Cuộc tấn công cuối cùng bằng binh khí hình chiếc áo choàng màu trắng của chư thiên

 

Sau khi thất bại trong sự nỗ lực gây kinh sợ cho Đức Phật bằng cách phô trương nhiều thứ khủng khiếp như vậy suốt nữa đêm, vị ấy khởi lên ý nghĩ rằng: “Thật là tuyệt vời nếu ta phóng binh khí hình chiếc áo choàng màu trắng, là loại binh khí vô địch.”

 

Bốn loại binh khí vĩ đại

 

Có bốn loại binh khí hùng mạnh nhất trong thế gian:

  1. Cái chày sấm sét của Sakka.
  2. Cái gậy sắt của Vessavaṇa.
  3. Cái liếc nhìn một bên của Yama.
  4.   Chiếc áo choàng trắng của Āḷavaka

 

Giải thích:

(1)   Nếu Sakka mà trong cơn giận dữ ném cái chày sấm sét của vị ấy xuống núi Tudi thì nó sẽ xuyên thủng ngọn núi cao 168.000 do tuần, tạo ra một lỗ hổng ngay khi nó đi qua và đi ra từ dưới đáy.

(2)   Cái dùi sắt của Vessavaṇa khi được vị ấy rút ra trong lúc giận dữ khi vị ấy còn phàm nhân thì nó sẽ chặt lìa hàng ngàn cái đầu của dạ xoa và nó sẽ nằm lại vị trí cũ sau khi trở về.

(3)   Khi vị Yama, vua của địa ngục tức giận mà liếc nhìn một bên thì hằng ngàn Cưu-Bàn-Trà (kumbhanda) bị tiêu diệt thì tạo ra tiếng lách tách như những hạt mè được bỏ vào trong cái chảo nóng đỏ.

(4)   Nếu dạ xoa Āḷavaka trong lúc tức giận mà quăng chiếc áo khoác của vị ấy lên không trung thì sẽ gây ra nạn hạn hán trong mười hai năm. Nếu nó được ném xuống đất thì cây cối thảo mộc và những thứ khác sẽ bị khô héo và đất sẽ không còn màu mỡ trong mười hai năm. Nếu nó được ném vào đại dương thì nước ở đó sẽ bị khô cạn giống như nước trong cái nồi nóng đỏ. Một ngọn núi như Tudi sơn khi bị ném chiếc áo khoác vào sẽ vỡ ra thành từng mãnh.

Đây là bốn loại binh khí vĩ đại.

Với ý nghĩ ấy, Āḷavaka cởi ra chiếc áo khoác của mình, một loại khí giới rất hùng mạnh và khi đứng vị ấy xuống tấn để ném nó.

Lúc bấy giờ, chư thiên trong mười ngàn thế giới đều cu hội về đó một cách nhanh chóng, vì họ biết rằng: “Đức Thế Tôn sẽ nhiếp phục dạ xoa Āḷavaka hung ác. Tại chỗ nhiếp phục ấy chúng ta sẽ nghe Đức Phật thuyết pháp.” Ngoài chư thiên muốn nghe Đức Phật thuyết pháp còn có chư thiên muốn xem một cuộc so tài, tất cả cu hội ở đó. Bằng cách này toàn thể bầu trời dày đặc chư thiên.

Dạ xoa Āḷavaka nổi lên đi quanh Đức Phật, ném chiếc áo choàng trắng của vị ấy đến Đức Phật. Phát ra một âm thanh khủng khiếp trong bầu trời như tiếng sấm sét rồi khói bốc lên cuồn cuộn khắp nơi với những ngọn lửa rực cháy, chiếc áo choàng bay đến Đức Phật, khi bay đến Ngài thì nó biến thành chiếc khăn lau chân và rơi xuống trên bàn chân của Ngài, tiêu diệt tánh ngã mạn của dạ xoa.

