HẠ THỨ MƯỜI TÁM CỦA ĐỨC PHẬT TẠI CĀLIYA

Sau khi độ thoát cho đông đảo chúng sanh hữu duyên theo đúng căn tánh của họ, bắt đầu từ người đàn ông nghèo xứ Āḷavī, người đi tìm con bò thất lạc như đã được trình bày. Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười tám trên một ngọn đồi gần Cāliya, ban phát nước bất tử đến cho những ai cần được độ thoát.

Vào cuối của mùa an cư thứ mười tám trên đồi Cāliya, Đức Phật đi du hành từ nơi này đến nơi khác, và khi đến Sāvatthi, Ngài ngụ tại tịnh xá Jetavana.

Một pháp thoại được thuyết giảng đến con gái người thợ dệt Câu chuyện con gái người thợ dệt

Khi Đức Phật đang ngụ tại Jetavana, vào lúc kết thúc mùa an cư thứ mười tám, Ngài đi đến thành phố Āḷavī và dân cư thỉnh mời Ngài cùng chư Tăng dự lễ cúng dường vật thực to lớn của họ. Sau khi độ thực xong, Đức Phật ban bố thời pháp thoại để tán thán sự cúng dường vật thực của dân chúng. Pháp thoại bao gồm những lời khuyến giáo như sau:

“Này các thí chủ, này các vị! Hãy quán niệm về sự  chết như  vầy : ‘Mạng sống của ta không trường tồn, sự chết chắc chắn sẽ đến với ta. Điều chắc chắn là ta sẽ chết. Đời sống của ta sẽ kết thúc bằng sự chết ; đời sống không thường hằng nhưng  sự  chết  thì  thường hằng !’

Những lợi ích của việc quán niệm về sự chết là như vầy: Khi trông thấy một con rắn, người không có cây gậy sẽ khởi sanh sợ hãi, ông ta và những người không quán niệm về sự chết – nó phát ra những âm thanh khiếp đảm. Tuy nhiên, người có cây gậy sẽ không sợ hãi mà giữ tâm bình lặng khi thấy con rắn vì ông có thể chế ngự con rắn và bắt nó bằng cây gậy của ông rồi đưa nó đi chỗ khác. Cũng vậy, những người đã thành tựu về pháp thiện quán niệm về sự chết thì không sợ hãi vào sát na cuối cùng của họ (khi cái chết đang đến gần) họ sẽ mạng chung với tâm không sợ hãi mà bình thản. Do đó, quý vị nên quán niệm về sự chết (đã được nói ở trên). ”

Trong khi những người khác đang lưu tâm đến công việc riêng của họ sau khi nghe pháp thoại của Đức Phật thì có một cô gái mười sáu tuổi, con gái người thợ dệt lại quan tâm rất tốt đến thời pháp như thế này: “Ôi! Lời dạy của Đức Phật quả thật là kỳ diệu, ta sẽ quán niệm về sự chết!” Bởi vậy, nàng quan tâm đến pháp thiền ấy cả ngày lẫn  đêm.  Rồi  từ  thành  phố  Āḷavī,  Đức  Phật  quay  về  Jetavana.  Về người con gái, cô ta tiếp tục thực hành pháp thiền ấy suốt ba năm.

Sau ba năm, Đức Phật khi đang ngự tại Jetavana, Ngài dò xét thế gian hữu tình vào buổi sáng nọ và trông thấy chính người con gái ấy của người thọ dệt trong võng trí của Ngài.

Khi Ngài quán xét thêm xem có gì xảy ra với nàng thì Ngài thấy rằng: “Cô gái này đã quán niệm về sự chết trong ba năm kể từ khi cô gái ấy nghe thời pháp thoại của ta. Bây giờ ta sẽ đi đến Āḷavī và hỏi cô gái ấy bốn câu hỏi. Khi ấy Như Lai sẽ đọc lên pháp kệ bắt đầu bằng “Aṇdhī-bhūto ayam loko”. Vào lúc kết thúc pháp thoại cô gái ấy sẽ chứng đắc Quả Nhập lưu (sotāpatti-phala). Do cô gái ấy mà đông đảo hội chúng cũng được lợi ích.

