Nội Dung Chính

HẠ THỨ MƯỜI CHÍN CỦA ĐỨC PHẬT TẠI ĐỒI CĀLIYA

 

Sau  khi  đi  đến  thành  phố  Āḷavī  và  những  nơi  khác  phân  phát nước mát bất tử đến nhân loại và chư thiên như đã được trình bày, Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười chín cũng tại tịnh xá trên đồi Cāliya, Ngài cũng độ thoát cho những chúng sanh xứng đáng được độ thoát .

Sau khi trải qua mùa an cư thứ mười chín tại Cāliya, Đức Phật lại lên đường sau khi mãn hạ, Ngài đến Rājagaha và ngụ ở Veḷuvana khu rừng Trúc.

Câu chuyện người thợ săn Kukkuṭamitta

Trong khi Đức Phật đang an cư lại Veḷuvana, Ngài thuyết thời Pháp thoại bắt đầu bằng câu: “Pāṇamhi ce vanno nassa” liên quan đến gia đình của người thợ săn. Nội dung chi tiết của câu chuyện như sau:

Con gái của một vị trưởng giả ở kinh thành Rājagaha đến tuổi trưởng thành, nàng được cha mẹ cho ở trong một căn phòng sang trọng ở tầng thượng của tòa lâu đài bảy tầng. Nàng được chăm sóc bởi một nữ hầu. Vào một buổi chiều, khi đang đứng tựa bên cửa sổ nhìn xuống đường, nàng trông thấy người thợ săn Kukkuṭamitta làm nghề giết nai và để bắt chúng, ông ta mang theo năm trăm cái bẫy và năm trăm cái cọc. Lúc bấy giờ, người thợ rừng sau khi giết chết năm trăm con nai, ông ta điều khiển chiếc xe chở đầy thịt nai đem bán. Cô gái đem lòng yêu thương người thợ săn, sau khi trao cho hầu nữ một số vật tặng và sai nàng ta đi với lời dặn rằng: “Này em! Em hãy đi và đưa cho người thợ săn ấy những vật tặng này và cố gắng hỏi khi nào anh ta trở về.”

Người nữ hầu đi rồi trao người thợ săn những vật tặng và hỏi rằng: “Này anh! Khi nào anh sẽ về nhà?” Anh ta nói: “ Sau khi bán hết thịt ngày hôm nay. Ngày mai vào lúc sáng sớm tôi sẽ đi qua cổng thành đó trở về nhà.” Sau khi nhận được câu trả lời của người thợ săn, cô hầu nữ trở về và báo lại cho cô gái biết.

Cô gái bèn gói lại y phục, nữ trang, vàng bạc mà nàng có thể mang theo, và mặc vào y phục dơ bẩn. Sáng sớm hôm sau, mang bình nước trên đầu và cô rời khỏi nhà tựa như đi đến bờ sông. Khi đến chỗ mà người thợ săn đã cho biết, nàng đứng đợi người thợ săn đến. Người thợ săn đánh xe ra khỏi thành phố vào buổi sáng sớm. Khi ấy, cô gái vội vàng đi theo xe của người thợ săn.

Trông thấy cô gái trẻ, người thợ săn nói: “Này cô! Tôi không  biết cô là con gái nhà ai, xin đừng đi theo tôi.” Cô ấy nói: “Anh đã không bảo tôi đến mà tôi tự ý đến. Hãy lặng lẽ đánh xe đi tiếp.”  Người thợ săn lặp lại lời của anh ta để ngăn cản cô gái đi theo. Khi  ấy, cô gái nói: “Anh ơi! Không ai lại đi từ chối vận may đến với mình.” Người thợ săn không còn nghi ngờ nữa, bắt đầu hiểu ra lý do khiến cô gái bám theo anh ta, bèn đưa nàng lên xe và đánh xe đi.

Cha mẹ của cô gái bèn đi tìm con gái của họ ở chỗ này chỗ kia nhưng không tìm thấy. Cuối cùng họ kết luận rằng chắc ắt hẳn cô đã chết và làm lễ cúng tưởng nhớ đứa con gái của họ (matakabahatta).

