PHẦN BỔ SUNG CHO BẢN DỊCH CỦA BÀI KINH VIJAYA SUTTA

Bài kinh có ba tên

Bài Pháp này có ba cái tên: (1) Kinh Vijaya, (2) kinh Kāyavicchandanika, (3) Kinh Nanda. Lý do của chúng là:

(1)    Bài kinh dẫn đến sự chiến thắng (vijaya) vượt qua tham ái (chanda-rāga hay taṅhā-lobha) đối với thân, vì vậy nó được gọi là kinh Vijaya.

(2) Bài kinh dạy cách đoạn trừ tham ái đối với thân; nên có tên là kinh Kāya-vicchandanika hay Kāya-vicchindanika.

(3)    Câu chuyện về kỹ nữ Sirimā là sự giới thiệu cho việc thuyết giảng lần thứ hai của bài kinh. Chính bài pháp này trước kia đã được thuyết giảng đến Trưởng lão Ni Janapada Kalayānī Nandā tại Sāvathi; nên mới có tên là kinh Nanda.

Giải thích:

(1)    Bài kinh Vijayā đầu tiên được thuyết giảng liên quan đến Trưởng lão Ni Janapada Kalayānī Nandā tại Sāvatthī.

(2)      Bài kinh được thuyết giảng liên quan đến kỹ nữ Sirimā tại Rājagaha. Bài trình bày sự thuyết giảng lần thứ hai đã được kể ra. Bài nói về sự thuyết giảng lần thứ nhất như sau:

Trong khi viếng thăm kinh đô Kapilavatthu lần đầu tiên (sau khi Ngài chứng đắc quả Phật Toàn Giác). Đức Phật khuyến giáo hoàng tử Sakyan và truyền phép xuất gia cho hoàng tử Nandā và những vị khác. Sau đó (năm năm sau), khi Ngài cho phép người nữ xuất gia làm tỳ khưu ni thì ba vị công chúa:

  1. Nanda, chị gái của trưởng lão Ānanda,
  2. Abhirūpanandā, con gái của vua Khemaka dòng Thích ca,
  3. Janapada-Kalyāṇī Nandā, vợ chưa cưới của hoàng tử Nandā.

Vào lúc họ xuất gia, Đức Phật đang ngự tại Sāvatthi. Trong số ba nàng công chúa này, Abhirūpanandā sở dĩ có tên như vậy là vì nàng có sắc đẹp thù thắng. Janapada-Kalyānī Nandā cũng không thấy ai có sắc đẹp như nàng. Vì cả hai rất ngã mạn về sắc đẹp của họ nên họ không bao giờ đi đến Đức Phật hay muốn gặp Ngài; vì họ nghĩ rằng: “Đức Phật chê bai sắc đẹp. Ngài chỉ ra những khuyết điểm trong sắc đẹp bằng nhiều cách.”

[“Thế thì tại sao họ trở thành tỳ khưu ni?” Có thể hỏi như vậy. Câu trả lời là “Họ không có ai để nương tựa trong xã hội, vì thế họ trở thành tỳ khưu ni.”

Giải thích: Người chồng của công chúa dòng Thích ca  Abhirūpanandā, chết vào ngày họ cưới nhau. Rồi cha mẹ buộc nàng xuất gia làm tỳ khưu ni.

Janapada Kalyānī trở thành tỳ khưu ni vì nàng mất hy vọng giành lại người chồng chưa cưới khi ấy là đại đức Nandā đã chứng  đắc đạo quả A-la-hán, nàng suy nghĩ rằng: “Thái tử Nandā chồng của ta, mẹ của ta Mahāpajāpati Gotamī và những quyến thuộc khác đều đi tu. Quả thật bất hạnh nếu sống không có quyến thuộc trong đời sống thế tục này,” và không tìm thấy sự an ủi nào trong đời sống gia đình. Cả hai xuất gia không vì đức tin (sadhā).]

