ĐỨC PHẬT TRƯỚC NHỮNG LỜI VU KHỐNG

Chúng ta biết đức Phật có tất cả những thuộc tính cao quý và thiêng liêng được thể hiện rõ ràng trong Chín Ân đức của Phật, và vì thế Ngài đã dứt sạch mọi phiền não và không còn bất kỳ loại lầm lỗi nào. Sẽ không có lý do gì cho sự phỉ báng hay chỉ trích Ngài; ngược lại có rất nhiều lý do và cơ hội để Ngài nhận được sự quý kính cao nhất. Nói chung, chư thiên và nhân loại hết lòng tán dương, cung kính, và tôn thờ Ngài. Tuy thế những người ngoại đạo kiên quyết chống lại đức Phật đã cố hết sức để tạo ra những cơ hội và bịa ra những cái cớ nhằm vu khống và phỉ báng Ngài. Những kẻ chống đối này không bao giờ quên tận dụng mọi cơ hội có thể có được để vu khống và xỉ vả đức Phật cũng như những giáo Pháp của Ngài.

 

 LỜI BUỘC TỘI CỦA NÀNG Ciñcā

Một nhóm ngoại đạo nọ đã thuyết phục nàng Ciñcā (Ciđcāmānavika), một nữ đạo sĩ của họ, cố gắng đưa ra những lời buộc tội đức Phật. Chinh-cha đã ăn diện thật xinh đẹp và thích hợp, đi đến chùa Kỳ-Viên vào lúc ban đêm và ngủ lại ở một nơi nào đó trong phòng hội của những người ngoại đạo. Mỗi sáng tinh mơ, cô nàng vội vã đi về hướng kinh đô như thể mới vừa ở chùa Kỳ-Viên ra. Những người đi đường hỏi tại sao cô lại vội vã như thế và đêm qua cô ngủ ở đâu, cô nàng trả lời một cách rụt rè dưới hình thức một câu hỏi: “Biết được những điều tôi đang làm các người có được lợi gì không?”

Chinh-cha đã làm như thế trong suốt một tháng hoặc hơn, và rồi khi người ta hỏi về cách cư xử lạ lùng của cô, cô trả lời như thú nhận, “Tôi đi đến chùa Kỳ-Viên và ngủ với sa-môn Gotama chứ có gì đâu.” Ba, bốn tháng sau, cô lấy một bó vải độn vào bụng, cột chặt quanh eo và che chiếc áo khoác bên ngoài làm ra vẻ như đang mang bầu. Rồi một hôm tại giảng đường chùa Kỳ Viên Chinh-cha đi vào giữa hội chúng nghe pháp và cáo buộc: “Này ông đại Sa-môn, ông thuyết giảng hay lắm nhưng sao ông không ngó ngàng gì đến cái thai mà ông đã tạo ra cho tôi, và cũng không sắp đặt cho ngày ở cử của tôi nữa.” Có thể nói đó là một cố gắng hèn hạ nhất để đưa đức Phật vào tình thế đáng xấu hổ, nhưng ngay lúc đó, do đại thần lực của đức Phật, miếng độn giả ở bụng tuột ra. Những người nghe pháp khi ấy rất giận dữ và đuổi cô ta ra khỏi chùa. Ác đạo sĩ này đã bị đất rút khi đi khuất tầm mắt của đức Phật, và rơi thẳng xuống đáy địa ngục.

