Nội Dung Chính
Hành
Bài Giảng Sư Toại Khanh Youtube 2019
Hôm nay chúng ta học kinh 93. Trong kinh này, Đức Phật nêu ra 6 trường hợp không thể xảy ra. Loạt bài này rất quan trọng, mang nội dung cốt lõi của giáo pháp. Kinh nào cũng là tinh hoa, kinh nào cũng là châu ngọc nhưng những bài kinh khác chỉ nhắc rải rác một vài vấn đề tùy duyên của người đối diện Đức Phật, riêng loạt kinh này thì các vấn đề quan trọng được tập trung lại.
Trong bài kinh 93 Đức Phật dạy 6 trường hợp không thể xảy ra. Thứ nhất, vị Tu đà hoàn không thể nào có quan điểm hoặc niềm tin cho là có một thứ gì ở trên đời này có thể trường tồn vĩnh cửu. Đối với phàm phu thì chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra. Ví dụ, ai cũng biết là mình dù sống đến trăm tuổi rồi cũng phải chết, đó là trên lý thuyết, nhưng trong thực tế mình luôn có những kỳ vọng, trông đợi, toan tính, sắp xếp, trù hoạch mang tính dài hạn, trường kì. Xài đồ phải xài đồ bền. Có những toan tính không nói ra như đợi tụi nhỏ ra trường hết rồi tôi sẽ về quê sống, hoặc là đợi đứa cháu nội tôi lớn lớn trọng trọng khá khá thì tôi sẽ vô chùa ở và đi tu thiền. Thí dụ như vậy.
Tuy rằng mình không đặt vấn đề trường cửu, vĩnh hằng với bất cứ chuyện gì ở đời nhưng mình vẫn còn chút niềm tin là mình còn sống được 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa, đó cũng là một sự ngộ nhận. Vì chúng ta có là ai đi nữa, chúng ta có là tỷ phú về tiền bạc hoặc về học vị, kiến thức chúng ta có là tiến sĩ hoặc luật sư gì đi nữa thì cái chết cũng có thể đến với chúng ta bất kì lúc nào. Trong cái đầu của phàm phu, miệng thì nói vậy nhưng trong bụng cũng lén lén có những trù hoạch, toan tính, sắp xếp cho những chuyện dài lâu, trường kì. Đó là tôi ví dụ trường hợp nhẹ thôi.
Còn trong kinh nói do phàm phu không có khả năng thấy xa về quá khứ hay tương lai nên cũng lén lén mong đợi, biết đâu có một cảnh giới nào đó thường hằng, vĩnh cửu chẳng hạn như thiên đường của Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, thậm chí là Cực Lạc tây phương. Đó là nói về sự trông đợi của trí tưởng tượng. Nhưng hơn hết là những vị có thiền định, có thần thông, quán chiếu thấy tuổi thọ của các vị Phạm thiên quá lâu, không thấy được điểm kết thúc hoặc điểm bắt đầu kiếp sống ở đó, từ đó họ có những ngộ nhận, những niềm tin mù quáng, tin là ở đời có sự vĩnh cửu. Quý vị muốn hiểu thêm về điều này thì xem kinh Phạm võng ở Trường bộ kinh.
Tùy vào hoàn cảnh, môi trường, điều kiện của mỗi người mà chúng ta trông đợi vào một cái gì đó trường cửu. Riêng vị Tu đà hoàn thì không. Vị Tu đà hoàn không bao giờ có ý nghĩ trông đợi một cái gì đó dài lâu. Vị đó luôn luôn hiểu rất rõ là bất cứ hiện tượng tâm sinh lý, vật lý nào đi nữa thì nó cũng không thể tồn tại quá một sát na. Không bao giờ có. Tôi đang vui, đang buồn, tôi thiện, tôi ác… tất cả những cái đó là một dòng chảy ghép nối vô số đơn vị sát na, sát na sắc hoặc sát na danh. Sát na là đơn vị tồn tại ngắn nhất. Kinh nói trong một nháy mắt, tâm sinh diệt rất nhiều lần thiện ác buồn vui. Vì sự tiếp nối quá nhanh mà chúng ta tưởng lầm là có một thằng Tí thằng Tèo sống từ 1 tuổi, 2 tuổi đến 50 tuổi, 60 tuổi, 90 tuổi. Hồi nhỏ là thằng Tí thằng Tèo, lớn lên là cụ Tí cụ Tèo. Ngày xưa mũi dãi thòng lòng, bây giờ tuổi già chân mỏi gối mòn, tóc bạc da nhăn. Mình tưởng trước sau là một nhưng đó là một quá trình sinh diễn liên tục, kéo dài suốt mấy chục năm với vô số giai đoạn tâm sinh lý. Vị Tu đà hoàn luôn biết rõ chuyện đó.
Ở đây có một điều rất quan trọng chúng ta không thể không nói, cực kì quan trọng, tuyệt đối quan trọng, tại sao chúng ta có ý tưởng trông đợi, hi vọng một cái trường cửu? Có nhiều lý do mà lý do rốt ráo nhất đó là, chúng ta không chịu thấy, hoặc không thể thấy được sự hiện hữu của mình là một gánh nặng. Chúng ta không thấy chán, không thấy sợ chuyện lê thê, nhạt nhẽo, vô vị. Ở đây tôi không nói chuyện nghèo đói, bệnh hoạn, tai nạn, tù tội, đó là quá nặng rồi. Tôi đang nói một đời sống yên bình vô sự, không có gì phải âu lo, đau đớn, sợ hãi, trằn trọc. Nếu chúng ta là người thượng trí thượng căn thì chúng ta sẽ thấy rằng đời sống vô sự là một sự tẻ nhạt. Đói ăn, khát uống, mệt ngủ, cứ như vậy kéo dài năm này qua tháng khác. Giả định như mình sống một triệu năm, hai triệu năm, một tỷ năm, hai tỷ năm chỉ toàn như vậy thôi thì các vị nghĩ sao? Chúng ta có nhu cầu này nọ vì chúng ta mang tấm thân bằng xương bằng thịt này, khi nó đang nóng mà được mát hoặc khi lạnh mà được ấm thì đó là hạnh phúc; khi nó đang đói mà được ăn thì hạnh phúc, ăn được cái món vừa ý thì càng hạnh phúc; khi nó khát mà được uống nước mát lạnh thì hạnh phúc, uống được loại nước mà nó muốn thì càng hạnh phúc. Nói chung toàn bộ hạnh phúc của chúng ta chỉ là sự vắng mặt của đau khổ, là giây phút đau khổ được giải quyết. Bất cứ vấn đề, trục trặc nào trong đời sống khi được giải quyết thì ta bèn gọi phút giây ấy là hạnh phúc, chỉ vậy thôi. Trong kinh xác định rõ ràng không có một loại hạnh phúc nào như là phàm phu tưởng tượng. Nhớ thương trông đợi khi gặp được thì mừng. Nếu truy nguồn tại sao có nhớ thương trông đợi thì đó là do mình không hiểu đối tượng lắm. Nếu mình hiểu tuốt tuồn tuột tất tần tật đối tượng đó thì mình không thương nổi nữa.
Chuyện đầu tiên khi anh không thấy được sự hiện hữu của anh là một gánh nặng, anh không đủ huệ căn để thấy rằng anh đang kéo dài chuỗi ngày vô vị, tẻ nhạt, vô nghĩa thì anh mới trông đợi được sống lâu. Còn ham sống, còn thích hưởng thụ vì chúng ta chưa thấy chán được cái thân này. Sự khổ trong kinh Phật định nghĩa rộng lắm, chính Đức Phật chia khổ có ba, khổ khổ có nghĩa là sự có mặt của những gì làm cho thân tâm khó chịu, hoại khổ là sự vắng mặt của những gì làm cho thân tâm dễ chịu, hành khổ là cái khó thấy nhất, đó là sự hiện hữu vô vị tẻ nhạt và lệ thuộc các điều kiện. Ví dụ, trời nóng nực là khổ khổ, mình đang mát nhưng vì lý do nào đó mà không mát nữa là hoại khổ. Không có sự hiện hữu nào trên đời này mà không lệ thuộc các điều kiện, ví dụ như nụ cười trên môi của mình. Mình tưởng môi của mình, răng của mình, miệng của mình, mình muốn cười thì cười, sai bét, không phải như vậy. Chỉ một trục trặc nho nhỏ nào đó bên trong hoặc bên ngoài đã đủ khiến cho mình không cười nổi. Chóng mặt, nhức đầu, đau răng, ngứa, nực, tê buốt, mỏi… đều khiến mình cười không nổi. Trong giây phút mình cười thì mình phải quên được những cái đó thì mình mới cười. Tới chuyện bên ngoài, người thân của mình OK, sở làm OK, căn nhà OK, căn phòng OK, không có chuyện gì hết thì mình mới có thể cười được. Bên ngoài mà lửa đạn, khói lửa chiến chinh, can qua loạn lạc thì không cười nổi. Chiều nay ở dưới bếp không có gạo nấu cũng cười không nổi. Vợ mình, chồng mình, con mình, cha mẹ, anh em mình có vấn đề mình cười không nổi.
Chính vì thấy được lẽ đó nên vị Tu đà hoàn thấy được bản chất của mọi hiện hữu là vô ngã, vô thường, và vì các ngài không có lòng trông đợi sự vĩnh hằng trường cửu nên các ngài có đủ điều kiện tâm lý để thấy rằng mọi thứ vô thường trong từng phút. Còn mình thì sao, khi không chịu thấy hiện hữu của mình là khổ, là gánh nặng thì mình mới có lòng trông đợi, mong chờ. Mình đã sai ngay cái căn bản nên bị che khuất, như đứa bé vì quá nông cạn, thiển cận, quá hồn nhiên, không nghĩ ngợi nhiều nên nó nhìn cuộc đời bằng ánh mắt tin yêu, tin cậy, trong khi người lớn luôn trong tình trạng chuẩn bị, cẩn trọng, trong một sự cảnh giác nhất định đối với chuyện đời.
Một người hiểu được bốn đế mà đầu tiên là hiểu được mọi thứ là khổ thì vị đó không chấp nhận bất cứ cái gì ở đời này là vĩnh cửu.
Thứ hai, khi mà hiểu được mọi thứ ở đời không có gì là vĩnh cửu, thì vị có đồng thời cũng hiểu được là trong đời này cái gì nó cũng nằm trong 3 khổ: 1 là khổ khổ, nghĩa là như vừa nói, là cái gì nó làm cho thân tâm mình khó chịu, 2 ngoại khổ là sự biến mất của những gì làm cho mình dễ chịu, và 3 hành khổ là cái tánh lệ thuộc vào các điều kiện để có mặt. Cho nên khi thấy được mọi sự là vô thường thì vị Tu Đà Huờn cũng cùng lúc thấy được mọi sự là khổ. Và cái thứ 3 là khi thấy mọi sự là vô thường, là khổ thì vị đó không có lý do gì mà tin tưởng 1 cái tôi thường hằng bất biến. Cái gọi ông A, bà B, là Tôi, là Ta nó chỉ là sự ghép nối của vô số những đơn vị pháp giới phù du mong manh. Chứ ở đâu không có 1 cái cá thể đơn thuần nào mà tồn tại đời đời kiếp kiếp. Trong kinh ghi rất rõ ” Không hề có ai chịu khổ, chỉ có sự khổ mà thôi. Không có ai tạo ra khồ, chỉ có nguyên nhân sanh khổ. Không có ai thoát khổ, chỉ có cứu cánh thoát khổ. Và cuối cùng, chỉ có con đường hành trì thoát khổ, chứ không có ai là người hành trì. Phải hiểu rốt ráo như vậy. Vị Tu Đà Huờn thấy như vậy đó. Vị Tu Đà Huờn thành tựu trọn vẹn tri kiến thanh tịnh về Tam Tướng, thấy rõ (nghĩa là có thần) vạn hữu ở đời đều là vô thường, khổ và vô ngã.
Thứ tư là vị Tu Đà Huờn không có tạo nghiệp vô gián. Trong kinh dịch là hành động vô gián, nghe mệt quá. Tiếng Pali là ānantariyaṃ kammaṃ. Kamma có nghĩa là việc làm, hành động, thiện ác. Nhưng mà ở đây thì phải dịch là nghiệp vô gián, nghiệp ngũ nghịch, gồm 5 thứ: giết cha, giết mẹ, giết La Hán, làm thân Phật chảy máu, và chia rẽ chúng tăng (tức là phá hoại hội chúng tăng giả đang hòa hợp thanh tịnh). Vị Tu Đà Huờn không thể làm mấy cái chuyện đó.
Thứ 5: Trong kinh thì nói là “không thể làm cho thanh tịnh với những lễ nghi đặc biệt”, đó là bản dịch mà đọc rất là mệt. Tiếng Pali là “kotūhalamaṅgalena” có nghĩa là mê tín dị đoan. Đó. Nó khổ như vậy đó. Bản tiếng Việt lại để là “làm cho thanh tịnh với những lễ nghi đặc biệt”. Và ở đây tôi cũng báo tin luôn cho các vị là các vị hoàn hoàn có thể dò xét các lời dịch của chúng tôi, nhe, những lời dịch mà chúng tôi sửa lại đó. Các vị có thể dò trên internet, bằng tiếng Đức, tiếng Anh sẽ thấy rất là rõ ràng chứ không phải là lờ mờ, trong đó “kotūhalamaṅgalena” có nghĩa là mê tín dị đoan. Nghĩa là vị Tu Đà Huờn không thể nào còn mê tín dị đoan. Là sao? Có nghĩa là thay vì tin tưởng vào nghiệp lý (làm thiện được vui, làm ác bị khổ), tin tưởng lý tam tướng (phàm cái gì ở đời đều do duyên mà có, và có rồi phải mất). Vị Tu Đà Huờn thấy rõ rằng nếu mà có 1 đời sống hợp lý thì tự nhiên gia đạo an hòa, sức khỏe ổn định chứ không cần phải cúng bái, đặt hết niềm tin vào phong thủy, tử vi, cúng tế ông này bà nọ. Vị đó tin tưởng 1. mọi sự ở đời đều do duyên mà có – không phải do ngẫu nhiên, 2. tiền nghiệp thiện ác có 1 phần quan trọng trong đời sống của mình, và 3. sống hợp lý thì tự nhiên được an lạc, còn sống phản khoa học, phản y học thì nó sẽ nảy sinh ra đủ thứ vấn đề. Vị đó không thể tiếp tục duy trì niềm tin theo kiểu mê tín dị đoan, những điều trái đạo, trái khoa học.
Đó là cái điều không thể xảy ra, vị Tu Đà Huờn không thể mê tín dị đoan.
Điều thứ 6 cái điều này cũng hơi nội bộ một chút, tiếng Pali gọi là na ito bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesati.
ito: từ đây, từ chỗ này
ito bahiddhā: ngoài ra đây, ngoài giáo pháp này
dakkhiṇeyyaṃ gavesati: là đi tìm một cái đối tượng cúng bái
na ito bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesati: vị Tu Đà Huờn không có tìm đối tượng cúng bái ngoài ra Tam bảo.
