Nội Dung Chính
Buổi 6: Thiền Sư Khánh Hỷ Hướng Dẫn Thiền Tha Thứ, Giảng Về Ngũ Giới, Thập Thiện Nghiệp & Pháp Hành
Thiền tha thứ:
Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)
Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)
Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)
Thiền Tâm Từ:
Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho những người cùng chỗ làm với con, con hay gặp gỡ, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho tất cả thiền sinh, tất cả Phật tử, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)
Thiền Minh Sát
Hãy chú tâm vào sự phồng xẹp ở bụng, mục đích là thấy sự vật sinh diệt, vô thường, khổ, vô ngã. Nhớ chú ý đến chỗ đó, vô thường, khổ, vô ngã.
Chú ý đến hơi thở, hoặc ở bụng, hoặc bất kỳ chỗ nào trong cơ thể mà mình thấy rõ sự sinh diệt, nó đến và nó đi.
Các thiền sinh, các Phật tử khi thấy mình đi đến chùa, hoặc khi đọc lại các bài quy y. Thì các vị thấy mình có vẻ đọc ngắn hơn khi Sư đọc cho quý vị. Vì sao vậy? Bởi vì Sư muốn cho quý vị giữ nhiều giới hơn, và tu cho cao hơn.
Quý vị thấy khi mà mình giữ ngũ giới, tức là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu. Thì những người nào giữ 5 giới 1 thời gian, mình muốn tu cao hơn, tiến triển nhiều hơn thì mình giữ thập thiện. Những ngũ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu, nhưng khi mình giữ thêm thập thiện nữa, thì nó có 10 điều mình phải giữ, trong đó cũng có không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, đây là về thân; không nói dối, không nói lời đâm thọc chia rẽ, không nói lời nói dữ, chửi rủa mắng nhiếc, không nói lời vô ích, đây là về khẩu; và không tham, không sân, không tà kiến là về ý.
Có người hỏi sao không phải là không tham, không sân, không si mà là không tà kiến? Thì không si có vẻ sâu xa quá, mình nhớ là không đến tà kiến, có chánh kiến là được rồi.
Mình so sánh giữa ngũ giới và thập thiện, khi mình giữ thập thiện, mình thấy so với ngũ giới thì khác ở chỗ nào? Quý vị chú ý thấy trong thập thiện, không nói đến chỗ không uống rượu và các chất say. Như vậy mình có thể hỏi tại sao tôi giữ ngũ giới tôi không được uống rượu, các chất say, còn khi giữ thập thiện là cao hơn, mà sao không thấy nói đến uống rượu, các chất say, thì tôi có quyền uống rượu, các chất say hay sao? Bởi vì trong giới thứ 3, không tà hạnh, tức là không có những hạnh kiểm xấu, không tốt. Thì hạnh kiểm không tốt là mình còn tham sân si trong các hành động, lời nói, suy nghĩ, thì khi mình nói không tà hạnh là nó bao gồm thân trong sạch, khẩu trong sạch, ý trong sạch. Chữ không tà hạnh đã bao gồm cả thân khẩu ý ở trong. Khi mà uống rượu, dùng chất say hại cho thân, hại cho khẩu, hại cho ý nên phần không uống rượu và chất say đã nằm trong giới không tà hạnh.
Khi mình là người Phật tử, mình phải giữ giới cho trong sạch, ít nhất là ngũ giới. Khi mình giữ giới trong sạch, đi đâu mình cũng thấy bình thản. Giữ giới trong sạch có rất nhiều điều có lợi. Khi mình giữ giới, có hành thiền, thì nội giữ giới không đã mang lại cho mình nhiều điều tốt đẹp. Trong kinh nói rằng khi mình giữ giới, mình có nhiều điều tốt đẹp.
- Thứ nhất là ngủ được an vui.
