Chương 29 – Hạ Thứ Mười Một Của Đức Phật Tại Làng Của Bà-la-môn Nāḷa (3)

Câu trả lời bằng kệ ngôn (2)

 3)     Kāyagutto vacīgutto.

āhāre udare yato.

Saccaṃ karomi niddānaṃ.

saraccaṃ ma pamocanaṃ.

“Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Cũng như ông bảo vệ an toàn mảnh ruộng của ông bằng những hàng rào. Cũng vậy, Như Lai (Đạo sư của ba cõi) bảo vệ an toàn mảnh ruộng tâm bằng hàng rào của ba thân thiện hạnh và bốn ngữ thiện hạnh.

(Qua câu trả lời này Đức Phật dạy về Pātimokkha-saṃvara-sīla

– Sự thu thúc bằng giới Patimokkha). Về cách sử dụng bốn món vật dụng, Như Lai kiềm chế chính mình để tránh 21 cách kiếm lợi bất chánh (điều này ám chỉ đến Hoạt mạng Biến tịnh giới – Ājivapārisuddhi-sīla). Nói về cái bụng, Như Lai chế ngự bản thân bằng cách ẩm thực độ lượng ( Điều này dạy về Tư Cụ Y Giới – Paccaya-sannissita-sīla). Qua tám loại thánh ngữ (ariya-vohāra), Như Lai đã đoạn tận tám loại ngôn ngữ hèn hạ, phi thánh ngữ (anariya- vohāra) là những rong rêu của sự dối trá. A-la-hán đạo quả là sự an lạc trong trạng thái gọi là Niết bàn, là sự đoạn tận, sự phá tan hoàn toàn cái bừa, sự viễn ly hoàn toàn mảnh ruộng và sự rút lui vĩnh viễn thuộc về Như Lai, bậc Đạo-sư của ba cõi).

Ý nghĩa ở đây là ‘Này ông Bà-la-môn! Cũng như ông, sau khi đã gieo hạt bèn dựng lên một hàng rào gai, một hàng rào cây, một hàng rào bằng những khúc gỗ hay bằng tre để gia súc, trâu bò, nai không vào phá hoại hoa màu được. Cũng vậy, Như Lai sau khi gieo xuống hạt giống đức tin bèn xây nên ba bức tường thành lớn là pātimokkha- saṃvara-sīla, ājiva-pāsuddhi-sīla và paccaya-sannissita-sīla khiến những gia súc, trâu bò, nai dưới dạng pháp bất thiện như tham, sân, si, v.v    … không có đường để vào phá hoại hoa màu là những công đức, những điều phước mà Như Lai (người nông dân vĩ đại) sở hữu.

“Này ông Bà-la-môn! Cũng như ông, sau khi làm công việc  bên ngoài (bahira) như cày ruộng bằng đôi tay hoặc bằng cái liềm bèn nhổ hoặc cắt sạch cỏ dại vốn có hại cho vụ mùa. Cũng vậy, Như Lai, sau khi làm công việc bên trong (ajjhattika) là cày thửa ruộng tâm bèn nhổ lên và đoạn sạch tám loại phi thánh ngữ, là những rong rêu cỏ dại của sự dối trá:

  1. Không thấy mà nói là “ tôi thấy.”
  2. Không nghe mà nói là “ tôi nghe.”
  3. Không chứng mà nói là “tôi chứng.”
  4. Không biết mà nói là “tôi biết.”
  5. Thấy mà nói là “ tôi không thấy.”
  6. Nghe mà nói là “ tôi không nghe.”
  7. Chứng mà nói là “ tôi không chứng.”
  8. Biết mà nói là “ tôi không biết.”

Trong tám loại phi thánh ngữ này là những loại cỏ dại của sự dối trá. Như Lai đã làm công việc đào bứng, cắt đứt và đoạn tận bằng đôi tay hay bằng cái liềm Bát thánh ngữ như:

  1.   Khi không thấy nói rằng “tôi không thấy.”
  2. Khi không nghe nói rằng “tôi không nghe.”
  3. Khi không chứng nói rằng “tôi không chứng.”
  4. Khi không biết nói rằng “tôi không biết.”
  5. Khi thấy nói rằng “tôi thấy.”
  6. Khi nghe nói rằng “tôi nghe.”
  7. Khi chứng nói rằng “tôi chứng.”
  8. Khi biết nói rằng “tôi biết.”