Cô gái sống chung với người thợ săn và sinh được bảy người con trai và cưới vợ cho chúng khi chúng đến tuổi trưởng thành.

Sự giải thoát trong gia đình người thợ săn

Một buổi sáng nọ, khi dò xét thế giới hữu tình, Đức Phật trông thấy người thợ săn Kukkutamitta cùng với bảy người con trai và bảy nàng dâu của ông ta lọt vào võng trí của Ngài. Khi xem xét lý do, Ngài thấy rõ phước quá khứ của mười lăm người này sẽ dẫn dắt họ chứng đắc Đạo quả Nhập lưu (sotāpatti-magga). Sáng sớm, Đức Phật một mình mang y và bát đi đến nơi mà những cái bẫy được đặt sẵn. Ngày hôm ấy không có một con thú nào dính bẫy.

Rồi Đức Phật để lại dấu chân của Ngài gần chỗ cái bẫy của người thợ săn và ngồi dưới bóng mát của một gốc cây trước mặt. Người thợ săn mang cung tên đi đến chỗ đặt bẫy vào lúc sáng sớm và lần lượt kiểm tra những cái bẫy, ông ta thấy không có con nai nào  dính bẫy, và tất cả những gì ông ta thấy là dấu chân của Đức Phật.

Ông chợt nghĩ như vầy: “Có thể có ai đó đã thả những con thú ra khỏi bẫy rồi đi?” Mang trong lòng nỗi thù hận đối với Đức Phật (ngay trước khi ông ta nhìn thấy Ngài) và trong khi đi quanh quẩn ông ta nhìn thấy Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây trước mặt. Khi nghĩ rằng: “Chắc người này đã thả những con thú trong những cái bẫy của ta. Ta sẽ giết ông ta bằng cây tên,” ông lắp tên vào cung và dùng hết sức giương cây cung.

Đức Phật cho phép ông ta giương cung nhưng không cho ông  thả cung tên (Đức Phật dùng thần thông để người thợ săn có thể giương cung và kéo dây cung nhưng không thể thả cây tên được). Không những ông ta không thể bắn tên mà thả cung ra cũng không được. Có vẻ như các xương sườn của ông ta sắp bị gãy và miệng của ông ta sủi bọt. Ông đứng tê liệt như tượng đá.

Bảy người con trai đến nhà cha và hỏi mẹ trong khi đang nói chuyện với bà, rằng: “Cha sao đi lâu quá. Không biết cha có chuyện  gì không mà đi lâu vậy?” Khi được mẹ của họ bảo: “Này các con! Các con hãy đi đến chỗ của cha các con xem sao.” Họ bèn đi đến chỗ người thợ săn, mỗi người mang theo cung và tên. Khi trông thấy cha của họ đứng yên như tượng đá (và thấy Đức Phật đang ngồi dưới bóng râm của cội cây), họ nghĩ : “Người này ắt hẳn là kẻ thù của cha ta.” Mỗi người đều ra sức giương cung và kéo dây cung. Tuy nhiên, do bởi năng lực thần thông của Đức Phật, tất cả đều đứng uể oải như những tượng đá giống người thợ săn.

Khi ấy, người mẹ tự hỏi: “Không biết có chuyện gì mà các con trai của ta cũng đi quá lâu.” Bà ta cùng với bảy nàng dâu đi đến, và họ trông thấy tám người : người cha và bảy cậu con trai. Khi ấy bà ta nhìn quanh và tự hỏi: “Tám người này, người cha và bảy đứa con trai đang nhắm bắn ai mà đứng như vậy?” Bà ta trông thấy Đức Phật, hai tay đưa lên trời, bà ta hét lên: “Đừng giết Cha của ta, này các con!”

Nghe tiếng kêu của vợ, người thợ săn Kukkutamitta suy nghĩ: “Ôi! Ta bị suy tàn rồi, người này là cha của vợ ta. Ôi ! Ta đã phạm một tội ác tày trời.” Bảy người con trai cũng nghĩ rằng: “Người này là ông ngoại của chúng ta! Chúng ta đã phạm một lỗi lầm to lớn.” Sau đó, với ý nghĩ sâu đậm rằng: “Đây là ông ngoại của chúng ta.”