Khi biết rõ sự chín muồi trí tuệ của cả hai, Đức Phật bèn nhắn tin đến trưởng lão ni Mahāpajāpati Gotamī với nội dung rằng: “Tất cả tỳ khưu ni đều phải đến nghe Như Lai khuyến giáo.” Khi đến lượt của hai vị tỳ khưu ni ấy, họ nhờ người khác đi thay. Điều này khiến Đức Phật đưa ra một quyết định khác: “Không được cử người khác đi thế. Đến phiên người nào thì người ấy bắt buộc đích thân đến.”

Một hôm nọ, trưởng lão ni Abhirūpanandā đi đến Đức Phật để nghe giáo huấn của Ngài. Khi ấy Đức Phật khuấy động tâm của nàng bằng cách tạo ra hình tướng của một người nữ khác và giáo huấn bằng câu kệ sau:

Aṭṭhīnaṃ nagaraṃ kataṃ,

maṃsalohitalepanaṃ

Yattha jarā ca maccu ca,

māno makkho ca ohito.

(Này con gái Abhirūpanandā!) Cũng như cái kho chứa ngũ cốc được dựng lên bằng gỗ, buộc nó lại bằng những sợi dây mây, và trét đất lên. Cũng vậy, thân ví như kho thóc được xây lên bởi người thợ ái dục, bằng các cố định ba trăm đốt xương (giữ nó bằng ba trăm sợi gân) và đắp lên nó chín trăm cục thịt và một pattha máu. Chất chứa trong nó là già, chết, ngã mạn và vô ơn.

Câu kệ này thuộc kinh Pháp cú (Dhammapada)

 Āturaṃ asucinṃ pūtiṃ

passa nande sarnussayaṃ

Uggharantaṃ paggharaṅtaṃ

bālānaṃ abhipatthitaṃ.

(Này con gái Abhirupanandā!) Hãy nhìn bằng con mắt trí tuệ, thân này thường xuyên đau đớn, bất tịnh, hôi hám, có dòng chảy (hôi hám) lên và chảy xuống. Chỉ những kẻ ngu mới đắm say vào thân ấy.”

Nửa phần sau của câu kệ nằm trong bộ Therī Gāthā:

Asubhāya cittaṃ bhāvehi

ekaggaṃ susamāhitaṃ

 

Hãy tu tập tâm định trong tánh bất tịnh của thân đang sống, tâm có sự tập trung bởi upacara samādhi và tâm được khéo tập trung bởi appana-samādhi.

 

Animittañ ca bhāvehi

mānānusayam ujjaha

Tato mānābhisamayā

upasantā carissasi.

(Này con gái Abhirupanandā!) Hãy tu tập không ngừng về pháp thiền vô thường (anicca-bhāvanā), pháp thiền về khổ (dukkha- bhāvanā), pháp thiền về vô Ngã (anatta-bhāvanā) mà được gọi là animitta (pháp không có tướng thường tồn v.v…). Hãy đoạn tận kiến chấp về ‘Ta’, nó đã ngấm ngầm đi theo trong luân hồi mà không có khởi điểm. Bằng cách như vậy, theo phương pháp chánh đoạn (samuccheda-pahāna) con sẽ sống với tất cả ô nhiễm đã bị đoạn diệt.”

Bằng sự giáo huấn qua những câu kệ này, như đã được nêu ra trong bộ Therī        Gāthā, Đức Phật đã an trú Trưởng lão ni Abhirūpanandā trong A-la-hán Quả. (Đây là câu chuyện về Trưởng lão ni Abhirūpanandā).

Sự an trú Trưởng lão Ni Janapada Kalyā trong Thánh Quả A-la-hán

Một hôm, dân cư trong thành Sāvatthi bố thí vật thực và thọ trì giới vào buổi sáng. Họ ăn mặc đẹp đẽ và đi đến tịnh xá Jetavana, mang theo dầu xức, bông hoa và những vật cúng dường khác để tham dự buổi lễ thuyết pháp của Đức Phật. Khi buổi lễ kết thúc, họ đảnh lễ Đức Phật và trở vào thành. Sau khi nghe pháp, các tỳ khưu ni cũng trở về chỗ ngụ.