Nhìn thấy điều này, dạ xoa bất lực và cảm thấy mình mất đi sự kiêu hãnh như con bò bị gãy cặp sừng hay như con rắn độc bị nhổ hết răng. Rồi vị ấy suy xét: “Chiếc áo choàng trắng đã không thắng nổi Sa-môn Gotama. Tại sao ?” Rồi lại phỏng đoán: “Sa-môn Gotama trú trong pháp từ ái. Đây chắc là lý do. Giờ ta sẽ tước mất pháp từ ái của vị ấy bằng những lời khiêu khích.” Dạ xoa nói rằng: “Này Sa-môn Gotama! Chưa được phép của ta tại sao ông đi vào lâu đài của ta và ngồi giữa đám nữ hầu như một gia chủ vậy? Chẳng phải một vị Sa- môn mà thọ lãnh cái không được cho và trà trộn trong các nữ nhân là điều không thích hợp sao? Do đó, nếu ông trú trong các điều luật của vị Sa-môn. (Này Sa-môn! Hãy ra khỏi lâu đài của ta ngay!)”

(Liên quan đến câu nói của Āḷavaka chỉ phần chính được nêu ra trong ngoặc đơn được tụng thành bài kinh trong các cuộc kết tập, phần còn lại được rút ra đầy đủ từ bộ Chú giải).

Khi ấy Đức Phật chấp nhận mệnh lệnh của dạ xoa và đi ra bên ngoài lâu đài sau khi cho một lời đáp khả ái: “Lành thay! Này Āḷavaka!” (Một người thù địch không thể được nguôi ngoai bởi sự thù địch. Đúng như vậy! Chỉ một miếng mật gấu được đặt vào lỗ mũi con chó hoang hung dữ sẽ làm cho nó trở nên tệ hơn. Cũng vậy, một người hung dữ khi bị trả thù bằng sự hung dữ sẽ trở nên hung bạo hơn. Thực ra, người như vậy nên được nhiếp phục bằng sự quảng đại. Hiện tượng tự nhiên này Đức Phật hiểu thông suốt, cho nên Ngài dùng lời nói dịu dàng và hành xử nhân nhượng).

Khi ấy, dạ xoa suy nghĩ: “Sa-môn Gotama quả thật vâng lời. Vị ấy ra ngoài theo mệnh lệnh của ta mà đưa ra chỉ một lần. Ta đã đối đầu với vị ấy suốt đêm mà không có nguyên nhân nào. Sa-môn Gotama, người rất dễ bảo đi ra ngoài.” Tâm của dạ xoa Āḷavaka bắt đầu nguôi ngoai, vị ấy suy nghĩ tiếp: “Nhưng ta không chắc rằng vị ấy đi ra ngoài do vâng lời hay tức giận. Bấy giờ ta sẽ tìm hiểu xem.” Bởi vậy, vị ấy lại hỏi Đức Phật: “Này Sa-môn Gotama! Hãy đi vào.”

Đức Phật, để làm cho dạ xoa trở nên mềm mỏng và tin chắc vào sự dễ bảo của Ngài bèn nói một cách rất khả ái: “Lành thay! Này bạn Āḷavaka!” và đi vào lâu đài.

Bằng cách này, dạ xoa thử Đức Phật bằng cách ra lệnh nhiều lần lập đi lập lại để biết chắc rằng Ngài có vâng lời hay không, lần thứ hai và lần thứ ba vị ấy nói: “Hãy vào” rồi nói “Hãy ra”. Đức Phật làm  theo sự ra lệnh của dạ xoa khiến cho dạ xoa càng trở nên mềm dịu hơn (lòng bi mẫn của Đức Phật quả thật rất vĩ đại). Nếu Đức Phật không vâng lời dạ xoa, kẻ có tánh hung ác thì tâm thô bạo của vị ấy sẽ càng trở nên hung dữ và không thể tín thọ Giáo pháp. Có một ví dụ trong thế gian như sau: cũng như những đứa con trai còn nhỏ nghịch ngợm và hay khóc, người mẹ làm cho nó ngoan bằng cách cho nó cái gì nó muốn và điều gì nó thích. Cũng vậy, Đức Phật (người mẹ vĩ đại của ba cõi) hành động theo mệnh lệnh của dạ xoa để cho vị ấy trở nên mềm dịu hơn.