Rồi mẹ của bảy người con trai ấy nói rằng: “Hãy quăng bỏ những cây cung của các ngươi và đến đảnh lễ Cha của ta”. Vì Đức Phật đã biết rõ tâm của tám người đàn ông đã trở nên mềm dịu nên Ngài khiến họ đặt cung xuống. (Khi ấy Ngài thu lại năng lực thấn thông mà Ngài đã sử dụng để ngăn không cho họ bắn Ngài). Tám người đến đảnh lễ Đức Phật và thưa rằng: ” Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy tha thứ lỗi lầm cho chúng con.” Sau đó họ ngồi xuống ở một nơi hợp lẽ.

Khi họ đã ngồi ngay ngắn rồi, một gia đình mười sáu người, Đức Phật bèn thuyết tuần tự pháp: Dāna-kathā, Sīla-kathā, Sagga-kathā (Pháp thoại về cõi trời), Kāmānaṃ ādīnava-kathā (Pháp thoại về tội của các dục lạc), Nekkhamme-ānissaṁsa-kathā (Pháp thoại về sự từ bỏ). Vào lúc kết thúc pháp thoại, mười lăm người là người thợ săn, bảy người con trai và bảy nàng dâu đều được an trú trong quả thánh Nhập lưu. Sau khi đã giúp họ chứng ngộ Thánh quả, Đức Phật bèn đi vào kinh thành Rājagaha để khất thực và trở về tịnh xá vào lúc xế trưa. Bấy giờ, đại đức Ānanda hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn!

Ngài đã đi đâu ạ!” “Như Lai đã đi đến chỗ của người thợ săn Kukkutamitta” Đức Phật trả lời. “Bạch Đức Thế Tôn! Có phải Ngài đã làm cho ông ta từ bỏ các ác nghiệp sát sanh? Có  phải Ngài đã giáo giới và độ thoát cho ông ta?” “Đúng vậy, này Ānanda! Tất cả họ, với Kukkkutamitta là mười lăm người đều được an trú trong niềm tin bất động, hoàn toàn hết hoài nghi Tam Bảo và trở thành những người không làm ác nghiệp sát sanh,” Đức Phật trả lời.

Khi ấy, các vị tỳ khưu xen vào và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Cũng có vợ của người thợ săn, phải chăng bà ta không có ở đó?” Đức Phật trả lời: “Này các tỳ khưu! Bà ta cũng có mặt ở đó. Này các tỳ khưu! Vợ của người thợ săn đã trở thành bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna) khi còn là con gái sống ở nhà cha mẹ.”

Rồi một cuộc bàn luận xảy ra ở Chánh pháp đường (Dhamma sala, nơi mà những bài pháp được nghe và được đem đến bàn luận)

“Này các hiền giả ! Vợ của người thợ săn Kukkutamitta (con gái của vị trưởng giả) đã chứng đắc Đạo quả Nhập lưu trong khi là cô gái sống với cha mẹ. Sau đó bà ta đi theo người thợ săn về nhà của ông ta và có được bảy người con trai. Được chồng bảo đi lấy cung tên, lao, cọc hoặc lưới, bà ta đi lấy đem đến cho ông. Về phần người thợ săn, ông ta mang những khí giới ấy do bà vợ là bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna) của ông ta đem đến và làm những ác nghiệp sát sanh ngày này qua ngày khác. Như vậy là thế nào thưa các hiền giả? Phải chăng những bậc thánh Nhập lưu vẫn còn phạm tội như vậy?”

Đức Phật đi đến chỗ hội họp của các vị tỳ khưu và hỏi: “Này các tỳ khưu! Các vị đang luận về vấn đề gì trước khi Như Lai đến?” Các vị tỳ khưu trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con bàn về vấn đề này (về người vợ của Kukkuta mitta, con gái của vị trưởng giả). Nhân đó Đức Phật dạy rằng: “Này các tỳ khưu! Những bậc thánh Nhập lưu không bao giờ phạm tội sát sanh. Vợ của người thợ săn đem đến cho ông ta những khí giới như cung tên vì bà ta quan tâm đến bổn phận người vợ phải vâng lời chồng. Ba ta không có ý định khiến người chồng đi vào rừng với những khí giới trong tay để tạo nghiệp sát sanh, bà ta không có một ý nghĩ nào như vậy.