Trong thành Sāvatthi, các thiện nam tín nữ, cũng như các vị tỳ khưu ni nói lời tán dương bậc Đạo-Sư như sau:

Không ai không khởi tâm tịnh tín khi nhìn thấy Đức Phật giữa hội chúng gồm chư thiên và nhân loại, họ đặc biệt bị thu hút bởi bốn pháp: sắc tướng (rūpa), giọng nói (ghosa), sự mộc mạc (lūkha) và Pháp (Dhamma) của Ngài (sīla, samādhi, paññā).

Nghĩa là :

(1)    Những người thích sắc tướng (rūpappamāṇika) thì trở nên có tịnh tín với Đức Phật khi họ thấy vẻ đẹp rực rỡ của Ngài với những tướng chính, tướng phụ và hào quang sáu màu.

(2)   Những người thích về danh tiếng và giọng nói (ghosappamāṇika) thì trở nên tịnh tín đối với Đức Phật khi họ nghe danh tiếng của Ngài khi Ngài còn là vị Bồ tát trong nhiều câu truyện Bổn sanh và giọng nói của một vị Phật có tám đặc tánh.

(3)    Những người thích sống đơn giản trong bốn món vật dụng và ít phiền não (lūkhappamāṇika) thì sẽ có đức tin với Ngài khi họ biết sự thiểu dục của Ngài đối với bốn món vật dụng và sự thực hành khổ hạnh của Ngài (dukkaracariyā).

(4)   Những người khác thích các đức như sīla, samādhi, paññā và những pháp khác (dhammappamāṇika) sẽ khởi tâm tịnh tín nơi Đức Phật khi họ quán niệm về năm ân đức của Ngài như Giới đức (sīla-guṇa), Định đức (samādhi-guṇa), Tuệ đức (paññā-guṇa), Giải thoát đức (vimutti-guṇa), Giải thoát Tri kiến đức (vimutti- ñāna-dassana), tất cả năm đức ấy đều vô song.

Bằng cách này, những lời ca ngợi được lan truyền khắp nơi để tán dương Đức Phật, mọi người không ngớt lời tán thán Ngài.

Chú thích:

(1)   Hai phần ba (66%) chúng sanh thuộc loại rūpapppamāṇika.

(2)   Bốn phần năm (80%) là ghosappamāṇika.

(3)   Chín phần mười (90%) là lūkhappamāṇika.

(4)   Một phần trăm ngàn (1/100.000) là dhammappamāṇika.

Dù nhiều đến bao nhiêu họ cũng được xếp vào trong bốn hạng theo cách này.

Trong bốn hạng chúng sanh này, những người không có tịnh tín đối với Đức Phật thì rất ít so với những chúng sanh có tịnh tín.

Giải thích:

(1)   Đối với chúng sanh rūpapppamāṇika thì không có hảo tướng nào hấp dẫn hơn hảo tướng của Đức Phật.

(2)   Đối với chúng sanh ghosappamāṇika thì không có danh tiếng và giọng nói nào hay hơn danh tiếng và giọng nói của Đức Phật.

(3)   Đối với chúng sanh lūkhappamāṇika, không có sự khổ hạnh nào hơn sự khổ hạnh của Đức Phật, bậc đã từ bỏ những y phục mịn màng của nước Kāsi, những hủ vàng, ba cung điện phù hợp với ba mùa và đầy đủ dục lạc, nhưng Ngài lại mặc y vải vụn, dùng bát bằng đá, ngụ dưới cội cây, v.v…

(4)   Đối với chúng sanh dhammappamāṇika thì không có ân đức nào trong khắp thế gian mà hấp dẫn hơn ân đức của Đức Phật như sīla, samādhi, paññā, v.v… Đức Phật đã hiểu rõ tất cả chúng sanh và Ngài hình thành bốn hạng (catuppamāṇika) Những chữ trong dấu ngoặc được tái tạo từ bộ Abhidhamma III, phần còn lại từ bộ Chú giải Sutta Nipāta, cuốn I.

