Buổi 12: Hướng Dẫn Thiền Tha Thứ Từ Ái, Cách Trình Pháp & Ý Nghĩa Giữ Giới – Thiền Sư Khánh Hỷ Giảng

Buổi 12: Hướng Dẫn Thiền Tha Thứ Từ Ái, Cách Trình Pháp & Ý Nghĩa Giữ Giới – Thiền Sư Khánh Hỷ Giảng

Thiền tha thứ:

Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)

Thiền Tâm Từ:

Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người cùng chỗ làm với con, con hay gặp gỡ, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả thiền sinh, tất cả Phật tử, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)

Thiền Minh Sát

Chú tâm vào chuyển động của bụng, hay chú tâm vào hơi thở. Nhớ chú tâm vào hơi thở là chú tâm vào lúc chạm vào thành mũi bên trong, chứ không chỉ thấy hơi thở ra vào thôi, bụng cũng vậy, thấy từng chi tiết rõ ràng của vật chất ở bên trong.

Các Phật tử, thiền sinh chánh niệm lắng nghe Sư nói.

Dù cho có được hướng dẫn kỹ càng cách hành thiền, nhưng thiền sinh vẫn chưa hành thiền đúng. Cũng như chưa biết cách trình bày cách hành thiền cho thiền Sư. 1 số thiền sinh hành thiền rất khá, nhưng lại không biết cách diễn đạt hành thiền của mình cho thiền sư cũng như không biết cách truyền đạt những kinh nghiệm mình gặt hái được. Bây giờ chúng ta hãy xét xem khi hành thiền, đến khi mình gặp thiền sư mình trình pháp thì mình nói cái gì, mình quán sát cái gì và mình kinh nghiệm điều đó ra sao. Hành thiền Minh Sát chả khác nào trồng cây, trước tiên chúng ta cần phải có hạt giống đó là chánh niệm để quan sát các hiện tượng đang xảy ra một cách đầy đủ và rõ ràng. Các hiện tượng xảy ra là các hiện tượng của thân và tâm. Mình dùng chữ thân tâm cho dễ hiểu, dùng danh sắc khó hiểu lắm. Thật ra Đức Phật dạy mình chú tâm vào thân và tâm, chứ không có danh, sắc gì cả, nhưng sao người ta hay lộn chỗ này? Là vì chữ thân tâm, thân Pali là Rūpa, tâm Pali là Nāma, mà Rūpa còn có 1 nghĩa nữa là hình sắc, Nāma nghĩa khác là cái tên. Từ tiếng Pali có nhiều nghĩa, mà khi dịch sang tiếng Hoa, thì họ chỉ lấy 1 nghĩa thôi. Nên nhiều khi không đúng, nên phải chú ý vật chất và tâm. Thì mọi sự vật trên thế gian chỉ có vật chất và tâm thôi, không còn gì nữa. Nên mình quan sát vật chất và tâm thì dễ hơn là quan sát vào sắc. Chữ sắc cũng có nghĩa là vật chất, nhưng xưa rồi, giờ mình nói là nhìn vào vật chất. Vật chất có đặc tính nóng lạnh, cứng mềm, chuyển động, sức hút.

Sư nhắc lại. Hành thiền chả khác nào là trồng cây, trước tiên chúng ta cần phải có hạt giống đó là chánh niệm để quan sát các hiện tượng thân, tâm đang xảy ra một cách đầy đủ và rõ ràng. Muốn cho hạt giống nẩy mầm, trở thành cây con, rồi trưởng thành đơm hoa kết trái trí tuệ chúng ta cần phải có những điều kiện khác được gọi là năm yếu tố bảo vệ (Panca-nuggahita):

