Nội Dung Chính
- CHƯƠNG 33
- HẠ THỨ MƯỜI LĂM CỦA ĐỨC PHẬT TẠI KAPILAVATTHU
- Sự thuyết giảng đến hoàng tử dòng Thích Ca Mahānāma, về pháp của cận sự nam (upāsaka)
- Suppabuddha, vị vua dòng Thích Ca bị đất rút
- Đức Phật trả lời bốn câu hỏi của Sakka
- Giải thích ý nghĩa
- Sự khai ngộ tám mươi bốn ngàn chúng sanh
- Khi Đức Phật đã giảng giải đầy đủ chi tiết về câu kệ thì tám mươi ngàn chúng sanh được giác ngộ Tứ diệu đế.
CHƯƠNG 33
HẠ THỨ MƯỜI LĂM CỦA ĐỨC PHẬT TẠI KAPILAVATTHU
Sau khi lưu trú tại Sāvatthi để trải qua an cư mùa mưa thứ mười bốn như đã được trình bày trong phần trước. Sau khi kết thúc mùa an cư, Đức Phật lưu lại trong thành phố này chừng nào còn chúng sanh hữu duyên nên tế độ. Sau đó, Ngài lên đường để đem pháp Bất tử đến cho tất cả chúng sanh, nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Ngài đến kinh thành Kapilavatthu và cùng với nhiều vị tỳ khưu trải qua mùa an cư thứ mười lăm tại tịnh xá Nigrodhārāma (tịnh xá được xây dựng và dâng đến Ngài trong chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài do bởi hoàng tử Nigrodha của dòng Thích ca và được mọi người biết đến là Nigrodhārāma.)
Sự thuyết giảng đến hoàng tử dòng Thích Ca Mahānāma, về pháp của cận sự nam (upāsaka)
Khi Đức Phật đang cư ngụ tại tịnh xá Nigrodhārāma trong nước của những vị Sakya, thì hoàng tử dòng Thích Ca Mahānāma đến yết kiến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Rồi hoàng tử hỏi Đức Phật:
1) Hoàng tử : “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người trở thành một cận sự nam (upāsaka)?
Đức Phật: “Này Mahānāma! Quy y (Saraṇa-gamana), Phật quy y Pháp, quy y Tăng. Này Mahānāma! Làm như vậy, người ta trở thành người cận sự nam.” (Nghĩa là, quy y Tam bảo thành người cận sự nam)
2) Hoàng tử: “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người cận sự nam có giới?”
Đức Phật: “Này Mahānāma! Kiên tránh sát sanh, kiên tránh lấy của không cho, kiên tránh tà dâm, kiên tránh nói dối, và kiên tránh uống các chất say là nguyên nhân của sự thất niệm. Này Mahānāma! Làm như vậy người cận sự nam trở nên có giới.”
(Tức là do quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới người ta trở thành một thiện nam có giới).
3) Hoàng tử: “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người cận sự nam có đức tin?”
Đức Phật: (Ở đây chỉ nói về chín Ân đức của Đức Phật là cách thuyết giảng tóm lượt (upalukkhana-nava). Vị cận sự nam tin chín Ân Đức Phật, sáu Ân Đức Pháp và chín Ân Đức Tăng. Do đó, có nghĩa rằng vị cận sự nam tin vào những ân đức của Tam bảo tức là vị ấy có đức tin).
4) Hoàng tử: “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người cận sự nam có pháp dứt bỏ (cāga)?”
Đức Phật: “Này Mahānāma! Trong Giáo Pháp này, vị thiện nam cư trú tại gia đình với tâm không bỏn xẻn (macchera), vị ấy cho đi với sự ly tham hoàn toàn, vị ấy rửa tay để trao tặng (tay vị ấy ướt), vị ấy vui thích trong sự bố thí, vị ấy phù hợp với những người tầm cầu vật thí vì không mang vẻ mặt dữ dằn, vị ấy vui thích trong sự cúng dường và phân phát vật thí. Này Mahānāma! Do làm như vậy mà người cận sự nam có pháp dứt bỏ.”
5) Hoàng tử: “Bạch Đức Thế Tôn! Do thực hành gì khiến người cận sự nam có trí tuệ (paññā)?”
