CHƯƠNG 35

CÂU CHUYỆN VỀ MĀRA

(Tuy nhiều sự kiện của Đức Phật xảy ra suốt thời gian Sơ giác thời – Pacchima-Bodhi, hai mươi lăm năm cuối chỉ có một số biến cố nổi tiếng sẽ được kể ra từ chương này trở đi).

Một thuở nọ, Đức Phật trú ngụ gần ngôi làng Pañcāsāla, nơi  Ngài đi khất thực, vì Ngài thấy những việc phước quá khứ của năm trăm nữ nhân trong ngôi làng – những việc phước có thể làm duyên giúp họ chứng đắc Thánh đạo Nhập lưu (sotāpatti-magga). Vào một ngày hội, những nữ nhân ấy đi đến bờ sông, tắm ở đó, mặc y phục xinh đẹp và đang trên đường trở về ngôi làng.

Đức Phật đi vào làng để khất thực, khi ấy Māra (Ác ma) nhập vào tất cả dân làng để khiến họ không thể đặt bát đến Ngài dù chỉ một vá cơm. Buộc phải rời khỏi làng với bình bát trống rỗng, Ngài đứng tại cổng làng. Tại đó Māra hỏi Ngài: “Này Sa-môn! Ông có khất thực được gì không?” Khi ấy Đức Phật đáp: “Này Māra! Ngươi đã làm  điều gì đó để Như Lai không thọ lãnh được gì, không phải vậy sao?” Māra bèn nói: “Nếu vậy thì thưa Ngài! Xin hãy vào làng một lần nữa để khất thực.” (Māra nói không chút thật lòng. Thật ra, vị ấy làm như vậy với động cơ bí ẩn, vị ấy muốn nhập vào dân làng một lần nữa để chế nhạo Đức Phật bằng cách chấp tay đứng ngay trước mặt Ngài. Đức Phật biết rõ ý định của Māra và không đi vào làng nữa do lòng bi mẫn đối với Māra, Đức Phật biết rằng: “Nếu Māra làm tổn thương Như Lai theo kế hoạch của vị ấy thì cái đầu của vị ấy vỡ thành bảy mảnh).

Lúc Māra nói với Đức Phật thì năm trăm nữ nhân đến gần cổng làng, bày tỏ sự tôn kính đến Đức Phật và đứng ở một nơi hợp lẽ. Khi ấy Māra hỏi Đức Phật: “Thưa Sa-môn! Nếu Ngài không có vật thực thì phải chăng Ngài cũng không đói?” Đức Phật nói: “Này Māra! Dầu Như Lai không có được vật thực, Như Lai sẽ trú trong hỉ (pīti) và lạc (sukha) của thiền (jhāna) như các vị Đại phạm thiên ở cõi Ābhassara (cõi Quang Âm thiên).” Rồi Ngài đọc lên câu kệ:

Susukhaṃ vata jīvāma,

yesaṃ no natthi kiñcanaṃ

Pitībhakkhā bhavissāma,

devā ābhassarā yathā.

Này Māra! Không có chút phiền não nào như tham, sân, v.v… trong Như Lai, Như Lai sẽ sống trường thọ, không khổ đau và thọ hưởng niềm hạnh phúc to lớn. Như các vị Phạm thiên ở cõi  Ābhassara, Như Lai chắc chắn (ngày hôm nay) sẽ dùng vật thực hỉ lạc bằng cách nhập vào thiền Hỷ lạc.

Vào lúc kết thúc câu kệ ấy, năm trăm nữ nhân ấy được an trú trong Thánh quả Nhập lưu (theo Sukha Vagga, Dhammapada).

Vô Song thí của vua Kosala

Một thuở nọ, khi Đức Phật đi du hành và đến đại tịnh xá Jetavana cùng với năm trăm vị tỳ khưu, vua Pasenadi Kosala đi đến tịnh xá thỉnh Đức Phật đến dự lễ cúng dường āgantuka-dāna (sự bố thí dành cho khách phương xa). Đức vua cho sửa soạn dāna rất chu đáo và công bố “Mọi người hãy đến xem sự cúng dường của trẫm!”