Một ví dụ khác: như bà vú nuôi dùng món đồ chơi và vỗ về để làm cho đứa bé bướng bỉnh chịu uống sữa. Cũng vậy, Đức Phật (người vú nuôi vĩ đại của ba cõi) làm theo bất cứ điều gì dạ xoa ra lệnh (đứa bé bướng bỉnh) chịu uống món sữa ngọt là Pháp siêu thế.

Một ví dụ so sánh khác nữa: cũng như một người muốn đổ đầy món Catumadhu vào trong một cái bình thủy tinh (vật thực hay thuốc chữa bệnh chứa bốn loại gia vị) bèn chùi sạch bên trong của cái bình. Cũng vậy, Đức Phật muốn làm đầy tâm như cái bình của dạ xoa bằng Pháp siêu thế giống như món Catumadhu nên đã phải tẩy sạch đi tâm nóng giận như bụi nhơ của Āḷavaka. Do đó, Ngài đã vâng lời dạ xoa ba lần bằng cách đi ra và đi vào lâu đài của dạ xoa (sự vâng lời của Ngài không phải do sợ hãi).

Sau đó, dạ xoa khởi lên ước muốn ác như vầy: “Vị Sa-môn này thật sự dễ bảo. Khi được ra lệnh chỉ một lần ‘Hãy đi vào’ vị ấy đi vào. Khi được ra lệnh chỉ một lần ‘Hãy đi ra’ vị ấy liền đi ra. Bằng cách truyền lệnh hãy đi ra đi vào như vậy ta sẽ làm cho vị ấy mệt mỏi trải qua suốt đêm. Sau khi làm cho vị ấy mệt mỏi như vậy ta sẽ nắm chân của vị ấy ném sang bên kia bờ sông Hằng.” Do đó, lần thứ tư dạ xoa yêu cầu Đức Phật: “Hãy đi ra, này Sa-môn!”

Khi ấy Đức Phật biết ý định độc ác của dạ xoa, Ngài cũng thấy trước dạ xoa sẽ làm gì nếu Ngài nói một điều gì đó với vị ấy. Āḷavaka sẽ khởi lên ý nghĩ hỏi Đức Phật một số câu hỏi, và điều ấy sẽ tạo ra một cơ hội vàng để Đức Phật thuyết pháp.

Do đó, Đức Phật trả lời: “Như Lai biết kế hoạch ác trong tâm của ngươi. Bởi vậy, Như Lai sẽ không đi ra hay làm bất cứ điều gì mà ngươi thích.”

Trong những ngày, trước cuộc gặp gỡ giữa Đức Phật và dạ xoa Āḷavaka, có những đạo sĩ   và những du sĩ có thần thông đi đến bằng con đường hư không, họ viếng thăm lâu đài do tò mò muốn tìm hiểu xem nó bằng vàng, bằng bạc hay bằng ngọc. Với những vị khách này dạ xoa thường đặt câu hỏi. Nếu họ không trả lời được thì dạ xoa làm hại họ bằng cách khiến cho họ bị điên hoặc vỡ tim hoặc nắm chân ném họ qua bên kia bờ sông Hằng.

