Buổi 10: Ý Nghĩa & Lợi Ích Thiền Tha Thứ, Thiền Tâm Từ, Câu Chuyện Quán Sự Chết – Thiền Sư Khánh Hỷ

Buổi 10: Ý Nghĩa & Lợi Ích Thiền Tha Thứ, Thiền Tâm Từ, Câu Chuyện Quán Sự Chết – Thiền Sư Khánh Hỷ

Thiền tha thứ:

Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)

 

Thiền Tâm Từ:

Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người cùng chỗ làm với con, con hay gặp gỡ, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả thiền sinh, tất cả Phật tử, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Những người nào hay giận người này người kia, thì đọc câu “không có thiện cảm với con” nhiều lần hơn.

Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)

Thiền Minh Sát

Các Phật tử nhớ là khi thiền tha thứ, thiền từ ái là thiền chỉ, rồi mới qua thiền Minh Sát. Sư nhắc lại, muốn hành thiền trước tiên phải tìm 1 nơi thích hợp để việc hành thiền tốt đẹp. Nơi thích hợp là nơi yên tĩnh, có thể là nơi thiên nhiên, hoặc trong nhà, mỗi khi hành thiền mình đến nơi đó ngồi. Chỗ hành thiền có thể tôn trí nơi đó bằng 1 ảnh Phật hay tượng Phật, nếu cần có thể thắp đèn, hay thắp nhang để hỗ trợ cho việc hành thiền. Tuy nhiên, có nhiều người thấy thắp nhang, để đèn không hợp với họ thì không cần. Người nào ưa sáng thì để ánh sáng mờ mờ, người nào tối quá dễ buồn ngủ thì cũng để ánh sáng mờ mờ. Mình ngồi phải chọn nơi thích hợp và tư thế thích hợp. Tùy theo nghiệp lực làm từ trước, nên có người ngồi kiểu này người ngồi kiểu kia, người ngồi hướng này người ngồi hướng kia, mình tập 1 thời gian sẽ thấy hướng nào hợp với mình. Ví dụ Đức Phật khi Ngài ngồi buổi cuối cùng, Ngài nói là mình phải hành thiền theo cách của mình, những cách khác không mang lại lợi ích nên mình phải tìm cách của mình. Trước khi thiền theo cách của mình, Đức Phật ôn lại trước giờ xem mình đã thiền theo những cách này. Khi Ngài ngồi xuống theo hướng này, Ngài thấy chỗ này sao nó kì lạ quá, như không thích hợp nên chuyển qua hướng khác, cuối cùng Ngài mới thấy hướng hiện tại thích hợp nhất là hướng đông, nhưng mình không phải như Đức Phật là cứ hướng về hướng đông, hướng nào hợp với mình nhất thì mình theo. Tâm mình đòi nhiều cái lắm, nhiều khi đòi hỏi không biết lý do gì, mà cứ chiều theo đi. Như khi ngồi thiền, có người thấy mình mặc bộ đồ này thì tâm định hơn, thì mình chiều theo cái tâm của mình. Khi trải tọa cụ để ngồi, có người cứ trải ra rồi ngồi thôi, nó xiên cũng được, nhưng có người khi trải thì phải trải thật thẳng, không thẳng là họ khó chịu rồi. Nên hãy tìm tư thế để mình dễ chịu, tốt đẹp để hành thiền. Như vậy, bắt đầu ngồi thiền phải chọn 1 tư thế thích hợp cho mình. Thiền sinh có thể ngồi xếp bằng, lưng giữ thẳng, kiết già hay bán già, kiết già là 2 chân kéo vào nhau, 2 bàn chân ngửa lên, còn khó quá thì bán già, đặt chân này lên chân kia, bán già cũng khó thì đặt chân này trước chân kia để sau (ngồi theo kiểu Miến Điện). Có người do bệnh hay do lí do nào đó họ ngồi 3 kiểu trên không được, thì có thể ngồi trên ghế. Mặc dù ngồi kiết già là lý tưởng, nhưng nên chọn tư thế thích hợp để duy trì được thời thiền tốt đẹp. Dù ngồi như thế nào phải giữ thân thể và lưng cho thẳng, thẳng nhưng đừng giữ cứng quá, mình ngồi hồi lưng cong xuống thì lại cho thẳng lên, lưng thẳng không phải là thẳng như bức tường đâu, lưng mình thẳng nhưng nó vẫn hơi cong cong, ở phía trên nó cong ra phía sau, ở phía dưới nó cong về phía trước, thì mình ngồi cho lưng thẳng thoải mái. Ngồi lưng thẳng thoải mái thì hơi thở ra vô dễ dàng, vì lúc này hơi thở vào phổi được nhiều hơn khi ngồi cong xuống. 

