Sự chỉ trích hành động của chư Tăng ở Kosambi

Trong khi Đức Phật trải qua mùa an cư như vậy tại khi rừng Pālileyyaka, thì trưởng giả Ghosaka và những vị thiện tín, thí chủ khác tại Kosambi đi đến tịnh xá Ghositārāma. Không thấy Đức Phật, họ hỏi: “Bạch chư đại đức! Bậc Đạo sư bây giờ đang trú ngụ ở đâu?” Các vị tỳ khưu buồn bả trả lời: “Này các vị thí chủ! Bậc Đạo sư đã đi đến khu rừng Pālileyyaka rồi.” Họ hỏi: “Tại sao?” Các vị tỳ khưu trả lời: “Bậc Đạo sư đã cố gắng đem lại sự hòa hợp cho chúng tôi vì chúng tôi đã chia rẽ nhau. Nhưng sau khi nỗi hận thù lẫn nhau trong chúng tôi đã trở nên căng thẳng. Chúng tôi đã từ chối không hòa hợp nên bậc Đạo sư đã bỏ đi đến khu rừng Pālileyyaka.” Các vị thiện tín hỏi: “Thưa các Ngài! Tại sao như vậy? Dù các Ngài đã xuất gia theo Đức Phật, và dù Đức Phật đã cố gắng đem đến sự đoàn kết cho các Ngài thế mà tại sao các Ngài vẫn khăng khăng không chịu hòa hợp?” Các vị tỳ khưu thú nhận rằng đó là sự thật.

Thế rồi, các thiện nam, tín nữ và dân cư thành Kosambi họ bàn bạc với nhau và đi đến kết luận rằng: “Những vị tỳ khưu Kosambi này mặc dù đã xuất gia theo Đức Phật nhưng lại không chịu hòa hợp với nhau bất chấp sự khuyên giải của Đức Phật. Vì họ mà đã lâu chúng ta không được gặp bậc Đạo sư. Chúng ta sẽ không mời họ ngồi và không đảnh lễ họ nữa.” Từ lúc đó trở đi, những vị tỳ khưu hay tranh chấp ở thành Kosambi không còn nhận được sự tôn kính của Phật tử (nói chi đến bốn món vật dụng).

Do thiếu thốn vật thực và đói khát, các vị tỳ khưu ngày càng tiều tụy, gầy ốm và bắt đầu tỉnh ngộ sau vài ngày. Họ bắt đầu sám hối lẫn nhau và xin lỗi những thiện nam tín nữ. “Chúng tôi đã hòa hợp với nhau rồi thưa các thí chủ, xin hãy cư xử với chúng tôi như trước kia.” “Các Ngài đã sám hối với bậc Đạo sư chưa?” Các thiện tín hỏi. “Chưa, thưa các thí chủ.” Các thiện tín đáp lại: “Thế thì các Ngài nên sám hối với bậc Đạo sư và sau khi làm như thế thì chúng tôi sẽ cư xử với các Ngài như trước.” Thực ra, lúc ấy nhằm mùa an cư kiết hạ nên các vị tỳ khưu không dám đi yết kiến Đức Phật; vì vậy họ phải trải  qua ba tháng mùa an cư trong cảnh khốn đốn.

Con khỉ cảm kích sự hầu hạ của voi Pālileyyaka

 

Với sự hầu hạ của voi Pālileyyaka, Đức Phật sống an lạc trong khu rừng Pālileyyaka suốt ba tháng của mùa mưa.

 

Lúc bấy giờ, có con khỉ nọ trông thấy voi Pālileyyaka làm những phận sự hằng ngày siêng năng và đầy nhiệt tâm. Khỉ lấy làm cảm kích và tự nghĩ: “Ta cũng sẽ làm một việc phước nào đó đến bậc Đạo-sư.” Một hôm, khỉ dạo chơi trong khu rừng trông thấy một tổ ong của những con ong bỏ lại trên một cành cây, nó bèn bẻ lấy và đem dâng lên Đức Phật. Nó ngắt một tàu lá chuối và đặt tổ mật ong lên rồi đem dâng đến Đức Phật. Ngài nhận lấy.

Con khỉ nhìn dõi xem Đức Phật có ăn mật ong không, và nó thấy rằng Ngài chỉ ngồi yên nhìn vào tổ mật mà không ăn. Con khỉ dò xét tìm hiểu lý do, rồi nó cầm tổ mật lật qua lật lại và trông thấy  những trứng nhộng còn dính trong tổ ong. Nó nhẹ nhàng nhặt ra và dâng lại tổ mật đến Đức Phật. Chỉ khi ấy, Đức Phật mới cầm mật lên ăn.