Chuyện đó không có, nói như vậy không có nghĩa là Đức Phật Ngài kêu gọi đệ tử của Ngài là chỉ tập trung cuồng tín vào Ngài và đệ tử của Ngài, hỏng phải. Mà Ngài dạy rằng với một cái niềm tin, với một hiểu biết của người thấy được 4 đế, thì vị đó thấy rằng cái gì mà nó thuận ứng với cái trí tuệ giác ngộ của mình thì các vị coi đó là cái đường lối để mà sống, đường lối để mà hành trì.
Thì ở đây một vị Tu Đà Huờn không có còn lăng xăng tìm đến thầy này, bà nọ mà ngoài ra Tam bảo. Bởi vì, tôi xác định một điều nữa là Đức Phật không hề có cái chuyện Ngài kêu gọi chỉ có trong giáo pháp này, mà Ngài có nói câu này trong kinh Đại bát niết bàn, Ngài nói “Ở đâu có bát chánh đạo thì ở đó được gọi là giáo pháp”. Nhớ nha. Và ngoài cái giáo pháp bát chánh đạo thì không có thánh nhân. Ngài nói rõ chứ Ngài không nói là đạo Phật, đạo Chúa, Ngài hỏng có nói. Mà Ngài chỉ nói là ở đâu có bát chánh đạo thì ở đó là chánh pháp, mà ngoài bát chánh đạo tức là ngoài cái chánh pháp đó đó, chánh pháp mà được định nghĩa là bát chánh đạo thì không có thánh nhân. Mà không có thánh nhân có nghĩa là cái đó gọi là đối tượng xứng đáng cúng bái thì không có ở đó.
Và nếu một vị linh mục hoặc một giáo sĩ đạo Hồi mà có đầu óc khách quan, trung thực thì tôi tin chắc rằng họ phải đồng ý cái này là đúng. Nếu mà một ông linh mục mà ổng có cái đầu óc khách quan thì ổng phải đồng ý cái này là đúng, là vì sao? Bây giờ ổng làm ơn ổng lột bỏ cái nhãn hiệu Phật giáo, lột bỏ đi, ổng chỉ lấy cái tinh thần bát chánh đạo, ở đâu mà có người hành trì bát chánh đạo thì phải nói là cái đối tượng đó là đối tượng đáng kính. Ở đâu có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, nghiệp, chánh mạng thì cái đó là đối tượng đáng kính. Chớ còn bây giờ chưa gì hết là bà con dán cái nhãn hiệu đạo Phật lên đó là bắt đầu có phe phái, có anh có tôi, nó có hàng rào, nó có phên dậu, nó có giới tuyến, có biên giới là dở ẹc rồi, nha. Còn cái này hỏng có, cái này anh cứ lấy tinh thần thôi “Ở đâu có bát chánh đạo thì đó là chánh pháp”.
Đó! Cái điều này, tôi nói lại, một ông linh mục Thiên Chúa hoặc một ông giáo sĩ đạo Hồi, giáo sĩ Do Thái, cái ông Guru của Ấn giáo, nếu mà ổng có đầu óc khách quan, bình tĩnh hơn, bình tĩnh lại thì ổng phải đồng ý mấy cái đó là đúng. Đời sống thánh hạnh đó ở đâu thì cái đối tượng kính lễ phải nằm ở đó.
Chớ còn nếu mà mình nghe giảng, mình coi kinh mình hỏng có hiểu cái chỗ này mình thấy nó kỳ kỳ, mình thấy giống như đạo này kêu gọi đừng có đi thương quí ai hết. Sai, sai, ở đây là đạo Phật chỉ nói đến cái giá trị thôi, đạo Phật không nói đến vấn đề phe phái, bè đảng, vây cánh. Đạo Phật không có nói cái đó, đạo Phật chỉ nói cái chất lượng, cái phẩm chất, cái nội dung hành trì thôi, chứ đạo Phật không có xài cái nhãn hiệu. Một người không có pháp danh, chưa từng thọ lễ qui y Phật giáo, chưa từng, mà người đó xưa nay chỉ biết nhà thờ, nhưng nếu một ngày kia nghe giảng hoặc xem sách rồi về mà sống, hành trì theo tinh thần bát chánh đạo thì đó vẫn là một người khả kính.
Chớ đừng có nói tôi phải nói là tôi thù cái chữ pháp danh lắm, pháp danh và lễ quy y. Tôi biết nhiều người sẽ ném đá tôi banh xác luôn nhưng tôi vẫn nói. Tại sao tôi thù hai cái chữ đó? Tại vì đó là một cái thứ mà tôi cho là đệ nhất cuồng tín, đệ nhất ngộ nhận. Cứ nghĩ rằng có pháp danh, có thọ lễ quy y là Phật tử, tôi ghét là ghét cái đó, ghét cái tào lao.
Anh có pháp danh mà anh có hiểu đạo hay không? Anh không có học giáo lý mà pháp danh làm cái gì? Thứ hai, anh nói với tôi là anh có thọ lễ quy y, đúng không? Anh thọ lễ xong rồi anh về anh có học giáo lý không? Anh có biết Phật dạy cái gì không? Không. Cái thứ ba, cái này mới bậy nè, anh có pháp danh, anh có thọ lễ quy y xong anh chẳng biết Tam bảo thật sự là cái gì. Mà anh cứ cắm đầu anh thờ cái ông sư phụ mà ban cho anh cái pháp danh, truyền cái quy giới cho anh, anh chỉ thờ cái ông đó.
Cái đó còn tệ hơn vợ thằng đậu, cái đó còn tệ nữa nha. Cho nên tại sao tôi xài cái chữ thù, không phải tôi xài quá lố, xài cái chữ nặng, mà đó là sự thật, tôi ghét cái đó lắm, tôi ghét cái vụ mà đem cái pháp danh với lễ quy y. Cái này tôi nghe nhiều lắm: “Chị có thọ quy y chưa? Chị có pháp danh chưa?” Họ tưởng cái đó là cái hay ho lắm. Tôi nói cái đó nó còn tệ hơn là bằng cấp ngoài đời nữa, bị bằng cấp ngoài đời ít ra nó cũng phải trải qua một thời gian được đào tạo, được huấn luyện người ta mới có bằng cấp, ngay cả làm nail nó cũng có một cái giấy chứng nhận. Còn đằng này cái pháp danh, cái lễ quy y nó chưa đủ đâu vào đâu hết trơn. Cho nên đạo Phật nguyên thủy là chỉ giống cái phẩm chất, cái nội dung, cái chất lượng thôi. Chứ còn ba cái thứ pháp danh, ba cái lễ quy y đó không có đủ để gọi là một cái bằng chứng đâu, nhiều lắm nó là cái nhãn hiệu cho mấy cái người mê nhãn hiệu, mấy cái người tào lao, nha.
28:10
Rồi tiếp theo là kinh 94, cái này học rồi, cũng y chang như vậy đó. Tức là một cái người đắc sơ quả, đắc Tu Đà Huờn thì vị đó không thể nào giết cha, giết mẹ, giết La hán, làm thân Phật chảy máu. Ừ quên, ở đây thế nào, tôi giảng mà tôi quên nói chỗ này, thế nào trong room này cũng có người nói “Tôi đâu phải Tu Đà Huờn đâu, thì tôi cũng đâu có khả năng giết cha, giết mẹ, đúng không? Tôi đâu có giết A La hán, thời này giết một đứa bé còn bị ở tù mà nói gì giết một vị A La hán, một người trưởng thành. Thời này làm gì có Phật mà tôi làm thân Phật chảy máu?” v v… Nhưng mà sai bét, nghĩ như vậy là sai. Sai ở chỗ nào?
Sai ở chỗ là thứ nhất, chúng ta có bao giờ đặt mình vào cái hoàn cảnh của cái người mà xuống tay giết cha, giết mẹ chưa? Chưa. Tại vì mình chưa có từng ở vào cái hoàn cảnh đó, thí dụ như một con nghiện lúc nó lên cơn nó có thể làm chuyện đó, hoặc là một cái đứa con mà nó từ bé phải sống chung với người mẹ không có đức hạnh, một người cha không có bổn phận, đánh đập, hành hạ nó, bạc đãi nó, rồi chưa kể là nó sống trong một cái bối cảnh gia đình mà không có tình thân. Rồi chưa kể là cái nền tảng giáo dục, nền tảng đạo đức mà nó hấp thụ quá yếu, quá kém, thậm chí là zero, nha. Thì trong cái trường hợp đó, có thể ngay kiếp này thì mình nói “Không, tôi không có cách nào mà tôi hình dung ra cái chuyện tôi giết cha, giết mẹ”. Đúng, có thể đó, nhưng hồi nãy tôi có nói, các vị có thử đặt mình vào cái hoàn cảnh tâm lý của mấy người mà làm mấy cái chuyện đó chưa? Chưa.
Thứ hai, giả định như kiếp này các vị không có thể làm chuyện đó, nhưng mà kiếp sau cái chuyện mà mình làm chuyện đó không có là khó khăn đâu quí vị. Bữa hổm tôi có nói đó, quí vị giàu có, quí vị có trí thức, các vị có quyền lực, các vị có tiếng tăm cách mấy, cái chủng tử mà ăn phân người, cái chủng tử mà ăn thịt sống lúc nào nó cũng có sẵn trong người mình hết, chỉ cần mà đổi kiếp một cái là chúng ta hoàn toàn có thể làm mấy cái chuyện đó, nha. Ăn phân người, ăn thịt sống, uống máu tươi là chúng ta hoàn toàn có khả năng đó, tắt thở một cái đi về một cảnh giới nào đó thì cái chuyện đó rất là bình thường, nha, riêng vị Tu Đà Huờn thì không. Vị Tu Đà Huờn một khi họ đã chứng quả Tu Đà Huờn rồi thì cái vị đó từ đây cho tới ngày viên tịch niết bàn, vị đó không còn cách chi mà có thể làm cái chuyện này hết, nhớ nha.
Phải nhớ cái đó, bởi trong kinh ghi rất rõ là Ngài Mục Kiền Liên tại sao kiếp cuối cùng phải bị chết thảm? Bởi trong tiền kiếp Ngài cũng từng giết cha, giết mẹ. Rồi ông Đề Bà Đạt Đa là em họ của Phật mà ổng đắc tứ thiền ngũ thông mà tương lai sẽ là một vị Phật Độc giác, dễ sợ chưa?
Trong kinh ghi như thế này nè, muốn trở thành Độc giác Phật tức là trên Độc giác là Phật tổ, Phật tổ là như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là không có thầy mà lại có thể làm thầy cho người khác, còn riêng về Độc giác trên không có thầy mà dưới cũng không có trò, có nghĩa là chỉ thua Phật tổ thôi chứ còn vị này là trên cả Ngài Xá Lợi Phất nữa. Thì muốn trở thành Độc giác là phải trãi qua cái thời gian tu tập các hạnh lành trong suốt 2 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Mà ông Đề Bà Đạt Đa là ổng tu hết cái thời gian chẵn rồi, chẵn đây nghĩa là 2 A tăng kỳ ổng tu xong rồi, ổng còn nợ lại cái lẻ thôi, nghĩa là còn 100 ngàn đại kiếp. Khiếp chưa? Ổng còn sót lại cái lẻ thôi, vậy đó mà ổng còn làm được cùng một lúc hai cái chuyện mà coi như nhập thiên bội địa, đó là làm thân Phật chảy máu và chia rẻ tăng. Các vị thấy chưa? Đó! Thấy chưa? Tu cở như Ngài Mục Kiền Liên, tu cở như Đề Bà Đạt Đa vậy đó, nha, vậy đó mà trong vòng luân hồi vẫn còn có thể làm chuyện đó.
Cho nên tôi ghét nhất là cái người mà không có nghĩ thấu đáo mà cứ cái cách suy nghĩ là coi như có tấc mốt, lấy tấc đó đo, cái nào mà quá một tấc, cái nào dưới một tấc là phủ nhận, hỏng tin, sai. Bị cái nhận thức mình nó nghèo quá đi nha. Mình cứ tưởng là “Tánh tôi hiền lắm, tôi hỏng có dám làm cho ai chảy máu nói gì cái chuyện giết cha, giết mẹ”, sai bét, sai, sai bét, sai bét, sai bét. Ngay bây giờ thôi chứ đổi đời một cái là cùng hung cực ác bán trời không mời thiên lôi đó, thứ dữ đó, chứ hỏng phải hiền đâu. Các vị có tu bằng Đề Bà Đạt Đa không? Các vị có tu bằng Ngài Mục Kiền Liên không? Cứ nghĩ nhiêu đó thôi, suốt ngày cứ niệm cái câu đó thôi: “Tôi có bằng ông Đề Bà Đạt Đa hay không?”, “Tôi có bằng Ngài Mục Kiền Liên hay không?”. Mà hai cái vị đó chuyện gì cũng làm hết, trời ơi các vị mà đọc ở trong chú giải tạng luật mà kể về Ngài Mục Kiền Liên là quí vị có nước mà kêu trời, kêu trời đó, chứ hỏng phải là thường, Ngài Mục Kiền Liên đó.
Trong trái đất này có 5 vị Phật, còn trước đó là vô số mình không có kể, còn trong trái đất này nè thì có 5 vị Phật, vị Phật đầu tiên là ai ta? Là Đức Thế Tôn Kakusandha (Phật Cù Lưu Tôn), vị thứ hai là Konāgamana (Câu Na Hàm Mâu Ni), vị thứ ba là Kassapa (Phật Ca Diếp), vị thứ tư là Sakiyamuni (Phật Thích Ca Mâu Ni), vị thứ năm là Metteyya (Từ Thị Thế Tôn tức là Đức Phật Di Lạc, Như Lai).
Thì cái vị Phật đầu tiên của đại kiếp này là Phật Cù Lưu Tôn Kakusandha, Ngài cũng y chang như Phật Thích Ca mình vậy đó, Ngài cũng có hai vị đại đệ tử đệ nhất thần thông, đệ nhất trí tuệ. Thì bửa đó hai thầy trò đang ôm bát đi hóa duyên ngoài đường, thì lúc đó Ngài Mục Kiền Liên là ác ma thiên tử, lúc đó cái kiếp Ngài làm ma vương, Ngài mới nhập vô một đứa bé khiến cho nó lấy cái cục đá nó liệng vô cái đầu của Ngài đệ tử đệ nhất trí tuệ của Phật Kakusandha, liệng bể đầu, máu chảy xối xả. Thì lúc đó Đức Phật Kakusandha Ngài đang đi bát, đi đàng trước nghe cái “bịt” như vậy đó, trong kinh nói vị Chánh đẳng giác không có quay đầu, Ngài xoay nguyên người lại, Ngài nhìn thấy Ngài biết chuyện gì, Ngài nói “Ma vương đúng là không có biết điều, tấn công một cái vị đại Thánh như vậy đó”.Mà Ngài Vitura(?), Ngài y chang Ngài Xá Lợi Phất vậy đó, là La hán đệ nhất thinh văn mà đệ nhất trí tuệ, máu chảy ròng ròng lấy cái tay lau vậy thôi hà, lau cho thấy đường đi, chứ nó ra đầy cái mặt vậy rồi lau mặt đi nữa, không hề hờn giận gì hết. Thương cái kẻ hại mình như là mẹ thương con và còn hơn thế nữa, các vị hỏng có tin cái này, lấy tay lau máu rồi đi nữa, không có một mải mai trách phiền hờn giận, khiếp như vậy. Thì khi mà Đức Phật Ngài nói “Ma vương đúng là không có biết điều”, thì ngay lúc đó trọng nghiệp của ác ma lớn quá đi, không có trời đất nào chứa nổi, ác ma ngay lập tức mệnh chung và sanh thẳng vào địa ngục. Mà ác ma đó chính là Ngài Mục Kiền Liên.
