Buổi 9: Hướng Dẫn Thiền Tha Thứ, Thiền Từ Ái và Ý Nghĩa Đảnh Lễ Chư Tăng – Thiền Sư Khánh Hỷ Giảng

Buổi 9: Hướng Dẫn Thiền Tha Thứ, Thiền Từ Ái & Ý Nghĩa Đảnh Lễ Chư Tăng – Thiền Sư Khánh Hỷ Giảng

Các vị đọc câu “Phạm thiên vẫn ngậm ngùi vẫn khẩn khoản”. Câu này là câu thơ nên họ nói vậy cho hay, phạm thiên khẩn khoản tức là yêu cầu đó.

“Phật nhận lời nhưng chẳng dĩ hơi”, không dĩ hơi làm sao mà thuyết pháp được. Nhận lời không dĩ hơi là sao? Là do câu thơ nên họ viết như vậy. Ý là Phật nhận lời nhưng vẫn lặng thinh. Với các nhà Sư khi ai yêu cầu, họ nhận lời thì họ lặng thinh, chứ không có nói, giống như sự im lặng là bằng lòng vậy đó. Có khi vị Sư lặng im vì có lí do khác. Ví dụ 1 người đến đảnh lễ Chư Tăng, quý vị thấy 1 vị Tăng có khi nào đảnh lễ lại, hay tỏ vẻ mình nhận lễ đó? Bởi theo giới luật của Chư Tăng, những người đảnh lễ mình, thì không phải họ đảnh lễ chính mình mà họ đảnh lễ bộ y của ông Sư, đảnh lễ hình dáng của 1 vị Sư, ông Sư là người mang bộ y đó.

Nên khi nào quý vị vào chùa gặp rồi đảnh lễ vị Sư, mà khi đó vị Sư mặc y đầy đủ (y nội, y vai trái, y tăng già lê thì có thể không cần), thì mới để cho người khác đảnh lễ, thế nên đảnh lễ là đảnh lễ bộ y đó, chứ không phải đảnh lễ ông Sư đâu. Nên khi ông Sư nào thấy người khác đảnh lễ mình mà thấy mình hãnh diện, thích thú là ông Sư đó phạm giới. Cũng như 1 người đi chào cờ, nhất là các ông tướng tá đi hành quân trước khi đi đánh nhau, họ đọc những bài giống như bài chào cờ, khi đó ông tướng đi lên cầm cờ hôn cờ (chứ không hôn người cầm cờ), thì ông Sư cũng như người cầm cờ. Ông Sư bên ngoài dùng y, bát, còn bên trong phải tu Giới – Định – Tuệ. Bộ y của ông Sư giống như lá cờ, nên ai đảnh lễ ông Sư tức là họ đảnh lễ lá cờ đó, nên ông Sư ngồi yên, vì họ đang đảnh lễ lá cờ thôi. Nên nhiều người thấy Phật tử đảnh lễ ông Sư, mà ông Sư ngồi yên thì họ bất bình.

 

Thiền tha thứ:

Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)

Khi đọc những câu này rồi, mình biết là mình bỏ hết sự giận dữ, trách hờn người khác. Lòng mình thênh thang, nhẹ nhàng. Trong khi hành thiền hay công việc hàng ngày, khi mình thấy có 1 tư tưởng giận dữ nổi lên thì nhất định mình không giận dữ, trách móc.

Thiền Tâm Từ:

Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người cùng chỗ làm với con, con hay gặp gỡ, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả thiền sinh, tất cả Phật tử, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)

Thiền Minh Sát

Cố gắng thẳng lưng, chúng ta bắt đầu hành Thiền Minh Sát. Quán sát chuyển động, nhất là ở sự phồng xẹp ở bụng, hay chuyển động hơi thở ra vào ở cánh mũi. 

Nhớ là chú ý đến tứ đại (nóng lạnh, cứng mềm, chuyển động, sức hút) chứ không phải chú tâm vào mũi hay bụng. Mà chú ý những đặc tính, tính chất của sự chuyển động. Nhìn vào chuyển động của bụng.

