Buổi 5 Thiền Sư Khánh Hỷ Giảng Về Tam Quy & Giải Đáp Trình Pháp  Khóa Thiền Vipassana Online 20 ngày

Thiền tha thứ:

Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)

Thiền Tâm Từ:

Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Khi mình tâm từ, là mình vốn chưa có tâm từ, mình đọc những câu này để phát triển tâm từ. Khác với Thiền Minh Sát là mình không tạo ra gì cả, mình chỉ nhìn thôi, để thấy vô thường, khổ, vô ngã. Còn thiền tâm từ là mình không có rồi mình cố tạo nên tâm từ. Nên mình phải tưởng tượng. Nên mình nguyện câu “nguyện cho con tràn đầy tình thương” mình tưởng tượng có 1 luồng nước tâm từ mát mẻ có thể thay đổi nhiệt độ, khi cơ thể mình nóng quá thì thành mát, khi cơ thể mình lạnh quá thì luồng nước đó biến thành ấm áp. Đây là 1 loại thiền chỉ nên có tưởng tượng, khi mình đọc mỗi câu đó mình tưởng tượng luồng tâm từ mát mẻ, nó đi từ đỉnh đầu cho xuống toàn bộ cơ thể, làm cho mình an lạc, tĩnh lặng, tốt đẹp. Quý vị cũng như người nào bị mất ngủ, thì khi nằm xuống đừng có gồng cơ thể, để cơ thể thả lỏng ra, tưởng tượng cơ thể mình không còn 1 sức nặng nào nữa, nó như xụi ra, không có sức nặng, tưởng tượng đầu giãn ra, mặt giãn ra… Khi ngồi thiền cũng vậy, cơ thể không được gồng, để cho nó thoải mái, người nào cơ thể hay gồng khi ngồi thiền mình có thể nhún 2 vai lên rồi thả xuống để đỡ gồng (phương pháp này của 1 số vị Sư bên Tàu). Khi mình niệm tâm từ, tha thứ cơ thể cũng phải thật thoải mái, không có sức nặng, không có gồng. Mình tưởng tượng luồng tâm từ mát mẻ đi khắp các cơ thể mình từ đầu đến chân, đi đến đâu làm cho mình an lạc, hạnh phúc đến đó. Tâm mình an lạc hạnh phúc khi tâm mình không có tham sân si. Khi mình rải tâm từ thì mình không có trách cứ ai gì cả, không để tâm tham khởi sinh, không để tâm sân khởi sinh.

Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Khi mình nguyện cho thầy tổ, giống như luồng tâm từ lan tràn đến thầy tổ mình, giống như luồng nước lan tràn, bao phủ khắp cơ thể vị thầy tổ, ân nhân của mình, làm cho người đó mát mẻ. Đây là tưởng tượng.

Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người cùng chỗ làm với con, con hay gặp gỡ, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả thiền sinh, tất cả Phật tử, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)

Thiền Minh Sát

Chú tâm vào đề mục, 2 đề mục rõ ràng nhất là chuyển động phồng xẹp ở bụng, hay là hơi thở. Nhớ là nhìn đề mục 1 cách khách quan, không có tôi, ta ở trong đó. Chú ý đến chuyển động phồng xẹp của bụng, nhớ là chuyển động phồng xẹp của bụng chứ không phải của tôi, ta. Loại bỏ tôi, ta trong Thiền Minh Sát. Nãy giờ chúng ta ngồi thiền thì giờ ra khỏi chỗ ngồi thiền, nằm thiền bằng cách nghe. Sư sẽ giải thích những điều mà quý vị có thể chưa biết.