  1. Phải làm hàng rào để ngăn chặn những loài thú lớn nhỏ có thể làm hại cây, đó là Giới. Giới là yếu tố bảo vệ căn bản (Sila nuggahita). Giới ngăn ngừa, giúp ta không có những hành vi và ngôn ngữ bất chánh làm dao động tâm, ngăn trở Ðịnh và Huệ phát sinh. Thường con người mình có lương tâm, khác với con vật, có lương tâm nên làm gì đều có sự suy nghĩ lại, nếu làm ác tâm bồn chồn khó chịu, làm việc thiện tâm sẽ vui. Nên trước hết phải giữ giới, nghĩa là làm hàng rào để bảo vệ. Cũng như nhiều lần Sư nói, nữ, nhất là các sư cô phải giữ giới nhiều hơn nam, vì Đức Phật thương giới nữ, thấy họ yếu đuối nên đặt ra nhiều giới luật để bảo vệ họ. Nhưng nhiều người không hiểu, lại hỏi tại sao các vị Tỳ kheo giữ giới ít hơn các Tỳ kheo Ni. Là bởi vì nữ giới yếu đuối, giống như cây non, sợ các loài thú vào phá hoại, nên phải làm hàng rào. Đức Phật thương nữ giới nên làm hàng rào chắc hơn. Thí dụ nữ giới yếu đuối, nên Đức Phật nói khi các vị Tỳ kheo Ni không được vào rừng vào ban đêm, vì dễ bị nhiều sự nguy hiểm lắm. Như Tỳ kheo Ni khi đi đâu là phải có 2 vị, để bảo vệ cho nhau, còn Sư nam đi 1 mình được. Cũng như giới tà dâm, 1 vị Sư khi hành dâm mới phạm giới, còn người nữ Đức Phật muốn bảo vệ nên khi 1 người nữ để người nam đụng vào cơ thể từ phần ngực trở xuống là phạm giới (cố ý đụng vào), hay là đụng vào người nam cũng vậy, vì người nữ họ yếu đuối, người nam có sức mạnh hơn. Cũng giống 1 người nam hẹn người nữ đến chỗ nào để gần gũi nhau, khi mới hẹn vậy thì vị Tỳ khưu không bị tội, nhưng người nữ bị tội liền. Vì 1 người nữ họ yếu đuối, nên 1 người nam hẹn hò như vậy họ cũng có thể thay đổi ý định, người nữ cũng có thể thay đổi ý định, nhưng người nam biết ý định của người nữ rồi nên người nam có thể dùng sức mạnh thực hiện những điều họ muốn làm mà không tốt cho người nữ. Do đó nữ phải giữ giới nhiều hơn. Nên các vị nữ, nhất là các Sư cô phải hãnh diện mình được giữ nhiều giới, được Đức Phật thương yêu nhiều hơn.
  2. Phải tưới nước để hạt giống dễ nẩy mầm. Nghĩa là phải nghe pháp, đọc kinh sách, tìm hiểu giáo lý (Suta-nuggahita). Sau đó áp dụng những hiểu biết của mình vào thực hành. Không tưới nước quá nhiều làm thối mầm cây. Nghĩa là chỉ cần vừa đủ giáo lý để hiểu rõ phương pháp hành thiền. Ðừng để mình lúng túng, hoang mang lạc lối trong rừng ngôn từ ước định của kinh điển. Nhưng cũng đừng để hạt giống thiếu nước không thể nẩy mầm. Nghĩa là không hành thiền một cách mê muội, chẳng biết gì đến phương pháp.
  1. Phải vun phân tỉa lá, tỉa cành. Nghĩa là phải trình pháp với thiền sư để thiền sư biết được kinh nghiệm của mình hầu nhận được những điều chỉ dẫn cần thiết (Sakaccha-nuggahita). Trong khi trình pháp, thiền sư sẽ tùy theo kinh nghiệm của từng người mà có những điều chỉ dẫn thích hợp, tuần tự hướng dẫn thiền sinh đi những bước vững chắc trên đường hành đạo. Vì những thiền sinh mới hành thiền, vì chưa biết nên có nhiều khi mình chú tâm quán sát hành thiền tưởng là dở không tốt, nhưng thực ra là đúng đường, đang tốt, cũng như có thiền sinh hành thiền không tốt, mà cứ nghĩ vậy là tốt, là đúng phương pháp. Do đó cần phải có thiền sư gặp gỡ thường xuyên để trình pháp.
  2. Phải bắt sâu, làm cỏ. Nghĩa là có sự tập trung tâm ý vào đề mục để có định lực (Samatha-nuggahita) hầu gạt bỏ những tâm niệm bất thiện. Trong lúc hành thiền, ta phải cố gắng tập trung tâm ý vào đề mục và tỉnh thức để nhận diện những gì đang xảy ra ở sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm). Nhớ là hành thiền có định phải đi với tỉnh thức, ý thức sáng suốt biết mình đang làm gì, đây là điều rất quan trọng. Cũng như khi đối xử với mọi người phải biết mình là ai để mình đối xử với người khác. Chả hạn khi nói chuyện với ba mẹ, mình phải biết thân phận mình như thế nào, khi nói chuyện với bạn bè, mình cũng biết, khi nói chuyện với người cao hơn, người thấp hơn mình cũng phải có ý thức biết mình. Khi tâm có định lực sắc bén với sự hỗ trợ của tinh tấn thì tham sân si sẽ không có cơ hội dấy động.
  1. Nếu có được bốn yếu tố bảo vệ đầu tiên thì yếu tố thứ năm sẽ ra hoa kết trái trí tuệ (Vipassana-nuggahita). Thế nhưng thiền sinh thường dễ bị dính mắc vào những tuệ giác đầu tiên hay những kinh nghiệm đặc biệt hoặc kỳ diệu do tâm định đưa đến. Sự dính mắc này là một trở ngại khiến thiền sinh không thể tiến xa hơn và sâu hơn đến những tuệ giác kế tiếp. (Giống như mình đi trên đường, thì cứ 1 thẳng đến đích, đừng dọc đường thấy cảnh đẹp mà dừng lại đó, hưởng thụ cảnh đó mà không tiếp tục đi). Thiền sinh nên tinh tấn hành thiền một cách liên tục không dừng lại để nhàn du hưởng thụ những lạc thú do kết quả của việc hành thiền đem lại. Tham luyến vào những lạc thú tạm bợ đó là một trở ngại lớn lao trong đường tu tập. Những lạc thú nhẹ nhàng này có tên là Nikanti Tanha, là một loại ái dục vi tế, linh hoạt và nhẹ nhàng như một mạng lưới nhện mong manh nhưng nó có tác dụng chẳng khác nào một đòn kê cản trở bánh xe trí tuệ. Nếu thiền sinh gặp phải những cản trở này, trong những buổi trình pháp, thiền sư sẽ tìm ra ngay để hướng dẫn thiền sinh trở về đường chính. Ðây là lý do cho thấy tầm quan trọng của việc trình pháp. Nên hôm qua thấy nhiều người có những câu hỏi, thấy người nào có câu hỏi trình pháp mà trình độ thấy họ cao rồi thì không cho họ trình pháp chung với mọi người, mà Sư nói là gọi điện riêng cho Sư, để những người khác chưa tiến bộ lại tưởng tượng. 