Khi hành thiền tha thứ và từ ái trước, thiền tha thứ để loại bỏ cảm giác hối hận, sân hận. Hối hận là khi mình làm việc gì mình hối hận không nên làm việc đó, tâm bồn chồn khó chịu. Sân hận là những gì không hợp ý mình, sân nổi lên, nó không muốn chuyện đó xảy ra, tâm sân muốn hủy diệt đối tượng. Nhiều khi tâm tham khởi sinh, muốn nắm giữ đối tượng. 

Thiền tha thứ có 3 phần: xin người khác tha thứ cho mình – mình tha thứ cho người khác – mình tha lỗi cho chính mình. Giống như muốn viết gì lên bảng đen thì mình phải chùi vết phấn cũ rồi mới viết. Cũng thế, mình tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình, thì mình phải được người khác tha thứ. Ðôi khi bạn làm một điều gì sai lầm đối với người nào, bạn cảm thấy ân hận. Ðặc biệt lúc hành thiền, bạn muốn giữ tâm trong sạch thanh tịnh nhưng những tư tưởng ăn năn hối tiếc này cứ lãng vãng trong tâm trí khiến cho việc hành thiền của bạn bị rối loạn. Do đó, trước tiên bạn phải xin người khác tha thứ cho bạn. Sau đó, chính bạn phải tha thứ cho người khác về những lỗi lầm của họ. Có thể, có người nào đó làm điều gì sai lầm đối với bạn và làm bạn giận dữ, bực tức thì bạn cũng phải lọai bỏ những tư tưởng sân hận ấy đi để cho tâm trí được thảnh thơi. Bạn phải tha thứ cho mọi người, nếu không tha thứ thì bạn không thể hành thiền được. Bởi vậy thiền từ ái và thiền tha thứ đi liền với nhau. Nếu chúng ta không thể tha thứ cho 1 người nào đó thì không thể rải tâm từ cho họ được, như vậy điều thứ 2 là mình phải tha thứ cho mọi người. Một điều rất quan trọng nữa là bạn phải tha thứ cho chính mình. Ðôi khi bạn cảm thấy tha thứ cho người khác rất dễ, nhưng tha thứ cho mình là một điều khó khăn,vì lúc đó lương tâm bạn không tha thứ cho chính bạn. Nếu bạn không thể tha thứ cho chính mình thì những tư tưởng sân hận, bực tức về chính mình sẽ quấy rối việc hành thiền của bạn. Nên nhớ là tha thứ cho chính mình là 1 điều đặc biệt, chỉ Đức Phật dạy cho mình thôi, những tôn giáo khác là chỉ có xin người khác tha thứ cho họ, chứ tự họ không tha thứ cho họ. Nên mình thấy những người ở tôn giáo khác, khi đến chỗ thờ đấng giáo chủ của họ, họ ăn năn xám hối, mặt họ rất là buồn, ngay cả bức tượng của các đấng giáo chủ đó gương mặt cũng rất buồn. Còn gương mặt của Đức Phật khi nào cũng đang vui vẻ mỉm cười. Mình sau khi xám hối xong thì gương mặt phải tươi tỉnh, đàng hoàng, vui vẻ. Mình xám hối không có nghĩa là mình xin tha thứ cho mình, là điều tội lỗi của mình mất đi đâu, vì có nhân có quả, điều gì mình làm thì chắc chắn mình phải chịu, nhưng người xám hối theo Đạo Phật là tôi đã làm gì thì tôi chịu trách nhiệm, tôi không xin xỏ ai hết bởi tôi biết không có xin xỏ ai được hết, tôi chịu trách nhiệm tôi phải trả quả mà tôi đã chịu. Thành ra người nào mà ăn năn hối hận, xin xỏ để đấng giáo chủ tha lỗi cho mình thì bản thân mình càng thấy đau khổ thêm, thì mình phải can đảm gánh chịu, nhất định phải tự nhận quả, tự chịu trách nhiệm, không tránh né, nhưng từ nay trở đi tôi không làm những điều đó nữa, còn những gì sai lầm tôi nhận trách nhiệm về tôi. Thành ra thiền xám hối và thiền tâm từ trong Phật giáo khác các tôn giáo khác ở chỗ đó.