Sau đây là cách làm hại của dạ xoa: làm cho người ta bị điên bằng hai cách (1) cho người ấy thấy tướng mạo của chúng, (2) nắm chặt và bóp quả tim của người ấy. Khi biết rằng cách thứ nhất không làm cho các ẩn sĩ và các du sĩ bị điên thì Āḷavaka không áp dụng. Thay vào đó, dạ xoa bằng thần thông thu nhỏ thân của mình đến mức vi tế rồi đi vào thân của người đạo sĩ ấy và bóp chặt quả tim của họ, khi ấy dòng tâm của họ không ổn định và họ trở nên điên dại. Vị ấy cũng làm vỡ tim những vị đạo sĩ bị điên dại khi họ không thể trả lời những câu hỏi. Vị ấy bảo họ đừng trở lại đó nữa và cầm hai chân của họ ném qua bên kia bờ sông Hằng.

Bởi vậy dạ xoa nhớ lại những câu hỏi mà vị ấy đã hỏi trong những lần trước và nghĩ rằng: “Bây giờ ta sẽ hỏi Sa-môn Gotama theo cách này và sau đó nếu vị ấy không trả lời những câu hỏi của ta một cách thỏa đáng thì ta sẽ làm cho vị ấy điên, hoặc làm vỡ tim hay nắm chân của vị ấy ném qua bên kia bờ sông Hằng. Ta sẽ hành hạ vị ấy như vậy.”

Bởi vậy, dạ xoa nói một cách thô lỗ: “Này Sa-môn Gotama! Ta sẽ đặt ra một số câu hỏi đối với người. Nếu người không trả lời được thì ta sẽ làm cho người bị điên, hoặc làm vỡ tim hay nắm chân người và quăng sang bên kia bờ sông Hằng.”

(Những câu hỏi của dạ xoa Āḷavaka có từ đâu? Trả lời: Cha mẹ của dạ xoa đã học thuộc tám câu hỏi và cùng những câu trả lời của Đức Phật Kassapa, bậc mà họ sùng kính. Cha mẹ của vị ấy dạy cho vị ấy những câu hỏi và những câu trả lời này khi vị ấy còn trẻ).

(Thời gian trôi qua, Āḷavaka quên đi những câu trả lời. Rồi vị ấy sai viết những câu hỏi này bằng chữ son lên những cái đĩa bằng vàng và gắn cái đĩa ấy ở cổng của lâu đài. Như vậy, những câu hỏi của dạ xoa Āḷavaka có nguồn gốc từ Đức Phật Kassapa và chỉ có chư Phật mới trả lời được những câu hỏi ấy vì chúng thuộc về phạm vi của chư Phật (Buddhavisaya).

Khi nghe những lời của dạ xoa, Đức Phật muốn thể hiện năng lực vô song của chư Phật trong ý nghĩa rằng năng lực ấy trong thế  gian này không ai có được. Vì không thể làm hại đến bốn điều trong quyền sở hữu của chư Phật: lợi lộc phát sanh đến Ngài, mạng sống của Ngài, Nhất thiết trí của Ngài và hào quang từ kim thân của Ngài. Thế nên, Đức Phật nói: “Này dạ xoa Āḷavaka! Khắp cả hai cõi gồm chư thiên, ma vương và Phạm thiên và cõi nhân loại gồm Sa-môn, Bà-la- môn, vua quan và thường dân, Như Lai không thấy ai có thể làm Như Lai bị điên, làm vỡ tim Như Lai hay nắm chân Như Lai quăng sang bên kia bờ sông Hằng.” (Sau khi ngăn chặn ý định độc ác của dạ xoa, Đức Phật nói thêm để vị ấy nêu ra câu hỏi).

“Này dạ xoa Āḷavaka! Dù thế nào chăng nữa bạn có thể nêu ra bất cứ câu hỏi nào bạn thích.”

Như vậy, Đức Phật đưa ra lời mời của Ngài, tư cách mà chư Phật Chánh đẳng Chánh giác áp dụng.

(Ở đây, có hai cách mời, một cách được thực hiện bởi chư Phật Chánh đẳng Chánh giác và chư Bồ tát, và cách thứ hai được thể hiện bởi những người khác. Chư Phật và chư Bồ tát nêu ra câu hỏi với đầy đủ sự tự tin: “Hãy hỏi bất cứ điều gì mà ngươi thích! Như Lai sẽ trả lời những câu hỏi của ngươi, không bỏ sót điều gì!”