Chưa, còn cái vụ này mới ghê, trước khi liệng đá bể đầu một vị đại thánh chí thượng thinh văn như vậy, thì Ngài Mục Kiền Liên còn làm cái chuyện phải nói là long trời lở đất là Ngài phá đạo. Tức là Ngài dùng thần thông Ngài hiện ra một vị sa di 7 tuổi, mặt mũi ta nói đẹp như tiên giáng thế vậy đó, bay lơ lửng trên hư không thuyết pháp, giọng nói phải là vang lừng lanh lảnh mà cực kỳ duyên dáng, hợp lý, dễ thương, lôi cuốn, thuyết phục. Trời ơi, bà con một lòng tín ngưỡng Phật Pháp, thôi người ta cúng bái đạo Phật biết là bao nhiêu. Chính hình ảnh đó Ngài làm cho những vị tỳ kheo thích hưởng thụ nương theo đó mà hưởng thọ bao nhiêu sự cúng bái của Phật tử. Xong rồi, Ngài Mục Kiền Liên đổi qua cái tông khác, Ngài mới dùng thần thông tạo ra hình ảnh những vị tỳ kheo bê tha chè chén, dây dưa phụ nữ, rồi ăn nhậu gì tùm lum ở đầu đường xó chợ, mà dùng thần thông tạo những hình ảnh đó, để chi? Để cho người ta chà đạp, người ta phỉ nhổ, báng bổ Phật Pháp. Ngài làm ngược làm xui như vậy đó, Ngài Mục Kiền Liên đó, vì mục đích Ngài phá cho tanh bành đạo Phật Ngài mới vừa lòng. Các vị có tưởng tượng không? Tanh bành đạo Phật Ngài mới vừa lòng, ghét phá chơi vậy đó, nha.
Mà tất cả những chuyện đó là Đức Phật Kakusandha Ngài biết, Ngài biết đây là cái thời điểm vô minh của con người này thôi, chứ sau khi mà con người này nó qua cái cơn điên đó rồi, thì nó quay lại nó tu cũng dữ dội lắm. Bởi vì Ngài biết, Ngài nhìn Ngài biết mà, Ngài biết trong cái kiếp trái đất này nè, ác ma thiên tử này nè sẽ trở thành đệ nhị thinh văn mà đệ nhất thần thông của Đức Phật Gotama Thích Ca Mâu Ni, Ngài biết, nhưng mà giờ biết sao bây giờ?
Hồi nãy giờ tôi kể các vị nghe một loạt những câu chuyện đó để các vị thấy “Ồ thì ra, lý do vì sao có bài kinh này”. Tức là một người đắc quả Tu Đà Huờn họ không bao giờ mà họ có thể làm những chuyện đó, trong khi một người hễ mà còn phàm thì cơ hội mà gọi là chằn ăn trăn quấn thì coi như là có thừa, miễn là mình còn phàm là cơ hội chằn ăn trăn quấn là có thừa. Ai trong chúng ta hôm nay yểu điệu thục nữ hết trơn á, hiền lành, hiền nhân quân tử, nhưng mà chưa đâu, tới lúc mà cái cơn nó tới nó gặp đúng cái môi trường, điều kiện, hoàn cảnh rồi là nó lên tới cái mức coi như là trời không dung, đất không tha, người không chịu nổi đó, cho các vị biết, nha. Nhưng đối với một vị tu hành đắc tới Tu Đà Huờn, tối thiểu Tu Đà Huờn thì không bao giờ quay lui mấy cái này. Cho nên vị Tu Đà Huờn, 5 điều đầu tiên là không có thể phạm 5 cái tội ngũ nghịch.
Điều thứ 6 là không đi tìm đến một cái vị thầy khác, trong bản Tiếng Việt là không đề cử một đạo sư khác, nhưng mà theo bản Pali đó thì là không tìm đến một vị đạo sư khác, trong tiếng Pali kêu là gì? Annansattaram uddisitun(?)có nghĩa là hướng tâm đến một vị đạo sư khác ngoài ra Tam bảo, không tìm đến một đạo sư khác ngoài ra Tam bảo, bởi vì sao? Thì vẫn theo cái tinh thần bát chánh đạo, ở đâu có bát chánh đạo thì vị Tu Đà Huờn cúi đầu thờ lạy. Cái này phải ghi, “ở đâu có bát chánh đạo” chứ đừng có gắn chữ Phật ở đây mệt lắm, mệt lắm nghe, cái đó là tào lao, đừng có gắn mấy cái nhãn hiệu lên mệt lắm, mà chỉ cần để cái tinh thần bát chánh đạo. Ở đâu có bát chánh đạo thì vị Tu Đà Huờn cúi đầu thờ lạy, chỉ vậy thôi. Trong đầu vị Tu Đà Huờn không có nhãn hiệu, không có logo, không có label gì hết, nhớ dùm cái đó rất là quan trọng nha.
Các vị biết nãy giờ tôi giảng mà có con ruồi bay tới bay lui mà tôi nổi điên lên các vị biết không? Tôi không có dám giết nó mà tôi cứ cầu cho nó chết, các vị có tin cái chuyện đó không? Tôi không có dám giết nó nhưng mà tôi cầu cho nó chết. Mà tại sao tôi nói cho các vị nghe cái chuyện đó? Là bởi vì tôi muốn cho các vị thấy rằng: Đó phàm như vậy đó, phàm nó như vậy đó, có nhiều khi nó không dám làm chuyện đó nhưng cái bụng nó muốn dữ lắm. Thấy chưa, thấy chưa? Nó lạng, nó lạng bây giờ có ai đó mà làm bồ tát đại thừa mà hy sinh … để bảo vệ nó là cái vị đó kể như là thuộc về nhục thân bồ tát thời mạt pháp…
Annansattaram uddisitun(?) là không tìm vị thầy khác ngoài Tam bảo. Có lý do là sao? Là vì ở đâu có bát chánh đạo thì vị Tu Đà Huờn cúi đầu thờ lạy cái chỗ đó. Chứ ở đây không có logo, không có nhãn hiệu, không có label nào mà đạo giáo, đạo Phật gì hết, nhớ nha.
41:44
Tiếp theo bài kinh 95, đây, cái này quan trọng lắm, đây là một loạt kinh mà tôi dứt khoát sống chết phải đem bỏ vào trong cái quyển Thiền môn nhật tụng Kalama. Vị Tu Đà Huờn không thể quay lại cái quan điểm cho rằng:
thiện ác khổ lạc do mình làm ra,
thiện ác khổ lạc do người khác làm ra,
thiện ác khổ lạc do mình và người khác cùng làm ra,
thiện ác khổ lạc tự nhiên mà có,
thiện ác khổ lạc không do ai làm hết.
Ở đây các vị nghe các vị có hơi nhức đầu phải không? Nhưng mà nó thế này:
Cái đầu tiên là vị Tu Đà Huờn không thể quay lại với cái quan điểm cho rằng khổ lạc do tự mình làm ra, là sao? Cái này Phật tử mình 99% là dính sạch, dính ngay chỗ này: “Hôm nay tôi bị khổ”, “Tại hồi kiếp xưa tôi vụng tu”, “Bây giờ tôi bị nghèo do kiếp xưa tôi không có bố thí”, “Kiếp này tôi bệnh tật, yểu thọ là tại do kiếp xưa tôi sát sanh, thích hành hạ người khác”. Mình nghe mình thấy rõ ràng nó chánh kiến, nhưng mà không. Nó là tà đó, tà chỗ nào? Không có “cái tôi” nào hết, không có cái chuyện mà “Hôm nay TÔI nghèo là do kiếp xưa TÔI không bố thí”, nó lớn chuyện chỗ đó. Không hề có một “cái tôi” ở đây mà phải hiểu như thế này:
Do kiếp xưa cái 5 uẩn này nè, ở kiếp xưa nó quá nhiều tâm bỏn xẻn đi, nó không có muốn trao ra. Cho nên do 5 uẩn quá khứ mà bất thiện như vậy đó nó mới tạo ra 5 uẩn hiện tại đói nghèo, thiếu thốn vật chất. Nhớ nha. Cái năm uẩn hiện tại nó là quả được tạo ra từ 5 uẩn quá khứ nhưng nó không phải là 5 uẩn quá khứ, không hề có một “cái tôi” nó đi từ kiếp này sang kiếp khác. Trong room có hiểu cái này không ta? Năm uẩn này nó được tạo ra từ 5 uẩn quá khứ nhưng nó không phải là 5 uẩn quá khứ. Có hiểu cái này không? Tôi ví dụ nha, trái xoài đem trồng xuống nó ra cây xoài rồi trên cây xoài đó nó lại có trái xoài nữa thì cái trái xoài trước và trái xoài sau nó chỉ là similar not the same, trong room có hiểu câu này không ta?
Similar not the same có nghĩa là nó giống nhưng mà nó không phải là cái kia. Nha, cái này phải học thuộc lòng, cái này phải xâm lên trán mà kêu nó xâm bằng sửa con so bình thường nó chìm khi nào nóng nực hoặc nổi giận nó mới ửng lên cho mình thấy. Similar not the same có nghĩa là hồi xưa tôi làm con chó, do một cái nghiệp nào đó bây giờ tôi sanh ra tôi làm con chó nữa, thì cái con chó bây giờ nó là cái quả báo do cái đời sống của con chó trước tạo ra nhưng mà nó không phải là con chó cũ. Các vị nghe kịp chưa? Nó giống như trái xoài vậy đó, tức là nó giống nhưng không phải là cái kia: similar not the same. Đó! similar: giống thôi, nhưng not the same: nó không phải là cái kia.
Cho nên vị Tu Đà Huờn không còn quay lại cái quan điểm bậy bạ đó nữa, không còn quay lại cái quan điểm cho rằng TÔI tạo nghiệp thiện ác quá khứ nên TÔI phải chịu quả khổ hoặc hưởng quả vui. Không có, không có quan điểm đó. Không có cái chuyện mà cho rằng TÔI làm cái này, TÔI làm cái kia cho nên TÔI hưởng cái này, TÔI chịu cái nọ.
Thứ nhất là tự TÔI là không, mấy cái sau cứ theo vậy mà hiểu.
Mình cũng không thể nói là do người khác làm. Thí dụ như mình hiểu như thế này, mình hiểu là: Đúng rồi, không có cái TÔI nào hết nhưng mà có cái này, là hồi trước có một cái thằng nó làm bất thiện rồi cái thân bất thiện đó nó tạo ra cho cái thằng này nè hưởng cũng không được. Tự mình làm tự mình hưởng tức là sai, nhưng mà mình cho rằng kiếp trước có một thằng A, thằng B gì đó nó làm rồi bây giờ có thằng C, thằng F này nè nó hưởng cũng không được. Phải hiểu trước sau phải giữ vững lập trường đó là quá khứ tiền kiếp chỉ là một khối 5 uẩn liên tục sanh diệt, nhớ nha và ở đó có các thiện ác cũng liên tục sanh diệt, chính các thiện ác sanh diệt liên tục đó nó mới tạo ra ngũ uẩn bây giờ cũng buồn vui liên tục, cái buồn vui này đắp đổi lúc buồn lúc vui này nè nó chính là cái thiện ác quá khứ, chính vì quá khứ lúc thiện lúc ác cho nên kiếp này là lúc buồn lúc vui, phải hiểu như vậy.
Nhưng mà đại khái là không có một cái NGƯỜI nào hết, không hề có TÔI mà cũng không hề có người nào hết, mà tất cả chỉ là một cái dòng chảy của 5 uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, của 6 căn, 6 trần, sắc, thanh, khí, vị, xúc, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đó nó xoay vần giữa mấy thứ đó thôi chứ ở đây không có người nào hết. Ở đây có nhiều người trong room thắc mắc “Ủa cái đó quan trọng dữ vậy ta?”. Quan trọng chứ.
Khi mình hiểu mọi thứ nó là đồ ráp thì cách nhìn của mình về cuộc đời nó khác đi nhiều lắm quí vị. Tôi nói đi nói lại hoài, đó là khi mình hiểu rõ cái cấu trúc của một món đồ thì cảm giác của mình đối với nó khác, rất là khác so với chuyện mình mù tịt về nó. Trong room có hiểu cái này không ta? Tôi nhắc lại nha, cũng cùng món đồ đó nhưng mà khi ta hiểu rõ cái cơ cấu, cái cấu trúc, cái tổ chức của cái món đồ đó thì cái cảm giác của ta đối với món đồ đó hoàn toàn khác so với cái trường hợp ta mù tịt về nó. Có hiểu không?
Tôi kể cho các vị nghe một cái chuyện nhỏ xíu thôi, là tôi đọc báo về tâm sự của mấy bác sĩ pháp y, mấy cái người mà chuyên môn mỗ xẻ mấy cái xác chết để mà điều tra vụ án hỗ trợ điều tra, thì có trường hợp là nam, có trường hợp là nữ, mà họ mỗ riết tối họ về họ không có ngủ với chồng với vợ được nữa. Dĩ nhiên không phải ai cũng vậy, nhớ nha, không phải ai cũng vậy, nhưng mà tôi chỉ lấy một trường hợp thôi, có nghĩa là họ về họ ngủ không được, ngủ đây có nghĩa là gần gũi, không được, tại vì sao? Là vì họ nằm kế bên, thứ nhất họ đi làm về mệt, có một phần, phần thứ hai nữa đó là cái người bạn đời của họ thấy họ hơi kỳ kỳ, ở gần họ mình nghe có mùi tử khí nó phảng phất, đó là lý do phía người kia. Tức là cái con người đó, bàn tay đó bây giờ đang ve vuốt, đang mơn trớn mình mà cả ngày nay nó mò toàn là xác chết không hà, cho nên người kia cũng ớn, cái thái độ ghẻ lạnh của họ, cái thái độ ái ngại của họ cũng làm cho mình mất lửa, có, có. Nhưng trường hợp thứ hai, chính mình nè, mình mỗ riết cả ngày, coi như là tất cả đường cong, đường thẳng, chỗ mô, chỗ lõm gì đó tất cả đối với mình đều vô nghĩa hết. Bởi vì suốt ngày mình làm việc với toàn là xác chết không hà, tối ngày lách dao tách ra, lách dao tách ra, lách dao tách ra, riết rồi nó quen đi. Khi mình hiểu quá rõ về cơ thể mình mà những hình ảnh đó cứ đạp vô đầu mình hoài, cứ sáng quất cho 5 xác, chiều 3 xác, mà nó cứ chơi triền miên khói lửa như vậy riết nó nản, nó xuống tinh thần lắm, về cứ dòm người bạn đời, nhìn nó tự nhiên muốn cầm dao chọt nó hà, kỳ vậy đó, quen rồi đó, cứ nhìn nó muốn lấy dao tách nó ra tại nó quen rồi.