Đức Phật: “Này Mahānāma! Trong Giáo pháp này vị cận sự na sáng suốt, vị ấy có trí tuệ thanh tịnh và cao quý, đoạn diệt phiền não dẫn đến Niết Bàn, chấm dứt đau khổ và giúp vị ấy thấy rõ sự sanh diệt (udayabbaya-ñāṇa) của danh và sắc. Tất cả điều này làm cho vị ấy có trí tuệ.” (Mahāvagga Saṁyutta Pāḷi)
(Những chi tiết về vị vua dòng Thích ca Mahānāma này sẽ được nêu ra trong phần Tăng Bảo).
Suppabuddha, vị vua dòng Thích Ca bị đất rút
Khi đang ngự tại tịnh xá Nigrodhārāma, tại kinh thành Kapilavatthu nước Sakya, Đức Phật thuyết bài pháp bắt đầu: “Na antalikkhe na samuddamajjhe” liên quan đến người cậu ruột và đồng thời là cha vợ của Ngài, vị vua của dòng Thích ca.
Giải thích: Cậu của Đức Phật, vua Suppabuddha nuôi lòng thù hận với Ngài vì hai lý do. Vị ấy suy nghĩ: “Đứa cháu trai này và cũng là con rễ của ta, thái tử Siddhattha, Đức Phật Gotama đã bỏ con gái của ta mà đi xuất gia, và sau khi cho con trai của ta là Devadatta xuất gia, Siddhattha đã đối xử với nó như kẻ thù.” Một hôm, khi nghĩ rằng: “Ta sẽ không cho vị ấy cơ hội để đi khất thực,” đức vua bèn chặn lối đi của Đức Phật trong khi đang uống rượu giữa đường.
Bấy giờ khi Đức Phật cùng với hội chúng Tỳ khưu đi đến nơi ấy, người của đức vua báo cho vị ấy biết rằng Đức Phật đã đến. Đức vua bèn nói một cách chua cay rằng: “Này các khanh! Các khanh hãy nói với Siddhattha, ông Phật cháu của ta rằng hãy đi con đường khác, vị ấy nhỏ tuổi hơn ta vì thế ta không thể nhường đường cho vị ấy đi. ” Bất chấp sự trình báo nhiều lần của các quan, đức vua vẫn nói như vậy và tiếp tục uống rượu. Vì không được sự cho phép của đức vua Suppabuddha, Đức Phật bèn quay về. Vua Suppabuddha sai thám tử đi theo với lời dặn rằng: “Ngươi phải chú ý đến những lời mà đứa cháu trai của ta nói rồi trở về đây.”
Khi đang quay lui, Đức Phật mỉm cười, và trưởng lão Ānanda hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Lý do gì mà khiến Ngài mỉm cười?” Đức Phật nói: “Này Ānanda! Con có thấy cậu của Như Lai không?” “Thưa có, bạch Đức Thế Tôn!” Trưởng lão Ānanda đáp. Đức Phật tiên đoán như sau: “Này Ānanda! Cậu Suppabuddha của Như Lai, người đã từ chối không nhường đường cho Như Lai đi qua, ông ấy đã phạm một tội rất trầm trọng. Bảy ngày kể từ bây giờ ông ta sẽ bị đất rút tại chân cầu thang từ sân thượng đi xuống.”
Sau khi nghe những lời này, người thám tử bèn trở về gặp đức vua Suppabuddha và đức vua hỏi rằng: “Thế nào? Đứa cháu trai của trẫm sau khi quay về đã nói gì?” Người thám tử bèn kể lại mọi chuyện mà anh ta nghe được. Khi ấy, đức vua khởi lên ý nghĩ như vầy: “Những gì mà cháu trai của ta nói ra không thể sai lầm. Bất cứ điều gì vị ấy nói ra điều đúng sự thật. Bất chấp điều này, ta sẽ tố cáo vị ấy về sự dối trá. Vị ấy nói rằng ta sẽ bị đất rút trong bảy ngày nữa kể từ hôm nay. Vị ấy không đề cập ở chỗ nào nhưng vị ấy đã nói rằng ta sẽ bị đất rút ở chân cầu thang. Từ nay trở đi ta sẽ không đi đến chân cầu thang. Nếu ta không đi đến đó thì ta sẽ không bị đất rút ở chỗ đó. Nếu đến ngày thứ bảy mà ta không bị đất rút thì ta sẽ tố cáo ông Phật cháu của ta, thái tử Siddhattha về tội nói dối.”
