Buổi 11: Thiền Sư Khánh Hỷ Hướng Dẫn Thiền Tha Thứ & Giảng Về Ngũ uẩn | Khóa Thiền Vipassana 20 Ngày

Thiền tha thứ:

Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)

Nhớ đọc những câu này thật chánh niệm, thật thành thật.

Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)

 

Nhớ là mình đã xin mọi người tha thứ cho mình, mình cũng tha thứ cho người khác và cho chính mình. Do đó bây giờ không được có 1 tâm nào sân hận hết. Nếu có tâm sân hận đến thì mình nhắc lại là mình đã tha thứ cho mọi người và tha thứ cho chính mình rồi, mình phải cố gắng như vậy, không khởi sinh sự giận dữ, trách móc nữa. Giờ mỗi giờ mỗi phút mình như 1 người mới vậy đó, chuyện quá khứ quên hết, không cần nhớ quá khứ, không suy tưởng tương lai, chỉ chú ý trong hiện tại.

Thiền Tâm Từ:

Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người cùng chỗ làm với con, con hay gặp gỡ, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả thiền sinh, tất cả Phật tử, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)

Thiền Minh Sát

Tiếp tục quan sát chuyển động ở bụng, hay chú ý vào hơi thở ra vào ở cửa mũi.

Bây giờ quý vị ngồi thoải mái, người nào đau chân có thể lấy tay bóp chân, rồi ngồi lại cho đàng hoàng để nghe thuyết giảng. Nhớ khi bóp chân phải chăm chú vào sự bóp, vào cảm giác trong chân, nó đau nó nhức thấy nó tan biến.

Đức Phật ngày xưa khi Ngài giảng giáo pháp cho chúng sinh, quý vị thấy có những bài pháp khởi đầu câu trong đó là “1 lần nọ, Đức Phật đi với 1.250 vị Tỳ Kheo”, thì 1.250 vị Tỳ Kheo đây là nói đến những vị Tỳ Kheo đi theo Đức Phật đã đắc Quả Thánh. Đặc biệt những vị đắc Quả Thánh gọi là Ehi Bhikkhu. Những vị đó sao gọi là Ehi Bhikkhu? Là khi Đức Phật gặp những vị đó khi họ còn là cư sĩ, Đức Phật giảng giáo pháp cho họ nghe, khi họ có ý muốn thành 1 vị Tỳ Kheo thì Đức Phật nhìn vào họ, thấy quá khứ người ta rồi Đức Phật đọc Ehi Bhikkhu, thì khi người nào có đủ Ba la mật tốt đẹp, đã thực hành thiền nhiều kiếp, thì vị đó đang mặc đồ cư sĩ thì bộ đồ đó biến mất, tóc râu tự cạo sạch, y áo đầy đủ, đây gọi là người có phước báu Ehi Bhikkhu. Ngoài ra có những vị khác không đủ phước báu như vậy, Đức Phật cho xuất gia như thường. Khi Đức Phật thuyết pháp vậy, Ngài thuyết pháp 1 câu, Chư tăng với Phật tử đông lắm, khi đó Đức Phật nói 1 câu, không phải như bây giờ có loa phát xa được, không có micro mà Ngài thuyết bằng miệng thôi.

Khi đồ chúng đông quá, những người ở xa không nghe được, nên Đức Phật thuyết 1 câu thì những vị ở gần lặp lại những câu Đức Phật thuyết, rồi cứ vậy truyền dần ra đằng sau. Như vậy 1 câu Đức Phật thuyết ra, được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, việc lặp lại này cho nhớ. Trong kinh sách, những lời dạy của Đức Phật rất là ngắn, không dài lắm vì phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Những lời lặp đi lặp lại gọi là chính kinh – chính lời Phật dạy. Về sau, người ta kết tập lại, người ta ghi đó là những lời kinh. Nhưng khi đọc kinh như vậy, hay Đức Phật giảng giải có nhiều người chưa hiểu rõ, nên họ gặp những vị Sư khác, như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, để những vị đó giảng giải thêm nên gọi là chú giải. Sau khi các Ngài giảng giải thêm cho hiểu thêm, có người chưa hiểu nữa thì có những vị khác, hoặc chính những vị đó giảng giải thêm gọi là phụ chú giải.  Những vị Sư học kinh điển, học xong giảng lại cho Phật tử, gọi là phụ phụ chú giải. Hoặc những vị Sư viết ra thành cuốn sách, coi như là họ chú giải đó, gọi là phụ phụ chú giải.