“Này ông Bà-la-môn! Việc dẹp bỏ cái bừa của ông, việc trừ bỏ mảnh ruộng cũ và việc ngừng nghỉ của ông không phải là vĩnh viễn vì ông còn phải cày bừa lại vào buổi chiều, ngày hôm sau hoặc năm sau. Việc tháo bỏ cái bừa của Như Lai, việc từ bỏ mảnh ruộng của Như Lai và sự ngừng nghỉ của Như Lai không giống như ông. Quả thật vậy, này ông Bà-la-môn! Khi Như Lai đã chứng đắc Đạo Quả A-la-hán. Trước đó, Như Lai chẳng hề biết thế nào là dẹp bỏ cái bừa, thế nào là từ bỏ mảnh ruộng và sự quy ẩn. Như Lai sẽ giải thích cụ thể hơn. Này ông Bà-la-môn! Vào thời của Đức Phật Dīpankara, Như Lai chưa dẹp bỏ cái bừa, chưa từ bỏ mảnh ruộng và quy ẩn cho đến khi Như Lai chứng đắc A-la-hán đạo tuệ, Nhất thiết trí. Suốt thời gian bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp Như Lai phải làm việc bên trong là trồng trọt trên mảnh đất tâm bằng sự thắng yên cương bốn con bò lớn là Chánh tinh tấn hay duy trì sự tinh tấn để nung nóng cái bừa Trí tuệ.

“Này ông Bà-la-môn! Sau khi làm công việc cày xới mảnh ruộng tâm không ngừng nghỉ suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, chỉ đến khi Như Lai chứng đắc đạo quả A-la-hán với tất cả ân đức của một vị Phật khi đang ngồi trên bồ đoàn bằng vàng dưới cội cây Bồ đề là trạng thái thực sự an lạc, chấm dứt mọi phiền não. Khi ấy Như Lai mới tháo bỏ bốn con bò tinh tấn từ cái cày Trí tuệ, từ bỏ mảnh ruộng quá trình tâm và quy ẩn vĩnh viễn bằng sự an trú trong Đạo Quả A-la- hán. Giờ đây Như Lai chẳng còn gì để làm đối với công việc trồng trọt.”

 

Trả lời bằng câu kệ (3)

4)       Vīriyaṃ me dhuradhorayhaṃ.

yogakkhemādhivāhanaṃ.

Gacchāti anivattantaṁ

yattha gantvā na socati.

‘Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Hai loại tinh tấn (vīriya) của Như Lai thuộc về thân (kāyika) và thuộc về tâm (cetasika) hình thành một cặp bò lớn được buộc vào ngay trước cái cày hay bốn loại chánh tinh tấn của Như Lai (sammappadhāna) là hai cặp bò kéo (cặp bò gồm thân tinh tấn và tâm tinh tấn hay hai cặp bò Chánh tinh tấn của Như Lai) có khả năng dẫn đến Niết bàn, thoát khỏi mọi đau khổ gây  ra bởi bốn loại phiền trược đó là: dục phiền trược (kāma-yoga), v.v… Sau khi đã đến Niết bàn nơi mà một nông dân giống như Như Lai không còn phiền não sẽ không quay lại nữa do nhờ năng lực của Trí tuệ.

(Giải thích: Cũng như khúc gỗ nơi mà cái bừa của ông Bà-la- môn được kéo đi bởi cặp bò làm bể vụn những khối đất và tiêu diệt những rễ cây lớn và nhỏ. Cũng vậy, khúc gỗ trí tuệ của Đức Phật được kéo đi một cách mạnh mẽ bởi cặp bò là thân tinh tấn và tâm tinh tấn, nghiền nát bốn loại khối đất đó là khối tương tục (santati), khối hợp thành (samūha), khối phận sự (kicca), khối cảnh duyên (ārammana), Như Lai cũng đoạn diệt những rễ cây lớn và nhỏ là những pháp ô nhiễm.

Hay nói cách khác, cũng như hai cặp bò để kéo của ông Bà-la- môn, một cặp được thắng vào cái ách thứ nhất và cặp kia được thắng vào cái ách thứ hai. Cũng vậy, trong cái bừa chánh pháp của Đức Phật có bốn pháp tinh tấn giống như hai cặp bò của ông Bà-la-môn được gắn vào cái bừa của ông ta. Chúng phấn đấu nỗ lực và hoàn thành hai phận sự, đó là phận sự tiêu diệt cỏ dại đã mọc rồi và cỏ dại sắp mọc lên và phận sự làm sanh ra những cây lúa. Cũng vậy, bốn pháp tinh tấn của Đức Phật tương ứng với hai cặp bò của ông Bà-la-môn, chúng phấn đấu nỗ lực và hoàn thành nhiệm vụ. Đó là nhiệm vụ đoạn trừ các bất thiện pháp đã sanh cũng như sẽ sanh và phận sự làm sanh khởi các thiện pháp.

