Lời Cảm Hứng

Bài Giảng Sư Toại Khanh Youtube 2019

Mình tiếp tục bài giảng ngày hôm qua. Hôm qua tôi có nói rằng thế giới này có nhiều cách để mà mình quan sát, mình nhận thức nó, thí dụ như có trường hợp Đức Phật phân tích thế giới này gồm có 1 thứ thôi, Ngài gọi đó là pháp hành, Ngài nói tất cả pháp hành là vô ngã, vô thường. Ngay trong cái câu nói cuối đời của Ngài, Ngài cũng không còn chia chẻ danh, sắc, 5 uẩn mà Ngài chỉ nói chung là các hành. Có nghĩa là cái gì mà do duyên tạo ra để có mặt, rồi cũng do duyên mà mất đi, thì cái đó gọi chung là pháp hành. Rồi có trường hợp, Ngài phân tích thế giới có 2, đó là danh và sắc, thân và tâm. Có chỗ Ngài phân tích thế giới này thành ra 5, đó là 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Có lúc Ngài phân thế giới này thành 3 cõi, đó là: dục, sắc, và vô sắc. Tùy. Thì chúng ta thấy rằng tùy trường hợp, tùy đối tượng, tùy thời điểm mà Đức Thế Tôn có cách phân tích khác nhau về thế giới này.

Trong bài kinh này mình thấy Ngài phân tích thế giới qua những khái niệm mà đối với đa phần người phật tử mình rất là xa lạ. Thí dụ như Ngài nói thế giới này qua xúc, nếu mình không có học giáo lý, mình không có thể ngờ được rằng cái nội dung bài kinh này sâu như vậy, và bản thân chữ xúc xưa giờ mình hiểu rất là nghèo, rất là cạn, rất là hẹp.

Xúc ở đây là sự gặp gỡ của 6 căn, 6 trần và tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần, đó là toàn bộ thế giới này cùng vô lượng vũ trụ với tất cả chúng sinh trong đó, thì chỉ là sự có mặt của 6 căn và 6 trần. Cái sự gặp gỡ của 6 căn và 6 trần thì được gọi là 6 xúc, mà gọi cho đủ là 6 xúc, mà nói gọn chỉ là xúc thôi là được rồi, trong trường hợp này Ngài chỉ nói xúc là được rồi. Nha, xúc.

Tôi đã nói rằng toàn bộ cái hành trình tu hành của chúng ta, toàn bộ cái hành trình sống đời và hành đạo của chúng ta chỉ là cái lộ trình của 6 xúc. Mình sống ở ngoài đời từ ở trong bụng mẹ, tôi đang nói một ví dụ ngắn thôi, từ ở trong bụng mẹ là mình đã làm việc với 6 xúc, rồi mình ra khỏi bụng mẹ, từ đó cho đến lúc mình đi vào đời, rồi mình vào quan tài, thì đó là cái lộ trình của 6 xúc. Mắt thì làm việc với cảnh sắc, lỗ tai thì làm việc với tiếng động, âm thanh. Mắt thì làm việc với hình dáng, màu sắc. Cứ như vậy, nha, cho nên trong cả cuộc tu mình cũng vậy, trong cả cuộc tu mình giữ giới, hay là mình ngồi thiền, hay là mình sống chánh niệm, hay là mình đi, đứng, ăn, uống, ngồi, nằm, tắm rửa, vệ sinh, bài tiết, tất cả đều là cái lộ trình làm việc của 6 xúc hết.

Thí dụ như bây giờ một người cư sĩ lẽ ra là đã xịt thuốc giết gián, giết muỗi, giết kiến, giết chuột, nhưng mà bây giờ mình khó chịu lắm, cái khó chịu đó là gì? Cũng là 6 căn tiếp xúc với 6 trần. Nhưng mà mình không như người không biết đạo, mình khéo kềm chế ý căn của mình, để mình không có giết nó bởi vì mình là người giữ giới. Mình không có giết nó là vì mình không có muốn gieo nghiệp sát, mình không muốn giết nó là bởi vì mình cũng biết rằng nó có sự sống, nó cũng ham sống, nó cũng sợ chết. Ít nhất là 2 lý do đó, một là vì vấn đề tội báo, vì sợ quả báo mà mình không giết; thứ hai là vì mình thương cái đối tượng đó mà mình không có ra tay. Như vậy toàn bộ cái khoảnh khắc, cái giây phút mà mình đấu tranh tư tưởng để mà không có giết chuột, giết gián, giết ruồi, giết muỗi bằng thuốc, thì toàn bộ quá trình đó chính là lộ trình làm việc của ý xúc.

Rồi bây giờ các vị ra tay các vị dọn dẹp nhà cửa để đừng có hôi hám, đừng có nước đọng, đừng có rác rưởi để cho tụi nó đừng có ở nữa, đó cũng là lộ trình làm việc của 6 căn, có nghĩa là làm việc bằng mắt, bằng mũi, bằng lưỡi, bằng thân. Nhớ cái đó nha. Và cái lúc mình làm việc tư tưởng với chính mình để mình không có sử dụng các biện pháp bạo lực, thô bạo để mà giết nó, đó chính là lúc làm việc của ý xúc. Còn cái lúc mà mình đang làm việc dọn dẹp đó là bằng 5 cái xúc đầu: nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân.

Như vậy các vị thấy không, ở ngoài đời các vị đi ăn nhậu, nhảy đầm, đánh bài, sát sanh, trộm cắp, săn bắn, câu cá, lừa đảo, giựt dọc, hoặc là buôn bán, hoặc là cày sâu cuốc bẩm, tất thảy những chuyện đó đều là hoạt động của 6 căn. Và 6 căn ở đây khi mà tiếp xúc với 6 trần được gọi là 6 xúc. Ở ngoài đời kiếm sống, vật lộn với đồng tiền, bát gạo cũng là 6 xúc. Đi vào chùa tu hành giới, định, tuệ cũng là 6 xúc. Nhớ nha. Có trường hợp Đức Thế Tôn nói về thế giới này Ngài chỉ có một chữ thôi, đó là xúc, tu hành là hạn chế và kiểm soát 6 xúc.

Hạn chế là sao? Có nghĩa là mình không có đi kiếm tìm cái này cái kia để mình nhìn, không có kiếm tìm cái này cái kia để mình nghe, ngửi, nếm, đụng, đó là hạn chế.

Còn kiểm soát là sao? Là trong trường hợp mà không có tránh được cái nhìn, không tránh được cái nghe thì mình có kiểm soát, mình biết rõ cái gì nó đang xảy ra, đang diễn ra trong tâm tư của mình. Như vậy thì người tu vẫn tiếp tục sống với 6 xúc nhưng mà 6 xúc đó có hạn chế, có kiểm soát. Hạn chế là vậy đó. Có nghĩa là mình không có lui tới những nơi nào, không có tiếp tục gặp gỡ những người nào, không tiếp tục tiêu thụ những loại hàng hóa nào, những loại phẩm vật nào, thì đó được gọi là có hạn chế, có kiểm soát trong 6 xúc.

Và như vậy thì cuộc sống của mình trong cuộc đời này cũng là hoạt động của 6 xúc. Như vậy, nói xa hơn nữa toàn bộ dòng luân hồi chỉ nói chữ xúc thôi được rồi, đây là lý do vì đâu mà ở đây Ngài mới nói, Ngài giảng nhiều về xúc.

Xúc có nhiều loại: nhãn xúc, nhỉ xúc,…. và chính cái đời sống của mình thông qua 6 xúc, mình tạo vô vàng các nghiệp. Những nghiệp đó tạo ra những cái quả đây gọi là xúc dị thục, dị thục đây là quả báo. Do hôm nay tôi thích cái này, tôi ghét cái kia, và để giải quyết cái thích, giải quyết cái ghét tôi đã làm các nghiệp thiện ác, thì những nghiệp thiện ác ấy nó cho ra những cái quả tốt, quả xấu, quả buồn, quả vui, thì những quả buồn, quả vui ấy được gọi là xúc dị thục. Các vị nghe kịp không? Và sự chứng đắc niết bàn là sự chấm dứt toàn bộ 6 xúc, vắng mặt triệt để, rốt ráo, hoàn toàn tuyệt đối 6 xúc. Và cái con dường dẫn đến sự chấm dứt triệt để ấy chính là cái đạo lộ bát chánh đạo.

Bát chánh đạo là một tên gọi của tam học, bát chánh đạo là một cách nói gọn của 37 phẩm bồ đề, bát chánh đạo là tên gọi rộng rãi và chi tiết của cái gọi là con đường giải thoát hay là lộ trình giác ngộ. Nhớ nha. Thì đó là nói về xúc hôm qua giảng rồi.

Tiếp tục thọ cũng y chang như vậy, toàn bộ đời sống này chúng ta hoàn toàn có thể nói đời sống này chỉ là đời sống của các cảm thọ, của các cảm giác thôi. Ở trong bụng mẹ là mình đã sống với các thọ, các cảm giác, ra khỏi bụng mẹ cũng vậy, chúng ta phải đồng ý với nhau một chuyện, toàn bộ đời sống của chúng ta chỉ là hành trình của cảm giác thôi, cảm giác dễ chịu, khó chịu, dễ chịu, khó chịu, trốn khổ, tìm vui, trốn khổ, tìm vui. Cả một cuộc đời của chúng ta chỉ có bao nhiêu đó thôi.

Các vị nói với tôi rằng các vị là bác sĩ, là kỹ sư, các vị có ăn học, các vị có tài sản, các vị có quyền lực, các vị có sức khỏe, có nhan sắc gì đi nữa thì tôi cứ căn cứ vào kinh Phật, tôi hiểu ngầm là quí vị cũng tiếp tục sống vật lộn với các cảm giác, nhưng mà ở một cái điều kiện tốt hơn cái người mà không được như quí vị. Những người không được sức khỏe như quí vị, nhan sắc như quí vị, tiền bạc như quí vị, quyền lực như quí vị, quen biết xã hội như quí vị, kiến thức chuyên môn như quí vị, thì những người không có những cái đó, thì cái đời sống cảm thọ của họ nó có hạn chế, nó có nhiều nghiệt ngã, khốc liệt khác hơn quí vị. Đấy, nhiều khi đói mà không có ăn, lạnh hỏng có gì mặc, thèm mà hỏng có gì bỏ vô miệng, thí dụ như vậy. Còn quí vị có điều kiện thì cảm thọ của quí vị nó có khá hơn.

Tôi nhớ người Mỹ họ có một câu nói họ định nghĩa cái chữ luxury. Ở Châu Á mình cái gì mà nó bao gồm những điều kiện đắc đỏ, những hoàn cảnh mà sử dụng những nguyên vật liệu quí hiếm thì được người ta gọi là luxury, thí dụ như vàng, ngọc, châu báu, quí kim, bảo thạch thì người Châu Á mình gọi đó là sang trọng. Nhưng mà người Mỹ họ hiểu chữ luxury có nghĩa là anh có nhiều cái chọn lựa, thì được gọi là luxury. Yeah, mà tôi rất thích định nghĩa đó, luxury nghĩa là đời sống có nhiều chọn lựa. Chớ không có phải như mình, mình nhìn vô cái nhà của người Âu Mỹ nó khác với nhà của người Châu Á.

Người Châu Á mà có tiền thì thế nào là ngà voi, nào là cẩm thạch, nào là vàng son lấp lánh, lung linh, lộng lẫy, đó là cái dấu chỉ cho thấy cái văn hóa, cái não trạng, cái tâm thức hưởng thụ của người Châu Á không giống người Âu Mỹ. Người Âu Mỹ họ có thể giàu bằng trời đó, nhưng vào nhà của họ, cái điểm đầu tiên là gì ta? Tôi đâu có đặc chân vô đó đâu, tôi cũng chỉ coi mấy cái magazine thôi, mấy contenio, mấy nội thất của họ đó, đầu tiên là gì ta? Là đơn giản, sạch sẽ, giản dị và an toàn. An toàn là sao? Chỉ cần nghe nói có cháy, nổ, có mùi lạ là người Âu Mỹ họ chỉ mất có 2 nốt nhạc thôi là họ đã ra khỏi nhà rồi. Còn người Châu Á mình cất cho sang mà tới hồi nhà cháy không biết đường đâu chạy. Cả một cái nhà quất cho tam đại đồng đường, mấy thế hệ sống trong đó mà chỉ có một lối thoát thôi. Cho nên cháy một cái là nó chết nguyên con, cháy một cái là nó chết nguyên một họ, cả họ nó chết sạch. Còn người Âu Mỹ thì không, tiện nghi, đơn giản, hợp lý, an toàn. Là mình thấy không? Cho nên cái đời sống của người Âu Mỹ là họ chú trọng đến cái nội dung chớ họ không chú trọng hình thức, và như vậy thì cái đời sống gọi là sang trọng của Âu Mỹ nó chính là có nhiều sự lựa chọn.

Thì tôi đánh một cái vòng nó hơi lạc đề để tôi tô đậm cho quí vị thấy “Ờ thì ra, một cái thằng nhà nghèo, một thằng nhà giàu, một anh có học, một anh thất học, một anh Âu Mỹ, một anh Á Châu, thì gom chung lại chỉ là vấn đề cảm xúc thôi. Có một điều là đời sống cảm xúc ấy, mỗi anh có một kiểu thể hiện khác nhau, chỉ vậy thôi. Anh nhà giàu Á Châu không giống anh nhà giàu Âu Mỹ, nhưng mà vẫn cảm xúc. Anh nhà nghèo Á Châu không giống anh nhà nghèo ở Âu Mỹ nhưng mà cũng là nghèo, cũng là đời sống của cảm xúc. Mà anh nhà nghèo Âu Mỹ ảnh so với dân nghèo của Đông Phương của Á Châu thì ảnh cũng sống trong cảm xúc, như là các vị từng sống ở Úc, ở Âu, ở Mỹ thì các vị sẽ thấy nghèo thì ở đâu cũng nghèo thôi, nhưng mà cái thể hiện thì có khác, nhưng nói tựu chung lại theo lời Phật, tất cả đều sống vật lộn với cảm xúc. Là gì ta? Trốn khổ tìm vui, trốn khổ tìm vui. Đối với cái anh Âu Mỹ thì ảnh sống ở đâu mà có sữa tươi nè, có bơ nè, có steak nè, có pizza, có spaghetti, có bánh mì là ảnh vui. Còn cái anh Tàu của mình là ảnh đi đâu mà có xì dầu, có tàu hủ nè, có bánh bao, rồi có ba cái thứ mà đặc sản gì của ảnh là ảnh vui. Người Việt Nam cũng vậy, mình sống ở đâu mà mình thấy có những điều kiện sinh hoạt mà thuộc về dân tộc mình thì mình thấy dễ sống. Mình về như Sydney hay là mình về California, Houston, hay là mình đi Paris Quận 13, thí dụ như vậy, mình đi đâu đi nữa, mình cũng thấy là người mình lúc nào đi đâu cũng là xà quần xà quần trong những điều kiện sống của người mình thôi. Là vì sao vậy? Vì cái chủng tộc đó, cái dân tộc tính đó, cái nền tảng tâm thức, nền tảng xã hội ấy nó cần đến những điều kiện tương tự nhau, để mà nó quay quần trong cái nếp sống cảm xúc. Nhớ nha. Cho nên mình thấy dầu đó là sắc, thinh, khí, vị, xúc của mỗi Châu lục, của mỗi dân tộc, đất nước, địa phương khác nhau thiệt, nhưng mà tựu chung lại vẫn là những cái chất liệu làm nên cái đời sống cảm xúc.

