Buổi 8: Để Bớt Sợ Hãi Sự Chết Hãy Quán Sự Chết – Thiền Sư Khánh Hỷ Hướng Dẫn Khóa Thiền Vipassana

Buổi 8: Để Bớt Sợ Hãi Sự Chết Hãy Quán Sự Chết – Thiền Sư Khánh Hỷ Hướng Dẫn Khóa Thiền Vipassana

Thiền tha thứ:

Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)

 

Thiền Tâm Từ:

Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người cùng chỗ làm với con, con hay gặp gỡ, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả thiền sinh, tất cả Phật tử, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)

Thiền Minh Sát

Chú tâm vào đề mục ở bụng hoặc ở mũi.

Tất cả quý vị biết đó, hiện tại mình có nạn dịch, rất nhiều người chết. Mình thấy người khác chết như vậy, tâm mình cũng rung động, mình lo sợ. Hôm nay Sư sẽ nói về sự chết, sẽ hướng dẫn cho quý vị về niệm chết, để tâm khỏi bất an. Có nhiều người thấy người khác chết nên tâm bất an, buồn khổ, dẫn đến dễ nhiễm bệnh.

Mình thấy ai cũng phải chết. Chết theo nghĩa thông thường là chấm dứt sự sống, vì cuộc sống bản thân là giả tạm, nên sự chết cũng vậy. Ai qua đời, thì họ sẽ bắt đầu cuộc sống mới của họ, sự sống tiếp liền cái chết. Không ai có thể chết hoàn toàn đâu. Chết là chuyển từ kiếp sống này đến kiếp sống khác. Chỉ khi mình thoát khỏi vòng luân hồi, khi đó mới gọi là mình chết hoàn toàn. Còn bây giờ mình chỉ chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác thôi. Thời gian chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác rất là nhanh. Người ta đau khổ, vì sợ chết chứ không phải vì chết. Nên nhớ rằng chết là chuyển từ kiếp sống này đến kiếp sống khác trong thời gian rất ngắn ngủi, ngắn hơn cả 1 phần 1 triệu giây (trong 1 sát na) đã chuyển sang kiếp sống khác. Nên chết không có đáng sợ, sợ chết mới là đáng sợ.

Ví dụ, mình nói bác sĩ khám bệnh cho mình, bác sĩ nói mình 3 tháng nữa là chết, tức là mình còn sống 3 tháng nữa. Mà mình cứ lo lắng suy nghĩ, thì mỗi ngày mỗi phút là mình chết. Nên chết không đáng sợ, sợ chết mới đáng sợ. Sợ chết, thì nó cũng phải chết thôi, chết là 1 chuyện thường. Những ai chết thì họ cũng đang sống 1 cuộc sống mới của họ, sự sống đi liền ngay sự chết. 

Người sống ở đời cuối cùng cũng phải chết, sau khi chết lại tái sanh, tái sanh rồi lại chết trở lại, cứ như thế tiếp diễn mãi. Điều đó chúng ta gọi là tái sinh. Sinh sinh tử tử vô cùng vô tận. 

Sự chết không phải là 1 điều lạ lùng, bởi vì ai rồi cũng phải chết. Nhiều người có thể nghĩ rằng chết là sự chấm dứt rốt ráo của sự sống. Là những người Phật tử, chúng ta không tin như vậy, đối với chúng ta chết chỉ là 1 hiện tượng tạm thời thôi. Khi chúng ta quá thương yêu 1 người nào đó trong gia đình, thì ta khó có thể chấp nhận sự chết của người đó. Nhưng nghĩ lại xem, người đó đâu mất đi vĩnh viễn. Đức Phật dạy rằng, vì chúng ta sống chung với nhau nhiều lần trong kiếp sống này, chúng ta sẽ sống chung trong các kiếp sống khác. Trong các truyện tiền thân của Đức Phật, ta thấy Đức Phật và các môn đồ của Ngài như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ananda, Rahula đã gặp gỡ nhau trong nhiều kiếp sống khác nhau. Và cái chết của người, nhất là người thế tục thì thực ra chả chấm dứt cái gì cả. Bởi vì chúng ta sẽ gặp lại người chết trong kiếp sống tương lai. 