Khi Trưởng lão ni Janapada Kalyānī Nandā trở về nơi ngụ, ni sư còn nghe những lời tán dương những ân đức của Đức Phật, và ni sư nghĩ rằng: “Những người này đang nói về những ân đức của anh trai  ta (Đức Phật) cứ như miệng của họ không có khả năng giữ những câu nói này. Nếu Đức Phật nói xấu về sắc đẹp của ta, Ngài có thể làm được bao nhiêu trong cả ngày? Nếu ta đi đến Đức Phật đảnh lễ Ngài và nghe Ngài thuyết pháp nhưng không để Ngài thấy ta thì sao?” Khi nghĩ như vậy, Ni sư nói với những ni sư khác rằng: “ Tôi sẽ đi với các ni sư đến nghe Đức Phật thuyết pháp.” Các tỳ khưu ni lấy làm hoan hỷ và đi đến tịnh xá cùng với Trưởng lão ni Nandā vì họ nghĩ rằng: “Rất lâu rồi Trưởng lão ni Nandā mới đi nghe Đức Phật thuyết pháp. Chắc chắn, bậc Đạo-Sư sẽ thuyết pháp một cách kỳ diệu bằng nhiều cách tinh tế. ”

Đức Phật biết rằng Trưởng lão ni Nandā đến và Ngài dùng thần thông hóa ra một cô gái tuổi mười lăm hoặc mười sáu rất xinh đẹp đang quạt hầu cho Ngài để diệt trừ sự ngã mạn về sắc đẹp của Rūpanandā, ví như một người dùng một cái gai để nhổ đi một cái gai khác.

Cùng với những tỳ khưu ni khác, Trưởng lão ni Nandā đi đến Đức Phật và đảnh lễ Ngài, sau khi đó nàng ngồi ở giữa hội chúng tỳ khưu ni, nhìn ngắm sự rực rỡ của Đức Phật từ bàn chân lên đến đỉnh tóc. Nàng trông thấy một cô gái xinh đẹp đứng quạt hầu bên cạnh Ngài, Rūpanandā suy nghĩ rằng: “Ồ! Thiếu nữ này thật xinh đẹp.” Và ý nghĩ ấy khiến nàng khởi lên sự ưa thích sắc đẹp được tạo ra ấy và sự khao khát cháy bỏng muốn có được sắc đẹp ấy, nàng đã đánh mất sự ngã mạn về sắc đẹp của mình.

Khi ấy, Đức Phật đang thuyết pháp, Ngài hóa hiện thiếu nữ ấy vào tuổi hai mươi. Một thiếu nữ tươi thắm nhất chỉ khi ở tuổi mười sáu. Qua tuổi ấy nàng sẽ không đẹp như thế. Do đó, khi tuổi của nàng thiếu nữ được hóa hiện thay đổi thì mắt của Rūpanandā thấy sự suy giảm về sắc đẹp của thiếu nữ này, và dục tham (chanda-rāga) của nàng càng lúc càng giảm.

Sau đó, Đức Phật hóa hiện cho nàng thiếu nữ mỗi lúc một già đi thành một người đàn bà chưa có gia đình, rồi thành một người đàn bà đã một lần sanh con, rồi thành người đàn bà ở độ tuổi trung niên, một bà già, một bà lão một trăm tuổi tay chống gậy thân đầy những vết tàn nhang. Trong khi Rūpanandā đang nhìn bà lão ấy thì Đức Phật biến bà lão ấy thành một người chết, xác của bà ta trương phình lên, thối rửa và có mùi hôi thối trước sự nhìn ngắm của Trưởng lão ni ấy.