Đầy hoan hỷ và vui sướng, con khỉ nhảy chuyền từ cành cây này sang cành cây khác. Trong khi đang nhảy chuyền như vậy, nó với nhằm một cành cây khô; cành cây gãy lìa và nó rơi xuống gốc cây, bị đầu nhọn của ụ cây đâm xuyên qua thân. Trong tâm trạng đầy tịnh tín với Đức Phật, nó chết và được tái sanh lên cõi trời Ba-mươi-ba (Tāvatiṃsa) trong cung điện bằng vàng rộng ba mươi do tuần tại, làm một vị thiên tên Makkata deva (vị thiên khỉ) có một ngàn tiên nữ ngày đêm hầu hạ phục vụ.

Ý nghĩ của voi Pālileyyaka và cảm hứng kệ của Đức Phật

Voi Pālileyyaka, trong khi đang làm những phận sự hằng ngày đối với Đức Phật, nó suy nghĩ như vầy: “Sống chung với những con voi đực và cái, những con voi đực hay ve vãn những con voi cái khiến ta không thể sống an lạc. Ta phải ăn cỏ già. Tất cả những nhánh cây được kéo xuống từ trên cây đã bị những con voi khác ăn trước rồi. Khi khát ta phải uống nước đục.

Hơn thế nữa, những con voi cái không tôn trọng ta, lúc ta từ dưới nước đi lên bị chúng chen lấn một cách thô bạo. Giờ đây lìa bỏ tất cả chúng, ta có thể sống trong an bình.”

Do tự Ngài biết rõ đời sống an lạc của chính Ngài xa lìa những người xung quanh và cũng biết rõ ý nghĩ của voi Pālileyyaka. Đức Phật đọc lên bài kệ cảm hứng này:

 

Etaṃ nāgassa nāgena.

īsādantassa hatthino.

sameti cittaṃ cittena.

yad’eko ramatī vane.

Có nghĩa là: sống một mình trong khu rừng Rakkhita này, Ta – Đức Phật, bậc Đạo sư của ba cõi (nhân loại, chư thiên và Phạm thiên) được an lạc. Cũng thế, con voi Pālileyyaka này cũng vui thích sống một mình trong khu rừng này. Do đó, ý nghĩ của voi Pālileyyaka, kẻ có cặp ngà như cái sào, Ta cũng vậy, bậc có danh hiệu Buddha-nāga, Đức Phật như tượng vương sống trong chốn ẩn dật của sơn lâm.

Ānanda thỉnh cầu Đức Phật

 

Việc Đức Phật an cư kiết hạ trong khu rừng Pālileyyaka, có voi Pālileyyaka hầu hạ, phục dịch đã nổi tiếng khắp xứ Jambudīpa. Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc), đại tín nữ Visakhā và những người dân thượng sanh khác của thành phố Sāvatthi đã gửi tin nhắn của họ đến đại đức Ānanda với nội dung rằng: “Kính bạch đại đức! Xin đại đức hãy bi mẫn giúp chúng con có được cơ hội yết kiến Đức Thế Tôn.”

 

Rồi trưởng lão Ānanda đi đến khu rừng Pālileyyaka dẫn theo năm trăm vị tỳ khưu, nhưng trưởng lão nghĩ lại rằng: “Sẽ không thích hợp để năm trăm vị tỳ khưu cùng đi với trưởng lão đến chỗ Đức Phật vì Ngài đang sống cuộc sống ẩn dật suốt mùa mưa.” Do đó, trưởng  lão để năm trăm vị tỳ khưu dừng lại một nơi nào đó và một mình đi đến gặp Đức Phật.

 

Khi trông thấy đại đức Ānanda, voi Pālileyyaka chạy xộc đến vị ấy với cây gậy quấn chặt trong cái vòi của nó (vị trưởng lão ấy là kẻ thù). Đức Phật trông thấy vậy, Ngài cảnh báo với voi rằng: “Hãy tránh ra, này Pālileyyaka! Đừng chặn đường vị ấy. Vị tỳ khưu này là thị giả của Như Lai.” Rồi voi Pālileyyaka thả cây gậy xuống đất và bày tỏ ý muốn mang y bát của trưởng lão nhưng trưởng lão từ chối không giao chúng.

Khi ấy, voi Pālileyyaka nghĩ rằng: “Nếu vị tỳ khưu này rành mạch bổn phận của một vị thị giả thì vị ấy sẽ không để vật dụng của mình trên tảng đá nơi mà bậc Đạo-Sư ngồi.” Trưởng lão Ānanda để y bát của vị ấy xuống đất (một người có hạnh kiểm tốt hay một người biết rành mạch về phận sự thì không bao giờ để những đồ dùng của mình trên chỗ ngồi hay trên giường của đạo sư đáng kính của mình).