Ví dụ, nếu không có vết thương nào trong lòng bàn tay, người dùng bàn tay ấy để nắm thuốc độc thì không thể bị hại bởi chất độc. Tương tự, đối với người không làm bất cứ điều ác nào vì người ấy không có ý nghĩ bất thiện, thì không có quả ác nào sanh đến cho người ấy dầu người ấy có thể đã lấy khí giới.” Sau khi đã nói như vậy, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ:

Pānimhi ce vaṇo nāssa, hareyya paṇinā visaṃ

Nabbaṇaṃ visaṃ anveti n’atthi pāpaṃ akubbato.

Này các tỳ khưu! Nếu không có vết thương nào trong lòng bàn tay thì chất độc không thể làm hại nó. Do đó, với bàn tay không có vết thương ấy người ta có thể cầm chất độc một cách an toàn. Tương tự, với người chưa thực hiện điều ác vì không có ý nghĩ bất thiện, thì không khởi sanh ác nghiệp dầu nhỏ nhặt nhất. (Chí có đi lấy cây cung và những thứ tương tự).

(Vì chất độc không thể làm tổn thương bàn tay không có vết lở hay mụn nhọt, cũng vậy, người chỉ giao khí giới như cung tên thì không gieo tạo điều ác vì người ấy không có ý nghĩ bất thiện. Nghĩa là, cũng như không có chất độc nào ảnh hưởng đến bàn tay khỏe mạnh. Không có (ước muốn làm) điều ác nào có thể đến với tâm kiên định của một người).

Vào lúc kết thúc thời pháp, nhiều người chứng đắc quả thánh Nhập lưu và những Thánh quả khác.

Phước quá khứ của gia đình thợ săn Kukkuṭamitta

Một thời gian sau, trong Chánh pháp đường, các vị tỳ khưu lại bắt đầu một cuộc bàn luận khác:

“(1) Thưa các tôn giả! Người thợ săn Kukkutamitta đã làm gì trong quá khứ mà nay được chứng đắc thánh đạo Nhập lưu (sotāpatti- magga)? (2) Tại sao ông ta sanh vào gia đình thợ săn?”

Nhân đó, Đức Phật đến và hỏi rằng: “Này các tỳ khưu! Các vị đang bàn luận về vấn đề gì vậy?” Khi biết được đề tài các vị tỳ khưu bàn luận, Đức Phật bèn kể lại câu chuyện về phước của người thợ săn như sau:

“Này các tỳ khưu! Trong quá khứ khi mọi người đang tổ chức một cuộc hội đàm về việc xây dựng một bảo tháp lớn để tôn trí Xá lợi của Đức Phật Kassapa, họ bàn nên dùng vật gì để làm đất mịn và vật gì để làm vật liệu lỏng.

Sau đó họ quyết định dùng chất orpiment để làm chất mịn và dầu mè để làm vật liệu lỏng. Người ta lấy orpiment đem xây thành bột và trộn nó với dầu mè rồi dùng nó làm chất vữa để kết dính các viên gạch. Những viên gạch được lát bên trong bảo tháp, chúng được bao bằng vàng. Còn lớp gạch bên ngoài bảo tháp thì tất cả đều bằng vàng. Mỗi viên gạch trị giá một ngàn đồng tiền vàng

Sự tuyển chọn người đứng đầu cuộc lễ tôn trí Xá lợi

 

Khi công việc xây dựng bảo tháp đã hoàn tất để có thể tiến hành việc tôn trí Xá lợi, một cuộc luận diễn ra: ‘Ai sẽ được tuyển chọn làm người chủ lễ,’ vì cần một số tiền lớn cho cuộc lễ tôn trí Xá lợi.

