Nội Dung Chính
Buổi 13: Thiền Sư Khánh Hỷ Trả Lời Câu Hỏi & Sách Tấn Thiền Sinh Tu Tập | Khóa Thiền Vipassana 20 Ngày
Thiền tha thứ:
Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)
Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)
Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)
Các Phật tử mấy hôm nay có hành thiền tha thứ và hành thiền từ ái, mình xét xem sân có giảm được chút nào không, sự trách móc người khác còn nhiều không. Đó là sự tiến bộ đó. Hành thiền để sao tham giảm, sân giảm.
Thiền Tâm Từ:
Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho những người cùng chỗ làm với con, con hay gặp gỡ, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho tất cả thiền sinh, tất cả Phật tử, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)
Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)
Thiền Minh Sát
Nếu đau chân thì có thể trở chân cho bớt đau, nếu không đau thì cứ ngồi yên. Trở chân trong chánh niệm, trở xong chú ý vào cơn đau đang giảm dần cho đến khi hết.
Chú ý đến chuyển động phồng xẹp của bụng. Nhớ là chú ý vào sự chuyển động, chứ không phải chú ý vào bụng. Chú ý sự sinh diệt của bụng, của những gì trong bụng, nó đến rồi nó đi.
Thời pháp hôm nay Sư sẽ nhắc nhở quý vị, để quý vị thực hành tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả. Tại sao lại gọi là tứ vô lượng tâm? Là mình thực tập từ, bi, hỷ, xả lan tràn khắp tất cả chúng sinh, không phân biệt ai cả, người thân, người thương, tất cả chúng sinh đều giống nhau, thương yêu họ giống nhau. Làm sao để thực hành từ, bi, hỷ, xả?
Đầu tiên phải biết thế nào là tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả. Sư đưa ra 1 ví dụ để quý vị phân biệt từ, bi, hỷ, xả. Ví dụ mình đứng trên bờ sông thấy có 1 con chó nó lặn hụp trên sông. Mình biết chó bơi rất giỏi, mà sao con này lặn hụp như vậy, mình nghĩ nó không biết bơi, nhưng sao vẫn bơi lặn hụp được, mình chú ý thấy có lẽ con này bị đau 1 chân nên nó không bơi như con chó bình thường, nó bơi kiểu đó có thể bị nước cuốn trôi đi làm nó chết. Nên mình thương nó, mình bơi ra kéo nó vào, thấy chân nó 1 chân như bị què. Khi mình bơi ra cứu con chó vào, mình cứu nó như vậy gọi là tâm từ hay tâm bi? Để phân biệt tâm từ, tâm bi thì nhớ thế này, tâm từ là an vui, tâm bi là cứu khổ, chữ Hán có 1 câu là “từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc” – từ đem lại an lạc cho tất cả chúng sanh (người, trời, con vật…); “Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ” – bi là làm cho dứt khổ của tất cả chúng sinh. Như vậy khi mình ra cứu con chó vào, là mình đang cứu khổ. Mình cứu nó vào, thấy nó lạnh quá, nó đứng nó run, mình nói những người xung quanh lấy khăn lau cho con chó, trong khi mình lau cho con chó là mình có tâm bi, lau cho nó vậy, mình đụng vào cái chân đau của nó, nó cắn mình 1 cái, mình giận quá mình nói “ta đã cứu mày vào, tao chưa lo cái lạnh của tao mà tao thương cho mày, lau cho mày khô mà sao mày cắn tao”, tức quá mình đá nó xuống sân lại, thì đá nó xuống sông là tâm sân, mà nếu mình thương nó mình không đá nó, mình nghĩ tại vì mình đụng vào chân đau của nó, nó cắn nhẹ chứ có cắn mạnh đâu, con chó đâu nói được, nó cắn như vậy để báo mình là chân nó đau đừng chạm vô, nên mình cảm thông với nó mình tiếp tục lau cho nó, đây là tâm từ. Như vậy tâm từ không có sân hận ở trong, có thương yêu, không trách cứ. Ví dụ mình thấy người nào đó nghèo nàn quá, mình giúp họ 1 số tiền để họ buôn bán làm ăn, có thể là giúp hoặc cho mượn, mình biết họ buôn bán làm ăn có tiền họ sẽ bớt khổ, thì đây là tâm bi. Giúp tiền cho họ, họ giàu lên mà họ không cám ơn mình, lại đi nói với người khác là họ có tiền của họ nên họ buôn bán tốt, chứ không nhờ ai giúp đỡ, mình nghe vậy mình buồn là mình không có tâm từ (vì buồn là tâm sân, không muốn chuyện đó xảy ra, còn làm mà thích thú ở trong là có tâm tham).