Tôi phải đánh một vòng bao la như vậy để có thể thấy “Ồ thì ra cái chữ thọ nó lớn chuyện như vậy”, nó lớn chuyện như vậy đó. Toàn bộ đời sống chúng ta chỉ là quây quần, xoay quanh cảm thọ, cảm xúc chớ hỏng có gì hết, nha. Mình tưởng cao siêu lắm. Bác sĩ, kỹ sư cũng là quây quần với những cảm xúc. Ăn mày, homeless, vô gia cư sống trong khu ổ chuột cũng là cảm thọ, cảm xúc. Một con chuột, một con giun, một con dế, một con ruồi, một con muỗi cũng chỉ là cảm xúc. Các vị để ý đi, mình nói nó là một con gián, mình nghĩ là nó không có thông minh, nhưng mà các vị tưởng tượng, chỗ quá nóng có con gián không? Không. Chỗ quá lạnh? Không. Con gián nó không thể nào ăn cái gì quá mặn, quá chua, con gián nó hỏng có ăn được, nó cũng phải ăn những cái gì trong cái điều kiện thích hợp với cái tập tính sinh hoạt của nó thôi, cái khẩu vị của nó thôi, nó cũng vẫn sống trong cảm xúc, cảm thọ. Rồi con người cũng vậy, ăn cái này, lựa chọn cái kia, mua xe này, không mua xe nọ, mua nhà chỗ này không mua nhà chỗ khác, là tại sao vậy? Vì cảm xúc, nhớ nha.

Rồi cao hơn nữa, có những người nhàm chán cái đời sống của 5 dục: sắc, thinh, khí, vị, xúc, họ nhảy lên họ tu thiền. Họ tu thiền họ có được cái cảm giác an lạc của cái người ly dục, đó lại cũng tiếp tục là quây quần ở trong đời sống cảm thọ nữa, cảm xúc nữa hà. Cắm đầu trong cảnh sắc cũng là cảm thọ, cắm hưởng thụ trong cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc cũng là cảm thọ. Vùi đầu đam mê ở trong các tầng thiền để được cái cảm giác thoải mái, an lạc, thanh thản, sạch sẽ, thanh tịnh thì cái đó cũng là cảm thọ, nhớ nha.

Cho nên vị thánh là sao? Là vị đó vẫn tiếp tục sống trong cái hình hài sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhưng các Ngài luôn luôn hiểu rằng chúng chỉ là chúng, ở đây không có tôi, ta, không có ông A, bà B gì hết. Thứ hai, vị thánh biết rất rõ mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất. Thứ ba, bậc thánh biết rõ những cái thích và ghét chỉ là dựa trên những cái mặc định, trên những giá trị mặc định, những giá trị ước lệ rất là tương đối mà thôi.

Do tiền nghiệp, do khuynh hướng tâm lý, do môi trường sống mà chúng sanh trong đời thích cái này, ghét cái kia, cái món thích của người này rất có thể là món ghét của người kia. Cho nên khi mà mình hiểu được cái thích và cái ghét nó chỉ dựa trên những giá trị rất là ước lệ, chỉ dựa trên những mặc định, mặc ước thì lúc đó mình mới hiểu, lòng mình khác đi nhiều lắm quí vị, nhiều lắm. Còn đằng này là mình tưởng là cái gì nó hay ho lắm nhưng mà mình cứ nhớ chừng lại, ngày xưa ta còn bé ta thích nhiều cái mà bây giờ ta không tài nào ta thích nổi. Cũng chính là ta đó thôi, thí dụ mình 40 tuổi thì cách đây 30 năm về trước, mình thích cái gì bây giờ mình thích hỏng nổi, rồi sau đó 20 năm về trước mình thích nhiều cái mà bây giờ mình thích hỏng nổi, rồi 10 năm về trước, rồi 5 năm về trước, rồi 2 năm về trước, 1 năm về trước, 6 tháng về trước, 3 tháng về trước, 1 tháng về trước, có nhiều cái là cái thích của mình có thay đổi các vị có biết không? Có quan sát mới thấy “Ồ! Thì ra tất cả chỉ là những giá trị mặc định, ước lệ, mặc ước mà thôi. Nhớ nha. Mặc ước ở đây là ước c đó, mặc c đó nha, ước c chớ nhiều người tưởng wearing wet là hỏng phải. Cho nên hiểu được cái này mình mới hiểu “Ồ! Thì ra cái thế giới này nó giả tạm”. Hiểu cái đó mình mới thấy nó giả tạm. Giả tạm hiểu như vậy nó mới sâu.

Chớ còn chữ giả mình hiểu theo cái nghĩa là nó hỏng có bền, nó mới là tạm thôi, chưa thấy được cái giả. Còn cái giả là vầy nè mới thấy giả: Cái nhu cầu, cái sở thích của đàn bà không giống đàn ông, của dân tộc này không giống dân tộc kia, của nhà giàu không giống nhà nghèo, của người có học không giống người không học, của anh đơn giản không giống anh rắc rối, của anh rắc rối không giống anh đơn giản, của người xứ lạnh không giống người xứ nóng, của người nhiệt đới không giống người ôn đới, của người ôn đới không giống người hàn đới, của người Nam bán cầu không giống người Bắc bán cầu và ngược lại của người Đông phương không giống người Tây phương, người Á Châu không giống người Âu Mỹ. Chưa kể trong một cùng một gia đình, anh em cùng cha, cùng mẹ, cùng huyết thống lớn lên trong cùng một môi trường sinh trưởng, ấy vậy mà cái thích, cái ghét của mỗi người cũng không giống nhau. Tin tôi đi, nó hỏng giống nhau. Đây chính là sự quẩn quanh trong các cảm giác, mình sống toàn là cảm giác. Mà cảm giác ở đâu nó ra? Nói rồi, cái cảm giác đó là do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Thông qua những sự tích tập, tích lũy và huân tập này nè, chúng ta có những mentality, personality không giống nhau. Personality không giống mà mentality cũng không giống. Đó! Dầu cùng cha, cùng mẹ. Và cái này mới quan trọng, hôm qua tôi nói rồi, hãy cẩn thận với chính mình. Hãy luôn luôn tâm niệm rằng, thứ nhứt là mình làm cái gì mình biết cái nấy, tại sao vậy? Để thông qua đời sống tỉnh thức ấy, ta nhận ra một điều cực kỳ quan trọng và rất đỗi thiết thân, đó là: “Tất thảy những gì ta thích, ta ghét, những gì mà nó làm ta vui, ta giận, ta buồn, ta sợ, tất thảy những cái đó nó quyết định đường đi chốn về của chúng ta, kính thưa quí vị.

Người Mỹ có một câu mà một người phật tử không có học giáo lý có lẽ chỉ hiểu một phần nhỏ xíu trong đó thôi, Người Mỹ nói thế này: “Anh hãy cho tôi biết anh thích cái gì, anh ghét cái gì thì tôi sẽ cho anh biết con người của anh nó ra làm sao”. Thuở nào còn bé dại trẻ con, trẻ người non dạ tôi không hiểu lắm cái câu đó, bây giờ càng già tóc bạc tôi hiểu câu đó ghê gớm hơn ngày xưa. Đúng, rất là chính xác, anh chỉ cần anh cho tôi biết anh thích cái gì, anh ghét cái gì là tôi cho anh biết con người của anh ra sao. Chưa hết, nó còn có cái này nữa, câu này phải xâm lên người nữa, nếu còn chỗ trống: “Giá trị của mỗi con người tương đương với cái gì mà đủ làm cho anh ta thích, ghét, buồn, vui”. Không biết trong room có nghe được cái này không? Có nghe cái này hiểu hay không? Tôi nhắc lại “Giá trị của mỗi con người tương đương với cái gì mà có thể làm cho anh ta thích, ghét, buồn, vui”.

Cho nên các bậc thánh không còn thích, ghét, không còn buồn, vui. Các Ngài chỉ có khổ thân thôi quí vị. Thí dụ như là thân đau quá, lạnh quá, nóng quá, ngứa quá, chỉ còn có khổ thân, chứ các Ngài không có buồn vui mà theo cái kiểu của thế gian là do tác động từ 5 trần. Không, vị A la hán dứt khoát không có cái đó. Còn các tầng thánh kia người ta giảm rất là nhiều, người ta giảm nhiều lắm chớ đừng có nghĩ là “các tầng thánh thấp chắc giống tui”. Hỏng dám đâu. Những tầng thánh thấp chẳng qua là người ta chưa có ôn kỹ thôi, chứ người ta thuộc bài rồi. Còn vị A la hán là đã đi cuối đường rồi, các vị đó không có buồn vui mà cái kiểu rẻ tiền, trẻ con như chúng ta, nha.

Cho nên hãy nhớ thế này: “Giá trị của mỗi người tương đương với những gì mà có thể khiến anh ta thích, ghét, buồn, vui”. Đức Phật và Chư Thánh không có thích, ghét, buồn, vui như mình cho nên cái giá trị của các Ngài vượt khỏi tam giới là chỗ đó. Đánh giá hỏng được, đánh giá hỏng nổi, các Ngài không có cái gì làm cho các Ngài khó chịu hết, không có cái gì làm cho các Ngài phải thích thú đam mê hết. Không có.

Còn mình thì sao? Một câu nói của người khác đủ để làm cho mình sướng một đêm. Một câu nói của người khác có thể làm cho mình mất ngủ một đêm. Một cái món đồ nhỏ xíu, một chiếc nhẩn nhỏ xíu có gắn cái hột đá gì đó đủ để làm mình sung sướng, đủ làm cho mình quên hết nhân cách, đủ cho mình quên hết tự trọng. Một thỏi son, một hộp phấn, một cái áo dài, một đôi giày, một cái dây nịch, mắt kiếng, đồng hồ, túi xách, đủ để làm cho mình bán rẻ nhân phẩm vì mình thích những cái đó. Hoặc là chỉ vì một cái ghế ở trong công ty, hãng xưởng mà mình có thể lừa thầy, phản bạn. Cái giá trị của mình tùy thuộc vào những gì mà mình thích, ghét, những gì mà làm cho ta buồn, vui. Các vị nhớ cái điểm này nha.

Qua những cái câu mà chúng tôi nói nãy giờ, tôi kêu xâm lên người đó, “À! Thì ra nguyên cái chữ cảm giác nó lớn chuyện như vậy đó”. Đấy, mà hể Ngài Xá Lợi Phất Ngài nói: “Ngày nào mà còn có khổ thì ngày đó còn có lạc. Mà lạc ở đâu thì khổ kế bên đó”. Cho nên, có một lần có một vị tỳ kheo hỏi Ngài Xá Lợi Phất như sau: “Thưa tôn giả con nghe nói trạng thái niết bàn thì không còn khổ lạc mà tại sao con lại nghe một câu kinh nói rằng niết bàn là tối thượng lạc, là hạnh phúc vô thượng. Không có cảm giác thì lấy gì mà hạnh phúc?” Thì Ngài Xá Lợi Phất trả lời thế này: “Chính vì không còn cảm giác nên mới được gọi là tối thượng lạc, hạnh phúc vô thượng, hạnh phúc không thể so sánh”. Còn tất thảy những hạnh phúc, những cảm giác dễ chịu mà nó còn dựa trên cảm thọ, cảm giác thì nó chưa, nó chỉ là hạnh phúc của người bị bệnh tâm thần, bị mê loạn, còn bị phàm phu tính, nhớ nha. Chớ đối với các bậc thánh, các Ngài thấy rất rõ: Ở đâu có thọ lạc thì ở đó còn có thọ khổ. Ở đâu còn có thọ hỷ thì ở đó còn có thọ ưu. Nhớ cái đó, đây là nói thế giới phàm đó nha.

Còn vị thánh, lúc tâm họ không có an trú vào cảnh giới dưới tam thiền, họ vẫn còn vui, nhưng mà đừng có nghe như vậy rồi tưởng cái vui đó giống cái vui của mình. Bậc thánh chỉ vui có một trường hợp duy nhất thôi, đó là cái vui mà không dính líu tới phiền não, một trường hợp đó thôi. Còn mình thì có cả hai, nhớ nha:

* mình vui là vì mình thích,

* mình vui vì mình tránh được cái mình ghét,

* mình vui vì mình có được cái mình thích,

* tránh được cái mình ghét là mình được vui,

* có được cái mình thích là mình được vui,

* tránh không được là bắt đầu từ vui nó chuyển qua khổ, qua buồn,

* còn không có được cái mình thích, nó cũng chuyển qua khổ, qua buồn.

Bậc thánh thì không, bậc thánh chỉ vui là vì các Ngài không còn dính líu tới cái chuyện thích ghét nữa, cái vui đó nó đặc biệt hơn.24

Cũng như hồi trẻ mình thích ai đó xoa đầu khen ngoan, ai đó cho mình ăn cái gì ngọt ngọt, thơm thơm, béo béo, bùi bùi. Hồi nhỏ mình thích cái sự xoa vuốt, mềm mại, mơn trơn, vuốt ve của người lớn. Nhưng tới hồi mình lớn lên, mình không có thích ai rờ đầu mình hết, mình cũng hỏng thích ai vuốt ve mình hết, hỏng thích ai dụ khị cho một hai cái bánh, một hai cái kẹo không đủ để mua chuộc được người nào trên 18 tuổi, đại khái là vậy.

Rồi dần dần sẽ có một ngày trong đời của mình tùy vào mỗi người bao nhiêu tuổi, có người phải 50 tuổi mới được, có người phải 60 tuổi mới được, có nghĩa là có một ngày trong đời, quí vị biết không, mình chỉ muốn ngồi yên, mình không có cần được cái gì hết, chỉ cần đừng bị là mình vui rồi. Tôi nói trong room có hiểu cái này không ta? Trong đời có lúc mình chỉ vui khi mình được cái gì đó, nhưng có một lúc trong đời mình chỉ mong là đừng có bị cái gì là vui rồi. Cho nên tôi nói không biết là bao nhiêu lần, đó là nhiều người sợ những cái ngày tẻ nhạt, thức dậy không biết đi đâu, làm gì, gặp ai, đi đâu, làm gì, gặp ai, ta gọi đó là những ngày tẻ nhạt, những ngày vô vị. Nhưng tôi nói rằng, đối với tôi, những ngày vô vị chính là những ngày vô sự. Không biết trong room còn nhớ câu nói này không? Vô vị chính là vô sự. Ngày trước tôi còn mong bửa nay có chuyện gì vui, gặp được cái người nào mình muốn, có được cái mình thích. Nhưng mà bây giờ ở tuổi này tôi thấy không, không, tôi không cần, tôi không cần gặp được cái người mà tôi thương, tôi không cần gặp cái tôi thích, mà tôi chỉ xin được đừng có cái gì hết, vô sự. Tôi vui ngay trong chính cái sự vô sự đó, trong chính sự vô vị đó bởi vì sự vô vị ấy chính là vô sự.