Những người khác làm như vậy nhưng thiếu tự tin: “Hãy hỏi! Này bạn, khi nghe câu hỏi của bạn, tôi sẽ trả lời nếu tôi biết.”)

 

Những câu hỏi của Āḷavaka  và những câu trả lời của Đức Phật

Khi Đức Phật thực hiện cách mời được áp dụng bởi chư Phật như vậy, Āḷavaka bèn đặt ra câu hỏi dưới dạng kệ ngôn:

Kiṃ su’dha vittaṃ purisassa seṭṭhaṃ?

Kiṃ su suciṇṇaṃ sukhaṃ āvahati?

Kiṃ su have sādutaraṃ rasānaṃ?

Kathaṃ jīviṃ jīvitaṃ ahu seṭṭhaṃ?

(Này Sa-môn Gotama!) Cái gì là tài sản đáng ca ngợi nhất của chúng sanh trong thế gian này? Cái gì có thể thực hành ngày này qua ngày khác một cách liên tục mà đem lại ba sự an lạc trong nhân loại, chư thiên và Niết bàn? Trong tất cả các vị, vị nào là tốt nhất cho chúng sanh? Đời sống con người như thế nào đáng ca ngợi nhất trong chúng sanh mà nhiều bậc giới đức như chư Phật và các bậc khác hằng tuyên thuyết?”

Theo cách này, câu hỏi thứ nhất là: “Cái gì là tài sản đáng ca ngợi nhất của chúng sanh trong thế gian này? Được hỏi bằng cách dùng từ có tính chất dẫn đầu, cách nói như vậy được gọi là phương pháp  ukaṭṭha.  Do  đó,  cần  lưu  ý  rằng  chữ  ‘chúng  sanh’  ở  đây tượng trưng cho cả đàn ông và đàn bà. Câu hỏi có ý nghĩa rằng: “Cái gì là điều tốt nhất trong tất cả người nam và người nữ?”

Qua câu kệ này, bốn câu hỏi sau đây được hàm ý rằng:

  1. Tài sản quý báu nhất trong thế gian này là gì?
  2.     Điều gì khi được thực hành từ ngày này sang ngày khác có thể dẫn đến ba trạng thái hạnh phúc thuộc nhân loại, chư thiên và Niết bàn?
  3. Vị nào là ngọt ngào nhất trong các vị?
  4. Sống như thế nào là cao quý nhất?

Khi  ấy,  Đức  Phật  vì  muốn  trả  lời  theo  cách  như  Đức  Phật Kassapa đã trả lời, Ngài bèn trả lời bằng cách thuyết lên những câu kệ:

 

 Saddh’īdha vittaṃ purisassa seṭṭhaṃ.

Dhammo suciṇṇo sukhaṃ āvahati.

Saccaṃ have sādutaram rasānaṃ

Paññājīvim jīvitaṃ āhu seṭṭham.

 

(Này Āḷavaka!) Trong thế gian này tài sản đáng ca ngợi nhất của mỗi người nam và người nữ là đức tin (saddhā), phàm phu cũng như bậc thánh.

 

Mười điều phước hay ba thiện sự là Bố thí, Giới và Thiền quán mà khi được thực hành liên tục cả ngày lẫn đêm có thể đem đến ba điều hạnh phúc (sukha) thuộc nhân loại, chư thiên và Niết bàn.

Trong tất cả các vị, chân lý (sacca) của Niết bàn là sự thật trong ý nghĩa cùng tột (Đệ nhất nghĩa đế – Paramattha-sacca) hay lời nói chân thật thuộc ngữ hạnh phúc (vaci-mangata) đạt được do kiên tránh nói dối (virati-sacca) quả thật là vị tối thắng nhất trong tất cả chúng sanh.