Cũng vậy, các vị Sư tu tập cũng vậy. Muốn tu tập phải lựa vị Sư nào mà họ hiểu biết giáo pháp nhiều, biết cách thực hành. Cũng như đi xem tuồng, mình phải lựa những tài tử, minh tinh, người nổi tiếng, đóng giỏi. Khi mình hành thiền, học giáo pháp mình biết lựa ai? Thì khi Đức Phật nhập diệt rồi, có kỳ kết Tam Tạng lần thứ nhất, có 1 số Chư Tăng tụ họp lại với nhau, đọc lại những lời Đức Phật giảng giải, khoảng 100 năm sau, các vị đó tụ họp lại lần nữa gọi là kết tập Tam Tạng lần thứ 2, đến lần thứ 4 thì được viết lại thành kinh sách. Rồi lần thứ 5 kết tạng ở Miến Điện cách đây 200 năm, khi đó họ viết lên những tảng đá bên Miến Điện, các vị đi đến nơi đó để xem, nơi đó họ không có trồng cây, tại trồng cây sợ rễ ra làm hư tảng đá. Các tảng đá này cao chừng 1 thước, ngang 1 thước, ghi lại kinh điển trong đó.

Đến kỳ kết tập Tam Tạng lần 6, Chư Tăng cũng tụ họp lại, khi kết tập vậy cần 1 vị hộ chủ đứng ra kết tập, vị này được Chư Tăng trên toàn thể thế giới, nhất là ở nước làm kết tạng, họ phải kiếm 1 vị thuộc lòng Tam Tạng, hiểu biết cả pháp học và pháp hành đầy đủ. Vào thời kỳ kết tập lần thứ 6, có 1 Ngài tên là Nyungan Sayadaw làm chủ tọa, Ngài đó đọc thuộc lòng hết từ đầu đến cuối Tam Tạng kinh điển, người hỏi là vị Sư khác đọc những câu hỏi cho vị đó trả lời, cũng giống như kỳ kết Tam Tạng đầu tiên là Ngài Ca Diếp đặt những câu hỏi, Ngài Ananda trả lời. Kỳ kết tập lần thứ 6 là Ngài Mahasi đặt ra câu hỏi, nên Ngài cũng phải thuộc lòng kinh điển cả pháp học, pháp hành tinh thông. Do đó, khi mình nghe những lời dạy dỗ, thì mình phải xem vị nào học giỏi, đủ thẩm quyền cả pháp học pháp hành để dạy cho mình. Khi đó Ngài Mahasi mới dạy dỗ pháp học, pháp hành cho mọi người. Mấy hôm nay Sư giảng về thiền cho mọi người, là theo những lời giải thích của Ngài Mahasi. Ngài có đủ trình độ khả năng để hướng dẫn cho mọi người.

Sau này Ngài Mahasi không còn giảng nữa, những người đi theo Ngài thực hành mới đi ra mở thêm nhiều chỗ để cho mọi người thực hành, những trung tâm đó lan tràn khắp nước miến, hiện có hơn 1000 trung tâm dạy thiền Minh Sát. Chúng ta hành thiền đây là theo cách mà Ngài Mahashi hướng dẫn. Cùng thời với Ngài Mahasi có Ngài Tangulu?, 2 người cùng học trò của 1 vị thầy trước. Ngài Mahasi Ngài nói người ta làm biếng lắm, nên phải cho vào khuôn khổ, Ngài rất là kỷ luật, Ngài bắt phải ngồi thiền 1 giờ, đi kinh hành 1 giờ, hàng ngày vào trình pháp cho thiền sư.

Ngài Tangulu là sư huynh của Ngài Mahasi thì chủ trương khác, không cho họ vào khuôn khổ, cứ để họ tự nhiên, muốn ngồi thiền, đi kinh hành bao nhiêu thì tùy. Ngài Tangulu qua Mỹ dạy thiền và nhiều nước khác, Ngài Mahasi cũng thế, nhưng nhờ Ngài Mahasi kỷ luật như vậy nên mới mở rộng ra được, còn Ngài Tangulu không đưa ra kỷ luật nên các trung tâm của Ngài Tangulu rất ít. Sư biết được vậy vì Sư cũng đã hành thiền với Ngài Tangulu, Ngài rất là dễ dãi, mình hành thiền bao nhiêu thì tùy mình, Ngài khuyên thôi chứ không ép buộc. Nhưng mình thấy thường muốn con cái thì lúc đầu phải cho nó vào kỷ luật, nhỏ mà không có kỷ luật là không được. Quý vị hành Thiền Minh Sát đây thường có kỷ luật, giờ nào làm việc nào, làm cho đúng. Khi quý vị hành thiền sẽ thấy, khi học giáo pháp Ngài Mahasi dạy đúng theo kinh điển Đức Phật, những bài kinh rất khó Ngài có thể giảng giải rõ ràng cho người khác hiểu. Rất nhiều vị học giả trên thế giới cũng nói Ngài là người chú giải rất rõ ràng, có những bài kinh khó hiểu nhưng Ngài vẫn dẫn chứng đầy đủ rõ ràng. Quý vị may mắn được hành thiền chính thống, nên quý vị chỉ cần tinh tấn là được.