Khi ấy, một người thương nhân ở miền quê nghĩ rằng: “Ta sẽ trở thành người chủ lễ.” Vị ấy bèn bỏ ra một số tiến lớn là một koṭi (10 triệu) vào quỹ tôn trí Xá lợi. Khi thấy sự hào phóng của vị thương nhân vùng quê, mọi người bèn gièm pha vị thương nhân thành phố: “Vị thương nhân thành phố này tích lũy của cải như những con kiến trắng (mối). Vị ấy không đủ tư cách trở thành chủ lễ trong trường hợp này đối với công trình xây dựng bảo tháp Xá lợi lớn lao như vậy. Còn vị thương nhân miền quê thì đã bố thí một cách hào phóng đến 10 triệu và đang trở thành chủ lễ.”

Khi mọi người nói như vậy, vị thương nhân thành phố bèn ủng hộ 20 triệu với hy vọng trở thành người chủ lễ.

“Chỉ có ta mới là người đứng đầu trong cuộc lễ tôn trí Xá lợi,” vị thương nhân miền quê suy nghĩ và bỏ ra 30 triệu. Bằng cách này, những sự bố thí của cả hai bên cứ tăng dần cho đến khi sự đóng góp của vị thương nhân thành phố lên đến 80 triệu.

Nhưng vị thương nhân miền quê chỉ có 90 triệu. Tuy nhiên, tiền của vị  thương  nhân  thành phố  có  đến  40 koṭi (400  triệu).  Do  đó,  vị thương nhân miền quê nảy ra ý định như vầy: “Nếu ta bố thí 9 koṭi thì vị thương nhân thành phố sẽ bố thí 10 koṭi. Ta không thể ganh đua với ông ta, tình trạng ta thua sút về của cải sẽ được mọi người biết đến.” Khi ấy, ông ta bèn nói rằng: “Tôi sẽ bố thí bấy nhiêu đây. Tôi tình nguyện đem cả chính mình cùng bảy đứa con trai, bảy nàng dâu và vợ của tôi đến phục vụ bảo tháp.” Khi nói như vậy, ông ta đem những người trong gia đình và dâng hiến họ cùng với ông ta, tất cả là mười sáu người cho bảo tháp.

Sự hoạch đắc nhiều tiền quỹ hơn có thể xảy ra, (nhưng sự hoạch đắc về nhân công được dâng hiến thì không). Người ta nói rằng: “Vị thương nhân miền quê này đã dâng hiến bảy người con trai, bảy nàng dâu, vợ của ông ta và cả chính bản thân ông cho bảo tháp. Do đó, hãy để ông ta làm chủ lễ tôn trí Xá lợi này.” Như vậy, tất cả họ đều tuyển chọn vị thương nhân miền quê làm chủ lễ.

Bằng cách này, mười sáu người trong gia đình trở thành nô lệ cho bảo tháp. Nhưng mọi người đồng ý cho họ thoát khỏi trình trạng nô lệ. Tuy nhiên, gia đình mười sáu người ấy đã chăm lo cho bảo tháp đến hết cuộc đời của họ. Và lúc mạng chung họ được sanh vào cõi chư thiên.

Mười sáu người hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên suốt cả trung gian Phật thời (Buddhantara asaṅkheyya-kappa – tức là thời gian giữa thời Đức Phật Kassapa và thời Đức Phật chúng ta). Khi đến thời kỳ Phật xuất thế (Buddhupāda) Đức Phật Gotama của chúng ta xuất hiện, bà vợ của vị thương nhân miền quê mạng chung từ cõi chư thiên và sanh làm con gái của vị trưởng giả ở thành phố Rājagaha. Khi chỉ là một cô gái trẻ, nàng đã chứng đắc Quả thánh Nhập lưu (sotāpatti- phala).

“Adiṭṭha-saccassa pana paṭisandhi nāma bhāriyā,” Chú giải như vậy – “Kiếp sanh làm một kẻ phàm phu mà không thấy được Chân đế thì thật nặng nề.” (Người ấy có thể tái sanh vào một gia đình thấp hèn mặc dù sự thật rằng, chính kiếp sống ấy là kiếp cuối cùng của anh ta (pacchima-bhāvika); vì người ấy chưa vượt qua mối nguy hiểm phải rơi vào cõi thấp hèn). Do đó, vị thiên đã từng làm chồng của con gái của vị trưởng giả, khi trở lại cõi người, vị ấy đã tái sanh vào gia đình săn bắn. Ngay khi trông thấy người thợ săn, tình yêu trong quá khứ xa xưa của nàng (taṇhā-pema) sống lại. Đó là lý do khiến Đức Phật đọc lên câu kệ này:

Pubbe’va sannivāsena,

paccuppaññā hitena vā.