Như vậy, tâm từ là an vui, tâm bi là cứu khổ. Mình thấy người ta vô ơn với mình, mình thấy bình thường, mình biết rằng ở đời mình giúp người khác mà họ vô ơn là chuyện tự nhiên. Nhưng nếu mình gặp 1 người nào đó họ giúp cho mình ít thôi, mà nhờ sự giúp đó mà mình bớt khổ, hay trở nên giàu có, thì khi đó mình cám ơn họ, nên họ vui, nghĩa là mình có tâm từ vì mang lại an vui cho họ. Trường hợp họ nói họ có giúp gì nhiều đâu, mình cứ nói vậy họ áy náy lắm, thì tuy nói vậy nhưng trong tâm họ vẫn vui vẻ lắm. Khi mình cám ơn như vậy khiến họ cố gắng làm những việc phước thiện khác nữa. Khi 1 người giúp mình, mình không cám ơn họ thì bữa sau họ không muốn giúp ai nữa. Nên khi mình nhớ ơn người khác, mình nói cám ơn họ để họ phát thiện tâm thêm. Đức Phật dạy khi ai có ơn với mình, mình phải cố gắng nhớ ơn, nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mang lại hạnh phúc cho họ, không những nhắc trước mặt họ mà còn nhắc sau lưng họ nữa. Nghe được họ cũng hài lòng. Cũng như khi dạy cho con cái, nó làm được việc gì tốt thì khen ngợi nó, khen trước mặt nó, khen sau lưng nó nữa. Một trong những điều dạy con cái là nó làm gì tốt đẹp thì khen ngợi trước mặt nó, khen ngợi sau lưng nó để nó thấy làm việc tốt được khen ngợi, nó sẽ cố gắng làm việc tốt nhiều hơn. Nó làm việc xấu thì kêu riêng nó ra 1 chỗ, nói cho 1 mình nó nghe thôi không nói cho ai nghe, kể cả ba của nó, thì mình nói vậy nó mới nghe mình, nói trước mặt nhiều người nó tự ái không nghe đâu.
Giờ ví dụ mình giúp ai 1 số tiền, họ trở nên giàu có, họ không nhớ ơn mình, mình buồn. Nhưng nếu họ giàu do họ trúng số, mình có khi ghen tị đó. Ví dụ như mình biết làm nghề nước mắm, mình thấy họ nghèo quá mình chỉ họ cách làm để họ bớt khổ, nhưng lúc chỉ mình vẫn nghĩ là họ làm không bằng mình được, nhưng khi họ làm tốt giàu hơn mình thì mình lại ghen tị. Nên nhớ là mình có tâm bi mẫn (nên giúp người khác) mà mình thiếu tâm từ (tâm từ là vui với sự hạnh phúc của người khác, không có sân hận), mình không có tâm hỷ. Hỷ ở đây là hoan hỉ với thành công hạnh phúc của người khác, như con mình thi đỗ mình mừng, mà con mình rớt con nhà người khác đỗ mình không mừng, là không có tâm hỷ. Hỷ đây là hoan hỷ với thành công của người khác, chứ không phải hoan hỷ với thành công của mình, của người thân mình. Thấy ai thành công, hạnh phúc mình đều vui, nếu mình không vui, mình phải nghĩ những người này rất nhiều kiếp là thân bằng quyến thuộc mình rồi, họ có thể là cha mẹ, là con cái mình, bạn bè mình, nên mình vui với thành công hạnh phúc của kẻ khác, người hoan hỉ như vậy nên ngày nào mình cũng vui, tại ở đời có thể mình thất bại nhưng biết bao nhiêu người thành công. Nhưng mình tu tập chưa được nhiều, thấy ai thành công hạnh phúc mình bực mình thì không mang lại lợi ích gì cho mình cả. Mình thấy 1 người, mình thương họ, giúp họ mọi cách để họ thành công, hạnh phúc, nhưng mãi họ không thành công, nên mình khổ theo họ. Nên mình có tâm từ, tâm bi rồi mà không thực hiện được điều đó thì mình khổ, nên muốn không khổ mình phải có tâm xả. Muốn có tâm xả mình phải suy nghĩ đến nghiệp của chúng sinh. Có nhiều người lo giúp đỡ rất nhiều người, mà họ không thành công, nên người đi giúp đỡ lại khổ, mình giúp người ta mà lại thành hại mình, là vì mình không có tâm xả. Muốn thực hành tâm xả, mình có thể niệm rằng “tất cả chúng sinh đều có nghiệp, tôi có nghiệp của tôi, cha mẹ tôi có nghiệp của cha mẹ tôi, con cái tôi có nghiệp của con cái tôi, cháu chắt tôi có nghiệp của cháu chắt tôi, bạn bè tôi có nghiệp của bạn bè tôi”.