Hôm qua Sư đã nói cho các Phật tử nghe, trong lúc dịch bệnh bây giờ, có rất nhiều người chết, mình phải giữ tâm bình thản, niệm về sự chết để mình khỏi bối rối, khỏi khổ trước sự ra đi của những người thân của mình. Nhớ là khi có 1 người chết đi, mình là thân nhân người đó, thì đừng có phiền trách ai cả mà hãy suy ngẫm về nghiệp của mình, của mọi người. Đây là 1 định luật khắc nghiệt, không dành riêng ân huệ cho 1 ai. Cũng như người ta nói mình không thể trả giá, thương lượng, mặc cả với nghiệp, không thể xin nghiệp ban cho mình 1 đặc ân. Thần chết, không có nghĩa là có 1 ông thần, mà là nghiệp. Khi thần chết đến thì không thể năn nỉ không chết được, khi chết mình sẽ tái sanh vào 1 cảnh giới khác. Những gì ta làm trong quá khứ thì ta gặp trong hiện tại, bằng cách giảm ưu phiền của mình là hãy suy tưởng người thân của ta chết đi do nghiệp của họ. Giờ ta khóc lóc thương tiếc thì sự khóc lóc này chả mang lại lợi ích chút nào cho họ, cũng như người còn sống. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Trước sự chết, có 2 điều chúng ta phải xét đến. Với người đã chết, thứ 2 là với chúng ta. Với người đã chết, cách duy nhất giúp được họ là hồi hướng phước báu cho họ. Mà để hồi hướng phước thì ta phải làm phước, vì chúng ta chỉ có thể hồi hướng hay chia những gì mà chúng ta có cơ. Tạo phước báu hồi hướng đến người chết là bổn phận của chúng ta, nghĩa vụ của chúng ta phải hoàn mãn. Người đã chết luôn luôn trông chờ phước báu hồi hướng của thân nhân và gia đình.

Khi chúng ta hồi hướng phước báu cho người đã quá vãng, người quá vãng hoan hỉ với phước báu của chúng ta, do đó họ nhận được phước báu. Khác với trường hợp ở thế gian, phước báu này trổ quả tức khắc đến họ. Trong thế giới của họ, họ hưởng phước báu ngay lập tức, dưới hình thức thực phẩm, áo quần, chỗ ở… Như vậy hãy làm phước và hồi hướng phước đến người đã khuất. Ta hãy biến hoàn cảnh xấu thành cơ hội tốt, hãy suy tưởng đến sự chết, người ấy chết và ta cũng sẽ chết trong 1 ngày nào đó, có thể là hôm nay, ngày mai, năm sau, chục năm sau, ai biết được khi nào chúng ta sẽ ra đi, đời người thật ngắn ngủi. Bây giờ chúng ta còn thời giờ, hãy tạo những phước báu mà chúng ta có thể làm ngay bây giờ. Bởi đến 1 lúc nào đó chúng ta sẽ già nua, bệnh tật, không làm được nữa. Chúng ta phải làm phước bằng cách giữ giới, định và tuệ. Chúng ta phải tạo nhiều phước báu để lúc bỏ thân này đi, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, thư thái. Như vậy, chúng ta sẽ rút ra những bài học tốt qua những đau thương đang xảy ra, nhất là hoàn cảnh hiện tại rất nhiều người chết.

Như vậy có 2 việc chúng ta cần làm. Làm phước và hồi hướng phước báu đến người quá vãng. Phước này không nghĩa là mang thực phẩm đi bố thí cúng dường đâu, mà cả phước trong tu tập giới, định, tuệ.

Nhân dịp nhiều người chết này, Sư sẽ nói với các bạn về cô con gái của người thợ dệt. Chuyện này xảy ra vào thời kỳ Đức Phật còn hiện tiền. Từ câu chuyện này chúng ta có thể học được một số bài học. Chúng ta học được rằng: cần phải hành thiền tích cực, tinh tấn, chuyên cần, đồng thời cũng học được bài học chánh niệm về sự chết.

Một ngày nọ, Đức Phật đến thành phố Savāthi. Dân chúng đón chào và mời Ngài dùng cơm trưa. Sau khi dùng cơm xong, Ngài thuyết pháp. Đức Phật đã dạy cho họ “quán tưởng về sự chết” hay “niệm về sự chết”. Niệm về sự chết là một trong bốn mươi đề mục của Thiền Định chứ không phải là Thiền Minh Sát. Tuy nhiên, niệm về sự chết giúp ích cho việc hành Thiền Minh Sát. Khi Đức Phật khích lệ người dân ở đó hành thiền niệm về sự chết, Đức Phật dạy:

“Các con phải quán tưởng về sự chết. Đời sống thật bấp bênh. Cái chết là điều chắc chắn. Chúng ta chắc chắn sẽ chết, chết sẽ chấm dứt sự sống của chúng ta. Đó là cách mà chúng ta hành thiền niệm về sự chết”. 