Evaṃ taṃ jāyate pemaṃ,

uppalaṃ va yathodake.

Do từng yêu thương trong quá khứ và cũng do vì lợi ích cho nhau trong hiện tại, vì hai lý do này mà hai loại tình yêu là taṇhā- pema và mettā-pema khởi sanh. (Như thế nào?) Giống như hoa sen vào những loài thủy hoa khác, phát triển mạnh nhờ vào hai yếu tố nước và bùn.

Chính do tình yêu của nàng trong kiếp quá khứ mà nàng đi theo người thợ săn đến nhà của anh ta. Những đứa con trai của họ cũng mạng chung từ cõi chư thiên và sanh vào trong bào thai của người con gái vị trưởng giả. Những nàng dâu của họ thì sanh trong những gia đình khác nhau, khi đến tuổi trưởng thành thì tất cả họ đều đến với gia đình của người thợ săn do tình cảm mà họ đã có trong những kiếp quá khứ.

Kết quả là sự phục vụ của họ đến bảo tháp của Đức Phật  Kassapa khiến mười sáu người trong gia đình người thợ săn đều được chứng đắc quả thánh Nhập Lưu trong Giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Câu chuyện về Trưởng giả Ānanda

 

Sau khi ban phát nước bất tử đến chúng sanh bao gồm gia đình thợ  săn  Kukkuṭamitta  khi  đang  ngự  tại  tịnh  xá  Veḷuvana,  Rājagaha. Từ đó Đức Phật đi đến Sāvatthi và ngụ tại Jetavana. Trong khi đang ngụ tại đó, Ngài thuyết bài pháp bắt đầu bằng: “puttā matthi dhanaṃ matthi ” liên quan đến trưởng giả Ānanda, một cư dân thành Sāvatthi. Câu chuyện chi tiết như sau:

 

Tại Sāvatthi có một vị trưởng giả giàu có tên Ānanda, tài sản trị giá lên đến 40 koṭi, nhưng lại vô cùng keo kiệt. Người đàn ông ấy tổ chức buổi họp quyến thuộc vào mỗi nửa tháng và khuyên con trai của ông, Mūrasirī giữa những quyến thuộc của mình ở ba thời điểm khác nhau, nội dung như vầy: “Này con thân yêu! Đừng nghĩ rằng 40 koṭi là số tài sản to lớn. Cái gì ở trong tay mình thì không nên cho người khác. Hãy cố gắng kiếm thêm của cải. Người nào mà xài một đồng tiền sau một đồng tiền khác chắc chắn một ngày nào đó sẽ bị cạn kiệt của cải. Do đó, ta khuyên rằng:

Añjanānaṃ khayaṃ disyam disvā upacikānañ ca ācayaṃ

Madhūnañ ca samāhāraṃ paṇḍito gharam āvase.

 

Này con thân yêu ! Sau khi đã quan sát thấy sự biến mất nửa viên đá collyrium do chà xát nhiều lần, sự khởi sanh của ổ mối do góp nhặt đất nhiều lần của những con mối, sự phát triển của một tổ ong do sự hút mật hoa nhiều lần của những con ong, người có trí nên sống nỗ lực để gìn giữ tài sản mà mình đã có để nó không bị suy giảm và hãy tạo ra của cải mới.”

Sau đó, vị trưởng giả chết mà không nói cho đứa con trai Mūlisirī biết về năm hủ vàng to lớn mà ông ta chôn giấu, do luyến ái với của cải và làm nhiễm ô chính bản thân bởi những nhơ nhuốc của sự keo kiệt. Vào lúc lâm chung, ông ta tái sanh vào bào thai của một phụ nữ Chiên-đà-la (caṇḍāla) trong một ngôi làng gồm một ngàn gia đình tại cổng thành Sāvatthi.

Hay tin về cái chết của vị trưởng giả, vua Kosala bèn cho triệu mời người con trai Mūlasirī đến và chỉ định cậu ta làm người kế thừa tài sản của người cha.