Ở Miến Điện xảy ra 1 câu chuyện. 1 người đàn bà có chồng vừa mất, bà thương khóc ông chồng vô cùng, nên than khóc không dứt. Theo Phật giáo, khi có người chết thường sẽ mời Chư Tăng đến để tụng kinh. Chư Tăng được mời đến làm lễ tại nhà hoặc nghĩa trang, chỗ thiêu, khi đó thường Chư Tăng tụng kinh nhắc lại lời của Đức Phật, khi nghe lời dạy của Đức Phật mình sẽ có phước báu, mình sẽ chia phước báu đó cho người đã chết. Một hình thức khác mình có thể chia phước đến người chết, là mình đi làm phước, bố thí này kia, rồi mình hồi hướng phước đến người đã chết. Nhưng nhớ 1 điều, người đã chết rồi mình làm phước hướng đến người chết, thì người chết có được hưởng không? Thường người chết thì tái sanh vào kiếp sống mới, nếu mình tái sanh lên cõi trời thì ở dưới hồi hướng phước báu cho mình, mình đâu có biết mà hưởng. Rồi mình tái sanh thành người khác, thì lúc đó còn trong bào thai, hoặc lâu hơn nữa thì đang là con nít, người lớn, thì mình hồi hướng đây họ sao biết được. Nên mình không thể hồi hướng đến các vị Chư Thiên trên cõi trời, hoặc đã trở thành người khác. Hoặc họ sinh làm những con thú khác, thì cũng sao biết mà hưởng. Khi chết mình còn đi trong lục đạo là súc sanh, ngạ quỷ, atula, địa ngục, trời và người, trong đó súc sanh, ngạ quỷ, atula, địa ngục là xấu, trời và người là tốt. Nên khi chết mình hồi hướng phước cho người chết khó nhận được lắm. Trong kinh có nói khi mình hồi hướng đến người nào, người đó phải biết mình chia phước đến họ, để tâm họ hoan hỉ, họ mới biết được, nhưng họ sinh ra cõi khác rồi sao họ biết được. Trong kinh nói chỉ có khi nào người chết biến thành 1 loài ngạ quỷ, gọi là quỷ đói, mà quỷ đói này phải gần mình, luôn luôn đi theo mình để xin phước, thì khi đó mình mới hồi hướng đến họ được. Thì ông bà, cha mẹ mình chết, cũng có thể họ sinh làm ngạ quỷ, thì khi đó mình mới hồi hướng phước báu cho họ. Còn muốn giúp đỡ họ, thì phải giúp đỡ khi họ còn sống, thì mới là giúp.

Còn khi họ chết rồi, mình làm phước báu hồi hướng cho họ thì người ta khó nhận được lắm. Nên khi sống với nhau ở trên thế gian này, mình hãy giúp đỡ nhau, đừng để khi chết rồi mới giúp đỡ bằng cách hồi hướng, vì khó đến được với người nhận. Nên thương ai mình phải thương trong hiện tại, đừng đợi đến lúc chết mới hồi hướng. Khi sống, họ đã làm ác sinh vô cảnh khổ rồi làm sao mình hồi hướng cho họ được. Khi còn sống, mình giúp đỡ cho họ. Như trong kinh nói, giống như mình thấy mục đích, 1 người bắn tên, đích của nó ngay trước mặt thì mình bắn trúng, còn khi chết rồi, đích để mình bắn đến rất xa, mình không biết nó ở đâu nữa, thì sao bắn trúng. Trong kinh, chú giải cũng có ghi, khi 1 người chết rồi mình hồi hướng đến họ thì khó nhận, cũng như 1 cái kim bỏ trong sa mạc, mình tìm cái kim khác để chấm 1 lần thôi, mà đụng trúng cái kim kia, rất là khó. Hoặc giống như 1 con rùa, 100 năm mới trồi lên mặt biển 1 lần, ở trên mặt biển có 1 khúc gỗ với 1 cái lỗ, nó trôi trên đó, sóng vùi dập khi chạy chỗ này khi chạy chỗ kia, cơ hội để con rùa trồi đúng cái lỗ trong khúc gỗ đó khó lắm. Nên mình hồi hướng cho người chết rất là khó. Nên khi còn sống phải giúp đỡ, thương yêu họ, đừng đợi chết rồi mới mâm chay cúng dường.