Chú giải dạy rằng:

“Người hành thiền niệm về sự chết sẽ gặt hái được nhiều lợi ích”.

Người không quán tưởng về sự chết thì sẽ sợ hãi khi sắp chết giống như một người gặp rắn mà trên tay không có một cái cây nào thì sẽ rất run sợ. Nhưng người hành thiền niệm về sự chết không run sợ khi sắp chết. Người đó chẳng khác nào một người đang đi trên đường trên tay có cây gậy, khi gặp rắn họ không lo sợ mà họ có thể dùng cây gậy vít con rắn lên và vất ra khỏi đường. Rắn nó không tự nhiên cắn mình đâu, mình động vô nó mới cắn, nên có cây gậy đề phòng không lo rắn cắn. Bởi vậy, Đức Phật dạy chúng ta chánh niệm về sự chết để coi thường cái chết và không sợ chết nữa. Có một điều lạ lùng là càng niệm về sự chết thì càng không sợ chết. Nhiều người nghĩ rằng, càng niệm về sự chết thì sợ chết hơn. Nhưng sau khi thực hành họ thấy rằng niệm về sự chết thì lại không sợ chết, chẳng phải hoàn toàn không sợ sự chết, nhưng ít nhất sự sợ chết cũng giảm đi phần nào. Niệm về sự chết nhiều lần, chúng ta trở thành quen thuộc với sự chết và có thể đối diện với sự chết mà không lo sợ. Như vậy, phương pháp của Đức Phật là đối diện với sự chết hơn là chạy thoát khỏi cái chết. Đức Phật dạy chúng ta đối diện với nghịch cảnh, đương đầu với nghịch cảnh chứ không trốn chạy. Đây là phương cách đối xử với nghịch cảnh, hoàn toàn khác biệt với phương cách đối trị của người đời.

Có lần Sư cũng đã nói cho các vị nghe, người hành thiền trong rừng có nhiều nỗi sợ khởi sinh. Khi họ đang ngồi, những người thầy dạy họ, khi mình ngồi lo sợ thì đứng dậy, đứng dậy mà còn sợ thì đi, đi rồi mà còn sợ thì chạy, nghĩa là thay đổi tư thế mọi lúc khi sợ hãi xảy ra. Lúc đầu Ngài cũng hành theo cách hướng dẫn, nhưng về sau Ngài thấy không đúng, Ngài nói khi đang đi mà thấy sợ hãi khởi sinh thì tiếp tục đi, khi nhìn về hướng nào mà sợ hãi thì đừng né tránh, cứ nhìn về hướng đó đi, xem có gì sợ hãi không. Rốt cục chả có gì sợ hãi. Phương pháp Đức Phật là phải đối diện với đau khổ, đối diện với sợ hãi. Đức Phật dạy phải đối diện với nghịch cảnh, đương đầu với nghịch cảnh chứ không trốn chạy.

Người đời không muốn nghe về sự chết, họ cũng không muốn nghĩ về sự chết. Rồi cũng nhiều người không dám nghe về sự dơ dáy, họ nghe về sự dơ dáy họ thấy khổ sở, chịu không nổi. Nhất là khi hành thiền niệm về cơ thể ô trược, trong chú giả có nói, đề mục về thiền ô trược không thích hợp với những người đàn bà, người đàn bà khác đàn ông là họ thấy sự dơ dáy họ sợ hãi lắm. Nên trong nhà có đàn bà thì nhà cửa sạch sẽ hơn là đàn ông sống với nhau. Đàn ông sống với nhau dơ dáy hơn nhà có đàn bà. Chùa bên Miến, chùa nữ rất sạch sẽ, chùa nam ít sạch bằng. Y áo cũng thế, các cô tu nữ sạch sẽ hơn các Sư nam. Người ta biết đàn bà rất sạch sẽ, nên khi đến 1 chùa có nữ trong đó, họ thường nhìn những sư cô, phụ nữ trong chùa, họ thấy chùa dơ dáy là họ hay trách những người phụ nữ chứ không trách ông Sư. Họ trách vì họ biết đàn bà thích sạch sẽ, nên đàn bà đừng thấy đó cho là bất công, vì đó là họ tôn trọng mình, họ biết là mình luôn luôn sạch sẽ. Nhưng nhớ là ai cũng phải chết, mặc dầu họ không muốn nghe hay nghĩ đến cái chết, nhưng cái chết là điều chắc chắn, và một ngày nào đó cái chết sẽ đến, chúng ta không thể nào trốn chạy được. Như vậy cách tốt nhất là phải chuẩn bị cho cái chết hơn là trốn chạy tử thần, bởi vì giờ phút cuối cùng rồi cũng sẽ đến. 