Hôm nay Sư sẽ bắt đầu buổi giảng bằng những điều Ngài Mahasi đã giảng dạy. Như vậy không thể nói hết được nên chỉ nói những điều đại cương trong đó thôi. Những lời dạy của Ngài có rất là nhiều cuốn sách, đọc hết phải mất nhiều thời giờ lắm. Hôm nay Sư sẽ trích những phần tinh túy trong bài giảng Ngài Mahasi.

Khi hành thiền, mình phải biết ngũ uẩn là gì. 

Gánh nặng của ngũ uẩn? 

Ngũ uẩn mình nói tóm tắt là thân và tâm, ví dụ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là thân (vật chất), thọ tưởng, hành, thức thuộc về tâm. Ngài Mahasi dạy rằng: Đeo mang Ngũ uẩn (Thân tâm) thật nặng nề làm sao! Từ lúc được bào thai trong bụng mẹ, thì khối ngũ uẩn (Thân tâm) này đã cần phải được chăm nom săn sóc rồi. Mẹ đã phải bỏ biết bao công lao nuôi dưỡng, bảo vệ để cho thai nhi được phát triển tốt đẹp an toàn. Từ miếng ăn đến giấc ngủ, mẹ phải thận trọng theo dõi hàng ngày để đứa trẻ trong bụng mình được phát triển tốt đẹp. Nếu người mẹ là một Phật tử, bà sẽ vì lợi ích của con mà tinh tấn làm các việc thiện lành.

Khi được sinh ra, đứa bé không đủ khả năng để tự lo cho mình, nên cần phải được cha mẹ, người lớn bồng ẵm, bú mớm, tắm rửa, thay tả lót, thay quần áo… Phải cần tới ít nhất hai hoặc ba người để săn sóc và nuôi nấng gánh nặng ngũ uẩn bé nhỏ này.

Khi lớn lên, mọi người đều phải tự săn sóc lấy mình. Họ phải ăn uống ngày hai ba bữa. Nếu muốn ăn ngon, họ phải bỏ ra nhiều công lao mới có được. Họ phải tắm rửa, giữ gìn thân thể áo quần tươm tất sạch sẽ. Muốn thân thể khỏe mạnh, họ phải siêng năng tập thể dục hàng ngày. Họ phải tự làm tất cả mọi việc. Khi nóng, họ phải quạt; khi lạnh, họ phải sưởi. Họ phải thận trọng chăm sóc và giữ gìn sức khỏe. Khi đi, họ phải thận trọng để khỏi vấp ngã. Khi đi đâu xa, họ phải biết nơi mình sắp đến có được an toàn không, có bị nguy hiểm không. Dù có thận trọng giữ gìn, thì cũng có lúc họ phải bị bệnh; họ phải uống thuốc điều trị. Chăm nom săn sóc năm hiện tượng tâm vật lý này thật vất vả nặng nề biết bao!

Gánh nặng lớn lao nhất của chúng sanh là phải lo liệu cho cuộc sống của mình. Nhiều người mới mười hai, mười ba tuổi đầu, đã phải tự kiếm sống. Ai cũng phải lo học hành. Người có học lực sơ cấp chỉ tìm được việc làm chân tay. Người có học lực khá hơn thì có địa vị cao trọng hơn. Nhưng rồi, ai cũng phải làm việc cật lực ngày này qua ngày khác không chút ngừng nghỉ.

Những người đã tạo được nghiệp lành trong quá khứ, nên trong kiếp sống hiện tại ít gặp khó khăn trở ngại. Những người sanh ra với nghiệp tốt, được nuôi nấng chu đáo từ lúc nhỏ, và khi lớn lên được học hành tốt đẹp. Ngay khi đã trưởng thành, họ cũng còn được cha mẹ tiếp tục giúp đỡ để đạt được những điều mình mong muốn. Những người may mắn như vậy khó có thể hiểu được gánh nặng thật sự của cuộc đời là gì.