- Thứ 2 là không gặp ác mộng, thường mình gặp ác mộng do giới không trong sạch, cái tâm bị quấy rầy, giống như mình làm điều gì sai trái tâm ăn năn hối hận ở trong, làm mình không được yên. Một người sau khi đi ăn trộm của người ta, tối về ngủ sao ngủ yên được. Mặc dù mình ăn trộm rất kín đáo nhưng ngủ không yên. Khi mình giữ giới mình nằm ngủ an lành, không gặp ác mộng, thức dậy cũng được an vui.
- Người giữ giới được mọi người thương mến, kể cả chư thiên, phi nhân thương mến, được chư thiên bảo vệ.
- Lửa, thuốc độc, vũ khí không làm hại được.
- Khi hành thiền dễ tập trung tâm ý.
- Mặt mày trong sáng, dễ thương.
- Trước khi chết không bị bối rối, không bị ăn năn hối hận.
- Sinh làm người, làm chư thiên. Có hành thiền từ ái dễ lên chư thiên.
Đức Phật nói ai làm điều ác không mang lại sự an lành cho người khác. Người giữ giới trong sạch gọi là bố thí cao thượng. Là bố thí sự không sợ hãi cho người khác. Ví dụ như mình đi đến nhà người nào, nếu mình giữ giới trong sạch, người ta đang nói chuyện với mình như vậy, họ có thể nghe điện thoại họ phải đi đâu 5 phút, thì nếu mình giữ giới trong sạch khi họ đang có việc ra ngoài, họ nói họ đi 5-10p rồi họ sẽ quay về tiếp tục nói chuyện. Mà nếu mình không giữ giới trong sạch, thì người đang nói chuyện với mình mà có việc phải đi, thì họ sẽ lo sợ họ không biết họ đi 5p, mình ở nhà có ăn cắp gì của họ không, hay là tính tình nó có xấu, nó gặp con cái trong nhà như vậy, nó nói chuyện này chuyện kia, nó dạy người trong nhà mình uống rượu, cờ bạc kìa. Nên khi mình giữ giới trong sạch, mình không mang lại sự sợ hãi cho người khác. Đó là bố thí vô úy.
Cho nên có nhiều sự bố thí. Bố thí tiền của, bố thí lời nói tốt đẹp, đem lại sự an lạc cho người khác, đem lại lợi ích cho người khác. Mà bố thí cao hơn là vô úy thí – là mình có phẩm hạnh trong sạch, mang lại sự an lành cho người khác. Bởi vậy những người Phật tử cố gắng giữ giới cho trong sạch.
Giữ giới trong sạch tâm định sẽ được tốt đẹp. Có 1 lần nọ có 1 vị Tỳ Kheo, vị đó sau khi học hỏi về cách hành thiền, vị đó tìm 1 nơi yên tịnh để hành thiền. Vị đó đi đến gần khu núi có 1 cái động yên tịnh, sau khi đi khất thực xong về ở trong động đó, ở trong đó hành thiền. Thường những vị Tỳ Kheo hành thiền có giới đức trong sạch, nhất là những người tu hành. Thì khi những vị đó ở trong đó tu hành thì Chư thiên không có dám vào, họ nhường chỗ cho những người có giới đức trong sạch ở trong đó hành thiền. Vị chư thiên thấy vị Sư này đi vào, lúc đầu rất hân hoan khi thấy vị này đi vào trong động của mình để hành thiền. Nhưng thấy vị này ở lâu quá, mình không có chỗ ở phải ở ngoài, về sau vị chư thiên tức giận muốn đuổi vị Tỳ Kheo này đi. Nhưng muốn đuổi vị này phải xem vị Tỳ Kheo có phạm giới gì không, vị này xem xét đủ hết, từng ly từng tí mà vị này rất trong sạch, ông không thể nào đuổi được, ông mới nghĩ ra 1 kế. Ông thấy vị Tỳ Kheo này thường đi khất thực qua 1 xóm, có 1 nhà hay mời vào nhà. Vì