Sư có 1 người bạn, họ đi qua Mỹ, những người nào qua Mỹ không phải qua là sướng đâu, giai đoạn đầu ai cũng phải chịu khổ hết. Thì hồi đó Sư có 1 người bạn, họ gửi thư đến cho Sư và nhiều người bạn khác. Anh đó tếu lắm, anh nói khi mà tôi chết rồi, chắc chắn bạn sẽ đi điếu cho tôi, các bạn đi điếu vòng hoa, tiền của ít nhất cũng phải 50 đồng, mà tôi chết rồi đi điếu vòng hoa tôi có nhận được đâu, thì bây giờ tôi còn sống này, tôi nghèo khổ quá đi, vị nào nghĩ đến tôi thì gửi cho tôi 50 đồng thôi, tôi sẽ nói với con cháu, vợ tôi ghi tên ra, hoặc chính tôi ghi tên ra. Đến khi tôi chết rồi thì các con trừ ra những người này không nhận tiền điếu của họ. Bởi vì nhận tiền đó hay điếu hoa tôi có nhận được đâu. Anh đó nói vậy nên nhiều người gửi cho anh đó lắm. Nên mình muốn giúp ai thì giúp khi họ còn sống, đừng đợi đến khi chết rồi mình mới giúp đỡ, cúng dường làm lễ này kia, họ không nhận được đâu.

Trở lại câu chuyện phía trên, bà có ông chồng chết đó. Bà khóc đến nỗi Chư Tăng đến tụng kinh mà tụng không được. Khi đó 1 vị Tăng mới nói bà, bà khóc giống như không thể nào bà gặp lại ông đó. Thì bà này cũng là người học Phật pháp, nên bà ngưng liền, mình dễ gì không gặp lại những người đã chết đâu, mình sinh tử luân hồi nhiều lần lắm. Giống như tạm thời xa nhau rồi sẽ gặp lại, nên đừng nghĩ không gặp lại đâu mà buồn khổ. Nên vị Tăng đó nhắc cái là bà ngừng khóc liền. 

Nhớ rằng, Đức Phật dạy trên thế gian này khó mà tìm được 1 người chưa là ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em, cháu chắt của mình đâu. Mọi người mình gặp trên thế gian này, họ đều từng là thân quyến mình, người quen mình nhiều đời nhiều kiếp. Quý vị qua Miến Điện xem vở tuồng, thì trong đó mình mang thêm 1 cái chiếu, mang theo hết cả gia đình, mình sẽ xem những vở kịch kéo dài liên tục 3, 4 tháng. Khi nào đói bụng mình có thể ra ăn, hoặc mang theo đồ ăn vào để coi. Thường họ diễn tiền thân của Đức Phật đó, họ diễn trên 500 câu chuyện. Ngày xưa cũng vậy, Ngài Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất lúc còn là cư sĩ, 2 ngài đi coi tuồng, coi đến ngày thứ 3 thì 2 vị thấy có tuồng người này đóng làm cha làm mẹ, có tuồng thì họ đóng làm con, có tuồng họ thấy thương yêu nhau, có tuồng họ thấy là kẻ thù. 2 vị này mới suy nghĩ con người trên thế gian này cũng vậy, nó cũng như bôi mặt đóng tuồng gặp gỡ nhau, mà không biết rằng đã từng là bà con thân quyến, cha mẹ con cái của nhau. Nên mình là Phật tử, mình ghét ai thì mình cứ nghĩ kiếp trước họ là cha mẹ mình, con cái mình, ân nhân mình, thì lúc đó sự sân hận mình sẽ giảm xuống.

Cho nên, điều quan trọng của mình, nhất là nhà có người chết, thì mình hiểu và tìm cách đối phó với những phản ứng trước sự chia ly, mất mát của 1 người thân. Khi trong gia đình có 1 người ra đi, trước sự mất mát này mọi người trong gia đình đều đau khổ, mình là người Phật tử cần tự kiểm soát chính mình, hiểu rõ những điều kiện thực tế, suy niệm về cái chết. Sư không thể khuyên quý vị là đừng đau khổ, đừng thương tiếc, đừng sầu muộn khi nhà có người chết. Nhất là tình trạng thân nhân mình chưa chết, rồi mình sợ thân nhân mình chết, mình sợ mình chết nữa, thì sự sợ này không mang lại lợi ích, còn khiến mình dễ bệnh nữa. Nên hãy bình thản, suy nghĩ đến nghiệp của mình, nghiệp mình đến thì ngăn bao nhiêu cái chết cũng đến, mình có thể ra đi bất kỳ lúc nào, nhân dịp này mình thấy rõ sự chết, nên mình sẽ đối xử với người còn sống thật tốt đẹp, thương yêu họ để đến khi họ chết mình không có ăn năn, hối tiếc. Nhất là dịch bây giờ, mình cố gắng sống hòa thuận, an vui, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. 