Những ai có nghiệp không tốt trong quá khứ, không bao giờ có được sự may mắn như thế. Khi còn nhỏ, họ chỉ biết tới cái đói mà thôi, chẳng có chút hạnh phúc nào: không được ăn những gì mình thích, không được mặc những gì mình ưa. Lớn lên, họ chỉ biết ráng giữ cho thân tâm này tồn tại là đủ rồi, không còn mong muốn gì nữa. Có người không đủ gạo ăn từng bữa. Có người phải thức dậy từ sáng sớm để giã gạo nấu cơm. Có người thiếu thốn đủ điều phải mượn đầu này vay đầu nọ, đầu tắt mặt tối để sống qua ngày. Nếu bạn muốn biết nhiều hơn về đời sống của người nghèo, hãy đến khu họ ở, bạn sẽ tận mắt chứng kiến đủ mọi đau thương của cuộc đời.

Thân này, một trong năm uẩn, là gánh nặng lớn lao. Lo ăn, lo mặc, lo chỗ ở cho thân này là đã mang vào mình gánh nặng lớn lao đó. Chúng ta đã làm tôi mọi cho thân này, cho sắc uẩn này quá nhiều. Ngoài việc lo cho thân được ăn mặc no ấm, chúng ta còn phải lo cho thân này được đẹp đẽ và hạnh phúc trong cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Khi lo lắng để có được các cảm giác vật chất lẫn tinh thần vừa ý, thoải mái là chúng ta đã phục vụ cho thọ uẩn. Lại nữa, chúng ta muốn cho thân này được thấy cảnh đẹp và được nghe âm thanh êm dịu là chúng ta đã phục vụ cho thức uẩn.

Chúng ta có thể nhận ra ba gánh nặng (sắc uẩn, thọ uẩn, thức uẩn) này một cách dễ dàng.

Sắc uẩn nói: “Hãy nuôi tôi cho đàng hoàng. Hãy cho tôi những gì tôi thích ăn, nếu không tôi sẽ làm cho tôi bịnh hoặc yếu. Hoặc tệ hơn nữa, tôi sẽ tự tử!” Thế là chúng ta phải chiều chuộng làm cho sắc uẩn vui lòng.

Thọ uẩn nói: “Hãy cho tôi hưởng cảm giác thú vị, nếu không tôi sẽ làm cho tôi đau đớn. Hoặc tệ hơn, tôi sẽ tự tử!” Thế rồi chúng ta chạy đi tìm những cảm giác thú vị nhằm thỏa mãn những gì thọ uẩn cần.

Rồi đến thức uẩn nói: “Hãy cho tôi thấy cảnh đẹp. Hãy cho tôi nghe âm thanh hay. Hãy cho tôi ngửi mùi thơm, nếm vị ngon…Nếu không tôi sẽ làm cho tôi bực mình, cáu có. Hoặc tệ hơn nữa, tôi sẽ tự tử!” Thế rồi chúng ta làm theo sự sai bảo của thức uẩn.

Dường như cả ba uẩn này luôn luôn đe dọa chúng ta. Chúng ta chỉ biết làm theo những đòi hỏi của chúng. Sự vâng lời này là một gánh nặng lớn lao.

Hành uẩn hay các tác động tạo nghiệp cũng là một gánh nặng khác. Đời sống đòi hỏi chúng ta phải thỏa mãn các nhu cầu và những điều ưa thích hàng ngày. Và để thỏa mãn những đòi hỏi này mà chúng ta phải tích cực làm việc. Chúng ta phải làm việc liên miên không nghỉ. Các sinh hoạt lẩn quẩn của con người được thúc đẩy bởi tác ý của chúng ta, và tác ý này bắt nguồn từ sự xúi dục của tham ái. Những sinh hoạt này tạo những đòi hỏi mang tính cách hăm dọa chúng ta mỗi ngày, và nếu những đòi hỏi này không được đáp ứng, thì nhiều rắc rối, và ngay cả cái chết cũng có thể xảy đến với chúng ta. Khi ao ước của con người chưa được thỏa mãn, thì tội ác sẽ tìm tới. Hành uẩn hay các tác động tạo nghiệp này đã đè nặng chúng ta biết bao! Cũng vì không đủ sức mang gánh nặng này nên chúng ta trở nên vô đạo đức, phạm những điều sai trái đáng hổ thẹn. Hầu hết các tội lỗi hình thành cũng vì con người không kham nổi gánh nặng của các sinh hoạt mang tính chất nghiệp này.