Như vậy tâm mình mới xả được, mới an vui được. Như Đức Phật thương yêu tất cả chúng sinh, tìm cách giúp đỡ cho tất cả chúng sinh, nhưng gương mặt của Ngài đâu có buồn đâu. Cũng vậy, quý vị thấy gương mặt của những giáo chủ tôn giáo khác, mặt họ rất là buồn, vì họ nói giáo chủ họ thương chúng sinh nhiều lắm, nên gương mặt họ buồn, nhưng mặt Đức Phật bức tượng nào cũng có nụ cười ở trong, là nhờ Ngài có tâm xả, Ngài biết nghiệp của chúng sinh. Mình coi những nguời không phải là đạo Phật, họ làm điều gì không tốt họ đến trước tượng/ảnh giáo chủ tôn giáo họ để ăn năn hối hận, khi ăn năn hối hận mặt rất buồn, ra về mặt cũng buồn. Còn người nào theo Phật giáo mình có thể ngồi trước tượng Đức Phật, mình ăn năn xám hối, nhưng mình phải nguyện thêm câu “từ nay về sau, tôi không có làm điều xấu nữa, tôi không cần Phật cứu độ cho tôi, vì tôi làm quả xấu chắc chắn tôi phải nhận quả của tôi, mình chấp nhận điều đó”, thành ra tâm xả có đặc tính vậy. Nó xảy ra rồi, tạo ra nghiệp rồi, thì mình sẵn sàng chấp nhận hậu quả của nó, và mình nguyện sẽ không làm điều xấu nữa, tâm sẽ rất thanh thản, nhẹ nhàng. Nên quý vị phải thường xuyên tập tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả thì mình mới được hạnh phúc.
Hôm nay quý vị nghe pháp và thực hành thiền, thấy tâm sân mình giảm bớt không? Thấy từ, bi, hỷ, xả của mình phát triển được nhiều không? Mình phải tập cho đến khi thấy rất là ít sân hận, khi đó mình tiến bộ nhiều đó.
Nhớ là nguồn gốc tâm sân là từ tâm tham, tham muốn. Như muốn người ta được an vui hạnh phúc, mà họ không ai vui hạnh phúc là tâm sân phát khởi đó. Do đó mình muốn họ an vui hạnh phúc, tìm cách cho họ an vui hạnh phúc, mình phải kèm theo “tôi muốn họ an vui hạnh phúc, tôi cố gắng hết sức để họ an vui hạnh phúc, nhưng họ được tốt đẹp không là do nghiệp của họ”, chứ nếu không mình sẽ đau khổ, muốn giúp mà không giúp được.
Những người khi tập từ, bi, hỷ thì chỉ đạt tầng thiền thứ 3 thôi, còn xả là phải lên tầng thiền thứ 4. Nên ngoài Thiền Minh Sát ra hãy cố gắng tập thêm từ, bi, hỷ, xả.
Trình Pháp
Câu hỏi 1: Khi con thực hành chánh niệm trong đời sống hàng ngày, đôi lúc xuất hiện những suy nghĩ phóng dật xuất hiện rất nhanh, không chủ ý, chúng xuất hiện đến nỗi con không dám niệm chúng mà lắc đầu, hoặc tát vào mặt mình cho chúng biến đi. Sư giúp con ạ?