Khi hành thiền minh sát chúng ta phải quán sát các hiện tượng vật chất và tâm. Kinh điển đã giải thích rõ ràng là hiện tượng tâm-vật lý luôn luôn khởi lên qua sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Chẳng hạn, khi có một sự nhìn thì mắt nhìn và vật được nhìn là hiện tượng vật chất, và nhãn thức khiến ta nhận ra vật được nhìn là hiện tượng của tâm. Tương tự như vậy, sự nhận biết âm thanh, mùi, vị, đụng chạm hay suy nghĩ cũng như những hoạt động khác của cơ thể như duỗi tay, co tay, bước đi v.v… cũng chỉ là các hiện tượng vật chất và tâm. Hòa thượng Mahasi dạy chúng ta phải quán sát ghi nhận tất cả mọi chuyện trên khi chúng xảy ra, đừng bỏ sót mảy may nào dù nhỏ nhặt đến đâu.

Mặc dầu được hướng dẫn kỹ càng, nhưng khi thực hành thiền sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Ðể giúp thiền sinh vượt qua các khó khăn, Hòa thượng Mahasi đã dạy những điều căn bản cho thiền sinh mới là chỉ quan sát một cách tỉnh thức chuyển động phồng xẹp của bụng. Thiền sinh phải biết cách quan sát các đề mục chính, cũng như phải ghi nhận như thế nào trong trường hợp có đề mục phụ phát sinh (đề mục chính là chuyển động phồng xẹp của bụng; đề mục phụ là suy nghĩ, liên tưởng, cảm giác, hình sắc, âm thanh, mùi, vị v.v… cũng có khi là phản ứng của chính thiền sinh trước các đối tượng phụ đó).

Ðể giúp đỡ cho thiền sinh vượt qua những chướng ngại, các thiền sư đã đặt ra sáu câu châm ngôn ngắn gọn sau đây:

  • Khi các hiện tượng được ghi nhận kịp thời ngay khi chúng xuất hiện thì đặc
    tính riêng của thân và tâm sẽ hiển lộ.
    VD: khi tia chớp xuất hiện là phải quan sát liền, nếu không sẽ mất, còn quan sát sớm quá thì chưa có gì, nên phải ghi nhận kịp thời. Đặc tính riêng của vật chất là tứ đại (nóng, lạnh, cứng mềm, chuyển động, sức hút), đặc tính riêng của tâm là hay biết. Nhưng vật chất và tâm cũng có những đặc tính chung: là có nhân, có quả, đặc tính vô thường, khổ.
  • Khi đặc tính riêng của thân và tâm được hiển lộ thì đặc tính nhân duyên sẽ
    hiển lộ.
  • Khi đặc tính nhân duyên hiển lộ thì sẽ thấy được tam tướng: vô thường, khổ,
    vô ngã.
  • Khi thấy được Tam tướng thì Tuệ Minh Sát sẽ xuất hiện.
  • Khi bị phóng tâm (suy nghĩ, lý luận, liên tưởng, vv…) cần phải trình bày cho
    thiền sư.
  • Khi có cảm giác hay cảm xúc gì cần phải quan sát, ghi nhận và trình bày
    cho thiền sư.”

Thiền sinh phải cho thiền sư biết mình đã quán sát chuyển động phồng xẹp như thế nào từ lúc khởi đầu cho đến lúc chấm dứt. Khi bụng phồng, bụng bắt đầu căng lên nhanh rồi tiếp tục căng cho đến lúc chấm dứt là lúc bụng ngưng lại rồi xẹp. Hãy quán sát từ lúc bắt đầu phồng, đoạn giữa của phồng và đoạn cuối của phồng. Khi nói đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối thì trong Thanh Tịnh Đạo nói không phải chỉ có 1 điểm đầu, điểm giữa, điểm cuối đâu, mình chú ý điểm đầu nó kéo dài dài thành khoảng giữa, rồi đến khoảng cuối, chứ không phải chỉ chú ý 3 điểm thôi đâu, cần theo dõi từng điểm 1, từ khởi đầu cho đến chấm dứt. Nhớ là khi chú ý phồng xẹp hãy quán sát từ lúc bắt đầu phồng, đoạn giữa và đoạn cuối. Nghĩa là tâm quán sát phải đi song song với tiến trình của sự chuyển động từ lúc khởi đầu, kéo dài cho đến khi chấm dứt. Thiền sinh mới rất khó ghi nhận ba giai đoạn trên nhưng phải cố gắng. Nếu thiếu cố gắng thì không có kết quả gì cả.