Tưởng uẩn cũng là một gánh nặng lớn lao. Đặc tính của tưởng uẩn hay tri giác là ghi nhớ sự kiện để có thể nhận ra sau này (là trí nhớ, như thấy hoa là nhận ra hoa gì, nhìn bóng đèn là biết bóng đèn vì đã từng gặp rồi, chứ không phải là tưởng tượng). Tưởng uẩn là phương tiện để rèn luyện các khả năng như trí nhớ, tri thức và trí tuệ. Nhờ các khả năng này, chúng ta có thể phân biệt được điều tốt điều xấu, và loại trừ những điều bất thiện khởi sinh từ những đối tượng không hài lòng toại ý. Nếu các đối tượng được giác quan ưa thích không được đáp ứng, tâm sẽ phản ứng lại và tạo nên những hậu quả tai hại xấu xa. Vì không kham nổi gánh nặng của tưởng uẩn nên nhiều phiền não như luyến tiếc, hối hận, bất an, lo âu … phát sinh.

Vì những lý do trên, nên Đức Phật tuyên bố rằng ngũ uẩn thủ là một gánh nặng lớn lao.

Thường, người ta sống mà chẳng hề nghĩ đến sự suy tàn và hủy hoại dần mòn của thân xác mình. Mãi cho đến khi cái già kéo đến, tật bệnh hoành hành, và cái chết gần kề, người ta mới nghĩ đến sự kiện đau buồn này.

Tiến trình hư hoại như vậy tiếp tục tái diễn trong mỗi kiếp sống: sự hủy hoại dần mòn của thân xác, sự đàn áp không ngừng của già nua, bệnh tật, và cuối cùng là cái chết. Đức Phật đã thấy rõ ràng tiến trình này, khi quan sát sự sinh tử của chúng sanh qua hàng triệu kiếp sống. Thấy rõ nỗi khổ của chúng sanh khi bị già, bệnh, chết chi phối; thấy rõ nỗi khổ của chúng sanh khi bị lo âu sầu muộn, uất ức than khóc chế ngự; thấy rõ nỗi khổ của chúng sanh khi phải xa lìa người thân yêu, Đức Phật nảy sinh lòng bi mẫn. Nếu lịch sử của kiếp người được vẽ hết trở lại, thì trọn cả mặt đất này cũng chưa đủ chỗ để vẽ.

Tâm đại bi của Đức Phật nảy sinh khi Ngài thấy không biết bao nhiêu bức tranh “sanh, già, bệnh, chết” của chúng sanh trải qua vô lượng kiếp.

Si mê là không thấy rõ được bản chất thật sự của sự vật. Khi nói rằng tôi thấy cái này, hay tôi nghe cái kia, là ta đã làm một việc sai lầm, vì ta đã cho rằng có một cái tôi đang thấy và đang nghe. Thật ra chẳng có tôi, ta hay tự ngã nào cả. Ý niệm sai lầm này đã khiến chúng ta tin tưởng sai lầm rằng sự vật là thường còn, là đáng yêu, là toại nguyện. Điều này khiến tham ái phát sinh, và khi tham ái quá mạnh mẽ thì trở thành chấp thủ, dính mắc (chấp thủ là khi thích cái gì quá thì muốn mua mang về, tham nhiều quá sẽ mang đến thủ. Như mình vào tiệm thấy nhiều đồ vật thích quá là tham ái đó, mình muốn mua nhiều muốn có là thủ, tham nhiều là thủ, do có si mê, nên khi vào tiệm muốn mua gì thì cứ cầm lấy hết đi, rồi lúc tính tiền lên cầm đồ lên mình tự hỏi cái này là mình thích mua hay cần mua? Thì khi đó sẽ bỏ lại bớt). Đó là lý do tại sao phiền não hình thành.

Giờ đã đủ thì giờ, bữa sau Sư sẽ giảng tiếp.

Trình Pháp:

Câu hỏi 1: Trong lúc thiền con bị muỗi chích nhưng con chỉ ghi nhận và tiếp tục chánh niệm được khi thiền ngồi, còn thiền đi con chỉ kịp ghi nhận muỗi muỗi rồi con đánh nó ngay lập tức. Sau đó con hối hận vì mình đã phạm giới sát sanh. Tuy nhiên có nhiều lần lập lại mà con vẫn không kiềm chế được, xin Sư chỉ dạy ạ.

Trả lời: Muốn tránh thì ngồi trong mùng để ngồi, còn không xứt các loại dầu, trong đó có dầu sả thì muỗi không đến, còn ngồi thiền bị muỗi khó chịu lắm. Mỗi lần định đánh con muỗi thì quay lại xem có nên đánh nó không. Chỗ ngồi phải không? Giờ mình đi vào nhà người ta, thì họ muốn làm gì thì làm, mình lại giết hại người ở chỗ đó là không đúng. Những nơi mình xây chùa ngày xưa cũng là rừng thôi, là chỗ ở của muỗi mà? Giờ mình xây chùa mình vô ở rồi còn đi giết người chủ trong đó thấy có được không? Nhưng giờ mình nhớ, mình làm sao để tránh muỗi, tìm cách để tránh muỗi. Đức Phật nói chỗ để hành thiền cần có nơi thích hợp thì tốt cho việc hành thiền. Nên đừng hành thiền chỗ nào có muỗi, rắn rết. Mà không có chỗ nào tốt hơn thì mang mùng tránh muỗi.