Do thấy trước như vậy, Đức Phật cùng năm trăm vị tỳ khưu rời Jetavana  đi đến Āḷavī và ngụ tại tịnh xá Aggāḷava.

Nghe  tin  Đức  Phật  đến,  người  dân  xứ  Āḷavī  đi  đến  tịnh  xá Aggāḷava và thỉnh mời chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu.

Con gái của người thợ dệt hay tin Đức Phật đến và phát tâm hân hoan, nghĩ rằng: “Bậc Đạo-sư và người cha tinh thần của ta, Đức Phật thuộc dòng họ Gotama, bậc có khuôn mặt xinh đẹp ví như trăng rằm, Ngài đã đến.” Và cô gái tiếp tục suy nghĩ: “Cách đây ba năm ta đã thấy Đức Phật có nước da màu vàng ròng. Bây giờ ta có thêm một cơ hội nữa để xem kim thân sáng chói của Ngài và nghe pháp thoại ngọt ngào đầy bổ ích của Ngài.”

Lúc bấy giờ, cha của cô gái định đi đến xưởng dệt vải, nên trước khi đi ông dặn con gái rằng: “Này con! Cha đã gắn miếng vải của người ta trên khung. Còn một khoảng gang tay nữa cha chưa dệt xong, cha sẽ dệt nó xong ngày hôm nay. Con hãy cuộn nhanh sợi vải rồi đem đến cho cha.”

Bấy giờ cô gái ở trong trình trạng tiến thoái lưỡng nan, nghĩ rằng: “Ta muốn đi nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp. Nhưng cha bảo ta phải làm gấp rút cho xong công việc. Bây giờ ta nên làm gì? Ta nên đi nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp trước hay quay cuộn chỉ đem đến cho cha ta trước ?” Sau đó cô gái ấy quyết định : “Nếu ta không làm xong và đem cuộn chỉ vải đến cho cha thì cha sẽ mắng ta. Do đó, chỉ sau  khi quay xong cuộn vải rồi ta sẽ đi nghe pháp.” Thế nên, cô gái ngồi vào chiếc ghế và quay cuộn chỉ vải.

Dân cư trong kinh thành Āḷavī sau khi cúng dường vật thực đến Đức Phật, cầm những cái bát nước dâng cúng để nghe Đức Phật  thuyết pháp phúc chúc cho những việc phước của họ. Tuy nhiên, Đức Phật vẫn làm thinh, vì Ngài nghĩ rằng: “Vì cô gái con của người thợ dệt này mà ta đã đi một đoạn đường dài ba mươi do tuần. Cô gái ấy chưa có cơ hội để nghe Như Lai thuyết pháp. Chỉ khi nào cô gái ấy có cơ hội nghe pháp thì Như Lai sẽ thuyết pháp phúc chúc.”

(N.B. Khi Đức Phật đang ngồi im lặng, trong hội chúng nghe pháp cũng không ai dám thỉnh Ngài thuyết pháp).

Cô gái bỏ cuộn chỉ vải vào trong giỏ và trên đường đi đến cha của cô, cô đứng ở vòng ngoài của hội chúng. Đức Phật nhìn cô gái, rướn cái cổ của Ngài. Cách nhìn của Ngài khiến cô biết rằng: “Đức Thế Tôn muốn ta đến gần Ngài hơn vì khi ngồi giữa hội chúng đông đảo như vậy mà Ngài chỉ nhìn vào ta.”

(Ở đây, có thể đặt ra câu hỏi rằng: “Tại sao Đức Phật rướn cổ của Ngài và nhìn cô gái?”

Câu trả lời: Vì Đức Phật biết như vầy: “Nếu cô gái ấy đi đến cha của nàng mà không nghe pháp của Như Lai ngay tại mé ngoài của hội chúng thì cô ấy sẽ chết trong thân phận của kẻ phàm phu (puthujjana) và số phận vào lúc chết thì không an toàn. Nhưng nếu cô ấy đi đến cha sau khi nghe pháp của Như Lai thì số phận của cô ấy sẽ đảm bảo, cô ấy sẽ chứng đắc thánh quả Nhập lưu (sotāpatti-phala) và tái sanh trong một thiên cung ở cõi Đâu suất đà (Tusitā). Ngoài ra, sẽ không có sự giải thoát nào dành cho cô ấy sau cái chết vào ngay ngày hôm  nay.” Đó là lý do khiến Đức Phật rướn cổ nhìn cô gái).