có nhiều thiện tín khi thấy ông Sư khất thực, nhiều người mời vào nhà, ngồi xuống đàng hoàng rồi họ mới dâng thực phẩm. Rồi cũng có tục nữa, khi ông Sư đi khất thực, khi đến nhà người nào đó, họ lấy nước ra rửa chân cho ông Sư, hay dội nước cho mấy Sư rửa chân, rồi họ mới dọn đồ ăn đồ uống cho các Sư. Thì 1 vị Sư khi gặp người khác mời ăn, thì họ cũng có thể ăn được. Nhưng phong tục hiện tại bên Miến cũng thấy có áp dụng, ông Sư đi khất thực, họ mang nước cho ông Sư rửa chân. Thì vị Chư thiên này ông nghĩ ra 1 cách để đuổi vị Sư ra khỏi động. Vị Chư thiên ông nhập vào 1 đứa con trai trong nhà ông Sư hay khất thực, đứa bé này la lối như khùng như điên, nói bậy nói bạ. Khi la lối như vậy, nó nói thêm lát nữa khi ông Sư ông đến đây, thì phải lấy nước ra cho ông rửa chân, ông rửa chân xong thì lấy chậu nước đó đổ lên đầu tôi cho tôi mát mẻ, tôi không còn điên khùng nữa. Người trong nhà nghe vậy mới lấy 1 thau nước để ông Sư tới khất thực để rửa chân (bình thường không có thau nước cho ông Sư rửa chân), thì khi ông Sư rửa chân xong họ lấy nước đó đổ lên đứa bé thì đứa bé không còn điên khùng nữa. Khi ông Sư trở về động ông ăn uống, vị Chư Thiên không cho ông đi vào, vị Chư Thiên nói ông không được vào trong này, bởi vì Sư là người không giữ giới trong sạch, ông hỏi tại sao ngươi nói tôi giữ giới không trong sạch, thì Chư thiên nói ông đã tà mạng, dùng bùa phép để chữa trị bệnh cho người khác. Vị Sư nói mình có dùng bùa phép, có trị bệnh cho ai không. Ông nghĩ lại, ông nói ồ ông này muốn đuổi mình đi, nhưng tìm không được nên ông lập kế đó để ghép mình không giữ giới trong sạch. Vị này lúc đầu khởi tâm giận, xong xét lại nói ồ mình giữ giới trong sạch, đến nỗi Chư thiên không thể tìm ra lỗi lầm của mình, nên mới tìm cách để đuổi mình đi mà không tìm ra lỗi để đuổi mình đi, lúc đó vị này phát sinh hỷ lạc, mình đã giữ giới trong sạch, vị này mới chú ý vào hỷ lạc đang phát sinh rồi theo dõi, cũng như khi quý vị đi hành thiền, khi nào hỷ lạc phát sinh, niềm vui khởi sinh thì mình nhìn vào tâm mình, mình thấy tâm nó an vui vậy đó, thì nó không phải phát sinh 1 lần đâu, nó sinh nó diệt, sinh diệt. Thì vị Sư đây chú ý vào tâm hỷ lạc thấy nó sinh diệt sinh diệt, ông đắc Tu Đà Hoàn đến Arahan luôn. Nên khi mình hành thiền tốt đẹp, thì khi mình thấy tâm mình không được phấn chấn, nhìn đề mục mù mờ thì mình có thể nghĩ đến điều gì làm phát sinh hỷ lạc cho mình, thì 1 trong những điều đó mình có thể nghĩ đến sự bố thí của mình, nghĩ đến sự giữ giới của mình, hoặc mình cũng có thể nhớ đến Ân Đức của Đức Phật, của Pháp, của Tăng, thì hỷ lạc của mình phát sinh, thì chú ý vào hỷ lạc phát sinh như vậy, thấy được sự sinh diệt mình sẽ giác ngộ. Nên khi hành thiền, mình chú ý đến vật chất và chú ý đến tâm. Chỉ 2 cái này thôi, để thấy nó là vô thường, khổ, vô ngã. Có người giác ngộ vì thấy vô thường, có người là thấy khổ, có người thấy vô ngã. Mình giác ngộ Đạo Quả thì thấy 3 cái đó. Có người 