Cũng giống như ngày xưa mà tôi còn nhỏ ở Việt Nam ở miền Đông, chùa mít nhiều lắm, thường thường tụi tôi đói bụng tụi tôi hay đi ra ngoài vườn mít thăm, thăm là sao? Búng, búng cái nào một là nó thơm thì khỏi nói rồi, cái nào nó hỏng có thơm mình búng nghe “bịch, bịch, bịch, bịch” tiếng nó nghe đặc không có vang thì cái đó mình hiểu ngầm là nó già đem đi dú được, còn mình búng nghe “cong, cong, cong, cong” nghĩa là mít non. Còn cái nào búng “bịch, bịch” mà ngửi nó hơi có mùi là quá khỏe rồi, tụi tôi mới thỉnh vào để hóa kiếp. Trong chùa có chú tiểu chú quen như vậy đó, có lẽ đạo hạnh nhiều đời chú gắn liền với trái mít hay sao mình hỏng hiểu, tối chú ngủ kế bên ông sư mà chú búng búng vô trong đầu của vị đó thì vị đó mới gạt tay chú ra rồi mới khều hỏi “Cái gì vậy?”. Thì chú xin lỗi “Con nằm mơ con thấy con đang thử mít”. Các vị nghĩ có động trời không? May là mít thì bữa có bữa không mà nó còn lậm, nó còn nhiễm như vậy đó thì các vị tưởng tượng đi, tưởng tượng mà nó mỗ riết như vậy đúng là “con ong đã tỏ đường đi lối về” đó, cái đó nó đâm ra nó nản lắm. Tại sao thích vợ bé? Là bởi vì nó lạ. Người ta nói trên đời không có chuyện gì là lớn, chỉ có lấy vợ nhỏ mới là chuyện lớn là chỗ đó, bởi vì nó lạ, chứ còn cái gì mình thông thuộc nó quá cái mình nhìn nó khác đi nhiều lắm quí vị.
Ở đây cũng vậy, một cái vị Tu Đà Huờn khi mà họ thấu suốt cái cấu tạo, cái cơ cấu, cái tổ chức của cái gọi là thân và tâm này nè, thì họ nhìn về nó khác đi nhiều lắm, họ không còn dệt mộng nó nữa, họ không ngồi mơ mộng, họ không ngồi để mà tưởng tượng viễn vông về nó như là những cái khái niệm mắt biếc hồ thu, suối tóc đen huyền, rồi bờ môi mọng, rồi nào làn da trắng như phấn trắng bông bưởi, rồi gót sen, gót khỉ mốc gì đó là vị Tu Đà Huờn không còn nữa. Bởi vì họ biết mấy cái đó toàn là mấy cái hư ngữ giả trá do cái đám phàm phu u mê nó nghĩ ra thôi, chứ còn bây giờ thử thời nó đẹp bằng trời mà quất cho nó một cái sẹo xéo vầy nè là coi cái mặt nó ớn lắm, các vị hiểu không? Đừng có tạt a xít nó ác lắm, chỉ cần một cái sẹo mà nó dài nó cắt ngang là nhìn cái mặt thấy nó giang hồ rồi. Nó đẹp bằng trời mà quất cái thẹo này là mình thấy nó xuống tinh thần dữ lắm, rồi trong cơ thể mình chỗ nào mình thấy là hấp dẫn nhất quất cho một cái thẹo, quất cho một cái đốm lang ben hay đốm hắc lào hay lác ướt, lác khô, hay là dời làm cho nó một ề như cở này là bắt đầu nó xuống tinh thần liền hà. Vị Tu Đà Huờn hiểu rất rõ cái đó, hiểu rất rõ, chỉ cần một cái vết nám mà nó nằm ngay cái vị trí quan trọng rồi là nhìn nó xuống tinh thần dữ lắm. Lúc đó bao nhiêu mộng mơ đều tang hoang hết trơn hết trọi. Đây là lý do vì đâu mà mấy cái viện thẩm mỹ nó mới ăn nên làm ra, là bởi vì nó chỉ cần nó làm sao mà nó che được những cái khuyết điểm để cho người đời tiếp tục mộng mơ trên chính cái hình hài mà gọi là trời ơi đó đó, là nó hốt bạc.
Cho nên ở đây cái chuyện đầu tiên là vị Tu Đà Huờn không có còn nhìn cái thế giới này bằng cái quan niệm ngã chấp là có một cái thằng tôi, thằng ta, có một ông A, bà B nào, không có. Mà vị Tu Đà Huờn luôn luôn nhìn về thế giới này bằng một cái nhìn thấu suốt rằng mọi thứ là một dòng chảy tương tục miên viễn bất tuyệt, của những đơn vị pháp giới phù du rất đỗi là mong manh, thấy đó rồi mất đó, chớp nhoáng trong từng phút. Có như vậy đó vị đó mới có một thái độ sống rất là bình tĩnh, rất là bình thản không giống như mình. Mình thì mình ê a mình tụng kinh tùm lum nhưng mà mình chỉ là những con két chùa thôi. Két chùa là sao? Con két chùa có nghĩa là nó đọc kinh ào ào, nhưng mà nó gặp cái chuyện mà nó sốc lên rồi là nó chịu không nổi.
Vị Tu Đà Huờn thì không, cho nên người đắc quả Tu Đà Huờn trở lên thì vị đó không còn quay lui lại cái quan điểm ngã chấp tổng cộng các vị đếm là đủ 6 đúng không? Tức là không có còn nghĩ rằng là tôi làm hay là người khác làm, không có, không có nữa, không còn nhìn thế giới này qua cái quan niệm ngã chấp mà chỉ nhớ rằng là vị Tu Đà Huờn luôn luôn nhớ cái điều này: Không hề có một chiếc xe trong đống phụ tùng, không hề có đống phụ tùng trong một chiếc xe. Trong room thế nào cũng có người nổi dịch lên các vị hỏi “Ủa, cái này hình như ổng nói chứ hỏng phải kinh”, phải không ta? Thế nào cũng có tên nghĩ như vậy, thôi tôi tặng cho các vị cái này, biết đọc Tiếng Anh không? Tiếng Việt đi, vô google đánh chữ: Tỳ kheo ni Vajira và ác ma, còn Tiếng Anh là Vajira và Mara, thì trong đó các vị sẽ thấy cái câu tôi vừa nói: Không hề có đống phụ tùng trong một chiếc xe, không hề có một chiếc xe trong đống phụ tùng.
Dĩ nhiên chiếc xe hồi xưa là xe ngựa, xe bò, các vị nghe kịp không? Chớ không phải xe 4 bánh chạy bằng động cơ mechanic của mình, hỏng phải. Nhưng mà dầu xe nào đi nữa nó cũng có nhắm cái ý nghĩa đó là nó là khối tổng hợp được lắp ráp bởi các món phụ tùng rời rạc, dầu đó là cái thùng, cái phần sau của một chiếc xe ngựa hay là xe bò, xe tứ mã, song mã hay là lục mã gì hỏng cần biết, nhưng mà chỉ cần biết đó là một cái phương tiện được lắp ráp bởi các thứ phụ tùng rời rạc.
Thì theo tinh thần đó, “Không hề có một chiếc xe trong đống phụ tùng”, có nghĩa là sao? Có nghĩa là đống phụ tùng mà đã tháo banh ta long, nó rời ra hết, bù lon, con tán nó nằm một đống rồi tháo rời ra hết thì chiếc xe nó nằm ở đâu? Các vị hiểu chưa?Chiếc xe nó nằm ở đâu? Lý do nằm chỗ đó. Thí dụ như bây giờ các vị hỏng tin tôi chứ gì, các vị tháo một đống để đó đi, các vị chụp hình, thì người ra nhìn cái hình đó người ta nói “Ờ,thằng Tèo nó ngồi kế bên đống đồ part, kế bên đống phụ tùng”, chứ không ai nói Thằng Tèo nó ngồi kế bên chiếc xe, theo tôi biết là như vậy. Nếu mà chụp cái hình đó xong rồi post lên trên facebook coi người ta nói làm sao, người ta nói “Cái thằng đó ngồi bên đống phụ tùng”, chứ không ai nói “Thằng này ngồi bên chiếc xe” hết.
Nhưng mà cũng cái đống đó bây giờ ráp ngược trở lại cho nó thành chiếc xe hoàn chỉnh đi, thì người ta sẽ nói là “Thằng Tèo nó ngồi bên chiếc xe” chứ không còn ai nói “Thằng Tèo nó ngồi bên đống phụ tùng” nữa hết, là vì sao? Là vì chiếc xe nó được lắp ráp bởi đống phụ tùng, lắp ráp từ cái đống phụ tùng và cái đống phụ tùng nó được tháo ra từ chiếc xe.
Cho nên tháo rời nó ra thì cái cũ không còn nữa, lúc bấy giờ nó trở thành một cái mới. Nhớ cái đó đó, cái đó là cái quan trọng phải nhớ.
57:46
Tiếp theo bây giờ qua kinh 96. Đức Phật Ngài dạy trên đời này có 6 sự kiện khó tìm, chữ pātubhāva là xuất hiện, có 6 chuyện rất là khó xảy ra.
Thứ nhất đó là sự ra đời của một vị Chánh đẳng chánh giác. Tôi nói một tỷ lần, tại sao cái sự ra đời của Đức Phật là hiếm? Là bởi vì trong Tăng chi phần 3 pháp, chính Ngài cũng có dạy thế này “Trên đời này tìm được người có lòng tri ơn khó dữ lắm”. Tôi biết trong room này nhiều người cứ tưởng mình là người biết tri ơn nhưng mà sai bét, các vị mang ơn ai, hả? Cái ơn đó bằng trời đi nữa nhưng các vị luôn luôn có tới một tỷ lý do để các vị phủi tay, luôn luôn là như vậy.
Bữa hổm tôi có nói thí dụ này, tức là mỗi ngày tôi hầu hạ các vị như là mẹ ruột của tôi, như là cha ruột của tôi vậy đó, mỗi ngày tôi dúi vô tay các vị 10 ngàn đô la xài chơi, rồi xong rồi tôi nấu cơm, rồi tôi lấy nước nóng ngâm chân, tôi cắt móng tay, tôi xoa bóp, tôi hầu hạ các vị như là mẹ ruột của tôi. Mỗi chiều trước khi chia tay, tôi cũng phải giăng màn, móc mùng tùm lum hết, quạt hầu ấm lạnh xong xuôi, cho các vị 10 ngàn đô la. Mỗi ngày hầu hạ như vậy, ăn uống thì lựa cái món nào các vị vừa lòng, lúc nào cũng ngồi chầu chực coi làm sao cho các vị vui, khi nào các vị buồn giận hỏng vui thì tôi tìm cách tôi chìu chuộng, an ủi, xoa dịu. Tôi hầu như vậy đó mà suốt 10 năm trời, 10 năm nha, liên tục không mất một ngày. Đến năm thứ 11 tôi không còn lo nữa, tôi chuyển qua người khác, thì các vị tưởng tượng đi, các vị có chịu nổi không? Cái ơn 10 năm qua mà tôi đối xử tốt với quí vị đó, bây giờ các vị có còn nhớ hay không? Hay là các vị chỉ nghĩ đến một chuyện: Bây giờ nó qua nó lo cho người khác rồi, nó thờ người khác rồi. Đêm đêm cũng khoảng tầm 6, 7 giờ bắt đầu cái lòng căm hờn nó nổi dậy, các vị nhớ ngày xưa 10 năm trước vào cái giờ này là ổng bưng nguyên một cái ấm, nguyên một cái thau bằng đồng mạ vàng đựng nước ấm có thuốc bắc trong trỏng, ổng ngâm chân, ổng xoa bóp cho mình ngủ. Rồi bây giờ ổng đem toàn bộ những sự chăm sóc đó ổng qua ổng lo cho vị kia. Chỉ nghĩ chừng đó thôi là 10 năm ân nghĩa coi như đổ xuống cống, tôi hứa như vậy, đừng có nói dóc, nha, hứa luôn, nha.
Cho nên lòng tri ơn rất là khó kiếm. Mà cái chuyện đầu tiên là lòng tri ơn mình có hay không? Thứ hai, có được lòng tri ơn rồi liệu mình có được cái thứ hai hay không?
Thứ nhất, tri ơn là thương được cái người tốt với mình chứ gì nữa? Tri ơn là mình thương, quí người tốt với mình.
Thứ hai, khó hơn một chút đó là thương được người dưng, cái người mà không có ơn nghĩa, không có ân oán gì với mình hết.
Cái khó thứ ba là thương được bạn bè của kẻ thù.
Và cái thứ tư là thương được kẻ thù.
Tổng cộng là 4 bước, các vị nghe kịp không?
Một là tri ơn, là lòng thương quí cái kẻ tốt với mình.
Thứ hai, thương được cái kẻ không ân oán với mình.
Bước ba, thương được bạn thân của kẻ thù mình.
Và cái thứ tư là thương được kẻ thù.
Tất cả là 4 bước nha. Thì muốn trở thành một vị bồ tát là phải đi đủ 4 bước này, bởi vì sao? Tại sao có 4 bước này? Bởi vì không có khả năng thương được kẻ thù thì anh làm bồ tát kiểu gì? Anh làm bồ lúa chứ bồ tát cái gì? Anh làm bồ lúa chứ bồ tát gì nổi mà bồ tát? Bồ tát là phải có khả năng thương được kẻ thù. Gớm như vậy.
Trong kinh nói là phải có khả năng thương được kẻ thù rồi đến một ngày khi gần thành Phật là Ngài phải đạt tới cái trình độ là coi kẻ thù và người thân giống nhau. Phải giống nhau, có nghĩa là ngó nó như hai giọt nước, nhìn như hai giọt nước vậy đó. Cái tâm nó phải ngon lành, nó phải hững hờ, nó bình thản như vậy, nhìn cái kẻ chí ái và cái kẻ đại thù giống như nhau. Đại thù là gì? Là nó mới vừa giết cha mình xong, nó mới vừa giết mẹ mình xong, nó mới vừa cào nhà, nó mới vừa giựt vợ mình xong, bây giờ nó đang lên kế hoạch, nó giết, nó lụi, nó đâm, nó chém, nó bắn mình, mình biết luôn, biết nó lên kế hoạch nó giết mình nhưng bồ tát vẫn nhìn nó bằng cái ánh mắt y chang như nhìn mẹ của mình vậy, không có phân biệt. Thì tới mức này nè mới thành Phật được. Mà trong cái quá trình đó, là các vị biết phải tu bao nhiêu A tăng kỳ quí vị biết không?
Nãy giờ tôi mới nói có một hạnh tu thôi đó.
Thứ nhất là lòng tri ơn, thương được cái người tốt với mình.