Một khi thiền sinh đã biết ghi nhận đề mục một cách chánh niệm, biết cách chú tâm song song với diễn biến của đề mục, biết theo dõi các giai đoạn liên tiếp của phồng xẹp, biết ghi nhận những gì mình thấy, những gì mình kinh nghiệm thì sẽ biết cách trình pháp một cách chính xác.

Có hai diễn biến song song trong khi thiền sinh hành thiền: Trước tiên là sự chú tâm quán sát hay ghi nhận đối tượng. Thứ hai là diễn biến của tâm quán sát đối tượng ấy. Ít nhất thiền sinh phải nhận ra được điều này thì mới có thể gọi là thấy hay kinh nghiệm.

Ðối với đề mục chính thiền sinh phải nói được kết quả của tâm lúc đối tượng diễn biến, hay nói được sự diễn biến song song của tâm chánh niệm và đề mục. Nghĩa là thiền sinh thấy rõ được diễn tiến của đề mục và diễn tiến của tâm ghi nhận đề mục. Thấy rõ diễn tiến của đề mục là có ghi nhận rõ sự phồng xẹp bụng không; diễn tiến tâm là thấy có chánh niệm hay không, có bị phóng tâm không. 

Nếu cả hai xảy ra cùng lúc (bụng đang chuyển động, tâm đang ghi nhận sự chuyển động) thì phải ghi nhận như thế nào? Ghi nhận tâm mình hay ghi nhận sự phồng xẹp của bụng? Thì nhớ là mình hành thiền phải chú ý vào đề mục, đề mục đó do mình chú ý vào vật chất phồng xẹp như vậy nên mình mới thấy tâm ghi nhận đề mục, nên đề mục ghi nhận là nhân, còn tâm ghi nhận đề mục là quả. Thì mình phải chú ý vào cái nhân thì mới thấy được cái quả, còn chú ý vào cái quả thì chỉ chú ý được 1 cái thôi, rồi nó mất đó. Nên quý vị hành thiền quý vị nhớ, khi mình hành thiền, mình chăm chú vào bụng thì mình thấy rõ 3 đặc tính trong sự phồng:

+ Hình dáng của bụng.

+ Thấy tư thế hay vị thế của bụng (đang xẹp hay phồng)

+ Đặc tính của sự phồng. Ghi nhận chính cái bụng? Ghi nhận tư thế của bụng? Hay ghi nhận diễn tiến của bụng trong khi phồng? Có ba yếu tố hiện hữu trong sự phồng:

Hình dạng: là hình dạng của cái bụng mà tâm thiền sinh chú vào. Toàn thể thân hình của thiền sinh là hình dạng của thân thể. Hình dạng của cái bụng cũng như vậy.

Tư thế của bụng: điều này tùy thuộc vào vị thế riêng biệt từng lúc một của bụng. Nghĩa là bụng đang xẹp, phồng, hay đứng yên. Tiếng Pali gọi là akara: có nghĩa là tư thế hay vị thế. Ví dụ: bàn tay đang ở tư thế nắm lại hay đang xoè ra? Hoặc cơ thể đang ở tư thế đi, đứng, nằm, ngồi? Nếu thiền sinh chú tâm quán sát bụng thì sẽ thấy hoặc hình dạng hay tư thế trước khi thấy đặc tính. Nhưng thấy hình dạng hay tư thế thì không phải là Thiền Minh Sát. Thiền sinh phải thấy đặc tính chủ yếu của sự phồng, như là sự căng cứng, sự chuyển động của bụng trong lúc phồng. Nếu quán sát kỹ thì thiền sinh sẽ thấy đặc tính này ngay mà có thể trình bày cho thiền sư một cách chính xác và rõ ràng khi trình pháp. Nhưng thiền sinh phải thấy chứ không phải tưởng tượng hay nghĩ là thấy (mới đầu có thể tưởng tượng, nhưng giờ phải thấy rõ, ví dụ quý vị lấy 1 ngón tay phải để vào cánh tay trái, mình sẽ thấy rõ những cảm giác, phải thấy rõ như vậy chứ không phải tượng tượng, mình rờ vào cơ thể thấy nóng, lạnh, cảm giác khi chuyển động, cảm giác khi đụng vào). Khi trình pháp phải chú trọng đặc biệt vào những điểm căn bản này.

Giai đoạn xẹp, thiền sinh cũng phải chú tâm quán sát ghi nhận như thế. Tâm đi song song với hoạt động của thân.