Trông thấy sự biến hoại của người đàn bà được tạo ra thì Trưởng lão ni Nandā quán xét: “ Tất cả chúng sanh trong chúng ta đều phải chịu đựng quá trình mà hiện ta đang nhìn thấy.” Và Vô thường tưởng (anicca-saññā), Khổ tưởng (dukkha-saññā), và Vô ngã tưởng (anatta- saññā), lần lượt sanh khởi trong tâm của Trưởng lão ni Nandā. Ba  loại Hữu hiện bày trong tâm của Trưởng lão ni khiến bà cảm thấy như đang ở trong căn nhà rực cháy.

Khi ấy, Đức Phật biết rằng Trưởng lão ni Nandā đang chuyên tâm vào trong thiền quán, Ngài bèn đọc lên những câu kệ sau đây mà rất phù hợp với trưởng lão:

Āturaṃ asuciṃ pūtiṃ

passa Nande samussayaṃ

Uggharantaṃ paggharantaṃ,

bālānaṃ abhipatthitaṃ.

 

Yathā idaṃ tathā etaṃ,

yathā etam tatha idam

dhātuto suññato passa

mā lokaṃ punar āgami

Bhave chandaṃ virājetvā upasanta carissasi.

(Xem ý nghĩa câu kệ đầu ở phần Bổ sung cho bài dịch kinh Vijaya).

Này con! Nandā, nội thân này (thân của con) chịu sự vô thường, v.v… như thế nào thì ngoại thân (thân của người khác) cũng như thế ấy. Cũng như ngoại thân mà con đã trông thấy, trải qua tất cả các giai đoạn của tuổi già và đi đến trạng thái bị trương phình, v.v… Này con gái! Bằng con mắt Minh sát tuệ hãy thấy (cả hai là nội thân và ngoại thân) là không có những yếu tố như đất hoặc tự ngã và những pháp kết hợp với tự ngã. Đừng muốn trở lại thế giới chấp thủ của ngũ uẩn. Hãy đoạn tận (samuccheda-pahāna) ái dục của con đối với ba hữu gồm kāma, rūpa, arūpa, hoặc nếu con đã đoạn tận như vậy, con sẽ an trú với tất cả hơi nóng phiền não bị dập tắt.

Lúc kết thúc câu kệ, Trưởng lão ni Janapada Kalyānī Nandā được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala). Khi ấy, Đức Phật đem bài kinh Vijaya (như đã được nêu ra ở trước) để thuyết  giảng về pháp thiền Vipassanā kết hợp với suññata để Trưởng lão ni có thể đạt Đạo Quả cao hơn.

(Đức Phật thuyết bài kinh Vijaya này (1) đầu tiên đến Janapada Kalyāni vào hạ thứ năm hoặc thứ sáu sau khi Ngài thành đạo. (2) Chính hạ thứ mười bảy Ngài đã thuyết bài kinh ấy đến vị tỳ khưu luyến ái kỳ nữ Sirimā.)

Khi bài pháp kết thúc, Trưởng lão ni bị nhiều khuấy động bởi sự kinh hãi, nghĩ rằng: “Ôi! Ta quả thật là ngu si! Đối với anh của ta (Đức Phật), người đã dạy cho ta Giáo pháp kỳ diệu như vậy, quan tâm nhiều đến ta và rất bi mẫn. Vậy mà trước kia ta đã không đến nghe pháp.” Sau khi kinh hãi như vậy, Trưởng lão ni quán đi quán lại bài Kinh và siêng năng hành thiền suññata. āliaāāKhoảng thời gian hai hoặc ba ngày, Trưởng lão ni chứng đắc Đạo quả A-la-hán.

 

Câu chuyện về một thiện nam

 

Sau khi trải qua mùa an cư thứ mười bảy tại Veḷuvana thuộc thành Vương Xá và tế độ cho vô số chư thiên, nhân loại và chư Phạm thiên hữu duyên, tế độ bằng nhiều bài pháp khác nhau bao gồm bài kinh Vijaya đã được nêu ở trên. Đức Phật du hành khi mùa an cư đã mãn và đến thành Sāvatthi, ngụ tại tịnh xá Jetavana.