Câu hỏi 2: Khi con quan sát phồng xẹp, con chỉ quan sát được sự phồng xẹp ở phía trên rốn, còn phần dưới rốn chỗ huyệt đan điền con phải hít thật sâu mới quan sát được. Con phải làm sao để quan sát được vùng phía dưới ạ?

Trả lời: Tại sao phải tìm cảm giác ở đan điền? Tất cả cảm giác trong cơ thể mình đều ghi nhận được hết. Những người nói thiền phải quan sát đan điền là không đúng theo hành thiền. Đức Phật dạy rằng thấy gì xảy ra trong thân tâm, cái gì mạnh nhất thì quan sát vào, đó là hành thiền. Chứ không đi tìm kiếm, mình phải khách quan đứng ở ngoài nhìn vào, cái gì mạnh thì ghi nhận, chứ không phải ghi nhận tất cả cơ thể mình đâu. Cũng như mình kiếm sống thì lựa nghề nào đừng tai hại để làm, chứ không phải làm tất cả mọi nghề đâu. Hành thiền thì chỗ nào rõ nhất nhìn vào đó, vì mục đích là để thấy sự sinh diệt của vật chất, thân và tâm, nơi nào thấy được vật chất sinh diệt rõ ràng nhất thì nhìn vào, nên không nhất thiết phải đặt ở đan điền, đặt ở ngực, ở tai, ở bụng gì cả, chỗ nào nổi bật thì chăm chú vào đó. Sư nói nhiều lần, giống như mình thấy tia chớp trên bầu trời, khi tia chớp mình phải thấy ngay lúc đó, chớp lên tắt liền, còn để nó chớp xong rồi mới nhìn thì mình chỉ là nhớ lại thôi. Tia chớp chưa chớp thì mình đón chờ thôi chứ chưa thấy. Thiền là thấy những gì xảy ra trong hiện tại, trong hiện tại mình thấy phần trên của bụng rõ rồi thì cứ nhìn ở đó, đi tìm vùng dưới làm gì.

Câu hỏi 3: Hôm nay Sư dạy rằng tìm nơi hành thiền ở nơi yên tĩnh. Hiện tại nơi yên tĩnh nhất ở nhà con là phòng ngủ của con. Nhưng phòng ngủ là nơi không được trang trọng, thì con ngồi ở đây được không ạ?

Trả lời: Mình hành thiền là chú ý vào thân và tâm, chỗ nào cũng có thể chú ý được chứ. Trong bài kinh nói đi tiêu, tiểu cũng hành thiền được mà, quán sát thân tâm được, mình phải quán sát mọi lúc, đi tiêu, tiểu, ăn uống, đi đứng nằm ngồi đều để quán sát thân tâm. Nhiều khi đi tiêu tiểu mình mới thấy sự dơ dáy của thân tâm này, nên hết dính mắc vào cơ thể này. Cũng có những lúc mình cần niệm vào cơ thể này để thấy cơ thể dơ dáy mà. Mình không phải hành thiền là cứ ngồi vào chỗ đừng dơ dáy này kia, chỗ nào cũng được, nhưng mà chỗ sạch sẽ đó thì tâm mình đỡ hơn, mà không có thì chỗ nào cũng hành thiền được. Trong phòng ngủ đâu cần để tượng Phật đâu, có nhiều người hay để tượng Phật trong phòng ngủ nhưng có người lại nói họ không dám để trong phòng ngủ, sợ khi ngủ không ý tứ nên có tội. Hành thiền thì mình ngồi đâu cũng được. Hành thiền thấy để đèn tốt thì để đèn, không tốt thì tắt đi, tùy theo mỗi người, rồi có người mặc bồ độ này thiền tốt hơn bộ đồ kia, thì mặc. 

Trở lại câu hỏi, nếu trong phòng ngủ mình yên tĩnh nhất thì cứ vào.

Câu hỏi 4: Con niệm phồng xẹp thấy có 1 khoảng trống giữa lần xẹp và phồng, khoảng thời gian này dài hơn cả thời gian phồng và xẹp. Lúc này con ghi nhận thấy nhiều cảm giác như có luồng hơi ấm, có cảm giác mát mẻ dễ chịu phát sinh từ bên trong, nó sinh rồi diệt, ngay lúc thì diệt chậm hơn cho đến hơi thở kế tiếp con lại niệm vào phồng xẹp, rồi lại niệm vào cảm giác. Sư cho con hỏi có nên niệm vào cảm giác sinh khởi giữa phồng và xẹp không ạ?