“Này ông Bà-la-môn! Cũng như hai cặp bò của ông đi về hướng đông, hướng tây, v.v… khi ông điều khiển chúng. Cũng vậy  hai cặp bò tinh tấn của Như Lai đi thẳng đến Niết bàn khi Như Lai điều khiển chúng đi về hướng ấy. Sự khác biệt về hướng đi của ông và hướng đi của Như Lai là thế này: khi hai cặp bò của ông tiến đến đầu kia của mảnh ruộng thì chúng quay lại, nhưng cặp bò tinh tấn của Như Lai đi thẳng đến Niết bàn mà không quay trở lại kể từ thời kỳ Đức Phật Dīpankara.

Hai cặp bò của ông không thể đến chỗ mà một người nông dân như ông có thể thoát khỏi phiền não. Còn hai cặp bò của Như Lai  dưới dạng Chánh tinh tấn, chúng đã được điều khiển để đến chỗ Niết bàn thoát khỏi mọi sầu khổ của một người nông dân giống như Như Lai).

Kết luận bằng câu kệ

 

5)  Evaṃ esa kasi kuttha,

sa hoti amatapphala.

Etam kasim kasitvāna

sabbadukkha pamuccati.

“Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Như Lai (bậc Thiên nhân sư của ba cõi) đã làm công việc cày ruộng Chánh pháp liên tục không gián đoạn suốt bốn A-tăng-kỳ (asaṇkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Việc cày ruộng Chánh pháp của Như Lai cho quả Niết bàn, hương vị này không chỉ giành riêng cho Như Lai mà dành cho bất cứ ai dù là Phạm thiên, chư thiên hay nhân loại. Khi việc  thắng ách cặp bò Chánh tinh tấn và việc cày ruộng Pháp được người đó thực hiện một cách liên tục không gián đoạn thoát khỏi mọi khổ đau và chứng đắc Niết bàn.

Với cách này, Đức Phật qua việc thuyết pháp đến Bà-la-môn Kasibhāradvāja. Kết thúc bài pháp bằng cách đưa nó lên tới đỉnh cao là đạo quả A-la-hán và Niết bàn.

Sau khi lắng nghe bài pháp thâm diệu, Bà-la-môn Kasibhāradvāja giác ngộ được rằng: ‘ Dù ta ăn ngũ cốc có được từ công lao trồng trọt của mình nhưng hôm sau ta vẫn bị đói. Việc trồng trọt trên mảnh ruộng Chánh pháp của Sa-môn Gotama đã cho Quả Bất tử gọi là Niết bàn. Sau khi hưởng Quả Bất tử từ việc trồng trọt trên mảnh ruộng chánh pháp, người ta có thể giải thoát bản thân khỏi đau khổ vĩnh viễn.’ Như vậy, ông Bà-la-môn đã phát triển tâm tịnh tín, hiểu thấu đáo và muốn làm những việc mà một cận sự nam hằng làm. Ông ta đã đặt món cơm sữa vào cái bát bằng vàng của ông, trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Rồi ông ta đặt thêm vào bơ, mật ong, mật đường, v.v… để món ăn ngon hơn. Cuối cùng ông đậy bát bằng một tấm vải trắng và tự tay dâng đến Đức Phật và những lời tác bạch rằng: “Cầu xin Sa-môn Gotama hãy thọ dụng món cơm sữa! Sa-môn Gotama quả thật là người cày ruộng, vì người đã làm công việc cày ruộng Chánh pháp mà kết quả của vụ mùa là Niết bàn.”

Rồi Đức Phật thuyết hai câu kệ sau đến Bà-la-môn:

6)  Gāthābhigītaṁ me abhojaneyyaṁ.

sampassataṃ Brāhmana n‘esa Dhammo.

Gāthābhigītaṃ panudanti Buddhā.

dhamme sati Brāhmaṇa vuttiresā.