Tâm từ là 1 trong 4 đề mục của Tứ Vô Lượng Tâm (phạm trú). Phạm trú, hay còn gọi là phạm hạnh, tức là chỉ những vị phạm thiên. Các vị tu hành mà có tâm từ nhiều, sau khi chết sẽ được sinh làm những vị trời, 1 vị trời thì không có giận dữ. Thiền từ ái được giải thích kỹ càng trong sách Thanh Tịnh Đạo, người nào muốn hành thiền tốt đẹp, nghiêm túc, nếu chưa được các vị Sư giảng dạy thì cần mở sách Thanh Tịnh Đạo đọc xem hướng dẫn như thế nào. Nhưng những gì Sư cho quý vị đọc đây, là 1 phần để bổ túc cho việc hành Thiền Minh Sát thôi. Do đó, trong khi Thiền Minh Sát, thiền sinh chỉ cần bỏ thời giờ niệm tâm từ chừng 30p chứ không cần nhiều, việc chính của mình là Thiền Minh Sát.

Niệm tâm từ là 1 trong 4 pháp để bảo vệ, giúp tâm mình an vui. 3 pháp kia là niệm về Ân Đức Phật, niệm cơ thể ô trược, niệm về sự chết.

Lòng từ ái này là sao? Không phải cứ thương người ta là từ ái đâu. Lòng từ ái có thể ví như 1 loại dầu nhớt chế vào máy để máy chạy trơn tru. Không ai muốn lái 1 xe hết dầu nhớt vì sợ hư xe, nhưng ít ai chịu châm dầu nhớt từ ái trong sự liên hệ của mình. Cho nên khi liên hệ với mọi người, mình thiếu dầu nhớt từ ái, nên nó không trơn tru, trục trặc. Nếu mình chịu châm 1 ít dầu nhớt vào sự liên hệ với nhau giữa người này với người kia thì những sự tắc nghẹn, không trơn tru sẽ biến mất.

Nếu biết niệm tâm từ thì sự giận hờn, ghen ghét, thù hận, ác ý, ganh tị sẽ biến mất. Khi có tâm từ tốt đẹp, mọi trở ngại sẽ biến mất trên thế gian này. 

Đức Phật có dạy khi hành thiền từ ái, mình sẽ được những lợi ích:

  • Ngủ an lành, không gặp ác mộng
  • Thức dậy an lành
  • Được mọi người thương mến
  • Được phi nhân thương mến
  • Được chư thiên bảo vệ
  • Lửa, thuốc độc, vũ khí không làm hại được
  • Dễ tập trung tâm ý
  • Mặt mày trong sáng, dễ mến
  • Không bối rối trong lúc chết
  • Chết sinh lên cõi phạm thiên

Như vậy từ ái là 1 loại tình thương, lòng thành thật mong muốn tất cả chúng sinh được an vui, hạnh phúc. Lòng tình ái không dính dấp đến sự luyến ái, dính mắc với 1 cá nhân nào đó. Lòng từ ái là thương yêu tất cả chúng sanh, chứ không phải chỉ 1 vài chúng sanh nào. Lòng từ ái rất là trong sạch, 1 sự ước mong thành thật cho chính mình và người khác. Khi lòng từ ái tràn ngập tâm ta, ta sẽ thấy an bình, tĩnh lặng. Sự an lạc này sẽ tuôn trào đến những người mà ta hướng đến. Khi hướng lòng từ ái này đến tất cả chúng sinh, thì tất cả chúng sinh sẽ được thấm nhuần lòng từ ái của ta. Tư tưởng từ ái này tạo ra 1 bầu không khí thân thiện, trong lành giữa mọi người, khiến cho sự liên hệ giữa mọi người được hài hòa, thoải mái. 