Nhiều khi mình không ngồi thiền, nãy giờ mình có xin quy y, ngũ giới. Câu đầu tiên mình xin quy y là “con đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Bhagava đó, Ngài là bậc Araham cao thượng, được chứng quả Chánh Biến Tri, do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy”. “Con đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Bhagava đó” – thì tại sao nói chữ “đó” làm chi? Sao không nói là “Con đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Bhagava” – ở đây chữ Bhagava là Đức Thế Tôn, được mọi người và trời tôn kính. Nhưng chữ “đó” là gì? Thì ngày xưa, những vị tôn giáo khác, ai cũng nói họ là Thế Tôn khi họ đi truyền đạo, họ nói họ là bậc cao thượng nhất trên đời này. Khi đó 1 vị Chư Thiên họ thấy Đức Phật thành đạo rồi, họ xuống đảnh lễ Đức Phật, họ nói tôi đảnh lễ là đảnh lễ vị này đó, chứ không phải là vị khác. Mình nói thêm chữ “đó” vô, là bởi trong Phật giáo nguyên thủy, những gì mình dạy từ xưa họ vẫn giữ y nguyên, không thêm không bớt gì cả. Araham cao thượng – là bậc Arahán, khi mình tu hành, mình đắc Arahán. Chữ Arahán ở đây có thể tính luôn 3 bậc Arahán, đó là Đức Phật toàn giác, Đức Phật độc giác, Arahán, thì Arahan cũng là Phật. Nhưng Phật toàn giác là sao? Là lúc không có vị Phật nào trên thế gian, thì người này ra đời và tu hành, đắc quả Phật, thành ra trước đó chưa có vị Phật, rồi bây giờ vị đó là người đầu tiên đắc quả Phật (đầu tiên trong kiếp sống này, chứ trước đó có những vị Phật khác rồi), không thầy chỉ dạy. Nhưng không thầy chỉ dạy thì sao vị đó tu hành giải thoát được? Thì trong kinh sách có ghi lại, khi Đức Phật khi còn là vị Bồ Tát đi học thiền, thấy ai có thể dạy dỗ Ngài được thì Ngài đi theo, trong đó 2 người quan trọng nhất là Ngài đến hành thiền theo vị đó, Ngài đắc được tầng thiền gần cuối cùng bên thiền chỉ (tầng cuối là phi tưởng phi phi tưởng xứ) thì Đức Phật mới nói với vị thầy là đến đây tôi phải làm gì tiếp để đi lên nữa, thì vị thầy mới nói là chính ta cũng chưa đạt được tầng thiền này, phụ thân ta mới đạt được tầng thiền này, nhưng ta biết cách hướng dẫn, nên ta hướng dẫn cho bạn. Lúc trước ta làm thầy ta hướng dẫn cho thầy, nhưng giờ thầy đã đạt được tầng thiền cao hơn ta rồi, nên thầy hãy dạy lại cho ta, bởi vì đó là giải thoát tột cùng rồi. Thì Đức Phật nhìn lại thấy vẫn chưa giải thoát, khi ở trong tầng thiền thì an lạc tĩnh lặng hết sức, phiền não giống như mất rồi, tâm an lạc tĩnh lặng, có suy nghĩ cũng giống như không có suy nghĩ, phi phi tưởng, là không có tưởng mà cũng không phải là không có tưởng, không phải là mất tưởng đi. Phi tưởng là không có tưởng, phi phi tưởng là không phải không có tưởng. Tâm lúc đó rất an lạc, tĩnh lặng nhưng Ngài nhìn lại chỉ thấy an lạc khi thiền, còn ra khỏi thiền rồi thì phiền não lại tới, nhớ vợ nhớ con nhớ ngai vàng, nhớ mọi chuyện trên thế gian, thì Ngài thấy chưa giải thoát. Thì Ngài mới suy nghĩ bây giờ mình phải đi tìm 1 vị thầy nào giúp mình được giải thoát thật sự. Thì Ngài đi tìm nữa nhưng không tìm được vị thầy nào, Ngài mới ôn lại tất cả việc hành thiền từ trước tới nay, ôn lại những người mình đã gặp, khi đó Ngài mới thấy lúc mình còn nhỏ, ngồi ở dưới cội cây hành thiền trong lễ hạ điền (lễ hạ điền là lễ nhà vua khởi đầu mùa cày cấy, nhà vua cày nhát cày đầu tiên sau đó các vị quan cày theo sau, rồi dân chúng mới cày. Lúc đó thái tử còn nhỏ nên được mấy cô cung nữ săn sóc, cho ngồi dưới 1 gốc cây, khi đó thái tử mới biết ngồi thôi, thái tử nằm ngủ, lúc đó mấy cô cung nữ chạy đi xem lễ, để thái tử nằm lại 1 mình, đến khi quay lại thấy thái tử đang ngồi trong tư thế ngồi thiền, lúc đó do Ngài đã hành thiền nhiều kiếp rồi, nên khi ngồi dậy Thái tử tự hành thiền, khi ngồi thiền Ngài chú ý đến hơi thở thôi, Ngài đắc được sơ thiền, tâm rất an lạc tĩnh lặng) Ngài thấy khi mình đắc sơ thiền tâm rất an lạc, tĩnh lặng, không có chút phiền não nào, khi đó Ngài nói thôi mình quay lại tầng thiền đó để khởi đầu tìm con đường giải thoát. Nhiều người mới nói tại sao tầng thiền phi tưởng phi phi tưởng an lạc như vậy mà Ngài không bắt đầu từ đó, mà Ngài lại nhớ đến tầng thiền sơ thiền thôi, bởi vì khi Ngài đạt phi tưởng phi phi tưởng Ngài đã có vợ có con, nhiều phiền não rồi, nên Ngài thấy tầng thiền đó rất là cao nhưng bị nhuốm tham sân bên ngoài rồi, còn Ngài khi mới mấy tháng tuổi thôi, tâm rất trong sạch (gọi là tâm hài nhi),  thì Đức Phật quay lại giai đoạn này để thiền. Khi hành thiền như vậy, Ngài tiến triển dần dần lên tứ thiền, khi đến tứ thiền thì Ba la mật của Ngài tròn đủ, khi đó Ngài có các loại thần thông. Nhưng thần thông này không như người thường, thần thông của Ngài biết rất nhiều kiếp sống của Ngài, những người hành thiền muốn có thần thông biết những kiếp sống của họ, thì họ có thể nhớ được ngàn kiếp, trăm kiếp hay 1 triệu kiếp đi nữa, nhưng chỉ tới đó thôi. Còn Đức Phật nhớ rất là nhiều, tất cả kiếp sống của Ngài từ trước. Ngài nhớ rằng Ngài đã từng gặp những vị Phật trước rồi, những vị Phật đó dạy dỗ cho Ngài như thế nào, thì Đức Phật quay lại Thiền Minh Sát. Khi đó Ngài tiếp tục Thiền Minh Sát. 