Sau khi đảnh lễ Đức Phật, trưởng lão ngồi xuống ở một nơi phải lẽ. Đức Phật hỏi: “Này Ānanda! Có phải chăng con đến một mình?” Khi được trả lời rằng trưởng lão đến đây cùng với năm trăm vị tỳ khưu. Đức Phật hỏi thêm: “Năm trăm vị tỳ khưu bây giờ đang ở đâu?” Trưởng lão trả lời: “Sau khi bảo họ dừng lại ở một nơi nọ, con đến đây một vì con không biết được ý của Đức Thế Tôn.” Rồi Đức Thế Tôn bảo đại đức Ānanda: “Này Ānanda! Hãy đưa họ đến đây.”

Sau khi được Đức Thế Tôn cho phép, trưởng lão Ānanda gọi năm trăm vị tỳ khưu đến đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Khi Đức Phật đã trao đổi những lời thân mật với họ, các vị tỳ khưu bèn bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài vốn là bậc thanh nhã, một phần vì Ngài đã là một vị Phật và một phần là do Ngài xuất thân từ dòng tộc Khattiya (Sát-đế-lỵ). Ngài đã làm một việc khó làm bằng cách sống một mình suốt mùa mưa. Xem ra không có ai hầu hạ bên Ngài. Không có ai dâng nước rửa mặt và những thứ khác.” Rồi Đức Thế Tôn nói với họ rằng: “Này các tỳ khưu! Voi Pālileyyaka đã làm tất cả mọi phận sự phục vụ Như Lai. Thực ra, một người ở chung có bản tánh tốt như vậy thì nên kết bạn. Nếu không có một người bạn đồng hành như thế mà chỉ có đời sống độc cư thì cũng đáng khen ngợi.” Rồi Ngài đọc lên ba câu kệ sau đây:

Sace labhetha nipakam sahāyaṃ.

Saddhiṃ caraṃ sādhuvihāri dhīraṃ.

abhibhuyya sabbāni parissayāni.

careyya tenattamano satimā.

 

No ce labhetha nipakaṃ sahāyaṃ

saddhim caraṃ sādhuvihāri dhīraṃ.

rājā’va ratthaṃ vijitaṃ pahāya.

eko care mātaṅgaraññeva nāgo.

 

Ekassa caritaṃ seyyo.

n’atthi bāle sahāyatā.

eko care na ca pāpāni kariyā.

appossukho mātaṅgaraññe’va nāgo.

(Ý nghĩa của ba câu kệ này đã được nêu ra ở chương thứ 27 của cuốn 3. Vào lúc kết thúc ba câu kệ này, năm trăm vị tỳ khưu được an trú trong đạo quả A-la-hán).

Rồi trưởng lão Ānanda trình lên Đức Thế Tôn lời thỉnh mời của trưởng giả Anāthapiṇḍika và thí chủ dâng tịnh xá Visakhā, cùng tất cả những thí chủ khác rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Năm Koṭi (năm chục triệu) thí chủ cao quý, nam cư sĩ và nữ cư sĩ cùng dân cư của thành phố Sāvatthi, dẫn đầu là trưởng giả Anāthapiṇḍika đang mong mỏi chờ đợi Đức Thế Tôn đến với họ.” “Này Ānanda! Nếu vậy thì hãy mang y bát của Như Lai.” Khi nói vậy, Đức Phật lên đường rời khỏi khu rừng Pālileyyaka.

Lúc bấy giờ, voi Pālileyyaka đến và nằm chắn ngang con đường mà Đức Phật sẽ đi qua. Khi ấy, các vị tỳ khưu hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Con voi đang làm gì thế?” Đức Phật nói: “Này các tỳ khưu! Con voi muốn cúng dường vật thực chúng tỳ khưu các con. Thực ra, con voi này đã đặc biệt phục vụ Như Lai trong một thời gian dài đáng để Như Lai tri ân. Không nên để cho nó buồn lòng. Này các tỳ khưu! Chúng ta hãy quay lại.” Với những lời này, Đức Phật cùng với các tỳ khưu quay lại.

Voi Pālileyyaka đi vào rừng hái nhiều loại trái cây như mít, chuối, v.v… và đem chúng về để thành đống để cúng dường các tỳ khưu vào ngày hôm sau. Năm trăm vị tỳ khưu mà không thể ăn hết lượng trái cây ấy.