Đức Phật đã dạy cho rất đông thính chúng tại Savāthi hành thiền quán niệm về sự chết. Nhưng sau khi nghe những lời dạy của Đức Phật chẳng ai chịu thực hành. Không ai xem lời dạy của Đức Phật về sự chết là quan trọng, và không ai nghiêm túc thực hành. Họ đi theo đường lối của họ và quên hẳn những lời dạy của Đức Phật. Chỉ có một cô gái mười sáu tuổi, con người thợ dệt, nghe theo lời Đức Phật, thực hành quán tưởng về sự chết hàng ngày, và cô đã thực hành được ba năm. Ba năm sau, Đức Phật trở về lại thành phố Savāthi để dạy dỗ tiếp cho cô gái. Bởi lúc này Đức Phật sau khi dạy xong, Đức Phật nói mọi người thực hành đi, 3 năm nữa Đức Phật quay lại dạy tiếp, tại Ngài phải đi nhiều nơi khác.

Một ngày nọ, khi Đức Phật dùng trí tuệ quán xét tất cả chúng sinh trên thế gian, tìm xem chúng sinh nào duyên lành chín muồi có thể giác ngộ. (Nhớ là mỗi ngày Đức Phật đều hướng tâm từ đến nhiều nơi trên thế giới và người nào có đủ duyên lành thì Ngài đi đến nơi người đó ở và thuyết pháp dạy người đó. Giờ mình không có Đức Phật, cũng không có vị Sư nào có trí tuệ như Đức Phật, nên mình phải tinh tấn tu hành trong mọi lúc, vì mình không biết, nên mình phải mở rộng tâm để sẵn sàng đắc Đạo, còn thời kỳ Đức Phật thì Đức Phật biết, nói cách khác lúc đó mình có thể lười biếng chút cũng được, lúc nào đủ duyên Đức Phật đến giúp mình, còn giờ mình phải cố gắng tu). Cô bé này đi vào tầm nhìn của Ngài. Đức Phật biết cô gái có đủ khả năng để giác ngộ, và vào buổi giảng hôm nay Đức Phật sẽ tán dương cô gái khi cô ta trả lời đúng bốn câu hỏi của Ngài. Khi Ngài đến thành phố Savāthi, dân chúng mời Ngài dùng cơm trưa. Sau khi dùng cơm xong Đức Phật ngồi chờ cô gái. Mặc dầu có hàng ngàn, hàng vạn người đang đợi chờ Đức Phật giảng pháp, nhưng Ngài vẫn không nói một lời nào khi không có mặt cô gái ở đó. Đức Phật nghĩ rằng: 

“Như Lai vì lợi ích của cô gái mà đến đây, nhưng cô gái chưa đến”. 

Ngài vẫn yên lặng đợi cô gái. Khi Đức Phật không nói thì không một ai dám nói một lời nào. Tất cả đều yên lặng.

Cô gái nghe tin Đức Phật đến rất vui mừng. Cô có lòng nhiệt thành với Đức Phật. Cô rất kính thương Ngài và xem Ngài như cha ruột của mình. Cô hân hoan đi đến gặp Ngài để nghe lời dạy của Ngài. Đầy lòng kính mến và tin tưởng, cô gái hân hoan chuẩn bị đến gặp Phật và có cảm tưởng như sắp gặp lại người cha kính yêu của mình. 

Nhưng lúc cô sắp sửa đi thì người thợ dệt, cha ruột cô, nói với cô ta: 

“Cha đang dệt giở dang tấm vải, và ngày hôm nay cha phải dệt cho xong để giao cho khách. Con hãy mau mau đánh suốt chỉ cho cha”.

Nghe người cha nói thế, cô gái nghĩ rằng:

“Ta muốn gặp Đức Phật để nghe những lời dạy dỗ của Ngài, nhưng cha ta bảo ta phải đánh chỉ. Bây giờ ta phải làm thế nào đây? Ta nên đến nghe Đức Phật thuyết pháp hay nên đánh chỉ”.