Tại sao Ngài đã từng Thiền Minh Sát mà Ngài chưa thành Phật? Đợi bây giờ mới thành Phật? Giống như những người hành thiền, do tâm nguyện của mình muốn trở thành 1 vị Arahan thôi, hay muốn trở thành 1 vị Phật Độc Giác, hay muốn trở thành vị Phật Toàn Giác. Nếu các vị chỉ muốn thành Arahan thôi thì tu hành ngắn hơn, vị Độc Giác thì dài hơn chút xíu, còn Toàn Giác thì tu hành rất nhiều kiếp. 

Thì Ngài nhớ ngày xưa Ngài đã từng gặp những vị Phật rồi, những vị Phật có nói rằng nếu con tiếp tục hành thiền nữa thì con sẽ đắc Arahan, nhưng khi đó Ngài nói “con không muốn trở thành Arahan, con muốn trở thành 1 vị Phật như Ngài”. Vị Phật đó mới trả lời “nếu con muốn thành Phật như ta thì lâu lắm, còn nếu con thành Arahán thì con có thể đắc ngay trong kiếp sống này, hãy suy nghĩ đi”. Vị này mới suy nghĩ rồi nói “không, con muốn thành 1 vị Phật Toàn Giác”, vị Phật đó mới dùng tâm niệm quan sát xem vị này có trở thành Phật Toàn Giác được không, thì biết được người này cũng sẽ thành Phật Toàn Giác, biết tên của Ngài, những đệ tử xung quanh của Ngài, vị Phật trước mới nói “nếu con muốn thành 1 vị Phật Toàn Giác con phải tu hành thêm 4 A-tăng-kỳ 100.000 đại kiếp nữa con mới trở thành”. Nên Đức Phật biết được và quyết tâm tu hành. 

Vị Phật thời trước cũng nói thêm, nếu con muốn giác ngộ ngay bây giờ thì con có khả năng trở thành Arahan, nhưng thành vị Phật Toàn Giác thì còn nhiều đau khổ lắm, giống như trên thế gian này, trong cõi địa cầu này (tức là thái dương hệ này), con đứng ở vũ trụ này con đi vào trung tâm vũ trụ, con bước 1 bước là lửa đốt cháy con, gươm đao chém con, con phải đi 4 A-tăng-kỳ 100.000 đại kiếp như vậy đó, con có chịu nổi không? Nhưng khi nghe nói Ngài có thể thành Phật Toàn Giác được thì Ngài rất là mừng, giống như thể ngày mai Ngài giác ngộ được, thì Ngài tiếp tục thực hành với tâm nguyện trở thành Phật Toàn Giác. 

