Nội Dung Chính
- CHƯƠNG 30
- HẠ THỨ MƯỜI HAI CỦA ĐỨC PHẬT TẠI THÀNH PHỐ VERAÑJĀ
- Cuộc viếng thăm của Bà-la-môn Verañjā đến Đức Phật
- Khi Bà-la-môn Verañjā nghe tin lành như sau: “Thưa các vị! Sa-môn Gotama, thái tử dòng Thích Ca đã xuất gia Sa-môn cùng với năm trăm vị tỳ khưu có giới đức cao thượng, đang trú ngụ gần cây Nimba chỗ ngụ của dạ xoa Naḷeru gần thành phố Verañjā của chúng ta. Danh tiếng của Đức Gotama thấu đến Hữu đỉnh thiên (bhavagga) lan truyền khắp nơi như vậy: ‘Đức Phật được gọi là: Bậc A-la-hán vì Ngài xứng đáng được tôn kính, cúng dường.
- (1) “Samôn Gotama là con người có tánh cách bất nhã”
- (2) ” Sa-môn Gotama là người vô dụng”
- (3) “Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết phi tác nghiệp”
- (4) ” Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết Đoạn kiến”
- (6) “Sa-môn Gotama là người có tánh hay ghê tởm”
- (7) “Sa-môn Gotama là kẻ hủy diệt”
- (8) “Sa-môn Gotama là người khổ hạnh”
- (9) “Sa-môn Gotama hầu như không thể sanh về thiên giới”
CHƯƠNG 30
HẠ THỨ MƯỜI HAI CỦA ĐỨC PHẬT TẠI THÀNH PHỐ VERAÑJĀ
Sau khi trải qua mùa an cư kiết hạ thứ mười một tại làng của Bà-la-môn Ekanāla, thuyết giảng các bài pháp như kinh Kasibhāradvāja và những bài pháp khác đến những người hữu duyên nên tế độ gồm có Bà-la-môn Kasibhāradvāja. Khi mãn hạn mùa an cư tại ngôi làng đó, Đức Phật bèn lên đường tiếp tục tế độ chúng sanh, phân phát nước mát bất tử đến chư thiên và nhân loại. Và cuối cùng, Ngài đến thành phố Verañjā, cùng với năm trăm hộ chúng tỳ khưu cư ngụ gần cây Nimba, chỗ ở của Dạ Xoa Naḷeru cách xa thành phố Verañjā.
Cuộc viếng thăm của Bà-la-môn Verañjā đến Đức Phật
Khi Bà-la-môn Verañjā nghe tin lành như sau: “Thưa các vị! Sa-môn Gotama, thái tử dòng Thích Ca đã xuất gia Sa-môn cùng với năm trăm vị tỳ khưu có giới đức cao thượng, đang trú ngụ gần cây Nimba chỗ ngụ của dạ xoa Naḷeru gần thành phố Verañjā của chúng ta. Danh tiếng của Đức Gotama thấu đến Hữu đỉnh thiên (bhavagga) lan truyền khắp nơi như vậy: ‘Đức Phật được gọi là: Bậc A-la-hán vì Ngài xứng đáng được tôn kính, cúng dường.
Ngài là bậc Chánh Biến Tri (Sammāsambuddha) vì Ngài hiểu biết hoàn toàn tất cả các pháp.
Ngài được gọi là bậc Minh Hạnh Túc (Vijjācaraṇa-sampaññā), vì Ngài đã có đầy đủ trí tuệ và pháp hành.
Ngài được gọi là bậc Thiện Thệ (Sugata), vì Ngài nói ra những lời thiện lành.
Ngài được gọi là bậc Thế Gian Giải (Lokavidū), vì Ngài biết tường tận về Tam giới.
Ngài được gọi là bậc Điều ngự Vô song (Anuttaro purisa- dammasārathi), vì Ngài là bậc Điều ngự Vô song những kẻ đáng được điều ngự.
Ngài được gọi là Thiên Nhân sư (Satthā deva-manussānaṃ), vì Ngài là thầy của chư thiên và nhân loại.