 

“Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Vật thực có được do đọc lên những câu kệ thì không đáng cho Như Lai thọ dụng chút nào cả. Sự thọ dụng vật thực có được như vậy không phải là tục lệ của chư Phật là những bậc hằng thọ trì Pháp nuôi mạng thanh tịnh. (Cho nên) tất cả chư Phật đều từ chối vật thực kiếm được do đọc lên những câu kệ. Này Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Khi một người thọ trì Pháp thanh tịnh về sự nuôi mạng, người ấy tầm cầu bốn món vật dụng đúng pháp mà không bị luyến ái với bất cứ gia đình nào như mở rộng bàn tay của mình trong không trung. Đó là cách sống thanh tịnh của tất cả chư Phật”.

(Ở đây, câu hỏi được nêu ra là “Phải chăng Đức Phật đọc lên những câu kệ để được nhận được món cơm sữa, vì vật thực kiếm được do đọc lên những câu kệ đã được nêu ra? ” Câu trả lời là “Không, Đức Phật đọc lên những câu kệ không phải để nhận vật thực.” Đúng vậy, Ngài đã không nhận dù một vá vật thực tuy Ngài đã đứng gần mảnh ruộng từ sáng sớm. Ngài thốt lên ba câu kệ một cách rõ ràng để mô tả cách Ngài thực hiện việc cày ruộng Chánh pháp và nhờ đó Ngài đã giải thích đầy đủ những ân đức của một vị Phật; vật thực phát sanh như vậy có vẻ giống như những người ca múa kiếm được một cái gì đó do múa và hát. Cho nên câu nói: “Vật thực có được do đọc lên những câu kệ.” Vật thực như vậy không đáng để chư Phật thọ dụng, cho nên Ngài mới nói: “Nó không đáng được thọ dụng chút nào cả.”

 

Câu kệ bốn dòng, ba câu kệ đầu chỉ ra sự thanh tịnh của thời pháp để ngăn chận sự chê bai và chỉ trích của những kẻ thiểu trí có thể nói rằng: “Nhờ hát một bảng nhạc mà Sa-môn Gotama đã khiến cho Bà-la-môn Kasibhāradvāja, người không có niềm tin mà hoan hỷ bố thí vật thực. Thời pháp này của Sa-môn Gotama nhằm mục đích kiếm vật thực cúng dường.” Dòng kệ thứ tư chỉ rõ sự thanh tịnh trong việc nuôi mạng của Đức Phật.

 

Khi Đức Phật nói lên như vậy thì ông Bà-la-môn buồn bã nghĩ rằng: “Đức Gotama đã từ chối món cơm sữa của ta. Ngài nói nó không đáng được ăn. Ta thật không may. Ta đã bị tước mất cơ hội bố thí vật thực.” Ông nghĩ thêm: “Nếu Đức Gotama không nhận món cơm sữa này thì thật tốt thay nếu Ngài nhận một món khác.” Khi ấy, Đức Phật chợt nghĩ: “Sau khi bỏ qua thời khất thực, Như Lai đã đến đây với ý nghĩ rằng Như Lai sẽ làm khởi dậy niềm tin nơi ông Bà-la-môn này trong một thời gian giới hạn. Giờ ông ta đã bị từ chối. Nếu do bị từ chối, ông Bà-la-môn có thái độ không tốt với Như Lai thì ông ta sẽ không thể chứng đắc thông tuệ liễu ngộ Niết bàn tối thượng.” Vì muốn giúp ông Bà-la-môn được toại nguyện, để ông ta khởi dậy niềm tin đối với Ngài, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ sau:

7)  Aññena ca kevalinaṁ mahesiṁ.

khīṇāsavaṁ kukkucca-vupasantaṁ.

Aññena pānena upaṭṭhahassu.

khettaṁ hi tam puññapekkhassa hoti.

“Này ông Bà-la-môn của bộ tộc Bhāradvāja! Với vật thực và thức uống, ngoài món ăn này mà được dâng đến các bậc A-la-hán đã thoát  khỏi các lậu hoặc (āsava), bậc có tất cả những ân đức của một  vị Phật, bậc tầm cầu những ân đức như giới bậc cao. Bậc đã hoàn toàn tự tại (tuy Đức Phật cố ý làm khởi dậy ước muốn bố thí đối với ông Bà-la-môn nhưng Ngài chỉ nói một cách đơn giản, không nói trực tiếp). Chỉ có Giáo pháp của một vị Phật và tám đặc tánh kỳ diệu mới là mảnh ruộng vĩ đại, đất đai phì nhiêu giành cho ông – người có khuynh hướng làm những việc phước.”