1 lần họ thấy cả vô thường, khổ, vô ngã luôn. Quý vị hành thiền, quý vị chú tâm vào bụng hay mũi, chú tâm vào tất cả những gì trong cơ thể mình, khi nó xuất hiện thì chú tâm vào làm đề mục hết, nhưng lúc đầu chú tâm vào bụng, mũi 1 thời gian đi, rồi sau tất cả đề mục gì đến mình đều chú ý vào được hết. Ngay khi họ nói xấu mình, mình nghĩ lại ồ mình không có làm điều xấu, mình giữ giới nên mình trong sạch, tâm mình hỷ lạc phát sinh, mình cũng có thể dựa vào đó để giác ngộ. Cũng như 1 vị Sư, trước đó ông là người đàn ông rất giàu có, ông có 1 người em, lúc đó 2 anh em sống với nhau rất hạnh phúc. Về sau người em có vợ, khi đó người anh ở riêng ra. Ông anh buôn bán rất giàu có, về sau ông anh gặp Đức Phật, ông xuất gia theo Phật, tất cả tài sản ông cho người em hết. Khi ông cho người em, người em lúc đầu là người bình thường thôi, giờ giàu có quá, vợ người em mới nổi tâm tham, sợ người anh chồng hoàn tục lại thì số gia tài này mình phải trả lại. Nên bà lo lắng ông cứ đi tu đừng hoàn tục, nhưng vẫn lo lắng ông sẽ hoàn tục, nên bà nghĩ nếu ông không hoàn tục mình sẽ được giữ tài sản, ông hoàn tục thì mất tài sản, còn nếu ông chết đi chắc chắn mình giữ được tài sản. Khi tâm tham nổi lên, bà thuê người khác đến giết vị Sư này. Khi đó, ông Sư đang ngồi thiền vậy có mấy tên trộm đến, ông Sư hỏi tụi bây tới đây làm gì, nếu có thì Sư sẽ giúp, mấy tên kia nói tôi đến giết ông, Sư hỏi sao giết ta, mấy tên kia nói có người thuê giết ông, Sư hỏi giết ta làm gì, muốn lấy gì thì lấy đi chứ ta mới tu chưa có gì cả, mấy người này nói thật rằng có người thuê họ giết ông Sư. Ông Sư mới nói muốn giết ta thì đợi ta thêm mấy ngày nữa, ta mới tu chưa được gì hết mà giờ giết ta thì ta chưa được gì, uổng lắm, đợi ta thêm 7 ngày nữa đi, để ta lo tu. Mấy người này sợ ông này trốn, nên không chịu, ông Sư nói vậy để ta đến sáng mai đi, rồi mai giết, mấy người này sợ ông Sư trốn nên không chịu. Ông Sư mới lấy cục đá lớn đập vào chân mình làm gãy chân, ông nói ta gãy chân rồi, không chạy trốn được đâu. Mấy người này thấy mới gãy 1 chân, vẫn có thể trốn được, ông Sư đập cho gãy chân kia luôn, lúc này mấy người kia mới đồng ý để đến sáng mai. Khi đó vị Sư này thấy đau quá, không hành thiền được, vị này mới nhớ lại là khi hành thiền mình có thể lấy mọi đề mục trong cơ thể, vị này mới chú ý vào sự đau, thì chỉ thấy sự sinh diệt của cái đau thôi, chứ không thấy cái đau nữa (nên khi quý vị hành thiền, chú ý vào sự sinh diệt của đối tượng, sự thay đổi của đối tượng, chứ không chú ý vào đối tượng, kể cả cái đau), với giới hạnh trong sạch, vị đó đắc quả.
Thì mình phải luôn luôn hành thiền, luôn luôn tinh tấn, điều gì trở ngại đến thì mình đều lấy để hành thiền. Như khi bị nói xấu, mình tức giận lên, mình nhìn vào tâm tức giận, nhìn vào sự sinh diệt của tâm tức giận, nhiều khi mình sẽ giác ngộ. Nên khi hành Thiền Minh Sát, tất cả những gì trên thế gian đến với mình, mình đều có thể lợi dụng nó để đắc Đạo Quả.