Một ngàn gia đình Chiên-đà-la (caṇḍāla) kiếm sống bằng cách lao động tập thể đi kiếm tiền hằng ngày, vào lúc thọ sanh kẻ keo kiệt Ānanda, vị trưởng giả giàu có trước kia, họ không kiếm được tiền công nhật cũng không kiếm đủ vật thực để ăn. Những người lao động kết luận rằng: “Giờ đây chúng ta kiếm một miếng cơm thật khó khăn dù làm việc rất cực nhọc. Chắc chắn trong số chúng ta có một người ác và bất hạnh.” Thế nên, họ chia những người trong số họ làm hai nhóm và chia tiếp cho đến khi chỉ còn một gia đình bị cô lập là cha mẹ của người keo kiệt. Trong tình huống ấy gia đình của Ānanda nói rằng: “Đây là kẻ xui xẻo trong gia đình của chúng ta,” và họ trục xuất người mẹ của Ānanda.

Người mẹ vì mang đứa con trong bụng nên gặp rất nhiều khó khăn để kiếm đủ miếng ăn và bà sanh đứa con trai một cách rất đau khổ. Tay, chân, mắt, tai, mũi và miệng của đứa bé đều lệch lạc. Với thân thể méo mó, cậu ta trông rất xấu xí giống như một con quỷ nhỏ. Dù thế nào chăng nữa, người mẹ cũng không nở lòng vứt bỏ đứa con. Thực ra, tình thương của người mẹ đối với đứa con rất to lớn ngay khi nó nằm trong bụng của bà. Sau khi sanh ra đứa con bà ta nuôi dưỡng nó với nhiều vất vả. Những ngày mà bà ta đi làm mà mang theo cậu ta thì bà ta không kiếm được gì, và những ngày bà ta bỏ lại nó thì bà ta kiếm được một ít tiền công nhật.

Về sau, khi đứa con đủ lớn và có thể đi lại chỗ này chỗ kia, và tự mình có thể tìm kiếm đồ ăn thì người mẹ Chiên-đà-la bèn đặt cái bát trong bàn tay của nó và nói rằng: ” Này con thân! Vì con mà chúng ta đã chịu nhiều khổ sở. Bây giờ mẹ không còn đủ khả năng để chăm sóc cho con nữa. Trong thành phố Sāvatthi này có những phần ăn được nấu sẵn dành cho những kẻ nghèo khổ, khách phương xa, v.v… Con hãy tự nuôi sống bản thân bằng cách đi đến nơi nào có vật thực mà xin ăn.” Nói thế xong bà ta bỏ mặc đứa bé.

Khi cậu bé vào thành phố lang thang từ nhà này sang nhà khác, cậu đi đến nơi mà kiếp trước cậu từng sống làm trưởng giả Ānanda. Vì cậu ta có jātissarā-ñāna (khả năng nhớ lại kiếp trước) nên cậu ta mạnh dạn đi vào nhà của cậu, cậu đi qua cổng thứ nhất, thứ hai và thứ ba mà không ai nhớ hoặc nhận ra cậu ta. Tuy nhiên, ở cổng thứ tư thì những đứa con của Mūlusirī trông thấy cậu ta và khóc thét lên vì sợ hãi.

Khi ấy, những người hầu của Mūlasirī đánh đập cậu ta, nói rằng: “Đồ xui xẻo, đồ xấu số!” Họ kéo cậu ta ra khỏi cổng và quăng cậu vào đống rác. Ngay khi ấy, Đức Phật đang trên đường đi khất thực có trưởng lão Ānanda theo cùng đã chứng kiến cảnh ấy. Đức Phật nhìn trưởng lão Ānanda và theo lời thỉnh cầu của trưởng lão, Đức Phật kể lại câu chuyện quá khứ và những biến cố hiện tại của vị trưởng giả giàu có Ānanda.