Trả lời: Mình thấy nó là mình chánh niệm rồi. Mình phải tức tốc trở lại đề mục hiện tại của mình. Như đang ngồi thiền thì trở lại đề mục ở bụng, đang làm việc thì trở lại công việc của mình, đang nói chuyện thì trở lại việc nói chuyện, phải ghi nhận kịp thời, đừng để những tâm đó phát khởi thêm. Nhưng những lúc đầu mình có thể ghi nhận chưa kịp thời, thì cũng đừng trách mình, vì chuyện xảy ra như vậy thì nó như vậy thôi, mình cố gắng từ từ sẽ tốt. Mình cố gắng tu hành rồi có những chuyện gì xảy ra, không chánh niệm kịp thời, mình bực tức, hay mình thấy những gì trong tâm bất thiện xảy ra, thì mình bực tức, nhưng vậy không được. Mình thấy thì ghi nhận nó như vậy, rồi mình nguyện từ nay về sau mình sẽ không làm như vậy nữa, không có những ý nghĩ như vậy nữa, rồi bỏ qua tiếp tục công việc hiện tại. Nên Sư nhắc nhiều lần, mình làm việc tốt nhiều chừng nào, mình tu hành nhiều chừng nào thì mình mới thấy những khiếm khuyết của mình, nên mình phải biết mình nhìn được khiếm khuyết như vậy, thì mình phải nhìn thêm rằng những điều mình làm được cũng nhiều lắm chứ, nên khi nào tâm không phấn chấn, bị phiền não chi phối, thì cũng có 1 cách để giúp mình làm cho tâm phấn chấn lên bằng cách nghĩ những nghiệp tốt mình đã tạo, những việc tốt đã làm. 1 cản trở trong việc hành thiền là mình hay trê trách mình, nhưng trê trách mình cũng phải xuất phát từ tâm muốn mình tiến bộ, tâm thiện đó. Nhưng mình phải biết tâm thiện chê trách vậy không làm cho mình định tĩnh được, nó làm mất chánh niệm. Nên thấy cái gì xấu thì ghi nhận rồi bỏ đi, tiếp tục công việc hiện tại.
Hỏi: Vậy trong tương lai có nhân quả gì về những suy nghĩ bất thiện này không ạ?
Trả lời: mới suy nghĩ thôi thì nghiệp chưa thành được đâu. Mình xem lại thì mỗi ngày suy nghĩ bất thiện của mình nhiều lắm, có nhiều khi mình nghe ai nói câu gì mình nghĩ trong đầu “tôi nghe nó nói như vậy tôi muốn đấm vào mặt nó”, nhưng mình chưa đấm mà, từ từ hành thiền mình sẽ không có những tư tưởng đó. Mỗi ngày quay lại trong tâm thì có nhiều tư tưởng bất thiện xảy ra, nên mình mới tập chánh niệm đó, để mình ghi nhận tư tưởng bất thiện xảy ra, thì không chỉ Đức Phật dạy mà nhiều vị khác nữa. Có 1 vị họ dạy, họ nói những tư tưởng bất thiện khởi sinh thì ta phải diệt ngay, đừng để nó suy nghĩ lâu dài. Đức Phật cũng dạy vậy, tư tưởng bất thiện khởi sinh biết ngay rồi chánh niệm vào việc hiện tại. Ghi nhận được là tốt đó, còn hơn không ghi nhận được rồi mình làm việc không tốt. Thường 1 việc xảy ra thì đầu tiên xảy ra trong tâm trước đã, rồi nó qua 1 sự suy nghĩ mới biến thành hành động. Phiền não nhiều khi tiềm ẩn trong tâm, nó phát khởi ra trong tư tưởng trước, rồi thành hành động. Thì khi khởi ra cái gì mình phải ghi nhận. Có nhiều phiền não nó tiềm ẩn bên trong, mình không thấy được, khi có cơ hội nó mới phát sinh. Như trong bài pháp trước, hay có câu chuyện có 1 vị tu trên núi, vào mùa mưa họ mới đi kiếm chỗ nào đàng hoàng để ở tu hành, vì này trước đó là con 1 vị vua, nếu không đi tu thì trở thành vua, vị này có quen 1 người bạn khác, bạn này đang làm vua. Vị này mới nghĩ mình gặp người bạn đang làm vua này, kiếm 1 chỗ để hành thiền, vị này có thần thông, muốn vậy nên bay ngay tới gặp bạn mình, người bạn mới cho vị này trong rừng thượng uyển (bây giờ nhà nào giàu có thì có 1 vườn rộng để nghỉ ngơi, họ nuôi con này con kia, trồng hoa…). Người vua nói mỗi ngày vị này hãy vào trong cung điện để nhận thức ăn, nên vị này mỗi ngày bay vào trong để nhận thức ăn, thường nhà vua tự tay dâng thức ăn lên cho vị này. Hôm đó nhà vua bận, vua mới nhờ hoàng hậu mỗi ngày dâng thực phẩm cho người bạn của vua. Vị này như thường bay vào trong để nhận thức ăn, hoàng hậu trong khi đợi dâng thức ăn thì cô này buồn ngủ, cô nằm xuống ngủ, trong khi người lịch sự thì không nhìn vào người đang ngủ, tại lúc đó tướng họ xấu. Vị này đi tới thấy cô này nằm xuống vậy vô tình nhìn thấy cô đấy nằm, thấy cơ thể của cô đấy, thì phiền não ở trong tâm lâu nay nó chìm đắm được phát khởi, nó phát khởi nên ông chăm chú nhìn vào đó, ông vô tình đụng vào cánh cửa, cô này mới tỉnh dậy, cô chụp cái tay của ông làm phiền não tiềm ẩn mới sinh khởi trong ông trở nên mạnh hơn, ông đã phạm giới. Phiền não lúc tiềm ẩn, đến khi bộc khởi, thì lúc đầu bộc khởi trong tư tưởng thôi, tiếp theo sau biến thành lời nói, hành động. Cho đến khi mình chánh niệm kịp thời, có những tư tưởng bất thiện khởi sinh lên mình ghi nhận liền, mới chớm lên mình ghi nhận liền. Mà ghi nhận, chưa biến thành hành động, kết quả thì mình không bị tội. Nếu bị tội thì cũng nhẹ thôi. Nên phải luôn luôn chánh niệm kịp thời, những gì khởi sinh chánh niệm kịp thời, đừng để nó kéo dài. Thành ra Phật tử khi hành thiền phải luôn tập tâm chánh niệm cho kịp thời, chánh niệm không kịp thời thì đừng có trách cứ, vì đã xảy ra rồi mà, khi mình buồn chuyện đó là mình nhớ về quá khứ, nó làm ô nhiễm tâm mình. Khi không chánh niệm được thì biết là không chánh niệm, rồi chánh niệm lại, chứ đừng ăn năn về những chuyện vừa rồi ta thất niệm, đã qua rồi, ta ghi nhận đề mục trong hiện tại, còn đã qua rồi không biết nó nữa. Không được nhớ đến quá khứ, không nghĩ đến tương lai, chú ý trong hiện tại thôi.
Câu hỏi 2: Con ngồi thiền và hành thiền mỗi ngày đều có những nhận biết khác nhau. Có ngày con rất tỉnh thức, ghi nhận thân tâm tốt, nhưng có ngày con lại buồn ngủ, dã dượi, phóng tâm thật nhiều. Có ngày tỉnh giác tốt, con đã ghi nhận được cảm giác thân tâm rõ ràng, con ghi nhận được cảm giác nặng của phần dưới thân chạm vào sàn, ghi nhận được cơ thể nhẹ như túi tuyết, phồng xẹp như nhịp thở, có lần con nghe mùi vị thức ăn thấy rõ cảm giác thèm, chảy nước miếng, ý muốn muốn nuốt nước miếng, thấy rõ cái tham của mình, con thấy cảm giác buồn cười và thấy luôn ý buồn cười cái tham của mình. Những điều đó có gọi là chánh niệm hay không thưa Sư?
Trả lời: Sadhu, tốt đó. Cứ tiếp tục như vậy, mình làm đúng rồi đó.
Câu hỏi 3: Thưa Sư, trong lúc con ngồi thiền, khi thấy đau chân thì con ghi nhận đau và chú tâm quan sát nó. Con thấy cái đau ngày càng tăng khiến con khó chịu, muốn đổi tư thế, nhưng nếu con chuyển sang chú tâm vào phồng xẹp thì con có thể tiếp tục ngồi được. Thư Sư, con làm kiểu vậy có được không hay là con chỉ nên gắng quan sát sự đau cho đến khi nó mất ạ?