Sau khi Đức Phật thọ thực xong món trái cây ấy, Ngài để đại đức Ānanda mang y bát và rời khỏi khu rừng. Voi Pālileyyaka đi qua trước mặt các vị tỳ khưu và đứng chặn ngang trước mặt Đức Thế Tôn. “Bạch Đức Thế Tôn! Con voi có chuyện gì thế?” “Con voi muốn Như Lai quay lại và cho các con ra đi.” Đức Phật trả lời như vậy rồi Ngài nói với voi Pālileyyaka: “Lần này Như Lai nhất định sẽ đi và không quay lại. Với thân này con không thể chứng đắc các tầng thiền hoặc Tuệ quán, Đạo và Quả. Con hãy ở lại.” Khi nghe những lời này, con voi đưa cái vòi vào miệng vừa khóc vừa đi theo hội chúng tỳ khưu do Đức Phật dẫn đầu. Thật vậy, nếu nó có khả năng khiến Đức Phật quay lại và sống như vậy thì nó cũng chỉ làm công việc phục vụ bậc Đạo sư như trước đây.

Khi đến vùng ngoại biên của ngôi làng Pālileyyaka, Đức Phật nói những lời cuối cùng đến con voi: “Này Pālileyyaka! Ở bên kia vùng này không phải là nơi đi lại, sinh sống của con, đó là chỗ trú ngụ của loài người nên sẽ nguy hiểm cho con. Con nên ở lại!” Con voi sầu muộn chăm chú đứng nhìn Đức Phật đến chừng nào nó còn trông thấy. Khi không còn có thể trông thấy Ngài, nó liền vỡ tim và chết ngay tại chỗ ấy. Do oai lực của tâm tịnh tín đối với Đức Phật nên nó được tái sanh làm một vị thiên trong một thiên cung bằng vàng rộng ba mươi do tuần với tùy tùng gồm một ngàn chư thiên. Ở đó, vị ấy tên là vị thiên Pālileyyaka.

Các tỳ khưu Kosambi đến sám hối với Đức Phật

Đức Phật tiếp tục lên đường và cuối cùng đến tại tịnh xá Kỳ viên ở Sāvatthi. Hay tin rằng Đức Phật đã trở về, các vị tỳ khưu ở Kosambi bèn đi đến Sāvatthi để sám hối với Đức Phật (trích dẫn từ bộ chú giải Pháp Cú).

Mười tám cách để phân biệt người nói chánh pháp (Dhammavādi) và mười tám cách để phân biệt người nói phi pháp (Adhammavādi)

 

(Bài này trích dẫn từ bộ Vinaya Mahāvaggapāli).

Lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta Mahāthera sau khi nghe tin các vị tỳ khưu Kosambi đã đến bèn đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Rồi trưởng lão bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nghe nói rằng các vị tỳ khưu xung đột ở Kosambi đã đến tại Sāvatthi. Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con nên cư xử với họ như thế nào?” Đức Phật nói: “Này Sāriputta! Trong trường hợp ấy con nên trú trong Chánh pháp.” Đại đức Sāriputta hỏi:“Bạch Đức Thế Tôn! Làm sao con có thể biết được điều gì là chánh pháp và điều gì là phi chánh pháp?” Câu hỏi này là nguyên nhân khiến Đức Phật thuyết giảng mười tám đặc tánh của phi chánh pháp (adhamma) và mười tám đặc tánh của chánh pháp (dhamma).

Mười tám đặc tánh của phi chánh pháp (Adhamma-vatthu)

Này Sāriputta! Con có thể biết được người thuyết phi chánh pháp qua mười tám đặc tánh ở đây trong chánh pháp này. Vị tỳ khưu cho rằng:

  1. Điều phi pháp cho là chánh pháp.
  2. Chánh pháp cho là phi pháp.
  3. Không phải luật cho là luật.
  4. Đúng luật cho là phi luật.
  5. Phi Phật ngôn cho là Phật ngôn.
  6. Phật ngôn cho là phi Phật ngôn.
  7. Pháp hành của Đức Phật cho là không phải của Đức Phật
  8. Điều Đức Phật không thực hành cho là pháp hành của Đức Phật.
  9. Điều Đức Phật không ban hành cho là điều học do Đức Phật dạy.
  10.   Điều học do Đức Phật dạy cho rằng không phải của Đức Phật.
  11.   Không phải tội cho là tội.
  12.   Tội cho là không phải tội.
  13.   Tội nhỏ cho là tội lớn.
  14.   Tội lớn cho là tội nhỏ.
  15.   Tội có thể sám hối cho là không thể sám hối.
  16.   Tội không thể sám hối cho là có thể sám hối.
  17.   Trọng tội cho là không phải trọng tội.
  18.   Không phải trọng tội cho là trọng tội.

“Này Sāriputta! Qua mười tám đặc tánh này con có thể biết được thuyết phi chánh pháp.”

Mười tám đặc tính của người thuyết chánh pháp (Dhamma-vatthu)

“Này Sāriputta! Người thuyết chánh pháp có thể biết được qua mười tám đặc tánh. Ở đây, trong giáo pháp này, vị tỳ khưu thuyết giảng rằng:

  1. Điều không phải chánh pháp là phi chánh pháp.
  2. Điều đúng pháp là chánh pháp.
  3. Điều không phải luật là phi luật.
  4. Điều đúng luật là luật.
  5. Điều không phải do Đức Phật thuyết cho là không phải giáo pháp của Đức Phật.
  6. Điều Đức Phật thuyết cho là giáo pháp của Đức Phật.
  7.     Điều gì Đức Phật không làm thì cho là không phải pháp hành của Đức Phật.
  8. Điều gì Đức Phật thực hành thì cho là pháp hành của Đức Phật.
  9.     Điều gì Đức Phật không ban hành thì cho là không phải điều học Đức Phật dạy.
  10.   Điều gì Đức Phật ban hành thì cho là điều học Đức Phật dạy.
  11.   Không có tội cho là không có tội.
  12.   Có tội cho là có tội.
  13.   Tội nhỏ cho là tội nhỏ.
  14.   Tội lớn cho là tội lớn.
  15.   Tội có thể sám hối cho là có thể sám hối.
  16.   Tội không thể sám hối cho là không thể sám hối.
  17.   Trọng tội cho là trọng tội.
  18.   Không phải trọng tội cho là không phải trọng tội.

“Này Sāriputta! Qua mười tám đặc tánh này con có thể biết được người thuyết giảng chánh pháp.” Đức Phật dạy như vậy.

(Ở đây, lời khuyến giáo này được thuyết giảng liên quan đến các nhân vật (puggalā-diṭṭhāna dhamma-desanā). Về mười tám điểm như:

(1) thuyết giảng điều không phải chánh pháp là chánh pháp. (2) thuyết giảng cho rằng chánh pháp là phi chánh pháp. (17) thuyết giảng cho rằng … .(18) … Được gọi là mười tám điểm của phi chánh pháp (adhamma-vatthu). Người có một trong mười tám đặc điểm này được xem là người thuyết giảng phi chánh pháp (adhamma-vādī).

Tương tự, về phía người thuyết chánh pháp, mười tám đặc điểm sau đây như: (1) thuyết giảng không phải là chánh pháp là phi chánh pháp. (2) thuyết giảng điều thuộc về chánh pháp là chánh pháp. … . (18)     … . Được gọi là mười tám đặc tánh của chánh pháp (dhamma- vatthu). Người có một trong mười tám đặc điểm này được gọi là người thuyết chánh pháp (dhamma-vādī). Như vậy, ngụ ý của Đức Phật nên được hiểu tóm tắt như thế).

 

Sự khác biệt giữa những điểm khẳng định và những điểm phủ định

 

(Trong hai phần chánh pháp và phi chánh pháp này, mỗi bên gồm mười tám điều. Xét theo tạng Kinh thì mười tám thiện nghiệp (kusalakamma-patha) là chánh pháp. Mười bất thiện nghiệp (akusalakamma-patha) là phi chánh pháp. Cũng vậy, 37 phẩm Trợ đạo   (Bodhipakkhiya-dhamma):   bốn   Niệm   xứ   (Satipaṭṭhāna),   bốn Chánh cần (Sammappadhāna), v.v… là Chánh pháp. (Sự liệt kê sai lạc các Pháp trên như ba Niệm xứ, ba Chánh cần, ba Thần túc (iddhipāda), sáu Căn (indriya), sáu Lực (bala), tám Giác chi (bojjhaṇga), chín Chánh đạo (maggaṇga), cũng như bốn thủ (upādāna), năm triền cái (nīvaraṇa), bảy pháp ngủ ngầm (anusaya) và tám tà kiến (micchādiṭṭhi). Tất cả những nhóm này là phi chánh pháp.