Cũng vậy trong lúc kinh hành, khi giở chân, thiền sinh phải quán sát kịp thời và cùng lúc với diễn tiến của sự giở chân: Từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt. Nếu làm được như vậy thiền sinh sẽ thấy gì? Phải chăng thiền sinh sẽ thấy hình dáng của chân hay tư thế của chân trong giai đoạn giở, rồi thiền sinh cảm nhận rằng chân bắt đầu nhẹ và nâng lên hay chân bắt đầu căng và đang đưa tới? Khi đó không chú ý vào hình dáng chân nữa, mà chú ý vào bên trong nó, thấy được chuyển biến của chân.

Thiền sinh phải trình bày cả ba đặc tính trên và dĩ nhiên thiền sinh phải hết sức chú tâm theo dõi chuyển động đi để có thể trình bày một cách rõ ràng và chính xác. Khi chân bước tới thiền sinh cũng phải quán sát kịp thời và cùng lúc với chuyển động của sự bước tới. Và thiền sinh sẽ thấy gì? Phải chăng thiền sinh thấy hình dáng của chân mình, hay tư thế hoặc cách thức của chân trong giai đoạn đưa tới, hay cảm nhận được sự chuyển động của chân được đưa từ sau tới trước.

Khi đạp chân xuống, thiền sinh cũng phải chú tâm quán sát từ lúc chân bắt đầu hạ xuống cho tới lúc chân chạm đất. Nếu chú tâm được như vậy thiền sinh sẽ thấy gì. Phải chăng thiền sinh thấy chân mình hay trạng thái của sự đạp chân xuống hay cảm nhận đặc tính chuyển động của sự đạp xuống, chẳng hạn như bắt đầu cảm thấy nhẹ và mềm?

Ðối với các đối tượng khác cũng phải chú tâm ghi nhận kỹ càng như vậy. Chẳng hạn: khi co tay, duỗi tay, cúi mình, đổi chân, ngồi xuống, đứng dậy v.v… cũng phải chú tâm ghi nhận như vậy

Như vậy, khi thấy rõ mình sẽ thấy. Ví dụ đặc tính riêng của vật chất hay tâm. Đặc tính riêng của vật chất là nóng, lạnh, cứng, mềm, chuyển động, sức hút. Đặc tính tiếp theo là đặc tính nhân duyên (đặc tính điều kiện, đặc tính nhân quả). Đặc tính thứ 3 mình thấy là thấy vô thường, khổ, vô ngã là thấy tam tướng. 

Thiền sinh cũng phải hiểu ý nghĩa ba đặc tính của các hiện tượng tâm vật lý. Ðó là:

  1. Ðặc Tính Riêng (Sabhava Lakkhana)
  2. Nhân Duyên hay điều kiện (Sankhata Lakkhana)
  3. Ðặc Tính Chung hay Tam Tướng (San-nanna Lakkhana)

(1) Ðặc Tính Riêng của hiện tượng vật chất và tâm:

(1.a) Ðặc Tính Riêng của Vật Chất: Vật chất có các đặc tính căn bản sau đây:

* Sự cứng, mềm, đó là yếu tố chiếm chỗ, làm nền tảng (đất), là đặc tính của xương và thịt.

* Lạnh và nóng đó là yếu tố nhiệt độ tăng giảm (lửa), là đặc tính nóng, lạnh của cơ thể.

* Sự kết hợp và tính chất lỏng (nước), đó là đặc tính dính chặt hay liên hợp của cơ thể.

* Sự chuyển động đó là yếu tố lưu chuyển (gió), là đặc tính của hơi thở, của 1sự phồng xẹp, của sự nâng đỡ, của sự di chuyển v.v…

Ví dụ nói cái bàn, thì đặc tính nước là ở sự kết chặt dính lại với nhau. Bột đang tách rời ra, nhưng đổ nước vô thì bột dính lại với nhau, đây là đặc tính của nước. Phơi khô thì bột vẫn dính lại với nhau như thường. Hành thiền mình phải thấy các đặc tính đất, nước, gió, lửa.

(1.b) Ðặc Tính Riêng của Tâm:

Ðặc Tính Riêng của Tâm là nhận biết, bao gồm: xúc (sự tiếp xúc của Tâm với đối tượng), Thọ (cảm giác), tri giác kinh nghiệm đối tượng, cùng các trạng thái và phản ứng của Tâm (vui, buồn, giận, chánh niệm, tinh tấn, ganh tỵ, phóng tâm vv..)..

(2) Nhân duyên hay điều kiện là đặc tính: nhân quả, điều kiện, sự khởi lên, kéo dài, và biến mất.

Các diễn biến tâm vật lý (vật chất và tâm) đều có điểm khởi đầu, điểm giữa và điểm cuối. Tiếng Pāḷi gọi ba giai đoạn này là uppada, thiti và bhanga. Uppada có nghĩa là bắt đầu hay khởi lên. Thiti có nghĩa là diễn tiến hay trải dài (cho đến khi chấm dứt). Bhanga có nghĩa là chấm dứt hay biến mất. Cả ba đặc tính này được gọi là Sankhata Lakkhana (Lakkhana: đặc tính, Sankhata: bao gồm hay tương duyên).