Tin tôi đi, các vị bao nhiêu tuổi tôi không có biết, bởi hồi nãy tôi có nói rồi, có nhiều người phải 50 tuổi họ thấm, 60 tuổi họ thấm, 70 tuổi, 80 tuổi, 90 tuổi họ mới thấm, nhưng mà do cái thể trạng, cái sức khỏe của tôi, có lẽ tôi đi hơi sớm hơn người ta. Cho nên bây giờ tôi chỉ cần cái vô sự là sao? Đừng có ai mà a lô làm phiền tôi, tôi đừng có tin nhắn tào lao, cơ thể tôi nó đừng có biểu tình, nó đừng có kiếm chuyện, nó đừng có cà khịa là tôi mừng lắm rồi, nó đừng rêm chỗ này, nó đừng nhức chỗ kia là tôi mừng lắm rồi, các vị có biết không?

Như vậy thì để muốn hết luân hồi chỉ cần mình nói một cách thôi: “Hết thọ là hết luân hồi, không còn lệ thuộc vào các thọ thì đã là giải thoát”. Mà muốn đạt tới cảnh giới không còn lệ thuộc các thọ thì sao? Chỉ có một cách thôi: Tu Bát chánh đạo. Và tôi đã nói rồi do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống khác nhau, cho nên cái mà làm cho tôi vui không giống như cái làm cho quí vị vui. Không giống. Mà chính vì vậy cho nên cái phản ứng của tôi trước 6 trần không giống quí vị.

Và các vị phải nhớ rằng có một câu này quí vị xâm lên người nữa nếu còn chỗ trống, đó là: “Trình độ quyết định thái độ”. Toàn bộ đời sống của chúng ta chỉ là thái độ thôi. Các vị có hiểu cái đó không? Toàn bộ đời sống chỉ là thái độ thôi. Chính cái trình độ quyết định thái độ, có nghĩa là sao? Cái sức hiểu của anh, cái sức học của anh, cái khả năng gậm nhấm, tiêu hóa, thấm thía của anh nó tới đâu, thì nó cho phép anh có cái thái độ đối với 6 trần thôi. Không biết trong room có hiểu cái này không? Các vị có hiểu cái này không? Cái trình độ nó quyết định thái độ, nha.

Cho nên khi mình hiểu được vậy rồi thì Đức Phật Ngài dạy một điều đó là: “Hể còn quây quần trong đời sống cảm thọ, cảm xúc thì còn khổ, cái tốt nhất là không còn dính mắc trong đó nữa”. Và cái con đường duy nhất để dẫn đến cái chuyện không còn lệ thuộc các cảm thọ, có nghĩa là không còn sanh tử nữa thì chỉ có bát chánh đạo thôi.

Qua tới tưởng. Chữ tưởng này nó kinh khủng lắm, quí vị biết không? Chữ tưởng này nó dễ sợ lắm. Chữ tưởng ở trong bài kinh mình đang học nè, là tôi quyết định đưa nó vào ở trong quyển Thiền Môn Nhật Tụng Kalama. Bài kinh này sâu lắm, tức là Ngài chẻ nhỏ thế giới ra thành từng góc nhỏ, thí dụ như Ngài nói toàn bộ vũ trụ này Ngài nói chỉ trong 6 xúc, 6 thọ, 6 tưởng thôi, cái đó mới gớm, gớm thiệt đó chứ, ghê thiệt đó, nha. Quá ghê, toàn bộ vũ trụ này Ngài chỉ gom lại còn có một chữ thôi. Chẳng hạn như bây giờ mình đang học chữ tưởng trong bài kinh này là một trong những chỗ cũng tương đối hiếm mà Ngài nói về chữ tưởng mà bằng một cái từ rất là lạ.

Ngài nói tưởng đây chỉ là vohāra vepakka tức là những giá trị ước lệ, mặc định, chỉ vậy thôi.

Chữ vepakka đây dịch sát nghĩa là sự chín muồi, nhưng mà tôi nói gọn như vậy. Chín muồi là sao? Thí dụ như các vị có nghe cái chữ mà “đi lâu thành đường” không? tiếng Việt Nam mình các vị trong room có nghe cái chữ “đi lâu thành đường” không ta? Có nghĩa là tôi không thích cái đó, nhưng mà vì hoàn cảnh mà tôi phải vật lộn với nó hoài, lâu ngày nó cũng thành ra cái thói quen. Còn tôi thích thì khỏi nói rồi. Mà tôi ghét cái đó vì hoàn cảnh mà tôi phải lập đi, lập lại cái đó hoài cũng trở thành thói quen. Giống như cái bàn tay, bàn chân của mình cái chỗ nào mà nó thường xuyên làm việc, tiếp xúc với bên ngoài thì lâu ngày chỗ đó nó bị chai vậy đó. Cái đồng cỏ đó mà mình cứ đi hoài trên lối đó lâu ngày nó tạo thành cái đường mòn, nha. Thì tưởng ở đây nó chỉ là cái lối mòn thôi quí vị chứ hỏng có cái gì hết, được lập đi lập lại nhiều lần. Tưởng ở đây là sự chín muồi của những giá trị mặc định, ước lệ thôi, chỉ vậy thôi chứ hỏng có gì hết.

30:04

Lão Tử có một câu: Đừng coi thường những suy nghĩ thoáng qua trong đầu vì khi chúng được lập lại nhiều lần, những suy nghĩ thoáng qua trong đầu, mà chỉ cần nó lập lại nhiều lần thì sẽ biến thành hành động, mà hành động được lập lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen, và thói quen chính là cuộc đời, chính là số phận của chúng ta. Cái câu này xâm nữa, nếu còn chỗ trống, phải xâm nữa: “Đừng coi thường những suy nghĩ thoáng qua trong đầu vì khi mà chúng được lập đi lập lại nhiều lần chúng sẽ trở thành hành động (hành động ở đây gồm hành động tay chân và hành động qua ngôn ngữ, gọi chung là hành động) và hành động nhiều lần trở thành thói quen, thành cái nếp, mà khi thành nếp rồi nó trở thành số phận”.

Tưởng đây là sao? Sắc tưởng, thinh tưởng do nhiều đời tôi thích nhìn, thích nghe, đó là một dấu vết của tưởng. Những cái ấn tượng của tôi về cái nghe, cái nhìn nhiều đời, rồi ngay trong kiếp sống này tôi là một người Do Thái, từ hồi nhỏ tôi đã quen thấy, quen nghe, quen suy tư theo cái lề thói của người Do Thái. Bố mẹ tôi ở gia đình, thầy cô tôi ở trường lớp, bạn bè, chòm xóm, thân quyến của tôi họ đã ăn uống như vậy, họ nói năng, họ suy nghĩ như vậy, ngôn từ như vậy, những cái đó nó in sâu vào tôi, nó trở thành cái vốn liếng của tôi, nó trở thành kiến thức của tôi, nó trở thành kinh nghiệm của tôi, chưa kể là bản thân tôi. Lâu ngày tôi ăn cái món đó tôi có cảm nhận như vậy đó, đã trở thành cái ấn tượng tâm thức, trở thành cái lối mòn tâm thức lúc nào tôi không hay.

Lâu ngày rồi đối với tôi, theo những gì tôi được học, những gì tôi biết thì mỗi lần tôi gặp cái đó tôi gọi đó là hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình bình hành, hình thoi, hình thang, lục giác, bát giác, đa giác, hình lăng trụ, hình vành khăn. Cái đó lâu ngày tôi biết cái đó là đắng, cay, chua, ngọt, mặn, bùi. Lâu ngày tôi sống lớn lên theo tuổi đời, tôi biết ừ màu đó phải là màu tím, màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu vàng chanh, màu hoàng anh, màu mỡ gà, màu turquoise, màu ochre, tôi nhìn tôi biết, và cái biết đó hoàn toàn dựa trên ký ức, trên kinh nghiệm, trên ấn tượng cũ. Toàn bộ đời sống của chúng ta chỉ là đời sống của tưởng thôi quí vị. Tưởng thôi.

Tại sao mình nhìn người đó mà mình biết đó là đàn bà không phải là đàn ông? Mình dựa vào cái gì mà mình biết đó là đàn ông không phải đàn bà? Để rồi mình thích hoặc là mình không thích, tại sao vậy? Đó là tưởng. Do cái ấn tượng trong quá khứ, nha. Tưởng đây là ấn tượng, gọi là vepakka, các vị vào tìm định nghĩa ở trong cái quyển Pali-English Dictionary của Pali Text Society, các vị coi chữ vohāra này nó nhiều nghĩa lắm, trong đó có cái nghĩa mà dùng trong cái trường hợp này, nha, nhớ cái đó. Chớ không thôi trong room này nhiều cái tay cũng tào lao, có cây thước tấc hai hà, đi đâu móc tấc hai đó ra đo. Hễ cái gì mà hơn tấc hai là trật, cái gì mà ngắn hơn tấc hai là cũng trật. Tôi ớn nhứt là dân tộc mình có cái màn đó. Có cái tấc hai đi đâu cũng xách theo tòng teng, gặp cái gì cũng móc ra đo hết. Hễ cái nào hơn tấc hai là trật mà dưới tấc hai cũng trật luôn. Làm ơn tra trong đó dùm còn không biết ngoại ngữ thì đi chết đi, nha, chứ còn tôi đâu có làm sao tôi cứu quí vị được, làm sao tôi giúp được đây, tra bằng cái gì đây?

Thì ở đây cái chữ tưởng nó là như vậy, toàn bộ đời sống này nó chỉ là tưởng, nó chỉ là ấn tượng thôi. Tại sao mà mình thích cái người đó? Cũng là dựa trên những ấn tượng nào đó trong quá khứ. Tại sao mình ghét người đó? Tại sao mình thích cái chỗ đó? Tại sao mình ghét cái chỗ đó? Tại sao mình thích ăn cái đó? Tại sao mình ghét ăn cái đó? Tại sao mình thích cái mùi đó? Tại sao mình ghét cái mùi đó? Tại sao mình thích cảm xúc đó? Tại sao mình ghét cảm xúc đó? Tại sao mình sờ chạm cái đó mà mình thích? Tại sao mình sờ chạm cái đó mà mình ghét? Tất thảy đều là ấn tượng. Đều là tưởng hết.

Tưởng nó gồm có ba. Nó gồm có dục tưởng, thiền tưởng và quán tưởng. Tôi biết cái này nhiều người nghe là nhảy dựng luôn. Các vị còn nghe không?

Dục tưởng là sao? Là những ấn tượng của chúng ta trong thế giới vật chất. Là sao?

* Tại sao mình nói nó là vuông, tròn, dài, ngắn, trắng, đen, mập, ốm, cao, thấp, xanh, vàng, đỏ, trắng, tím, nâu,…? Tại sao? Đó là ấn tượng của chúng ta về sắc.

* Thinh cũng vậy, các thứ âm thanh, tiếng nam, tiếng nữ, tiếng trong, tiếng thanh, tiếng đục, giọng kim, giọng mí, đồ, rê, mi, la, son, pha, si, thăng trưởng… Tại sao? Đó là ấn tượng của chúng ta về cảnh thinh.

* Rồi cảnh khí cũng vậy, tại sao có các loại mùi, tại sao mình nghe mùi đó biết đó là mùi kho, mùi xào, mùi nấu, mùi nướng, mùi rơm cháy, mùi giấy cháy, mùi nhựa cháy, mùi khét của dây điện, mùi nước hoa hiệu gì hiệu gì… Tại sao mình biết? Đó là ấn tượng về khí tưởng.

* Còn vị tưởng là sao? Đắng, cay, chua, ngọt, mặn, bùi,… Tại sao? Cũng là ấn tượng về các vị.

* Xúc cũng vậy. Xóc, êm, nóng, lạnh, trơn, láng, mịn, nhám,…Tại sao mình biết cái đó ta? Ấn tượng về xúc tưởng.

* Những cái hồi ức, những ấn tượng của mình trong quá khứ về chánh trị, về văn hóa, về triết học, về tư tưởng,… Thì tất thảy những cái đó đều là ấn tượng về pháp tưởng.

Thì quẩn quanh cái đó gom chung lại gọi là dục tưởng hết. Có nghĩa dục tưởng là những ấn tượng của mình về 5 trần: 5 trần cụ thể hay là 5 trần trừu tượng. Thí dụ như là về chính trị, về triết học thì nó cũng là 5 trần thôi, nhưng mà nó ấn tượng về 5 trần mà nó trừu tượng. Cho nên nó thuộc pháp trần, nhưng mà pháp trần này nó vẫn thuộc về, vẫn ở trong dục tưởng. Nha, nó liên hệ với dục tưởng.

Không biết trong room nghe kịp không ta? Tưởng có ba, mà dục tưởng là vậy đó. Là ấn tượng của mình trong đời sống vật chất để mà mình thích cái này, mình ghét cái kia trong 5 trần. Đó được gọi là dục tưởng.

36:28

Rồi bây giờ qua tới thiền tưởng là sao? Đối với người còn đang hưởng dục thì thế giới này có thiên hình vạn trạng, nó gồm có núi sông, cây cỏ, đất đá, mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, tinh tú, sông ngòi, biển cả, kinh rạch, đại dương, chim muông, súc vật, con người, bò bay mái cựa phi cầm tẩu thú,… Thế giới này đối với người hưởng dục tùm lum như vậy đó. Thì những người sống trong dục tưởng, toàn bộ những cái mà tôi vừa kể, mà kể muốn mòn hơi, toàn là trong thế giới của dục tưởng. Nhưng đối với những người họ nhàm chán các dục thì thế giới này đối với họ nó chỉ còn có 10 thứ thôi, nó không còn cái vụ chim muông, cây cỏ nữa, mà đối với người nhàm chán dục họ quay qua họ tu thiền. Thì toàn bộ cái thế giới thiền của họ cũng chỉ là tưởng thôi, nó cũng hỏng có cái gì, nó cũng chỉ là ấn tượng thôi, nó gồm có 10 thứ. Nói về thế giới vật chất chỉ còn có 10 thứ thôi. Còn nếu kể luôn tinh thần thì nó còn có 6. Các vị nghe có thấy kỳ không?

