thiền; điều này trái với Dhamma.

Trong bài pháp thoại vào ngày cuối cùng của khóa thiền mười-ngày Thầy nói, “Hãy hành thiền ở nhà một tiếng vào buổi sáng và buổi tối, và khi các con đi xe buýt hay xe lửa hãy quan sát nội tâm với cặp mắt mở.” Ngay lúc con nhắm mắt ở chỗ công cộng, các con đang phô trương với người khác, “Hãy xem, tôi là người hành thiền giỏi. Ngay cả khi tôi đang di chuyển tôi cũng hành thiền!”

Phô trương về Dhamma chứng tỏ là các con đã không hiểu Dhamma.

Khi nào Thầy thấy một người phô trương là một người đạo hạnh với dấu ấn trên trán hay trang sức hay loại quần áo nào đó, Thầy biết người này không có một chút Dhamma nào. Nếu Dhamma có mặt thì cần gì phải phô trương Dhamma? Hành vi của các con sẽ cho thấy các con là một người Dhamma tốt.

Khi nào Thầy diễn thuyết trước công chúng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, thiền sinh tới trước một tiếng và hành thiền tại sảnh đường. Mười lăm phút sau giờ hành thiền, công chúng sẽ tới và diễn văn bắt đầu. Trong lúc thiền sinh đang hành thiền, không một người nào không phải là thiền sinh được phép tham dự; bằng không sự hành thiền chỉ là một sự phô trương. Đây là những chi tiết nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng bởi vì ta bắt đầu lơi lỏng với một lỗi nhỏ, và rồi ta tiếp tục lơi lỏng càng ngày càng nhiều. Trong quá khứ đây là cách Dhamma bị hủy hoại như thế nào, không những chỉ tại Ấn Độ mà còn ở những nước khác.

Các con đều là những người lãnh đạo Vipassana ở đây. Thật là tốt khi sự kiện đặc biệt đó xảy ra trong lúc họp báo, nó thuyết phục đượcThầy rằng bây giờ là thời điểm tốt để giải thích cho những con trai và con gái của Thầy rằng đây không phải là cách làm việc Dhamma. Nếu Thầy tránh không giải thích vì người không được hài lòng, Thầy không phải là người thầy tốt. Đây là trách nhiệm của Thầy để giải thích những điều này. Bất cứ khi nào Thầy tìm thấy những lỗi lầm như thế, Thầy chỉ ra những lỗi lầm với tình thương và lòng trắc ẩn; lỗi lầm được sửa đổi rồi thì Dhamma bắt đầu trôi chảy trong sự tinh khiết.

Thầy thấy tiềm năng lớn để Dhamma tinh khiết nảy sinh tại đây. Ước mơ của Thầy là một ngày nào đó, nước Trung Hoa và Ấn Độ vĩ đại sẽ chấp nhận Dhamma tinh khiết, và toàn thể thế giới sẽ chấp nhận Dhamma và sẽ có lợi lạc lớn lao cho những người đau khổ.

Bởi vậy, không những chỉ vì lợi ích cho các con mà cũng vì lợi lạc cho toàn thể nhân loại, hãy chắc rằng các con duy trì được sự tinh khiết của phương pháp, sự tinh khiết của kỷ luật, sự tinh khiết của điều lệ và nội quy. Chúng được đặt ra để giữ cho phương pháp được tinh khiết, giữ cho Dhamma được tinh khiết.

Đây là con đường của Dhamma tinh khiết. Chúng ta ở đây không phải là để làm vừa lòng mọi người. Chúng ta ở đây để phục vụ họ, giúp họ thoát khỏi khổ đau. Cho dù có ít hay nhiều thiền sinh cũng không thành vấn đề. Dhamma tinh khiết phải truyền dạy để họ có thể phát triển và thoát khỏi khổ đau. Điều đó quan trọng hơn là việc đếm đầu người.

Trong mười bốn năm Thầy sống gần sư phụ, Thầy thấy Ngài dạy Dhamma với kỷ luật nghiêm ngặt. Trong hai mươi chín năm Thầy dạy Dhamma, sự thành công có được chỉ nhờ vào kỷ luật nghiêm ngặt. Người ta cảm thấy khóa thiền của Goenka rất là khó, nhưng có được thành quả và người ta tham dự.

Thầy chắc chắn là các con sẽ duy trì được sự tinh khiết của Dhamma và truyền bá Dhamma trong sự tinh khiết, vì lợi lạc của chính các con và cũng vì lợi lạc của nhiều người khác, không những cho thế hệ này mà còn cho những thế hệ mai sau.

Nguyện cho Dhamma tăng trưởng trong sự tinh khiết. Nguyện cho càng ngày càng có nhiều người hưởng được lợi lạc từ Dhamma.

Bhavatu sabba mangalan

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app