Cô lại nghĩ tiếp:

“Nếu ta không đánh chỉ cho cha ta, cha ta sẽ không làm xong tấm vải để giao cho đúng hẹn. Vậy trước tiên ta hãy đánh chỉ, sau khi đánh chỉ xong ta sẽ đến nghe Đức Phật thuyết pháp”. 

Suy nghĩ như thế nên cô đi đánh chỉ, rồi đặt chỉ vào rổ đem đến tiệm dệt cho cha cô. Trên đường đi đến tiệm dệt, cô đi ngang qua chỗ Đức Phật thuyết pháp. Cô dừng chân ở bên ngoài đám đông và nhìn Đức Phật. Đức Phật thấy cô bé từ đàng xa, Ngài nhìn cô ta với cặp mắt thật từ ái. Cô có cảm tưởng như Đức Phật muốn nói với cô là Ngài muốn cô lại gần hơn. Thế là cô gái bỏ rổ chỉ xuống và đi đến gần Ngài. Lúc cô đến gần, Đức Phật hỏi cô gái bốn câu hỏi:

Đức Phật hỏi:

“Con từ đâu đến?”

Cô gái trả lời:

“Bạch Ngài. Con không biết”.

Đức Phật hỏi câu thứ hai:

“Con sẽ đi về đâu?”.

Cô gái trả lời:

“Bạch Ngài. Con không biết”.

Đức Phật hỏi câu thứ ba:

“Con không biết thật sao?”.

Cô gái trả lời:

“Bạch Ngài. Con biết”.

Câu cuối cùng là:

“Con biết thật sao?”.

Cô gái trả lời:

“Bạch Ngài. Con không biết”.

Nghe cô gái trả lời như vậy, quần chúng rất bất bình. Họ nghĩ:

“Cô bé này muốn nói gì thì nói. Cô nói như đùa chơi. Không tôn trọng Đức Phật”.

Trước thái độ trả lời như nhát gừng của cô bé, quần chúng không hài lòng và tỏ vẻ phản đối. Đức Phật bảo quần chúng im lặng, và Ngài hỏi tiếp cô bé:

“Khi Như lai hỏi: “con từ đâu đến”. Tại sao con trả lời là “con không biết”.

Cô gái nói:

“Bạch đức Thế Tôn, Ngài biết hết mọi chuyện, cho nên Ngài biết con từ đâu đến. Con đến từ nhà con, cha con là người thợ dệt. Con biết Ngài biết điều đó, nên khi Ngài hỏi câu này con nghĩ rằng Ngài muốn hỏi: “Từ kiếp sống nào con đã tái sinh lại đây”. Bởi vì con chẳng biết từ đâu con tái sinh đến đây, nên con trả lời là “con không biết”.

Nghe cô gái trả lời như vậy, Đức Phật rất hài lòng. Ngài nói: 

“Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng câu hỏi của Như lai”.

Đức Phật khen ngợi cô đã trả lời đúng câu hỏi của Ngài, rồi Đức Phật hỏi câu kế tiếp:

“Khi Như lai hỏi: “Con sẽ đi về đâu”. Tại sao con trả lời là “con không biết”.

Cô gái lại trả lời:

“Bạch Ngài. Ngài biết rằng từ đây con sẽ đi về chỗ dệt vải của cha con. Con biết Ngài biết điều đó, nên khi Ngài hỏi câu này con nghĩ rằng Ngài muốn hỏi: “Con sẽ tái sinh về đâu khi con từ bỏ đời sống này”, và điều này con không biết nên con trả lời với Ngài là “con không biết”.

Đức Phật lại khen ngợi cô bé:

“Lành thay, lành thay”. 

Và Ngài nói rằng cô đã trả lời đúng câu hỏi của Ngài. 

Đức Phật lại nói tiếp:

“Khi Như Lai hỏi: ‘Con không biết thật sao?’ Tại sao con trả lời là ‘con biết’ ”

 Cô gái nói:

“Bạch Đức Thế tôn, khi nghe Ngài hỏi câu “Con không biết thật sao?” Con nghĩ rằng Ngài muốn hỏi con “Có thật là con không biết cái chết chắc chắn sẽ đến với con chăng?” Con biết rằng con sẽ chết nên con trả lời là “Con biết”. 

Đức Phật lại nói: “Lành thay, lành thay” để tán dương cô gái. Rồi Ngài lại hỏi tiếp:

“Khi Như lai hỏi ‘Con biết thật sao?’. Tại sao con lại trả lời là ‘Con không biết’”.

