Buổi 2: Thiền Sư Khánh Hỷ Hướng Dẫn Thiền Tha Thứ, Thiền Rải Tâm Từ & Thiền Vipassana Cơ Bản 20/09

Thiền tha thứ:

Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)

Thiền Tâm Từ:

Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thước tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)

Thiền Minh Sát

Hôm qua Sư hướng dẫn cho các vị phải chú tâm vào chuyển động của bụng, người nào thấy không chú ý được vào bụng thì bây giờ mình chú tâm vào mũi.

Mục đích hành thiền là gì? Để mình thấy được vô thường – khổ – vô ngã. Nhưng mà trong cơ thể mình có 2 chỗ để dễ thấy được vô thường – khổ – vô ngã đó là chuyển động ở bụng, hay là hơi thở. Khi mà chú ý vào hơi thở, mình thấy hơi thở ra vào cọ vào bên trong mũi của mình. Chứ không phải mình hít vào cho nó chạy vô trong, rồi nó đi đến đâu mình theo đến đấy, như vậy không rõ đâu. Thành ra quý vị thử coi lại mình hít vào mình thấy hơi thở cọ vào bên trong mũi 1 chút. Nó cọ vào chỗ nào thì mình chú ý ở chỗ đó. Có người thấy nó cọ ở cửa mũi, có người thấy sâu ở trong 1 chút. Nhớ là khi mình chú ý vào hơi thở thì chú ý vào chỗ hơi thở ra vào chạm vào, chạm vào chỗ nào thì mình thấy có cảm giác ở đó, nó có thể nóng lạnh, cứng, mềm, thì mình chú ý vào đó. Nhớ là không được theo dõi hơi thở vào trong, vì mình không thấy rõ đâu.

Giờ quý vị tập thử nào. Mà vị nào thấy chuyển động phồng xẹp tốt thì cứ tiếp tục, không cần đổi qua hơi thở.

Mình nhìn vào thôi chứ không cố gắng, không cố gắng hơi thở dài hay ngắn. Mình theo dõi nhìn vào chỗ hơi thở đụng vào bên trong chỗ mũi đó. Nhất là theo dõi chỗ hơi thở ra vào chạm vào mũi, nhớ là mình theo dõi bằng tâm, chứ không phải chúi con mắt vào lỗ mũi. Nhiều người hay bị nhức đầu do chăm chú nhìn cho được bên trong mũi, thì trường hợp đó dễ sinh ra nhức đầu, vì 2 con mắt dồn lại thì nó gần quá, mắt có thể lé đi, nên sinh ra nhức đầu. Nên chú tâm vào mũi, chứ không phải chú ý mắt vào mũi.

Bây giờ các thiền sinh ngồi im để nghe, không chú ý vào mũi hay bụng nữa. 

Có nhiều cách để quan sát, nhưng có 2 cách chính để mình nhìn thấy rõ là chú ý vào bụng, hay lỗ mũi. Còn có cách nữa là mình thấy chỗ nào hiện rõ ra những hoạt động của thân thì mình chú ý vào. Cũng có nhiều người không chú ý được mũi, không chú ý được bụng luôn, thì những người đó có thể ngồi yên, chú ý vào trong cơ thể mình thấy chỗ đó hiện rõ nóng lạnh, cứng mềm, chuyển động, sức hút – hiện rõ Đất, Nước, Gió, Lửa thì mình có thể chú ý vào chỗ đó.

Nhưng mà thông thường, 2 chỗ dễ thấy nhất là ở bụng và mũi. Thật ra trong kinh Đại Niệm Xứ có nói rõ là chú ý vào mũi là được ghép vào thiền định, hay thiền chỉ. Còn khi chú ý vào Đất, Nước, Gió, Lửa trong cơ thể mình, có thể mũi, bụng hay nơi khác là khi đó mình mới gọi là hành thiền Minh Sát. Tại vì chú ý vào Đất, Nước, Gió, Lửa nhiều mình mới thấy nó sinh diệt, biến đổi. Như vậy chỗ nào trong cơ thể mình nhìn thấy biến đổi được thì mình cứ nhìn vào. 