Thứ hai là thương được cái kẻ không mắc mớ gì mình.
Thứ ba là thương được bạn bè của kẻ thù mình.
Thứ tư là thương được kẻ thù.
Sau khi mà anh đã qua được 4 cái ải này rồi thì anh mới nói chuyện anh làm bồ tát, bồ lúa, nha. Chứ còn anh không có qua được 4 cái ải này thì giống như Quan Công chưa có quá ngũ quan mà trảm lục tướng thì chưa có về nước Thục được, vậy đó. Nhớ nha, nhớ cái đó. Khó lắm. Mà trong khi cái bước đầu tiên là tri ơn là chính Phật đã dạy “Khó khăn lắm, không phải dễ dàng tìm thấy ở đời một người có lòng tri ơn và biết báo ơn”. Phật đã nói cái điều đó rồi, mà ngay cái step đầu tiên là tri ơn mà đã không có rồi, tức là thương được, quí được kẻ tốt với mình khó lắm.
Trong room này nhiều người lén lén nghĩ “Trời ơi, người ta tốt với mình thì mình thương người ta chuyện đó bình thường”. Sai, trước mắt thôi. Chứ chỉ cần người ơn đó mà họ chỉ có một động thái nho nhỏ là mình xù đẹp nha, nhớ đi, đừng có hèn mà lắc đầu. Tôi ghét nhất cái đó, có gì đâu mà lắc đầu, cái đó là sự thật mà.
Hồi nãy tôi nói rồi, tôi hầu các vị như bà cố nội của tôi suốt 10 năm mà tới năm thứ 11 tôi chuyển qua đối tượng khác, tôi không có đụng chạm gì tới quí vị, tôi không có xúc phạm, tôi không có mạo phạm, tôi không có tấn công quí vị nha, tôi chỉ dời đối tượng thôi. Tức là ngày xưa bao nhiêu cái sự chăm sóc đó tôi dành cho quí vị, bây giờ tôi dời sự chăm sóc qua đối tượng khác là quí vị đã thù tôi rồi nha.
Cho nên cái bước một là thương quí được cái người tốt với mình tưởng dễ chứ rất là khó bởi vì đó là hạng người tri ơn mà. Bước hai là thương được cái kẻ không ân oán gì với mình. Bước ba là thương được bạn của kẻ thù mình. Thứ tư là thương được chính cái kẻ thù mình.
Đấy! Thì như vậy tôi chỉ nói riêng có một tí ti vì đó chỉ là một phần tỷ của một vị bồ tát thôi, thì hỏi cái đó đã khó, đã hiếm thì các vị hiểu ngầm một vị Phật còn hiếm cở nào? Một vị Phật có thể vì chánh pháp, vì để nghe một bài pháp mà dám chết. Tu hạnh trí tuệ đó, để cầu được trí tuệ, để cầu được nghe pháp mà vị bồ tát có thể dám chết chứ đừng có nói tài sản ngoại vật ngoại thân nha, dám chết để mà nghe pháp. Vị bồ tát dám vì trau dồi trí tuệ mà dám chết, vị bồ tát dám vì lòng từ bi với chúng sanh mà chết, dám vì cái hạnh bố thí mà chết, dám vì cái hạnh nhẫn nhục mà chết, dám vì cái hạnh tinh tấn, hạnh xuất gia mà chết, dám vì cái từ tâm, dám vì cái hành xả mà chết. Dễ sợ như vậy. Còn mình thì sao? Mình là chỉ cần mất một mẻ, một miếng tiền, sứt một miếng thịt là mình đã nổi dịch lên mình muốn đốt nhà, mình cào cả họ người ta mình giết rồi. Trong khi Ngài là Ngài phải tới cái mức độ vì các hạnh lành mà dám chết, mà không phải một kiếp, nhiều kiếp như vậy, vô số kiếp như vậy, cuối cùng thành một vị Phật.
Cho nên cái sự ra đời của một Đức Phật cực kỳ là quí hiếm, cực kỳ khó khăn, nha.
1:07:12
* Cái thứ hai là cái sự xuất hiện của những người thuyết giảng chánh pháp. Đừng có tưởng là đem kinh điển ra giảng ào ào, ào ào thì được kể trong đây, nghe. Người thuyết giảng chánh pháp phải là người thuyết đúng chứ còn thuyết ào ào chưa chắc là đúng, thuyết hay thật là hay, thuyết đến mức mà con thằn lằn trên tường nó phải rớt cái “bịch” xuống. Chưa, chưa chắc.
Thuyết đúng chánh pháp đây có nghĩa là không có thêm, không bớt, không chỉnh sửa sai lệch cái tinh thần của Phật, cái đó là cái khó. Chứ đa phần chúng ta nhớ thế này, có 2 loại pháp sư: Một cái hạng là nói đúng như là Phật Pháp. Và một cái loại nói pháp như là mình muốn tức là mình nói điều đó là vì mình hiểu tới đó thôi, hoặc là vì mình muốn nói cái chuyện đó, mình muốn giải thích chuyện đó theo cái quan điểm tư kiến của mình, cái đó là hạng thứ hai. Còn hạng thứ nhất là giảng y như lời Phật. Hạng thứ hai là giảng y như mình muốn, y như mình nghĩ. Thì cái hạng mà giảng y như lời Phật, cái loại đó mới khó kiếm.
Như vậy, cái thứ nhất là rất khó chứng kiến sự ra đời của Phật.
Cái thứ hai là rất khó mà gặp gỡ một người thuyết đúng chánh pháp.
* Cái thứ ba trong đây để là “Sự tái sanh trong Thánh xứ khó tìm ở đời”, cái này nó hơi tối nghĩa. Trong bản dịch Pali để thế này, “Thánh xứ” là gì ta? Thánh xứ tiếng Pali gọi là majjhimadesa có nghĩa là trung thổ, không phải là trung nguyên, Trung Quốc đâu, hỏng có phải. Mà majjhimadesa có nghĩa là cái trung tâm văn minh, sanh ra được cái xứ trung tâm văn minh thời Đức Phật ra đời. Trung tâm văn minh là sao? Trong kinh ghi rõ là “Cái chỗ mà Thế Tôn và các Thánh chúng có thể lui tới thường xuyên”, nha. Thế Tôn nói chung là ở đâu Ngài tới cũng được thôi, nhưng mà cái chỗ nào Ngài cư ngụ thường xuyên, Ngài an ngự thường xuyên, chỗ đó vẫn là tốt hơn chỗ khác, mặc dù ở đâu Ngài đi tới cũng được, đúng, nhưng mà mình ở gần Ngài nó vẫn tốt hơn, mình phải đồng ý chuyện đó thôi.
Thánh xứ đây là cái chỗ mà Thế Tôn và các Thánh chúng đệ tử của Ngài thường xuyên lui tới, lai vãng, khứ hồi, nha. Thì sự có mặt ở cái chỗ như vậy không phải dễ đâu. Bởi vì các vị biết trái đất nó to đùng thế này, mình lật bản đồ ra mình thấy trái đất nó to thế này rồi Ấn Độ nó là một cái mãnh nhỏ trên trái đất, mà cái gọi là địa bàn hoằng pháp của Đức Phật và Thánh chúng nó lại là một đóm nhỏ trong cái nhỏ ấy. Ấn Độ chỉ là một miếng trên trái đất, mà cái khu vực, cái địa bàn mà Phật hoằng pháp chỉ là một miếng nhỏ trong cái nước Ấn Độ đó thôi. Đó! Mình có mặt ngay thời điểm đó không phải dễ đâu quí vị. Chứ còn không, lúc đó sanh vô một cái xứ mà xa xôi, một là không có cơ hội để nghe biết gì về Phật, thứ hai là ở những chỗ chưa kịp nghe về Phật là mình đã phải tiếp thu, đã phải sống trong và tiếp thu với những cái tà kiến, dị thuyết, tầm bậy tầm bạ, thờ ông thầy Tám, bà Tư tùm lum, nước lạnh, nước sôi, nha.
Đó! Cho nên là có mặt ở trong cái chỗ mà Thánh nhân lai vãng là một chuyện rất khó. Thánh xứ là cái chỗ mà Thánh nhân lai vãng nha.
1:10:43
* Rồi không khiếm khuyết các căn là khó tìm ở đời, nghĩa là sao? Các vị biết sanh ra mà nó toàn vẹn không phải dễ. Tôi có biết một cô dược sĩ nè, thông minh lắm, bằng trời đó, tướng tá ngó cũng được, mà bị điếc. Cho nên là nói chuyện với bả thì bả có bên nghe, bên không, nói chuyện với bả mình bực lắm, mà tôi quên bên nào điếc, nhưng đại khái mình nói bên điếc là thua, mình chửi cha nàng nàng không có hề nghe. Mà nói bên cái phía mà nàng nghe ok là mình thở ra cách một cây số là nàng đã nghe rồi. Còn cái phía bên điếc mình có chửi cha nàng nàng cũng không có giận nữa, khổ vậy đó, may là điếc có một bên đó nha.
Cho nên quí vị tưởng tượng may là điếc thôi, chứ còn nó mù, rồi nó bị cụt tay, cụt chân, rồi nó câm, nó ngọng, phiền lắm. Cho nên sanh ra đời mà làm người có ngũ quan đầy đủ, các căn không khiếm khuyết không phải dễ đâu quí vị.
Tôi nhớ tôi có kể cho bà con nghe cái chuyện này mà cái lớp này đơ không có nhớ khỉ gì đâu. Một ngày kia trong công viên ấy có cái ông cụ đang tập khí công, 1, 2, 3, 4, vầy nè, pháp môn vẫy tay đó, thì ổng thấy một anh thanh niên đẹp trai lộng lẫy luôn đang lén lén, lút lút kiếm chỗ thẩy cái cọng dây lên treo cổ. Thì ổng mới hết hồn, ổng mò tới, ổng mới nói “Cậu muốn chết thì tôi can hỏng có nổi đâu, nhưng mà cậu cho tôi nói chuyện chút rồi cậu chết. Đúng là cậu muốn tự tử phải không?”. Anh chàng đó mếu máo nói “Đúng”. Hỏi lý do thì cậu ấy nói “Cháu không có tìm ra được việc làm, rồi người nhà coi cháu là gánh nặng, rồi người yêu lần lượt đội nón ra đi hết. Bây giờ cháu không có thiết sống nữa”. Thì ông già ổng nói thế này “Cậu có biết là cậu giàu có lắm hay không? Cậu có biết rằng trong đời của tôi, tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền từ hồi trẻ, hồi trẻ là tôi phải đi nhổ răng, trám răng, làm răng tùm lum và cuối cuộc đời này nè tôi phải bỏ tiền tôi làm hai cái hàm răng giả biết bao nhiêu tiền, biết bao nhiêu đau đớn, biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc và đau đớn. Cuối cùng tôi phải xài răng giả. Còn cậu, hai cái hàm răng của cậu nó đẹp quá đi. Chắc cậu chưa biết nha sĩ là sao, đúng không? Thứ hai, cái tướng của cậu tôi nghĩ chắc là không có huyết áp, không có tiểu đường, không có cholesterol, nhìn cái tướng đã quá mà. Rồi thêm cái nữa cậu biết không, biết bao nhiêu tỷ phú trên đời này họ sẵn sàng mất sạch tài sản để từ tuổi 80 quay lui về tuổi 20 như cậu, cậu biết không? Mất sạch mấy chục tỷ để được quay về cái tuổi 20 như cậu, cậu biết không? Nhưng mà cái chuyện đó không được, cậu biết không? Có tỷ phú 80 tuổi ổng sẵn sàng mất sạch, để mà quay về tuổi 20 của cậu, quay về mà tay trắng đó nha. Trong khi cậu thì sao? Cậu có sức phát triển quá tuyệt vời, một cái cơ thể phải nói là khỏe mạnh, cường tráng, đẹp trai, ta nói đẹp từ tóc cho tới trán, rồi mũi, môi, răng, má, mông gì nhìn ta nói đã đời ông địa mà cậu coi thường nó. Cậu nghĩ là vì cậu nghèo, vì hỏng có tiền mặt, tiền cash, tiền tươi, rồi cậu chết, cậu biết cậu dở lắm không?” Thì cậu thanh niên đó nghe như vậy, mắt cậu sáng lên, cậu nói “Trời ơi, cháu ngon lành vậy sao?” Ổng nói ” Đúng, quá ngon. Bây giờ bao nhiêu cái thằng tỷ phú 90 tuổi, thí dụ ông Warren Buffett của Mỹ bây giờ kêu ổng vứt tài sản để quay lại tuổi 20 cường tráng, đẹp trai, tay trắng mỗi ngày đi lái Uber taxi ổng cũng chịu nữa, miễn là quay lại cái thời 20 thôi, nha, mà đâu có được. Còn cậu? Quá đã, quá xá đã luôn”.
Thì ở đây cũng vậy, các vị biết bây giờ các vị còn khỏe mạnh, các vị coi thường, các vị cứ lo tầm bậy tầm bạ. Chớ các vị nhớ có cái câu chuyện tôi đọc mà tôi nhớ hoài hà, là: Có một cô bé nhà nghèo, cổ thèm một đôi giày mà mua hỏng nổi, cổ buồn lắm, nhưng mà trên đường từ trường về nhà cổ mới tình cờ thấy một người ăn xin bị cụt chân thì cổ mới nghĩ ra một chuyện “Không có tiền mua giày không đau bằng không có chỗ để mang giày”. Nhớ cái đó nha.
Cho nên trong room sau khi nghe giảng cái này xong về gác cái chân lên trán suy nghĩ đi, mỗi lần bị khổ nhớ câu đó, đọc như đọc kinh vậy đó “Không có tiền mua giày không khổ bằng không còn chỗ để mang giày”. Đấy! Nhớ nha. Như vậy thì ta quá ngon lành, các vị hiểu không? Các vị ngon quá. Tôi không biết trong room này các vị già trẻ, bé lớn, đẹp xấu, mập ốm, trắng đen, cao thấp ra sao tôi chả biết, tôi chỉ biết là các vị may mắn quá, các vị còn có chỗ để mà mang kiếng bởi vì người đui mang kiếng làm cái gì? Chỉ mang kiếng màu thôi, chứ còn mang kiếng cận là phải cái người còn sáng mới mang chứ, đúng không? Các vị còn có chỗ để mang giày, còn có chỗ đeo găng tay, còn có cái này cái kia để mà chăm sóc, đôi khi đó cũng là cái phước đó quí vị à.
Cho nên ở đây Đức Phật Ngài dạy là sanh ra đời mà ngũ căn đầy đủ, các chi không khiếm khuyết là phúc ba đời nha. Chứ còn cái thứ mà gặp được Phật Pháp mà tâm thần cũng trớt quớt, gặp Phật Pháp mà tứ chi bị khiếm khuyết cũng mắc dịch, trong kinh cấm không có cho người như vậy xuất gia, các vị biết không? Kỳ hình dị tướng đủ để làm cho người khác kinh sợ hoặc phát sanh dị cảm thì cũng không được xuất gia, đắp y; người mà không có đầy đủ các căn cũng không được xuất gia, đắp y; người mà khiếm khuyết tứ chi cũng không được xuất gia, đắp y. Khổ như vậy đó quí vị.