Khi quán sát lại, Ngài biết Ngài sẽ thành Phật nên Ngài tiếp tục hành thiền Minh Sát, Ngài cũng tiếp tục quan sát vật chất và tâm để thấy nó sinh nó diệt, thấy nó vô thường, khổ, vô ngã. Nhưng trí tuệ của Ngài rất lớn mạnh, Ngài coi thử những vị Phật trước cũng nhìn vào vật chất và tâm, quan sát vật chất và tâm và họ thành Đạo, và Ngài thấy các vị Phật ngày xưa chú ý đến lý Thập Nhị Nhân Duyên trong vật chất và tâm đó để giác ngộ. Ngài cũng quán lý Thập Nhị Nhân Duyên và Ngài giác ngộ. 

Nhiều người nói ngày xưa Đức Phật hành thiền trên yếu tố của Thập Nhị Nhân Duyên, mà yếu tố cũng là vật chất và tâm trong Thập Nhị Nhân Duyên, nên giờ ta cũng bắt chước như vậy. Nhưng nhớ rằng Đức Phật khi Ngài quán sát Thập Nhị Nhân Duyên, nhưng Ngài dạy cho chúng sinh thì Ngài chỉ dạy quán sát vật chất và tâm thôi, chỉ cần vậy là đủ thành Arahan rồi. Còn vị nào muốn trở thành Phật Toàn Giác Ngài mới dạy thêm. Muốn thành Phật Toàn Giác thì Ngài cũng không dạy thiền thêm nữa, vì những người đó đã thiền đến hết mức rồi, chỉ 1 bước nữa thôi họ có thể trở thành Arahan, nhưng đến ngang đó họ không muốn tiến thêm nữa, nên họ thành 1 người bình thường và cố gắng tạo thêm những Ba la mật khác, như bố thí, trì giới, tham thiền… Ngay cả những người hành thiền, khi hành thiền đế 1 mức nào đó, như ngang tới tuệ xả, nếu tiếp tục nữa là họ có thể đắc Tu Đà Hoàn. Nhưng có những người tới ngang đó rồi họ không tiến lên được nữa, những trường hợp thì vị thiền sư theo dõi, thấy vị này đáng nhẽ đến tuệ giác đó chỉ cần 1 thời gian ngắn nữa thôi, trong vài ngày hoặc trong 1, 2 tháng là có thể giác ngộ. Nhưng thấy vị này lâu quá nên các thiền sư mới họp lại hỏi vị đó, vị thiền sư đó nói “con đạt trình độ rất tốt rồi, con có thể đạt quả Tu Đà Hoàn, con cố gắng lên đi, chứ con tới đó rồi sao con cứ đứng chỗ đó vậy”. Vị đó mới hỏi, con xét lại đi, con có nguyện thành Phật Độc Giác, hay Phật Toàn Giác không, nếu con có thì giờ để cho con trong 1 tháng, nếu con muốn trở thành Arahan trong kiếp sống này thì con phải bỏ nguyện đó đi, con sẽ giác ngộ. Thì vị đó nghe vậy họ cũng hành thiền, họ xem lại thì nếu họ muốn bỏ trở thành Phật thì mỗi khi ngồi thiền xuống họ đều phải nguyện “tôi muốn bỏ ý nguyện đó, tôi muốn thành Tu Đà Hoàn, giác ngộ ngay trong kiếp sống này”, phải nói với nguyện cương quyết, mạnh mẽ. Nhưng có những vị đã nguyện lâu rồi, nên mỗi khi họ nguyện “muốn giác ngộ ngay trong kiếp sống này” thì có những hiện tượng xảy ra, tâm họ rất bất an, hoặc thấy hiện tượng chúng sanh đang đau khổ nhiều lắm, đang kêu gọi cầu cứu Ngài, nên Ngài không muốn tiến lên, Ngài phải thực hành Ba la mật. Người nào muốn biết mình có nguyện muốn thành Phật không thì khi đó mới biết được. Nếu cương quyết nguyện trở thành Phật rồi, thì các vị thiền sư nói con chỉ Thiền Minh Sát tới đây thôi, còn bây giờ con có nguyện vậy thì con cứ thiền tới đó, rồi con tạo thêm Ba la mật bằng cách đi giảng pháp, đi dạy đạo, bố thí làm đủ pháp Ba la mật đó. Nên họ có hạnh nguyện của họ, muốn thành Phật Toàn Giác cũng được, Phật Độc Giác cũng được, Arahan cũng được, nhưng bắt buộc họ phải hành Thiền Minh Sát.