Sau khi nói như vậy, đức vua cho người đặt tất cả những vật dụng của vị ấy lên trên gác thượng, dời đi chiếc cầu thang và khóa hết các cánh cửa ở những lối ra vào. Đức vua bố trí hai vị lực sĩ và ra lệnh cho họ rằng: “Trong trường hợp trẫm bị đãng trí mà đi xuống thì các ngươi phải ngăn chặn trẫm lại.” Đức vua ở lại trong vương phòng cao sang của vị ấy vào ngày thứ bảy trên gác thượng.
Khi nghe chuyện về đức vua Suppabuddha như vậy, Đức Phật bèn nói: “Này các tỳ khưu! Lời của một vị Phật luôn rõ ràng, nó chỉ có một ý nghĩa là đúng sự thật bất kể rằng người cậu của Như Lai là vua Suppabuddha chỉ ở trên gác thượng hay bỏ chạy hoặc ở trên không trung, hoặc ở trong chiếc thuyền nằm ngoài đại dương, hoặc trú bên trong một ngọn núi. Tại chính chỗ mà Như Lai đã nêu ra (tại chân cầu thang), vị ấy sẽ bị đất rút.” Vì muốn thuyết pháp bằng cách nối kết lời trước với lời sau, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ sau:
Na antalikkhe na samuddamajjhe.
na pabbatānaṃ vivaram pavissa.
Na vijjati so jagatippadeso.
yattha ṭhitaṃ nappasaheyya maccu.
Này các tỳ khưu! Người đứng trên hư không cũng không thể thoát khỏi cái chết; người nằm giữa đại dương cũng vậy; người đi vào hang sâu hoặc kẻ núi và sống ở đó cũng không thể thoát khỏi cái chết; không có chỗ nào trên đất dầu chỉ bằng một sợi tóc mà không bị cái chết tìm đến.
Vào lúc kết thúc bài kệ, vô số chúng sanh chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala) và những thánh quả khác.
Vào ngày thứ bảy, khi con đường dẫn đến hoàng cung, nơi mà Đức Phật đi độ thực đang bị chặn lại, con tuấn mã của vua Suppabuddha được giữ ở dưới lâu đài thoát ra khỏi sợi dây được buộc vào một cái cột, nó đá vào quanh bức tường và hí vang trời, không ai có thể làm quy phục hay bắt được nó. Khi đang ở trên gác thượng của cung điện, vua Suppabuddha nghe tiếng kêu của con tuấn mã và hỏi lý do. Những người hầu nói rằng con ngựa chiến của vua bị sẩy chuồng.
Vừa trông thấy đức vua, con tuấn mã bèn đứng yên. Khi ấy, vua Suppabuddha không thể không ngăn con ngựa, vị ấy đứng dậy khỏi chỗ ngồi và đi ra cửa, cánh cửa tự động mở ra. Chiếc cầu thang được dời đi lúc trước lại đứng ở ngay chỗ cũ cũa nó. Những lực sĩ của đức vua bèn nắm cổ của đức vua và vật vị ấy xuống. Những cánh cửa trên tất cả bảy tầng lầu đều đồng loạt mở tung. Những chiếc cầu thang tự động trở về vị trí cũ. Những vệ sỉ ở mỗi tầng lầu đều lần lượt nắm cổ vị ấy ném xuống.
Khi vị ấy bị ném xuống chân cầu thang ở mặt đất, thì đại địa nứt ra phát ra tiếng gầm vang và nuốt chửng vua Suppabuddha của dòng Thích ca. Sau khi bị đất rút, đức vua mạng chung và rơi vào địa ngục Avīci (A-tỳ).