Thành ra, Sư nhắc lại, nhiều vị Sư nói phiền não tức Bồ Đề. Nhưng nói vậy khó hiểu, Sư nói lại, lợi dụng phiền não để phát sinh Bồ Đề. Phiền não có thể về thân, hoặc về tâm, mình dựa vào sự sinh diệt của nó, chú ý đến sự sinh diệt của nó mình có thể giác ngộ.
Bây giờ các vị đã hành thiền được mấy ngày rồi, vị nào muốn trình Pháp thì hãy trình pháp.
Trình pháp:
Câu hỏi 1: Thưa Sư, đề mục thiền của con là quan sát hơi thở. Trong lúc ngồi thiền đôi khi con phân vân không biết mình có đang hành thiền theo phương pháp samatha hay vipassana không nữa. Ý con là đôi khi con tập trung quan sát 1 điểm ở cửa mũi, nhưng đôi khi con lại quan sát hơi thở vào ra, dài hay ngắn. Mong Sư giải đáp giúp con ạ?
Trả lời: Khi mình chú ý vào hơi thở, dễ nhầm qua hành Thiền Chỉ. Nhưng bây giờ mình chú ý vào hơi thở, thì khi nào là Thiền Chỉ, khi nào là hành Thiền Minh Sát? Thì trong kinh Đại Niệm Xứ có ghi rõ, chú tâm vào hơi thở là thuộc về Thiền Chỉ, nhưng Ngài Mahasi giải thích, mình chú ý vào hơi thở, nhưng mình cũng có thể chú ý để hành Thiền Minh Sát được. Thay vì chú ý vào hơi thở của thiền định, thì mình chỉ biết nó cọ vào lỗ mũi, biết chuyện đó thôi, biết nó ra vào tổng quát vậy thôi, chứ không cần biết nó cọ mũi nữa, chỉ thấy nó ra nó vào, khi mình chú ý 1 thứ như vậy thôi, tâm mình sẽ định. Nếu chú ý như vậy thì nó là thiền định. Còn đây mình chú ý vào hơi thở, mình chú ý vào đất nước gió lửa thì nó biến thành Thiền Minh Sát. Ví dụ như mình chú ý vào hơi thở, mình thấy nó thở ra thở vô, mình chú ý vào hơi thở ra vô cọ vào mũi nó cứng nó mềm, thấy nó nóng lạnh, thấy sự chuyển động của nó, dính hút của nó, là mình đang Thiền Minh Sát. Vì nóng lạnh, cứng mềm, sự chuyển động, dính hút nó mới đến đi đến đi, còn mình chú ý ra vào không thôi mình không thấy được sự sinh diệt của nó, không thấy được vô thường. Nên ai chú ý ở mũi hãy chú ý đến điều đó, nên ai chú ý hơi thở ở mũi thì khó. Bởi vậy mình lựa chỗ nào dễ nhất để thấy sinh diệt, nên mình chú ý ở bụng, mà chỉ thấy phồng xẹp phồng xẹp, thì cũng thành thiền chỉ đấy, nên mình phải chú ý vào đất, nước, gió, lửa ở trong bụng. Nó có thể lẫn lộn, nhưng mình chăm chú vào, 1 thời gian sau sẽ thành Thiền Minh Sát thôi.
Câu hỏi 2: Thưa Sư, con nhận thấy khi con phát tâm hành thiền miên mật thì nỗi sợ về những điều vô hình khởi sinh nhiều hơn, thường xuyên hơn. Mong Sư chỉ cho con cách chuyển hóa nỗi sợ ạ, con cảm ơn Sư.