Cho nên cái chuyện coi như là còn có chỗ để mang giày là các vị đã phước ba đời rồi nha.
1:17:23
1:17:11
* Rồi tiếp theo nữa là không có si mê, có nghĩa là sanh ra đời mà cái này của mình nè suy nghĩ được, không đến nổi mà ù ù cạc cạc, không đến nổi mà chậm nhớ chậm hiểu là phúc ba đời.
Tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với một vài người mà trời ơi nó chậm mà tôi nói mình nổi điên luôn, cũng từ cái chỗ chậm mà mình phương hại, mình ái ngại, từ phương hại chuyển qua ái ngại và cuối cùng không muốn gặp lại, có cái loại đó chậm như vậy, chậm lắm. Ta nói mà hỏng có hiểu gì, mấy ngày nay nè tôi đang gánh một bà bên Đức tới học mà trời ơi bả chậm mà thấy ghét luôn, ghét quá ghét đi, rồi bây giờ hỏng lẻ mình banh mắt, banh lổ tai mình đổ mực vô đặng cho bả hiểu, thí dụ như vậy. Nhưng mà bây giờ làm sao? Nó chậm bẩm sinh, chậm quá chậm đi, mình nói bả thù mình chết. Cho nên là sao ta?
Sanh ra đời mà ở được cái chỗ mà Thánh nhân thường lai vãng là mình đã thấy là coi như là đại phúc. Sanh ra đời mà tứ chi đầy đủ, ngũ căn ngon lành là đại phúc. Sanh ra đời mà đầu óc nhanh lẹ, bén nhạy là đại phúc.
* Rồi cái cuối cùng mới là chua chát nè …Nhiều khi bắt các vị chờ các vị phải vui là vì ổng đang kiếm kinh điển ổng giảng cho mình nghe, còn cái kiểu mà phang mát trời đất thì ráng mà chịu nghe, ok.
Cái điều này gọi là kusale dhamme chando có nghĩa là còn có cái lòng thiết tha trong thiện pháp, cái đó khó lắm, khó tìm lắm. Chando đây là thiết tha, ở đây Ngài Minh Châu dịch là “ước muốn thiện pháp”, nhưng mà ở đây theo bản Pali mình có quyền dịch là “cái lòng thiết tha ở trong lẻ thiện, điều lành ở đời” khó lắm.
Các vị đừng có nói với tôi, các vị là con nhà gia giáo, có giáo dục, gia đình đạo đức, các vị là người có học vị, các vị là trí thức, các vị là Phật tử, các vị biết giáo lý, rồi các vị thiết tha trong chánh pháp. Dóc, dóc, tôi nói là dóc. Bởi vì cái chuyện gia đình gia giáo, có giáo dục, có học vị, rồi có đi chùa, có học giáo lý mà nói rằng đó là trên chừng ấy cơ sở nền tảng mình nói mình là người tha thiết với chánh pháp, chưa chắc mà dóc là đa phần. Vì sao? Vì tôi nói hoài hà, thử thời bây giờ mà các vị ngủ một đêm sáng ngày dậy nó trẻ lại 18, 20 tuổi, nó đẹp lộng lẫy như tiên, một tỷ đàn ông hoặc một tỷ đàn bà nó quì dưới chân của mình, nó hôn cái gót của mình và mình có trong ngân hàng một tài khoản là năm, bảy tỷ đô la là lúc đó mình mới nghĩ, mình coi mình có nhu cầu mà trau dồi chánh pháp, học hỏi giáo lý, thiền định, giữ giới hay không? Trong room có hiểu cái này không ta? Các vị có hiểu không? Đừng có nói dóc mà nói là tôi là Phật tử rồi bà ngoại tôi, mẹ tôi dạy tôi là sống đời, ôi thôi thôi…đủ rồi, năm nay em 50 tuổi em thuộc bài quá rồi đừng có mà dóc, nha.
Cái người mà gọi là kusale dhamme chando là gì? Như bồ tát vậy đó, có nghĩa là sống trong cái khổ thì Ngài cũng lấy cái khổ làm cái bệ phóng để mà hướng đến đời sống tâm linh, mà khi sống trong nhung lụa vàng son thì Ngài cũng lấy đó làm cái bệ phóng để mà tìm đến thế giới của tâm linh, tinh thần. Đó! Bởi vì sao?
Bởi vì khổ tôi đã nói rồi, khổ nó có 3: Một là khổ khổ có nghĩa là những gì mà mình thấy khó chịu ở thân tâm. Cái thứ hai là hoại khổ có nghĩa là một cái sự gọi là đổ nát hư hao của những gì hay ho tốt đẹp. Cái thứ ba là cái bản chất nhạt nhẻo, vô vị, vô nghĩa và lệ thuộc các điều kiện của đời sống, đó là hành khổ.
Thì cái người hạ căn, trí kém thì họ phải bị một cú sốc nào đó họ mới tu được, họ mới hướng đến cái vấn đề mà chánh pháp, tâm linh, tinh thần. Cái hạng thứ hai là họ không có cần phải bị chảy máu, mà họ chỉ cần thấy một cái hoa héo, một cái dòng suối khô, nhìn thấy một cái đám tang là họ đã muốn đi tu rồi. Nhưng mà hạng thứ ba không cần đến những hình ảnh u buồn đó, chỉ cần mà họ nhìn cái lâu đài mà mỗi ngày phải quét dọn, rồi phải chăm sóc kẻ ăn người ở, cư xử sao cho phải phép; rồi họ nhìn thấy chiếc xe mỗi ngày người tài xế phải lau, phải dọn, xong rồi phải đi đổ xăng, thỉnh thoảng phải đi tune up, check up tùm lum. Rồi còn mình thì lâu lâu phải đi bác sĩ định kỳ mặc dù không có bị gì hết, nhưng mà tự nhiên mình chán “Trời ơi, mỗi ngày phải tắm hả trời?”. Tắm rồi còn lấy chỉ nha khoa cà răng, rồi phải súc miệng, rồi phải tắm rửa, kỳ cọ, phải thay áo quần, rồi phải chải tóc, rồi phải bôi dầu, rồi phải thế này thế kia v v… Nghĩ cái đó họ oải.
Đấy! Thì cái bậc thượng căn là họ chán đời ngay từ trong cái vàng son chói lọi ấy, họ thấy ra cái sự lê thê, nhạt nhẻo, vô nghĩa và vô vị của nó. Cái đó đó, thì gọi là cái người “thiết tha với chánh pháp là vậy đó”, có nghĩa là họ rất là mau chóng lìa bỏ cái thế giới tục sự và tục niệm.
Đấy! Còn mình thì sao? Mình là nói vậy thôi chứ còn chánh pháp nó không phải là nhu cầu thường trực, rốt ráo và máu xương được, có hiểu không? Cái chánh pháp ấy, cái đời sống tâm linh, tinh thần nó không phải là cái nhu cầu thường trực, rốt ráo, máu xương. Phải là rốt ráo, máu xương mới gọi là thiết tha. Còn nó không phải là nhu cầu thường trực, nó không phải là nhu cầu rốt ráo, máu xương thì chưa gọi là thiết tha. Nhớ nha, nhớ cái chỗ đó quan trọng lắm, rất là quan trọng.
Mình bị lừa hoài, mình mang tiếng con người chứ thật ra mình là con lừa, là sao? Mình thích lừa người khác mà mình cũng thường bị đứa khác nó lừa mình, và cái đau nhất là mình tự lừa mình mới ghê. Một là mình thích lừa người ta, hai là dễ bị người ta lừa, và ba là mình tự lừa mình. Cho nên cái human kind đó không nên dịch là nhân loại mà phải dịch thẳng là con lừa, mình là con lừa, nha. Tiếng Việt Nam nó có câu đố là “Thương nhau cởi áo cho nhau, về nhà dối mẹ qua cầu gió bay” là con gì? Là con lừa, con lừa mẹ đó. Nhưng mà cái định nghĩa đó nó hời hợt lắm, phải định nghĩa như là tôi vừa nói, đúng là con lừa. Tức là mình rất thích lừa người khác và mình cũng rất dễ bị người khác lừa mình, và trên tất cả chúng ta thường tự lừa mình. Đấy! mình là con lừa. Yah, mình không phải là con người.
Bởi vậy cho nên có một câu định nghĩa rất là hay “Mỗi người trong mỗi ngày nên tự xét coi mình có phải là con người hay không? Và trong cái gọi là con người ấy cái phần người và cái phần con, phần nào nhiều hơn?”. Các vị có hiểu không? Các vị có hiểu tôi nói cái gì không? Cái phần người và cái phần con, mình nói mình là con người đúng không? Phải tự dò lại coi cái phần người và cái phần con. Con người thì phần con, phần người tách đôi nó ra thì cái phần con nó lớn hơn cái phần người.
Cái phần người là cái phần thiện đó, cái phần lành đó quí vị: Sống biết nghĩ đến người khác, biết nghĩ đến lợi ích đời này đời sau, bên cạnh vật chất họ biết nghĩ đến tâm linh tinh thần thì đó là yếu tố người đó.
Còn yếu tố con là sao? Đói ăn, khát uống, nam nữ, giao phối rồi khả năng phản vệ. Phản vệ là gì? Có nghĩa là đứa nào nó đụng tới thì mình phản ứng rồi tự vệ thôi. Mấy cái chuyện mà đói ăn, khát uống, nam nữ, phản vệ, 4 cái này là con thú nó cũng có nữa, cho nên cái phần 4 cái khả năng này được xem là “yếu tố của con”.
Còn “yếu tố của người” là yếu tố của tinh thần về tâm linh ấy
và khi nào mà chánh pháp, lẽ thiện, điều thiện mà nó là cái nhu cầu thiết thân, thiết yếu, nó là cái nhu cầu rốt ráo, máu xương thì khi ấy mình mới được gọi là con người, gọi là kusale dhamme chando, là có sự thiết tha. Còn mà chưa đạt tới cái mức đó đó thì coi như là khoan, khoan nói là mình có lòng thiết tha.
Cho nên ở đây Ngài dạy là sự ra đời của Đức Phật là quí hiếm, đúng, nhưng mà cái lòng thiết tha trong lẻ thiện cũng cực hiếm, vô cùng hiếm, là vì sao? Là vì nếu nó không hiếm thì tại sao Phật hiếm? Đây, nó rất là logic.
Chính vì số người thiết tha với điều thiện nó quá yếu đi cho nên từ đó Phật cũng hiếm, cái người thuyết giảng chánh pháp cũng hiếm. Đây, nhớ chỗ đó và chính vì điều thiện hiếm quá nên cái kẻ đủ phước để sanh vào cái trú xứ mà Thánh nhân thường lai vãng cũng hiếm, đây, chính vì thiết tha điều thiện quá hiếm cho nên những cái điều hay, cái đẹp trên đời này nó cũng hiếm theo. Các vị nghe kịp không? Đấy, các vị phải nghe như vậy đó.
Cho nên hôm nay chúng ta ngồi chúng ta dò lại coi mình có bao nhiêu cái hiếm, ở đây là Phật mình hỏng có gặp rồi nhưng mà thời này mình còn có cơ hội gặp được cái người thuyết giảng chánh pháp hay không? Cái này phải qua Miến Điện thôi, chỉ về Miến Điện thôi.
1:28:18
Rồi cái tiếp theo đó là kinh 97, kinh này mới mệt nè, nếu không có đọc cái bản Pali tiếng Phạn là chỉ có cắn lưỡi thôi. Ở đây, khi chứng quả dự lưu thì bản thân vị ấy được 6 cái điều đặc biệt sau đây, trong đây dịch là 6 lợi ích, nhưng mà đây là 6 cái đặc ân, 6 cái quyền lợi, 6 cái thành tựu của một người chứng quả dự lưu.
* Thứ nhất là gì? Đó là “sự quyết định đối với diệu pháp không có thối đọa” có nghĩa là sao? Có nghĩa là vị này dứt khoát chỉ có thể tiến lên trong đường đạo không thể quay lui. Những thành tựu nào của vị này về giới, về định, về tuệ, về giải thoát, về giải thoát tri kiến chỉ có thêm, chỉ có đi lên, chỉ có đi xa hơn nữa chớ không có đi xuống, không có thụt lùi, không có quay lui, nha.
Còn mình thì sao? Mình là mình có đắc thiền, đắc thần thông, thuộc lòng Tam tạng, mình trí thức, mình đẹp, mình giàu, mình ngon lành, mình bảnh bao. Tất cả những cái đó chỉ cần tắt thở một cái, chưa biết cái nào còn cái nào mất, dòng luân hồi là đầy dãy bất trắc.
Trong khi đó những thành tựu về tâm linh của vị Tu Đà Hườn không thể nào mất được. Tôi nhắc lại, những thành tựu về giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến không mất, những thành tựu về các hạnh lành không mất, vị này chỉ có thể đi xa hơn, cao hơn chứ không thể thụt lùi. Cho nên gọi là những “quyết định đối với diệu pháp không có thối đọa” là chỗ đó.
1:30:03
Thứ hai, cái chỗ này là phải đọc cái bản Pali chứ còn đọc cái bản này là trời hiểu luôn nha. Chayime, bhikkhave, ānisaṃsā sotāpattiphalasacchikiriyāya. Katame cha? Này các tỳ kheo đây là 6 ānisaṃsā, 6 cái gọi là thành tựu, 6 cái quả, 6 cái lợi ích, 6 cái đặc ân mà vị sơ quả Tu Đà Hườn có được.
Một là gì ta? Saddhammaniyato hoti.
Niyato đây có nghĩa là cái sự khẳng định, khẳng quyết.
Saddhammaniyato có nghĩa là phàm phu không có được cái này, gọi là niyato. Trong chánh pháp phàm phu không có, phàm phu là cái gì đó mà nó là sự khẳng quyết, khẳng định, sự dứt khoát, sự cố định phàm phu không có, phàm phu bữa nay thấy như vậy nhưng mà ngày mai khác đi, nói gì là đời sau kiếp khác. Đó là cái thứ nhất.
* Cái thứ hai là aparihānadhammo đây có nghĩa là vị sơ quả không có bị mất mát những điều tốt đẹp đã có.
* Pariyantakatassa dukkhaṃ hoti, vị đó đang trên con đường đi đến sự đoạn tận đau khổ.
-pariyanta có nghĩa là biên giới
Pariyantakatassa dukkhaṃ hoti có nghĩa là trong đời sống của vị đó từng phút trôi qua, tôi nói chậm lại, từng phút trôi qua trong cuộc đời của vị Tu Đà Hườn đều là những công phu, đều là những bước đi hướng về niết bàn.
