HẠ THỨ HAI MƯƠI CỦA ĐỨC PHẬT TẠI RĀJAGAHA

Bằng cách này, Ngài viên mãn năm phận sự vĩ đại mà không có sự gián đoạn trong khi phân phát nước bất tử của Diệu pháp đến chư thiên và nhân loại. Đức Phật ra đi từ Sāvatthi và sau khi đi du hành cùng chúng Tăng đến Rājagaha, vương quốc Magadha và ngự tại Veḷuvana vào mùa an cư (vasa) thứ hai mươi.

Anibaddha Vassa, v.v…

Trong 45 năm của Đức Phật an cư (vassa), hai mươi hạ đầu từ khi Đức Phật thành đạo thì được gọi là Anibaddha hay Aniyata vassa vì các hạ được trải qua không phải cùng một chỗ mà ở nhiều thị trấn, làng mạc khác nhau, một hạ ở nơi này, hai hạ ở nơi kia, rồi ba hạ ở chỗ khác, v.v… Chúng cũng được gọi là Pathama hay Purima Bodhi- Vassa vì chúng hình thành phân nửa đầu tiên hay nửa trước của toàn bộ những mùa an cư mà trong đó chư thiên và nhân loại được dẫn dắt đến giác ngộ Bốn Đạo Trí (magga-ñāṇa).

Hai mươi lăm hạ an cư còn lại được gọi là Nibaddha hay Niyata vassa vì các hạ này được an cư ở một chỗ tức là tại Jetavana hay Pubbārāma tại Sāvatthi trong vương quốc Kosala. Chúng cũng được gọi là Dutiya hay Pacchima Bidhi-Vassa vì các hạ này hình thành phân nửa thứ hai hay nửa sau của toàn bộ những mùa an cư mà trong đó chư thiên và nhân loại được làm cho giác ngộ bốn Đạo trí.

(Giải thích: Trong hai mươi năm (20 vassa) của Sơ giác thời, sự trú ngụ của Đức Phật không đều đặn, vì Ngài trải qua hạ an cư ở nhiều thị trấn hay làng mạc khác nhau theo ý thích của Ngài. Tuy nhiên, từ hạ thứ hai mươi mốt Ngài trú ngụ đều đặn ở Jetavana hay Pubbārāma, vào thành Sāvatthi để khất thực. (Chú giải Buddhavaṃsa)

(Tuy nhiên, có một bài kinh khác trong bộ Aṅguttara Nikāya như sau:

Trong hai mươi mốt hạ, Đức Phật sử dụng hai chỗ là Jetavana và Pubbārāma thường xuyên vì sự hộ độ rất lớn của trưởng giả Anāthapiṇḍika và tín nữ Visākha. Thực ra, Đức Phật trú ngụ thường xuyên ở hai nơi này do sự tri ơn của Ngài đối với hai vị thí chủ.

Đức Phật đi đến những nơi khác trong những tháng ngoài mùa an cư, nhưng vào mùa an cư thì Ngài trở về trú ngụ thường xuyên tại hai tịnh xá Jetavana và Pubbārāma. Đức Phật có thói quen là ngự ban đêm tại Jetavana và sáng hôm sau đi khất thực cùng với chúng Tăng, vào thành Sāvatthi ở cổng phía nam để thọ lãnh vật thực và đi ra bằng cổng phía đông đến Pubbārāma, Ngài ở đây suốt ngày. Sau khi nghỉ đêm tại Pubbārāma, sáng hôm sau Ngài đi khất thực cùng với chúng Tăng, vào thành Sāvatthi bằng cổng phía đông để khất thực rồi đi ra bằng cửa phía nam đến Jetavana và trải qua thời gian ban ngày ở đó. Có thể trích ra từ các bộ Chú giải tiếng Pāḷi).

Chỉ định Trưởng lão Ānanda làm thị giả thường trực

(Chú giải Therī-gāthā, cuốn II) Suốt hai mươi năm của Sơ giác thời, Đức Phật không có thị giả thường trực để phục vụ Ngài. Đôi khi trưởng lão Nāgasamāla phục vụ Đức Phật, mang y bát của Ngài vào theo hầu Ngài bất cứ nơi nào Ngài đi đến. Khi thì trưởng lão Nāgita, trưởng lão Upavāna, trưởng lão Sunakkhatta Thera, hoàng tử Liccavī, trưởng lão Cuṇda – em trai của trưởng lão Sāriputta, trưởng lão Sāgata, khi thì trưởng lão Meghiya hầu hạ Ngài, theo Ngài đến bất cứ nơi đâu mà Ngài đến. Họ làm như vậy nhưng nói chung không làm Đức Phật hài lòng.

Một hôm, khi Đức Phật đang ngồi trên Phật tọa trong Hương phòng, chung quanh là các vị tỳ khưu. Ngài nói với các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu! Như Lai giờ đã già (lúc bấy giờ Ngài 55 tuổi). Khi Như Lai nói với một số thị giả rằng: ‘Chúng ta hãy đi lối này’ thì họ lại rời bỏ Như Lai và đi lối khác. Một số thị giả thì bỏ y và bát của Như Lai trên đất. Các vị hãy xem xét và chọn ra một vị tỳ khưu làm thị giả thường trực cho Như Lai.”