 

LỜI BUỘC TỘI CỦA SUNDARI

Một trường hợp tương tự như vậy cũng đã xảy ra. Sundari, một nữ đạo sĩ xinh đẹp của nhóm ngoại đạo chống đối đức Phật, đã làm giống như Chinh-cha đã làm. Cô ta thường lảng vảng gần chùa Kỳ-Viên và đi đứng như thể cô vừa từ trong chùa ra. Khi có ai hỏi thì cô nói rằng, “Tôi đi đến Sa-môn Gotama và ngủ chung trong buồng với ông ta đó mà.” Sau đó nhóm găng-tơ ngoại đạo đã mướn bọn du thủ di thực giết chết cô gái này và quăng xác trong đống rác gần chùa Kỳ Viên. Chúng phao tin đồn rằng Sundari đã mất tích, và báo sự việc lên cho đức Vua Kosala. Khi đức Vua hỏi bọn chúng xem chúng có thể nghĩ ra một nơi nào đó mà tội ác có thể xảy ra không, chúng nói: “Vừa mới đây, Sundari sống ở chùa Kỳ Viên. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với cô ta.” Những tay găng-tơ giả bộ đi tìm quanh cùa Kỳ Viên. Rồi chúng chỉ vào một thùng đựng rác và hô lên rằng xác cô gái nằm trong đó. Chúng đặt cái xác trên giường đem đi giễu hành trên những con phố để mọi người nhìn thấy. Sau đó chúng báo cho đức Vua biết rằng những đệ tử của sa-môn Gotama đã giết chết cô gái bởi vì họ không muốn thấy việc tình cảm của cô ta với thầy mình bị công chúng biết. Không phán xét vụ việc một cách thích hợp, đức Vua đã ra lịnh đem thông báo vấn đề cho mọi người cùng biết.

Đó là cơ hội tốt để những người chống đối đức Phật lợi dụng. Họ đi khắp phố rêu rao rằng đệ tử của Sa-môn Gotama đã giết chết cô gái này để che đậy mối tình của cô ta với thầy của họ. Nhiều người chưa đắc Thánh quả đã hiểu lầm đệ tử của đức Phật và phỉ báng họ. Các vị đệ tử này buồn bã trình báo sự việc lên đức Phật. đáp lại những lời buộc tội đó đức Phất nói lên bài kệ sau:

Abhutavādi nirayam upeti 

Yo vāpi katvā na karomi caha 

Ubhopi te pecca samā bhavanti 

Nihinakamma manujā parattha.

Nghĩa là: “Ai cáo gian người khác sẽ đi xuống địa ngục; Ai chối việc đã làm sẽ đi xuống địa ngục. Hai loại người ác này, do ác nghiệp như nhau sẽ cùng rơi địa ngục.”

Các vị Tỳ-kheo đã lập đi lập lại bài kệ bằng tiếng Pā©i này của đức Phật, và những kẻ vu cáo kia cảm thấy sợ hãi. Dân chúng trong kinh thành nói với nhau rằng, “Tội cáo gian sẽ rơi xuống địa ngục. Chúng ta không thấy việc xảy ra và cũng không biết việc đó có xảy ra hay không xảy ra như những người buộc tội này nói. Có thể là họ đã đưa ra những lời buộc tội giả dối, và nếu họ chối tội thì họ sẽ đi xuống địa ngục. Sự tình dường như không phải như những người ngoại đạo này đã tố cáo đâu.” Thế là mọi người trong kinh thành không dám nói bất cứ điều gì gây tổn hại cho các vị Tỳ-kheo nữa. Như vậy chiến dịch vu khống của ngoại đạo chấm dứt trong vòng một tuần.

Đức Vua Kosala cho gián điệp và trinh thám đi khám phá sự thật trong vụ án này. Nhóm sát nhân ra tay giết chết Sundari lúc ấy đang tổ chức một tiệc nhậu với số tiền họ nhận từ nhóm găng-tơ mướn giết cô gái. Do say rượu, một trong những kẻ sát nhân ấy nói, “Ê tụi mày, chẳng phải chúng mày chỉ đánh một gậy mà giết được Sundari đó sao? Nhờ thế mà bây giờ chúng mình mới được uống rượu với số tiền người ta mướn giết cô gái, đúng không nào? đúng vậy! đúng vậy! đúng là như vậy.” Các thám tử nghe được điều này đã chộp cổ những kẻ sát nhân và đưa chúng đến trước mặt đức Vua. đức Vua thân hành xử vụ án, cả hai nhóm, những kẻ sát nhân và nhóm găng-tơ ngoại đạo, đã thú tội. Sau đó đức Vua ra lệnh cho họ phải đi quanh thành phố và nói lên những lời thú tội công khai. Họ cũng được lệnh phải tuyên bố trước công chúng rằng chính họ là người đã giết Sundari, Sa-môn Gotama và những đệ tử của Ngài vô tội. Lời thú tội công khai này đã làm sáng tỏ vụ án và chững minh sự vô tội của đức Phật và Tăng chúng, và mọi người cũng giũ sạch được những sự hiểu lầm của họ.