 

Nếu một người nào đó trong khi chấp theo một trong những nhóm phi chánh pháp này. Sau khi luận với những người khác và đi đến thống nhất rằng: “Chúng ta hãy cho rằng những nhóm này là chánh pháp. Nếu chúng ta làm như vậy thì chúng ta sẽ có đẳng cấp  cao hơn trong những người thuyết pháp và chúng ta sẽ được nổi tiếng trong xã hội.” Họ công bố rằng: “Đây đúng là chánh pháp,” (1) Vị ấy khẳng định điều phi chánh pháp là chánh pháp.

 

Tương tự, nếu vị ấy nghĩ về những nhóm chánh pháp mà cho rằng: “Đây quả thật là phi chánh pháp,” (2) vị ấy công bố điều chánh pháp là phi chánh pháp.

Xét theo tạng Luật, nếu một người hỏi một người khác khiến cho người ấy nhận ra tội và sám hối, sửa sai lỗi lầm của mình. Đó là hành động đúng pháp (dhamma-kamma). Nếu một người không hỏi tội, không làm cho người ấy nhận ra tội và không khiến cho người ấy nhận ra tội. Đó là hành động phi chánh pháp (adhamma-kamma). Nếu một người nói về một hành động đúng pháp là phi chánh pháp. Khi đó, người ấy thuyết giảng chánh pháp là phi chánh pháp.

Về tạng Kinh, sự đoạn trừ tham (raga), sự đoạn trừ sân (dosa), sự đoạn trừ si (moha), năm pháp nhiếp hộ đó là: Giới nhiếp hộ (sīla- saṃvara), Niệm nhiếp hộ (sāti-saṃvara), Trí nhiếp hộ (ñāṇa-saṃvara), Nhẫn nhiếp hộ (khantī-saṃvara), Tinh tấn nhiếp hộ (vīriya- saṃvara).

Năm pháp đoạn trừ (pahāna) đó là: đoạn ác bằng Chánh kiến (tadaṅga-pahāna), đoạn ác bằng Định (samādhi-pahāna), đoạn ác bằng Xả (samuccheda-pahāna), đoạn ác bằng Chỉ tịnh (patipassaddhi-pahāna), đoạn trừ bằng sự chứng ngộ Niết bàn (nissaraṇa-pahāna), và sự quán niệm đến tham, sân và si không thể sanh khởi. Những nhóm pháp này gồm: trừ diệt, nhiếp hộ, đoạn trừ và quán niệm hình thành chánh pháp. Ngược lại, các nhóm phi đoạn diệt, phi nhiếp hộ và phi quán niệm về tham, sân và si, v.v… hình thành nhóm phi chánh pháp.

Xét theo tạng Luật, sự hoàn thành năm yếu tố đó là: sự  (vatthu), khu vực tăng sự (sīma), hội chúng (parisā), sự tụng đọc (ñatti), tuyên ngôn (kamma-vācā) là chánh pháp, Giáo pháp. Sự bất toàn hay khiếm khuyết trong năm yếu tố này là phi chánh cháp, phi giáo pháp.

Theo Tạng Kinh, tứ Niệm xứ, tứ Chánh cần, tứ Thần túc, ngũ Căn, ngũ Lực, thất Giác chi và bát Chánh đạo. Những nhóm này là pháp do Đức Phật thuyết. Chư Phật chẳng bao giờ thuyết rằng có ba Niệm xứ, ba Chánh cần, ba Thần túc, sáu Căn, sáu Lực, tám Giác chi hay chín Chánh đạo.

Theo Tạng Luật, có bốn điều luật Bất cộng trụ (Pārājika), 13 Tăng tàn (Saṅghādisesa), 2 Bất định (Aniyata), 30 Ưng xả đối trị (Nissaggiya), v.v… tất cả đều do Đức Phật giảng dạy. Đức Phật  không bao giờ thuyết rằng có 3 Bất cộng trụ, 3 Bất định, 31 Ưng xả đối trị, v.v…

Theo tạng Kinh, sự nhập định hằng ngày trong quả định (Phala- samāpatti), sự nhập định trong pháp Đại bi định (Mahākuraṇā- samāpatti), sự dò xét thế giới hữu hình chúng sanh qua Phật nhãn (Buddha-cakkhu), bao gồm Ý lạc tùy miên trí (Āsayānusaya-ñāna: trí biết rõ tính khí và thiên hướng ngủ ngầm của chúng sanh),  Căn thượng hạ trí (Indriya Paropariyatti-ñāṇa: trí biết rõ sự trì độn và tánh mẫn tiệp của các căn tín, tấn, niệm, định, tuệ), sự thuyết giảng những bài pháp thích hợp và sự kể lại thích hợp những câu chuyện liên quan theo sự thỉnh cầu, những phận sự này tạo nên pháp hành của Đức Phật. Không nhập định trong thiền quả, không phải sự nhập định trong pháp Đại bi, v.v… thì không phải là pháp hành của Đức Phật.