Trả lời: Khi mình quán sát sự đau, mà nó đau biến thành trở ngại không tốt rồi thì mình chuyển qua đề mục khác. Không nhất thiết chú ý sự đau hoài đâu, khi đó mình chuyển qua đề mục thường của mình (hơi thở, bụng), khi nó đau mạnh quá thì mình chú ý vào chỗ đau, nhưng mình chú ý đau không được thì mình quên chỗ đó đi, chánh niệm vào chỗ nào mình dễ dàng nhận biết, mình chánh niệm vào đó. Mới đầu là vậy, về sau chỗ nào xảy ra mình ghi nhận và nó mất ngay. Nó mất ngay tại sao? Vì khi nó đau, mình nhìn vào cơn đau, thì mình nhìn vào không phải là đau nữa, mà mình nhìn vào sự sinh diệt của cơn đau, mình chú ý sự tới mất của cơn đau, mình không cần biết mình đang đau, hay những cảm giác đó là tốt, hay cảm giác xấu. Ví dụ khi mình thấy chân tự dưng có những cảm giác thoải mái, mình nhìn vào đó, khi có những cảm giác đau trong đó mình cũng nhìn, nhưng mình không nhìn vào đau hay nhìn vào cảm giác thoải mái, mà mình nhìn vào sự sinh diệt của nó, sự đến sự đi của cảm giác. Cảm giác nào nó cũng đến rồi đi, đến rồi đi, chú ý vào đó. Nhớ là đừng phân biệt đề mục đó là xấu hay đề mục đó là tốt, đề mục nào có sự sinh diệt đều là đề mục tốt hết. Ví dụ như đau dễ ghi nhận hơn khi không đau đó, nhiều khi cái đau mình chăm chú vào đó, mình chánh niệm dễ hơn là chú ý vào cái mũi, hay sự phồng xẹp của bụng. Nên cái gì dễ cho hành thiền thì mình chăm chú vào. Cơ thể mình nếu không chịu đựng được thì mình đổi tư thế, nhiều khi đổi tư thế rồi mà vẫn đau thì mình đứng dậy mình đi. Đi mà đau thì ngồi xuống, ngồi vẫn đau thì nằm, nên mình thay đổi tư thế để tránh được những trở ngại.
Câu hỏi 4: Kính bạch Sư, khi đi kinh hành con chú tâm vào từng bước chân, chuyển động của chân, trong quá trình bước đi đó con có thấy đầu gối hơi nóng, con ghi nhận, bàn chân từng phần chạm vào sàn thấy mát hoặc lạnh con ghi nhận, khi chân chạm sàn con thấy sức nặng của thân mình đặt trên đất, quá trình này con ghi nhận. Thưa Sư, con ghi nhận vậy là đúng hay sai trên 4 trụ cột đất, nước, gió, lửa ạ?
Trả lời: Đúng rồi đó, tiếp tục hành thiền như vậy. Nhớ là hành thiền mình làm đúng như vậy rồi thì cứ bình thản, đừng mong đợi tại sao tôi hành như vậy mà tôi chả thấy gì cả, chả thấy giác ngộ gì cả, cứ tiếp tục đi. Rồi một ngày nào sự giác ngộ sẽ đến. Ngay cả giác ngộ cũng có những trường hợp như thế này. Ví dụ mình nghĩ xấu 1 người nào đó, tâm bực tức về sự xấu của 1 người nào đó. Rồi 1 ngày mình tìm ra bằng chứng người đó không xấu như mình nghĩ. Thì ngay vào giờ phút đó mình tìm ra bằng chứng vậy, phiền não của mình mất. Sự hành thiền của mình cũng vậy đó, đến 1 ngày nào nó thấy rõ thì phiền não sẽ mất hết. Đức Phật nói rằng khi nào phiền não hết? Là khi thấy mọi vật là vô thường, vì nó vô thường làm cho mình không hài lòng, nên mình khổ, thì mình sẽ thấy được vô thường, khổ, vô ngã. Mình biết mình không có làm chủ được nó. Hành thiền nhiều người thấy vô thường là giác ngộ, thấy khổ là giác ngộ, thấy vô ngã là giác ngộ. Có nhiều khi họ thấy luôn cả 3 trong 1 lần. Thì cứ tiếp tục hành thiền đi, mình sẽ thấy. Sư thấy mấy hôm nay trình pháp toàn là những vị, Sư thấy đang trên đà tiến bộ rất tốt đẹp. Sư nói Sadhu Sadhu, rất hoan hỉ với những thiền sinh trong khóa thiền này.