Thường thường, khi mình ghét người nào, nhưng mình biết họ sắp chết rồi thì mình cũng bớt ghét hơn. Nên mình ghét ai lắm, mình cũng tưởng tượng họ sắp chết rồi, tội nghiệp nó, giận chi. Hoặc mình cũng nghĩ rằng, ta sắp chết rồi, ta còn vài tháng nữa chết rồi, ta giận nó chi để ta yên. Nên quán tưởng cái chết giúp mình có thể làm việc thiện, thương yêu mọi người.

Một người, như Sư hay người khác cũng khó có thể khuyên người khác, không nên thương tiếc sầu muộn khi có 1 người ra đi, vì lúc đó có vẻ khắt khe, thiếu tình cảm, không phải lẽ chút nào, vì than khóc, tiếc nuối trước sự ra đi của người thân là lẽ thường tình. Nhưng Sư chỉ muốn nhắc quý vị hãy tự làm chủ, kiểm soát sự đau thương của mình, đừng để bị chế ngự nặng nề, khiến nhiều điều tai họa đáng tiếc đến cho ta. Điều quan trọng phải nhận ra đây là lúc để suy niệm sự chết, để chấp nhận chúng với 1 sự hiểu biết tốt đẹp.

Trong kinh có kể tiền thân của Đức Phật, 6 nguời có 1 thái độ thích đáng, cùng phản ứng tốt đẹp trước sự chết của người thân. Trong tích chuyện kể rằng, thời kỳ đó Đức Phật khi còn là 1 người thường, gọi là Bồ Tát – người có ý nguyện thành Phật, cố gắng thực hành các pháp để thành 1 vị Phật (chứ không phải muốn thành Phật thì phải qua giai đoạn trở thành Bồ Tát; như quý vị đây, quý vị muốn thành Phật thì quý vị thực hành những phương pháp để quý vị thành Phật, thì quý vị đây cũng đang là Bồ Tát vậy đó, chứ không phải đạt đến 1 trình độ hành thiền nào đó mới gọi là Bồ Tát). Bồ Tát là những vị có tâm nguyện trở thành Phật, cố gắng thực hiện để hoàn thành tâm nguyện của họ, khi đó họ sẽ trải qua nhiều kiếp sống khác nhau. Khi đó, vị Bồ Tát này là 1 người nông phu, có vợ có 1 con trai, 1 con gái. Người con trai có vợ, người con dâu cũng sống chung với gia đình, trong nhà có thêm 1 người giúp việc nữa. 1 ngày nọ, người nông phu cùng với con trai đi làm rẫy, dồn cỏ làm 1 đống, rồi đốt cháy, khi đốt họ sẽ tìm 1 ụ nào đó đốt để che bớt 1 phần, chỗ nhóm lửa để đốt thấy có 1 gò, ai ngờ trong gò là gò mối cũ rồi, khi đốt ở trong gò mối có 1 con rắn, nó thấy khói nên bò ra, giận dữ vì hơi cay, người con trai đứng gần đó bị cắn chết. Người nông dân nghe tiếng la, nhìn về hướng đó thấy con mình nằm chết, vị này đi đến coi thấy con rắn độc như vậy. Thường rắn độc cắn xong nó tiết nọc độc rồi, đi không nổi, người nông dân thấy vậy mới đặt người con dưới 1 cội cây, đắp lên cho đứa con, rồi tiếp tục làm việc.

Làm việc 1 lát thấy người cùng làm đi về, người này nói ông đi ngang nhà tôi nói vợ tôi hôm nay đừng mang 2 phần cơm như ngày thường, mang 1 phần cơm thôi, ông nhắn cả nhà tắm rửa sạch sẽ, sức dầu thơm, đeo tràng hoa tới đây. Người vợ nghe người này nhắn hỏi lại là ai nhắn tin, người lớn tuổi hay người nhỏ tuổi, người kia nói người nhắn là người lớn tuổi rồi, nghe vậy bà mẹ biết rằng người con chết rồi, cả nhà cũng bình tĩnh làm theo lời người nông phu. Họ mang cơm đến cho người nông phu, người nông phu ăn, còn mọi người làm giàn hỏa thiêu cho người con. 1 người khác thấy vậy lạ quá, không ai buồn thương tiếc nuối, họ mới hỏi người nông phu: “ông bạn đang đốt cái gì?” “tôi đốt lửa để thiêu 1 người chết” “tôi nghĩ đây không phải người chết đâu, chắc 1 con nai, con thú nào đó chết” “không, đúng người chết” “như vậy, người chết phải là kẻ thù của bạn hay sao?” “không, đó là con trai của tôi” “vậy nó không phải là đứa con trai bạn thương yêu? “không, tôi rất thương yêu nó” “vậy sao bạn không buồn” “giống như con rắn đã lột xác bỏ đi, chẳng hề nhìn xác vỏ của nó, tôi bỏ xác thân này, con trai tôi cũng bỏ xác thân này, mọi người cũng thế, thì con tôi bỏ xác thân này đến cảnh giới khác, xác thân họ chả biết gì, không biết sức nóng đang thiêu, không biết sự khóc lóc của người thân, họ đã đi theo lối đi của họ”. Thì té ra người nãy giờ hỏi là vua Đế Thích, ở trên thấy chuyện gì thì họ xuống.