Ngài được gọi là Phật (Buddha), vì Ngài giác ngộ Tứ Diệu Đế và hướng dẫn cho người khác giác ngộ Tứ Diệu Đế.
Ngài được gọi là Thế Tôn (Bhagavā), vì Ngài có sáu oai đức.
Đức Phật biết rõ hư không thế giới (okāsa-loka) cùng với chư thiên, ma vương và Phạm thiên của nó, cũng như thế giới chúng sanh (satta-loka) cùng với Sa-môn, Bà-la-môn, vua chúa và dân thường của nó qua trí tuệ đặc biệt của Ngài và giảng dạy chúng.
Đức Phật công bố Chánh pháp thiện hiền trong cả ba giai đoạn: giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối và cũng hoàn hảo về văn và nghĩa (không cần phải thêm bớt gì nữa). Ngài đã giảng dạy pháp hành cao quý hoàn hảo và thanh tịnh tuyệt đối (không có chút khuyết điểm nào phải loại bỏ). Hình ảnh của một bậc thánh A-la-hán như vậy quả thật là kỳ diệu.” Ông Bà-la-môn đã nghe được tất cả điều ấy.
Như vậy, ông Bà-la-môn Verañjā đã viếng thăm Đức Phật và trao đổi những lời thân thiện với Ngài. Sau khi đã trao đổi những lời thân thiện và những lời chúc lành, ông Bà-la-môn ngồi xuống ở một chỗ không có sáu khuyết điểm. Sau đó, ông ta bắt đầu công kích Đức Phật:
“Thưa Đức Gotama! Tôi đã nghe rằng Sa-môn Gotama không cúi chào, không đón tiếp cũng như không mời ngồi đối với những vị Bà-la-môn già cả, lớn tuổi của những thế hệ khác đang gần đất xa trời. Thưa Đức Gotama! Điều mà tôi đã nghe là đúng. Quả thật vậy, thưa Đức Gotama! Ngài đã không cúi chào, không đón tiếp, cũng như không mời ngồi đối với Bà-la-môn già cả, lớn tuổi của những thế hệ trước đang gần đất xa trời. Thưa Đức Gotama! Không có hành động tôn kính, cúi chào, v.v… quả thật hoàn toàn không đúng.”
Do không bị ô nhiễm bởi hai khuyết điểm là tự tán (atthukkaṃ sana) và hủy tán (paravambhana), lại có tâm thanh tịnh được rưới mát bởi nước đại bi (mahā-karunā) và với ý muốn đoạn trừ vô minh cho ông Bà-la-môn và để chỉ ra sự đúng đắn của Ngài, Đức Phật bèn đáp lại rằng: “Này ông Bà-la-môn! Trong hư không thế giới gồm có chư thiên, ma vương và Phạm thiên. Và trong thế giới chúng sanh gồm có Sa-môn, Bà-la-môn, vua quan và thường dân của nó, Như Lai không thấy có ai đáng được Như Lai tôn kính, đón tiếp hay mời ngồi. Nếu Như Lai chỉ tình cờ cúi chào hay đón tiếp hay mời ngồi một ai đó thì khi ấy cái đầu của người ấy sẽ vỡ ra và rơi xuống đất.”
Dù Đức Phật trả lời như vậy, nhưng ông Bà-la-môn Verañjā do thiếu trí nên không hiểu rõ lời của Đức Phật, Bậc vĩ đại nhất thế gian. Thay vào đó, ông ta tỏ ra tức giận khi nghe những lời nói của Đức Phật, vì vậy ông cáo buộc rằng:
(1) “Samôn Gotama là con người có tánh cách bất nhã”
Để làm nguôi dịu tâm nóng nảy của ông Bà-la-môn, Đức Phật không trực tiếp phản bác lời buộc tội của ông ta, mà để cho thấy rằng việc gọi Ngài là ‘con người bất nhã’ là có lý do nên Ngài đáp lại rằng: “Này ông Bà-la-môn! Quả là có lý do để người ta nói Như Lai là ‘Sa-môn Gotama là người có tánh cách bất nhã.” Lý do là như thế này, này ông Bà-la-môn! Khoái lạc trong các sắc, khoái lạc trong các âm thanh, khoái lạc trong các hương, khoái lạc trong các vị, khoái lạc trong các xúc. Tất cả những khoái lạc này Như Lai đã từ bỏ rồi. Này ông Bà-la-môn vì lý do này mà người ta nói về Như Lai nếu họ muốn như vầy ‘Sa-môn Gotama là người có tánh bất nhã,’ nhưng chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông muốn nói đến.”
(Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn muốn nói là sự cúi mình chào đón, sự chắp tay và đảnh lễ trong thế gian gọi là sāmaggī-rasa (cách tạo ra sự hòa hợp giữa người này với người kia). Sāmaggī-rasa hoàn toàn vắng mặt trong người của Đức Gotama. Đó là lý do khiến ông Bà-la-môn chỉ trích Đức Phật khi nói rằng: ” Đức Gotama là người có tánh cách vô vị, tức là Ngài không có tánh cách hòa hợp (sāmaggī- rasa).
Nói cách khác, Đức Phật có ý nói rằng khoái lạc trong các sắc, khoái lạc trong các âm thanh, khoái lạc trong các hương, khoái lạc trong các vị, khoái lạc trong các xúc, mỗi loại khoái lạc như vậy được gọi là sāmaggī-rasa, vì mỗi loại khoái lạc chỉ tồn tại khi nào các yếu tố căn, cảnh, tâm, v.v… kết hợp với nhau một cách hòa hợp. Vì tất cả vị hòa hợp này đã bị Ngài đoạn tận. Ngài đã thoát khỏi năm loại hòa hợp này. Với ý nghĩ trong tâm người ta có thể gán cho Ngài là ‘con người có tánh cách bất nhã’ nếu họ muốn như vậy, nhưng Ngài tuyên bố rằng: “Chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông Bà-la-môn nhắm đến.”
Về vấn đề này, tại sao Đức Phật quả quyết rằng “Chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông Bà-la-môn nhắm đến.” Phải chăng điều này chung quy không thừa nhận giả thuyết rằng: “Đức Phật nên thọ trì vị hòa hợp (sāmaggī-rasa như: cúi chào, đón tiếp, mời ngồi, v.v…). Theo như điều mà ông Bà-la-môn nhắm đến câu hỏi như vậy có thể sanh lên. Câu trả lời là : Không.
Giải thích: Người nên thọ trì sāmaggī-rasa mà không thọ trì sự cúi chào, đón tiếp, mời người, v.v… như ông Bà-la-môn nhắm đến thì đáng bị gọi là ‘người không có tánh tốt’, vì người ấy không thể hiện sāmaggī-rasa dù người ấy có bổn phận làm như vậy. Còn đối với Đức Phật, Ngài không có gì phải làm về sāmaggī-rasa như ý ông Bà-la- môn nhắm đến (vì Ngài là bậc Vĩ đại nhất trong Tam giới). Cho nên, để chỉ rõ sự kiện rằng Ngài đã vượt lên trên sự thọ trì như vậy. Đức Phật tuyên bố rằng: “Chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông nhắm đến.”
Vì không thể gán lời chê trách Đức Phật như vậy về việc Ngài không có sāmaggī-rasa mà Bà-la-môn nhắm đến và muốn tạo ra một lời chỉ trích khác bèn nói rằng:
(2) ” Sa-môn Gotama là người vô dụng”
Để cho thấy rằng có một lý do khác để gọi Ngài như vậy, Đức Phật bèn nói rằng:
“Này ông Bà-la-môn! Quả thật có lý do để nói về Như Lai là ‘Sa-môn Gotama vô dụng.’” Lý do là như thế này, này ông Bà- la-môn! Sự thọ dụng các sắc (paribhoga), sự thọ dụng các âm thanh, sự thọ dụng mùi hương, sự thọ dụng vị, sự thọ dụng các xúc với tâm tham ái. Tất cả những sự thọ dụng này Như Lai đã từ bỏ. Này ông Bà-la-môn! Vì lý do này (sự vắng mặt của paribhoga – sự thọ dụng năm cảnh dục với tâm tham ái), cứ để người ta nói về Như Lai nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người vô dụng’. Nhưng Chư Phật tuyệt đối không có lý do mà ông ám chỉ đến.”
Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn ám chỉ đến là sự cúi mình và những hành động tôn kính khác được hiện đến những bậc trưởng thượng được thế gian công nhận là sāmaggī-paribhoga, sự thọ dụng vì sự hòa hợp vì Đức Phật không có sự thọ dụng như vậy nên Ngài bị chỉ trích là ‘người vô dụng’.
Theo Đức Phật, Ngài đã đoạn trừ sự thọ dụng năm loại cảnh dục đó là sắc, thinh, hương, vị và xúc với tâm tham ái. Và như vậy Ngài đã thoát khỏi sự thọ dụng như vậy. Do đó, Ngài xác nhận rằng, với ý nghĩ này trong tâm người ta có thể nói về Ngài là ‘người vô dụng’
Lần thứ hai, Bà-la-môn cũng không thể chỉ trích Đức Phật theo cách như thế này, ông muốn gán một lời buộc tội khác, bèn nói rằng:
(3) “Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết phi tác nghiệp”
Cũng như trước, để cho thấy rằng một lý khác để gọi Ngài là như vậy, Đức Phật nói:
“Này ông Bà-la-môn! Có lý do để nói về Như Lai rằng: “Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết phi tác nghiệp.” Lý do là như thế này, này ông Bà-la-môn! Như Lai tuyên bố rằng: “Ba thân ác nghiệp, bốn khẩu ác nghiệp, ba ý ác nghiệp và tất cả những bất thiện nghiệp khác đều không nên làm. Vì lý do này, về lời tuyên bố của Như Lai rằng không nên làm những ác nghiệp, là niềm tin trong thuyết phi tác nghiệp. Cứ để người ta nói về Như Lai nếu người ta muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết phi tác nghiệp.’ Nhưng chư Phật không có loại lý do ông ám chỉ đến.
Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn muốn nói là ‘Tất cả mọi trong thế gian đều thực hành hạnh gia tộc (kulacāritta) như là cúi chào trước các vị trưởng thượng, v.v… vì Đức Phật không thực hành điều như thế nên Ngài bị chỉ trích là ‘người tin vào thuyết phi tác nghiệp.’
Tuy nhiên, Đức Phật đã ám chỉ rằng Ngài thuyết giảng những ác nghiệp thì không nên làm, và vì thế có thể được xem là ‘vô tác luận.’
Vì cũng không thể chê trách Đức Phật như vậy, Bà-la-môn lại đưa ra một lời buộc tội khác, bèn nói rằng:
(4) ” Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết Đoạn kiến”
Để làm nguôi dịu tâm của ông Bà-la-môn. Cũng như những trường hợp trước, Đức Phật muốn chỉ rõ rằng có một nguyên nhân khác để gọi Ngài như vậy, Ngài nói:
“Này ông Bà-la-môn! Có lý do để nói về Như Lai rằng ‘Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết đoạn kiến.’ Lý do là như thế này, này ông Bà-la-môn! Như Lai thuyết pháp đoạn diệt về tham (rāga), đoạn diệt sân (dosa), đoạn diệt si (moha) và đoạn diệt những ác nghiệp khác. Này ông Bà-la-môn vì lý do này (sự thuyết pháp về đoạn diệt tham, diệt sân, diệt si và những ác nghiệp khác vốn là đoạn kiến) người ta có thể nói về Như Lai nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết
Đoạn kiến.’ Còn lý do mà ông nói đến thì chư Phật hoàn toàn không có.”
(Ở đây, ông Bà-la-môn vì thấy Đức Phật không có pháp tôn kính như cúi đầu chào, mời ngồi, v.v… đến những người già cả nên ông ta nghĩ rằng ‘truyền thống bày tỏ sự tôn kính trong thế gian đã bị đoạn diệt do bởi Sa-môn Gotama’ và ông chỉ danh Ngài là ‘người theo thuyết Đoạn kiến.’)