3) Tam tướng: là vô thường, khổ và vô ngã. Mọi hiện tượng, mọi pháp trong thế gian đều mang ba đặc tính này. Khi hành thiền như vậy, thấy được gì và mình trình bày cho thiền sư biết.

Trong ba đặc tính trên của các hiện tượng, thiền sinh phải hướng đến đặc tính đầu tiên trong khi thực hành thiền, tức là phải chú ý đến đặc tính chuyên biệt của hiện tượng vật chất (đất, nước gió, lửa). Làm thế nào để nhận thức được hay thấy các hiện tượng vật chất chuyên biệt này? Nghĩa là làm thế nào để nhận thức hay thấy các hiện tượng đất, nước, gió, lửa? Chúng ta phải chú tâm quan sát, ghi nhận kịp thời khi chúng xuất hiện. Khi chú tâm quán sát ghi nhận ta sẽ thấy đặc tính chuyên biệt này, chứ chẳng có cách gì khác hơn.

Khi bụng phồng lên hơi vào. Trước khi bụng phồng lên hơi chưa vào. Thiền sinh phải quán sát sự phồng của bụng từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt. Thiền sinh phải thấy được bản chất của sự chuyển động. Nhưng thế nào là bản chất của sự chuyển động? Khi bụng phồng lên: gió vào. Nhưng thế nào là gió? Ðó là yếu tố bành trướng hay chuyển động. Yếu tố bành trướng hay yếu tố chuyển động chính là bản chất của gió mà thiền sinh phải nhận ra hay phải thấy.

Thiền sinh sẽ thấy được ba bản chất của gió (chuyển động) khi nào thiền sinh chăm chú theo dõi sự chuyển động của bụng từ lúc khởi đầu, diễn tiến cho đến lúc chấm dứt. Nhớ là chú ý đến sự phồng, chứ không chú ý đến hình dáng hay tư thế của bụng. 

Trình Pháp

Câu hỏi 1: Trong khi theo dõi sự phồng xẹp rất kỹ nhưng sự phóng tâm của con đến rất nhanh. Con thấy sự phóng tâm đến chỉ trong khoảng 1/3 sự phồng lên của bụng, khi đó con ghi nhận “phóng tâm, phóng tâm” và hơi thở vào ra lúc đó rất mạnh và dài. Tương tự con bị rơi vào cơn buồn ngủ, sau khi ghi nhận con lại thở vào và ra rất mạnh vào lúc đó. Con làm như vậy có bình thường không ạ.

Trả lời: Cái đấy không phải mình làm đâu mà tự nhiên nó vậy. Thì quán sát cái đó. Mình thấy nó dài thì mình biết nó dài, nhưng không phải thấy hình dáng dài đâu, mà quán sát nó diễn tiến như vậy rồi mình tưởng nó dài, là tưởng tượng hình dáng của nó. Khi nó phồng lên mình chú ý đến sự phồng phồng, không chú ý đến cái dài ngắn, dài ngắn là tục đế. Còn chân đế không có dài ngắn, vì dài ngắn là tương đối, nó dài là vì mình so với vật khác. Nếu mình lấy cái dài so với cái dài hơn thì nó lại thành ngắn. Nên khi hành thiền không chú ý dài ngắn, lâu chậm của nó, chú ý sự đến sự đi của nó thôi. Vị hỏi là người chú tâm tốt đó. Giờ mình chú ý đến sự sinh diệt, sự đến sự đi của các hiện tượng xảy ra, mà không băn khoăn đây là vật chất hay tâm, đây là bụng hay ngực hay chân. Chỉ chú ý vào đặc tính chuyển động của nó, chú ý đất, nước, gió, lửa bên trong chuyển động đó. Khi mình chú ý vào các đặc tính đó mình thấy nó vô thường, khổ, vô ngã.

Câu hỏi 2: Trong thời gian làm việc con cảm thấy mất tập trung, mặc dù cố gắng quan sát, con nên làm gì để tập trung hơn ạ?