Xong vua Đế Thích ra hỏi bà vợ, bà vợ nói “khi nó đến nó chả hỏi ai, chả ai mời nó đến, thì khi nó đi nó cũng chả cần hỏi ý kiến của ai, nó đâu hỏi chúng tôi có bằng lòng để nó chết đâu, nó chết đi xác thân nó chả cảm nhận được sức nóng của ngọn lửa, chả biết được sự khóc than của thân nhân, nó đi theo lối đi của nó”. Vua Đế Thích mới hỏi người em gái, anh trai là người rất thương yêu cô, sao anh trai chết mà cô không tỏ vẻ tiếc thương, cô em gái mới nói “nếu khóc than vì anh trai tôi, thì tôi sẽ gầy còm, đau yếu, thân nhân và bạn bè tôi sẽ lo lắng vì sự buồn khổ của tôi, như vậy tôi làm họ càng buồn khổ hơn nữa, khi 1 người chết xác thân họ chả biết gì, chả biết sức nóng của ngọn lửa, chả biết sự khóc than của thân nhân, họ đi theo lối đi của họ”. Vua Đế Thích mới hỏi người vợ của người con trai đã chết, cô vợ trả lời “đau buồn tiếc thương cho người chết, chả khác nào trẻ con khóc cho mặt trăng khi đầy khi vơi, điều này chả có lợi gì cả, nên tôi không khóc thương, khi 1 người chết xác thân họ chả biết gì, chả biết sức nóng của ngọn lửa, chả biết sự khóc than của thân nhân, họ đi theo lối đi của họ”.

Vua Đế Thích mới hỏi người giúp việc, phải chăng người này là người chủ không tốt nên chết đi cô không khóc thương gì cả, cô giúp việc mới nói “không đâu, cậu chủ đối xử với tôi rất tốt, tôi xem cậu chủ như người con trai của tôi” “tại sao cô không có buồn?” “giống như cái bình đã vỡ, chả đựng nước được, không thể nào làm cho người chết sống lại, dù cho có phép thần thông đi nữa, khi 1 người chết xác thân họ chả biết gì, chả biết sức nóng của ngọn lửa, chả biết sự khóc than của nhân nhân, họ đi theo lối đi của họ”.

Đó là bài học chúng ta học được qua 5 người trước cái chết của người thân. 5 câu trả lời trên rất có ý nghĩa và lợi ích cho chúng ta, khi buồn đau trước sự ra đi của người thân, ta hãy nhớ đến câu trả lời và thái độ của những người đó trong câu chuyện này.

Vị trời Đế Thích rất hoan hỉ với câu trả lời của 5 người, ông mới nói “từ nay trở đi, các bạn không phải làm quá khó nhọc như vậy để kiếm ăn, ta sẽ giúp cho các bạn đầy đủ của cải để sống hạnh phúc để tu hành đến hết cuộc đời của các bạn. 

Tại sao vị nông phu (vị Bồ Tát) bình thản trước sự chết của đứa con mình? Theo chú giải thì Bồ Tát luôn luôn dạy những người trong gia đình mình quán niệm về sự chết, về bản chất sự chết, sự vô thường, sự hoại diệt của các sự vật trên thế gian. Chúng ta phải thực hành theo phương pháp suy niệm về sự chết này. Suy niệm về sự chết là 1 trong 4 pháp bảo vệ cho người hành thiền. Thường 1 người hành Thiền Minh Sát, mình phải thực hành theo 4 điều để giúp sự hành thiền tốt đẹp, trong đó có quán tưởng đến sự chết, rồi quán tưởng Ân Đức Phật, niệm sự ô trược của cơ thể, thiền tâm từ.