Cô gái nói:

“Bạch Đức Thế Tôn, khi nghe Ngài nói câu ‘Con biết thật sao?’ Con nghĩ rằng: Mặc dầu con biết cái chết chắc chắn sẽ đến với con, nhưng con không biết lúc nào cái chết sẽ đến. Con không biết buổi sáng, buổi chiều, tháng này hay tháng tới con sẽ chết. Vì con không biết lúc nào cái chết sẽ đến nên con trả lời là con không biết”. 

Đức Phật lại khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng câu hỏi của Như Lai”. 

Đức Phật lại khen tặng cô gái.

Sau khi nghe cô gái trả lời bốn câu hỏi. Đức Phật nói với quần chúng:

“Các con không biết ý nghĩa câu hỏi của Như Lai, bởi vậy các con chỉ trích cô gái này, nhưng cô gái lại hiểu ý nghĩa câu hỏi của Như Lai. Cô ấy đã trả lời đúng. Người nào không có huệ nhãn, không có trí tuệ, là kẻ mù. Người nào có được huệ nhãn mới là người hiểu biết”. 

Tiếp theo Đức Phật lại nói một câu kệ:

“Thế gian như kẻ mù, chỉ một số ít có sự thấy rõ, chẳng khác nào những con chim bị lưới sập, chỉ một số ít thoát khỏi nạn tai”.

Ở đây Đức Phật nói thế gian này mù tối có nghĩa là phần lớn chúng sinh trong thế gian không thông minh, phần lớn chúng sinh không có trí tuệ; vì thế, thế gian mới tăm tối. Điều này có nghĩa rằng: ít ai biết được cách hành Thiền Minh Sát và thấy rõ chân tướng của sự vật. Người biết hành Thiền Minh Sát thấy rõ chân tướng của sự vật rất ít ỏi, người được tái sinh vào cõi trời và những người đạt Niết Bàn rất ít giống như chỉ có một số chim thoát khỏi lưới sập của người thợ săn. Sau khi chấm dứt xong bài kệ này cô gái đắc quả Tu Đà Hoàn.

Trong câu chuyện này, trước tiên cô gái có thể trả lời những câu hỏi của Đức Phật một cách đúng đắn, đúng như những gì Ngài muốn hỏi, đúng theo ý định của Ngài; bởi vì cô gái đã hành thiền quán tưởng về sự chết trong vòng ba năm. Bởi thế khi Đức Phật hỏi:

“Con không biết hay là con biết”. Cô gái có thể trả lời câu hỏi của Đức Phật. Nếu cô không hành thiền thì cô không thể nào trả lời câu hỏi của Đức Phật một cách đúng đắn được, và ngay cả việc đi tới gặp Đức Phật cô cũng không đi nữa. Bởi vì cô đã tinh tấn hành thiền trong ba năm, và cô có đức tin nhiệt thành vào Đức Phật, nên khi Ngài đến thành phố mà cô đang cư ngụ, cô quyết định phải gặp Đức Phật ngay.

Ở chỗ này nhiều người có thể đặt ra câu hỏi, ngày xưa khi Đức Phật nói 1 câu nói gì thôi người ta đã giác ngộ, đâu cần hành thiền? Nhưng thật ra quý vị hành thiền quý vị mới thấy, quý vị phải hành thiền nhiều, đến 1 lúc chỉ nghe 1 câu nói thôi, thấy 1 hình ảnh thôi là lúc đó quý vị sẽ giác ngộ. Khi nghe 1 câu nói vậy không phải là họ không hành thiền, tự nhiên nghe câu đó họ đưa tâm họ vào trong cơ thể. Như người nào chuyên hành thiền hơi thở, khi đó họ đưa tâm hướng vào hơi thở, người nào hành thiền ở bụng, họ đưa tâm về bụng họ thấy rõ mọi sự vật sinh diệt, thấy rõ vô thường, thấy rõ khổ, thấy rõ vô ngã trong tích tắc vậy đó. Nghĩa là vào lúc đó họ cũng có hành thiền chứ không phải không, trước đó họ không hành thiền sẽ không gặp phước báu này đâu. Cũng giống như mình làm toán, mình phải suy nghĩ rất nhiều, đến 1 lúc nào đó mình tìm ra bài giải của bài toán, lúc đó nó đến rất là nhanh, mình không đo thời gian được. Cho nên không phải khi nghe 1 câu nói mà người nghe có thể giác ngộ liền, mà là trong khi nghe họ hành thiền ở trong đó. Lần tới Sư sẽ tiếp tục câu chuyện này.