Tuy nhiên, Đức Phật dạy mọi người đoạn diệt tham, sân, si và những ác nghiệp ác bằng những loại đạo Tuệ riêng của họ. Do đó, Ngài công nhận rằng với ý nghĩ ấy trong tâm người ta có thể gọi Ngài là ‘người theo thuyết Đoạn kiến.’
Vì không thể buộc tội Đức Phật theo cách như vậy, ông Bà-la- môn lại đưa ra một lời buộc tội khác và nói rằng:
(6) “Sa-môn Gotama là người có tánh hay ghê tởm”
Cũng như trước, để chỉ rõ rằng có một lý do khác để gọi Ngài như vậy, Đức Phật nói:
“Này ông Bà-la-môn! Quả thật là có duyên cớ để nói về Như Lai là ‘Sa-môn Gotama là người có tánh hay ghê tởm’. Lý do là như thế này: “Này ông Bà-la-môn! Như Lai ghê tởm về ba thân ác nghiệp, bốn khẩu ác nghiệp, ba ý ác nghiệp và những ác nghiệp khác. Này ông Bà-la-môn! Vì lý do này (sự ghê tởm các ác nghiệp) mà người ta có thể nói về Như Lai. Nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người có tánh hay ghê tởm.’ Nhưng chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông muốn nói đến.”
Ở đây, ông Bà-la-môn nghĩ rằng Đức Phật không thực hành hạnh gia tộc (kula-cāritta), như cúi chào trước các bậc trưởng thượng (vuddhapacāyana), v.v… chỉ vì Ngài ghê tởm họ cho nên ông Bà-la- môn đã gán cho Ngài là ‘người có tánh hay ghê tởm’.
Tuy nhiên, Đức Phật có ý nói rằng Ngài ghê tởm các ác nghiệp và do đó công nhận rằng với ý nghĩ trong tâm người ta có thể nói về Ngài là ‘người có tánh hay ghê tởm’.
Vì không thể cáo buộc được Đức Phật như vậy, ông Bà-la-môn lại đưa ra một lời cáo buộc khác, bèn nói:
(7) “Sa-môn Gotama là kẻ hủy diệt”
Cũng như trước, để chỉ rõ rằng cũng có một lý do khác để nói Ngài như vậy. Đức Phật nói:
“Này ông Bà-la-môn! Có lý do để nói về Như Lai rằng ‘Sa-môn Gotama là kẻ hủy diệt’. Lý do là như thế này, này ông Bà-la- môn! Sự thuyết giảng pháp hủy diệt tham, hủy diệt sân, hủy diệt si và những điều ác khác. Này ông Bà-la-môn vì lý do này, cứ để người ta nói về Như Lai nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là kẻ hủy diệt’. Nhưng chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông ám chỉ đến.”
Ở đây, ông Bà-la-môn vì không thấy ở Đức Phật có hành động tôn kính đến những người già cả nên ông ta nghĩ rằng Đức Phật là người đại hủy diệt pháp hành to lớn nhất này và sự tôn kính những người lớn tuổi (vuddhapacāyana) và gán cho Ngài là ‘kẻ hủy diệt’.
Tuy nhiên, Đức Phật dạy hàng đệ tử diệt tham, diệt sân, diệt si và các pháp bất thiện khác. Ngài công nhận rằng với ý nghĩ như vậy trong tâm người ta có thể gọi Ngài là ‘người hủy diệt’.
Vì không thể cáo buộc Đức Phật theo cách như vậy, ông Bà-la- môn lại đưa ra một lời cáo buộc khác, ông nói:
(8) “Sa-môn Gotama là người khổ hạnh”
Cũng như trước, để cho thấy rằng để có một lý do khác để gọi Ngài như vậy, Đức Phật nói:
“Này ông Bà-la-môn! Có lý do để nói về Như Lai rằng ‘Sa-môn Gotama là người khổ hạnh (tapassi), người đoạn diệt các pháp khổ hạnh. Lý do là như thế này, này ông Bà-la-môn! Như Lai tuyên bố rằng: ba thân ác nghiệp, bốn khẩu ác nghiệp, ba ý ác nghiệp và tất cả những bất thiện pháp khác là những pháp đau khổ (tapaniya dhamma – những pháp gây sầu khổ cho tất cả nhân loại và những loài chúng sanh khác). Này ông Bà-la-môn! Như Lai tuyên bố rằng người đoạn diệt những ác nghiệp ấy là người khổ hạnh đối với các pháp đau khổ. Này ông Bà-la-môn! Như Lai, bậc Thiện thệ, giống như chư Phật quá khứ đoạn diệt tất cả những ác nghiệp ấy. Này ông Bà-la-môn! Vì lý do này (về sự diệt trừ tất cả các pháp gây đau khổ được gọi là tapa), cứ để người ta nói về Như Lai như vậy nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người khổ hạnh.’ Nhưng chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông muốn ám chỉ đến.”
Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn muốn nói là như thế này: những người biểu lộ hành động tôn kính như cúi chào, mời ngồi, v.v… đối với những người già cả, trưởng thượng. Những người không biểu lộ hành động tôn kính như vậy là làm khổ tâm những người già cả, trưởng thượng. Đức Phật không làm điều ấy. Do đó, ông Bà-la-môn cho rằng Sa-môn Gotama là người làm khổ đối với những người già cả, trưởng thượng.
Tuy nhiên, Đức Phật gọi những điều ác là những yếu tố gây đau khổ (tapa-dhamma). Vì chúng thường làm khổ thế giới hữu tình. Sự đoạn trừ những điều ác đã được làm xong đối với Ngài. Người đã đoạn trừ những điều ác là bậc Tapassi. Bởi vậy, có định nghĩa rằng : “Tape assī ti tapassī. ” Cho nên Ngài tán đồng với danh hiệu được gán cho Ngài rằng ‘Sa-môn Gotama là người đoạn trừ những kẻ làm khổ mình, hay nói đúng hơn là ‘kẻ hành hạ tất cả những điều ác được gọi Tapa.’
Vì không thể đưa ra lời chỉ trích Đức Phật như vậy, ông Bà-la- môn đưa ra một lời chỉ trích khác, ông ta nói :
(9) “Sa-môn Gotama hầu như không thể sanh về thiên giới”
Vì Đức Phật đã đoạn trừ bốn hình thức tái sanh trong tương lai, Ngài muốn cho thấy một cách khác rằng Ngài đã thoát khỏi sự tái sanh (apagabbha). Ngài nói:
“Quả thật có lý do để nói về Như Lai rằng ‘Sa-môn Gotama hầu như không thể sanh về cõi chư thiên.” Lý do là, này ông Bà-la- môn! Như Lai tuyên bố rằng Như Lai, bậc A-la-hán đã viễn ly bốn điều kiện tái sanh trong tương lai là bậc apagabbha, người đã vượt qua sự tái sanh. Này ông Bà-la-môn! Như Lai, bậc Thiện Thệ như chư Phật quá khứ đã đoạn tận bốn cách tái sanh. Này ông Bà-la-môn! Vì lý do này ( lý do đoạn tận bốn hình thức tái sanh trong tương lai), nên người ta có thể nói về Như Lai nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama hầu như không thể tái sanh về cõi Chư thiên.’ Nhưng chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông muốn ám chỉ đến.”
Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn muốn nói là như thế này ‘sự kính lễ đến những người lớn tuổi như chào, đón tiếp, mời ngồi, v.v… là việc phước dẫn đến tái sanh trong cõi chư thiên. Do tin tưởng như vậy, ông ta gán cho Đức Phật là người ‘hầu như không thể tái sanh vào cõi chư thiên,’ vì ông ta thấy Ngài không có những hành động tôn kính. Nghĩa là Đức Phật không có cơ hội đạt đến cõi chư thiên, thay vào đó Ngài phải trú trong bào thai nhờm gớm của người mẹ trong tương lai.
Tuy nhiên, Đức Phật muốn nói rằng Ngài không còn sự tái sanh nào cả cho nên tán đồng với danh hiệu được gán cho Ngài là ‘người hầu như không thể tái sanh vào cõi chư thiên’.