1 trong 4 điều bảo vệ Thiền Minh Sát là niệm chết. Đây là 1 công cụ để chế ngự sự lo âu, phiền muộn, than khóc trước sự ra đi của người thân. Suy niệm về người chết là 1 pháp suy niệm hỗ trợ đắc lực cho người hành thiền, suy niệm về người chết giúp ta dễ dàng chấp nhận sự chết, sự chết của mình cũng như người khác.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật kể lại phía trên cho 1 người mới mất con, âu sầu buồn bã không làm được gì. Từ đó chúng ta hãy cố gắng kiểm soát sự lo âu phiền muộn, nuối tiếc than khóc để giảm thiểu chúng đi. Đương nhiên những vị Sư không thể khuyên quý vị, các vị Sư chỉ có thể khuyên là âu sầu buồn bã vừa vừa thôi, cố gắng vượt qua để tiếp tục sống, đừng để nó lâu quá. 1 số người không thể bình thản trước sự ra đi của người thân, nhất là ra đi do 1 sự tai nạn thảm khốc khi còn trẻ. Sự chết có thể đến với bất kỳ người nào, dù già dù trẻ, nghiệp đến thì chết thôi. Như vậy, 1 người chết đi mình có gì để phiền trách, chỉ có thể phiền trách nghiệp của mình thôi. Chết là định luật chung của mọi người, mặc dù định luật này có vẻ khắc nghiệt, nhưng nó không tránh bất kỳ người nào, không thể hối lộ không thể cầu khẩn.

Trình pháp:

Câu hỏi 1: Con còn nhỏ nên ham chơi, suốt ngày chơi game thâu đêm suốt sáng, tối thức sáng mệt, nhờ hữu duyên học thiền Minh Sát với Sư, con đã kỷ luật được bản thân hơn. Trong quá trình hành thiền con gặp vấn đề sau: khi thiền lâu lâu gật xuống như ngủ gục, sau khi gục xuống con kiểm tra lại và ngồi ngay ngắn, sau đó tim đập nhanh, cảm giác sung sướng khi thiền chấm dứt làm con cảm giác bực tức. Thêm vào đó, lưng con thỉnh thoảng hay mỏi, vì 2 lý do đó nên con nghĩ khi ngồi để lưng chưa thẳng, nên sau đó con hay lo lắng làm sao để lưng thẳng, và ngồi điều chỉnh lưng liên tục, do đó làm con lo lắng và thời gian chánh niệm bị giảm. Xin Sư hướng dẫn cho con.

Trả lời: khi ngồi mình mỏi lưng, thì mình có thể lấy gì đấm cho đỡ mỏi, hoặc nằm xuống cho đỡ mỏi, có gì tội lỗi đâu. Nên không nên ngồi lâu quá, ngồi đủ sức khỏe thôi. Rồi mình đi đứng nằm ngồi, tư thế nào cũng được. Nên cũng có nhiều người hành thiền, trước đó nên có những bài tập để vận động cơ thể. Nhất là những vị hành thiền với Sư, trước khi thiền sẽ có những động tác gọi là yoga để vận động cơ thể.

Trong khóa thiền này sẽ có buổi Sư chỉ cho các vị tập hàng ngày, để việc hành thiền tốt đẹp và có sức khỏe. Cho nên Ngày xưa khi ông Jivaka thầy thuốc của Đức Phật, ông thấy Chư Tăng bệnh nhiều quá, ông nói với Đức Phật là ông sẽ chỉ dạy cho Chư Tăng, nên giờ bên Miến Điện, Thái Lan họ hay thờ ông Jivaka, vì họ nói ông là thầy tổ của thầy thuốc, trong đó ông có dạy những bài yoga vận động cơ thể. Bên Thái Lan, Miến Điện vẫn theo phương pháp vận động này. Khi ông Jivaka ông gặp Đức Phật, ông nói “Bạch Ngài, các vị Sư hay bị ốm đau quá, xin cho con chỉ dẫn cho họ bớt ốm đau, bằng cách cho họ vận động”, rồi ông mới dạy cho các Ngài những bài. Trong đó có bài là khi làm việc, ngồi thiền lâu quá thì phải đứng dậy đi, thay đổi tư thế đi, đứng, ngồi, nằm, dùng các tư thế này để hành thiền. Trong kinh cũng có ghi, đi cố gắng chánh niệm, đứng chánh niệm, ngồi chánh niệm, nằm chánh niệm, các tư thế khác như co tay, duỗi chân, lắc đầu… tất cả đều phải chánh niệm. Nên trong khóa thiền có 1 giờ đi, 1 giờ ngồi. Có những người có thể ngồi lâu, có người không ngồi lâu được thì ví dụ họ ngồi 1 tiếng mà chưa được thì chỉnh lại thành nửa tiếng ngồi, nửa tiếng đi, phải cố gắng, rồi từ từ sẽ quen, chứ đừng thấy mình ngồi đau rồi cho rằng tội lỗi, không có tội lỗi gì cả. Đau thì biết đau, trở tư thế cho hết đau, Sư nói mình đau mình nằm thiền được mà.