Đức Phật trả lời bốn câu hỏi của Sakka
Sau khi đã lưu trú ở tịnh xá Nigrodhārāma tại Kapilavatthu và trải qua mùa an cư thứ mười lăm ở đó như đã được trình bày ở trên. Đức Phật đã ban phát nước mát của Chánh pháp, nước Bất tử đến những chúng sanh hữu duyên. Khi hạ thứ mười lăm kết thúc Ngài bèn lên đường, đi từ Kapilavatthu theo thông lệ của chư Phật và đến Jetavana trong kinh thành Sāvatthi tuyệt hảo.
Khi Đức Phật ngự tại đây, Ngài thuyết bài pháp bắt đầu bằng ‘Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti’ theo câu hỏi của Sakka, vua của chư thiên đã hỏi Ngài. Chi tiết của bài pháp như sau:
Một hôm, chư thiên ở cõi trời Đạo Lợi cu hội lại và nêu ra bốn câu hỏi:
- Vật thí nào tốt nhất trong tất cả vật thí?
- Vị nào tốt nhất trong tất cả các vị?
- Hỉ lạc nào thù thắng nhất trong tất cả các hỉ lạc?
- Tại sao đạo quả A-la-hán, sự chấm dứt ái dục được gọi là thù thắng nhất?
Không có một vị thiên nào có khả năng trả lời bốn câu hỏi này. Thực ra, thì vị thiên này hỏi vị thiên kia, rồi vị thiên kia hỏi vị thiên khác và cứ tiếp tục như thế. Khi đem câu hỏi ra hỏi nhau như vậy, họ đi khắp mười ngàn thế giới suốt mười hai năm (mà không có được câu trả lời).
Vì không biết được ý nghĩa của những câu hỏi dù mười hai năm đã trôi qua. Chư thiên trong mười ngàn thế giới bèn cu hội lại và đi đến Tứ đại Thiên vương. Khi Tứ đại Thiên vương hỏi về lý do có hội chúng như vậy. Chư thiên bèn nói rằng: ” Chúng tôi đi đến đại vương vì có bốn câu hỏi được nêu ra mà trong số chúng tôi không ai trả lời được.” “Này các bạn! Bốn câu hỏi ấy là gì?” Các vị thiên vương hỏi. Chư thiên nói : “Trong vô số vật thí, trong vô số vị, trong vô số hỉ lạc. Vật thí nào là thù thắng nhất, Vị nào là thù thắng nhất, hỉ lạc nào là thù thắng nhất ? Tại sao Đạo quả A-la-hán, sự chấm dứt ái dục được gọi là thù thắng nhất? Vì không tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi bèn tìm đến đại vương.”
Khi ấy, Tứ đại Thiên vương bèn nói rằng: ” Chúng tôi cũng không biết ý nghĩa của những câu hỏi này, nhưng thiên chủ Sakka của chúng ta có khả năng hiểu biết một cách mau lẹ khi vị ấy suy xét về ý nghĩa của những câu hỏi mà có thể được suy xét trước bởi một ngàn người. Sakka xuất sắc hơn chúng ta về thông minh, trí tuệ và oai lực. Nào! Chúng ta hãy đi đến gặp Sakka.” Khi bốn vị thiên vương đưa họ đến gặp Sakka và khi được vị ấy hỏi về lý do tụ họp đông đúc như vậy, chư thiên bèn giải thích vấn đề với vị ấy.
“Này chư thiên! Ý nghĩa của bốn câu hỏi này không ai có thể trả lời được (ngoại trừ Đức Phật). Thực ra, bốn câu hỏi này dành cho Đức Phật trả lời. Bây giờ Đức Phật đang ở đâu? Nào! Chúng ta hãy đi đến yết kiến Đức Phật và hỏi Ngài.” Rồi Sakka cùng với hội chúng chư thiên này chiếu sáng toàn thể tịnh xá Jetavana vào lúc đêm khuya và đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Khi Đức Phật hỏi lý do nào khiến họ đi đến đây với hội chúng đông đảo như vậy. Sakka đáp: “Bạch Đức Thế Tôn! Chư thiên muốn hỏi những câu hỏi này. Chỉ Đức Thế Tôn mới có khả năng trả lời những câu hỏi ấy, mới có thể biết được ý nghĩa của những câu hỏi. Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài bi mẫn giảng giải ý nghĩa cho chúng con.”