Rồi một hôm, trong khi ngự trong Hương phòng tại tịnh xá Jetavana, Ngài đã dò xét thế giới chúng sanh vào lúc bình minh và thấy   một  người  đàn  ông  nghèo  tại  thành  phố  Āḷavī.  Khi  biết  rằng phước báu từ kiếp trước của người đàn ông này sẽ đưa ông ta đạt đến Đạo quả Nhập lưu, Đức Phật bèn đi đến Āḷavī dẫn theo năm trăm vị tỳ khưu. Dân chúng trong kinh thành Āḷavī, vốn là tín đồ mẫu mực của Đức Phật, có chánh kiến, cung kính thỉnh mời chúng Tăng do Đức Phật dẫn đầu tham dự lễ cúng dường vật thực của họ.

Khi người đàn ông nghèo hay tin Đức Phật đến, ông ta vui sướng nghĩ rằng: “Ta sẽ có cơ hội được nghe Đức Phật thuyết pháp.” Rồi một biến cố xảy ra vào ngày Đức Phật vào kinh thành. Con bò kéo của người đàn ông nghèo tuôn chạy vì sợi dây buộc nó bị đứt.

Khi ấy người đàn ông nghèo nghĩ rằng: “Ta sẽ làm gì? Ta sẽ đi tìm con bò trước hay là đi nghe pháp trước?” Rồi ông ta quyết định đi tìm con bò trước rồi đi nghe Đức Phật thuyết pháp sau thì mới khỏi lo lắng. Thế nên, ông ta rời nhà đi tìm con bò.

Dân cư thành Āḷavī dâng chỗ ngồi đến Tăng chúng có Đức Phật dẫn đầu, dâng vật thực đến các Ngài và sắp xếp để Đức Phật thuyết pháp để tán thán công đức cúng dường vật thực của họ. Đức Phật suy xét: “Vì người đàn ông nghèo, Ta đã đi một đoạn đường dài ba mươi do tuần. Giờ ông ta đi vào rừng tìm con bò bị thất lạc. Bao giờ ông ta đến ta mới thuyết pháp.” Suy nghĩ như vậy, Đức Phật vẫn im lặng.

Đến xế trưa thì ông ta mới tìm thấy con bò và lùa nó vào đàn. Rồi ông ta suy nghĩ: “Vào giờ này ta không còn cơ hội để phục vụ dù bằng bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, ta sẽ đến đảnh lễ Đức Phật.” Dù bụng đói cồn cào nhưng ông ta không trở về nhà mà chạy thẳng đến Pháp hội, ông ta đảnh lễ Đức Phật và đứng ở một nơi hợp lẽ.

Khi ông ta đang đứng như vậy, Đức Phật bảo với người trưởng nhóm bố thí vật thực: “Này thí chủ! Sau khi dâng cúng vật thực đến chư Tăng rồi, có còn thừa chút ít vật thực nào không?” Vị thí chủ trả lời: “Dạ còn, bạch Đức Thế Tôn! Còn đủ một bữa ăn.” Khi ấy Đức Phật bảo vị thí chủ dọn ra cho người đàn ông nghèo.Vị thí chủ bèn dọn ra trước mặt người đàn ông nghèo món cơm dẻo, vật thực loại cứng loại mềm. Sau khi ăn một cách no đủ, người đàn ông nghèo rửa miệng sạch sẽ.

(Không  có  chỗ  nào  trong  Tam  Tạng  Piṭaka  nói  rằng  Đức  Phật bảo một người nào đó dọn cơm cho một gia chủ).