Trả lời: Khi mình hành thiền, mình luôn luôn chú tâm đến thân tâm mình, nên mình mới thấy rõ điều đó. Còn khi mình không hành thiền, mình không thấy rõ điều đó, chứ không phải do hành thiền nên phát sinh ra những chuyện đó đâu. Nên càng hành thiền mình càng thấy rõ, nhớ vậy đó. Ví dụ như có nhiều người không hành thiền, mình đâu thấy mình phóng tâm, đâu thấy mình làm những điều tội lỗi đâu. Rồi khi mình hành thiền, mình chăm chú mình mới thấy mình hay phóng tâm vậy, rồi sao mình hay nghĩ điều này điều kia lung tung vậy. Vì hiện tại mình chăm chú thiền mình mới thấy, còn bữa trước mình không hành thiền không chú ý nên mình không biết. Nên khi hành thiền, nhiều điều ngày xưa mình không thấy giờ mình thấy, hoặc ngày xưa cái đau nhẹ nhẹ thôi, giờ hành thiền mình thấy cái đau rõ ràng hơn, nên mình sẽ thấy đau nhiều hơn, chứ không phải do mình hành thiền đâu, rồi mình hành thiền nên mình thấy tâm mình phóng nhiều hơn. Cũng giống như khi mình chưa hành thiền, con mắt mình không tốt, thấy đồ vật không rõ, giờ hành thiền giống như mình đeo kính vào nên thấy rõ sự vật, chứ sự vật nó trước sau như vậy thôi, chứ không phải do mình đeo kính mà sự vật khác đâu.
Như vậy cứ tiếp tục tinh tấn hành thiền đúng phương pháp, kiên trì thì mình sẽ tiến triển.
Câu hỏi 3: Khi hằng ngày con thực hành chánh niệm trong mọi hoạt động, con quan sát trong 1 ngày có rất nhiều lúc con mất đi sự chánh niệm, những lúc mất đi chánh niệm con thấy tâm con rất nhiều phiền não, suy nghĩ. Con làm sao để chánh niệm liên tục tự nhiên được ạ?
Trả lời: Thường mới đầu hành thiền ai cũng vậy à, nhưng cứ cố gắng đi, cố chánh niệm trong mọi lúc, 1 ngày nào đó sẽ thấy rõ. Nhớ là khi tâm chánh niệm tốt đẹp, nó chỉ cần 1 sát na thôi đã giác ngộ rồi. Thành ra nhiều khi mình đi kinh hành, dở chân lên không thấy gì hết, bước cũng không thấy gì hết, mình ấn xuống mới thấy rõ cảm giác chân mình, thì cũng đừng lo, mình thấy 1 cái được rồi, nhưng cố gắng 1 cái chánh niệm các yếu tố cho đầy đủ, khi các yếu tố của bát chánh niệm đầy đủ trong khi mình chánh niệm chăm chú vào đề mục, thì mình sẽ giác ngộ. Nó có thể đến rất là nhanh, giống như Ngài Ananda, khi Ngài nằm nghiêng người để ngủ, trong khi nghiêng người xuống, ngài chăm chú chánh niệm vào đó Ngài giác ngộ. Nên những người hành thiền phải chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi đều phải quan sát hết, mình có thể giác ngộ trong 4 tư thế đó. Ngài Ananda đặc biệt là Ngài đang nghiêng người để nằm, thì Ngài đắc quả, đắc lèo 1 mạch luôn, lên tầng Thánh thứ 2, tầng Thánh thứ 3 và tầng Thánh Arahan.
Bây giờ cứ tiếp tục chánh niệm đi, đừng lo mình thiếu chánh niệm.
Câu hỏi 4: Thưa Sư, con hành thiền gần đây rất hay có hình ảnh của quá khứ hiện về, con không làm sao thoát ra, có những thứ nhỏ nhặt cũng hiện về, con không biết làm sao. Xin thầy chỉ dạy.
Trả lời: Tiếp tục hành thiền, khi hình ảnh hiện về thì mình nhắc mình, mình nói bây giờ tôi đang hành thiền, đang chăm chú vào đề mục, lát nữa mình sẽ nghĩ về chuyện đó.
