Đức Phật kể lại truyện Bổn sanh Vālodaka Jātaka nhân lúc Ngài đến thành Sāvatthi
(Bài trình bày về Sudinna con trai của thương nhân Kalanda chứa những biến cố xảy ra từ cuối mùa an cư của Đức Phật tại Verañjā cho đến khi vị ấy xuất gia vào lúc Đức Phật đến thành phố Vesāli. Những biến cố dẫn đến ban hành điều luật Pārājika thứ nhất xảy ra vào năm thứ tám sau khi Sudinna xuất gia. Độc giả nên cẩn thận lưu ý điều này).
Sau khi đã lưu trú như vậy tại Mahāvana, Vesāli, thuyết pháp đến những người hữu duyên nên tế độ, Ngài rời khỏi thành phố ấy và đi đến Sāvatthi trong thời điểm thích hợp và trú ngụ tại tịnh xá Jetavana.
Bấy giờ, một biến cố xảy ra là nguyên nhân để Đức Phật kể lại bổn sanh Vālodaka Jātaka. Năm trăm cư sĩ của thành phố Sāvatthi đã gác lại công việc để cùng vợ đi thành một đoàn đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Kết quả là một số chứng đắc đạo quả Nhập lưu (sotāpanna), một số chứng đắc đạo quả Nhất lai (sakadāgāmi), một số chứng đạo quả A-na-hàm (anāgāmi), tất cả thính chúng đều chứng đắc đạo quả thánh. Những người thỉnh mời Đức Phật bao gồm năm trăm cư sĩ trong danh sách những vị tỳ khưu được thỉnh mời.
Cũng có năm trăm người hầu trẻ, trong khi đang hầu hạ năm trăm cư sĩ đã ăn được những vật thực dư thừa. Sau bữa ăn trưa bằng vật thực dư thừa ấy, họ lăn ra ngủ vì không có việc gì làm; thức dậy, họ đi đến con sông Aciravātī vật lộn đùa giỡn với nhau trên bờ sông và la hét ầm ĩ. Còn chủ nhân của họ là năm trăm cư sĩ thì không đùa giỡn la hét mà giữ im lặng và nhập vào thiền quả (phala-samāpatti) ở nơi thanh vắng.
Khi ấy, Đức Phật nghe tiếng ồn từ những người hầu của năm trăm cư sĩ, Ngài bèn hỏi đại đức Ānanda: “Này Ānanda! Những tiếng ồn ấy là gì vậy.” “Bạch Đức Thế Tôn! Những tiếng ồn này xuất phát từ những người hầu của năm trăm vị cư sĩ.”
Khi ấy, Đức Phật bèn dạy rằng: “Này Ānanda! Không phải chỉ có bây giờ những người hầu ấy ăn vật thực dư thừa và la hét ầm ỹ như vậy mà trong những kiếp quá khứ họ cũng đã làm như vậy rồi. Không phải chỉ có bây giờ năm trăm vị cư sĩ giữ im lặng mà trong những kiếp quá khứ họ cũng đã làm như vậy rồi.” Và theo lời thỉnh cầu của trưởng lão Ānanda, Đức Phật kể lại câu chuyện quá khứ như sau:
Vào thời xa xưa, khi đức vua Brahmadatta trị vì xứ Bārāṇasī. Bồ tát sanh vào một gia đình cao quý, và khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy làm người cố vấn (Quốc sư) cho đức vua.
Một hôm nọ, khi nghe tin ở vùng biên giới có cuộc nỗi loạn, vị ấy bèn cho xuất chuồng năm trăm con ngựa thuộc giống Sindhava và lên đường với đoàn quân gồm bốn binh chủng. Sau khi dẹp loạn được vùng biên giới, vị ấy trở về Bārāṇasī và bảo các quan đem nước trái nho cho những con ngựa, nói rằng: “Những con ngựa này đã bị đuối sức. Hãy cho chúng uống nước nho.” Các quan đã làm theo lệnh truyền của đức vua.