Câu hỏi 2: Khi con ngồi thiền nên con bị phóng tâm nên con mở mắt ra, thì tự dưng ở ngực bị nhói đau nên con nhắm mắt lại chú ý chỗ đau đó, con thấy đau tăng lên rồi mất hẳn, rồi con thấy thân thể, tay chân con không còn nữa, đau tê cũng không còn, có 1 luồng khí mát mẻ trào lên, con còn thấy mình đang ở giữa hư không rồi từ từ trở lại. Thưa Sư, cho con hỏi cảm giác đó là do tâm vọng tưởng hay do mình thiền đúng mà sinh ra ạ?

Trả lời: Khi đó cũng có thể do mình hành thiền tốt nên có những trạng thái đó sinh ra, khi đó mình không có suy nghĩ gì cả mới thấy những cảm giác đó. Cũng có thể do mình mệt mỏi quá có những cảm giác như vậy. Điều quan trọng là không cần tìm nguyên nhân, nó hiện ra gì thì mình quan sát cái đó, nó xảy ra trên thân nên mình cứ ghi nhận để thấy nó tới nó mất, nó xảy ra trong tâm cũng ghi nhận để thấy nó tới nó mất. Vì mình hành thiền để biết sự vô thường mà, nó đến rồi mất đến rồi mất. Mình chỉ ghi nhận là xong bổn phận của mình rồi. Dầu cho mình hành thiền mà mình trong vài phút bị phóng tâm cả ngàn lần đi nữa, nhưng mình chăm chú chánh niệm là mình cũng làm tròn bổn phận rồi, tất cả những xảy ra mình nhìn nó để thấy sự sinh diệt của nó, không sợ cũng không mừng trước diễn biến của thân, tâm, mình chỉ có nhiệm vụ quán sát như máy ảnh thôi, để thấy ảnh trước khác với ảnh sau, ảnh sau khác với ảnh sau nữa… là mình thấy được vô thường. Thành ra những người ngồi thường hay bị đau, thì họ chánh niệm vào sự đau, thời gian sau họ không còn đau nữa họ mới tiếc nuối, ngày xưa đau nên họ chánh niệm được, giờ không còn đau nên mình bị phóng tâm. Nói vậy để quý vị không tạo ra cái đau để chánh niệm. Nó đau thì chánh niệm cái đau, khi không đau thì mình chánh niệm vào đề mục của mình. Những trạng thái an lạc này kia, nhiều khi thấy như đang bay, thì mình cứ ghi nhận, rồi mình thấy nó đến rồi cũng mất. Thiền 1 thời gian sau mình thấy giống như cơ thể mình mất đi luôn, vì lúc đấy mình chăm chú vào 1 đề mục nên mình thấy vậy, thì đó là 1 sự tiến bộ. Thành ra mình thiền 1 thời gian sau, có những lúc mình không thấy thân thể mình nữa, không có ý niệm về thân thể, mình chỉ thấy có 1 chuyển động thôi, lúc đấy cũng đừng có sợ, không phải nó mất đâu mà tại mình không thấy cảm giác của nó nữa, không phải mất đầu, mất tay, mất chân hay mất toàn thân đâu, rồi nó sẽ trở lại. Có thiền sinh trình pháp, con đang hành thiền, mà 1 lát con không thấy cảm giác gì nơi tay nữa, con chỉ thấy chuyển động phồng xẹp thôi, rồi có bữa con không thấy cái đầu nữa. Sư mới hỏi lúc đó con làm sao? Thiền sinh đó nói con thấy sợ quá, con niệm “chết, chết”, Sư nói là mình không có niệm thế, thấy nó mất thì kệ nó, cứ chánh niệm vào đề mục mình thôi, những cái đó là giả, không tin mình cứ ngồi thiền đi, rồi mình để 1 cái máy chụp ảnh cho mình, thì mình nhìn vào điện thoại thấy mình không có mất tay chân gì đâu, là do tâm mình thấy vậy. Vậy thấy gì thì ghi nhận thế, rồi quay lại đề mục của mình.