Câu Chuyện Nàng Māgandiya

Một lần nọ đức Phật và chư Tỳ-kheo đi đến kinh đô Kosambi. Lúc đó Magandiya, một trong những hoàng hậu của đức Vua Udena đương tại vị, đã mua chuộc những kẻ xấu và ra lệnh cho họ tràn ra đường chửi bới khi thấy đức Phật và chư tăng đi vào kinh thành. Lý do có hành động này là vì Magandiya mang một mối hận thù với đức Phật. Cô ta từng là một thiếu nữ rất xinh đẹp, vì lý do đó cha cô, một người bà-la-môn, gạt bỏ hết mọi lời cầu hôn của các công tử con nhà giàu sang. Ông thường nói với họ rằng họ không xứng đáng với bàn tay của con gái ông. Ông cố gắng đi tìm một chàng rể thích hợp. đức Phật thấy trước rằng ông bà-la-môn này và vợ của ông ta sẽ trở thành bậc thánh Bất Lai (anāgami), vì thế Ngài đi đến gần chỗ ông bà-lamôn lúc ấy đang tổ chức một lễ hội ánh sáng.

Nhìn thấy đức Phật, bà-la-môn Magandi tự nhủ “Người đàn ông này hơn hẳn những người khác. Trên đời này sẽ chẳng có ai bằng anh ta. Người đàn ông, hay vị samôn này, thực xứng đáng với con gái của ta.” Nghĩ thế xong ông mon men tới bắt chuyện với đức Phật, ông nói: “Thưa Ngài, tôi có một cô con gái xinh đẹp và tôi muốn gả nó cho Ngài. Ngài có vui lòng đứng chờ ở đây được không?” Và ông vội vã đi về nhà. Khi về đến nhà ông nói với vợ, “Phu nhân này, tôi vừa tìm được một người đàn ông thích hợp để làm chồng con gái chúng ta. Bà và con gái hãy ăn mặc cho phải lẽ và đi với tôi.” Khi ba người đi đến chỗ ông yêu cầu đức Phật đứng chờ, họ chỉ thấy dấu chân đức Phật cố ý để lại cho họ thấy.

Chỉ khi đức Phật có ý muốn dấu chân của Ngài lưu lại trên đất, nó mới được lưu lại và trong suốt thời gian ấn định theo ý muốn của Ngài không gì có thể xóa được nó. Và cũng chỉ những người Ngài muốn cho thấy mới thấy được nó. Vợ ông bà-la-môn quay qua chồng và hỏi: “Con rể ông đâu?” ông bà-la-môn nói, “đây chính là nơi tôi yêu cầu anh ta đứng đây chờ mà. Anh ta đi đâu rồi nhỉ?” nhìn bốn chung quanh, và chỉ vào dấu chân trên đất ông ông nói, “A đây rồi, đây chính là dấu chân của anh ta!”

Vợ của ông bà-la-môn rất tinh thông khoa bói toán. Bà nhìn vào dấu chân và nói, “Chủ nhân của dấu chân này không phải là người thích hưởng dục.” .Ông bà-la-môn làm bà cứng họng khi nói rằng cái kiến thức vệ-đà (về bói toán) của bà chỉ có chừng ấy, và vội vã đi tìm đức Phật. Khi tìm thấy Ngài, ông nói, “Này ông Sa-môn, tôi đã đem con gái tôi đến đây để gả cho ông đấy.”