Khi mình hành thiền hàng ngày mình đọc “con đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Bhagava đó, Ngài là bậc Araham cao thượng, được chứng quả Chánh Biến Tri, do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy”. Thì mình đọc câu này là mình đọc lên những đức tính của 1 vị Phật đó. Thì 1 vị Phật có 10 đức tính: Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải… Thì khi mình đọc câu Namo tassa… đó thì mình đọc mới có 3 danh hiệu của Đức Phật thôi. Sau khi mình đọc 3 danh hiệu đó rồi mình đọc con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng, thì xin quy y này là thế nào. Quy y đây nghĩa là noi theo, bắt chước theo hạnh của Phật, Pháp, Tăng để mình tu hành. Quy là nương nhờ, không phải để cầu khẩn, để được cứu độ mình, mà là để mình tự lực học theo, thực hành theo Phật, Pháp, Tăng, là tu giới, định, tuệ. Tại sao mình phải đọc 3 lần? 3 lần chứng tỏ mình cương quyết quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Là tôi nói thật chứ không phải tôi nói nhầm đâu. Thường trong Phật giáo, điều gì quyết định là mình lặp lại 3 lần, cũng giống như mình áp dụng cái đấy để mình có trí nhớ. Như mình xin số điện thoại ai, hoặc cho ai số điện thoại thì mình đọc 3 lần cho họ khỏi nhầm, tránh nhầm ở cả người đọc số và ở người nhớ số.

Nên nguyện của 1 vị Phật, họ nói thế gian đau khổ lắm, nên con nguyện tu hành để vượt ra khỏi thế gian này, và sau đó tôi sẽ hướng dẫn, chỉ dạy cách thức cho người khác vượt ra khỏi thế gian này. Tức là Đức Phật chỉ dạy cách thức thôi, còn ai muốn giải thoát phải nghe theo lời Đức Phật, chính mình thực hành để giải thoát, không thể cầu khẩn được. Do đó người nào muốn hành thiền giác ngộ thì không thể cầu xin ai được.

Có người nói con phải niệm Phật. Bây giờ mình coi lại, lúc Đức Phật còn nhỏ, Ngài có ông Phật nào đâu mà niệm, Ngài giác ngộ do Ngài hành thiền thôi. Quý vị cứ theo đúng đường của Đức Phật.

Khi mình thiền, mình phải chú tâm vào sự sinh diệt của vật chất và tâm. Khi thở vào thở ra vậy, mình phải chú ý hơi thở vào rồi nó mất, nó biến đổi, hơi thở ra nó mất, nó biến đổi. Nhưng làm sao để thấy được hơi thở, thì mình phải dựa vào chỗ mà hơi thở cọ vào thì mới thấy hơi thở được. Do đó khi quý vị hành thiền, quý vị phải chú ý hơi thở, không được theo hơi thở, mình thường theo hơi thở vào trong, rồi theo hơi thở ra ngoài. Mà theo hơi thở vào trong mình đâu thấy đâu. Khi hít vào mình thấy hơi thở cọ vô lỗ mũi mình, có nhiều người cọ ngay ngoài, có nhiều người cọ sâu vô trong chút. Còn nếu mình theo hơi thở vô bên trong thì phần sau là phần tưởng tượng. Như có nhiều người theo hơi thở hít vào trong, đưa hơi thở lên đỉnh đầu, vòng ra sau lưng, tới lại chỗ cũ, họ nói là vòng chu luân cùng chiều hay ngược chiều, thì trong Thanh Tịnh Đạo nói ai làm như vậy sẽ bị loạn tâm. Mọi người cứ chú tâm vào chỗ hơi thở cọ vào thành mũi của mình, đây mới là hành Thiền Minh Sát đúng.

Trình Pháp:

Câu hỏi 1: Con là thiền sinh mới, khi con ngồi thiền tập trung vào sự phồng xẹp, có lúc con quan sát được sự phồng xẹp nhưng con thấy đa phần sự phồng xẹp sự lên xuống hơi thở. Vậy con phải làm gì ạ?