Kể riêng vật chất nè: xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, là 8, hư không, ánh sáng nữa là 10. Toàn bộ tâm tư, đời sống của người ly dục tu thiền thì thế giới này chỉ có 10 cái đó thôi. Không có kinh rạch, sông ngòi, hỏng có đại dương, biển cả, trăng sao, hoa lá, con người, súc vật, chim muông, hỏng có gì hết. Đối với họ, họ chỉ niệm:

* Họ chỉ để cái thau nước họ niệm nước, nước, nước, nước,…họ niệm riết mà đắc thiền bằng cái đề mục nước.

* Họ đốt lên một ngọn đèn, họ cứ niệm lửa, lửa, lửa, lửa, lửa, …họ niệm riết họ đắc thiền.

* Rồi họ ngồi bên cạnh một cái khe hở để gió nó xuyên qua cái khe đó, hoặc là họ nhìn một cái lá lung lay rồi họ mới niệm gió, gió, gió, gió,…họ niệm riết họ đắc thiền.

Đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng cũng vậy, đỏ, trắng cũng vậy, hư không, ánh sáng cũng vậy, họ cũng đều niệm hoài, tâm họ tập trung nơi đó, rồi cuối cùng họ đắc thiền, họ sanh về các cõi Phạm thiên.

Như vậy thì thế giới này đối với những người đó chỉ gồm có mấy cái thứ này thôi, nếu mà nói về vật chất gồm có 10 thứ là đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng.

Còn nếu mà gom luôn tâm thì nó gồm có 6, có nghĩa là đất, nước, lửa, gió, hư không và thức. Thức ở đây là sao? Thức ở đây có nghĩa là khi mà mình từ cái tầng sơ thiền mà muốn lên nhị thiền thì cái bậc lợi căn, nghĩa là người có trí, họ phải quan sát cái sơ thiền thì nó có những cái thô thiển, nó cũng còn có những cái vấn đề, những cái thấp kém, họ mới quan sát cái sơ thiền họ đắc để họ chán nó họ mới đắc được nhị thiền. Muốn đắc tới tam thiền thì anh phải nhìn ngược lại nhị thiền để anh chán nó anh mới đắc tới tam. Chán cái tam anh mới lên tới tứ thiền. Chán thiền sắc giới anh mới lên được thiền vô sắc. Mà thiền vô sắc là đề mục, chỉ có đề mục vô sắc đầu tiên là còn liên hệ một tí ti về vật chất. Liên hệ tí ti là sao?

Là cái hư không của đề mục vô sắc nó không phải là hư không vật chất mà nó là hư không giả định, hư không trong tâm tưởng của hành giả. Là sao? Hành giả khi mà đắc tới thiền sắc giới xong, hành giả mới thấy rằng cái đề mục mà nó còn dính líu tới đất, nước, lửa, gió là đề mục đó còn dỏm. Đã vậy, đắc thiền do những đề mục vật chất thì chết sanh về các cõi Phạm thiên cũng còn hình hài, cũng còn có chỗ ở, vậy là còn dỏm. Các vị đó thấy trên đời này hễ còn dính líu tới vật chất là còn hữu hạn. Mà cái gì là vô hạn đây ta? Cái gì ta? Chỉ có hư không. Thế là vị đó tâm niệm trong đầu, mắt nhắm hít, chỉ tâm niệm trong đầu chỉ có hư không mới thật sự là vô biên, không có biên giới. Chứ còn cái gì mà nó còn liên hệ tới đất, nước, lửa, gió, hư không, cái gì liên hệ đến màu sắc, hình dáng là cái đó còn hữu hạn. Muốn đạt đến cảnh giới vô lượng là chỉ có hư không thôi. Đó, thì vị đó tập trung vô cái hư không giả định đó đó, rồi vị đó mới đắc thiền hư không vô biên xứ, là tầng vô sắc đầu tiên.

Rồi tiếp theo đó nếu mà là bậc đại căn, đại duyên thì các vị thấy rằng hư không tuy là vô biên nhưng còn bị tâm nó biết, vậy tâm mới đúng là vô biên. Khi vị ấy suy niệm như vậy trong một thời gian dài, vị ấy đắc tầng thứ hai gọi là tầng thức vô biên.

Nhưng mà chưa hết, vị ấy lại tiếp tục, nếu là một bậc đại căn, vị đó không dừng lại ở đó, vị đó đi thêm một cái nữa, vị đó thấy hư không là vô biên còn bị tâm biết. Nhưng mà tâm dầu có vô biên nhưng tâm này còn bị tâm khác biết, như vậy cả hai đứa đó đều là dỏm hết, vị đó nghĩ như vậy, vị đó đắc tầng thứ ba, gọi là vô sở hữu xứ.

Chữ vô sở hữu đây có nghĩa là không có gì, chứ không phải là chủ quyền, nhiều người hiểu lầm chỗ này. Nó khổ chỗ này nè, không có dám đọc sách, không có dám, cả đời vậy đó. Mà cứ sống bằng cái vốn liếng mà hồi nào của mình, hồi đó lần đầu tiên mình biết chữ sở hữu ở trường lớp, ở đâu đó, rồi biết nó có cái nghĩa là chủ quyền. Từ đó cả đời, già đầu còn dại, có cháu ngoại còn ngu, cứ ôm cái mình biết cả đời cứ xài nhiêu đó. Mà hễ nghe người ta nói cái gì mà nó khác cái biết của mình là mình xăng quần xăng áo nhảy vô chửi cả họ, chửi nước bọt trắng trời hết vậy đó. Cái dân của mình nó ngộ lắm. Cho tới bây giờ vẫn làm mọi cho quốc tế là chỗ đó. Yeah, tới bây giờ. Ngày xưa mình sợ đế quốc Mỹ, rồi bây giờ mình sợ đế quốc tỷ, các vị tự nói lái thì biết, khổ lắm.

Bây giờ khi mà cái vô sở hữu đây nó có nghĩa là sao ta? Là không có cái gì hết. Cái thằng hư không có cũng không có ra gì, mà cái thằng tâm thức nó cũng không có ra gì, thấy như vậy vị ấy đắc tầng thứ ba là vô sở hữu là nothing không còn gì hết.

Khi an trú một thời gian, nếu mà là bậc đại căn, đại duyên thì mình lại đi thêm bước nữa. Là mình thấy ở đây hoài sao ta? Có cái khác nó hơn cái này chứ? Chớ hỏng lẽ ăn rồi cứ chìm sâu vào cái không có gì hay sao? Vị đó khi mà có lòng chán cái tầng mà mình đang đứng, là vị đó đắc tới tầng phi tưởng phi phi tưởng xứ. Khi chán cái thằng thứ ba, nhìn cái thằng thứ ba mà chán thì tự nhiên đắc tầng thứ tư, mà ở đây phải là người hữu duyên nha, chớ còn quí vị như mình ở đây thì chưa đủ.

Ở cõi dục mình nó cũng có một công thức gần giống như vậy. Anh muốn có B thì anh phải chán A, thì ở trên tầng kia cũng giống như vậy. Nhưng mà cái động tác mà muốn mất A là anh phải bỏ cái gì đó, phải có động tác bỏ rồi anh mới được. Mà ở trên kia chỉ cần cái tâm thôi. Khi mà anh chán cái này thì tự nhiên anh được cái kia, dĩ nhiên anh phải là người có đại căn, đại duyên chớ hỏng phải lơ mơ là được. Cái vị đó chán tầng thứ ba rồi tự nhiên cái tâm vị nó an trú vào tầng thứ tư là phi tưởng phi phi tưởng, có nghĩa là cái tâm nó vi tế đến mức nói có cũng không được mà nói nó không có cũng không được. Cái tâm nó tế như vậy đó. Nghĩa là nó tế là chỗ nào?

Cái tâm thiền thứ ba, cái cảnh mà nó biết chỉ là cái tâm thiền thứ ba, cái cảnh phi tưởng phi phi tưởng nó biết chỉ là cảnh của vô sở hữu xứ thôi, nó không biết cái gì ngoài ra, ngoài cái thứ ba, nó chỉ biết chê cái thằng thứ ba thôi. Cho nên nó được xem là cái tâm tinh tế, mầu nhiệm nhất, vi tế nhất.

Bây giờ tôi quay trở lại. Bửa nay chắc tôi cũng siêng sao chứ đúng ra mấy cái vụ này tôi đã giảng 300 lần rồi nha. Như vậy thì toàn bộ thế giới này, tưởng là sao ta?

Thứ nhất là ngày nào còn hưởng dục, ta quây quần trong dục tưởng: đắng, cay, mặn, ngọt, chua, bùi, chát, rồi xanh, vàng, đỏ, trắng, mập, ốm, cao, thấp, nam, nữ, gần, xa, trắng, đen, trên, dưới, trong, ngoài, dài, ngắn, … Tất thảy những cái đó được gọi là dục tưởng.

Có một ngày, chúng ta chỉ còn có biết đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng, hơi thở mà thôi. Thì trong trường hợp đó được gọi là thiền tưởng, có nghĩa là cũng tiếp tục sống bằng ấn tượng, nhưng mà ấn tượng này nó sạch, nó sạch hơn dục tưởng. Và nhờ vậy nó đưa mình về các cảnh giới Phạm thiên thay vì là các cảnh giới đọa hay các dục thiên. Còn nhờ mình an trú trong các đề mục thiền cho nên mình được sanh về các cõi Phạm thiên, thì những đề mục ấy thật ra nó là ấn tượng chớ hỏng có gì hết. Cho nên chúng được gọi là thiền tưởng, mà hễ còn quây quần ở trong dục tưởng thì chúng ta còn sống quẩn quanh ở trong dục giới. Còn quây quần ở trong thiền tưởng thì chúng ta còn quẩn quanh ở trong các cái cõi Phạm thiên. Sanh về dục giới mình kêu dục giới được, chớ không kêu sanh về cõi phạm giới, mà phải kêu là sanh về cõi Phạm thiên, nhớ nha.

45:40

Cái thứ ba là quán tưởng. Có nghĩa là sao? Chữ quán tưởng trong chỗ này nó có nghĩa như vầy, chứ đừng có đem cái biết mà bằng cái lỗ mũi rồi đi đâu cũng thấy cái chữ quán tưởng mà hiểu theo một nghĩa là chết cả họ nha.

Quán tưởng là sao? Thì tôi đã nói rồi, chúng sanh trong đời chia làm 3 nhóm: nhóm một, gục mặt hưởng dục; nhóm hai, chán dục tu thiền rồi chìm sâu ở trong thiền; nhóm ba, chán dục chán thiền chỉ cầu giải thoát thôi. Đó, mê dục thì hưởng dục, mê thiền thì tu thiền nhưng mà tới cái nhóm thứ ba là muốn cầu giải thoát nên nó tu quán.

Tu quán là gì? Tinh thần của tuệ quán là phải quan sát thế giới này ở một cái góc cạnh khác. Thế giới này có 2 góc cạnh để ta nhìn, góc cạnh một là góc cạnh hiện tượng, thứ hai là bản chất, đó là nói theo ngôn ngữ bây giờ. Còn ngôn ngữ trong kinh là khía cạnh chân đế và chế định, chân đế và tục đế. Hoặc là tục đế nó còn có cái tên là chế định, là thi thiết nữa, là biến kế. Nhưng mà thôi bây giờ mình nói gọn đi, là thế giới này có 2 cái góc để mình nhìn, có 2 góc nhìn về thế giới này, một là nhìn thế giới này qua góc độ gọi là hiện tượng phenomenon, thứ hai là nhìn về bản chất là essence hoặc là cái reality của nó, cái bản chất thật của nó. Khi nhìn về bản chất và nhìn về hiện tượng, nghe nè, thì khi mà chúng ta sống trong dục tưởng và thiền tưởng thì chúng ta chỉ nhìn thấy thế giới này qua cái khía cạnh hiện tượng thôi. Các vị nghe kịp không?

Khi mà còn chìm sâu ở trong dục tưởng và thiền tưởng thì ta chỉ có khả năng nhìn thấy thế giới này qua khía cạnh hiện tượng. Nhưng mà bây giờ anh tu tập tuệ quán để chấm dứt sanh tử thì sao? Anh phải vượt khỏi cái lớp vỏ hiện tượng ấy, để anh quan sát thế giới này ở cái khía cạnh bản chất, bản thể thì anh mới bỏ, mới chán, mới sợ, mới buông nó được, thì đó gọi là pháp môn Vipassana hay là Tứ niệm xứ. Tuy nhiên buổi đầu sơ cơ chúng ta cũng phải vay mượn một tí ti cái khía cạnh hiện tượng, nhưng mà cái khía cạnh hiện tượng của vị hành giả tuệ quán nó khác của bên thiền chỉ.

Bên thiền chỉ là tối ngày cứ ăn rồi là cứ hít vô, thở ra cả đời cứ biết bao nhiêu đó; hoặc là xanh xanh, vàng vàng, đỏ đỏ, trắng trắng; hoặc là đất đất đất; nước nước nước; lửa lửa lửa; gió gió gió. Mà cái đất, nước, lửa, gió của cái ông mà tu thiền định là đất, nước, lửa, gió hiểu theo cái nghĩa thế gian; đất là cục đất; nước là giọt nước, là dòng nước, nước là water đó. Nhưng mà riêng đất, nước, lửa, gió của cái ông mà tu tuệ quán nó không phải như vậy. Đất trong đầu của cái ông tu thiền tưởng nói về khía cạnh hiện tượng nó là cục đất, nó là núi đất, nó là cái đồi đất, là cái mặt đất, nó là soil, nó là earth, nó là earthy.

Nhưng mà trong nhận thức của hành giả Tứ niệm xứ đất ở đây nó vượt khỏi khái niệm hiện tượng, mà nó qua tới khía cạnh bản chất, đất ở đây phải hiểu là trạng thái cứng, mềm gọi là đất, trạng thái cứng mềm, thô, nhám, mịn, láng, nặng, nhẹ được gọi là đất. Cái trạng thái tan chảy, kết dính, ngưng tụ được gọi là nước, nó là trạng thái thôi. Tất cả nhiệt độ nóng, lạnh đều được gọi chung là lửa. Còn gió là cái trạng thái gọi là trương phồng, di động và áp suất thì gọi là gió. Có nghĩa là đất, nước, lửa, gió mà hiểu theo góc cạnh bản thể là như vậy. Chẳng hạn như riêng về gió, hiểu theo cái nghĩa mà hiện tượng nó là wind là gió, nhưng mà hiểu theo khía cạnh mà bản thể là movement, là pressure. Trong đây nghe kịp không? Gió đó, mà hiểu theo nghĩa rốt ráo nó là movement, là pressure.

Rồi ở đây cũng vậy, buổi đầu hành giả Tứ niệm xứ cũng phải vay mượn tục đế, vay mượn khía cạnh hiện tượng một ít lâu. Là sao? Thở ra biết là thở ra, thở vào biết là thở vào. Hơi thở ra đang đi cùng khổ thọ. Hơi thở vào đang đi cùng khổ thọ. Hơi thở ra đang đi cùng tâm tham. Hơi thở vào đang đi cùng tâm tham. Các vị nghe kịp không? Phải có mượn một tí là như vậy.