Thường mình đang hành thiền nhiều suy nghĩ nổi lên lắm, nên mình hẹn nó, nói thôi khoan đã, để thiền xong ta sẽ nghĩ.
Còn khi bị quấy rối hoài, mình sợ lát quên thì lấy giấy ghi ra. Nhất là mấy người làm ăn, lo tính toán này kia đó, lấy giấy viết ra, còn không mình hẹn nó được rồi.
Cứ chăm chú vào đề mục. Dần dần sẽ quen. Nên hành thiền phải kiên trì. Có nhiều người chỉ hành thiền 1 thời gian ngắn họ đã thấy được giáo pháp, có nhiều người cần nhiều thời gian hơn, nên mình phải tinh tấn, quyết tâm, nhất định tôi sẽ đạt được. Không quyết tâm sẽ không làm được, quyết tâm là 1 Ba la mật, nên mình phải kiên nhẫn, kiên trì thực hành. Mình thực hành được mình thấy mình tiến bộ, thì mình sẽ kiên trì hơn.
Câu hỏi 5: Khi hành thiền, con tập trung vào giữa ấn đường chuyển động, và con tưởng tượng có con mắt giữa ấn đường, ánh sáng trắng rực rõ có được không ạ?
Trả lời: Cái đó đâu phải hành Thiền Minh Sát. Thiền Minh Sát là quán sát vào đề mục vật chất và tâm để thấy nó vô thường, khổ, vô ngã. Vị đó nhớ đừng bao giờ để tâm ở giữa ấn đường, vì chỗ đó có những dây thần kinh lạ lắm, nếu ai chú ý vào nó dễ nhức đầu. Bữa nào thử đi, mình lấy 1 tia điện, điện pin cũng được, mình để vào giữa ấn đường, nhắm mắt lại mình vẫn thấy ánh sáng chớp chớp trong đó, người mù cũng thấy được. Nên nhớ là không chú tâm vào ấn đường, chú tâm vào hơi thở hoặc bụng thôi. Chú tâm vào ấn đường dễ làm cho mình nhức đầu. Mình cứ thử để ngón trỏ đằng xa, mình nhìn vào móng tay ngón trỏ, rồi mình đưa dần vào, cố gắng chăm chú nhìn móng tay đó, thì khi đưa gần vào trán thì mình nhức đầu. Vì khi đó 2 con mắt dồn vào trong, dễ nhức đầu. Có nhiều người ngồi mà họ làm cho họ lé được đó, thì muốn vậy họ phải chú ý vào 1 điểm giữa nằm gần con mắt họ, thì thành lé. Do đó, khi hành thiền mình chú tâm vào ấn đường dễ nhức đầu, mà chú ý hoài như vậy dễ biến thành lé luôn.
Câu hỏi 6: Con ngồi thiền quan sát phồng xẹp được 1 lúc thì người con muốn ngả về phía sau, bên trái 2 chân run lắc, mồ hôi toát ra, lúc này con không quan sát phồng xẹp được nữa ạ. Xin Sư giải đáp giúp con.
Trả lời: Nhớ là cơ thể mình khó mà đứng yên, lúc nào cũng phải nhúc nhích, nó nhúc nhích để trị đau nhức, cơ thể mình lúc nào cũng phải chuyển động. Như quý vị ngồi yên vậy mỏi, nhưng đưa tới đưa lui thì không mỏi. Đến khi ngồi thiền quen rồi, khi mỏi cơ thể khiến mình phải chuyển động, chứ khó để ngồi yên lưng thẳng vậy đó. Nên khi ngồi 1 hồi, mình chánh niệm sẽ thấy lưng cong dần, do đầu mình nặng. Nên mình ngồi thẳng lưng cho đến khi quen. Khi mình hành thiền quen mình sẽ thấy có 2 cái tâm, 1 tâm giữ cho lưng thẳng, 1 tâm chú ý vào chuyển động phồng xẹp của bụng, mà khi nó chú ý vào phồng xẹp thì nó quên giữ cho lưng thẳng, thì cũng là bình thường. Mình ngồi 1 lát nó lắc thì mình đưa tâm nói không lắc, ngồi cho thẳng, nó lắc quá không chịu được thì mình kiếm chỗ nào dựa vào tường, vẫn không được thì đi kinh hành để đổi tư thế. Do đó, mình ngồi 1 giờ, đi 1 giờ, mà nhiều người 5-10p cơ thể chuyển động thì mới đầu mình nói mình cố gắng ngồi thẳng, không nhúc nhích, mà nếu vẫn bất an, khó chịu thì mình cũng có thể tập bằng cách ngồi ngay tượng Phật, mình nguyện khi nào tượng Phật nhúc nhích tôi mới nhúc nhích, thì lúc đầu rất khó chịu nhưng từ từ quen. Ai gặp trường hợp này cần cố gắng nhiều.