Sau khi đến và thấy sự cúng dường của đức vua, dân chúng muốn thi đua với đức vua, họ bèn thỉnh Đức Phật dự lễ cúng dường của họ vào ngày hôm sau và sắm sửa vật thực thật chu đáo rồi đến mời đức vua: “Tâu đại vương! Xin Ngài hãy đến xem lễ cúng dường của chúng tôi.”.

Sau khi chứng kiến lễ bố thí cúng dường của dân chúng, đức vua tự nghĩ: “Dân chúng đã làm lễ cúng dường to lớn hơn lễ cúng dường của ta. Ta sẽ tổ chức một buổi lễ cúng dường to lớn vượt trội hơn buổi lễ cúng dường của dân chúng.” Ngày hôm sau đức vua sửa soạn vật bố thí cúng dường thịnh soạn hơn rồi cho người đến mời dân chúng đến dự. Dân chúng trông thấy những vật thí của đức vua, và để không bị đức vua vượt trội, họ lại tổ chức lễ bố thí cúng dường khác vào ngày kế tiếp to lớn hơn rồi gửi lời mời đến đức vua. Bằng cách này, đức vua không thể đánh bại dân chúng mà dân chúng cũng không thể đánh bại đức vua.

Vào cuộc lễ cúng dường lần thứ sáu, dân chúng gia tăng những vật thí của họ lên đến một trăm lần, không, một ngàn lần và quyết định rằng sự cúng dường của họ hoàn hảo đến nỗi không ai có thể nói rằng “Vật thí như vậy không có trong dāna của chúng tôi.”

Khi thấy những lễ cúng dường của dân chúng, đức vua trở nên tuyệt vọng nghĩ rằng: “Cuộc sống của ta có ý nghĩa gì nếu ta không thể làm tốt hơn dân chúng trong lễ bố thí vật thực?” Vì vậy, vị ấy nằm dài trên chiếc trường kỷ, nghĩ phương kế để vượt trội hơn thần dân  của mình. Khi ấy hoàng hậu Mallikā đi đến đức vua và nói: “Tâu chúa thượng! Vì sao chúa thượng nằm dài như vậy? Tại sao lục căn của chúa thượng như mắt, tai, v.v… có vẻ héo hon vậy?” Đức vua nói: “Này ái khanh! Ái khanh không biết sao?” “Tâu chúa thượng! Thần thiếp không biết.” Rồi đức vua kể lại vấn đề đến hoàng hậu Mallikā.

Cuộc cúng dường Vô song do Mallikā tổ chức

 

Khi ấy hoàng hậu Mallikā bèn tâu với đức vua rằng: “Tâu chúa thượng! Ngài đừng bận tâm. Thánh thượng có nghe một nơi nào một vị hoàng đế trị vì đất nước lại bị thần dân của vị ấy đánh bại hay không? Thần thiếp sẽ tổ chức lễ bố thí giúp bệ hạ.”

Sau khi động viên đức vua như vậy, hoàng hậu Mallikā bèn đưa ra lời khuyên của nàng là muốn sắp xếp lễ Vô song thí (asadisa-dāna) theo cách sau:

“Tâu chúa thượng! Hãy cho dựng lên một cái giả ốc bằng những tấm ván gỗ thơm của cây sāla-kalyānī dành cho năm trăm vị tỳ khưu trong khuôn viên của hoàng cung. Dân chúng sẽ ở bên ngoài khuôn viên.

Hãy đặt năm trăm cái lọng trắng, mỗi một con voi trong năm trăm con sẽ giữ một cái lọng bằng cái vòi của nó và đứng che một vị tỳ khưu.

Hãy cho làm tám chiếc thuyền bằng vàng nīphalaṃ, những chiếc thuyền này sẽ chứa những vật thực thơm và sẽ được đặt giữa giả ốc.

Giữa hai vị tỳ tỳ khưu sẽ có một nàng công chúa ngồi xay gỗ trầm để cho thơm. Một nàng công chúa khác sẽ cầm một cái quạt tròn và quạt hầu hai vị tỳ khưu ấy. Những công nương khác sẽ đem những bột thơm ấy và đặt chúng trong những chiếc thuyền. Trong số những công nương này sẽ mang theo những nhánh hoa sen xanh và khuấy những bột thơm ở trong chiếc thuyền để hương thơm của chúng sẽ được toả ra.