Những bậc có giới như chư Phật và những nhân vật khác hằng tuyên bố rằng đời sống của một chúng sanh mà sống thực hành theo chánh hạnh một cách liên tục là đáng tán dương nhất.

(1)   Đây là ý nghĩa, cũng như tất cả tài sản trong thế gian như vàng, bạc, châu báu, v.v… dầu hữu ích của chúng là đem lại hạnh phúc cho cả thân (kāyika-sukha) và tâm (cetasika-sukha) vì chúng ngăn ngừa sự đói khát và những cái khổ khác, cũng như chúng làm hết nghèo, cũng như chúng là nguyên nhân để có được ngọc trai, hồng ngọc, v.v… cũng như chúng thu hút sự ngưỡng mộ từ những người khác. Cũng vậy, hai loại đức tin của phàm phu và của bậc thánh đem lại hạnh phúc cả thế tục lẫn tâm linh. Cũng vậy, đức tin là giới (pháp) dẫn đầu cho những người thực hành chánh hạnh để ngăn chặn những cái khổ trong luân hồi như sanh, già, bịnh, chết, v.v… Cũng vậy, nó làm chấm dứt trình trạng thiếu thốn các giới đức (thiện pháp). Cũng vậy, nó là nguyên nhân để thành đạt Pháp bảo như Thất Giác Chi (Bojjhanga).

 Saddho sīlena sampanno,

yaso bhogasamappito,

Yaṃ yaṃ padesaṁ bhajati,

tattha tatth’eva pūjito.

 

(Người có đầy đủ đức tin (saddhā) và giới (sīla), cũng có tùy tùngvà của cải  người ấy đi đâu cũng được vinh danh. Vì Đức Phật cũng từng dạy như vậy (trong chuyện về Cittagahapati, 21 Pakinnaka- vagga thuộc Dhammapada), một bậc có đầy đủ đức tin được tôn trọng bởi tất cả chư thiên và nhân loại. Do đó, đức tin phàm và thánh được Đức Phật thuyết ra là hai tài sản của con người).

 

Tài sản về đức tin là nguyên nhân của ba loại hạnh phúc vô song của con người, chư thiên và Niết bàn. Hơn nữa, nó là nguyên nhân để hoạch đắc những của báu trong thế gian như vàng, bạc, v.v… chỉ có người nào có đức tin và thực hành bố thí mới có được châu báu trong thế gian. Người không có đức tin không có quả báu tài sản. Do đó, đức tin là tài sản đáng khen ngợi nhất trong thế gian.

(2)   Khi mười việc thiện (hay nói cách khác là ba việc làm bố thí (dāna), trì giới (sīla) và tham thiền (bhāvanā) được thực hành  ngày này qua ngày khác, chúng đem lại hạnh phúc nhân loại cho người thực hành, như chúng mang lại cho Sona, Ratthapala và những trưởng giả khác. Chúng đem lại hạnh phúc chư thiên, cho người thực hành như Sakka, vua của chư thiên, và chư thiên khác; chúng đem lại Niết bàn như đem lại cho hoàng tử Mahāpaduma và các vị khác.

(3)   Cái để nếm và thưởng thức gọi là vị. Có nhiều loại vị, như vị của các loại củ, vị của thân hay vị của cọng rau, v.v… và những phần khác của cây thảo mộc đóng góp vào sự phát triển trên thân của người. Nhưng chúng chỉ đem lại hạnh phúc trong thế gian. Vị của pháp chân thật do kiên tránh nói dối (virati-sacca) và vị của chân thật ngữ (vaci-sacca) đóng góp vào sự phát triển trong tâm của con người nhờ thiền Chỉ (samatha) và thiền Quán (vipassanā) và những pháp thiền khác. Chúng dẫn đến hạnh phúc của tâm linh. Đạo quả A-la-hán được gọi là Giải thoát vị (vimutti-rasa) vì được thành đạt nhờ vị của Niết bàn, là chân lý trong ý nghĩa chân đế (paramattha-sacca) rất ngọt ngào. Do đó, ba vị này gồm paramattha-sacca, virati-sacca, và vaci-sacca là những vị tối thắng nhất trong các vị.