Câu hỏi 3: Bạch Sư, con đang rất lo 1 chuyện là con sắp xuất gia, mà người thầy của con theo phương pháp niệm hơi thở, còn con lại hợp với phương pháp của Sư và Ngài Mahasi, nếu con có bước tiếp trên con đường dài, thực hành tốt hơn thì con trình pháp với ai ạ? Vì xuất gia sẽ có người thầy tế độ theo mình, và hướng dẫn cho mình trong suốt thời gian hành thiền, cả ngay bây giờ con theo khóa thiền này, nhưng lúc con hành tốt lên mà không còn khóa thiền nữa thì con phải làm sao, học pháp và trình pháp sao ạ?

Trả lời: Nhớ là có vị thầy họ hành thiền, có vị lo việc khác không hành thiền. Như bên Miến Điện, họ thấy không đủ khả năng hành thiền cho người khác, nên họ gửi học trò đến những trường thiền để trường thiền dạy họ. Bởi vậy những vị thầy, mình làm thầy của người ta, mình phải biết mình không thể dạy hết cho người đó, mình không thể nghĩ mình làm thầy, mình phải dạy thiền cho người đó, nếu mình không đủ khả năng dạy thì mình không dạy, nên mình gửi người đó đến trung tâm thiền cho họ hành thiền, thì mình có thể xuất gia với vị này và hành thiền với người khác, như những trung tâm thiền, có những vị sư ở chùa khác, họ đến trung tâm thiền để hành thiền. Như có 1 vị Sư ở bên chùa của Ngài Tam Tạng, vị này xin học thiền, Ngài Tam Tạng nói ta không có rành về thiền, hãy qua học thiền bên Ngài U Pandita. Nhớ là Đức Phật không có dạy rằng mỗi 1 vị Sư bắt buộc hành thiền là hành thiền cái đó chính, nhưng về sau này, các vị Sư cũng ít hành thiền lắm, có thể do họ lo việc này việc kia nhiều quá nên họ không hành thiền, thì mình theo vị nào chuyên về thiền để học. Vị thầy nào biết học trò mình thích học thiền thì vị đó rất vui vì học trò hiểu giáo pháp nên đi học thiền, không có vị nào cản học trò đi học thiền đâu.

Câu hỏi 4: Con ngồi thiền rất khó, con bị phóng tâm, hôn trầm, phồng xẹp ở bụng rất nhỏ, con thử kết hợp niệm thầm phồng xẹp với niệm mancha thì dễ chú tâm hơn, con tập vậy được không ạ?

Trả lời: không được. Niệm vậy giống như mình đứng trên thuyền, 1 chân thuyền này 1 chân thuyền kia, rớt xuống sông đó. Mình theo 1 cách thôi. Mình niệm mancha là ngoại đạo, không có trong Phật giáo. Sau này có nhiều tông phái trong Phật giáo, họ đi theo kiểu như ngoại đạo, họ đưa này đưa kia bên ngoại đạo vào. Giống như hành thiền là phải tự lực thực hành mới thanh lọc tâm. Đó là điều khác biệt với tôn giáo khác, tôn giáo khác là có sự cầu xin đấng trên giúp cho họ. Đó là điều khác biệt với tôn giáo khác. Mình bị bệnh thì đi uống thuốc, không có cầu xin Phật. Giống như khi ngài Rahula bị bệnh nặng, các Phật tử đến Đức Phật nói “Bạch Ngài, Rahula bị bệnh nặng lắm, mong Ngài dùng thần thông giúp cho Rahula”, Đức Phật nói “Rahula bị bệnh thân, thì mang đến cho ông Jivaka, chứ ta chỉ chữa được tâm thôi”. Mà ông Jivaka chữa 1 thời gian, ông cũng không chữa được, các Phật tử nói Đức Phật, Đức Phật nói “ông Jivaka không chữa được, ta sao chữa được”, nên Ngài Rahula mất sớm. Đức Phật khi còn là Bồ Tát, cưới vợ lúc 16 tuổi, nhưng mười mấy năm sau mới sinh Rahula, như vậy Rahula nhỏ hơn Đức Phật >30 tuổi, mà Đức Phật thọ 80 tuổi, nên ngài Rahula chưa đến 50 đã mất rồi. Tại sao Đức Phật không cứu Rahula để ông được thọ như Đức Phật? Là vì tùy nghiệp lực, nên không có sự cầu khẩn trong Phật giáo. Người nào đưa sự cầu khẩn vào trong Phật giáo là người đó sai đó.

(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app