Trả lời: Khi đang làm việc khó tập trung lắm, mình khó thấy được đề mục. Nhưng khi đang làm việc, mình làm gì cứ chăm chú vào đề mục đó, khi có 1 tư tưởng gì xuất hiện thì mình nói nó giờ ta đang làm việc, không suy nghĩ. Làm bất kỳ việc gì cũng vậy, chăm chú vào công việc mình làm. Khi tâm hướng đến chuyện khác không chú ý vào công việc thì mình kéo nó về lại. Lúc đầu hơi khó, từ từ sẽ làm được tốt đẹp. Rồi đến khi mình làm việc mà âm thanh bên ngoài không vào được nữa. Nên tâm khi chú ý vào công việc, những gì bên ngoài xuất hiện ở trạng thái mờ mờ thôi. Khi đã chăm chú vào công việc rồi thì việc đó rõ hơn. Nhớ là khi làm việc chánh niệm khó hơn lúc ngồi yên, khó nhưng mình cần tập. Đâu phải những người giác ngộ là giác ngộ trong khi ngồi thiền đâu, họ giác ngộ bất kỳ tư thế nào, trong khi làm việc họ cũng giác ngộ được khi thấy được. Khi ngồi yên thì thấy rõ hơn. Bởi ngồi yên tâm không phải chú ý đến nhiều, chỉ chú ý phồng xẹp thôi, khi làm việc thì phải chú ý nhiều quá, nhưng mình chú ý được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Ví dụ trong khi ngồi thiền chánh niệm, định tâm tốt đẹp 50%, khi làm việc bên ngoài định, niệm chỉ còn được 2-3% thôi, nhưng chú ý vào công việc mình làm, ít còn hơn không có.

Câu hỏi 3: khi ngồi thiền con nghi nhận lúc phồng xẹp, lúc hơi thở có được không ạ?

Trả lời: chú ý 1 cái thôi. 2 cái như vậy khó chú tâm. Khi hành thiền có thể chú tâm vào bụng hay hơi thở, nhưng chọn 1 cái thôi. Có nhiều người chọn 1 cái, ví dụ bụng, lát sau thấy mũi lại chú ý mũi, lát sau thấy bụng lại chú ý bụng, đó là những nguời thực hành 2 thứ đó. Nhưng khi mình chăm chú 1 thứ thôi, như phồng xẹp chả hạn, thì lúc đầu có thể lên mũi, nhưng mình cứ chăm chú vào bụng thôi, thời gian lâu dài thì đề mục ở mũi khởi sinh mình cũng không thấy rõ, nên cứ chăm chú 1 cái thôi.

Câu hỏi 4: Là 1 giáo viên Yoga, nên khi hành thiền con quen với việc siết nhẹ bụng dưới và hít thở bằng lồng ngực nhiều hơi bụng dưới. Do đó con quán sát sự phồng xẹp ở lồng ngực hay hơi thở ở vách mũi rõ ràng hơn ở bụng dưới. Sư cho con hỏi việc hít thở bằng lồng ngực như vậy có nên không, có ảnh hưởng quá trình hành thiền không ạ?

Trả lời: Những ai hành thiền yoga mình quán sát thấy gì thì mình quan sát đó. Mình thấy ở ngực dễ hơn thì chú ý ở ngực, ở bụng dễ hơn thì chú ý vào bụng, tùy theo. Thành ra những người tập yoga, thể dục họ dễ chú ý phần trên hơn phần dưới. Còn người thường thì dễ thấy bụng. Còn những người yoga này khi làm những việc gì quen rồi, thì hít vào ngực phồng lên, chỗ đó mạnh hơn ở bụng. Thì ở đâu thấy dễ mình chú ý vào đó. Thành ra hành thiền là chú ý sự sinh diệt của đối tượng, chứ không phải nơi chốn nào. Sư nói có nhiều người chú ý ngực không được, bụng không được, cứ ngồi thấy các cảm giác trong cơ thể, thì mình chú ý vào các cảm giác trong cơ thể cũng được.

Câu hỏi 5: Con muốn hỏi về quan sát tứ đại khi đi kinh hành ạ. Sư dạy là khi thiền thì quan sát tứ đại chứ không phải gọi tên bộ phận hay hành động. Con thấy mình có gọi tên các cử động như nhấc, bước, đạp, ấn thì đôi khi con đọc như thuộc bài, suy nghĩ vẫn chen vào, nhưng khi con đặt suy nghĩ mình vào tứ đại lúc thiền đi, con niệm bước, nhấc chân lên con quan sát chuyển động của bàn chân trước, xuống là phong rồi khi đạp xuống con thấy lạnh là hỏa. Khi chân ấn xuống sàn nhà cứng là địa. Con quan sát vậy đúng không ạ?