Cho nên khi chú ý ở mũi, hay bụng, hay cái gì hiện ra trong hiện tại rõ nhất thì mình chú ý vào đó. Mình ngồi 1 lát, cái chân nó đau, thì bây giờ mình thấy cái chân đau rất là rõ ràng, mình hướng về mũi hay bụng mà cái tâm cứ hướng về chỗ đau, thì lúc đấy cái đau đang rõ ràng. Thì ta chú ý vào cái đau. Chú ý vào những cảm giác chỗ đau nó sinh nó diệt. Mình chú ý vào cái đau có thể nó tăng dần lên, hay nó giảm. Nó không phải chỉ có 1 cái đau thôi, mà 1 cái đau đó có thể kéo dài đau đau đau, mỗi cái đau là 1 khác rồi đó. Khi chú ý vào cái đau, nhớ chú ý vào sự sinh sự diệt của cái đau. Chứ không phải chú ý vào cái đau. Mình lợi dụng cái đau để thấy được sự sinh diệt. Khi mình chú ý đến sự đến sự đi của cái đau, thì cái tâm không còn chú ý đến cái đau, cái đau như tạm thời biến mất. Tâm mình chỉ mỗi sát na, thì nó chỉ ở trên 1 đối tượng thôi, nó không thể chú tâm 2 đối tượng cùng 1 lúc. Ngay cả khi mình ngồi thiền, mình thấy tâm mình phóng đi chỗ khác, thì lúc đấy tâm không nằm trên đề mục, bởi vậy mình mới kéo về đề mục của mình, là chuyển động của hơi thở, hay chuyển động của bụng, hoặc là chuyển động sự thay đổi 1 nơi nào đó trên cơ thể mình. Nhưng đối với cái đau, nhiều khi mình chú ý vào, mình chịu đựng không nổi thì mình dỡ chân. Mà nhớ trước khi dỡ chân phải ghi nhận ý định muốn dỡ chân, rồi sau đó chân mới trở. Tại sao phải ghi nhận vậy? Vì khi ghi nhận muốn đó, thì mình thấy do muốn mà có di chuyển, thì cái chân mới di chuyển, thì khi đó mình thấy mọi sự vật trên thế gian này mọi sự vật đều có nhân có quả. Cái muốn đó là cái nhân, nó khiến cho chân mình di chuyển là cái quả. Do chân mình di chuyển nên mình ghi nhận được sự di chuyển, bây giờ sự di chuyển biến thành nhân, mình chánh niệm theo dõi nó biến thành cái quả. Mình tiếp tục hành thiền nữa, mình thấy những chỗ mình chú ý vào đó, nó đến rồi đi nó đến rồi đi, mình tiếp tục nữa mình thấy chỗ mình nhìn vào nó như tan biến, nó đi đi rất là nhanh. Khi đó mình thấy rõ vô thường. Mình thấy nó biến đổi không theo ý của mình.

Khi mình ngồi thiền một lát cái đau nó đến, cái đau là cái mình dễ thấy nhất, thì khoan vội trở chân đã, mình đang chú ý vào bụng hay mũi, mà bây giờ cái đau nó mạnh thì đưa tâm chú ý vào cái đau. Cái đau có thể nóng nóng lên, có thể lạnh, hay nhìn vào trong mình thấy nó rung chuyển, cái đau chạy tới chạy lui thì mình xem kỹ cái đó. Nhớ là theo dõi sự đến sự đi của nó, sự biến đổi của nó, sự biến đổi của những hiện tượng xảy ra chứ không phải theo dõi cái đau.

Mục đích hành thiền là gì? Để thấy rõ mọi sự là vật chất và tâm luôn biến đổi, đến rồi đi, không theo ý của mình. Càng nhìn rõ chừng nào mình sẽ không thấy có cái tôi cái ta gì cả. Mình không thể làm chủ cái gì trên thế gian này cả. Nên nói hành thiền tu hành để thấy vô thường – khổ – vô ngã.

Hành thiền xong mình phải trình pháp. Vừa rồi có những câu trình pháp thì giờ con đọc lên để Sư giải thích cho quý vị thấy.

Hỏi Đáp

Câu hỏi 1: Thưa Sư cho con hỏi, khi con ngồi thiền con bị vấn đề về thân. Đầu tiên là sau khoảng 3 hơi thở con bị rơi vào trạng thái mơ ngủ, tâm mê man không còn nhận biết được hơi thở và phồng xẹp ở bụng. Sau đó nó tự tỉnh và cơ thể con bị trào cử không yên, nó cứ bứt rứt không yên, muốn vung tay vung chân, con phải gồng để kìm nó, giống như con đang vật lộn với thân này. Và những lúc như vậy con rất mệt, vã mồ hôi và tâm bất an. Con không yên và bắt đầu sinh tâm sân hận. Sư cho con xin lời khuyên để có thể ngồi nhẹ nhàng quán xét phồng xẹp ở bụng. Con cảm ơn Sư.