Sau khi nhận được lời gợi ý từ Đức Phật và đi đến Đức Phật xuyên qua hào quang sáu màu của Ngài. Cô gái đảnh lễ Đức Phật và đứng ở một nơi thích hợp. Sau đây là những câu hỏi của Đức Phật và những câu trả lời của cô gái:

Đức Phật: “Này cô gái! Cô từ đâu đến?”

Cô gái: “Bạch Đức Thế Tôn! Con không biết.” Đức Phật: “Cô đang đi đâu?”

Cô gái: “Bạch Đức Thế Tôn! Con không biết.” Đức Phật: “Này cô gái! Cô không biết à?”

Cô gái: “Dạ con biết, bạch Đức Thế Tôn.” Đức Phật: “Này cô gái! Cô biết à?”

Cô gái: “Bạch Đức Thế Tôn! Con không biết.”

Bằng cách này Đức Phật đã hỏi cô gái bốn câu hỏi. Do hiểu được ý mà Đức Phật muốn hỏi nên cô gái trả lời với ý nghĩa thâm sâu.

Những người không hiểu ý nghĩa, quở trách cô ấy: “Hãy xem cô gái! Thưa các bạn! Trong cuộc nói chuyện giữa cô ta với Đức Phật, cô ta đã nói một cách ngẫu nhiên điều mà cô ta muốn nói, chẳng có ý nghĩa gì cả. Khi được hỏi ‘Ngươi từ đâu đến?’ thì lẽ ra cô ta nên trả  lời là ‘Con đến từ nhà dệt vải của con.’ Khi được hỏi ‘Cô đang đi đâu vậy?’ thì lẽ ra cô ta nên trả lời là ‘Con đang đi đến xưởng dệt.’ ”

Đức Phật sau khi bảo mọi người im lặng, bèn hỏi cô gái rằng:

(1)  “Này cô gái! Khi Như Lai hỏi ‘Cô từ đâu đến?’ Tại sao cô trả lời là cô không biết?”

Cô gái trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài biết rõ là con đến từ nhà dệt vải của con. Thực ra, câu hỏi ‘Con từ đâu đến?’ Ngài ý muốn nói là từ kiếp sống nào con đi đến kiếp sống của người thợ dệt vải này. Con không biết con đến từ kiếp sống nào. Nên con trả lời là ‘Con không biết.’

Khi ấy Đức Phật tỏ sự tùy hỷ của Ngài lần thứ nhất, nói rằng: “Khéo nói! Khéo nói! Này cô gái, Cô đã trả lời câu hỏi mà Như Lai đã nêu ra.” Ngài lại hỏi :

(2)  “Này cô gái! Khi Như Lai hỏi cô ‘Cô đang  đi đâu?’ Tại sao cô trả lời không biết?”

Cô gái trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Ngài biết rằng con đang đi đến xưởng dệt vải với giỏ sợi chỉ trong tay. Thật ra, câu hỏi ‘Cô đang đi đâu?’ Ngài ý muốn nói là từ kiếp người này con sẽ tái sanh đến kiếp sống nào. Nên câu trả lời của con là ‘Con không biết.’

Đức Phật bày tỏ sự hoan hỷ lần thứ hai, nói rằng: “Cô đã trả lời đúng câu hỏi của Như Lai.” Ngài hỏi tiếp:

(3)    “Này cô gái! Khi Như Lai hỏi cô ‘Cô không biết à?’ Tại sao cô trả lời là ‘Con biết.’”