Sau đó, trưởng lão bèn gọi Mūlasirī đến. Mọi người cũng tụ quanh. Rồi Đức Phật nói với Mūlasirī rằng: “Này thí chủ Mūlasirī! Ông có biết cậu bé này không?” “Bạch Đức Thế Tôn! Con không biết.” “Cậu bé này chính là vị trưởng giả Ānanda, cha của ông đấy,” Đức Phật tiết lộ. Vì Mūlasirī không tin điều đó nên Đức Phật bảo với cậu bé rằng: “Này trưởng giả Ānanda! Hãy nói cho con trai của ông biết về năm hủ vàng to lớn mà ông đã chôn giấu.” Sau khi tìm được 5 hủ vàng, Mūlasirī bắt đầu có niềm tin.

Thương nhân Mūlasirī bèn quy y Phật. Vì muốn thuyết pháp đến Mūlasirī, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ:

 

Puttā matthi dhanam atthi.

iti bālo vihaññti.

Attā hi attano n’atthi.

kuto puttā kuto dhanaṃ.

“Ta có con cái; Ta có tài sản,” nghĩ như vậy người ngu bị khổ bởi putta-taṇhā (tham luyến con cái) và dhana-taṇhā (tham luyến của cải). Trên thực tế, người ấy cũng không phải là nơi nương tựa của chính mình tránh khỏi mọi khổ cảnh. Vậy làm thế nào con cái có thể là chỗ nương tựa của mình? Làm sao tài sản là chỗ nương tựa của chính mình?”

(Ý nghĩa là: Kẻ ngu cho rằng chính mình là chủ nhân của con  cái và tài sản, người ấy bị khổ bởi tham ái cả hai. Bằng cách nào? Người ấy bị làm khổ bởi quan niệm ‘Con của ta đã chết’ hoặc ‘Con của ta sẽ chết.’ Điều tương tự cũng xảy ra đối với của cải. Bằng cách này người ấy khổ đau qua sáu cách: ba cách liên quan đến con cái và ba cách liên quan đến của cải. Vì người ấy có lòng tham luyến đối với con cái, người ấy phải nghĩ cách nuôi con cái bằng nhiều phương tiện ở trên đất hoặc ở dưới nước, ban ngày hoặc ban đêm. Và như vậy người ấy đầy khốn khổ. Vì tham luyến đối với tài sản, người ấy nghĩ cách làm gia tăng tài sản bằng nghề nông hay buôn bán và do đó chịu nhiều đau khổ.

Một người đau khổ do luyến ái con cái và tài sản thì không thể dẫn dắt chính mình đến chỗ an toàn về sau được. Khi cái chết đến với người ấy, người ấy bị hành hạ bởi những cơn đau chết người (maraṇantika-vedanā) giống như những ngọn lửa, những khớp xương của người ấy bị lìa và những khớp xương ấy bị rời ra. Người ấy nhắm nghiền đôi mắt để hình dung kiếp sống tương lai rồi lại mở to mắt đề thấy đời sống hiện tại của mình. Như vậy người ấy khổ đau vào lúc lâm chung ; trước kia người ấy luôn chăm sóc bản thân, một ngày tắm hai lần, ăn ba lần, xức dầu thơm, đeo tràng hoa cùng với những vật trang sức khác. Nhưng giờ đây, người ấy không thể nào giải thoát bản thân khỏi đau khổ. Một thời gian sau, người ấy trong trình trạng hấp hối đầy khổ sở, làm thế nào con cái hay của cải có thể cứu giúp người ấy? Quả thật vậy, chúng hoàn toàn không có khả năng cứu giúp người ấy.

(Còn vị trưởng giả, người đã từng miễn cưỡng khi cho ai một cái gì nhưng lại tích ā nhiều của cải dành cho đứa con trai Mūlasirī, và trong kiếp hiện tại này khi ông ta bị đói, bị người khác đối xử tệ bạc và đầy đau khổ, thì con cái yêu dấu và của cải nào của ông có thể diệt được những khổ đau này? Quả thật chẳng có con cái hay của cải nào có thể làm được điều ấy. Loại hạnh phúc nào chúng có thể mang đến cho ông ta? Quả thật, không thể có. Đó là nội dung của câu kệ).

Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giác ngộ Tứ Diệu Đế và được giải thoát. Thời pháp này cũng đem lại lợi ích cho phần đông. (Chú giải Dhammapada, cuốn I)

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app