Khi mình gặp 1 người có hành động, lời nói nào mà có lòng từ ái thì họ sẽ suy nghĩ trước: nói ra điều này có mang lại an vui cho người khác không, những hành động này có mang lại an vui hạnh phúc cho người đó không. Còn mình thiếu từ ái thì mình không ngăn chặn được tâm giận dữ của mình, khi giận lên mình có thể nói nhiều điều, suy nghĩ lại mình mới thấy những lời nói đó chả thông minh, trí tuệ gì hết. Nên khi có lòng từ ái, khi nào cũng nói và làm mang lại sự an vui hạnh phúc cho người khác.

Như vậy, khi thiền từ ái mình phải làm thế nào? Đức Phật dạy đầu tiên phải rải đến cho chính mình, mong muốn cho mình được an vui hạnh phúc. Nên khi nguyện câu “nguyện cho tôi tràn đầy tình thương…”, có nhiều người nói đọc câu này trước có phải mình ích kỉ không? Bởi muốn rải tâm từ ái đến người khác, thì trước tiên mình phải có tâm từ ái với chính mình, nhưng rải tâm từ ái đến chính mình, là mình lấy mình làm 1 thí dụ điển hình, nghĩa là mình nguyện cho mình “nguyện cho tôi tràn đầy tình thương…” thì đồng thời mình sẽ liên tưởng đến “tôi muốn tràn đầy tình thương…”. Tôi muốn như vậy thì người khác cũng mong cầu như vậy, mình lấy bụng mình suy ra bụng người, mình muốn an vui hạnh phúc thì mọi người cũng vậy. Cho nên mình phải rải tâm từ cho người khác, rồi mình lấy mình ra làm ví dụ điển hình để liên hệ với người khác, tôi muốn được an vui hạnh phúc, tôi không muốn bị ai giận dữ, thì người khác cũng muốn được như vậy.

Sau khi rải tâm từ cho chính mình rồi, chúng ta rải đến cho từng hạng người rồi cho tất cả chúng sinh. Mình phải rải tâm từ cho mình trước, nếu không mình không được an vui tĩnh lặng, còn giận dữ thì làm sao rải tâm từ đến người khác được. Nên trước khi rải đến các hạng người và chúng sinh, mình phải vun bồi lòng từ ái cho chính mình.

Có thể rải tâm từ bằng nhiều cách, mình có thể rải tâm từ đến mọi chúng sinh, căn cứ theo chỗ ở của chúng sinh, chúng sinh ở đây không chỉ có người, mà gồm cả súc vật, côn trùng. Trước hết rải tâm từ đến tất cả chúng sinh trong nhà, rồi xa hơn, đến trong làng, trong xóm, trong tỉnh, trong quận. Thường mình rải ở VN thì quận nhỏ tỉnh, nhưng ở Mỹ tỉnh nhỏ hơn quận, nên tùy khu vực. Mình cứ rải dần dần từ chỗ nhỏ đến chỗ to, rồi đến toàn thế giới, rồi cả vũ trụ, rồi mình rải đến tất cả chúng sinh 1 cách tổng quát.

Như mấy hôm nay quý vị rải tâm từ. Khi rải tâm từ như vậy, mình cố gắng hình dung ra những chúng sinh mà mình hướng đến, mình giống như dùng những câu nói đó rải 1 dòng nước tràn đầy cơ thể những người mình rải tâm từ đến, mình mong muốn họ được an vui, hạnh phúc. Đây là cách rải tâm từ tha thứ, quý vị biết như vậy để có thể thực hành 1 cách tốt đẹp.

Bây giờ Sư tiếp tục giảng tiếp hôm qua về câu chuyện cô gái đến nghe Đức Phật thuyết pháp rồi đắc Quả Tu Đà Hoàn.