Trình Pháp:

Câu hỏi 1: Câu hỏi này có 2 ý. Đây là ý đầu tiên: Con mới nhập môn được 1 buổi sáng và tối, con có 2 điều mong Sư chỉ dạy. Khi con ngồi ngủ gật vài lần và quên luôn đọc phồng xẹp, thì lúc nào không hay biết 1 buổi con ngủ gật 5, 6 lần, thì có phải là bình thường với người mới như con không hay con làm sai điều gì. Ngoài ra khi con ngồi thiền, con khởi lên câu hỏi không biết mấy giờ rồi, khi nào thì hết giờ nhỉ? Điều này cũng khởi lên 2 lần, con cũng niệm chán chán và nó qua đi, không biết đúng không ạ?

Trả lời: Mới hành thiền tình trạng này bình thường, về sau sẽ tiến bộ. Chuyện ngủ gật là bình thường. Khi tâm yên tịnh nó mới ngủ, thường nhiều người ko ngủ được mà ngồi thiền thì ngủ gật, vì tâm họ lúc đó yên tịnh. 

Có 1 người lúc đó đi hành thiền, họ thấy tiến bộ nên đưa cha mẹ đi hành thiền. Cha mẹ họ đi hành thiền, cô đó nói con thấy mắc cỡ quá, cha mẹ con cứ ngủ gật hoài trong lúc hành thiền. Sư giải thích rằng trước đây cha mẹ cô đó già rồi không ngủ được, mà sao tới đây ngủ nhiều vậy, tại tới đây hành thiền tâm an tịnh, mình không suy nghĩ gì hết nên dễ ngủ. Nên vị nào mất ngủ cứ hành thiền đi, giai đoạn đầu ngủ được ngon lắm, vì khi đó không có suy nghĩ nữa. Chuyện đó đương nhiên sẽ như vậy, ngủ gục cũng là 1 thành quả của việc hành thiền đó. Từ từ thì sẽ bớt buồn ngủ, giai đoạn đầu thường vậy. Nhất là mình đời sống bình thường, mình đâu có ngủ như trong lúc hành thiền, giờ ngủ đó trái với ngày thường của mình, nên mình buồn ngủ là đương nhiên.

Cứ tinh tấn đi, mọi trở ngại sẽ qua.

Câu hỏi tiếp: sau giờ thiền con làm việc và sinh hoạt bình thường với gia đình, lúc ăn con cũng cố gắng làm theo lời giảng nhưng cái miệng vẫn nhai rất nhanh không như lời giảng, các sinh hoạt khác như đi vệ sinh, dạy con cái học hành, làm việc máy tính… con đang không biết phải làm thế nào cho đúng và giữ được chánh niệm.

Trả lời: mình ngồi thiền yên tĩnh dễ chánh niệm hơn. Mình làm việc khó chánh niệm, nhưng hãy cố gắng chánh niệm. Ví dụ ngồi thiền mình được 100%, mà làm việc được 1% thôi thì 1% cũng tốt rồi, còn hơn không có gì, cứ cố gắng sẽ tiến bộ, người nào mới thực hành thì đều như vậy hết. Ít nhất mình có tinh tấn vậy là tốt rồi, cứ từ từ đi, về sau sẽ có 1 vài ngày mình chánh niệm rất là tốt. Rồi khi mình nhìn lại, chính mình tự khen mình, cứ tiếp tục hành thiền đi, chánh niệm trong mọi lúc, đừng đợi chờ.

Câu hỏi 2: Đã trải qua 4 ngày thiền, con không biết sao cả tối và ngày không ngủ được, thật sự con đang hoang mang và lo lắng ạ.