Trả lời: Khi quan sát thấy cứng mềm là quan sát vào sự sinh diệt của cứng mềm, chứ không được nói tên nó ra, nói tên như vậy là xen 1 tâm suy tư, nhận định ở trong đó. Mình chỉ chú ý sự cứng mềm, nóng lạnh, sức hút, chuyển động trong sự bước đi của mình, quên mất cái chân luôn đi, quên mất mình đang bước tới hay dở lên, đạp xuống. Lúc đầu còn lẫn lộn nhiều thứ, lần lần chỉ còn thấy 1 thứ thôi. Bởi vậy khi mình thiền tốt đẹp, mình ngồi chỉ thấy những chuyển động trong bụng thôi, mình chú ý vào chuyển động bụng thôi, mình không thấy cơ thể mình nữa. Cứ chăm chú vào đất, nước, gió, lửa, những gì thuộc về vật chất đó. Lúc đầu mình thấy lộn xộn lắm, về sau thấy rõ hơn. Cứ cương quyết thực hành. Về sau đưa tay ra mình chỉ thấy chuyển động đưa tay ra thôi, không còn thấy tay nữa. Do đó 1 người hành thiền có khi vào trình pháp, bữa nay sao con thấy cái đầu con mất đi đâu đó, tại vì mình không chú ý vào đâu, chỉ chú ý vào phồng xẹp, còn cái đầu vẫn có nhưng mình không thấy thôi. Khi mình chú ý vào cái gì thì cái đó mất, không thấy được. Mỗi satna tâm chỉ thấy được 1 đối tượng thôi. Bởi vậy khi y tá, bác sĩ chích kim cho mình, trước khi chích họ thường lấy tay vỗ vào mông mình, trong khi đó họ mới chích thì mình lo để ý ở mông mà không để ý ở chỗ tiêm, nên không đau. Có chuyện vui là có ông bác sĩ ông nhổ răng, ông nói khi nào tôi ra dấu thì cô phải chích vào mông người kia, thì ra dấu vậy cô y tá chích vào mông người nhổ răng, người đó thấy đau quá nhưng trên đây ông nhổ răng xong rồi. Tâm khi chú ý cái này thì quên cái khác đi. Nhiều đứa rút ví mình, đến gần mình nó la lên 1 cái thật to, hay làm gì mình chú ý cái đó rồi rút ví lúc nào mình không biết. Khi tâm chánh niệm tốt đẹp thì những chỗ khác biến mất.

Câu hỏi 6: Khi ngồi thiền thân và tâm con thoải mái, con đang chú tâm vào phồng xẹp thì con thấy có cảm giác xuất hiện, con thấy cảm giác này diễn ra rất rõ nhưng con không biết diễn tả thế nào, vì cảm giác này xuất hiện nhiều lần nên con biết sau đấy con sẽ rơi vào trạng thái như hôn trầm, con rà soát lại thân tâm, thấy thân tâm vẫn thoải mái, tâm vẫn quan sát được đề mục, mặc dù con có phóng tâm, nhưng cảm giác này vẫn xuất hiện, con cố gắng theo dõi và bám vào đề mục nhưng con vẫn rơi vào trạng thái này lúc nào không hay, và sau đó khó quan sát đề mục, kể cả khi không phóng tâm, có cảm giác nặng nề trong tâm hơn. Xin Sư chỉ cho con làm gì để không rơi vào trạng thái này nữa ạ.

Trả lời: Chả hạn mình đang chú ý phồng xẹp, thì để chánh niệm tốt đẹp hơn, lúc phồng mình nói phồng phồng phồng, xẹp mình nói xẹp xẹp xẹp xẹp để cho dễ. Nhiều khi mình nói phồng xẹp mà tâm vẫn đi đâu mất, thì phồng lên mình nói phồng phồng, cuối cái phồng mình nói biết. Khi đó mình tỉnh giác để biết mình đang chú ý vào đó. Khi xẹp xong mình nói biết, để kiểm soát xem tâm mình chánh niệm không hay đi chỗ khác. Khi đó, tâm dù có đang phóng đi thì cũng quay trở lại, chứ không phóng đi lâu. Có nhiều người tâm hay phóng đi, là phóng đi lúc nào? Nó phóng đi giữa 2 cái phồng xẹp đó, mình thấy phồng lên, như có khoảng trống rồi xẹp xuống, thì mình ghi nhận phồng-phồng-biết-xẹp-xẹp-biết, hoặc ở khoảng trống của phồng xẹp, mình có thể niệm đụng, rồi chú tâm vào mông tiếp xúc đất, phồng – đụng – xẹp – đụng. Nhớ là ai thấy khoảng hở mới niệm như vậy, người nào không có thì không cần. 

Câu hỏi 7: Con ngồi thiền bị chao đảo, kéo ngã mình về phía trước, mặt con để úp xuống đất sau đó bị kéo ngả ra sau, kéo về 2 bên trái phải, 2 bàn tay con bị đưa lên rồi chắp tay xá xuống như đảnh lễ. Vậy con có cần ghì lại không ạ?

Trả lời: Nhiều người ngồi lâu cơ thể mình không chuyển động được thì cơ thể mình tự động chuyển động, khi đó mình có thể nói nó chuyển động như vậy, múa tay múa chân như vậy thì mình ghi nhận rồi nói không múa, ngồi yên là nó ngồi yên. Còn mình cứ chiều theo nó thì nó múa hoài đó, vì khi nó múa nó khỏe mà. Ví dụ thường mình ngồi thẳng, thấy mỏi quá mình nghiêng qua nghiêng lại đỡ mỏi. Người ta bị cái khổ là lúc nào cũng phải chuyển động, đứng yên chịu không nổi, nó phải thay đổi tư thế hoài, thì là chuyện tự nhiên. Mình thấy nó xoay thì mình nói không xoay, ngồi yên là nó ngồi yên. Mình thực hành mà chưa được thì báo cho Sư, Sư chỉ cho cách khác.

(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app