Dầu ông gán cho Đức Phật tám lời buộc tội như ‘người có tánh bất nhã,’ v.v… từ lúc bắt đầu gặp gỡ Đức Phật. Tuy nhiên, Đức Phật với tâm bi mẫn đã nhìn ông ta với ánh mắt thanh tịnh giống như trăng rằm nổi lên giữa bầu trời trong xanh không có đám mây đen, như mặt trời chiếu sáng trên cao giữa mùa thu. Cũng vậy, Đức Phật, bậc Chánh đẳng giác vì muốn đoạn diệt bóng tối vô minh trong tâm ông Bà-la- môn nên Ngài biến những lời buộc tội của ông Bà-la-môn thành những lời tôn vinh của ông ta.
Bấy giờ chư Phật cho thấy sự vi diệu của tâm đại bi, tâm bất động như đại địa trước tám pháp thế gian và tâm yên lặng không nhiễu loạn dù nhiều người lăng mạ Ngài. Ngài suy xét: “Này ông Bà-la- môn! Tin tưởng một cách khinh xuất rằng ông ta là bậc trưởng thượng (trước một vị Phật) chỉ vì những tướng của thế tục trên người của ông ta như: tóc bạc, răng rụng, da nhăn, v.v… Ông ta chẳng biết chút gì rằng ông ta gần kề với sự tái sanh, đang bị hành hạ bởi cái khổ của tuổi già, sức yếu, bị đe dọa bởi cái chết, cũng không biết rằng ông ta sẽ chết ngay hôm nay và trở thành một đứa bé trong ngày mai. Tuy nhiên, ông ta đã đến với Như Lai bằng sự cố gắng to lớn. Mong rằng chuyến viếng thăm của Như Lai đến ông là một chuyến viếng thăm có nhiều lợi ích.”
Để làm sáng tỏ điều này, rằng Ngài là Bậc Vô song tối thượng trong chúng sanh. Đức Phật đã thuyết pháp một cách chi tiết như sau: “Này ông Bà-la-môn! Giả sử có một con gà mái có tám trứng, mười trứng hay mười hai trứng. Con gà mái ấy có ba công việc để làm là ấp trứng, truyền hơi nóng cho trứng và tỏa mùi của nó trên trứng (trong tất cả con gà được nằm trong trứng được chăm sóc như vậy), con đầu tiên chui ra khá dễ dàng sau khi làm bung vỏ trứng mỏng bằng cái mỏ của nó. Vậy ông sẽ gọi nó là con lớn hay con nhỏ?” Ông Bà-la-môn đáp: “Thưa Sa-môn Gotama! Nó nên được gọi là con lớn. Trong tất cả những con gà con, con chui ra đầu tiên là con gà lớn nhất vì nó xuất hiện trước nhất.”
Khi ấy Đức Phật dạy: “Này ông Bà-la-môn! Cũng vậy, tất cả chúng sanh nằm trong cái vỏ của vô minh, bị che kín bởi lớp vỏ vô minh. Một mình Như Lai trong khắp thế gian này đã giác ngộ đầu tiên Đạo Tuệ A-la-hán, Chánh đẳng giác Vô thượng vô song sau khi phá vỡ lớp vô minh. Này ông Bà-la-môn! Như vậy, Như Lai là bậc Tối thượng Vô song trong thế giới chúng sanh này.”
Ở đây, để giải thích về ví dụ so sánh như sau liên quan đến phần upamāna, phần thứ hai của sự so sánh là những con gà con, những cái trứng không bị thối vì gà mẹ đã chăm sóc bằng ba cách đó là ấp trứng, truyền hơi nóng và truyền mùi của nó cho chúng. Những lớp màng mỏng bên ngoài khi ấy sẽ khô ráo, vỏ trứng mỗi ngày một mỏng hơn, móng và mỏ của những con gà con ngày càng trở nên lớn và cứng hơn, và gà con trong trứng cũng mạnh hơn. Từ đó, vỏ trứng cứ mỏng dần theo thời gian, ánh sáng bên ngoài cái vỏ đi vào bên trong trứng. Rồi những con gà con suy nghĩ ‘Ta đã bị giam cầm trong cái vỏ này thật là lâu. Ánh sáng xuất hiện bên ngoài, chúng ta sẽ sống thoải mái bên ngoài có ánh sáng.’ Do ước muốn thoát ra ngoài, chúng dùng chân tống cái vỏ, cố gắng vươn cái cổ lên. Do đó, vỏ trứng bị vỡ thành hai mảnh. Khi ấy những con gà con thoát ra ngoài cái vỏ, nhúc nhích đôi cánh và kêu chíp chíp. Trong những chú gà con này, con gà ra khỏi đầu tiên nên được gọi là con gà con lớn nhất.