Trả lời: khi ngồi thiền, giống như mình đứng ở ngoài nhìn vào cơ thể mình. Mình đừng bị ảnh hưởng bởi cơ thể đến tâm của mình. Như vậy, khi chú ý vào cơ thể mình, mình thấy cái gì mình ghi nhận nó để thấy nó đến nó đi. Nhưng thường thường khi ngồi 1 lát mình buồn ngủ. Ngủ rồi mơ màng như vậy, tâm không thể chánh niệm được, thì chuyện đó hay xảy ra. Khi mình tỉnh dậy, mình thấy “ủa nãy giờ mình ngủ rồi”. Nhiều khi cái tâm thấy bất bình với mình, nó hỏi “ủa đang ngồi thiền sao ngủ”, có cái tâm tự trách mình khởi sinh. Thì khi đó cũng đừng trách gì, mình cố gắng trở lại chánh niệm. Thường tâm nhảy đi chỗ khác vì tâm chánh niệm không khắng khít vào đề mục.

Nên những người khi chú ý vào hơi thở, thì cái tâm mình phải khắng khít vào hơi thở. Mình có thể kiểm soát bằng cách khi mình thở ra mình nói ra ra, hoặc là mình dùng chữ gì cũng được, biết biết, là hơi thở đang cọ vào mũi mình đó. Hay là bụng đang phồng, mình nói chữ biết biết, hay phồng phồng. Nhưng mình dùng chữ biết biết thì tốt hơn. Nhiều khi mình nói biết biết mà cái tâm cũng phóng thì kiểm soát lại bằng cách từng hơi thở 1, ví dụ như cái bụng nó vừa phồng, thì khởi động phồng thì mình ghi nhận trong tâm là biết biết, rồi cuối cái phồng mình ghi nhận thêm biết biết – tức là kiểm soát xem nãy giờ có bị phóng tâm không. Thành ra, khi mình theo dõi chuyển động của bụng, khi đó là đang chánh niệm, mà mình biết mình đang chánh niệm là tỉnh giác. Nhiều khi mình theo dõi này, có chánh niệm mà thiếu tỉnh giác, mình không biết mình đang làm gì, nên để chánh niệm đi liền với tỉnh giác, mình phải biết mình đang làm gì.

Cái tâm bị phóng mình kiểm soát nó bằng cách nó đang phồng lên mình theo dõi nó, cuối cái phồng mình tỉnh giác nên mình nói biết để kiểm soát lại xem tâm có bị phóng đi đâu không. Khi xẹp cũng vậy, theo dõi xẹp xẹp, cuối cái xẹp mình nói biết. Nên nếu có phóng tâm thì phóng trong 1 cái phồng hoặc xẹp thôi. Nhớ là khi hành thiền, phóng tâm mình biết phóng tâm, chứ đừng có lo sợ là phóng tâm nhiều, không lo sợ gì cả, cái gì nó hiện ra thì mình ghi nhận thế đó, không có sợ phóng tâm mà chỉ sợ mình chánh niệm không có kịp. Nhưng chánh niệm không kịp thì mình biết chánh niệm không kịp rồi mình tiếp tục chánh niệm. Rồi khi bị phóng tâm thì buồn ngủ sẽ đến. Tâm phóng đi không chú ý đến đề mục thì buồn ngủ sẽ đến. Mình cũng phải kiểm soát, theo dõi. Buồn ngủ đến mình biết buồn ngủ đến.