Trả lời: Cứ tiếp tục hành thiền, lúc đầu mình chưa thấy rõ nhưng từ từ sẽ thấy rõ. Nhưng chú ý là quan sát vào phồng xẹp hay vào lỗ mũi, thì chú ý đến sự sinh diệt của nó, sự đến sự đi của nó. Nhớ phải chú ý như vậy, chứ không cần chú ý đến cái gì đến đi. Mình thiền 1 thời gian sau chỉ thấy có 1 sự đến sự đi thôi, có 1 sự chuyển biến thôi, không còn biết có cái gì chuyển biến nữa. Khi tâm mình suy nghĩ thì kéo lại quán sát chuyển động của bụng, hoặc sự cọ xát của hơi thở vào bên trong lỗ mũi. Mình quán sát vào nó là mình quán sát về vật chất, muốn thấy rõ vật chất là mình quan sát nóng lạnh, cứng mềm, chuyển động, sức hút, mình chú ý vào những cái đó. Mà đã thấy nóng lạnh rồi thì mình thấy sự biến đổi của nóng lạnh, thấy chuyển động thì thấy sự biến đổi của chuyển động, thấy sự tới sự mất của chuyển động, chứ không phải chỉ thấy không không vậy thôi. Hãy cố gắng tập luyện từ từ, sẽ thấy được.

Câu hỏi 2: Con bị đau cột sống nên thời ngồi thiền không ngồi lâu được, con có thể ngồi tựa lưng được không ạ?

Trả lời: Được chứ sao không, nằm mình cũng hành thiền được mà.

Câu hỏi 3: Khi nghe pháp, con ngồi nghe pháp để ghi nhớ được rõ thì con ngồi giống như thiền hay như thế nào ạ? Khi nghe pháp con hay bị buồn ngủ ạ.

Trả lời: nghe pháp mình ngồi cách nào cũng được. Nhưng nhớ là để tránh buồn ngủ thì đừng có dựa, dựa dễ ngủ, hoặc là nằm cũng dễ ngủ, vì cơ thể thoải mái là buồn ngủ đến, nên khi ngồi thiền giữ lưng thẳng chứ không dựa. Nhưng người nào bị bệnh đau lưng có thể dựa, nhưng dựa dễ buồn ngủ lắm, hãy cố gắng ngồi thẳng.

Câu hỏi 4: khi con ngồi thiền được 5-10p, thì xương sườn phải phía sau lưng con bắt đầu nhói lên, càng tập trung vào thì nó càng đau, tập trung vào hơi thở hay phồng xẹp nó vẫn đau, mà phóng tâm suy nghĩ chuyện khác thì nó hết đau. Cơ thể con bắt đầu không chánh niệm, bắt đầu có tê ngứa, mỏi. Con phải làm thế nào để luôn chánh niệm ạ?

Trả lời: khi mình thấy sự đau, thì mình nên chú ý vào phồng xẹp của bụng. Nhưng giờ sự đau mạnh hơn, thì mình chú ý vào chỗ đau, chú ý vào sự biến đổi của cơn đau, chứ không phải biến đổi vào cái đau. Nhớ là vậy. Bây giờ mình thấy nó đau vậy, qua 1 sát na khác nó đau kiểu khác, mình chú ý vào đó, lúc đó mình sẽ quên đau. 

Như có 1 vị đó bị người ta đánh gãy 2 chân, vị đó đau lắm. Vị đó cố hành thiền chú ý hơi thở, mà không được vị đó chú ý vào cái đau, vị đó thấy cái đau đến mất đến mất sinh diệt, Ngài đắc quả đến Arahan luôn. Vì đề mục đau là đề mục dễ đưa đến giác ngộ lắm, nhưng mà chú ý vào đau quá mình chịu không được, thì mình cố gắng chịu đựng 1, 2 hơi thở nữa, thì trong 1, 2 hơi thở đó mình cũng có thể giác ngộ, mà sau 1, 2 hơi thở đó xong vẫn không chịu được thì mình trở chân, khi trở chân mình ghi nhận ý muốn trở chân, khi trở chân mình cũng theo dõi sự trở chân, trở chân xong xuôi mình cũng hay biết, mình chú ý ngay lại đề mục ở bụng, hay ở mũi, mà mình thấy cái đau ở chân đang giảm dần thì chú ý vào sự giảm của cơn đau, mình cũng có thể giác ngộ được. 