Rồi dần dần sẽ có một ngày hành giả không còn bị mắc míu vào cái chuyện đi biết là đi, ngồi biết là ngồi, rồi ta đi bằng tâm tham, đang ngồi bằng tâm sân, thí dụ như vậy. Lúc đó sẽ có một ngày quí vị không còn bị dính vô trong cái hơi thở vào, ra, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nhai, nuốt, co, duỗi, tiểu, tiện, mặc áo, mặc quần,… không còn nữa.

Mà cái lúc giây phút đắc đạo là mình chỉ còn biết đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, đây là đạo; biết đây là danh, biết đây là sắc, biết đây là vô thường nè, khổ, vô ngã nè; biết đây là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; biết rằng đây là tâm tham, tâm sân, tâm si; biết đây là khổ, tập, diệt, đạo; biết như vậy đó mới đắc, biết qua khía cạnh chân đế đó.

Nhưng mà buổi đầu chúng ta vẫn phải xài những cái gọi là ấn tượng, mà ở đây mình gọi là quán tưởng, nó khác với thiền tưởng. Thiền tưởng có nghĩa là mình chỉ biết vật chất qua cái tên gọi, qua những khía cạnh hiện tượng thôi. Còn bên thiền quán là bắt đầu từng bước chúng ta đi sâu vào cái thế giới bản chất. Trong room ráng hiểu dùm cho tôi, tôi nhờ. Không hiểu thì tôi nghĩ là coi như các vị không có duyên với đạo, mình cũng không có duyên với nhau, chứ bây giờ đã nói tới đó mà không hiểu là chỉ có đi ch đi, nha, …đổi kiếp. Thì khi mà buổi đầu mình chưa đi sâu vào thế giới bản chất được là mình phải mượn một tí ti nhưng tuy nói là mượn cái hiện tượng của cái ông tu thiền quán nó không giống của cái ông tu thiền chỉ. Thiền chỉ của cái ông hưởng dục thì dục tưởng, thiền tưởng so với quán tưởng nó khác ngàn trùng viễn xứ, hai cái ông kia là cắm đầu ở trong thế giới hiện tượng, còn cái ông mà tu tuệ quán, tu Vipassana hỏng phải. Ổng mượn mà ổng biết rất rõ ổng đang mượn, biết, nhưng mà bây giờ buổi đầu ổng đang cần trao luyện cái niệm, cái định và cái tuệ, ổng đang cần trao dồi ba cái đó cho nên bắt buộc ổng phải mượn ít lâu.

Các vị hỏi tôi mượn bao lâu? Thì tôi nói ai mà biết, cái ngu, cái khôn, cái nhanh, cái chậm của mỗi người nó khác nhau làm sao tôi biết. Nhưng mà phải nói là mượn ít lâu. Có người họ không cần mượn, họ chỉ cần nghe Đức Phật giảng họ trực chỉ liền, trực chỉ chân tâm. Còn mình thì không, mà có nhiều người họ chậm, họ phải tu một tháng, hai tháng, một năm, hai năm, một thập niên, hai thập niên, ba thập niên, có người quất cho mày cả đời mới đắc, có người tu 800 kiếp cũng chưa có đắc nữa, khó nói lắm nha.

Nhưng mà buổi đầu là phải nhờ đến khía cạnh hiện tượng, đây đây hơi thở ra, hơi thở vào, buổi đầu chỉ nhận diện hơi thở thôi, và bước tiếp theo đó là mình niệm hơi thở thuần túy gọi là hơi thở qua thân quán niệm xứ.

Tiếp theo là hơi thở kết hợp với thọ quán là sao? Là ta đang thở ra bằng sự dễ chịu, ta đang thở vào bằng sự dễ chịu, ta đang thở ra bằng sự khó chịu, ta đang thở vào bằng sự khó chịu, là kết hợp với thọ quán.

Rồi kết hợp với tâm quán nè, ta đang thở ra bằng tâm tham, ta đang thở vào bằng tâm tham, ta đang thở ra bằng tâm sân, ta đang thở vào bằng tâm sân. Tôi đọc cho nhanh thôi chớ ai mà niệm nhanh vậy, nha, các vị nhớ cái điểm này.

Pháp quán y chang như vậy, thí dụ mình đang theo dõi hơi thở, thí dụ nha, chứ nhiều lắm, pháp quán niệm xứ là sự kết hợp của ba niệm xứ đầu, cái này không có giáo lý là chỉ có ch thôi. Nhiều người không hiểu pháp quán niệm xứ là cái gì. Thân quán là chỉ tập trung ở trong sắc pháp. Thọ quán là tập trung ở trong cảm thọ. Tâm quán là tập trung trong tâm thức. Riêng pháp quán là nó kết hợp.

Thí dụ như hành giả quán chiếu đây là nhãn xứ, nhỉ xứ; hành giả biết rõ thay vì ở bên tâm quán niệm xứ hành giả biết đây là tâm tham, tâm sân; nhưng mà bên pháp quán niệm xứ hành giả sang hơn một bước, hành giả biết đây là dục triền cái, sân triền cái.

Ở bên thọ quán niệm xứ hành giả chỉ biết đây là thọ hỷ, thọ ưu; nhưng mà ở bên pháp quán niệm xứ hành giả không có kêu hỷ, ưu, mà hành giả biết đây là hỷ giác chi, đây là sân triền cái.

Nghe kịp không ta? Có nghĩa là anh phải có kiến thức. Tôi nói một cách khác, tôi ví dụ hoài mà nhiều người cứ đơ ra thấy thương lắm. Là bà má đang làm bếp, nghe tiếng gọi cửa, bà má mới hỏi: “Ai vậy tụi bây?”. Thì cái thằng 4 tuổi nó lẩm đẩm nó chạy ra, nó vô nói: “Má ơi, cái ông nào đen thui hà”, đó là thằng 4 tuổi. Rồi cái thằng 8 tuổi chạy ra nó nói: “Má ơi, cái ông hàng xóm”. Các vị nghe kịp không? Ông hàng xóm, nó biết vậy thôi. Tới cái thằng 18 tuổi nó đi về vừa tới nó thấy, nó có bằng tú tài mà, nó vô má nó hỏi: “Ai vậy bây? Hai thằng này nói tao hỏng có hiểu”. Thì cái thằng 18 nó nói: “Dạ cái ông nha sĩ ở ngoài downtown đó má, ổng là hàng xóm neighbour mình nè, nha sĩ Mỹ đen.” Các vị nghe các vị có thấy khác không? Cái thằng 4 tuổi nó nói ông nào đen sì hà má ơi. Cái thằng 8 tuổi nó nói ông hàng xóm má ơi. Nhưng mà cái thằng 18 tuổi nó nói cái ông nha sĩ, hàng xóm mình má ơi, nó còn quất thêm cái downtown nữa. Có nghĩa là cũng ông đó nhưng mà phải có một kiến thức tối thiểu thì nó mới biết downtown là cái gì, nó khác với uptown đúng không? Rồi nó phải biết nha sĩ là cái gì, chứ thằng nhóc nó hỏng có biết. Ngay bản thân tôi, tôi không nhớ là lúc nào tôi mới phân biệt được mấy cái đó. Đối với tôi, cứ người nào mà giống giống mấy ông mà sĩ sĩ tôi gom hết vô cái bác sĩ hà, chứ tôi đâu có biết nha sĩ, bác sĩ khác nhau cái gì. Nhưng mà khi mình lớn, mình biết là bác sĩ nó có tới 800 thứ bác sĩ lận, bác sĩ da, bác sĩ máu, bác sĩ xương, bác sĩ internal, bác sĩ nội tạng, bác sĩ chuyên về đường ruột, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ chuyên về mắt, bác sĩ phụ khoa, nhi khoa, sản khoa,… Nhưng mà hồi mình còn bé, mình cứ thấy ông nào mà đeo ống thính dẫn rà rà, nghe nghe là mình phán ông đó bác sĩ thôi. Hoặc là ông nào mà cứ dựa hơi bác sĩ mặc áo trắng mà xẹt xẹt xẹt mình kêu đó là y tá, như vậy thôi. Nhưng mà khi mình biết nhắc tới chữ nha sĩ dentist có nghĩa là mình có một cái biết nhất định nào đó, mình mới biết dùng cái chữ đó. Vì sao? Vì ngôn ngữ nó gắn liền với khái niệm, nhớ nha, ngôn ngữ nó gắn liền với khái niệm, cái idea, cái concept, ý tưởng và ý niệm, ý tưởng và quan niệm. Cái idea và concept nó gắn liền với ngôn ngữ, cho nên mỗi một từ ngữ nó gắn liền theo nó, đi cùng với nó là những concept và idea, những ý niệm, những ý tưởng.

Cho nên ở đây cũng vậy, muốn tu pháp quán niệm xứ là anh phải có kiến thức giáo lý và trí anh phải nhanh, chứ anh mà cà rờ, cà mò cà mò, gà mờ, quáng gà là anh hỏng có tu được nha. Nó khổ như vậy đó. Trong room có còn nghe không ta?

Tưởng là vậy đó quí vị. Như vậy thì hễ nói tang hoang như hồi nãy giờ đó, thì mình đang học về 3 loại tưởng là dục tưởng, thiền tưởng và quán tưởng. Thì thiền quán buổi đầu mình phải mượn cái tưởng, biết cảnh tục đế, cảnh chế định; nhưng mà lâu dần khi niệm, định, tuệ mà nó mạnh rồi, duyên lành ba la mật ngon lành rồi, ngũ quyền ngon lành rồi thì tự động mình đi vô trong thế giới bản chất, thế giới chân đế.

Muốn lìa bỏ được dục tưởng và thiền tưởng một cách vĩnh viễn là mình phải sử dụng cái quán tưởng, đó là một cách nói chuyên môn; còn cách nói thông thường là toàn bộ sanh tử nó chỉ quẩn quanh trong cái thế giới của tưởng, của hoang tưởng, của giả tưởng và của ảo tưởng tôi quí vị, nha. Hoang tưởng, ảo tưởng và giả tưởng. Anh còn sống ở trong thế giới ảo tưởng, hoang tưởng thì anh mới còn có những giấc mơ hoang đường, yeah, mình không học giáo lý mình không có biết rằng tất cả chúng ta đây đều sống trong ảo tưởng, hoang tưởng và giả tưởng. Cho nên những cái chúng ta thấy nó không phải là thiên đường mà nó là hoang đường. Có nghĩa là sao? Khi chúng ta là con dòi, chúng ta thấy đống phân là tuyệt vời. Khi chúng ta là con ruồi, chúng ta thấy đống rác là tuyệt vời. Khi chúng ta là đàn ông thì chúng ta yêu đàn bà. Khi chúng ta là đàn bà thì chúng ta yêu đàn ông. Khi chúng ta là Mỹ đen chúng ta có những sở thích rất là Mỹ đen. Khi chúng ta là Mễ chúng ta thích những cái rất là Mễ. Chúng ta là người Úc chúng ta thích những cái rất là Úc. Chúng ta là người Âu chúng ta thích những cái rất là Âu, nha. Chúng ta là con chó, là con heo chúng ta thích những cái rất là chó, rất là heo. Các vị biết không?

Mà hễ thích ở đâu nó gắn liền với cái ghét ở đó. Tôi đã nói rồi mà mình cứ đơ ra đó. Hễ có thích là phải có ghét. Hễ thích nóng thì nó ghét lạnh. Thí dụ thích ấm thì nó ghét lạnh, mà thích mát thì nó ghét nực, đại khái như vậy. Hễ có cái thích là có cái ghét đối lập, mặc dù ngay lúc đó có thể là mình không có biết, mình không có ngờ, mình không có thấy. Như bửa nay mình xách cái giỏ mình đi shopping, đi cà khịa ở ngoài tiệm tự nhiên mình phát hiện ra có cái áo hay quá. Sao cái áo nó hay ta? Là bởi cái áo nó lựa cái tông màu hay quá, cái gam màu hay quá, cái họa tiết trên đó hay quá, đơn giản, chỉ trên cái vệt mực giống như nét sổ của chữ Hán kéo xuống, ở trên một cái nền vải lụa như vậy đó, rồi nó có một cái đường ngang vậy đó, đơn giản vậy, nhìn muốn hiểu sao thì hiểu, mình hình dung nó cách điệu cho một cái gì đó. Khi mình bắt đầu mình thích cái loại hoa văn, họa tiết đó, có nghĩa là từ đây về sao mình gặp cái gì nó rắc rối là bắt đầu mình ghét. Tin tôi đi. Mà mình đâu có ngờ quí vị, khi quí vị đã yêu được cái đơn giản là bắt đầu các vị đã bắt đầu ghét cái rắc rối, ghét cái phức tạp.

Tin tôi đi, bắt đầu rồi đó. Mặc dù xưa giờ các vị rất là thích cầu kỳ, diêm dúa, lòe loẹt, có, nhưng bắt đầu hôm nay các vị tự nhiên các vị thích một khu vườn Nhật, một bức tranh tình cờ, một pano quảng cáo trên phố mà tình cờ mình thấy nó quảng cáo. Một khu vườn Nhật có một ống tre nước chảy róch rách, róch rách; mình nhìn thấy mấy viên sỏi trên con suối cạn trong cái vườn Nhật nào đó. Chúng ta biết yêu một mái chùa Nhật, biết yêu một cái sân cát, biết yêu một cái vệt nắng chiều trên một triền đồi không có ai. Khi chúng ta bắt đầu biết yêu những cái trầm lặng, đơn giản và quạnh hiu đó thì lòng chúng ta bắt đầu nó đã có khuynh hướng đối lập với cái gì phồn tạp, ồn ào, ầm ỉ. Tin tôi đi. Yeah, khi anh đã bắt đầu yêu một cái gì đó thì anh đã bắt đầu ghét những cái ngược lại. Và khi anh ghét cái gì đó thì có nghĩa là anh đã bắt đầu yêu cái ngược lại. Cho nên Phật dạy:

Đừng tìm chi cái ghét,

Đừng tìm chi cái thương,

Thương phải xa là khổ,

Ghét phải gần là khổ,

Muốn không được là khổ.

Cả đời này chỉ một vài câu nói ngắn ngủi của Thế Tôn đủ để cho mình tu, đủ để cho mình sống, đủ cho mình quì mình lạy. Không có cần làm tượng gì cho nó nhiều, cho nó tốn kém, chỉ cần ghi cái câu này lên một cái tờ giấy học sinh, giấy ca dê dán trên vách, quì lạy suốt ngày:

Đừng tìm chi cái thương,

Đừng tìm chi cái ghét,

Thương phải xa là khổ,

Ghét phải gần là khổ,

Muốn không được là khổ.

Toàn bộ thế giới này chỉ chừng đó thôi, thưa quí vị, nhớ nha. Đó là mình nói về tưởng.