Đức Phật không trả lời trực tiếp cho ông bà-la-môn. Ngài nói: “Này ông bà-la-môn, Ta sẽ nói cho ông biết một chuyện.” Sau đó Ngài kể cho ông bà-la-môn nghe câu chuyện về sự xuất gia và đạt đến giác ngộ của Ngài, về việc Ngài ở tại cây bồ đề 50 ngày, và về chiến dịch của MaVương chống lại Ngài, về những cám dỗ của ba cô con gái Ma-Vương bị thất bại và làm cho Ma-Vương thất vọng ra sao. Sở dĩ đức Phật nói điều này với hai vợ chồng ông bàla-môn là cốt để cho họ hiểu rằng Ngài không còn những ước muốn về nhục dục. Ngài cũng muốn cho hai vợ chồng ông bà-la-môn đắc được trí về Pháp, và vì thế Ngài nói lên bài kệ sau:

Disvāna taïha½, arati½, ragiđca, 

Nāhosi chando api methunasmin 

Kimevidam muttakarisapunnam, 

Pādāpi nam samphusitum na icche.

“Mặc dù ta đã nhìn thấy Ta|hā, Arati và Ragā, ba cô con gái xinh đẹp của Ma-Vương, nhưng dục vọng vẫn không khởi lên (nơi ta). Còn nói chi đến thấy cô gái Māgandiya này, một tấm thân hầu như chứa đầy những phân và nước tiểu, dục vọng sao lại có thể khởi lên. Ta không muốn đụng đến thân của cô ta dù là với chân của ta.”

Ông bà-la-môn và vợ nghe câu trả lời này liền trở thành bậc thánh Bất Lai (anāgam). Họ giao cô con gái cho Cula Māgandi, một người cậu của cô ta chăm sóc, và gia nhập vào Tăng đoàn của đức Phật, không lâu sau đó trở thành Thánh A-la-hán. 

Tuy nhiên Māgandiya rất tức giận khi nghe câu trả lời của đức Phật. Cô ta cảm thấy khó chịu khi đức Phật nói rằng thân của cô ta là một cái kho chứa nước tiểu và phân. Cô tự nhủ “Hừm, nếu ông không cần ta, ông không nên nói như vậy. Tại sao ông lại nói rằng ta chứa đầy phân và nước tiểu chứ? đó là một sự xúc phạm trắng trợn” Cô tự nói với chính mình “được, cứ để đấy. Ta có thế lấy được một người chồng đàng hoàng, lúc đó ta sẽ chỉ cho Gotama biết những gì ta sẽ làm đối với ông ta.” 

Người cậu sau đó giới thiệu cô ta với Vua Udena của Vương quốc Kosambi. đức vua rất hài lòng với sắc đẹp của Magandiya và tấn phong cô làm hoàng hậu mặc dù đã có hai bà hoàng hậu khác. đó là Vasuladattā, công chúa con vua Chandrapejjota, và Sāmāvati, con nuôi của phú hộ Ghosaka. Mỗi bà hoàng hậu có năm trăm thị nữ theo hầu.

Đức vua mỗi ngày cho hoàng hậu Sāmāvati 8 đồng để mua hoa. Số tiền ấy được giao cho người hầu gái của hoàng hậu là Khujjuttāra, người mỗi ngày có nhiệm vụ đi ra ngoài để mua hoa. Một hôm ở tại nhà người bán hoa Sumana có tổ chức một buổi lễ trai tăng cho đức Phật và chư Tăng. Người bán hoa mời Khujjutāra ở lại nghe pháp sau bữa ngọ trai. Khujjutāra được dự buổi thuyết pháp, sau khi nghe xong cô trở thành bậc thánh nhập lưu.