Chắc chắn, dân chúng sẽ không có những nàng công  chúa, không có những cái lọng trắng, không có những con voi. Vì lý do này mà dân chúng sẽ bị đánh bại.

Tâu chúa thượng! Bây giờ chúa thượng hãy làm như thần thiếp đã trình bày.”

Đức vua nói: “Tốt lắm! Này ái khanh, nàng đã cho trẫm một lời khuyên thật tuyệt vời.” Đức vua cho làm theo đúng những lời chỉ bảo của hoàng hậu.

Trong khi mọi thứ được chuẩn bị chiếu theo đó thì thiếu một con voi thuần hóa dành cho một vị tỳ khưu. Khi ấy, đức vua hỏi: “Này ái khanh! Cần có một con voi đã được thuần hóa. Chúng ta làm gì đây?” “Không phải chúa thượng đã có năm trăm con voi đó chăng?” “Này ái khanh! Trẫm có, nhưng số còn lại đều chưa được thuần hóa. Giống như ngọn gió Verambha, chúng có thể trở nên hoang dã khi thấy các vị tỳ khưu.” “Tâu bệ hạ! Thần thiếp có ý là sẽ đặt con voi chưa được thuần hóa ấy giữ cái lọng chỗ nào rồi.” “Chỗ nào vậy?” “Tại chỗ của đại đức Aṅgulimāla.”

Đức vua cho làm theo theo lời của hoàng hậu. Con voi chưa được thuần hóa lặng lẽ đứng tại đó với cái đuôi quặp lại ở giữa hai đùi, hai tai của nó cụp xuống và hai mắt của nó nhắm lại. Dân chúng nhìn con voi với vẻ kinh ngạc và nói với nhau rằng: “Ngay cả một con voi hoang dã như vậy mà giờ đây đã trở thành một con vật dễ bảo và yên lặng như thế.”

Sau khi đã cúng dường vật thực đến Tăng chúng có Đức Phật dẫn đầu, đức vua đảnh lễ Đức Phật và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Trong ngôi nhà cúng dường bố thí này, con đã dâng cúng đến các Ngài những thứ thích hợp với các vị tỳ khưu (kappiya-bhaṇḍā) cũng như những thứ chưa được làm cho hợp lệ (akappiya-bhaṇḍā)

Những thứ được cúng dường trong buổi lễ Vô song thí này trong một ngày giá trị 14 Koṭi, có bốn thứ vô giá được dâng cúng đến Đức Phật đó là (1) cái lọng trắng, (2) ngai vàng, (3) cái giá để đặt bình bát, (4) tấm ván để đứng trên đó sau khi rửa chân của Ngài. Sự cúng dường to lớn như vậy đến Đức Phật không thể nào được lập lại. Do đó, sự bố thí cúng dường do đức vua thực hiện đã trở nên nổi tiếng trong tôn giáo này là Vô song thí (asadisa- dāna).

Thật vậy, một cuộc lễ Vô song thí như vậy chỉ diễn ra một lần đến mỗi vị Phật, đây là quy luật. Và Vô song thí diễn ra chỉ một lần đến một vị Phật được tổ chức bởi một người nữ có trí.

Hai vị quan Juṇha và Kāla

Vua Pasenadī Kosala có hai vị quan là Juṇha và Kāla. Một trong hai vị quan ấy, vị quan Kāla suy nghĩ rằng: “Ồ! Quả thật một sự mất mát đã xảy đến cung điện của đức vua. Những của báu lên đến nhiều koṭi đã tiêu tan trong một ngày. Sau khi nhận lãnh những vật thí của đức vua, những vị tỳ khưu này sẽ trở về chỗ ngụ của họ và lăn ra ngủ. Ôi! Cung điện đã đi đến chỗ tàn rụi chưa từng có.”