1:02:23

Các lậu hoặc là gì ta? Lậu hoặc là gì? Bửa nay tại sao tôi cố ý tôi giảng chậm bài kinh này, bởi vì bài kinh này là bài kinh tôi chọn mà, chọn đem vào trong Thiền môn nhật tụng, bài kinh đó sâu lắm. Các hành giả mà chỉ cần đọc kỹ cái bài kinh này, nghe giảng kỹ bài kinh này thiệt là sâu là nó cực kỳ hạnh phúc.

Rồi bây giờ mình học tiếp theo, các lậu hoặc là sao? Ở đây nó gồm có…Ờ quên nói cái này, ở đây Ngài nói gì đi nữa, Ngài cũng nói cái nhân sanh khởi của thọ, của tưởng là gì? Là xúc. Đó, là xúc, từ xúc nó mới ra thọ, từ xúc nó ra tưởng. Xúc nó quan trọng lắm. Xúc là gì? Là sự gặp gỡ của căn và trần đó quí vị. Tôi nhắc lại một chút xíu trước khi tôi qua cái phần lậu hoặc. Xúc nó sâu lắm, tôi nói rồi, không biết trong room có hiểu không?

Toàn bộ đời sống của mình chỉ là cái quá trình, cái lộ trình làm việc, cái quá trình gặp gỡ của 6 căn và 6 trần. Vấn đề là anh ở trong cái môi trường nào mà anh để cho 6 căn của anh nó gặp những 6 trần loại nào. Nói bằng ngôn ngữ của mình đi, có những cuộc gặp gỡ khiến chúng ta thành hiền thánh, có những cuộc tương phùng khiến cho ta thành con chó, con heo. Các vị nghe kịp không?

Có những cuộc gặp gỡ khiến ta thành hiền thánh; mà có những cuộc tương phùng biến ta thành chó, thành heo. Tương phùng là gì? Tương phùng là meeting, là sự gặp gỡ đó chứ hỏng có gì hết. Ở đây không phải là touching, cái xúc đây nó không phải là touching mà nó là meeting, nó là gathering, nó là sự hội tụ, sự gặp gỡ, là sự gắn kết. Làm ơn nhớ dùm cái đó, chứ còn xúc mà hiểu là touching thì nó nghèo quá, nó nghèo quá, ở đây phải là meeting, là gathering, là sự gặp gỡ, là sự tương phùng.

Cứ nhớ hoài cái câu này: “Có những cuộc gặp gỡ khiến chúng ta thành hiền thánh mà có những cuộc tương phùng khiến cho ta ra con chó, ra con heo”. Là sao? Cũng nhìn cái đó mà anh nhìn bằng cái tâm thức gì? Có chánh niệm, có trí tuệ, có thiền định, có tàm, có quý, có tín, có tấn, có niệm, có tuệ, thì cái nhìn ấy, cái sự tương phùng ấy biến cho ta thành hiền thánh, mà có những cuộc gặp gỡ biến ta thành chó, thành heo. Có nghĩa là ta nhìn cũng hình ảnh đó, âm thanh đó, mùi đó, vị đó, nhưng mà ta nhìn bằng cái tâm thức gì? Cái thái độ của ta trước 6 trần là cái gì? Thì từ đó ta mới thành chó, thành heo. Các vị nghe kịp không?

Và tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần, đó là chúng ta hôm nay có là bác sĩ, là kỹ sư, là hoa hậu, là người mẫu, là thầy chùa, là linh mục, là bất cứ cái gì đi nữa, cao sang đạo đức cỡ nào đi nữa, nhưng mà trong mỗi người chúng ta cái chủng tử ăn phân người, chủng tử ăn thịt sống máu tươi nó luôn luôn còn đó, miễn là chúng ta còn phàm, là vì sao? Là vì bây giờ chúng ta đang là kỹ sư, bác sĩ, chỉ cần chúng ta tắt thở một cái, trời biết chúng ta về đâu, chúng ta làm con bọ, con dòi thì lúc đó mình thấy đống phân là mình gặp mình mừng lắm. Mà nếu trong lúc tắt thở mà chúng ta đi về xứ Châu Phi chúng ta làm con beo, con sư tử thì sao ta, thì chỉ có thịt sống máu tươi thôi. Cho nên, cứ nhớ cái này: “Tôi có là ai trong cuộc đời này, sang trọng, giàu có bằng trời đi nữa, miễn là tôi còn phàm thì cái chủng tử, cái hạt giống, cái seed, cái chủng tử mà ăn thịt sống, ăn phân người, chủng tử mà thích nước cống, nước rãnh, thích bồn cầu nó vẫn còn trong con người của tôi, không mất được”. Gớm như vậy, hiểu như vậy nó mới teo. Hôm nay mình làm đẹp, mình phấn son, mình trang sức, mình quần là, áo lụa, mắt kính, đồng hồ, dây nịch, mắt kính, túi xách, mình tưởng mình sang, mình bảnh. Nhưng nếu mà mình sống triền miên, chìm sâu ở trong thích và trong ghét, thiếu niệm, thiếu định và thiếu tuệ, thiếu tàm úy, thiếu niềm tin, rồi thì sao? Tắt thở rồi, những cái chủng tử, những cái hạt giống kia nó sẽ tìm ngay một mãnh đất để mà nó sinh sôi, tìm ngay thôi quí vị. Nó tìm ngay một mãnh đất để nó sinh sôi, bởi vì trong người mình có rất nhiều hạt giống mà cái gớm nhất đó, tôi nhắc lại, gớm nhất, cái khả năng ăn thịt sống máu tươi, cái khả năng mà ăn phân, cái khả năng cống rãnh của mình nó rất lớn, lớn lắm, mà mình hỏng có ngờ. Tham, sân, si ở đâu thì phân người và cống rãnh nằm ở đó, tại chỉ có mấy ông đó nó mới đưa mình về cái chỗ đó được. Mấy cái tâm lành, tâm thiện nó không thể đưa về đó được. Cái mà tín, tấn, niệm, định, tuệ, từ bi, bao dung, cảm thông, chia xẻ, nhận thức là mấy cái đó không thể nào mà nó đưa mình xuống chỗ thấp được. Mà chỉ có mấy cái anh mà tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi, tỵ hiềm, bủn xỉn, nhỏ mọn, toan tính; mấy cái đó chính là cái con đường, là cái lộ trình nó đưa mình xuống mấy cái lỗ cống, cái mấy bồn cầu; nó đưa mình vô mấy cái đống rác, nó đưa mình vào cái chốn rừng sâu núi thẳm để mà liếm láp thịt sống, máu tươi, nha. Cho nên tùy thuộc vào đời sống của chúng ta, tùy thuộc vào 6 căn nó tiếp xúc với 6 trần bằng cái thái độ tâm thức như thế nào.

Và tôi cũng đã vừa nói “Trình độ nó quyết định thái độ”, thái độ sống đó quí vị, thái độ tâm lý, thái độ tâm thức của chúng ta đối với 6 trần, tôi nói có nhanh lắm không? Và khi tôi nói, tôi phang mấy cái này thì bà con nghe ớn quá, nhưng mà đó là sự thật. Bởi vì theo trong kinh, theo trong Thiền môn nhật tụng Kalama chúng tôi có trích bài kinh này từ Trung bộ, ờ hôm qua quên nói, toàn bộ nội dung cái quyển đó là lấy từ trong kinh tạng ra Phạn-Việt tức là Pali-Việt chứ không có cái gì của riêng chúng tôi hoặc của một cá nhân, đoàn thể nào hết trơn, không hề có, nha. Thì trong đó có bài Kinh Hiền Ngu của Trung bộ nói một chuyện mà lạnh xương sống, đó là một khi mà đã lọt xuống đường đọa rất khó quay lên, là vì sao? Là vì khi mà lọt xuống đường đọa, chúng ta chỉ sống toàn là bản năng, bad instint. Sống toàn là bản năng, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu, đói ăn, khát uống, đực cái, trống mái, chỉ biết giao phối và tự vệ. Tự vệ có nghĩa là đứa nào đụng tới mình thì mình phản ứng, phản ứng bằng cách một là mình tấn công lại nó, hai nữa là mình co rút hoặc là mình chạy trốn, chỉ biết bao nhiêu đó thôi, có nghĩa là đói ăn, khát uống, giao phối và phản vệ (phản ứng và tự vệ). Đói ăn, khát uống, giao phối và phản vệ, các vị tưởng tượng có rất nhiều người trong chúng ta chỉ sống bằng 4 cái này thôi. Mặc dù là cũng có bằng cấp đại học, cũng có vợ đẹp, chồng giỏi, cũng có nhà lầu, xe hơi, nhưng cả ngày của mình chỉ vật lộn với 4 thứ này.

Các vị tưởng các vị có trình độ khoa học, kiến thức, văn minh? Chưa chắc. Nhiều khi cái bằng cấp của các vị, đồng ý trong mấy năm đại học nó cho mình cái kiến thức chuyên môn. Đúng, nhưng sau đó mình coi nó là cần câu cơm để mình đi kiếm cơm thôi quí vị, nha. Thì mình gọi đó là hành nghề, nhưng mà thật ra nói mà nôn na nó là kiếm sống, mà nói tục chút xíu là kiếm ăn, khổ như vậy đó. Ba cái từ đó, ba cái level, ba cái slice khác nhau. Một là mình xài cái chữ sang đó là hành nghề, tệ hơn chút là kiếm sống, mà bậy nhất là kiếm ăn. Mà khi đẩy cái chuyện hành nghề nó xuống tới kiếm ăn rồi đó, thì mình nhớ kỹ coi trong đầu của mình, mình có khác mấy cái con kia không? Thì nó ăn rồi nó ngủ một giấc, nó dậy nó đi kiếm ăn, đúng không? Nó khiếp lắm quí vị, kiếm ăn, nhưng mà do cái điều kiện, hoàn cảnh mà mỗi đứa, mỗi loài nó có kiểu kiếm ăn khác nhau, chỉ vậy thôi. Nếu mà ngoài cái chuyện lo cho tình cảm của mình, lo cho vợ chồng con cái, mà mình không biết cái gì ngoài ra thì coi chừng đời sau, kiếp khác cái chỗ cao mình khó leo lên lắm. Bởi vì cái thế giới thật sự là thế giới hiền thánh là phải sống có trong, có ngoài, có trên, có dưới, có thân, có sơ.

Có nghĩa là quí vị quan sát đời sống của một vị Bồ tát trong kinh mô tả đó, ngoài cha, mẹ, vợ, con, bạn bè, thân quyến thì Ngài còn có vô vàng thiên hạ để Ngài yêu thương, Ngài chăm sóc, Ngài chia xẻ, Ngài bận tâm, Ngài nặng lòng, đó mới đúng là bậc hiền thánh. Và các vị nhớ dùm cái này “Cái giá trị của một con người nó nằm ở sức chứa ở trái tim”. Tim anh ta chứa được bao nhiêu thì cái giá trị của anh ta nặng bấy nhiêu. Chưa hết, cái giá trị của con người nó không phải nằm ở chỗ anh ta nhận được bao nhiêu, mà nó còn ở khả năng anh ta trao ra được bao nhiêu, nhớ cái đó nha. Mà những cái loài thấp kém nó không có khả năng trao ra, nhớ cái đó, nó không có khả năng trao ra. Chỉ có con người mới có khả năng trao ra, tin tôi đi, hình như là vậy.

Chỉ có con người, chỉ có loài động vật cao cấp, con người là vạn vật chi linh mà quí vị, nó mới có khả năng trao ra, có khả năng chia xẻ. Còn đa phần là khi mình sống mà mình chỉ biết có ru rú, ru rú cái thân này của mình, gia đình này của mình, dòng tộc này của mình thì coi chừng nó trở thành nếp sống khép kín, một là ích kỷ bản thân, hai là nếp sống bầy đàn, các vị biết không? Khi mà mình chỉ biết lo cho gia đình mình không, mình không biết lo cái gì ngoài ra, coi chừng rất có thể đó là tâm thức bầy đàn, nha. Bửa nay tôi nói toàn là mấy cái chuyện mà làm cho người ta…, nhưng mà nói pháp mà cấm nói thì chết rồi, nha. Và thế nào, mấy cái tay mà kỹ thuật viên hồi là xén, cắt đã luôn. Tính nói một chuyện mà thấy cũng phiền quá thôi, nhưng tôi cũng phải nói. Tôi xin lạy trước vong linh mẹ tôi, tôi không có hèn đến mức mà tôi ăn rồi tôi chống phá tùm lum, nhưng mà sau này tôi nghe nhiều chuyện quá phải cho tôi nói một chuyện. Đó là tất thảy những email, những fanpage, những website mà dính líu tới tên của chúng tôi chỉ đơn giản đó là chúng tôi email chỉ có là toaikhanh77@gmail nha, còn không quí vị vào cái kalamahermitage, chứ còn ngoài ra tất thảy những cái khác chúng tôi không chịu trách nhiệm. Có những cái web mà họ khen chúng tôi lên tới trời rồi họ đạp chúng tôi xuống tới sình, mà cả đám quần chúng mười mấy ngàn người cứ cắm đầu mà tin, tôi không biết là tại sao? Tôi tình cờ vào đó tôi đọc, tôi hết hồn. Tại sao bà con không nhớ rằng tôi còn sống ở đây, còn gặp tôi sờ sờ ở trong room mỗi ngày, có gì không chịu hỏi thẳng, mà cứ đi vào một cái room nào đó rồi cứ tưởng lầm là tôi ở đó, chỉ vì là có cái tên của tôi ở đó có phải chết không? Có phải chết không? Rồi mai này người ta quyên góp, người ta vận động cái gì đó là tôi chịu trách nhiệm hết. Tại sao các vị thông minh quá vậy? Tôi lạy các vị, nha. Bửa nay không nói không được, tôi sợ cái đó lắm. Chẳng thà tôi quyên góp, tôi ăn rồi tôi bị bỏ tù, tôi bị kiện ra tòa, hoặc các vị chửi tôi, mắng tôi, các vị chụp đầu tôi hỏng tức. Còn đằng này chỉ vì cái tên của tôi treo tòng teng ở đó, rồi các vị hùa nhau nguyên một rừng người mà chạy tới đó, mà còn kêu bằng Sư nữa chứ, mà không biết cái room đó của ai, cái trang đó của ai, khổ quá. Bây giờ, một là [email protected], còn không nữa vào kalamahermitage.com hoặc toaikhanh.com, cái đó là của tôi. Tôi không cầu các vị đến nuôi tôi mập như cưỡng, tôi không cầu các vị lấy tiền đổ lên đầu tôi, nhưng mà làm ơn nhớ dùm một chuyện tôi không chịu trách nhiệm những cái gì mà nó ngoài ra cái đó. Tôi sợ lắm. Nó oan, chết như vậy không có nhắm mắt, các vị biết không? Khó liệm lắm. Chết con mắt nó phải vuốt được, nha. Tức lắm. Rồi. Các vị sẽ ngạc nhiên, tại sao tôi đang giảng cái đạo giải thoát mà tôi quay qua một chuyện rất đỗi là phàm tình? Là bởi vì nhiều khi các vị biết không, mình cao một mét sáu, mét tám gì đi nữa, nhưng một chút xíu gai ở dưới gót mà mình không nhổ nó ra thì đứng không có yên. Các vị có là võ sư đi nữa mà một tí bụi vô mắt là các vị cũng như là thua rồi, nha, nhớ nha. Các vị có là ai đi nữa, một cái mũi gai nhỏ xíu dưới gót chân, một tí bụi trong mắt, chỉ chừng đó thôi là coi như là không có được, là không có làm ăn được gì hết, nhớ dùm cái này, cám ơn quí vị nhiều. Xin lỗi đã làm phiền, đã làm gián đoạn cái pháp thoại. Chúng tôi nói tiếp.