Khi cô gái đã trở thành một vị Tu Đà Hoàn, cô ôm rổ đựng suốt chỉ đến gặp cha cô đang làm việc trong xưởng dệt. Khi cô đến đó, người cha đang ngủ gần khung cửi. Cô gái không biết cha mình đang ngủ bên khung dệt nên đặt cái rổ xuống cạnh máy dệt và tạo ra tiếng động. Tiếng động làm người cha giật mình tỉnh dậy, tay đụng vào khung cửi khiến thoi dệt vải bung mạnh đâm vào ngực cô gái. Cô gái chết ngay tại chỗ. Sau khi chết cô gái sinh vào cõi trời Tusitā. Cha cô gái nhìn thấy con mình đã chết, lấy làm đau buồn vô cùng và tự nhủ: “Ngoài Đức Phật ra không ai có thể giúp cho nỗi đau khổ của ta tan đi được”. Nghĩ như thế, người cha đến gặp Đức Phật và thuật lại mọi chuyện đã xảy ra. Đức Phật an ủi ông ta và cuối cùng nói với ông: “Ngay từ khi bắt đầu luân lưu trong vòng luân hồi sinh tử, ông đã đau khổ như thế này rồi. Nước mắt ông đã chảy ra nhiều hơn nước của bốn đại dương. Ông đã đau khổ với cảnh chết con, chết cháu, chết cha, chết mẹ, chết ông bà, người nào cũng phải gặp hết, mình chết, người khác cũng chết, ai cũng phải chết, mọi người đều phải chịu đau khổ với cảnh chết chóc, cái chết có thể xảy ra không lý do này thì lý do khác. Đức Phật nói chết như vậy là chuyện thường tình, đây là chân lý, là sự thật”.

Nhớ là khi mình hành thiền mình hiểu chân lý, là hiểu rõ sự thật trên thế gian, sự thật đó có thể tốt đẹp có thể không tốt đẹp, chứ không phải mình thiền là chỉ thấy toàn sự thật tốt đẹp không đâu. Đây chỉ là sự thật thôi mà.

Vị này nói thôi giờ mình xuất gia, cố gắng tu hành, 1 thời gian sau vị này đắc Tu Đà Hoàn, rồi đắc A La Hán.

Quý vị muốn niệm về sự chết có thể niệm những câu tóm tắt: 

“Mạng sống thật bấp bênh, cái chết là điều chắc chắn, ai cũng phải chết, ta chưa biết lúc nào chết đây”. 

Nói như vậy có vẻ bi quan, nhưng khi đọc những bài pháp của Đức Phật giảng mình phải đọc cho hết. Những câu đầu tiên là Đức Phật nói ra sự thật, phần tiếp theo Đức Phật chỉ cho cách mình đừng có khổ.

Hãy tinh tấn hôm nay, kẻo ngày mai không kịp, cái chết đến bất ngờ, không thể nào mặc cả”

Trong thời dịch này quý vị phải đọc hàng ngày. Suy niệm về sự chết. Đọc câu này tâm từ mình cũng phát triển, sự sợ hãi mình cũng bớt.

Trình Pháp:

Câu hỏi 1: Con ngồi bị tê chân, con muốn chuyển từ tư thế bán già thành ngồi xếp bằng, chân giữa sàn có được không ạ?

Trả lời: Khi ngồi tư thế nào lúc đầu thấy thoải mái, lúc sau đau nhức thì ghi nhận sự đau nhức, xem sự sinh diệt của nó. Không chịu nổi thì ghi nhận không chịu đựng nổi, rồi ghi nhận muốn đổi tư thế, rồi đổi tư thế trong chánh niệm. Rồi quan sát cái đau xem nó giảm không, cho đến khi nó hết đau. Mình thấy nó vô thường không? Nãy đau giờ hết đau, nhìn vào đó để thấy vô thường, khổ, từ đó mới suy ra mình vô ngã, không thể kiểm soát những gì trên thế gian.

Câu hỏi 2: Thưa Sư, con chưa nhận ra được đất nước gió lửa trong hơi thở ạ, con chỉ niệm phồng xẹp và biết đó là hơi thở.

Trả lời: Bỏ qua chữ hơi thở đi, mình thấy nó phồng thì biết phồng, thấy nóng lạnh thì chú ý nóng lạnh, thấy cứng mềm thì chú ý cứng mềm. Muốn người ta dễ nhớ nên người ta gọi cứng mềm là đất, nóng lạnh là lửa, chuyển động là gió… Chứ không phải ngồi thiền là để thấy đất, thấy nước, gió, lửa. Nên ai nghĩ như vậy thì mình bỏ đất nước gió lửa đi, chỉ là thấy mềm cứng, nóng lạnh, chuyển động, dính hút. Các yếu tố này thấy nó rồi nó biến đổi. Nói đất nước gió lửa là để cho dễ nhớ thôi.