Năm trăm con ngựa uống nước nho có hương thơm ngon rồi đi vào chuồng của chúng và yên lặng nghỉ ngơi trong chuồng. Sau khi cho nước nho đến những con ngựa, vẫn còn một lượng lớn trái nho không có hương vị. Các quan bèn hỏi đức vua: “Tâu đại vương! Chúng thần phải làm gì đối với số nho còn lại?” “Này các khanh! Hãy nhào trộn chúng với nước rồi đem lược chúng bằng những tấm vải thô và lấy nước ấy cho những con la thường chở vật thực đến những con ngựa.” Các quan làm theo lời căn dặn của đức vua.
Những con la làm công việc mang chở vật thực ấy được uống nước nho được lược lại lần thứ hai, chúng đã trở nên ngông nghênh, chúng đùa giỡn kêu be be, chạy nhảy ở trong sân. Đức vua mở cửa sổ cung điện và khi nhìn xuống sân, vị ấy hỏi vị Quốc sư: “Hãy nhìn kìa! Thưa bậc trí tuệ! Sau khi uống nước nho loại hai, năm trăm con la này trở nên ngông nghênh và đùa giỡn kêu be be, chạy nhảy lung tung. Nhưng những con ngựa Sindhava sau khi uống nước nho có hương vị thơm ngon đã không phát ra tiếng kêu, không biểu lộ hành vi đùa giỡn, chúng giữ im lặng. Lý do là thế nào?” Bởi vậy, đức vua đã đọc lên một câu kệ:
(1) Vālodakaṃ apparasaṃ nihīnaṃ
pitvā mado jāyati gadrabhānam
Imaṃ ca pitavāna rasaṃ paṇītaṃ
mado na sañjāyati sindhayānaṃ.
(Thưa bậc trí tuệ!) Đối với những con la đã uống nước nho loại hai có ít hương vị và thiếu chất mà được lọc bằng tấm vải thô, sự say sưa với ngã mạn đã xảy đến với những con la. Sự say sưa như thế không xảy đến với những con ngựa Sindhava tuy chúng được uống loại nho có hương vị thơm ngon. (Lý do là thế nào?)
Vị quốc sư bèn đọc lên một câu kệ sau đây để trả lời :
(2) Appaṃ pivitvāna nihīnajucco.
so majjatī tena janida phuṭṭho.
Dhorayhasīlī ca kulamhi jāto.
na majjatī aggarasaṃ pivitvā.
“Tâu bệ hạ! Con la thấp hèn đã bị ảnh hưởng bởi giống thấp hèn của nó trở nên say sưa sau khi uống nước nho loại hai nhạt nhẽo. Những con ngựa Sindhava siêng năng phục vụ cho đất nước, dầu nó được uống loại nước nho có hương vị ngọt nhất nhưng chúng vẫn không say sưa do bởi nó được sanh ra từ giống cao quý.”
(Điều muốn nói là những con la thuộc giống thấp nên chúng bị say sau khi uống nước nho loại hai nhạt nhẽo. Ngược lại, những con ngựa chiến Sindhava, do bởi giống cao quý của chúng, chúng không tỏ ra kiêu mạn hoặc không say sưa với sự kiêu ngạo dù chúng đã được uống loại nước nho có hương vị ngọt nhất).
Khi nghe vị Quốc sư nói như vậy, đức vua truyền lệnh lùa những con la ra khỏi sân sau khi nghe lời giải thích của Quốc sư. Đức vua bắt đầu làm các việc phước bắt đầu bằng sự bố thí và rồi vị ấy mạng chung vào một kiếp sống khác theo nghiệp của vị ấy.
Sau khi thuyết thời pháp bổn sanh Vālodaka Jātaka, Đức Phật kết thức câu chuyện bằng sự nhận định rằng: “Năm trăm con la lúc ấy là năm trăm người hầu ăn vật thực dư thừa, năm trăm con ngựa Sindhava lúc ấy là năm trăm vị Thánh cư sĩ, vị Quốc sư trí tuệ ấy là Như Lai.”