Chính vì 6 xúc nó quan trọng như vậy đó nên nó là nền tảng cho tất cả thọ, tức là cho đời sống cảm giác của chúng ta, nó là nền tảng cho đời sống kinh nghiệm, ấn tượng của chúng ta, từ nhà Phật chuyên môn gọi là tưởng đó quí vị. Bây giờ chúng ta học tiếp qua…Khoan cũng còn cái tính bỏ qua mà quên. Nói như vậy thì toàn bộ thế giới này mình nói nó là tưởng cũng được, mà nói nó nằm trong chữ xúc cũng được, nằm trong chữ thọ cũng được. Mà nếu nói như vậy thì mình hoàn toàn có thể nói rằng: Cứu cánh cao nhất của người tu là kết thúc không còn tưởng nữa, không còn thọ nữa, không còn xúc nữa.

Ngày nào không còn xúc, không còn thọ, không còn tưởng, không còn tư nữa, … Tư ở đây hôm qua không biết tôi có giảng chưa ta? Xúc, thọ, tưởng, tư. Tư ở đây có nghĩa là những ý niệm thiện, ác trong lúc 6 căn làm việc, nói vậy là hiểu rồi, dầu cho chưa giảng nữa nhưng mà bây giờ nói sơ vậy đó. Tư ở đây tức là cái ý niệm thiện, ác trong lúc 6 căn làm việc với 6 trần. Thì bây giờ muốn không còn sanh tử nữa thì đừng có mấy cái món này. Sự vắng mặt của mấy món này nó chính là niết bàn, chính là sự giải thoát tuyệt đối, triệt để, rốt ráo. Và cái con đường dẫn đến sự chấm dứt ấy phải là cái lộ trình hành trì bát chánh đạo, làm ơn nhớ dùm cái này, nhớ nha.

Tiếp theo mình học về ba lậu hoặc. Ba lậu hoặc ở đây là gì? Thường mình học là tứ lậu, đúng không? Có nghĩa là dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu. Nhưng ở đây thì Ngài lại nói có ba lậu, nghe thì làm như nó ít hơn, mà nghe cái tên thì làm như nó hỏng mắc mớ gì cái kia nhưng mà thật ra nó là gom gọn bốn cái kia. Cái kia là:

* Dục lậu, lậu ở đây có nghĩa là leaking, là cái phiền não mà nó len lõi trong tâm thức phàm phu của mình. Dục lậu là cái lòng ham thích hưởng thụ 5 dục, thì gọi là dục lậu. Lậu đây nghĩa là phiền não nó len lõi gọi là lậu, là Āsava, là thấm rịn, len lõi. Dục lậu là muốn hưởng thụ.

* Hữu lậu là muốn tồn tại, muốn có mặt ở chỗ này, chỗ kia; muốn có mặt ở cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Có người còn ghê nữa, muốn đắc rồi phải có cái cõi Phật nào đó để về, để mà đời đời bất tử, pháp thân vĩnh hằng, bất diệt. Từ đâu nó ra cái ý niệm đó? Là bởi vì những nhân vật bị cái hữu lậu nặng quá. Quá nặng, nó mới lòi ra cái ý niệm về pháp thân. Là họ đã ăn gian chỗ này. Cái gì thuộc về hiện tượng nó có thể bị biến mất; nhưng cái gì thuộc bản chất, thuộc về ý nghĩa, thuộc về trạng thái thì nó không có mất. Biết trong room có hiểu cái đó không ta?

Thí dụ như bây giờ mình hiểu cái chữ Phật là trên khía cạnh hiện tượng: Ngài là một nhân vật lịch sử, một ông hoàng chào đời ở Lumbini biên giới Nepal, trụ thế 80 năm, sau đó tuổi già sức yếu bỏ xác ở một góc rừng Kushinagar. Đó chính là Phật theo nghĩa hiện tượng.

Nhưng mà chữ Phật hiểu theo nghĩa bản chất, nghĩa trừu tượng, nghĩa tinh thần, nghĩa bóng, thì Phật là tánh giác, là cái khả năng hiểu biết, bao dung, yêu thương muôn loài. Phật là khi Ngài còn, thì cái gì trên đời này Ngài cũng biết, ai Ngài cũng thương, đức lành nào Ngài cũng có. Những giá trị tâm linh này dầu Ngài mất đi, nhưng hễ mình nói tới Phật là hình dung ba cái này. Thì cái trạng thái làm sao mất được. Thí dụ như mình nói nước là gì? Lửa là gì? Đất là gì? Những định nghĩa đó làm sao nó mất theo thời gian được. Ngọn lửa có thể tắt. Cục đất có thể bị vỡ, bị tan, bị nghiền nát. Đúng. Nhưng cái trạng thái định nghĩa của ba cái thứ đó làm sao nó mất. Có người do cái hữu lậu, hữu ái nó mạnh quá, cho nên họ không có cam tâm chấp nhận cái chuyện tu hành mấy chục a tăng kỳ, đùng một phát thành Phật rồi xuôi tay bỏ hết, ra đi. Họ chịu không nỗi. Thế là họ mới tìm cách họ mới nắm níu, họ giữ lại cái gì đó. Thật ra là Phật có tới ba thân: báo thân, ứng thân và pháp thân. Báo thân là còn phải thị hiện là sanh, già, đau, chết, xuất gia, khổ hạnh,… Nhưng cái ứng thân là Ngài còn có cái chỗ để Ngài về một cái cõi nào đó sau khi mà Ngài thị hiện hoằng pháp ở đây. Còn riêng pháp thân là cõi tinh thần của Ngài thì đời đời bất diệt.

Nghe thì sướng thiệt, nhưng mà nếu mình truy cho cùng vì đâu mà nó ra khái niệm tam thân? Là bởi vì có những kẻ không có cam tâm. Mà tại sao không có cam tâm? Là bởi vì họ không có học cho thông bài học về bốn đế. Đế đầu tiên, mọi hiện hữu là khổ. Khi mà mình thấy rằng, cái này phải ghi nè: “Ý nghĩa lớn nhất của Phật Pháp là thấy ra sự vô nghĩa của đời sống”, làm ơn ghi dùm tôi cái này: “Ý nghĩa cao nhất của Phật Pháp là thấy ra sự vô nghĩa của đời sống”. Sống hoài để làm cái gì?

Tôi nói hoài trong cái phim Fright Night của Mỹ, phim ma cà rồng, tôi không có coi phim này, mà tôi chỉ coi mấy cái article viết về nó thường thôi, nhưng trong đó có một câu tôi rất là thích. Đó là nhân vật nam nói với nhân vật nữ: “Em nghĩ đi, nếu tụi mình đời đời bất tử không chết thì mình chúng ta sẽ sống cho cái gì?” Cái câu nó hay quá. Nó hay đến mức mà tôi muốn đem khắc lên bảng vàng bia đá rồi sơn son thếp vàng treo trước cái Thiền viện Kalama mai này. Dĩ nhiên ghi trích dẫn đầy đủ: Phim Fright Night, “Em nghĩ kỹ đi, nếu chúng ta đời đời bất tử không chết thì chúng ta sẽ sống cho cái gì?” Không có được nhiều lắm những người mà thấy ra được cái ý nghĩa của đời sống. Ý nghĩa rốt ráo của đời sống chỉ là sự vô nghĩa thôi quí vị, nha. Cái ý nghĩa cao nhất của Phật Pháp chính là thấy ra cái sự vô nghĩa của đời sống. Anh sống để làm cái gì? Sống để tụng kinh à? Sống để thuyết pháp à? Sống để ngồi thiền à? Mà ngồi thiền để được cái gì? Để giải thoát. Mà giải thoát là cái gì? Là chấm dứt hết, hay là tiếp tục tồn tại trong một hình thức khác? Anh giải thích cho tôi nghe, giải thoát là cái gì? Các vị thấy không, ngay trong cái ý niệm mà muốn đời đời bất diệt nó đã mâu thuẫn rồi, anh nói bây giờ anh còn hoài để làm cái gì? Anh còn hoài để anh đói ăn, khát uống phải không? Anh nghĩ nếu cái đó kéo dài một tỷ năm, một trăm tỷ, một ngàn tỷ, một triệu tỷ năm thì nó sẽ đi về đâu? Cứ đói ăn, khát uống, yêu đương, giao phối, chỉ vậy hoài hay sao? Hả, anh nghĩ đi?

Rồi anh nói với tôi: ” Không, không, không, tôi là phật tử, tôi muốn sống đời bất diệt để mà tôi tụng kinh, tôi thuyết pháp, tôi ngồi thiền, tôi tế độ chúng sanh. Mà nếu tất cả mọi người đều được đời đời bất diệt, thì như vậy mình sống để làm cái gì? Hả? Ở đây tôi không có chủ trương gọi là hư vô lượng, (?), tôi không có chủ trương quái đản như vậy. Đạo Phật không có chủ trương cái đó, không có chủ trương (?) . Nhưng mà có một điều, các vị tự hỏi đi: Có phải là lý tưởng cao nhất của Phật Pháp, cái ý nghĩa cao nhất của Phật Pháp chính là thấy ra cái sự vô nghĩa của đời sống, mọi hiện hữu là khổ, dầu trong bất cứ hình thức nào, anh có là Phạm thiên vô sắc, phi tưởng phi phi tưởng hay anh là một con dòi, hay anh là một con giun đất ở trong mấy tầng đất sét đi nữa, anh là một con gián, một con thiêu thân, một con (?), một con uyên ương bay trong gió. Ở đây quên nữa, các vị có biết con uyên ương không cái đã? Nói cả buổi mà có nhiều cái từ quí vị nghe không hiểu mới gớm chứ, à ha, con uyên ương là mấy cái con thuộc cái loại mà giống như phù du vậy đó, nó gắn nhau thành cặp, thành cặp nó bay rồi nó gặp mấy xe hơi mà chạy trên đường cao tốc là nó cứ bám vào cửa kiếng, trời, nhìn ngán không biết là đời nào kiếp nào. Hoặc là ở bên mấy xứ như Việt Nam, Thái Lan, sáng sáng mà ra đồng có cái con bù mắt, có người kêu là con bu mắt, có người kêu là con bù mắt, tôi nghĩ chắc con bu mắt là đúng hơn. Nó bay thành nguyên một cái đám dầy đặc chắc cũng mấy chục ngàn con vậy đó, mà nó bu, nó chích mình, trời ơi, nó khổ quá đi, coi như là sanh vô đó rồi đời đời kiếp kiếp. Có nhiều lần tôi nói tôi sợ làm cái con oyster, ai đi biển thì biết con hào nó bám trong đá, nhìn xa nó y chang như đá, lại gần mới biết nó là một cái thứ sò, ốc mà sống bám vào trong đá. Mình không hiểu nó sống để làm cái gì, không biết buồn vui, yêu đương, nhung nhớ, không có toan tính, suy tư, không có lý tưởng, hành động, không có một cái gì để phụng sự, hy hiến, không có gì hết, nó chỉ là một cục thịt nằm đó mà chờ cái ngày hóa kiếp thôi quí vị. Đấy.

Mà từ cái hữu lậu nó nặng quá, nó mới nẩy ra cái chuyện là có nhiều người mong là uống từng cái chén trà, ngắm từng cái hoa để thấy mình mai này trở về với đất, hòa tan vào đất, tiếp tục tồn tại trong hình hài khác. Mình thấy từng cái giọt nước trong chén trà mai này sẽ về trời thành mây, rồi tiếp tục mưa xuống, bốc hơi đi đâu cũng về trời, cũng quẩn quanh trong khí quyển. Chúng ta có là một chiếc lá, một cành hoa trở về với đất mẹ thì tiếp tục nuôi dưỡng cành lá khác để tiếp tục hiện hữu trong một hình thức khác. Cái tấm thân mấy chục ký lô này mai này dầu đem chôn hay đem thiêu, thì nó sẽ là một phần đóng góp cho đất mẹ để nó tiếp tục nuôi dưỡng những mầm sống khác, cho chúng ta tiếp tục tồn tại hiện hữu trong những hóa thân mới… Nghe trời ơi, nó sướng tê người như vậy, quí vị biết không? Những người mà sợ mất đó, họ nghe nó đã lắm, nha, sướng lắm. Nhưng mà khi mà anh thấy sợ, thấy ra cái sự vô nghĩa của đời sống, anh hiểu không? Thấy ra cái sự vô nghĩa của đời sống, anh muốn dẹp nó. Vì sao vậy? Vì lý tưởng cao nhất của Phật Pháp, ý nghĩa cao nhất của Phật Pháp chính là thấy ra cái sự vô nghĩa của đời sống. Đó gọi là hữu lậu.

* Còn kiến lậu là sao? Là cái thấy sai. Thấy sai cái gì? Thấy sai ở đây nói rộng ra là cả ngàn trang, gồm có mấy chục cái quan điểm sai, mà nói gọn thấy sai ở đây gồm có hai thôi. Một, không có thấy được rằng mọi thứ do duyên (các điều kiện) mà có, cho nên từ đó nó mới nẩy sinh ra cái quan điểm rằng vạn vật trong đời là tự nhiên mà có, hoặc là do một đấng chí tôn sáng tạo nào đó an bài, sắp xếp, phù phép ra. Do cái tà kiến đầu tiên là không thấy được rằng mọi thứ do các nhân duyên, điều kiện mà có; từ ấy nó mới dẫn đến cái nhận thức sai lầm về nguồn gốc của vạn vật, cho rằng tất cả tự nhiên mà có, hoặc tất cả là do một đấng cao siêu nào đó sắp đặt, an bài, sáng tạo. Cái thứ hai là không thấy rằng cái gì đã có thì phải mất, mà cái mất này cũng không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải là do sự sắp đặt của cái đấng nào hết, mà cái mất này lại cũng do duyên nữa. Khi đủ duyên thì nó mất, chỉ vậy thôi. Mà duyên chưa đến thì nó còn.