Là một bậc thánh nhập lưu, người ta giữ ngũ giới một cách nghiêm ngặt. Vì thế Khujjutāra trước đây thường ăn bớt bốn đồng từ số tiền mua hoa hàng ngày, không còn làm điều đó nữa, cô mua đủ tám đồng. Khi hoàng hậu thấy hoa nhiều hơn bình thường, nàng hỏi người hầu gái, “Tại sao, này em Khujjutāra? Có phải hôm nay đức Vua đưa gấp đôi bình thường không?” Khujjutara nói không. Lúc đó hoàng hậu mới hỏi lý do vì sao hôm nay lại có nhiều hoa như vậy. Một bậc thánh nhập lưu không bao giờ nói dối và giữ ngũ giới nghiêm ngặt. Khujjutāra kể lại toàn bộ sự thực, trước đây cô thường ăn cắp bốn đồng trong số tám đồng tiền mua hoa, cô chỉ mua bốn đồng tiền hoa mỗi ngày, nhưng hôm nay cô đã chấm dứt việc đó. Khi được hỏi tại sao, Khujjutāra nói hôm nay cô có cơ hội được nghe pháp của đức Phật tại nhà người bán hoa và đã liễu ngộ pháp, vì thế cô không còn phạm vào ngũ giới nữa.

Ở đây chúng ta thấy, nếu hoàng hậu là một người ác tâm có lẽ nàng sẽ quở mắng người hầu gái và bắt cô phải trả lại số tiền đã lấy. Nhưng Hoàng hậu Sāmāvati là một người đôn hậu và giới đức. Vì thế, hoàng hậu rất thận trọng. Nàng suy xét đến những thay đổi nơi thái độ và nhân cách của Khujjutāra. Hoàng hậu ngẫm nghĩ đến người nữ tỳ khi cô ta nói rằng cô ta đã đắc pháp, không còn ăn cắp và dám nói sự thực không sợ hãi. Như vậy pháp mà Khujjutāra đắc ắt hẳn phải là pháp gì đó thiêng liêng lắm, và biết được pháp ấy chắc chắn sẽ là một điều diễm phúc, Hoàng hậu Sāmāvati tự nhủ như vậy. Vì thế nàng nói với Khujjutāra: “Này chị, hãy hoan hỷ cho chúng tôi được uống pháp mà chị đã uống đi.” Người nữ tỳ nói rằng nếu muốn cô ta trùng tuyên lại pháp, trước hết phải để cho cô ta tắm rửa sạch sẽ và gọn gàng đã. Và cô xin phép được tắm rửa và ăn mặc thích hợp. Cô làm điều đó vì sự tôn kính thánh pháp mà cô sẽ trùng tuyên.

Sau khi đã tắm rửa và ăn mặc thích hợp xong, Khujjutāra ngồi trên chỗ mà một vị pháp sư thường ngồi và lặp lại bài pháp của đức Phật một cách rõ ràng và đầy đủ. Hoàng hậu Sāmāvati và năm trăm thị nữ của nàng trở thành thánh nhập lưu sau khi nghe xong bài pháp ấy.

Từ ngày đó trở đi, Khujjutāra được nâng lên địa vị của một người mẹ, một người thầy thông thái và được phép đi dự các buổi thuyết pháp của đức Phật. Mỗi lần nghe pháp xong cô sẽ trở lại cung cấm và trùng tuyên những bài pháp đã nghe ấy cho mọi người cùng biết. Bằng cách này, Khujjutāra trở nên thấm nhuần trong pháp và sau đó được đức Phật khen tặng là người tinh thông về pháp trong số những cận sự nữ của Ngài (đệ nhất về thuyết pháp trong hàng cận sự nữ).