(4)   Một người mà thiếu cả hai con mắt tức là mắt trí tuệ tu tập trong lĩnh vực thế gian và con mắt trí tuệ trong lĩnh vực tu tập xuất thế gian thì được gọi là Andha-puggala (người bị mù cả hai mắt). Người chỉ có một con mắt trong tu tập thuộc lĩnh vực thế gian và thiếu con mắt trí tuệ trong Pháp (Dhamma) thì được gọi là Eka- cakkhu (một mắt). Người có cả hai con mắt trí tuệ thì được mệnh danh là Dvi-cakkhu-puggala (người có hai mắt sáng).

Trong ba hạng người này, thì người cư sĩ có hai mắt sống bằng cách làm các công việc trong gia đình, quy y Tam Bảo , thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới và làm những phận sự khác trong xã hội loài người nhờ vào trí tuệ. Một tỳ khưu sống bằng cách làm tròn phận sự Sa-môn như Giới thanh tịnh (sīla-visuddhi), Tâm thanh tịnh (citta-visuddhi) và những pháp khác nhờ trí tuệ. “Chỉ đời sống của người trú bằng trí tuệ là đáng khen ngợi.” Các bậc Thánh nhân như chư Phật, v.v… hằng tuyên bố như vậy. (Các Ngài không nói rằng lối sống của người chỉ biết hít thở là đáng khen ngợi). Như vậy cần được lưu ý một số chi tiết của ý nghĩa.

Khi nghe Đức Phật trả lời bốn câu hỏi của mình, dạ xoa Āḷavaka rất hoan hỷ, và muốn đặt bốn câu hỏi còn lại, vị ấy bèn đọc lên câu kệ sau:

Katthaṃ su tarati oghaṃ,

katthaṃ su tarati aṇṇavaṃ

Katthaṃ su dukkham acceti,

katthaṃ su parisujjhati.

(Bạch Đức Thế Tôn!) Bằng cách nào hay do điều gì mà người ta vượt qua bốn dòng bộc lưu? Làm thế nào hay do điều gì mà người ta vượt qua đại dương luân hồi (saṁsāra)? Làm thế nào hay do điều gì mà người ta vượt qua vòng đau khổ? Bằng cách nào hay do điều gì mà người ta tẩy sạch các pháp ô nhiễm trong chính mình?

Khi dạ xoa đã hỏi như vậy, Đức Phật bèn trả lời bằng cách đọc lên câu kệ:

Saddhāga tarati oghaṃ,

appamādena aṇṇavaṃ

Viriyena dukkham acceti,

Paññāya parisujjhati.

(Này Āḷavaka!) Do đức tin (saddhā) người ta vượt qua bốn dòng bộc lưu. Do pháp không dể duôi (appamāda) là sự thực hành lập đi  lập lại mười điều phước mà người ta vượt qua đại dương luân hồi. Do tinh tấn (viriya) người ta vượt qua vòng đau khổ. Do trí tuệ (paññā) mà người ta thanh lọc các pháp ô nhiễm trong tâm.