Nên đau là cơ hội cho mình hành thiền. Mà khi mình hành thiền tốt đẹp rồi thì tất cả những gì đến đều tạo cơ hội cho mình hành thiền, vì những cái đến là những đề mục rất là mạnh. Đề mục phồng xẹp, hơi thở không rõ bằng đề mục đau đâu. Nhưng nếu mình chịu không được thì mình trở chân trong chánh niệm, cái đau sẽ giảm dần thì mình dựa vào cái giảm đau đó để hành thiền.

Câu hỏi 5: trong khi kinh hành con phải tác ý trước rồi mới khởi thân, hay con khởi thân rồi ghi nhận xúc thọ thôi ạ?

Trả lời: Mới hành thiền thì phải biết tâm muốn đi, rồi mình hãy đi, nhờ vậy sau này mình thấy được Tuệ Giác Nhân Quả, muốn là nhân mới đưa đến quả đi. Nên giờ bất kỳ làm gì mình ghi nhận ý định mình trước, rồi mình mới quan sát thân sau. Thì mình thấy nhân là phải có sự suy tư, ý muốn thì thân mới di chuyển được. Khi thân di chuyển mình mới thấy những tác động di chuyển trong đó. Khi đó thân là nhân, quả là sự ghi nhận. Tiếp theo mình ghi nhận nhân là ý muốn, quả là sự di động, rồi sự di động là nhân, mình ghi nhận được sự di động đó để niệm là quả. Lúc đó mình thấy tuệ giác là mọi sự trên thế gian đều có nhân quả, không có gì là tự nhiên. Từ từ mình sẽ thấy, do mình chửi họ nên họ mới đánh mình.

Câu hỏi 6: Khi con đi kinh hành, khoảng 20p con thấy toàn thân nóng bừng lên và đổ mồ hôi, dù thời tiết khá mát mẻ. Nóng làm con phân tâm sự chú ý khỏi bước chân. Xin Ngài cho con hỏi con nên đứng lại quan sát sự nóng đó đến khi nó mất đi, hay con cố gắng ghi nhận cảm giác ở chân ạ

Trả lời: Khi cảm giác ở chân mạnh thì mình quan sát cảm giác ở chân, khi mình thấy đề mục nóng mạnh hơn thì chú ý sự sinh diệt của nóng. Cái nào mạnh thì quan sát vào đó. Mà khi thấy nhiều đề mục mạnh quá, không biết chọn cái nào, thì mình muốn chọn cái nào thì chọn, mình chọn 1 chỗ, không chọn nhiều chỗ.

Câu hỏi 7: Khi hành thiền con có thể mở tiếng nhạc thiền không lời êm dịu nhẹ nhàng, tiếng suối chảy được không ạ? 

Trả lời: Khi ngồi thiền là ngồi thiền, không có mở nhạc gì cả, vì mình mở nhạc vậy sao ngồi thiền được, tâm chỉ chú ý 1 đề mục trong 1 sát na thôi, cũng giống như quý vị đi xe mà mở nhạc nghe, là rất nguy hiểm, vì tâm mình khi đó chú ý 2 cái, 1 cái lo lái xe, 1 cái lo chú ý tiếng nhạc. Khi mình chú ý hoàn toàn vào tiếng nhạc thì mình sẽ bị xe tông. Nên chỉ làm 1 việc thôi.

Hỏi: Con hỏi vừa nghe pháp vừa ngồi thiền được không ạ?

Trả lời: vừa nghe pháp vừa ngồi thiền được không, thì nghe pháp phải không? Thì mình lắng nghe, lắng nghe là nghe pháp. Nhưng nếu hành Thiền Minh Sát, nhiều khi nghe pháp mình thấy tiếng nói phát ra, mình chú ý, rồi mình thấy mỗi tiếng nói đến nó mất mất, nên nhiều khi nghe pháp mà mình có hành thiền Minh Sát mình sẽ không hiểu gì hết, vì mình lo chú ý đến sự đến sự đi của âm thanh. Ví dụ có 1 người ngày hôm nay họ trình pháp, họ nói hôm nay con nghe Sư giảng pháp, Sư giảng sao con nghe vậy, mà con xin lỗi con nghe vậy mà con chú ý vào nó, con không hiểu Sư nói gì cả, con chỉ thấy tiếng nói của Sư nó đến rồi mất, đến rồi mất thôi. Con xin xám hối với Sư. Sư nói cần gì xám hối, nó là tốt đó, vì mục đích mình nghe pháp để mình biết phương pháp hành thiền, mà giờ mình nghe pháp, mình hành thiền được rồi thì sự hành thiền quý hơn. Thành ra quý vị hành Thiền Minh Sát rồi, về sau bất cứ đề mục gì sinh ra đều là cơ hội mình hành thiền. Sự hiểu giáo pháp không quan trọng bằng mình thấy rõ giáo pháp, thấy rõ sinh diệt.