Câu hỏi 3: Khi ngồi thiền con biết con chỉ chăm chú đến sự căng cứng khi bụng phồng ra, dãn ra khi bụng xẹp xuống, được vài phút thì sự tập trung không còn tinh tấn nữa, khi đó con di chuyển sự chú ý đến sự chạm sàn, con biết chạm cứng, mềm, thân lắc nhẹ, ý nghĩ xuất hiện, có những hình ảnh xuất hiện trong đầu, những hình ảnh, sự việc con chưa từng gặp trong đời sống như vậy thời thiền đó con đã tập trung đúng chưa ạ?

Trả lời: Đúng rồi đó. Mình nhớ mình chú ý đến cái gì thì nó tới rồi nó mất.

Câu hỏi 4: Khi đi kinh hành được 20p, con thấy nóng trong người, sự nóng đó ở ngực rồi lan ra đầu và 2 cánh tay, sau đó con niệm “nóng, nóng” rồi con quay về phồng xẹp rồi quên luôn chuyện này. Khi ngồi thiền con thấy nhiều suy nghĩ, hình ảnh tưởng tượng xuất hiện quá nhanh, nên chúng xẹt qua trong tâm và con chỉ nhìn thấy mà không kịp niệm. Có lúc con không biết niệm như thế nào, không biết gọi tên. Khi đó con niệm “phóng tâm, phóng tâm” rồi quay về đề mục.

Trả lời: Niệm là dành cho người mới thôi, còn quen rồi thì không niệm nữa, chỉ ghi nhận thôi, vì ghi nhận không kịp đâu. Ví dụ như mình thấy nóng, thì ghi nhận sự nóng thôi, không cần niệm. Vì có nhiều cảm giác mình kiếm tên không ra đâu. Nên mình chỉ ghi nhận sự đến, sự đi, sự tan biến của chúng thôi. Cái mình niệm chỉ là giai đoạn đầu, về sau không niệm nữa.

Câu hỏi 5: Lúc vọng tâm sinh khởi, con phải quan sát sự khởi sinh tâm rồi biến mất, hay con quay về lại đề mục khi vọng tâm sinh khởi?

Trả lời: Khi vọng tâm sinh khởi, mình biết nó thì về lại đề mục liền, đừng chú ý xem mình vọng tâm cái gì. Có nhiều người khi hành thiền thấy sao nhiều vọng tâm, cảnh này cảnh kia đẹp quá, không chịu trở về đề mục, thì mấy lần đầu có thể xem cho biết đi, về sau thì tự nhủ là giả thôi rồi quay lại đề mục, người nào hành thiền đều có thể dính vào cảnh này cảnh kia, có nhiều cảnh lạ lùng, đẹp lắm, rồi lúc đó mình biết là mình đang hành thiền, phải bỏ. Mà có nhiều người bỏ không được, họ tò mò, thì thôi lần đầu có thể xem, rồi lần sau tự nhủ không coi nữa, về đề mục thôi, vì nó biến chuyển nhiều lắm, ta hành thiền để ta thấy sự sinh diệt của nó. Khi thiền cao hơn, mình có thể nhìn vào vọng tâm để thấy sự sinh diệt của vọng tâm. Nhưng mới thì chưa làm được đâu, nhìn vào đề mục vật chất dễ hơn. 

Câu hỏi 6: Từ hôm thiền đến giờ con thường xuyên ngồi thiền mà ngủ lúc nào không biết, có hôm mở mắt ra thì thấy đã đóng zoom rồi. Con nên làm thế nào ạ?