Sau một thời gian được thường xuyên nghe pháp của đức Phật do Khujjutāra trùng tuyên lại, Hoàng hậu Sāmāvati và các thị nữ của nàng có một khát khao mãnh liệt muốn được gặp và đảnh lễ đức Phật. Vì thế nàng yêu cầu Khujutāra đưa họ đi đến gặp đức Phật. Khujutāra nói, “Thưa quý nương, việc đi ra khỏi cung điện (không có phép của đức Vua) là điều gần như không thể được cho quý nương vì đây là nhà của Vua. Vì thế quý nương hãy vui lòng tạo những lỗ nhỏ trên bức tường đối diện với con đường để quý nương có thể qua đó kính lễ đức Phật và chư Tăng khi các Ngài đi dự trai tăng ở nhà một phú hộ nào đó quanh đây.” Hoàng hậu và các thị nữ cho tạo những lỗ nhỏ trên tường và hé nhìn qua đó để kính lễ đức Phật và chư Tăng. Một hôm Māgandiya đến thăm phòng của Sāmāvati và thấy những lỗ hổng trên tường. Cô hỏi về những lỗ hổng ấy. Không biết rằng Māgandiya có một mối ác cảm với đức Phật Sāmāvati đã nói cho cô biết đức Phật hiện đang ở Kinh thành Kosambi và họ muốn được chiêm bái đức Phật và chư Tăng từ trong cung cấm này. Māgandiya điên tiết tự nhủ, “À thì ra đức Phật đang ở trong kinh thành, Ta sẽ làm điều ta muốn với ông ta. Những người phụ nữ này là đệ tử của Gotama; ta cũng sẽ làm cái gì đó cho họ biết tay.” Vì thế cô đi đến gặp đức Vua và tìm mọi cách vu khống Sāmāvati nhưng mọi nỗ lực của cô đều vô ích. đây chỉ là một phần của câu chuyện liên quan đến hai bà hoàng hậu.

Māgandiya cho tiền những người hầu và nô lệ của nàng, yêu cầu họ đi ra đường để chửi bới đức Phật và đuổi Ngài ra khỏi kinh thành. Những người không có đức tin nơi đức Phật và giáo pháp của Ngài đã làm theo yêu cầu của Māgandiya. Khi đức Phật và chư Tăng đi vào kinh thành, những người này đã đi theo và hét lên những lời xỉ vả đủ mọi loại. Chẳng hạn như họ chửi, “Ông là một tên trộm, là kẻ đồi bại, là đồ con lừa, đồ con bò, đồ con lươn, đồ xúc sanh, ông sẽ đi xuống địa ngục.” hay “đối với các ông sẽ không có thiên đường mà chỉ có địa ngục mà thôi”. điều đó thật là khủng khiếp. Một khi người ta đã đi trệch khỏi đường chánh, những hành động ác sẽ tăng lên gấp nhiều lần. đám người này đang mua những ác báo cho những ác nghiệp của họ. Thực sự, họ không được gì cả. Sau nhiều lần chửi bới như vậy, Tôn giả Ānanda nói với đức Phật, “Bạch đức Thế Tôn, kinh thành này đầy những người thiếu văn hóa. Họ mắng chửi chúng ta vì những lý do chẳng rõ ràng gì cả. Chúng ta hãy đi đến nơi khác thôi.” đức Phật hỏi, “Này Ānanda ông sẽ làm gì nếu khi đến nơi khác người ta cũng mắng chửi chúng ta như vậy?” Ānanda trả lời, “Lúc đó, bạch Thế Tôn, chúng ta sẽ đi đến một nơi khác nữa.”

Đức Phật nói, “Này Ānanda, khi chúng ta bị mắng chửi, bỏ đi nơi khác thật là điều không thích hợp. Bất luận một vấn đề cư xử không đúng đắn và ồn ào nào cũng cần phải được giải quyết ngay tại nơi nó phát sanh. Chỉ khi giải quyết xong, lúc đó chúng ta mới nên đi đến chỗ khác.” Chúng ta phải có đủ can đảm để nhẫn chịu những lời xỉ và của người ác. Ngài nói như vầy:

Aha½ nāgova saïgāme, 

Cāpato patita½ sara½. 