Sau khi ăn no, tâm của người đàn ông nghèo trở nên lắng dịu và nhất tâm. Khi ấy Đức Phật thuyết pháp tuần tự đến ông ta: dāna-kathā (pháp thoại về bố thí), sīla-kathā (pháp thoại về trì giới), sagga-kathā (pháp thoại về các cõi trời), kammānaṁādīnava-kathā (pháp thoại về tội của các dục lạc), nekkhamme anissamsa-kathā (pháp thoại về lợi ích của sự từ bỏ), và cuối cùng Đức Phật thuyết về Tứ Diệu Đế. Vào lúc kết thúc thời thuyết giảng tán thán sự cúng dường vật thực, Đức Phật đứng dậy và ra đi. Ngài trở về tịnh xá và mọi người quay về kinh đô Āḷavī.

Khi các vị tỳ khưu đi theo bậc Đạo-Sư, họ nói với nhau một cách mỉa mai rằng: “Thưa các tôn giả! Hãy nhìn xem cách mà bậc Đạo-Sư đã làm. Trước đây tuyệt đối chưa có nơi nào thấy Ngài sắp xếp đãi ăn một cư sĩ. Nhưng hôm nay, vừa nhìn thấy gã đàn ông nghèo Ngài đã bảo người ta dọn ra món cơm dẻo và những món vật thực khác cho ông ta.” Đức Phật bèn quay lại hỏi họ đang bàn luận về vấn đế gì. Khi Ngài biết nội dung câu chuyện, Ngài dạy: “Đúng vậy, này các tỳ khưu! Các thầy đã nhận xét đúng. Như Lai đã đi một quãng đường ba mươi do tuần chỉ vì Như Lai thấy phước quá khứ của người đàn ông nghèo khổ kia đủ để dẫn ông chứng đắc Đạo quả Nhập lưu. Ông ta rất đói bụng. Vì từ sáng sớm ông ta đã đi tìm con bò bị thất lạc đang đi quanh quẩn trong khu rừng. Nếu Như Lai giảng dạy cho ông ta mà không cho ông ta ăn cơm, ông ta không thể nào thâm nhập lời dạy của Như Lai do cái khổ đói của ông ta. Sau khi quán xét như vậy, Như Lai mới làm điều này. Không có sự đau khổ nào bằng đói bụng.” Rồi Ngài đọc lên câu kệ sau:

Jighacchā paramā rogā,

saṅkhāraparamā dukkhā.

Etaṃ ñatvā yathābhūtaṃ,

nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ.

 

Này các tỳ khưu! Đói vượt trội hơn tất cả mọi đau đớn bức bách (trong tất cả mọi sự đau đớn, đói là khốc liệt nhất). Đúng vậy, những chứng bịnh khác thì chỉ cần chữa một lần là khỏi hẳn. Hay chúng dịu bớt trong nhiều ngày, nhiều tháng hay nhiều năm. Tuy nhiên, với cái đói thì dầu ăn no một lần không thể dập tắt được. Sự đối trị của nó bằng cách ăn uống ngày này qua ngày khác. Do đó, trong tất cả mọi bệnh khổ thì bệnh đói tệ hại nhất.

Các yếu tố hữu vi gồm năm uẩn vượt trội tất cả mọi sự khổ (chừng nào những yếu tố này còn hiện hữu thì sự khổ vẫn chưa chấm dứt. Do đó, trong tất cả mọi sự khổ, những yếu tố hữu vi gồm năm uẩn là tệ hại nhất).

Yếu tố vô vi Niết bàn tuyệt đối là hạnh phúc tối thượng (hạnh phúc cảm thọ (vedayita-sukha) được người thế gian ưa thích và thọ hưởng chỉ khi nào nó hiện hữu. Khi nó hoại diệt thì không có sự an nhàn hay thích thú. Sự an lạc của Niết bàn không bao giờ có tánh hoại diệt, sự an lạc ấy là vĩnh cửu, cho nên Niết bàn là hạnh phúc tối thượng.

Khi kết thúc điều này đúng như thật, Bậc trí giác ngộ hạnh phúc của Niết bàn.

Vào lúc kết thúc thời pháp nhiều chúng sanh chứng quả đắc quả thánh Nhập lưu và những tầng thánh khác.

 

Kết thúc câu chuyện về vị thiện nam

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app