Mà quí vị biết, cái này nó quan trọng lắm, khi mà anh hiểu được câu thần chú này: ” Vạn hữu ở đời do chữ duyên mà có, rồi cái gì đã có thì phải mất đi”. Hai câu này nghe nó rất là thường nhưng mà khi anh hiểu kỹ hai câu này, hiểu đủ sâu và đủ rộng thì anh đánh bạt tất cả tà kiến trên đời. Anh không còn tin vào cái chuyện mọi thứ tự nhiên mà có hay do một đấng cao xanh nào đó sắp đặt, an bài, sáng tạo. Không có. Mà tất cả do duyên, do các điều kiện, mọi thứ ở đời do các điều kiện mà có và bản thân nó lại là điều kiện để tạo ra vô vàng những thứ khác. Các vị nhớ nha. Nhớ cái này không ta? Bài giảng hôm nay các vị có ghi âm không? Bài giảng này rất quan trọng, nha.

Có nghĩa là mọi thứ ở đời do duyên mà có, có nghĩa là không phải tự nhiên, mà cũng không phải do cái đấng nào tạo ra, mà nó do các điều kiện, và khi đã có rồi, nó cũng phải mất đi, mà cái mất đi ấy cũng phải do các duyên, chứ không phải là do tự nhiên hoặc là do một đấng cao siêu nào đó, mà cũng phải là do các duyên mà có, rồi cũng do các duyên mà mất. Làm ơn nhớ dùm cái này, rất là quan trọng. Đọc cái câu này một tháng, hai tháng, một năm, hai năm từ từ nó sáng bừng ra, chỉ hai câu này nó là chìa khóa mở banh chành té bẹ tất cả những cái tà kiến, những hoang mang, nghi hoặc, những điên đảo, mộng tưởng, viễn ly, nhất thiết điên đảo mộng tưởng, chỉ vì chìa khóa này.

Cái chìa khóa này theo tôi nó còn ghê hơn là “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” tại cái kia là cái câu kết, nó chốt lại cái bài Bát nhã tâm kinh, nhưng mà riêng tôi thì Bát nhã tâm kinh phải được chốt lại bằng câu này: “Vạn hữu ở đời do duyên mà có và cũng do duyên mà mất đi”. Đó chính là cái nội dung. Còn dĩ nhiên cái câu minh chú vô thượng chú Yết đế không phải là dỏm, nhưng mà nó quá khó hiểu, nó trừu tượng, nó từ gốc tiếng Phạn là: “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”: Hãy đi đi, hãy lên đường, hãy qua bờ khác, đừng có tiếp tục đừng có dậm chân ở lại bờ này nữa. Bờ này là cái gì?

Là lối mòn, là con đường xưa em đi, nha. Cứ bao nhiêu kiếp rồi, cứ con đường cũ mà đi hoài hà: Thích, ghét, ghét, thích, thích, ghét, ghét, thích. Bây giờ hãy lên đường, hãy qua bên kia sông, đừng tiếp tục dậm chân trên những lối mòn của ngày xưa, ngày cũ nữa, nha. Rồi như vậy thì đó là kiến lậu.

* Vô minh lậu là sao? Vô minh lậu này ảnh được kể cuối nhưng ảnh là gốc của tất cả. Vô minh lậu là không biết 4 đế là gì. Từ cái chỗ không biết 4 đế là gì, nó mới lòi ra cái dục lậu, thích hưởng tùm lum. Hữu lậu là muốn tồn tại là muốn tồ tại khắp nơi. Kiến lậu là thấy bậy, thấy bạ, không có đúng sự thật. Thì cả ba cái này từ cái gốc là vô minh. Mà theo ở trong tinh thần của Phật Pháp thì kể cho vui vậy thôi, chứ thật ra các thứ phiền não nó hỗ tương nhau, vô minh lúc này nó hỗ trợ cho tham và tà kiến lúc kia; nhưng tham và tà kiến lúc kia nó lại hỗ trợ cho vô minh lúc khác. Biết trong room có hiểu cái đó không ta?

1:29:54

Lá mục, phân bón nó nuôi lớn cây cỏ. Cây cỏ mai sau nó trở thành lá mục nó nuôi lại cây cỏ khác, nghe kịp không? Nhưng mà khi cần thì mình phải cắt khúc ra mình nói: “Cây cỏ ở đây nó tốt ghê lắm nha, nhờ lá mục đó, ở đây hay quá”. Ruộng này nó tốt là tại sao? Là vì nó có mấy cái gốc rạ mục của mùa trước, cho nên ruộng của miền Nam nó tốt. Có những cái cây lúa miền Nam nó cao một mét, mét hai mà trong khi lúa miền Trung, miền Bắc tôi ra ngoài đó tôi thấy nó cao chưa tới cái đầu gối nữa. Vì sao? Là vì đất ở ngoài đó nó cằn. Mà khi nó cằn thì lúa nó hỏng có cao. Mà khi lúa nó hỏng có cao thì người ta cắt rồi, cái phần dư lại hỏng bao nhiêu hết. Mà khi nó dư lại không bao nhiêu thì cái phân nó ít. Mà cái mùa này để lại phân ít thì lúa mùa sau lúa nó không có tốt. Mà chính lúa không tốt cho nên rạ nó thấp. Mà rạ nó thấp nó không để lại nhiều phân. Mà vì rạ nó không để lại nhiều phân cho nên lúa nó thấp. Mà vì lúa nó thấp cho nên rạ nó thấp. Mà rạ thấp thì không để lại nhiều phân. Và do không để lại nhiều phân cho nên là lúa nó thấp. Mà vì lúa nó thấp cho nên rạ nó thấp. Mà rạ nó thấp cho nên nó không để lại nhiều phân.

Còn trong miền Nam thì do đất nó tốt, cho nên cây lúa nó cao, mà hễ cây lúa nó cao thì gốc rạ để lại nó cao, mà gốc rạ cao thì phân nó nhiều, phân nó nhiều mai mốt lúa nó tốt, mà lúa nó tốt thì rạ nó cao. Rạ nó mình cắt để lại dài lắm. Mà hễ rạ nó nhiều thì phân nó tốt, mà phân nó tốt thì lúa nó cao. Mà lúa nó cao thì rạ nó cao, rạ nó dài. Rạ nó dài thì phân nó tốt, phân nó tốt thì lúa nó cao. Cho nên bây giờ bà cố tôi không biết là cái đứa nào nó bắt đầu nữa. Tức là không biết là lúa nó tốt rồi rạ nó cao, hay là rạ nó cao thì lúa nó tốt, tôi không có biết, nhưng mà đại khái nó là như vậy đó. Quí vị mà không hiểu là tôi nói tới chiều luôn, nha.

Các vị còn nhớ cái câu chuyện mà tôi kể mà “Hai con một hột” không? Tôi khoái câu chuyện đó lắm quí vị biết không? Là trong tù, cái anh chàng đó chuyện ngắn là ảnh vô duyên, ảnh kể chuyện tếu cho tù. Thì bửa đó thằng đại ca nó nói: “Bây giờ anh cứ nghe người ta kể hoài không có được, bây giờ anh phải kể cho người ta nghe chứ”. Ảnh nói: “Chuyện của tôi vô duyên lắm”, đại ca nói: “Kệ đi cứ kể đi”. Ảnh nói: “Nhà tôi hồi đó bán gạo, rồi tới mùa nước lũ nó lên thì phải dời mấy cái bao gạo sợ nước nó ngập, khi dời như vậy thì trời ơi nó bể cái bao gạo rồi có kiến, mấy con kiến nó đói nó tha gạo, cứ hai con một hột, hai con một hột.” Mà ảnh cứ bao nhiêu đó ảnh kể hoài, mà cái đám tù nguyên cái phòng mấy chục đứa nó ngủ sạch. Lát sau thằng đại ca nó giựt mình thức dậy nó vẫn còn nghe thằng này, cứ ngủ gà, ngủ gật mà miệng cứ: “hai con một hột”, nó mới chửi thề chứ: “Trời ơi, cái câu chuyện gì mà nó vô duyên quá vậy?”. Nó nói “Đại ca ơi, nãy giờ em mới làm có nữa bao hà, nếu mà đại ca thấy ồn, thôi mai em làm nữa bao nữa”.

Các vị có biết là câu chuyện đó không phải là câu chuyện cười đâu quí vị, câu chuyện đó nó sâu lắm quí vị. Toàn bộ đời sống chúng ta là một chuỗi dài vô nghĩa, các vị à, nó vô nghĩa. Cứ hai con một hột, hai con một hột hoài. Sáng đi làm chiều về, đi làm chiều về, tới cuối tuần, một là trùm mền ngủ, còn hai nữa là, đàn ông thì làm vườn, đàn bà nấu ăn, mời bạn bè tới hát karaoke, hay tiệc tùng gì đó rồi Thứ hai đi làm tiếp. Mà cứ như vậy, con còn nhỏ thì đem đi gởi, con lớn thì đem nó bỏ ở trường nội trú, bán trú gì đó. Mà cứ mấy chục năm, con lớn nó như những cánh chim xa, đứa bay theo gái, đứa bay theo trai, đứa lấy chồng, đứa theo vợ. Còn cặp vợ chồng sống tới tuổi hưu, cứ như vậy, một là về xứ Việt Nam, hai là vô nhà già nằm chờ chết mà cứ hết thế hệ này qua thế hệ khác, cứ là “hai con một hột, hai con một hột” nha.

Chính vì vô minh trong 4 đế, không thấy rằng mọi sự ở đời là khổ nên chúng ta mới thích tùm lum, mà thích cái này cái kia cũng là thích trong khổ, mà hễ còn thích trong khổ thì còn tiếp tục khổ. Cho nên 4 sự thật ở đây là gì? Một, mọi hiện hữu là khổ. Thứ hai, thích cái gì cũng là thích trong khổ, còn thích trong khổ là còn đầu tư khổ. Muốn hết khổ thì đừng thích trong khổ nữa. Sống bằng ba nhận thức này thường xuyên, liên tục, chính là con đường thoát khổ. Khi không hiểu được 4 sự thật này được gọi là vô minh lậu. Đó là giảng về tứ lậu.

Nhưng trong kinh này Ngài không nói tứ lậu, Ngài nói ba lậu thôi. Ngài nói là dục lậu, sắc lậu và vô sắc lậu, là sao? Dục lậu ở đây có nghĩa là tứ lậu trong cõi dục. Sắc lậu là tứ lậu mà trong cõi sắc. Và vô sắc lậu ở đây là tứ lậu trong cõi vô sắc. (Mà tứ lậu là nãy giờ tôi giảng đó).

Có nghĩa là trong một bài kinh khác Phật dạy, con chó mà nó bị trói vô gốc cột, nó có cắn cào quào sủa cở nào đi nữa thì nó cũng không rời gốc cột. Kẻ phàm phu còn sống ở trong tà kiến, trong ngã chấp thì nó có đi lên trời hay nó về biển thì nó vẫn tiếp tục quẩn quanh ở trong chừng ấy, cảnh giới của ái, mạn, kiến, nghi. Nhớ nha, cái này quan trọng lắm. Nó cứ quẩn quanh đời này sang đời khác, giờ nó có xuống biển sâu nó làm cái loài vi sinh vật ở trong cái rãnh núi Marina hay nó lên nó làm con vi khuẩn trên đỉnh Everest, nó làm con anaconda ở trong rừng Amazon Nam Mỹ, hay nó làm con còng gió, con thòi lòi ở rừng Năm căn, Cà Mau. Thì nó đi đâu đi nữa, nó làm một quí bà ở New york, ở Roman, hay ở New Zerick, Paris, London, hay là ở Thượng Hải, sống trong lòng người đẹp Tô Châu hay là chết bên bờ sông Danube, tất thảy nó đi đâu, nó cũng mang theo cái vốn liếng hành trang của nó là 4 lậu thôi. Một là dục lậu, nó muốn hưởng tùm lum. Hữu lậu là nó muốn có mặt đời đời không mất. Còn kiến lậu là nó không chịu hiểu rằng mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất. Và vô minh lậu là nó không chịu hiểu được 4 sự thật rằng cái gì ở đời cũng là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ; còn thích khổ là tạo khổ, còn đầu tư khổ; còn hết khổ đừng thích trong khổ nữa. Thường xuyên sống trong ba nhận thức đó được gọi là con đường thoát khổ.

Mà chính vì 4 cái lậu này theo mình từ cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc cho nên Đức Phật trong trường hợp này Ngài không nói 4 lậu mà Ngài nói dục lậu, sắc lậu và vô sắc lậu, là như vậy đó, thưa quí vị. Bốn cái này nó theo chúng ta đời đời kiếp kiếp. May là gặp Phật Pháp thì có cơ hội nghe, đọc lai rai chút đỉnh, còn cái thứ không biết Phật Pháp cái đầu nó đơ ra, nó không biết mình là ai, ở đâu mình tới, mình sẽ về đâu và bây giờ mình nên làm gì, mình hoàn toàn không hề biết, sống như là một cái con gì, thuần túy là bản năng.

Trong kinh nói rất rõ, mình sống giống cái loài nào mình chết về cái loài đó. Tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần, cái cây nước mặn nó phải về nước mặn, con cá nước mặn nó phải về nước mặn, cái cây nước lợ nó phải về nước lợ, cái cây sống ở sình nó phải về sình nó sống, ở trên bờ nó chết liền. Cái chủng loại nào nó phải về cái phương trời, cái bối cảnh, cái môi trường thích hợp với nó. Cái bối cảnh môi trường thích hợp với mình như thế nào là nó đều dựa vào cái tâm tư, cái tâm thức, cái vốn liếng, cái hành trang tâm linh của chúng ta, cái tinh thần của chúng ta. Trước đây chúng ta sống bằng vốn liếng, hành trang, tâm linh, tinh thần thế nào thì cái vốn liếng ấy nó bao gồm những cái ta thích và những cái ta ghét. Hai thứ đó nó trở thành hướng dẫn hành động, và từ những hướng dẫn hành động ấy, nó đưa ta trôi dạt về những phương trời miên viễn, chiêm bao, mà chủ yếu là hoang tưởng, hoang đường, điên đảo, mộng tưởng, nha. Chúng ta làm con dòi, chúng ta thấy đống phân là tuyệt vời. Chúng ta làm con sâu, chúng ta thấy cái lá, cái kén lá là tuyệt vời. Chúng ta làm con thú ăn thịt sống, con beo, con sư tử mình thấy máu tươi là tuyệt vời. Mình làm con người thì mình thấy thế giới của con người là tuyệt vời. Trong thế giới con người ấy, dân Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc, mỗi Châu lục nó có kiểu tuyệt vời khác nhau, thưa quí vị.

Bây giờ đã đúng giờ tôi phải nghĩ, nghĩ mệt, ngày mai giảng tiếp. Cái kinh này tôi không biết giảng bao giờ mới hết, thưa quí vị. Tôi mệt rồi, cho tôi nghĩ sớm.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng trên Youtube năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app