Ativākyam tiikkhissam, 

Dussilo hi bahujjano.

“Ví như thớt voi lớn trên bãi chiến trường phải hứng chịu những lằn tên từ mọi hướng như thế nào, Như Lai cũng sẽ hứng chịu tất cả mọi lời xỉ vả như vậy không chút than phiền. Phần đông trong nhân loại đều thích làm điều ác, nói lời ác, và thô lỗ cục cằn.”

Nhiều người không thể chế ngự được những hành vi và lời nói của họ, và phần lớn mọi người đều thô lỗ. Chỉ khi bạn có lòng khoan dung đối với cách cư xử không đúng đắn của họ bạn mới có thể sống giữa những người như vậy. Vì thế đức Phật nói, “Ví như thớt voi lớn trên bãi chiến trường phải chịu đựng những mũi tên bắn từ mọi hướng như thế nào, Như Lai cũng sẽ chịu đựng những lời xỉ vả như vậy.” Và Ngài tiếp tục nói với Ānandā, “Này Ānandā, chớ có lo lắng. Họ chỉ có thể mắng chửi như vậy trong vòng bảy ngày. đến ngày thứ tám họ sẽ chấm dứt, tình trạng này sẽ được lắng dịu và bình yên trở lại.” điều đó đã diễn ra đúng như Ngài nói. Với những chiến dịch vu khống đức Phật có lẽ kết thúc của nó luôn luôn là như vậy. đó là lý do vì sao ở Miến chúng ta có câu nói hàm ý rằng “Nói xấu lắm chỉ bảy ngày, và khen lắm cũng chỉ bảy ngày.”

Trong ba trường hợp: cáo gian, buộc tội và xỉ vả kể trên chúng ta thấy, lý do có sự cáo gian của Chinh-cha xuất phát từ một nghiệp ở rất xa trong tiền kiếp. Trong quá khứ xa xưa, đức Phật Gotama sẽ là của chúng ta đã phạm tội vu oan một vị A-la-hán có tên là Nanda, đệ tử của đức Phật Abhibhu. Apadāna nói như vậy. Liên quan đến sự buộc tội của Sundari, đức Phật Gotama sẽ là của chúng ta đã chĩa những lời buộc tội thiếu thận trọng vào đức Phật độc Giác có tên là Surabhi. Còn lý do có sự buộc tội chống lại 500 vị tỳ-kheo trong vụ việc của Sundari là do 500 vị này đã kết hợp với thầy của họ, tức đức Phật Gotama sẽ là, trong việc cáo gian một vị ẩn sĩ đức hạnh tên là Bhima, người đã đắc các thiền chứng. Tác phẩm không đề cập đến lý do có sự xỉ vả của Magandiya. Nhưng có thể đoán chừng rằng, đức Phật phải chịu đựng cái chiến dịch xỉ vả của Magandiya cũng là do tội đã xỉ vả một người mà lẽ ra Ngài không nên có bất kỳ sự ác cảm nào chống lại vị ấy vậy.

Tội (hay nghiệp bất thiện) là điều khủng khiếp; và quả báo cho bất kỳ tội nào cũng có thể đi theo một người chí đến giây phút cuối cùng của họ trong vòng luân hồi cho dù người ấy có là một vị Phật. Vì thế chúng ta phải cực kỳ cẩn thận trong việc tránh điều ác hay tránh gây bất cứ loại tội nào. Và khi bạn phải đương đầu với những sự vu khống, buộc tội hay xỉ vả bạn nên nhớ rằng ngay cả đức Phật cũng buộc phải đương đầu với sự vu khống như vậy và phải chịu đựng nó. Bạn phải cố gắng thực hành pháp nhẫn nại để có thể kham nhẫn chịu đựng những quả nghiệp bất thiện này.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app