Tôi biết tôi nói cái này trong room có người nghĩ rằng tôi đang cường điệu, đang khuếch đại vấn đề. Đúng là như vậy đó, sự thật như vậy chứ không phải là cường điệu. Tôi nhắc lại từng phút trôi qua trong đời của vị Tu Đà Hườn đều là từng bước đi về cứu cánh thoát khổ, là vì sao? Vì mấy vị này luôn sống trong thiện pháp, mặc dù có phiền não xen kẻ, có, đúng, phiền não còn, đúng, nhưng mà các vị này thường trực sống trong niệm và tuệ, niệm và tuệ, niệm và tuệ. Điều đó có nghĩa rằng nếu chúng ta là phàm phu mà trong từng phút chúng ta cũng sống với niệm và tuệ thì sao ta? Có nghĩa là chúng ta cũng từng bước đi về cái cứu cánh thoát khổ, có một điều là chúng ta có được thường trực, có được liên tục như vậy hay không?
Có 3 hạng hành giả. Hạng thứ nhất là hành giả bậc hạ, hành thiền hành, thiền tọa có giờ, sau các giờ đó bung ra là coi như quậy tới nóc luôn, muốn đi đâu, muốn làm gì, muốn gặp ai không thành vấn đề. Đó là bậc hạ, có nghĩa là thiền hành, thiền tọa đúng giờ, thiền hành là đi 2 tiếng, thiền tọa 2 tiếng là xong. Hoặc là ngồi 3, đi 3, hết 6 tiếng đó là muốn làm gì thì làm. Buổi sáng mình cứ đi 1 tiếng ngồi 1 tiếng, đi 1 tiếng ngồi 1 tiếng, hết buổi sáng là mới có 9 giờ hoặc 10 giờ là mình bung, mình đi phố tưng bừng thoải mái. Rồi chiều mình cũng quất đi 1 tiếng ngồi 1 tiếng, đi 1 tiếng ngồi 1 tiếng hết đó ra là mình bung thoải mái.
Bậc trung là ngoài cái giờ đã định trong thời khóa thì vị ấy chỉ làm toàn là việc lành không thôi, quét chùa, quét tháp, lau dọn nhà bếp, nhà cầu, rồi nghe giảng kinh, đi tụng kinh, đi nghe pháp nhưng mà trong thời gian đó là cái khả năng thất niệm và phóng dật coi như là đương nhiên rồi. Nhưng mà có điều là không có bung ra hết mình như hạng một, làm toàn việc lành nhưng có điều là cái khả năng thất niệm và phóng dật là rất lớn.
Chỉ có hạng thứ ba là hành giả không có xài đồng hồ mà buổi sáng là vừa banh con mắt ra là vị đó phải chánh niệm liên tục, liên tục, liên tục, làm cái gì biết rõ, làm cái gì biết rõ, mà suốt ngày như vậy cho đến bao giờ leo lên giường ngủ. Mà trước cái lúc chìm vào giấc ngủ vị ấy vẫn tiếp tục chánh niệm, vị đó không bị lệ thuộc vào đồng hồ, ngồi được tới đâu thì ngồi, bung ra là đi, đi được bao nhiêu thì đi, thì nằm. Mà trong tất cả 4 tư thế đi, đứng, nằm, ngồi đều luôn luôn diễn ra trong chánh niệm. Cái hạng này là bậc thượng.
Thì chỉ có hạng bậc thượng mới có đủ cái tư cách để gọi là từng phút trôi qua là mỗi bước chân đi về bờ giải thoát. Ngoài bậc thượng ra thì bậc trung, bậc hạ không có được như vậy, họ không phải từng phút mà họ từng giờ hoặc là từng buổi nha. Còn riêng vị Tu Đà Hườn gọi là pariyantakatassa dukkhaṃ hoti, đời sống vị đó là một chuỗi ngày gồm những bước chân đi về bến bờ thoát khổ.
1:35:26
* Rồi tiếp theo là cái gì? asādhāraṇena ñāṇena samannāgato hoti, cái này bản dịch Tiếng Việt dịch là sao ta? Dịch là “không cùng chia sẻ các dị sanh”, là sao? Các vị nghe kịp không? Có ai mà đang mở bản Tiếng Việt không ta? Trong bản Tiếng Việt để vậy đó, không cùng chia sẻ với các dị sanh. Mai mốt làm ơn nghe mà để ngủ, nghe để giải trí thì thôi tôi hỏng có nói, nhưng mà nếu nghe để học thì làm ơn mở cái bản Tiếng Việt ra dùm đặng mình mới làm cái đối chiếu được. Ở đây có cái kẻ không làm cái chuyện đó, không chịu mở bản Tiếng Việt ra mà cứ ngồi nghe tôi góp ý mấy câu dịch rồi nói là tôi xúc phạm tôn túc, xúc phạm tiền bối, mạo phạm tiền nhân. Bây giờ là họ nói là họ sẽ in cái đó ra thành một cuốn để mà họ gọi là triệu tập quần hùng, coi như là banh da xẻ thịt gọi là băm vằm tôi ra thành muôn mảnh để đền tội muôn một với tiền nhân.
Thật ra các vị có dò bản Việt các vị mới thấy “không cùng chia sẻ với các dị sanh”, có nghĩa là sao? Trong bản Pali người ta ghi rõ thế này nè Asādhāraṇenāti puthujjanehi asādhāraṇena có nghĩa là thành tựu được Thánh nhân biệt trí. Asādhāraṇena đây là Thánh nhân biệt trí, có nghĩa là cái trí này không có ở phàm phu. Asādhāraṇenāti puthujjanehi asādhāraṇena có nghĩa là cái trí này nè gọi là Thánh nhân biệt trí, nghĩa là trí này chỉ có ở Thánh nhân mà không có ở phàm phu. Cái này quan trọng lắm quí vị, ở cái vị Tu Đà Hườn cái chi tiết này rất là quan trọng. Khi chứng Tu Đà Hườn rồi, cái nhận thức của các vị đó vượt ngoài cái tầm nhận thức, cái tầm gọi là tư nghì nghĩ bàn của phàm phu. Phàm phu mình nói mình thờ Phật vậy chứ mình có dám sẵn sàng chết vì Phật hay không? Có thể có đó nhưng một lần thôi, chứ còn mà cho mình cái cơ hội để đổi ý là mình đổi liền hà.
1:37:44
Còn vị Tu Đà Hườn thì không, vị Tu Đà Hườn dầu trời có sập xuống thì cái nhận thức của vị Tu Đà Hườn về Tam tướng vẫn như cũ. Đang ngồi trên máy bay mà phi công báo là bây giờ là chúng ta đang chuẩn bị về với Chúa thì vị Tu Đà Hườn vẫn thanh thản hiểu rằng thân tâm này là một nắm cát và nó đang chờ được tung ra trước gió. Vị đó hiểu ngay như vậy, hiểu rằng thân tâm này là một nắm cát và nó đang chờ được bung ra thôi. Khi mà phi công báo rằng chúng ta đã mất liên lạc ở dưới cái trạm điều hành không lưu dưới mặt đất, chúng ta đã hết xăng, chúng ta bị hỏng cùng lúc 4 động cơ rồi, chúng ta đang trên đường về với Chúa, tất cả hãy nghiêm chỉnh ngồi thẳng lên làm dấu thánh. Hoặc là ngay cái lúc mình nghe nó hét lên là “Allah ada” tức là “Allah trên hết”, “You almost die”: “Tụi bây chết hết đi” thì mình nghe như vậy mình vẫn thanh thản, bởi vì lúc đó vị Tu Đà Hườn nghĩ rằng mình chỉ là một nắm cát, nắm cát đang chờ được bung ra trước gió. Vị Tu Đà Hườn khiếp như vậy. Còn người phàm thì sao? Khi mà nghe nó hét lên như vậy là bắt đầu nó vãi ra, nó vãi ra cả quần, chết điếng, có người chưa kịp chết vì máy bay là nó bị trụy tim đứt gân máu chết mất rồi.
Thì lúc đó mình mới thấy vị Tu Đà Hườn khủng khiếp như vậy, bởi vì sao? Bởi lúc đó họ sống bằng Thánh nhân biệt trí, cái nhận thức của họ về đời sống hoàn toàn nằm ngoài cái vòng nghĩ bàn, cái vòng tư nghì của phàm phu. Cho nên cái đó trong đây gọi là “không chia sẻ với các dị sanh” thì cái bản dịch nghe chua thiệt, đúng là chua thiệt nhưng mà bên bản Pali nó sáng trưng hà.
Cho nên tôi thiết tha, thành khẩn đề nghị bà con tuổi nào chả biết chỉ cần có cái tâm thiết tha với chánh pháp, có lẻ quí vị nên lận lưng một ngoại ngữ và các vị sẽ hỏi tôi ngoại ngữ nào thì tôi nói thẳng luôn, đó là ngoại ngữ nào mà có được cái bản dịch Tam tạng, thí dụ như Tiếng Anh, Tiếng Đức, Tiếng Hán (Tiếng Hán có bộ Nam truyền đó), Tiếng Thái, Tiếng Miến Điện, Tiếng Tích Lan, Tiếng Miên. Đó! Thì đó là những ngôn ngữ mà các vị có thể học để mà dò, nói thì nói chứ tốt nhất có lẻ là học Tiếng Pali hà. Còn không nữa bên Thái qua học cho nó gần, còn không nữa học Tiếng Anh với Tiếng Đức là các vị mới dò được, chứ còn nếu mà cả đời cứ ôm cái bản Tiếng Việt này cũng dễ đuối lắm, nha, đuối dữ lắm.
Cho nên là ở đây “không cùng chia sẻ” có nghĩa là khi mà đắc Tu Đà Hườn rồi vị đó thành tựu cái gọi là Thánh nhân biệt trí, trí riêng của Thánh nhân, cái nhận thức của các vị đó khi nghe pháp, khi hành trì, khi đối diện với cuộc đời, các vị đó có nhận thức rất là độc đáo, rất là đặc biệt. Đó gọi là Thánh nhân biệt trí.
* Cuối cùng là gì ta? “Nguyên nhân và các pháp do nhân sanh được khéo thấy” cái đó là bản Tiếng Việt đó, trong bản Pali là sao? Bên bản Pali là thế này: hetu cassa sudiṭṭho, hetusamuppannā ca dhamma,
-hetu ở đây là nhân
-hetusamuppannā là quả
-samuppannā là được sanh
-hetusamuppannā: được sanh ra từ nhân, chính là quả.
Thì vị Tu Đà Hườn hiểu rõ cái gì là nhân, cái gì là quả. Nhìn nhân mà biết cái quả nó sẽ là gì, nhìn quả biết nó đến từ cái nhân nào. Vị ấy biết rõ phàm mọi sự ở đời đều do các nhân, các duyên mà có, rồi cũng do các nhân, các duyên mà diệt đi.
Vị ấy biết rõ nhân thiện cho quả hỷ lạc, nhân ác cho quả khổ ưu. Vị ấy biết rõ bát chánh đạo là con đường dẫn đến cứu cánh giải thoát.
Vị ấy biết rõ 3 ái là con đường tạo ra các khổ.
Vị ấy biết rõ hành trì 4 niệm xứ chính là hành trì bát chánh đạo, chính là con đường giải thoát.
Vị ấy biết rõ sống ngược lại tứ niệm xứ chính là sống ngược lại bát chánh đạo, chính là đang quay lui với con đường khổ ải trầm luân trong 3 cõi 6 đường ngũ thú lục đạo.
Thì cái hiểu biết đó được gọi là biết rõ nhân và quả. Các vị nghe kịp không? Phải biết rõ cái đó, thì cái này các vị trong room có người cũng lén lén nghĩ “Tôi biết mà, tôi biết”. Xin lỗi các vị nha, các vị chỉ là con két chùa thôi chứ còn, thứ nhất cái cơ hội các vị bỏ đạo rất dễ, thứ hai nữa, nếu mà người ta truy ra một lát các vị thế nào cũng bí hà.
Chữ nhân, chữ quả đây nó rộng vô biên đi. Cái nhân quả trong cái chung chung thì được, thí dụ mình nói làm ác thì bị khổ, làm thiện thì vui, thì được. Chớ còn nghĩa rộng hơn thì nó đuối à, thí dụ như:
Làm sao mà để đắc sơ thiền đó là nhân, mà cái sơ thiền đó là quả.
Rồi cái sơ thiền đó là nhân để mình đắc được nhị thiền, thì nhị thiền đó là quả, thí dụ như vậy.
Cái điều kiện để có cái gì đó là nhân, điều kiện để hỗ trợ cái gì đó là nhân, còn cái thành quả, thành phẩm có được từ cái điều kiện ấy đó là quả.
Như vậy nhân, quả đây không chỉ là trong vấn đề thiện, trong vấn đề ác, mà là trong cả hai, trong room có hiểu cái này không ta?
Thí dụ như bây giờ mình nói là mình muốn là một hành giả là mình phải gieo cái nhân tốt là phải có học giáo lý, phải có trú xứ thích hợp, phải có thầy bạn ngon lành, đó là nhân. Nhưng mà tới lúc mình vô trong thiền viện rồi thì mình phải biết rằng, trong đó có thầy đó nhưng mà thầy như thế nào? Bạn là bạn như thế nào? Thầy đó ngon rồi đó, nhưng mà cách mình tiếp cận với thầy đó như thế nào mới được nhiều lợi ích? Bạn đó là bạn lành đó, mấy người bạn đó là bạn tốt à, họ hỗ trợ mình mạnh lắm à, nhưng mà mình tiếp cận mình làm việc với họ, mình giao lưu với họ kiểu nào để họ có thể là nhân tốt, nhân cực tốt thay vì chỉ là tốt? Trong room cái hiểu cái này không ta? Cái trí này sâu lắm à, trí nhân quả này rất là sâu.
Nhân quả là biết rõ cái gì là duyên trợ sinh, cái gì là duyên trợ lực. Trợ sinh là cái điều kiện giúp cho cái chưa có được có. Còn trợ lực là giúp cho những cái đã có được thêm sức, được thêm phần lớn mạnh. Đó, thì nhìn bất cứ cái gì chúng ta cũng có thể thấy được “Ờ, thế nào là điều kiện trợ sinh và thế nào là điều kiện trợ lực”. Cái biết này càng rộng chừng nào thì đời sống mình càng thoải mái và cái cuộc tu của mình nó càng thẳng tiến, “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc”, còn không nữa là thua. Mấy cái điều này thì vị Tu Đà Hườn cực kỳ ngon lành.
Đây là 6 cái đặc ân, đặc quyền, đặc lợi của một người thành tựu quả chứng Tu Đà Hườn. Nhớ cái đó, mà đừng có nghe như vậy rồi nghĩ “Ôi, cái này là chuyện của mấy ông Thánh mắc mớ gì tôi”. Sai, sai bét. Thí dụ như mình nói cái đó chuyện của Tu Đà Hườn, đâu có, các vị đọc kỹ lại coi.
Cái thứ nhất gọi là quyết định tánh trong chánh pháp không có bị thối lui, là sao ta? Bậc Tu Đà Hườn họ không bị thối lui, còn mình mình có thể bị thối lui nhưng mà có thể thối lui, chứ không phải bắt buộc thối lui. Trong room có hiểu được hai cái này không ta?