Ngược lại, vị quan Juṇha suy nghĩ: “Ồ! Đức vua đã bố thí một cách đúng pháp và thành công. Đúng vậy, người không nắm vương quyền (người không phải là hoàng đế) thì không thể bố thí được như vậy. Không có người bố thí nào mà không san sẻ phước của họ cho tất cả những chúng sanh khác. Ta hoan hỷ với Vô song thí của đức vua và nói Sādhu! Sādhu! Sādhu!”

Suy xét như vậy, vị quan Juṇha hoan hỷ và sung sướng. Khi Đức Phật đã độ thực xong, đức vua Kosala sẵn sàng nghe pháp bằng cách cầm cái tách để đổ nước dâng cúng. Thời pháp sẽ Đức Phật thuyết để ca ngợi sự bố thí của đức vua. Đức Phật suy xét như sau: “Quả thật đức vua đã làm một việc đại thí tựa như vị ấy làm cho cơn lũ đổ xuống những đợt sóng nối tiếp nhau. Vị ấy có thể làm cho mọi người hoan  hỷ hay không?”

Khi ấy, Ngài biết những dòng suy nghĩ của hai vị quan và biết như vầy: “Nếu Như Lai thuyết pháp chi tiết phù hợp với sự bố thí của đức vua thì cái đầu của vị quan Kāla sẽ bị vỡ thành bảy mãnh, còn vị quan Juṇha thì được an trú trong Thánh quả Nhập lưu. Vì thương xót Kāla, Đức Phật chỉ thuyết một câu kệ bốn dòng (catuppadika) bất chấp sự bố thí to lớn như vậy của đức vua thực hiện. Rồi Ngài đứng dậy khỏi chỗ ngồi và đi về tịnh xá

Sự can đảm của đại đức Aṅgulimāla

Khi các vị tỳ khưu trở về tịnh xá, họ bèn hỏi đại đức Aṅgulimāla rằng: “Này hiền giả! Khi thấy con voi hoang dã cầm chiếc lọng che cho mình, hiền giả không sợ hãi à?” Khi nhận được câu trả lời không, các vị tỳ khưu bèn đến gần Đức Phật và trình bày đến Đức Phật một cách mỉa mai rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Đại đức Aṅgulimāla tự cho mình là bậc A-la-hán.” Đức Phật dạy: “Này các tỳ khưu! Aṅgulimāla quả thật không sợ hãi. Các Sa-môn giống những đứa con trai của Như Lai là những bậc rất cao quý giữa những bậc Arahat không có sự sợ hãi.”

Và Đức Phật đọc lên câu kệ sau trong phẩm Brāhmaṇa-vagga (của bộ Dhammapāda).

Usabhaṃ pararaṃ vīraṃ,

mahesim vijitāvinaṃ

Anejam nhātākaṃ buddhaṃ,

taṃ ahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ

 

“Này các tỳ khưu! Bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc, là bậc can đảm vì vị ấy không biết run sợ như ngưu vương, bậc có pháp tinh tấn cao quý, bậc có những giới đức, bậc chiến thắng ba loại Māra đó  là Thiên ma, Phiền não ma và Hữu vi ma, bậc đã dập tắt tất cả tham ái đối với các hữu, bậc đã tẩy sạch ô nhiễm trong tâm bằng nước sạch của đạo và đã giác ngộ Tứ Diệu Đế, người ấy Như Lai gọi là Bà-la- môn.”

Số phận của hai vị quan

 

Vua Pasenadī Kosala cảm thấy không vui và tự nghĩ như sau: “Đức Thế Tôn đứng dậy và ra đi mà không bố thí cho ta một thời pháp phù hợp với dịp này dù ta làm một đại thí đến hội chúng có tánh chất vĩ đại như vậy. Thay vì thế, Ngài chỉ thuyết bốn câu kệ. Ắt hẳn ta đã làm điều gì không làm hài lòng Ngài. Chắc chắn là ta đã làm điều gì không vừa lòng. Có lẽ ta đã cúng dường vật thực không thích hợp. Ắt hẳn Đức Phật không thích ta. Sự bố thí mà ta đã làm được gọi là Vô song thí (asadisa-dāna). Đức Phật lẽ ra nên thuyết một bài pháp thích hợp với loại vật thí này”. Nghĩ như vậy, đức vua đi đến tịnh xá, đảnh lễ Đức Phật và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Phải chăng con đã không bố thí đúng pháp, hay con đã cúng dường những vật thí không tốt ? ”