Theo tạng Luật, sự nhập hạ tại một thị trấn hay một ngôi làng nào đó theo sự thỉnh cầu của thí chủ, sự lên đường du hành sau khi mãn hạ có báo trước với thiện tín ở đó hay lên đường sau khi làm lễ Tự tứ, sự chào hỏi các vị Tăng khác bằng những lời như: “Các con có được an lạc không? Các con có khỏe không?” v.v… những điều như vậy là pháp hành của Đức Phật. Nếu không phải những điều như thế thì không phải là pháp hành của Đức Phật.

Trong một số điều Luật có một số câu như: “Người phạm luật không có ý thì không có tội. Người phạm luật không cố ý trộm cắp thì thì không có tội, v.v… Những điều luật như thế này là chương nói về những điều vô tội. “Người cố ý phạm luật thì có tội. Người vi phạm cố ý giết người thì phạm tội, v.v… Những điều luật như vậy là chương nói về các tội.

Trong bảy loại tội, là tội Pārājika, tội Saṅghādisesa, tội Thullaccaya, tội Pācittiya, tội Pātidesaniya, tội Dukkata và tội Dubbhāsī, năm loại sau là những tội nhẹ. Trong khi hai loại trước (những tội Pārājika và Saṅghādisesa) là những tội nặng.

Trong bảy loại tội này, sáu loại sau có thể sám hối được (Sāvasesa āpatti) vì hạnh Sa-môn của người phạm tội vẫn còn (nghĩa là nếu vị tỳ khưu ấy phạm tội nào đó trong sáu loại tội thì địa vị tỳ khưu của vị ấy vẫn còn có giá trị dầu vị ấy đã phạm tội). Tội Pārājika (Bất cộng trụ) không thể sám hối được (nghĩa là nếu vị ấy phạm một điều Bất cộng trụ thì phẩm hạnh tỳ khưu của vị ấy mất giá trị).

Như vậy, mười tám đặc tánh của người thuyết Chánh pháp và mười tám đặc tánh của người thuyết Phi chánh pháp nên được hiểu chi tiết như vậy. Bài giải thích này trích từ Chú giải bộ Saṅghā bhedakakhandhaka, Vinaya Cūḷa-Vagga.

Giống như đại đức Sāriputta, các vị đại đức Mahā Moggalāna, Mahā Kassapa, Mahā Kaccāyana, Mahā Kotthika, Mahā Kappina, Mahā Cunda, Anuruddha, Revata, Upāli, Ānanda và Rāhula cũng nghe nói các vị tỳ khưu Kosambi đang đi đến Sāvatthi bèn đi đến yết kiến Đức Phật và hỏi Ngài như đại đức Sāriputta đã hỏi. Khi ấy, Đức Phật cũng giảng dạy họ mười tám điều Chánh pháp và mười tám điều Phi chánh pháp theo cách như Ngài đã giảng dạy cho đại đức Sāriputta.

Di mẫu Mahā Pajapati Gotamī của Đức Phật cũng thế, bà cũng nghe nói các vị tỳ khưu Kosambi đang đi đến nên bà đến viếng Đức Phật. Đảnh lễ Đức Phật rồi đứng ở một nơi hợp lẽ và đưa ra những câu hỏi giống như đại đức Sāriputta. Rồi Đức Phật cũng nói với bà như vầy: “Thưa di mẫu! Trong trường hợp ấy, hãy lắng nghe những câu sau đây của cả hai hội chúng. Sau khi đã nghe rồi, di mẫu nên ưa thích quan điểm của những người nói chánh pháp trong hai nhóm. Tất cả những gì Ni chúng mong mỏi nơi Tăng chúng chỉ từ những vị tỳ khưu thuyết chánh pháp.

Khi nhận được tin, trưởng giả Anāthapiṇḍika là thí chủ dâng cúng Jetavana tịnh xá, và bà Visākhā là thí chủ dâng tịnh xá Đông phương (Pubbārāma) cũng đi đến Đức Phật và đặt ra câu hỏi. Đức Phật cũng trả lời với họ rằng: “Này trưởng giả Anāthapiṇḍika, (Visākhā) trong trường hợp ấy hãy cúng dường vật thực đến cả hai nhóm, sau khi đã cúng dường vật thực, hãy nghe pháp từ hai nhóm. Sau khi đã nghe pháp hãy hoan hỷ ưa thích quan điểm ước muốn, sở thích và sự chấp nhận của những vị tỳ khưu chơn chánh!” (Đây là đoạn được trích từ bộ Vinaya Mahāvagga, Chú giải và Phụ chú giải của tạng ấy).