Các vị tỳ khưu xúc động khi nghe những lời này của Đức Phật. Khi ấy trưởng lão Sāriputta đứng lên và đảnh lễ Đức Phật bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ hầu hạ Ngài.” Nhưng Đức Phật từ chối lời đề nghị của trưởng lão. Theo sau trưởng lão Sāriputta, tất cả những đại trưởng lão khác do trưởng lão Moggallāna dẫn đầu, ngoại trừ trưởng lão Ānanda, đều lần lượt đưa ra lời đề nghị của họ, nói rằng: “

Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ làm thị giả của Ngài.” Đức Phật cũng từ chối những lời đề nghị của họ.

Trưởng lão Ānanda vẫn ngồi im lặng, khi được các tỳ khưu bảo rằng: “Này hiền giả Ānanda! Hiền giả cũng nên xin làm thị giả của bậc Đạo sư”. Trưởng lão Ānanda nói: “Thưa các tôn giả! Vị trí nào được đảm bảo bằng sự cầu xin? Nếu Đức Thế Tôn muốn tôi làm thị giả thì Ngài sẽ nói.” Khi ấy, Đức Phật bèn nói rằng: “Này các tỳ khưu! Ānanda không phải là hạng người cần được hối thúc. Vị ấy sẽ sử dụng sự thận trọng của mình để hầu hạ Như Lai. ”

Khi ấy, các vị tỳ khưu bảo trưởng lão: “Này Ānanda! Hiền giả hãy xin bậc Đạo sư làm thị giả cho Ngài.” Trưởng lão Ānanda bèn đứng dậy khỏi chỗ ngồi và bạch với Đức Phật rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn!

  1.   Nếu Thế Tôn không cho con những y tốt mà Đức Thế Tôn nhận;
  2.     Nếu Thế Tôn không cho con những vật thực ngon mà Thế Tôn khất thực được;
  3.     Nếu Thế Tôn không cho con vinh hạnh được ngồi chung với Ngài trong Hương phòng;
  4. Nếu Thế Tôn không dẫn con theo Ngài đến những nơi Thế Tôn được thỉnh mời; rồi (nghĩa là nếu Ngài chấp nhận 4 điều mong ước của con ) Con sẽ phục vụ Ngài, Đức Thế Tôn. ”

(Bốn điều ‘không’ được trưởng lão Ānanda xin phép để không ai khác có thể chê bai rằng “Với những lợi lộc như vậy, ai sẽ nghĩ rằng hầu hạ bậc Đạo sư là gánh nặng?”)

Trưởng lão Ānanda nói tiếp: “Bạch Thế Tôn!

  1.     Nếu theo lời thỉnh cầu của con, Thế Tôn đi đến những nơi con được thỉnh mời (bởi thiện nam và tín nữ của trưởng lão);
  2. Nếu Thế Tôn cho phép, con được phép đưa khách đến đảnh lễ Thế Tôn;
  3. Nếu con được phép đi đến Thế Tôn để hỏi Ngài khi có những thắc mắc khởi sanh trong con;
  4.     Nếu Thế Tôn lặp lại những gì Thế Tôn đã thuyết giảng vào lúc con vắng mặt; khi ấy con sẽ hầu hạ Đức Thế Tôn.”

Bốn đặc ân này được thỉnh cầu để tránh sự phê bình của kẻ khác khi họ nói rằng: “Tuy vị ấy đã hầu hạ Đức Phật cả ngày lẫn đêm, đại đức Ānanda cũng không được Đức Thế Tôn chiếu cố dù chỉ bấy nhiêu,” và có thể thực hiện những việc thiện lành và các pháp Ba-la- mật, để chư thiên và nhân loại công nhận trưởng lão là người giữ kho Chánh Pháp).

Bằng cách này, trưởng lão Ānanda đã xin Đức Thế Tôn tám đặc ân, bốn đặc ân tiêu cực và bốn đặc ân tích cực. Đức Phật cũng đồng ý ban cho trưởng lão tám đặc ân ấy. Trưởng lão Ānanda thọ lãnh tám đặc ân ấy và trở thành thị giả thường trực của Đức Phật. Quả những pháp Ba-la-mật của vị ấy được thực hiện viên mãn trong một trăm ngàn kappas để đạt địa vị thị giả thường trực được thành tựu vào chính ngày hôm ấy.

Bài tóm tắt về sự phục vụ của Trưởng lão Ānanda

Từ ngày được chỉ định làm thị giả của Đức Phật, trưởng lão hầu hạ Đức Phật, đem đến cho Ngài nước nóng và nước mát, cung cấp cho Ngài ba loại: cây chà răng ngắn, dài và trung, đấm bóp cho bậc Đạo- Sư, chà lưng cho Ngài trong khi tắm, quét dọn Hương phòng cho bậc Đạo-Sư, v.v… Mỗi ngày trưởng lão đi lại không cách xa bậc Đạo-Sư, khi quyết định rằng: “Vào giờ này Đức Thế Tôn phải có được cái này, điều này nên được làm đến Ngài.” Vào ban đêm vị ấy đi quanh Hương phòng chín lần, cầm cây đuốc lớn để có thể trả lời Đức Phật ngay khi Ngài hỏi đến, và để diệt hôn trầm thụy miên. Đây chỉ là bài mô tả tóm tắt về sự phục vụ của trưởng Ānanda đến Đức Phật. Những sự phục vụ khác của vị ấy sẽ được kể ra khi đến chương Tăng Bảo.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app