Cô gái trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Con biết rằng con sẽ phải chết. Thế nên con trả lời là ‘Con biết.’ ”

Đức Phật bày tỏ sự hoan hỷ lần thứ ba, nói rằng: “Cô đã trả lời đúng câu hỏi của Như Lai.” Ngài hỏi tiếp:

(4)     “Này cô gái! Ngay cả khi ấy Như Lai hỏi cô ‘Cô biết à?’ Tại sao cô trả lời là cô không biết?”

Cô gái trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Con biết rằng con sẽ phải chết. Nhưng con không biết khi nào con sẽ chết, vào ban ngày hay ban đêm, vào buổi sáng hay khi nào. Thế nên, con trả lời là ‘Con không biết.’ ”

Đức Phật bày tỏ sự hoan hỷ lần thứ tư, nói rằng: “Cô đã trả lời đúng câu hỏi của Như Lai.”

Rồi Đức Phật nói với thính chúng rằng: “Ngay cả ý nghĩa trong các câu trả lời của cô gái quý vị cũng không biết. Hổ thẹn là tất cả những gì mà quý vị có thể làm. Quả thật, những người thiếu con mắt trí tuệ tức là những người mù (bất chấp nhục nhãn của họ). Chỉ những ai có con mắt trí tuệ mới thấy được”.

Sau đó Đức Phật đọc lên pháp thoại này:

Andhībhūto ayaṃ loko

tanuk’ettha vipassati

Sakuṇo jālamutto’va

appo saggāya gacchati.

Này quý vị! Thế gian này có nhiều kẻ phàm phu, những kẻ không thấy mà chỉ cảm thấy các sự vật qua sự tiếp xúc chúng, giống như người mù thiếu con mắt trí. Trong hội chúng này có rất nhiều người phàm phu, chỉ có số ít là người có trí thông minh có thể quán xét và thấu hiểu bản chất của danh sắc qua ba đặc tánh. Cũng như số con chim cút thoát khỏi cái bẫy chim thì không đáng kể. Cũng vậy,  chỉ có một số lượng nhỏ người có trí tuệ sắc bén đạt đến cõi chư thiên, cõi nhân loại và Niết bàn.

Lúc kết thúc thời thuyết pháp, con gái người thợ dệt an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala). Thời pháp cũng đem lại lợi ích cho nhiều người.

Số phận của cô gái

 

Cô gái đem cái giỏ đựng chỉ vải đi đến xưởng dệt của cha mình, ông đang ngồi ngủ gục bên khung cửi. Cô gái đi vào và xê dịch cái giỏ và tình cờ đụng vào một đầu của con thoi làm nó trở xuống và phát ra tiếng động.

Cha của nàng tỉnh dậy và kéo con thoi theo thói quen. Do tốc độ chuyển động quá nhanh, khiến một đầu của con thoi ghim vào ngực cô gái. Cô ấy chết ngay tại chỗ và tái sanh vào cõi Đâu suất đà (Tusitā).

Người thợ dệt nhìn đứa con gái đã chết, thân đầy máu. Khi ấy người thợ dệt vô cùng ưu bi đau khổ. Sau đó, ông ta bình tĩnh lại, nghĩ rằng: “Không có ai khác ngoài Đức Phật có thể dập tắt nỗi sầu khổ của ta.” Nghĩ như thế, ông ta đi đến Đức Phật khóc lóc thảm thiết, và sau kể lại câu chuyện, nói rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài từ bi giúp con bớt sầu khổ. ”

Đức Phật bèn khiến cho người thợ dệt được nguôi ngoai và dạy rằng: “Đừng buồn, này ông thợ dệt! Nước mắt mà ông đã khóc những lần con gái ông bị chết trong quá khứ của vòng luân hồi không khởi điểm, còn nhiều hơn nước trong bốn biển.”

Sau khi nói như vậy, Đức Phật bèn thuyết một thời pháp về Vòng sanh tử không khởi điểm (anamataggiya saṁsāra)

Lúc ấy, nguôi ngoai phiền não, người thợ dệt xin phép Đức Phật được xuất gia, và sau khi trở thành vị tỳ khưu ông ta tinh tấn hành thiền và sớm chứng đắc Đạo quả A-la-hán. (Loka Vagga và Chú giải Dhammapada).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app