Tuy nhiên, phần trích dẫn sau đây được rút ra từ bộ Chú giải Dhammapada). Khi nghe tin các vị tỳ khưu xung đột ở thành Kosambi đi đến yết kiến Đức Phật ở thành Sāvatthi. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đi đến yết kiến Đức Phật và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con không muốn các vị tỳ khưu Kosambi đi vào vương quốc của con.” Đức Phật đáp lại: “Tâu bệ hạ! Những vị tỳ khưu Kosambi là những vị tỳ khưu có giới đức. Chỉ do xung đột khiến họ không nghe lời Như Lai. Giờ đây họ đã đến để sám hối với Như Lai. Hãy để họ đến.” “Bạch Đức Thế Tôn! Con không muốn họ đi vào tịnh xá.” Và Đức Phật từ chối ước muốn của đức vua nên vị ấy chỉ biết làm thinh.

Khi các vị tỳ khưu Kosambi đi đến Sāvatthi, Đức Phật vận dụng sự cố gắng để các tỳ khưu im lặng và bố trí cho họ trong những nơi nằm ngoài rìa của tịnh xá. Không riêng gì các vị tỳ khưu khác tránh xa họ mà các vị tỳ khưu khiêm tốn cũng đã hỏi Đức Phật như vậy: “Bạch Đức Thế Tôn! Những vị tỳ khưu Kosambi xung đột là ai vậy?” Đức Phật chỉ về phía những vị tỳ khưu ấy và nói rằng: “Họ ở đây.” Khi các vị tỳ khưu có giới đức nói rằng: “Thì ra chính họ là những vị tỳ khưu Kosambi hay gây gỗ và tranh cãi với nhau! Chúng con cũng nghe nói rằng họ là những vị tỳ khưu Kosambi đã  coi thường lời dạy của Đức Phật!” Và chỉ ngón tay về phía họ. Các vị tỳ khưu Kosambi hổ thẹn đến nỗi họ không dám ngẩng đầu lên, chỉ biết phủ phục dưới chân Đức Phật và xin sám hối tội. Khi ấy Đức Phật nói rằng: “Này các tỳ khưu! Các thầy đã trở thành đệ tử của một bậc Toàn Giác như Như Lai đây và dầu Như Lai đã cố gắng đem đến sự hòa hợp, các thầy đã không nghe lời Như Lai, đó quả thật là lỗi lầm to lớn của các thầy.”

“Vào một thuở nọ, có một vị Bồ Tát lắng nghe lời khuyên của cha mẹ khi họ sắp bị giết chết, và nhờ làm theo lời khuyên của cha mẹ mà vị ấy củng cố được vương quyền của hai nước lớn bất chấp việc cha mẹ của vị ấy bị giết.”

Rồi Đức Phật kể lại bổn sanh Kosambaka Jātaka (câu chuyện về Dīghavu) đầy đủ chi tiết. Sau đó Đức Phật dạy thêm rằng: “Như vậy, này các tỳ khưu! Dầu cha mẹ của vị ấy bị giết, hoàng tử Bồ Tát Dīghavu đã cẩn trọng nghe lời khuyên của cha mẹ nên cuối cùng đã lấy được con gái vua Brahamadatta và trở thành đấng cai trị hai vương quốc lớn là Kāsi và Kosala. Tuy vậy, này các tỳ khưu! Các con đã không nghe theo lời khuyên của Như Lai và đã phạm một lỗi lầm rất to lớn.”

Rồi Đức Phật đọc lên câu kệ sau:

Pare ca na vijānanti, mayam ettha yamāmase.

Ye ca tatha vijānanti, tato sammanti’medhagā.

Ở đây, giữa đông đảo chúng tỳ khưu, những kẻ ngu si và hay sinh sự không biết rằng chúng ta đang tiến gần đến với tử thần trong từng giây phút vì họ thiếu trí tuệ. Cũng trong hội chúng ấy, những vị tỳ khưu có trí tuệ sáng suốt thì nhận biết rằng họ đang tiến gần đến tử thần trong từng ‘sát na’. Nhờ nhận biết như vậy mà sự xung đột chấm dứt bởi Chánh Đạo.

Vào lúc kết thúc câu kệ, tất cả hội chúng được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala) và các tầng thánh cao hơn.

Bằng những bài pháp này, Đức Phật đã hóa độ cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên (trong khu rừng Pālileyyaka suốt thời từ cuối mùa hạ thứ mười đến đầu hạ thứ mười một).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app