 

Đức Phật nói: “Thưa đại vương! Tại sao đại vương lại hỏi như vậy?” Đức vua bạch rằng: “Thế Tôn đã không thuyết pháp phù hợp với lễ Vô song thí của con.” Đức Phật giải thích: “Thưa đại vương! Đại vương đã cúng dường những vật thí đúng pháp. Đúng vậy, những vật thí mà đại vương đã cúng dường gọi là Vô song thí. Loại bố thí này chỉ xảy ra một lần đến mỗi vị Phật. Thật không dễ làm lại được như vậy.”.

 

Khi ấy, đức vua hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Vậy tại sao Ngài không thuyết pháp phù hợp với tánh chất vĩ đại của vật thí cho chúng con?” “Bởi vì thính chúng không trong sạch.” “Bạch Đức Thế Tôn! Thính chúng có khuyết điểm nào?”

Rồi Đức Phật cho đức vua biết sự phản ứng của hai vị quan và giải thích rằng Ngài không thuyết pháp chi tiết là vì thương xót cho Kāla. Đức vua hỏi Kāla có đúng như vậy không. Khi Kāla xác nhận đúng như vậy, đức vua bèn trục xuất vị ấy ra khỏi vương quốc, nói rằng: “Xét ra trẫm cùng gia đình trẫm bố thí tài sản mà không lấy một đồng nào từ nơi ngươi, vậy ngươi lo lắng gì? Này Kāla! Hãy đi, những tài sản mà trẫm đã cho ngươi vẫn là của ngươi (trẫm sẽ không lấy lại) nhưng người phải đi khỏi vương quốc này trong ngày hôm nay.”

Rồi đức vua cho gọi vị quan Juṇha đến và hỏi vị ấy rằng có phải vị ấy có ý định ủng hộ, và khi nhận được câu trả lời xác định thì đức vua nói với Juṇha rằng: “Khéo lắm, này cậu, khéo lắm! Trẫm yêu quý cậu! Hãy nhận lấy tùy tùng của trẫm và bố thí trong bảy ngày theo cách mà trẫm đã làm.”

Khi nói như vậy, đức vua bèn trao vương quyền của mình cho Juṇha trong bảy ngày. Sau đó vị ấy bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Hãy nhìn vào điều mà kẻ ngu đã làm, vị ấy là người chống lại sự bố thí của con theo cách như vậy!” Đức Phật bèn đáp lại: “Đúng vậy, thưa đại vương! Những kẻ ngu là những kẻ không khen ngợi việc bố thí của người khác mà chỉ biết gièm pha và cuối cùng đi đến khổ cảnh. Tuy nhiên, bậc trí thì hoan hỷ với sự bố thí của người khác và cuối cùng được tái sanh vào cõi an vui.” Rồi Đức Phật đọc lên câu kệ sau đây:

Nave kadariyā devalokaṃ vajanti.

bālā have nappasaṃ santi dānam

Dhīro ca dānaṃ anumodamāno

ten‘eva so hoti sukhī parattha.

(Thưa đại vương!) Quả vậy, những người rít róng và keo kiệt không đạt đến cõi chư thiên. Những kẻ ngu, vô minh đối với thế gian hiện tại và tương lai thì không ngưỡng mộ và không hoan hỷ đối với sự bố thí. Chỉ những người có trí trông thấy xa mới có thể hoan hỷ trong sự bố thí. Chính lí do về sự hoan hỷ của vị ấy mà khi mạng chung, vị ấy hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên.

Vào lúc kết thúc thời pháp, vị quan Juṇha chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpanna). Khi thọ hưởng đặc ân của đức vua ban cho, vị ấy tổ chức bố thí cúng dường trong bảy ngày theo cách của đức vua.

Kết thúc phần đề cập về Vô song thí của đức vua Kosala

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app