Trả lời: Người mới hành thiền mà mất ngủ là chuyện tự nhiên. Nhiều khi do lo lắng hành thiền nên mình mất ngủ. Nhiều khi trong khóa thiền dài, mấy ngày đầu tiên tâm còn đang xáo trộn, chưa quen nên có thể mất ngủ. Cứ tiếp tục đi sẽ ngủ được. Nhưng mất ngủ như vậy mình dùng thời gian đó tiếp tục hành thiền. Nhớ là khi mình ngủ, tâm mình được yên tĩnh. Nhưng khi mình chăm chú vào đề mục, tâm yên tĩnh cũng làm mình không ngủ được. Nên có nhiều thiền sinh lúc đầu ngủ nhiều lắm, đến khi hành thiền tốt đẹp, tâm luôn chú ý đề mục họ lại không ngủ được. Nhưng không ngủ được mà nhờ hành thiền tốt đẹp nên họ vẫn tỉnh táo như thường. Có nhiều thiền sinh không ngủ được 3-4 ngày liên tiếp vậy đó, mà tâm họ rất tỉnh táo, sắc mặt không có gì khác cả. Ngủ là khi đó điện não đồ mình giống như ít hoạt động, khi mình thiền cũng vậy, điện não đồ cũng giống như ngủ, cũng có thể ít hơn. Nên khi hành thiền rồi sẽ ít ngủ. Ở các trường thiền thấy lúc đầu họ ngủ nhiều, về sau họ ngủ còn 1 đêm 4 tiếng thôi nhưng họ vẫn tỉnh táo. Nhiều người ngủ rất nhiều, nhưng trong khi ngủ họ không ngủ, trong khi đó tâm họ vẫn nghĩ. Người nào ngủ thật sự là ngủ không có mộng mới là ngủ, còn mộng là chưa ngủ thật sự. Những người mình cố gắng hành thiền, khi ngủ là nó ngủ đó, cứ hành thiền là về sau không còn mộng mị nữa, hoặc rất ít mộng mị. Thành ra mất ngủ không đáng sợ, sợ mất ngủ rồi bệnh mới là vấn đề. Nên mình mất ngủ do hành thiền thì cứ thản nhiên, mình nói may quá ngày xưa ngủ nhiều quá, giờ nhờ thiền mình không có ngủ nhiều.

Câu hỏi 3: Khi đi kinh hành quán sát dở, bước, đạp hoặc khi ngồi quán sát phồng xẹp như thế nào để thấy được tứ đại trong từng bước chuyển động của chân, ở bụng ạ?

Trả lời: Phần hướng dẫn hành thiền Sư hướng dẫn cách đây mấy hôm, đọc lại đi, là toàn bộ phần hướng dẫn đó.

Câu hỏi 4: Khi con thiền, tâm bất an nhiều, không thể tập trung trong 1 giờ, nó luôn thúc dục con mở mắt ra xem mấy giờ rồi, mặc dù con đã chánh niệm phồng xẹp liên tục, không ngừng nghỉ, có ngày con bị xao nhãng liên tục, cứ 15 p là mở mắt ra rồi lại nhắm. Con trở nên cáu gắt, bực bội cả ngày hôm đó, không làm chủ được. Có ngày con lại ngồi buồn ngủ. Con nên làm thế nào ạ?

Trả lời: cứ tiếp tục đi. Mà hỏi thử vị đó, khi ngồi 1 giờ đồng hồ đó thì chánh niệm được bao nhiêu phút. Ví dụ chánh niệm được 1 phút chả hạn, thì 1 lần được 1 phút, thì từ từ tập sẽ được 2 phút. Ngay cả 1 khóa thiền tốt đẹp được 1% thôi, mới 1 khóa thiền được 1% rồi thì 100 khóa thiền mình sẽ giải thoát còn gì. Cứ cố gắng mỗi ngày, vì phiền não mình đời đời kiếp kiếp rồi, mình cũng có phước duyên nên hôm nay mình có được cơ hội hành thiền, có hành thiền mình sẽ nhìn vào những gì mình có được, những gì mình thành công, đừng chú ý vào phần mình thất bại. Khi thất niệm mình biết thất niệm, bồn chồn thì ghi nhận bồn chồn, rồi tiếp tục làm việc khác chứ không nhớ việc cũ nữa. Ai hành thiền lúc đầu cũng gặp tình trạng này, cứ tinh tấn, kiên trì. Ai hành thiền mới, hoặc lâu, đều phải tinh tấn. Về sau mình sẽ có được tâm xả, không trách cứ. Ví dụ như mình hành thiền như vậy, được bao nhiêu thì hay biết bấy nhiêu chứ không trách cứ. Cứ kiên trì, rồi sẽ được. Chứ trở ngại đến, mình giận trở ngại đó, thì là thành thêm 1 trở ngại nữa. Chuyện gì xảy ra rồi thì mình biết, cố gắng chánh niệm lại, không cần nhớ lại lúc trước, cứ tinh tấn, nhẫn nại với sự thất bại.

(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app