Trả lời: Khi ngồi lâu lâu mình phải chánh niệm. Ví dụ mình thấy bụng phồng, lúc đầu phải niệm mấy chữ cho đỡ buồn ngủ, xẹp mình biết xẹp. Nhiều khi mình theo dõi tâm phóng lúc nào mà không biết, nên mình chú ý lại, mình chánh niệm với tỉnh thức. Ví dụ thấy nó phồng thì mình ghi nhận phồng phồng, cuối cái phồng mình ghi nhận biết, biết là tỉnh giác đó. Thì nếu phóng tâm thì sẽ bớt. Tỉnh giác dịch ra tiếng việc là ý thức sáng suốt trong mọi lúc.

Câu hỏi 7: Con ngồi được chút thì chân bắt đầu đau, con quan sát cơn đau, khi đau quá con chùng người xuống, rồi sau 1, 2 phút quan sát cơn đau giảm dần rồi tan biến hẳn. Khi đó con niệm thẳng lưng rồi quay lại phồng xẹp. Vậy con có thể chùng người xuống để đỡ đau khi không cố gắng được nữa, hay con nên cố gắng tinh tấn kham nhẫn hơn nữa ạ

Trả lời: Cũng có thể kiên nhẫn coi, cũng có thể không chịu được thì chùng xuống, mà trong khi chùng xuống biết mình chùng xuống, hết đau thì thẳng lên. Bất kỳ tác động nào mình đều chánh niệm biết mình làm vậy. Nếu mình có thể cố gắng thì bỏ qua nó, quay lại đề mục chính, quay lại đề mục chính vẫn không được thì có thể trở người cho thoải mái. Cũng như khi ngồi đau chân, khi đau chân đề mục dễ nhìn nhất, mà chịu không nổi thì trở chân, mà phải ghi nhận ý định trở chân, và trở chân trong chánh niệm, rồi quan sát cơn đau biến mất dần.

Thành ra khi ngồi thiền khi đau thì chú ý vào cơn đau, để thấy đất nước gió lửa trong đó biến chuyển sinh diệt. Mình gặp đề mục gì mình cũng theo dõi. Mình gặp đau, mình khom lưng xuống thì mình biết khom lưng xuống, bất kỳ làm gì mình cũng chú ý vào nó, muốn làm gì cũng phải ghi nhận tâm muốn làm. Thành ra không có đề mục nào là xấu, đề mục nào hiện diện thì mình đều có thể tận dụng nó để khám phá ra định luật vô thường, và nó đang làm cho mình khổ. Khi chú ý vào để thấy vô thường, khổ thì tự nhiên mình thấy vô ngã. Tức là mình không thể nào điều khiển kiểm soát những gì xảy ra. Mình hành thiền thời gian mình biết tôi không muốn đau mà tự dưng nó đau, khi đó rõ ràng mình thấy mình không làm chủ cơ thể mình. Lúc trước mình muốn làm chủ người khác, muốn người khác nghe lời, thì bây giờ mình ngộ ra, mình muốn thân mình nó được yên mà nó còn không được yên, thân mình còn làm chủ không được thì sao làm chủ người khác, từ chỗ này suy ra chỗ kia. 

Ví dụ như ngồi mình thấy cơ thể mình vô thường, cái tâm suy rộng ra là cơ thể mình vô thường thì cái thân người khác cũng vô thường vậy, cái gì trên thế gian thuộc về vật chất và tâm đều vô thường vậy. Mình thấy được vậy thì phiền não tan biến.

Câu hỏi 8: Hôm qua con hành thiền, lúc đầu con quan sát được phồng xẹp, mà 1 lúc con lại suy nghĩ đến công việc chưa xong, làm con căng thẳng, lúc đó con nhận ra và quay lại phồng xẹp, rồi con lại suy nghĩ tiếp. Như vậy cứ lặp đi lặp lại, con không dừng suy nghĩ được. Mong Sư cho con lời khuyên ạ.