Đức Phật nói: “Lành thay, này Sakka! Sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và năm pháp Đại thí một cách bất thối, Như Lai chứng đắc Nhất thiết trí để đoạn diệt hoài nghi trong những người như các vị đây. Câu trả lời cho bốn câu hỏi của các vị là:
- Trong tất cả vật thí, Pháp thí là thù thắng nhất.
- Trong tất cả các vị, Pháp vị là thù thắng nhất.
- Trong tất cả các hỉ lạc, hỉ lạc trong Pháp là thù thắng nhất.
- Đạo quả A-la-hán, sự chấm dứt ái dục là thù thắng vì nó chấm dứt tất cả đau khổ.”
Sau khi nói như vậy bằng văn xuôi, Đức Phật bèn đọc lên câu kệ sau:
Sabbadānaṃ Dhammadānaṃ jināti.
sabbarassaṃ Dhammarasaṃ jināti.
Sabbaratiṃ Dhammarati jināti.
taṇhakkhayo sabba dukkhaṃ jināti.
“Này Sakka, vua của chư thiên! Pháp thí, sự thuyết pháp thù thắng hơn tất cả những vật thí khác. Vị của Pháp gồm 37 Bồ đề phần và chín pháp chứng siêu thế thù thắng hơn tất cả những vị khác.
Sự hỉ lạc trong Pháp thù thắng hơn tất cả hỉ lạc khác.
Đạo quả A-la-hán chấm dứt hoàn toàn ái dục, diệt tận tất cả đau khổ.
Giải thích ý nghĩa
(1) Cho dù những chiếc y mềm như những lớp bẹ chuối được cúng đường đến chư Phật, chư Độc Giác Phật và chư Thinh văn A-la-hán ngồi đầy cả thế giới lên đến cõi Phạm thiên mà không có khoảng hở giữa các vị này với vị kia – một câu kệ gồm bốn dòng được thuyết giảng trong hội chúng ấy để tán dương sự bố thí ấy thì thù thắng hơn nhiều. Thực ra, giá trị của sự bố thí vô số y phục như vậy không bằng 1/256 giá trị của một câu pháp kệ được thuyết để tán dương sự bố thí y phục. Như vậy, việc thuyết giảng và học thuộc lòng Giáo Pháp là tối thắng.
Ngay cả đối với những người bỏ công sức tổ chức và sắp xếp để nhiều người có thể nghe Pháp thì lợi ích phát sanh đến những người ấy là vô số kể.
Về sự bố thí vật thực được đặt vào trong những cái bát, mỗi một cái bát được bỏ đầy bằng những món ăn thượng vị. Về sự bố thí thuốc chữa bệnh trong những cái bát, mỗi cái bát được bỏ đầy bơ, dầu và những thứ tương tự. Về sự bố thí năm trăm ngàn chỗ ngụ như Mahāvihāra, về sự bố thí hàng trăm ngàn cung điện có tháp nhọn như Lohapāsāda. Ngay cả đến những sự bố thí bao gồm Jetavana tịnh xá được dâng cúng bởi ông Anāthapiṇḍika và những thí chủ khác đến Đức Phật, chư Phật Độc Giác (Paccheka Buddha) và chư Thinh văn A-la-hán ngồi đầy cả thế giới không có khoảng hở giữa vị này với vị kia – đối với tất cả những sự bố thí này, thì Pháp thí được thuyết giảng chỉ bằng một câu kệ bốn dòng để tán dương sự bố thí tài vật thì thù thắng hơn nhiều.
Tại sao? Tại vì những người làm việc phước bố thí bốn món vật dụng gồm y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc chữa bệnh, họ làm như vậy sau khi được nghe Pháp. Nếu họ chưa nghe Pháp thì chắc hẳn họ sẽ không bố thí dầu một vá cơm hay một muỗng thức ăn. Vì lý do này mà sự bố thí Pháp là thù thắng hơn tất cả những sự bố thí khác.