Bắt buộc với cái có thể, các vị có phân biệt hai chữ này không? Mình đừng có nghĩ là phàm phu rồi bắt buộc phải thay đổi, mà mình phải hiểu là phàm phu có thể thay đổi chứ chưa hẳn là bắt buộc phải thay đổi, nha. Nhớ, hai cái này quan trọng lắm.
Như bồ tát Ngài là người gọi là có thể thụt lùi chứ không phải là bắt buộc phải thụt lùi, bởi chính vì bồ tát có thể thụt lùi cho nên Ngài cũng có thể tiến bộ.
Cho nên khi nào mình nghĩ “Ôi, phàm phu là bắt buộc phải như vậy” là không được. Mình phải nghĩ khác, phàm phu là có thể thụt lùi, có thể buông tay, có thể bỏ cuộc. Đúng. Nhưng mà mình phải tu bằng tinh thần “có thể” đó để mình còn hy vọng mình đi nữa. Chứ còn chưa gì hết mà mình phán mình, mình trùm lên đầu mình cái nón “bắt buộc” coi như là đó đúng là tinh thần tiểu thừa, chưa gì hết đã là tiêu nha bại chủng, mạ khô giống thúi, chưa gì hết là đã buông tay, bỏ cuộc. Các vị nghe hiểu chưa? Cái đó mới đúng là tiểu thừa đó. Còn mình phải là tinh thần thượng thừa, tối thượng thừa, có nghĩa là luôn luôn thẳng tiến đi về phía trước, người ta làm được, tại sao mình làm không được? Đã là nam nhân đại trượng phu, nam tử hán đại trượng phu thì phải giống như bao nhiêu anh hùng trong thiên hạ. Đã là trưởng tử, đã là con của Như Lai, đã ở nhà Như Lai, đã đắp áo Như Lai, thì tại sao bao nhiêu huynh trưởng của mình làm được, mà mình không được? Tại sao bao nhiêu đồng tu, tín hữu, của mình, cư sĩ tóc tai đầy đủ họ làm được, mà mình đầu trọc lóc mình làm không được? Thí dụ như vậy. Mình phải có niềm tin chứ, nha, mình phải có niềm tin.
1:47:37
Bây giờ còn giảng được một kinh nữa thôi, bởi hôm qua tôi tiếc ghê lắm, tôi nói “Trời ơi, cái bài kinh này nó quan trọng mà ta nói điện internet ta nói nó chập chờn, chập chờn, nó giống như quí vị vậy đó, dở ẹc hà, mà nó trục trặc một phía là đã mệt rồi, trục trặc luôn cả kỹ thuật nữa.
Kinh 98, cái kinh này nội dung xuất sắc lắm, nếu bà con đọc, mà một là không quen đọc kinh tạng, hai nữa là không được nghe giải thích thì cũng điếc con ráy, mặc dù bài kinh này nó hay kinh dị lắm, nó hay lắm. “Này các tỳ kheo, vị tỳ kheo nào thấy bất cứ hành nào là thường còn, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không thể xảy ra”. Đó là cái cách, đây là cái style, cái văn phong của người xưa như vậy và Ngài Minh Châu về điểm này Ngài rất là xuất sắc. Ngài dịch Ngài giữ nguyên cái giọng, cái văn phong, cái ngữ khí của đời xưa, nói vậy đó “Này các tỳ kheo, thật vậy, vị tỳ kheo nào thấy được các hành nào là thường còn, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không thể xảy ra”, là sao?
Cái câu này phải lật ngược lại thế này: Này các Tỳ kheo, chuyện như thế này không thể nào xảy ra là một vị tỳ kheo còn thấy, còn nắm níu, còn tin cậy vào cái sự vĩnh cửu, trường tồn của các pháp hữu vi mà lại có thể chứng đắc Thánh quả thì chuyện đó không thể có được. Không bao giờ có chuyện một người mà còn có cái lòng trông đợi, còn có cái lòng ngộ nhận về một sự vĩnh hằng, trường cửu nào đó mà người đó lại có thể chứng Thánh. Có nghĩa là sao?
Có nghĩa là mình lấy bài kinh khác, bài kinh trước mà hiểu kinh này. Không bao giờ mà có cái chuyện đó, một người đã chứng Thánh thì hơn ai hết, người này phải ý thức một cách rõ ràng sâu sắc về cái gọi là nổi đời hư ảo, về cái bản chất gọi là phù du mong manh sương khói của vạn hữu trên đời. Chính là bậc Thánh, hơn ai hết, bậc Thánh phải là người như vậy, phải luôn luôn thấu triệt, quán triệt, nhận thức rõ ràng rằng: Cái gì ở đời này phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, cái gì ở đời này hễ nó có mặt, có hiện hữu thì nó đều là khói sương.
Thì cái chuyện thứ nhất: Này các tỳ kheo chuyện đầu tiên không thể xảy ra, đó là một người mà còn trông đợi vào cái sự vĩnh hằng, trường cửu mà cái người đó có thể đắc Thánh được, chuyện đó không có.
Thứ hai, chưa có đắc Thánh mà lại có thể trở thành cái bậc bất thối thì chuyện này cũng không thể xảy ra. Là sao ta? Chỉ có Thánh nhân mới được gọi là bất thối, bất thối nghĩa là không có thụt lùi. Còn phàm phu là khả năng thụt lùi cực lớn. Cho nên ở đây nguyên văn là “Không thành tựu nhẫn nhục tùy thuận”. Hôm qua tôi nói cái chữ “nhẫn nhục tùy thuận” là sao?
Cái này hôm qua tôi nhớ có giải thích: Anulomikāya khantiyā có nghĩa là sao ta? Có nghĩa là Phật dạy cái gì mình đủ cái sức mình nghe, mình hiểu và mình hành trì như vậy đó, cái đó gọi là khantiyā, khó lắm chứ hỏng phải dễ. Bởi vì có những cái điều Phật dạy cho mình y chang như lời nhắc nhở của thầy thuốc vậy đó, thầy thuốc kêu nhiều cái nó oải lắm nhưng mà nếu mình là một bệnh nhân đầy đủ ý thức, đầy đủ trí khôn, đầy đủ về sự tỉnh táo thì mình phải nghe lời thầy thuốc thôi; còn mình là con nít, mình là người lú lẫn, mình là người tâm thần thì thôi khỏi nói rồi. Con nít, lú lẫn, tâm thần, 3 hạng này thuộc về ngoài vòng pháp luật mình đừng có đụng tới họ. Chứ còn một cái người bình thường phải nói là cắn răng gạt lệ mà tuân theo cái hướng dẫn thậm chí răn đe y bác sĩ, cấm đủ thứ hết trơn, cấm không có cái này không có cái kia, phải thế này phải thế nọ.
Thì cái gọi là Anulomikāya khantiyā có nghĩa là vậy đó, có nghĩa là mình phải có đủ trí huệ, có đủ cái kiên tâm, hùng tâm tráng chí, nghị lực để mà có thể cung đón chấp nhận cái lời dạy của Phật, kể cả những cái mà nó chỏi lại cái nhận thức “trời ơi” của mình. Đấy! Nhớ cái đó. Bởi vì sao có chữ “chỏi”, bởi vì tôi nói hoài, tôi nói có hai cái thái độ nhận thức chân lý, một là hiểu nó như nó là, thứ hai là hiểu nó như mình thích. Mà đa phần phàm phu là lọt vô cái loại thứ hai là khoái hiểu vấn đề theo cái kiểu mình thích. Mà trong khi đó anh muốn tiến bộ trong đường đạo là anh phải dẹp cái cách hiểu ngu xuẩn này đi, cách hiểu như ý mình thích thì chết rồi, mà anh phải hiểu đúng như là sự thật. Những cái mà Phật dạy là mình phải cắn răng mình nghe thôi chứ không có cái vụ mà thích hỏng thích ở đây, miễn là hợp lý là mình phải chịu. Cái khả năng đó thì gọi là Anulomikāya khantiyā.
Cái khả năng đó là chỉ có Tu Đà Hườn mới làm nổi. Còn mình có thể làm được 20% hay 15%, nhưng mà làm được 100% là Tu Đà Hườn thôi. Bởi vậy cho nên trong kinh Bhaddali Trung bộ hôm qua tôi nói đó Đức Phật Ngài xác định: Này các tỳ kheo, một vị Tu Đà Hườn mà Như Lai kêu họ nằm xuống để Như Lai dẫm lên, họ cực kỳ hoan hỷ sẵn lòng tự nguyện, tình nguyện nằm xuống để Như Lai dẫm lên. Họ có thể chết vì Như Lai là chỗ đó. Phải đạt đến cảnh giới như vậy.
Chứ còn mình, mình nói tùm lum, tôi nói thiệt trong room này mình nói mình tin Phật chứ thiệt đó, bây giờ mà có ông nào có thần thông, hay phi nhơn, dạ xoa, a tu la gì đó mà hiện ra mà cũng y áo trang nghiêm, mặc mũi sáng rực, hào quang xẹt xẹt như hàn gió đá vậy đó là quí vị đi theo liền hà. Đó! Tin Phật đó, tin đi. Tam tạng đó, còn đó, Chư tăng, hành giả, thiền sư còn đầy ắp như quân Nguyên, mà thử bây giờ có cái ông nào ổng dùng thần thông ổng hiện ra mà hào quang xẹt xẹt, xẹt xẹt là bà con theo đông như kiến cỏ, nha. Không có dễ đâu, đừng có ngồi đó nói là tôi tin Phật, cái đó hỏng dám hứa, em không dám tin, niềm tin của mình kỳ lắm, kỳ lắm.
Cho nên cái người mà chưa có khả năng mà đón nhận chánh pháp một cách đúng mức thì người đó không thể nào bước vào cảnh giới bất thối được, bất thối là không thể quay lui đó. Cho nên cái chuyện mà chưa đắc Thánh mà lại được kể vào cái hàng bất thối, chuyện ấy không thể xảy ra.
1:55:07
Tiếp theo nữa sao ta? Chưa đạt đến cảnh giới đó mà có thể được gọi là sơ, nhị, tam, tứ quả chuyện ấy cũng không thể xảy ra, bởi vì sao? Vì mấy cái này nó là một chùm, nó dính liền nhau. Thứ nhất là có đem ra bắn 18 lần, có đem nhúng vào chảo dầu 18 lần, lấy ra thì vẫn giữ một lòng sắc son kiên định. Đem bắn 18 lần, nhúng chảo dầu 18 lần, đem ra vẫn một lòng sắc son kiên định trong cái quan điểm, trong cái nhận thức là vạn hữu vô thường. Đấy! chỉ có Tu Đà Huờn thôi. Còn phàm phu mình tắt thở một cái, chuyển kiếp một phát thành con này con kia là trời cứu, bao nhiêu nhận thức cái gì hồi xưa coi như là gởi theo dòng nước hết đó, nhớ nha. Còn Tu Đà Huờn thì không.
Thì muốn thành tựu được nguyên một loạt 5 cái trên, chỉ có 5 cái trên thì nó mới dẫn đến cái thứ 6. Đó là chỉ có người thành tựu những cái điều đó đó thì mới có thể được gọi là sơ, nhị, tam, tứ quả, đệ nhất sa môn, đệ nhị sa môn, đệ tam sa môn và đệ tứ sa môn, có nghĩa là sơ quả, nhị quả, tam quả và La hán quả.
Đừng có nghĩ rằng bài kinh này nói cho Thánh nhân, tôi nói lại lần nữa mà đây là những cái bài học để mình nhìn lên. Bởi vì theo cái tinh thần của Phật Pháp, chúng ta có nhiều cách học lắm quí vị, học bằng cách là nhìn lên, học bằng cách là nhìn xuống, học bằng cách là ở trong nhìn ra và học bằng cách là ở ngoài nhìn vào. Nhớ nha, học đạo là phải học như vậy đó.
Thì cái loạt kinh này là cái loạt kinh mà có nội dung buộc ta phải nhìn lên để mà học, mà đời sống thực tế ở ngoài cũng vậy quí vị. Ở ngoài đời có những cái tấm gương, có những cái chuyện đời, có những cá nhân, có những nhân cách mà chúng ta phải ngước lên để học họ. Nhưng có những hạnh lành mà chúng ta phải biết cuối xuống, thí dụ chúng ta phải nhìn những người thua mình, kém mình, khổ hơn mình để mình học thêm những hạnh lành mà trước giờ mình không có.
Phải nhìn người khổ hơn mình, mình mới ngộ ra một số chuyện.
Phải nhìn những người trên mình, mình mới ngộ ra một số chuyện.
Phải nhìn những người bên ngoài mình thì mình mới ngộ ra một số chuyện.
Và mình phải làm người bên ngoài mình nhìn vào một số người, mình mới ngộ ra một số chuyện.
Các vị có hiểu cái đó không? Như hồi nãy tôi nói, cái cô bé tủi thân vì không có tiền mua giày, đấy, khi mà cổ nhìn xuống cái người còn khổ hơn cổ thì sao ta? Cổ mới ngộ ra, nhớ nha, cổ mới ngộ ra.
Và có một cô bé khác cũng nghèo như vậy đó, hàng ngày cũng đi đánh giày vậy đó. Rồi một buổi trưa cổ đánh giày cho một ông nhà giàu. Thì cổ thấy ông nhà giàu này đeo cái đồng hồ tốt quá, cổ mới nói “Đồng hồ của ông chắc mắc tiền lắm, mà thôi đi cháu nghĩ là mình mua cái năm, ba đồng được rồi chứ xài chi cái đắc tiền, uổng”. Thì ông nhà giàu ổng mới nói với cô bé đánh giày đó cái câu này, câu này dĩ nhiên là nói cho người ngoài đời, thì tôi đang giảng tình cờ tôi nhắc thôi, chứ đừng có lấy cái đó về mà xâm lên trán là xâm lộn, biết hôn? Ổng nói thế này “Cháu à, muốn có một sự nghiệp lớn, muốn có một thành tựu lớn trong đời, cháu đừng có bận tâm cái chuyện sợ tốn tiền, mà cháu nên lưu ý cái chuyện làm sao kiếm được tiền”. Nghe kịp không? Cháu đừng bận tâm cái chuyện là tốn bao nhiêu tiền, đừng bận tâm làm sao giữ được tiền, mà cháu bận tâm làm sao kiếm được tiền. Thì đây là cái bài học rất là hay, nhưng mà có một điều bài học này mình chỉ có thể học, chỉ có thể nghe được từ cái người trên mình kìa. Chứ có thằng mà dưới mình nó dạy bài học khác, các vị nghe kịp không?
Nhưng có những cái câu mà phải là người trên mình họ mới dạy mình được. Đấy! Ở đây cũng vậy, muốn học được chánh pháp, muốn học được chân lý có đôi lúc chúng ta phải ngước nhìn lên, có lúc chúng ta phải cúi xuống, có lúc chúng ta phải làm người ở trong nhìn ra, ở dưới nhìn lên để mà học hỏi, ở trên nhìn xuống để mà bao dung, ở trong nhìn ra để giao lưu và ở ngoài nhìn vào để mà cảm thông. Các vị nghe hiểu không?
Đấy! Hết giờ rồi. Chúc các vị một ngày vui, ngày mai gặp lại.