Còn khi mình ngồi thiền mà 1 lát thấy mình lắc lư qua lại mà mình thấy khỏe, thì đừng có lắc lư, cố gắng ngồi cho thẳng.
Câu hỏi 7: Khi con tọa thiền, nếu con chỉ quán sát hơi thở con dễ đạt được tĩnh lặng trong tâm trí. Nhưng hôm qua con tập theo dõi sự sinh diệt của hơi thở, lúc đầu con thấy mình theo dõi được hết chiều dài của hơi thở, nhưng sau đó con cảm giác bị nặng ngực, cảm giác như bị chấp vào sự phân tích sinh diệt của hơi thở quá nhiều, làm cho hơi thở không còn tự nhiên nữa. Con đã dừng lại và chỉ quán sát hơi thở tự nhiên, để có được sự tĩnh lặng. Mong thiền Sư chỉ cho con ạ.
Trả lời: Khi mà hành thiền, nếu mình thấy trong ngực tức ngực hay gì đó, thì mình chú ý vào sự tức ngực, xem nó tức như thế nào. Thường có thể do mình ngồi cúi chúc xuống, hay nghiêng sang bên trái, phải nên khiến mình như vậy. Thì mình cứ cố gắng ngồi thẳng rồi chăm chú vào. Nó đau thì mình thấy đau, mình nhớ khi hành thiền không được cố gắng ngồi thẳng quá, phải luôn thoải mãi. Đề mục nào mình nhìn vào thấy được sự sinh diệt tốt đẹp, không cản trở mình thì mình cứ chú ý vào chỗ đó, mỗi người có 1 chỗ khác. Khi mình nghiêng bên này 1 chút mình thấy khỏe, nghiêng bên kia 1 chút thì mình thấy khỏe, thì mình biết cơ thể mình có vấn đề chỗ đó rồi đó, thì mình cứ cố gắng ngồi thẳng, 1 thời gian sau vẫn ngồi thẳng không được, nghiêng nghiêng xíu mới khỏe thì mình cũng có thể dựa vào chỗ đó, chuyện chính của mình là làm sao thấy được đề mục.
Có nhiều người nhiều khi họ ngồi hành thiền, họ thấy mỏi mệt không chịu được, họ dựa lưng vào tường thì hành thiền tốt đẹp, thì cũng có thể dựa lưng vào tường. Nhưng dựa lưng thoải mái dễ buồn ngủ, nên ai dựa vào không buồn ngủ thì có thể dựa vào. Nhưng tư thế ngồi không dựa vào là tư thế mới tốt đẹp, còn mình dựa vào tường dễ buồn ngủ lắm. Thành ra khi hành thiền mình sẽ thấy được tư thế nào tốt đẹp. Cơ thể mình lạ lắm, nhiều khi mình ngồi nghiêng bên này chút thì thấy định tâm tốt đẹp, cũng nhiều người ngồi đèn sáng thì tốt, mà tắt đèn tối thì không tốt. Nhiều người thấy mình mặc bộ áo quần này thì thiền mới tốt, mặc bộ khác không tốt. Thì mình thấy gì thoải mái cho việc hành thiền thì mình làm.
(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)