(Ở đây, người vượt qua bốn dòng bộc lưu đại dương luân hồi, có thể vượt qua vòng khổ đau và xa lìa các pháp ô nhiễm, nhưng (1) người thiếu đức tin (saddhā), người không tin vào pháp hành cao quý để vượt qua bốn dòng bộc lưu thì người ấy không thể hành thiền, là pháp vượt qua. Do vậy, người ấy không thể vượt qua được bốn dòng bộc lưu. (2) Người xao lãng, dể duôi, do đắm chìm trong dục lạc vì người ấy bám chắc vào những dục lạc này nên không thể vượt qua đại dương luân hồi. (3) Người lười biếng không tinh tấn, sống chung với những người bất thiện thì sống trong đau khổ. (4) Kẻ ngu do không biết đường lối thực hành dẫn đến sự thanh lọc các pháp ô nhiễm thì không thể dứt khỏi phiền não trong tâm. Cho nên câu trả lời của Đức Phật cho thấy rằng đức tin (saddhā) đối trị với thiếu đức tin  (asaddhā), không dể duôi (appamāda) đối trị với dể duôi (pamāda), tinh tấn (viriya) đối trị với biếng nhác (kosajja), và trí tuệ (paññā) đối trị với si mê (moha).

Lại nữa, trong bài kệ trả lời bốn dòng này thì đức tin hay Tín quyền là nguyên nhân cơ bản của bốn yếu tố của sự Nhập lưu (sotāpattiyaṅga) đó là (a) sappurisa-saṃseva – thân cận với những bậc có giới đức. (b) saddhamma-savana – nghe pháp của những bậc có giới đức. (c) yoniso-manasikara – quán xét đúng pháp (như lý tác ý).

(d)    dhammānudhamma-paṭipaṭṭi – chuyên tâm vào pháp thiền Chỉ và thiền Quán phù hợp với chín pháp siêu thế. Chỉ khi nào có được đức tin mới dẫn đến sự tu tập bốn yếu tố Nhập lưu. Và chỉ có sự tu tập  bốn yếu tố này mới dẫn đến Đạo quả Nhập lưu (sotāpatti). Cho nên, qua câu trả lời đầu tiên của Đức Phật trong bài kệ: “Saddhāya tarati ogham – do đức tin mà người ta vượt qua bốn dòng bộc lưu,” Nhập lưu đạo – Sotāpatti-magga, sự vượt ra khỏi kiến bộc lưu (ditth’ogha), ám chỉ đến Bậc Thánh Dự lưu.

(Bậc thánh Dự lưu – Sotāpanna, vì vị ấy có sự cần mẫn, tương đương với những việc phước được lập đi lập lại, hoàn thành Đạo thứ hai và chỉ tái sanh một lần nữa trong cõi người. Vị ấy vượt qua đại dương luân hồi (saṁsāra), cho nên câu trả lời thứ hai trong câu kệ: “appamādena aṇṇavam – do chuyên cần người ta vượt qua được đại dương luân hồi.” Nhất Lai đạo (sakadāgāmi-magga) sự vượt qua Hữu bộc lưu (bhav’ogha), ám chỉ đến bậc Thánh Nhất Lai.

Bậc thánh Nhất Lai hoàn thành Đạo thứ ba do tinh tấn và vượt qua khổ liên quan đến tham ái, có nguồn gốc ở Dục bộc lưu (kām’ogha) – việc mà Nhất Lai đạo chưa làm được. Cho nên câu trả lời thứ ba “viriyena dukkham acceti – do tinh tấn người ta vượt qua vòng đau khổ”. Bất lai đạo (anāgāmi-magga) là sự vượt qua Dục bộc lưu (kam’ogha), ám chỉ đến bậc thánh Bất lai.

Vị thánh Bất lai, vì vượt qua vũng lầy của dục lạc, hoàn thành Đạo thứ tư do Tuệ quán và đoạn trừ pháp ô nhiễm Vô minh (mà Bất lai đạo chưa đoạn diệt được). Cho nên câu trả lời thứ tư trong bài kệ: “paññāya parisujjhati – do trí tuệ người ta thanh lọc các ô nhiễm trong chính mình”. A-la-hán đạo (arahatta-magga), sự vượt qua vô minh bộc lưu (avijj’ogha), ám chỉ đến bậc thánh A-la-hán.

Câu kệ được giảng dạy kết thúc với đỉnh cao là đạo quả A-la-hán thì dạ xoa Āḷavaka được an trú trong Thánh quả Nhập Lưu.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app