Rồi ông Bà-la-môn suy nghĩ: “Ta đã mang món cơm sữa này dành cho Đức Phật. Vì thế, ý ta không muốn cho đến ai khác.” Bởi vậy, ông ta hỏi: “Kính bạch Đức Gotama! Như vậy con nên cúng dường món cơm sữa này đến ai?” Đức Phật đáp lại: “Này ông Bà-la- môn! Như Lai không thấy ai trong cõi chư thiên gồm chư thiên, ma vương, Phạm thiên hay trong cõi nhân loại này gồm Sa-môn, Bà-la- môn, vua chúa và thường dân, ngoài Như Lai và Thinh văn đệ tử của Như Lai có thể tiêu hóa được món cơm sữa ấy. Do đó, này ông Bà-la- môn! Ông nên đổ nó ở một nơi không có cỏ xanh hoặc đổ vào trong nước không có côn trùng.”

Tại sao trong cả chư thiên và nhân loại không ai có thể tiêu hóa được món cơm sữa này? Nó không thể tiêu hóa bởi vì vật thực thô này của loài người đã trộn chung với vật thực vi tế mềm (ambrosia) của chư thiên. Khi vị Phạm thiên đang cho vào vật thực dành cho Đức Phật, chư thiên cũng đặt thêm vật thực của họ vào trong đó. (Nó có thể tiêu hóa được nếu đó chỉ thuần túy là vật thực của chư thiên và được chư thiên ăn ; tương tự như vậy nếu món cơm sữa này loài người tiêu hóa được mà không trộn chung với vật thực của chư thiên).

Món cơm sữa là loại vật thực thô, chư thiên có cơ thể vi tế nên khi trộn chung với vật thực của chư thiên, chư thiên cũng không thể tiêu hóa được. Đối với loài người cũng vậy, vì thân thô thiển nên không thể tiêu hóa được vật thực của chư thiên.

Đối với Đức Phật, Ngài có thể tiêu hóa được vì Ngài có sự biến thể tự nhiên (một số vị A-la-hán rành mạch Tam Tạng thì cho rằng khả năng này là do năng lực của thân và tâm của Đức Phật). Đối với các vị A-la-hán đệ tử của Đức Phật cũng vậy, vật thực ấy có thể tiêu hóa do định lực và trí quán khi thọ dụng có độ lượng. Đối với những người khác thì không thể được ngay cả những người có năng lực thần thông. Đây là điều bất khả tư nghì – chỉ liên quan đến Đức Phật.

Bà-la-môn Kasibhāradvāja bèn đổ món cơm sữa ấy vào trong chỗ nước không có côn trùng. Ngay tức thì nó phát ra tiếng kêu xèo xèo, nhiều hơi nước bốc lên từ bốn phía giống như cái lưỡi cày đã được nung nóng trong lò lửa suốt ngày và hơi bốc lên khi nó được nhúng vào trong nước.

Thấy vậy Bà-la-môn đứng sững trong sợ hãi, rồi ông ta đi đến Đức Phật, quỳ xuống ôm chân Ngài bạch rằng: “Thưa Đức Gotama! Giáo pháp của Ngài quả thật là khả ái, cũng như một vật đang nằm sấp được lật ngữa lên, hay một vật đang đậy kín được mở ra, hay một người đi lạc được chỉ đúng đường, hay một ngọn đuốc được thắp sáng trong đêm tối để mọi người có mắt có thể trông thấy và phân biệt các đồ vật. Dường thế ấy, Đức Gotama thuyết giảng cho con về Chánh pháp một cách tường tận bằng nhiều cách. Bạch Đức Gotama! Con  xin quy y Đức Phật, quy y đức Pháp và quy y đức Tăng.

Thưa Đức Gotama! Xin cho con được toại nguyện, xin cho con được xuất gia theo Ngài.”

Ông Bà-la-môn được Đức Phật truyền pháp xuất gia. Và sau khi xuất gia trở thành Sa-môn không bao lâu, đại đức Kasibhāradvāja một mình đi vào nơi vắng vẻ. Nơi đây, vị ấy thực hành pháp chuyên cần tinh tấn với tâm hướng đến Niết bàn. Cuối cùng đại đức Kasibhāradvāja chứng đắc được quả vị A-la-hán và trở thành bậc Ứng cúng.

(Bài viết này về ông Bà-la-môn Kasibhāradvāja được dựa trên bài kinh Kasibhāradvāja sutta, cuốn thứ nhất của bộ Chú giải Sutta Nipāta).

 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app