Mình cố gắng chánh niệm để buồn ngủ khỏi đến. Sau khi mình chánh niệm 1 lát rồi, mình thấy mình bị thất niệm thì cái tâm sinh ra tự trách đó, thì lúc đấy mình ghi nhận rồi mình trở lại đề mục chính. Tâm tự trách sẽ trôi qua. Rồi có nhiều người ngồi thiền 1 lát, nó rơi vào tình trạng không biết gì đó, khi tỉnh dậy xảy ra nhiều triệu chứng kia đủ thứ, tâm có thể rung chuyển này kia thì mình ghi nhận nó thôi. Rồi trở lại đề mục chính của mình. Nó có thể xảy ra ăn năn hối hận, cơ thể rung chuyển, nếu xảy ra thì ghi nhận rung chuyển rung chuyển. Cũng như khi mình ngồi thiền 1 lát, cơ thể lắc qua lắc lại thì mình chú ý chỗ lắc qua lắc lại của nó 1 chút xíu thôi, rồi cái tâm nói ngồi thẳng không nhích qua nhích lại. Chứ mình cứ để yên như vậy là nó nhích hoài.

Mà cái cơ thể mình tại sao nó không ngồi yên được? Vì nó bị cái nghiệp nên nó phải nhúc nhích, nếu không nhúc nhích nó sẽ bị đau, nó phải thay đổi tư thế hoài. Nên ngồi hoài 1 lát là nó đau, mình thay đổi tư thế bằng đứng dậy, nhưng 1 lát nữa nó lại khó chịu lại. Nên mình bị cái khổ là cơ thể phải luôn thay đổi thay đổi hoài, đây là chuyện tự nhiên phải ghi nhận, đừng trách cứ ân hận vì những chuyện xảy ra. Mình như 1 người đứng bên ngoài mình quan sát thôi. 

Câu hỏi 2: Con kính Bạch Sư, trong quá trình ngồi thiền con thấy đầu mình ghẹo qua phải gần như suốt thời thiền, con ghi nhận nghiêng nghiêng, khi con ngồi ở tư thế này con không hề thấy khó chịu, khi xả thiền mới hơi khó chịu. Vậy con có cần phải để thẳng đầu không ạ?

Trả lời: thường cơ thể mình khi ngồi thiền, mình muốn cơ thể ngồi thẳng là mình giữ đó, chứ thường cái đầu nặng nó luôn gục qua 1 bên, có người gục bên trái, có người gục bên phải. Nên khi ngồi thiền mình vừa chú ý vào hơi thở hoặc bụng, vừa có 1 tâm giữ cho cơ thể thẳng. Nhưng ngồi 1 lát mình chánh niệm vào cái bụng hay mũi rồi thì mình chánh niệm vào 1 cái thôi, mình quên mất việc giữ thân thẳng, đó là chuyện tự nhiên. Khi thấy vậy mình ghi nhận nó nghiêng, rồi muốn thẳng lên thì mình ghi nhận “muốn thẳng lưng” rồi mình thẳng lưng lên, trong khi đó theo dõi sự chuyển động thẳng lưng, nó thẳng đúng rồi thì mình dừng lại.

Nhiều khi theo dõi muốn thẳng lên rồi nó lại ưỡn mình ra sau, thì mình tập dần quen rồi lưng mình sẽ thẳng ra. Nhưng chỉ có 1 số người thẳng thôi, 1 số người ngồi lát nó lại cong xuống, vì nó theo định luật sức hút nên nó phải cong xuống, là chuyện tự nhiên, còn mình cố gắng thẳng. Nên tư thế ngồi thẳng của mình phải nghiêng nghiêng chút mới dễ chịu, chuyện đó là tự nhiên, nên mình cố gắng giữ cho thẳng, dần nó quen. Còn nếu không quen thì mình vẫn cố giữ cho thẳng thôi. Mình thấy hình mấy vị thiền Sư bên Thái hay Miến, nhiều vị lưng vẫn còng xuống, hoặc ghi ngồi thiền 1 lát cái lưng cũng còng xuống, trong khi những lúc đầu họ ngồi rất thẳng, sau đó lưng họ còng xuống hoặc nghiêng trái hoặc nghiên phải, nhất là vào buổi chiều. Thì mình thấy mình thẳng lại.

Câu hỏi 3: Thưa Sư con đã quen với việc quan sát hơi thở từ trước đến giờ, nên bây giờ con có thể tiếp tục quan sát hơi thở được không, hay là con nên chuyển qua quan sát phồng xẹp ạ?