Câu hỏi 5: Kính Bạch Sư, trong thời thiền sáng nay con vẫn ngồi như mọi khi là ngồi yên lặng, tập trung vào chuyển động duy nhất của cơ thể là hơi thở. Khi có phóng tâm con ghi nhận phóng tâm, khi có cơn đau ở lưng, ở chân con ghi nhận các cơn đau 1 cách bình thản mà không thể hiện sự khó chịu. Một lúc sau con thấy sự tê chân mất dần rồi mất, sự đau chân giảm dần còn lại chút xíu, con quay lại vào sự chú ý của hơi thở, phồng ngưng xẹp phồng, cứ như vậy con ngồi hết thời thiền không thay đổi tư thế lần nào (đây là lần đầu tiên kể từ khi tham gia khóa thiền con làm được như vậy). Sư cho con hỏi con thực hành như vậy đúng chưa ạ?
Trả lời: đúng rồi đó, tốt rồi đó. Sadhu sadhu! Sadhu tức là lành thay, lành thay đó. Giống như trong phim bộ người ta nói thiện tại, thiện tai đó. Cứ tiếp tục như vậy đi, rồi 1 ngày mình sẽ gặp được kết quả tốt đẹp.
Câu hỏi 6: Trong thời thiền tối ngày 30/10, khi con đang ngồi thiền con nghe thấy tiếng nhạc nhà bên cạnh, con niệm “nghe, nghe” rồi con niệm “giận, giận” rồi con niệm “nhẫn, nhẫn”, sau đó con có cảm giác phần thân trên rất nhẹ nhàng, rồi sau đó toàn thân rất nhẹ, cảm giác rõ hơn sự phồng xẹp, trên thân không còn cảm giác đau mỏi, chỉ thấy sự nhẹ bẫng. Khi nghe tiếng chuông dừng hành thiền, con có cảm giác tâm rất nhẹ nhàng, nhưng sang thời thiền tiếp theo là sáng 1/11 và tối 1/11 con cảm giác không rõ ràng như trước. Xin Sư chỉ dạy ạ?
Trả lời: đó là vô thường đó. Bữa mình được thế này, bữa mình thế kia. Thấy vô thường rồi phải không, đâu phải xảy ra giống nhau đâu. Hành thiền cuối ngày thấy vậy tốt đẹp lắm, nhưng thấy đẹp hay không tốt đẹp thì mình đừng đánh giá, thấy gì ra thì mình ghi nhận, chú ý vào sự sinh diệt của nó. Lâu lâu đánh giá nay mình thiền như thế nào. Thì chuyện đã xảy ra rồi, là quá khứ đó, mình chánh niệm hiện tại thôi. Vừa rồi thất niệm thì bây giờ mình chú ý cho không thất niệm. Tiến trình thực hành, khi nó thế này khi thế kia. Nhưng rõ ràng khi thực hành mình gặp những chuyện rất tốt đẹp, an vui, hạnh phúc, thì ít nhất mình cũng thấy ích lợi của việc hành thiền rồi đó. Cứ tinh tấn thêm. Thành ra có nhiều người không tin việc hành thiền, nhưng cứ hành thiền đi sẽ thấy lợi ích. Tự động họ sẽ tiếp tục, nhớ phải kiên trì tiếp tục, đừng làm biếng. Các thiền sinh trình pháp đây tốt đẹp đó, cố gắng tinh tấn, sẽ dẫn đến Niết-bàn, an lạc, hạnh phúc. Sư nhắc lại, trước khi Đức Phật nhập diệt, Đức Phật dạy thế gian này là vô thường, như vậy hãy tinh tấn. Tinh tấn hành thiền, quán sát thân tâm đó, đừng phóng dật. Nói xong Ngài tịch diệt. Tinh tấn là chữ cuối cùng trước khi Đức Phật nhập diệt, giống như cha mẹ trăn trối cho con mình đó.
(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)