Liên quan đến upameyya, nhân vật đầu tiên của sự so sánh là Đức Phật. Ba hình thức chăm sóc của gà mẹ là ấp, truyền hơi nóng và truyền mùi của nó có thể ví như ba hành động Minh sát (anupassanā) của Đức Phật là quán sát vô thường (annica), khổ (dukkha), và vô ngã (anatta) dưới cội cây Bồ đề khi vẫn còn là vị Bồ tát trong kiếp chót. Những cái trứng không bị thối nhờ ba hình thức chăm sóc của gà mẹ có thể được ví như ba Tuệ quán (vipassanā-ñāṇa) không suy giảm của Bồ tát do bởi ba phép quán của Ngài. Sự làm khô màng mỏng bên ngoài do bởi ba công việc chăm sóc của gà mẹ có thể ví như sự diệt tận ái dục của Bồ tát (nikanta-taṇhā) đối với ba hữu lậu do bởi ba phép quán của Ngài. Những vỏ trứng mỗi ngày một mỏng dần do hành động chăm sóc của gà mẹ có thể ví như mỏng dần lớp vỏ vô minh do bởi ba pháp quán của Bồ tát. Sự lớn dần mà cứng dần của cái mỏ và móng chân nơi những con gà con do bởi ba hình thức chăm sóc của gà mẹ có thể ví như Tuệ quán của Bồ tát đang ngày trở nên sắc bén, kiến cố và sáng tỏ hơn do nhờ ba pháp quán của Ngài. Thời gian trưởng thành của những cái móng và mỏ của con gà con do bởi hành động chăm sóc của gà mẹ có thể ví như thời gian chín muồi, thời gian phát triển và thời gian hoàn hảo Tuệ Quán của Bồ tát do nhờ ba pháp quán của Ngài. Giây phút hạnh phúc của con gà con được vỗ cánh sau khi phá được cái vỏ nhờ những cái móng và cái mỏ nhờ ba hành động chăm sóc của gà mẹ có thể ví như giây phút Bồ tát giác ngộ những ân đức của một vị Phật một cách dễ dàng sau chứng đắc Tuệ quán và phá vỡ cái vỏ vô minh bằng Đạo Tuệ A-la-hán và vươn mình vỗ đôi cánh của các pháp thần thông. Tất cả những điều này do ba pháp quán của Ngài.
Do đó, để tiếp tục cho thấy rằng “Bằng phương tiện thực tiễn này cho thấy rằng Như Lai đã đạt đến địa vị tối thượng vô song.” Đức Phật kể lại chi tiết cách Ngài chuyên tâm trong pháp hành thiền qua bốn pháp tinh tấn dưới cội cây Bồ Đề (Mahābodhi mandala), cách Ngài chứng đắc các tầng thiền hiệp thế, cách Ngài chứng đắc Túc mạng thông (pubbenivāsañāṇa) vào canh đầu (đêm rằm tháng Vesakha năm 103 Māha Era). Cách Ngài trở thành bậc Thánh sanh đầu tiên (ariya-jāti) sau khi phá lớp vỏ vô minh mà đã bao trùm trong vô số kiếp quá khứ của Ngài. Cách Ngài chứng đắc Thiên nhãn thông (dibba-cakkhu) vào canh giữa của đêm ấy sau khi phá tan lớp vỏ vô minh che chắn những kiếp tái sanh của Ngài sau khi chết (cuti- paṭisandhi). Cách Ngài chứng đắc A-la-hán Đạo Tuệ (Trí giác ngộ lần thứ ba) gọi là asavakkhaya vào canh cuối sau khi phá tan lớp vô minh che kín bốn chân lý vi diệu.