Trả lời: Nếu mình thấy khoảng hở thì niệm như vậy, người nào không thấy thì không niệm, chứ không phải bắt buộc niệm vào khoảng giữa. Khi nào thấy khoảng giữa thì niệm, cái gì thấy thật thì niệm. Có người phồng họ theo dõi từ đầu đến cuối, rồi cuối cái phồng nó chuyển sang cái xẹp, họ thấy rõ thì không cần niệm khoảng hở đó. Có người họ thấy khi phồng có khoảng hở rất lâu rồi mới xẹp, thì ghi nhận vậy. Nhưng quý vị hành thiền cho đến khi thấy được khoảng hở như vậy thì ít người thấy lắm. Bây giờ mình cứ thấy phồng phồng, hết phồng thì mình nói biết, là biết trạng thái gì đang xảy ra, rồi đến xẹp, giữa phồng và xẹp như có khoảng hở thì mình ghi nhận biết, còn không thấy thì không cần. Khi nào quen rồi thì không cần niệm nữa, quan sát thôi. Giống như 1 số người đi vào hành thiền, lúc đầu chưa biết mặt biết tên thì nói bà A, bà B, sau khi quen rồi thì chỉ cần nhìn lướt qua thôi, rồi nửa tiếng sau có người hỏi có bao nhiêu người vào phòng thì mình nhớ được 1 số đó. Nên khi hành thiền cái gì cần biết kỹ thì nhìn kỹ, cái gì không cần biết thì bỏ qua, tâm chỉ chánh niệm vào cái cần chánh niệm.

Câu hỏi 5: Khi cơn đau nhỏ xuất hiện thì mình ghi nhận ngay và quán sát đến hết để thấy sinh diệt, hay chỉ khi cơn đau lấn át phồng xẹp thì mới niệm ạ?

Trả lời: Đúng rồi, khi nào cơn đau lấn át cơ, giờ đang thấy phồng xẹp rõ ràng mà nó đau sơ sơ thì bỏ qua. Lựa cái gì rõ ràng thì nhìn vào. Chứ mình chú ý vào đề mục chính cũng có nhiều đề mục phụ lắm đó, cái gì rõ nhất thì mình chú ý. Ví dụ đang chú ý phồng xẹp, mình thấy rõ, khi nào cái đau mạnh lấn át phồng xẹp thì mới chú ý vào cơn đau. Nhưng khi hành thiền tốt đẹp, nhiều đề mục xảy ra, thành ra dù đề mục nào nhỏ bao nhiêu mà mình chăm chú vào thì nó cũng biến thành lớn. Ví dụ mình chú ý vào phồng xẹp, phồng xẹp nhỏ mà cái đau mạnh hơn, nhưng khi đang chú ý tốt đẹp, mình muốn chú ý vào cái nhỏ thì tâm vẫn ở đó. Giống như mình đang hành thiền, mình có thể chăm chú lắng nghe âm thanh ở xa, như mình ngồi thiền gần khu chợ ồn ào, mình chú ý vào phồng xẹp nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng ồn, khi thiền quen rồi, khi chú ý vào tiếng ồn xa thì tiếng ồn gần biến mất. Đó là khi tâm chánh niệm tốt đẹp.

Giống như một người dẫn 1 đứa con vào chùa, họ nói khi con tụng kinh thì con tụng to lên, đừng tụng nhỏ. Thì họ vào họ lắng nghe xem con mình có tụng kinh không, thì khi đó dù người xung quanh đang tụng, người đó chăm chú nghe tiếng đứa con mình thì vẫn nghe rõ tiếng đứa con mình đang tụng. Cũng vậy, khi đang ồn ào vậy nhưng mình chú ý nghe 1 người nào nói chuyện thì mình vẫn có thể nghe, trừ trường hợp tiếng nhỏ quá thì không nghe được thôi.

Nên khi hành thiền, mình nên lựa cái gì rõ thì quan sát rõ ràng hơn. Khi quen rồi thì mình chăm chú vào cái gì, dù nhỏ nhưng vẫn quan sát được.

Câu hỏi 6: Khi con đi kinh hành, quan sát thấy sự vận động của thân, nhưng không thấy tâm, làm thế nào để nhận biết tâm? 