Câu hỏi 8: khi con ngồi xuống thiền thì tâm sân xuất hiện, có cảm giác tức và nóng ở lồng ngực. Con mong mình tinh tấn trong quán tâm hơn nên thay vì quán hơi thở hay sự phồng xẹp ở bụng, con có thể quán tâm, những phần chắc đặc hay bình an ở lồng ngực được không ạ? Nếu lấy tâm làm cái neo cho tâm thì có được không, mong Sư chỉ dẫn ạ.

Trả lời: nhớ là mình có thể niệm thân, niệm tâm được. Nhưng khi cái nào mạnh nhất thì mình niệm vào cái đó. Nhưng tại sao mình niệm thân dễ hơn niệm tâm, ví dụ thân mình thấy nhúc nhích, thấy chuyển động, nó khởi sinh vậy, còn cái tâm mình ghi nhận, thì có phải mình ghi nhận đồng thời không. Tay đưa ra, tâm mình theo dõi tay đưa ra. Còn nếu mình niệm tâm, khi tâm sân khởi sinh thì khi mình chánh niệm niệm cơn tâm sân, thì tâm sân mất rồi, nó mất trong 1 sát na, thì lúc nào mình cũng niệm sau nó hết trơn á, đề mục mà mình niệm dễ nhất là thân, những đề mục vật chất nó dễ. Ví dụ như mình đang ngồi, đâu có tâm sân đâu mà mình niệm sân, khi đó mình niệm thân thôi, rồi khi nào có tâm sân thì mình niệm tâm sân, ghi nhận sự sinh diệt của tâm sân. Thành ra niệm thân là dễ nhất, mình nên làm gì dễ nhất. Khi nào đề mục khác hiện ra mình mới chú ý vào. Chứ cứ ngồi đợi xem tâm như thế nào, thì khi đó tâm có cái gì đâu mình thấy, mình cố gắng nhìn nó là suy nghĩ của mình thôi. Chỉ những trường hợp khi tâm sân hiện thật sự, khi đó mình mới nhìn vào, khi tâm tham thật sự, mình mới chú ý vào. Nhớ là khi tâm mình chánh niệm vào được thì tâm đó mất liền, mình trở lại với đề mục của thân. Sân lên lại thì mình chú ý vào sân. Nhưng cũng có thể quan sát theo cách này: khi sân người mình nóng lên thì mình chú ý vào cái nóng, sự sinh diệt biến chuyển của cái nóng. Thì khi chăm chú vào cái nóng thì tâm sân nó mất. Nên đến khi mình đến giai đoạn niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, thì giai đoạn niệm pháp là bất cứ gì khởi sinh mình ghi nhận, thành ra mình cứ niệm thân, niệm thọ, niệm tâm thôi thì pháp tự đến. Ví dụ như bữa trước mà cơn sân nổi lên, thì mình dùng cơn sân để thấy tâm sân nó cuồn cuồn lên, rồi nó sinh nó diệt. Nhưng giờ mỗi lần tâm sân khởi sinh là mình ghi nhận biết tâm sân khởi sinh, thì mình thấy ta đang ngồi thiền mà để lát hãy sân, rồi sao suy nghĩ để cho tâm sân khởi sinh, thì mình thiền quen rồi mình biết liền, tâm sân vừa khởi sinh mình biết ta đang hành thiền mà sao ta để cơn sân khởi sinh, thì cơn sân biến mất ngay. Khi đó mới gọi là niệm pháp. Mình niệm tâm sân là mình thấy tâm sân diễn biến, còn mình niệm pháp là mình biết có 1 cơn sân đang xuất hiện, và cơn sân đó không tốt cho ta nên mình chuyển qua đề mục khác liền. Hành thiền từ từ rồi mình tiến bộ, cho đến khi bất kỳ 1 pháp bất thiện khởi sinh trong tâm, mình ghi nhận được liền, mình không để cho pháp bất thiện tiếp tục.

 

(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app