Trả lời: Mình thấy gì thì ghi nhận vậy. Dù tâm có phóng đi 1.000 lần thì mỗi lần phóng mình ghi nhận là hành thiền tốt rồi. Bởi mình thấy được cái tâm mình không đứng yên được đâu, nó chạy chỗ này chỗ kia. Hành thiền để thấy được cái đó. Nhiều người hành thiền thấy được cơ thể chuyển biến thế này thế kia thì họ mừng, mà thấy cái tâm thay đổi thì họ lại bực mình. Mục đích mình hành thiền để thấy mọi vật thế gian là khổ, vô ngã. Mà sự vật thế gian chia làm tâm và vật chất. Vật chất thay đổi thì mình mừng, mà tâm thay đổi thì mình bực mình, là mình hiểu sai về cách hành thiền. Mục đích mình hành thiền là để thấy vật chất luôn luôn thay đổi, và thấy tâm luôn thay đổi luôn. Mà thiền sinh thường có thái độ là thấy vật chất thay đổi thì mừng, mà thấy tâm thay đổi thì bực mình. Nhiều người nhờ thấy tâm thay đổi mà họ giác ngộ, họ thấy được sự vô thường, sự khổ, sự vô ngã. Cho nên tất cả những gì trong tâm, thân mình đều là để hành thiền. Cái gì nhúc nhích, thay đổi là đề mục thiền. Ví dụ cảm giác vui thì ghi nhận cảm giác vui, cảm giác buồn ghi nhận cảm giác buồn, mà nhiều người chỉ thích cảm giác vui thôi. Nhớ là cảm giác buồn dễ thấy rõ hơn đó, như đau mình nhìn vào đau thấy sự sinh diệt, rồi cơn đau giúp mình đỡ phóng tâm lắm đó, đây là đề mục tốt để mình hành thiền. Nhưng khi mình thấy mình đau quá không hành thiền được, thì nó là trở ngại rồi, thì mình trở chân, mình đang hành thiền chánh niệm mà chứ đâu phải để mình chịu đựng cơn đau, cơn đau nếu thấy rõ được sinh diệt thì cố gắng nhìn, mà chịu không nổi thì mình chuyển qua đề mục khác. Nhưng trước khi chuyển qua đề mục khác thì chịu khó nhìn nó 1 chút xíu, 1 vài giây thôi, thì mình sẽ chịu đựng được. Chả hạn mình thấy đau mình muốn trở chân, mình có thể nói thôi đợi 1 phút nữa đi, trong khi đó mình nhìn vào chuyển biến của cơn đau, bữa khác mình có thể nói mình chịu 2 phút đi, mình chịu đựng và nhìn thấy rõ, khi cơn đau bớt ảnh hưởng đến mình thì mình sẽ vượt qua. Mình tập lần lần sẽ được. Người nào bắt đầu hành thiền thì đau nhiều lắm, về sau họ sẽ ngồi yên, hỏi họ đau không họ nói đau, nhưng chánh niệm cơn đau thôi. Như có người đến, họ nghe nói Ngài Kim Triệu ngày xưa phong thấp đau lắm, mà nhờ hành thiền nên hết bị đau. Nên có Phật tử đến gặp Ngài, họ hỏi Ngài hành thiền nên Ngài hết phong thấp rồi à? Ngài nói Ngài cũng không biết đã hết không nữa, nhưng Ngài chịu đựng được những gì nó xảy ra, cái gì xảy ra Ngài đều lấy làm đề mục hành thiền. Tất cả những gì xảy ra trên thế gian đều là đề mục hành thiền, mình cứ ghi nhận thôi. Thành ra có những người đau nhiều quá rồi chết, mà chú ý vào cơn đau, chú ý sự sinh diệt của cơn đau mà họ đắc Quả trước lúc chết. Nhưng quý vị nhớ rằng khi hành thiền niệm đau, không được ngồi giữ 1 tư thế quá 1 tiếng đồng hồ đâu, mình chịu đựng quá là không được. Nhiều lắm là 1 tiếng đồng hồ thôi. Thành ra 1 giờ đi 1 giờ ngồi là vậy, chứ có nhiều người đau quá cứ nhất định nhìn vào chỗ đau, thì lại thành trở ngại. Đau quá mình cứ cố giữ nó vậy, nhiều khi nó thành bệnh. Cũng như có những vị bên Ấn Độ, họ tập tư thế đó họ cứ đưa tay lên trời, đau bao nhiêu họ vẫn chịu vậy, có vị tập 5-6 năm về sau muốn trở lại như bình thường, ông phải tập thêm mới được như thường. Do đó, Đức Phật dạy vẫn làm việc 1 cách bình thường, chứ không tạo cái gì thành 1 thói quen, về sau không sửa được.

(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app