Trả lời: thấy gì ở hiện tại thì ghi nhận, ghi nhận thân cũng giác ngộ, ghi nhận tâm cũng giác ngộ, đừng đòi hỏi là phải thấy tâm. Mình làm bất kỳ nghề gì, đừng phạm pháp, có tiền thì mình làm. Có nhiều người nhất là ở Việt Nam, họ muốn làm nghề gì mà có vẻ sạch sẽ, được người khác tôn trọng thì mình làm, còn nghề gì họ nghĩ không tốt, người khác nhìn vào thấy không tốt thì họ không làm. Nhưng người thực tế họ thấy nghề gì làm không phạm pháp mà sinh ra tiền thì ta cứ làm. Như ở Mỹ, người nào đi đổ rác tiền nhiều lắm đó, họ tranh nhau làm nghề lái xe đổ rác, họ chỉ lái xe thôi, không có người nào phụ hết, lái đến thùng rác, để xe vào, lấy cần xúc đổ lên xe rồi đi. Có nhiều người lại chê việc đó không làm, nhưng có người thấy có tiền nên họ làm. Công ty đổ rác bên Mỹ nhiều ông làm tỷ phú đó.

Nên đề mục nào mình thấy được sự sinh diệt của nó là đề mục tốt, không cần biết đề mục đó dơ dáy hay bẩn thỉu gì cả, mục đích của mình là để thấy nó sinh nó diệt để mình loại trừ tham ái đi. Từ tuệ thấy được sinh diệt, từ từ tuệ giác lên mình thấy rõ hơn, cho đến khi mình giác ngộ.

Thường nói đến tuệ sinh diệt cho quý vị, vì dễ thấy, dễ biết. Tiếp theo nữa thì khi vào trình pháp Sư sẽ hướng dẫn thêm. Còn bây giờ quý vị cứ tập để thấy nó đến nó mất.

Câu hỏi 7: Khi ngồi thiền con thường ngồi bán già, 2 chân để lên nhau, vì khi ngồi con hay suy nghĩ khó tập nên con muốn chân bị đau nhanh hơn để con chú ý vào cái đau và ít bị phóng tâm hơn. Ngồi được 20p con thường bị ngáp, nước mắt chảy nhiều, sau đó tâm con thấy thoải mái hơn, hiện tượng này rất thường xuyên xảy ra. Mấy năm trước con đi thiền ở thiền viện con ít bị hiện tượng này, mà ngồi ở nhà con hay bị như vậy. Thưa Sư hướng dẫn cho con.

Trả lời: Thường có người họ nói ngồi ở trường thiền thấy tốt đẹp hơn ở nhà, vì khi ở trường thiền thì có kỷ luật, ngồi 1 giờ mình cố gắng ngồi 1 giờ, còn ở nhà mình nói ngồi 1 giờ nhưng nửa giờ đau mình bỏ, không ai kiểm soát mình. Thành ra tại sao nhiều người đến trường thiền thì hành thiền tốt đẹp, là bởi vì ở đấy có kỷ luật. Nếu mình ở nhà mình cũng cố gắng tập như ở trường thiền thì sẽ tốt đẹp. Có nhiều người định đi 1 khóa thiền 10 ngày, họ đến nơi hành thiền, nhưng cuối cùng sau khi thu xếp công việc xong thì khóa thiền bị hủy, nhiều người mừng lắm, giờ không thiền ta đi du lịch. Nhiều người nói không hành thiền ở trường thiền được thì ta hành thiền ở nhà, khi đó mình cũng dùng phòng nào đó thiền. Mình nói người trong nhà là thời gian này như mình đi hành thiền ở chùa rồi, đừng có tiếp xúc với họ. Mình có thể làm như vậy. Nên phải cố gắng tinh tấn, cương quyết. Cương quyết là 1 trong những Ba la mật. Ba la mật là những pháp hỗ trợ mình hành thiền đi đến kết quả. Những pháp giúp cho sự giải thoát của mình.

Còn cố ý ngồi cho đau thì không nên như vậy. Có nhiều người hành thiền lúc đầu đau quá hành không được. Xong thiền sư nói chú ý vào chỗ đau, thì họ chú ý vào chỗ đau hành thiền tốt đẹp lắm. Về sau họ thấy hết đau rồi, hành thiền không được, họ tạo ra những cách ngồi cực đau để hành thiền. Như vậy đề mục đau là đề mục tốt cho mình hành thiền, nhưng hết đau rồi thì mình không đi tìm cảm giác đau nữa. Vì cảm giác đau khó chịu lắm chứ, nó không tốt đẹp cho cơ thể mình đâu. Nên mình thiền được rồi thì mình chăm chú để quan sát đề mục khác. Không nên làm như vậy.

(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app