Trả lời: Sư nói rồi đó, không quan sát bụng được thì mình chú ý vào mũi. Tại sao mấy vị thiền sư hướng dẫn hay bảo chú ý vào bụng, vì theo thống kê ở trường thiền Mahasi người ta thấy, chính Ngài Mahasi cũng nói đó, chú ý vào bụng nhiều hơn mũi, số người chú ý vào mũi chỉ được 10% thôi, còn 90% chú ý vào bụng thấy rõ hơn. Nên khi hành thiền cái gì mình thích hợp thì hướng về cái đó. Người nào chú ý vào mũi thì vào mũi, cái nào vào bụng thì vào bụng. Mình thử đi, thấy cái nào tiện thì chú ý vào. Nhiều người không chú ý vào cả 2 được thì mình chú ý vào chỗ nào nổi bật nhất.

Có người chú ý toàn thân, lúc đầu chú ý trán, nhìn vào trong đó mình thấy nóng lạnh chuyển động gì đó, chú ý vào trong đó, đó là niệm thân đó, rồi lát sau không rõ mình kéo đi chỗ khác. Phương pháp đi nhiều điểm trên cơ thể, do nó đi nhiều điểm quá nên nó giúp mình không bị buồn ngủ, tâm không bị phóng đi nơi khác, vì mình dẫn nó đi mà. Nhưng mà người nào khi dẫn đi mình chú ý điểm nào, chứ không phải dẫn đi hoài đâu, mình đi vậy để tránh phóng tâm, rồi thấy chỗ nào rõ nhất thì chú ý vào đó. Mục đích hành thiền của mình là để thấy sự sanh diệt, chứ không phải bắt buộc chạy khắp nơi. Mình chạy khắp nơi để mình tìm chỗ nào rõ nhất, để mình nhìn sự sinh diệt ở chỗ đó. Thành ra chú ý đến đề mục trong hiện tại, chỗ nào rõ nhất thì mình chú ý vào đó. Như mình chú ý vào bụng hay mũi, mà giờ chân đau quá thì mình chú ý vào chân. Rồi khi chú ý tâm vào chỗ đau thấy sự sinh diệt của cơn đau, rồi 1 lát nó hết đau nhức thì khi đó mình trở lại mũi hay bụng, vì chỗ đó dễ thấy nhất.

Câu hỏi 4: Thưa Sư khi con ngồi thiền bị nhức tê chân, sống lưng. Thì mình ghi nhận cái đau đó rồi duỗi ra cho bớt đau, hay là mình giữ nguyên tư thế đó để sinh định ạ?

Trả lời: định sinh ra không phải do mình chịu đựng. Nhưng nhiều khi mới đau chút mà cơ thể đã muốn chuyển động rồi, thì mình cố gắng ngồi thêm 1 phút nữa thôi, mình nhìn đề mục đau đó, không chịu được thì bắt đầu trở chân. Tại sao trở chân? Vì nó đau nhức. Thì trong khi dỡ chân như vậy mình cũng phải chú ý vào chỗ dỡ chân, chuyển động của chân, chú ý vào cái chuyển động. Chuyển động xong mình nhìn vào chỗ đau nhức, mình thấy cái đau nhức tan biến hạ hạ xuống, mình tiếp tục nhìn vào trong đó cho đến khi nó hết. Thì quay lại đề mục ở mũi hoặc bụng. Nhớ là mình sửa tư thế, cái gì rõ nhất thì mình nhìn vào đó. Nhiều khi do đau mình phải dỡ chân, mà do chăm chú nhìn vào sự dỡ chân, mình nhìn được giáo pháp. 

Cũng như có người chửi mình, mình giận lên, thì mình ghi nhận cơn giận, chú ý sự đến sự đi của cơn giận, sự tăng sự giảm của cơn giận, chứ không phải nhìn vào cơn giận. Mình nhờ nó để nhìn thấy tâm mình đang di chuyển. Do đó, khi ví dụ ai chửi mình, thì mình niệm vật chất và tâm mà, nên ai chửi mình thì mình chú ý đến tiếng động, mình sẽ thấy tiếng động đến rồi đi. Nhớ là biết tiếng động thôi, không cần biết nghĩa của tiếng động. Thành ra nhiều khi ai chửi mình mà mình giác ngộ. Mình thấy được tiếng động sinh diệt sinh diệt.