Để làm cho vấn đề được rõ ràng hơn : Không kể đến chư Phật Toàn Giác và chư Phật Độc Giác, ngay cả đại đức Sāriputta và những vị Thinh văn khác, họ có trí tuệ và có khả năng đếm những giọt mưa khi trời mưa nặng hạt và bất tận suốt cả thọ kiếp (āyu-kappa) cũng không thể tạo ra những pháp chứng như Nhập lưu quả (sotapatti- phala) và những Thánh quả cao hơn (mà không nghe Pháp). Thực ra, chính sau khi nghe pháp được giảng bởi trưởng lão Assaji và những vị Thinh văn khác họ mới chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotapatti- phala), chính do nghe Đức Phật thuyết pháp (về bài kinh Dīghanakha và những bài kinh khác) khiến họ chứng đắc Thinh văn Ba-la-mật Trí (Sāvaka-pāramī-ñāṇa). “Cũng vậy, này Sakka! Chỉ Pháp thí thì đáng kính phục hơn sự bố thí về tứ sự (paccaya-dāna)”. Vì vậy, Đức Phật mới dạy rằng: “Bố thí Pháp thù thắng hơn tất cả những sự bố thí.”
(2) Tất cả những loại vị, bao gồm vị trái cây, vị của các loại hoa, vị của các món ăn. Ngay cả những vật thực của chư thiên đều là nguyên nhân của sự tái sanh trong luân hồi (samsāra) và nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Tuy nhiên, vị của chín pháp Siêu Thế cùng với 37 Bồ Đề phần và bốn cặp Đạo Quả cộng thêm Niết bàn đáng tán dương hơn tất cả các vị trong thế gian. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Pháp vị (Dhamma-rasa) thù thắng hơn tất cả các vị.”
(3) Tất cả những loại hỉ lạc trong những vật thuộc về thế gian như là con trai, con gái, của cải, đàn bà, sự múa hát, nhạc, v.v… là nguyên nhân cả sự tái sanh trong vòng luân hồi và đau khổ. Tuy nhiên, Hỉ (pīti) mà khởi sanh trong một người do sự chú tâm của người ấy đến Pháp trong khi nói, giảng dạy hoặc nghe, nó tạo ra sự phấn chấn, ngay cả chảy nước mắt hay nổi ốc. Sự vui thích như vậy mới có thế chấm dứt khổ trong vòng luân hồi và đem lại lợi ích đến chứng ngộ đạo quả Nhập lưu. Và hỉ lạc như vậy đáng được tán dương hơn tất cả các pháp trong thế gian. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Hỉ lạc trong Pháp (Dhamma-rati) thù thắng hơn tất cả các loại hỉ lạc.”
(4) Tất cả các loại ái dục đều biến mất vào lúc A-la-hán Đạo được chứng đắc. A-la-hán Quả theo liền ngay sau A-la-hán Đạo. Vì A-la- hán Quả sanh khởi vào lúc chấm dứt ái dục nên gọi là Ái diệt tận (Taṇhakkhaya). A-la-hán Quả được gọi là Taṇhakkhaya – chấm dứt tất cả đau khổ. Chính Pháp thù thắng và đáng được tán dương hơn tất cả những pháp khác. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “A-la-hán Quả (Arahatta-phala), sự chấm dứt ái dục, đoạn tận tất cả khổ đau.”
Sự khai ngộ tám mươi bốn ngàn chúng sanh
Khi Đức Phật đã giảng giải đầy đủ chi tiết về câu kệ thì tám mươi ngàn chúng sanh được giác ngộ Tứ diệu đế.
Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp chi tiết, Sakka bèn thành kính đảnh lễ Ngài và đưa ra lời thỉnh cầu: “Bạch Đức Thế Tôn! Dù Pháp thí rất to lớn và đáng được tán dương như vậy, nhưng tại sao chúng con không được chia sẻ phước từ Pháp thí. Từ nay trở đi, xin hãy bảo Chư Tăng chia sẻ cho chúng con những phần phước từ sự bố thí pháp.”
Sau khi nghe lời thỉnh cầu của Sakka, Đức Phật bèn triệu tập hội chúng lại và dạy rằng: “Này các tỳ khưu! Từ nay trở đi, sau khi bố thí Pháp dầu to lớn hay bình thường, hoặc thời pháp được thuyết đến những người đến gặp các ngươi hoặc (ít ra) bài pháp được nói để tán dương về một sự bố thí vật thực nào đó. Hãy chia phước mà đã phát sanh đến các ngươi từ sự bố thí Pháp đến cho tất cả chúng sanh.” (Chú giải kinh Pháp Cú)