Khi mình Thiền Minh Sát, lúc nào cái gì xảy ra cũng là đề mục cho mình thiền được hết. Như khi hành thiền, phóng tâm quá thì mình ngồi chú ý tiếng động, tiếng động đến rồi mất, đến rồi mất, nhất là khi ngồi thiền mà ồn ào quá, thì mình chú ý đến sự ồn ào, tiếng động đến rồi mất, mình chú ý vào tiếng động, chứ không hiểu nghĩa tiếng động. Cho nên nhiều người ngoại quốc, họ muốn đến trung tâm thiền của Việt Nam để hành thiền, có người Sư hỏi tại sao tới đây hành thiền mà không ngồi bên Mỹ. Họ nói do qua đây thiền, người ta nói con có biết đâu, con chỉ nghe âm thanh thôi. Còn con tới trung tâm bên Mỹ, họ nói con hiểu nên con bị phóng tâm, còn bên đây con chỉ nghe tiếng động tới mất thôi. Những người đó là biết lợi dụng phiền não để phát sinh bồ đề đó, chứ không phải phiền não tức bồ đề đâu. Lợi dùng phiền não để phát sinh bồ đề, tức là giác ngộ đó. Nên 1 người hành Thiền Minh Sát, bất cứ ở đâu mình cũng thấy nhẹ nhàng.

Câu hỏi 5: Thưa Sư, trong bài pháp Sư có giảng là quan sát các cảm giác của tâm. Nhưng con lại cũng nghe rằng, lúc phóng tâm thì không được phóng tâm quá 2 thời phồng xẹp mà kéo tâm về phồng xẹp. Vậy có mâu thuẫn không ạ?

Trả lời: đương nhiên khi tâm phóng đi chỗ khác, thì mình kéo tâm về cái đề mục chính của mình. Nhưng khi mình kéo về đề mục chính không được thì mình chú ý vào chính phiền não đó, chứ không phải là bắt buộc phải làm 1 cách đâu. Nhưng mà lúc đầu tiên thường hành thiền, tùy theo thiền Sư xem thử người đó thiền lâu hay nhanh vị đó có cách chỉ dẫn. Ví dụ người mới hành thiền, khi tâm phóng đi chỗ khác thì phải kéo về đề mục chính. Nhưng khi vị đó hành thiền lâu rồi, khi phóng tâm thiền Sư nói rằng chú ý vào chỗ phóng tâm. Lúc đầu mình tập định, hướng tâm đến 1 đề mục, nó phóng tâm là kéo về đề mục chính, về sau quen rồi thì khi tâm phóng đi đâu, lấy đó làm đề mục. Thành ra khởi đầu bắt mình thiền định 1 thời gian cho nó quen. Nên sau khi tiến bộ cần trình pháp riêng, vì thiền Sư có thể hướng dẫn người này 1 cách như vậy, mà người khác nghe bắt chước làm theo. Nên 1 vị dạy thiền phải mất nhiều thì giờ để cho từng người trình pháp.

Câu hỏi 6: Thưa Sư, con là người kinh doanh, thói quen hiện tại của con là hay suy nghĩ về công việc trong lúc làm việc khác. Con nghe Sư giảng là biết phải chú tâm về thân, vậy khi con muốn suy nghĩ về công việc để sắp xếp thì con nên thực hành thế nào ạ?

Trả lời: mình là người kinh doanh. Thì mình đang lái xe, mình nghĩ về việc kinh doanh là sai về hành thiền rồi đó. Mình đang lái xe hay đang làm gì đó, mình có suy nghĩ mà sợ mất đi tính toán đó, thì mình dừng việc đó lại, lấy viết viết ra những suy nghĩ đó. Rồi hết thời giờ đó như lái xe xong, về mình mới tính toán. Giống như nhiều khi đi xe trong 1 giờ mà mình có nhiều suy nghĩ hay lắm nó khởi sinh, thì mỗi khi có ý nghĩ hay vậy mình dừng xe lại, rồi ghi. Về nhà mình mới bắt đầu suy nghĩ tính toán. Phải làm vậy. Làm việc gì làm 1 việc thôi, không làm 2 việc, nhất là người đang kinh doanh. Hễ mình làm việc khác, nhất là đang lái xe mà tính toán là dễ bị xe tông lắm. Nhớ là tâm mình mỗi satna nó chỉ hướng về 1 đề mục được thôi. Nên có nhiều người làm xiếc hay ăn trộm, họ biết điều đó nên họ đến chỗ mình họ làm tiếng động thật mạnh rồi tay kia rút ví của mình. Nên nhớ làm gì làm 1 cái thôi.

(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app