Buổi 4: Thiền Sư Khánh Hỷ Hướng Dẫn & Diễn Giải Thiền Vipassana Theo Phương Pháp Ngài Mahasi

Thiền tha thứ:

Vì lầm lạc và không minh mẫn, nên con đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho con. (x3)

Con xin thành thật tha thứ cho chính con, và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch. (x3)

 

Thiền Tâm Từ:

Nguyện cho con tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thầy tổ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho cha mẹ con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho mọi người trong gia đình con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho thân bằng quyến thuộc con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho bạn bè con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người cùng chỗ làm với con, con hay gặp gỡ, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả thiền sinh, tất cả Phật tử, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không quen biết con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho những người không có thiện cảm với con, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh, tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại. (x2)

Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, để cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được sự an vui, tất cả chúng sinh đang đau khổ, cầu mong cho hết khổ, đang kinh sợ, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, cầu mong cho hết thương tiếc. (x2)

Thiền Minh Sát

Bây giờ chuyển sang Thiền Minh Sát, hãy chú tâm vào sự chuyển động ở bụng, hay chú tâm vào hơi thở ra vào. 

Hãy chú ý đến sự phồng xẹp, chú ý vào bên trong của sự phồng xẹp đó, chú ý sự nóng lạnh, cứng mềm, chuyển động và sức hút. Mình chú ý cho đến khi chỉ thấy 1 cái gì đó khởi sinh rồi biến mất, nó khởi sinh rồi nó biến, nó thay đổi liên tục liên tục, cho đến khi mình không biết là bụng di chuyển, hay cái gì di chuyển mà chỉ thấy sự di chuyển thôi. Mình thấy có sự đến sự đi thôi.

Tâm hướng đi chỗ khác phải có sự ghi nhận ngay, trở lại sự chuyển động phồng xẹp ở bụng, hoặc là trở về hơi thở. 

Nhớ là có chuyện gì xảy ra thì ghi nhận, ghi nhận chứ không phán đoán xem nó là gì, không suy nghĩ, không tính toán gì cả. Giống như máy chụp ảnh, cái gì hiện ra thì nó ghi nhận, máy chụp ảnh không biết suy nghĩ, mình cũng vậy, ghi nhận chứ không suy nghĩ phán đoán gì cả, cứ chụp ảnh vậy thôi, rồi mình thấy ảnh trước với ảnh sau nó khác nhau.

Nghe Sư nói tiếp về phần hành thiền, Sư sẽ nói lại những lời Ngài Mahasi đã dạy. Khi mình hành thiền lâu rồi thì mình có thể cảm thấy làm biếng, mình nghĩ mình chưa tiến bộ đuợc bao nhiêu, đừng bỏ dở, hãy tiếp tục ghi nhận “làm biếng, làm biếng”. 

Trước khi thiền của thiền sinh mạnh, đủ để phát triển khả năng chú ý, định tâm và tuệ giác, thì thiền sinh có thể nghi ngờ cách thực hành thiền mình có đúng hay không, hữu ích không thì mình ghi nhận “nghi ngờ, nghi ngờ” rồi trở lại đề mục của mình.

Bạn có ao ước có thành quả tốt không, nếu có thì cũng ghi nhận “ao ước, ao ước”, “mong muốn, mong muốn”. 

Khi có suy nghĩ xem xét lại cách mình thực hành có được tốt đẹp không, nếu có thì cũng ghi nhận “xét lại, xét lại”. Nhiều khi mình hành thiền đó mà mình suy nghĩ không biết mình hành thiền có đúng không, thì mình cũng nhận biết nó. Có trường hợp nào chúng ta đang xem xét đối tượng thiền, và phân vân không biết đối tượng đó là vật chất hay tâm, nếu có thì ghi nhận “xem xét, xem xét”. 

Khi hành thiền, cái gì khởi sinh khi mình nhìn thấy rõ, thì ghi nhận sự sinh diệt của nó, chứ không cần phân biệt đây là vật chất, đây là tâm. Chỉ cần nhìn sự đến, sự đi của nó để thấy sự vô thường.

Có khi nào thiền sinh cảm thấy tiếc nuối mình không đạt được tiến bộ nào không, nếu có thì thiền sinh phải ghi nhận “tiếc nuối, tiếc nuối”, ngược lại thiền sinh có thấy sung sướng khi mức độ thiền tiến triển, nếu có ghi nhận “sung sướng, sung sướng” rồi trở lại đề mục chính của mình.

Trong 1 khóa thiền tích cực, thời gian hành thiền bắt đầu từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, thiền sinh phải nhớ là luôn luôn thực hành, hoặc bài tập căn bản, hoặc thực hành sự chú tâm xuyên suốt ngày cho đến đêm. Nếu đến giờ ngủ chưa buồn ngủ thì tiếp tục hành thiền, chả có lúc nào ngơi nghỉ cả. Khi thiền sinh đạt mức tiến bộ cao thì bạn sẽ không còn thấy buồn ngủ, lúc đó bạn có thể thiền cả ngày lẫn đêm, không ngủ. Khi đó mình thấy đến giờ ngủ rồi mà nãy giờ ngồi đây còn tốt đẹp hơn, an lạc thanh tịnh, hỷ lạc sung sướng giống như mình ngủ thì mình cần gì đi ngủ.

Tóm lại trong thời gian hành thiền, thiền sinh phải để tâm ghi nhận tất cả những trạng thái của thân và tâm, dù đó là trạng thái tốt hay xấu, thiền sinh cũng phải chú tâm đến những chuyển động của cơ thể, dù đó là chuyển động lớn hay nhỏ. Phải chú tâm đến mỗi cảm giác, cảm giác đó dễ chịu hay khó chịu. Trong suốt thời gian hành thiền, nếu không có gì đặc biệt để mình ghi nhận, thì hãy trở về chuyển động phồng xẹp ở bụng hoặc hơi thở ra vào.

Nếu thiền sinh đi làm 1 việc gì đó, chả hạn uống nước, thì thiền sinh phải chú ý đến những tác động cần thiết của sự đi, hãy chú tâm tỉnh thức, ghi nhận từng bước đi 1, chả hạn đi, đi, hoặc trái, phải, trái, phải, mà lúc thiền tốt đẹp rồi thì không cần ghi nhận trái phải nữa mà ghi nhận những chuyển động bên trong bước đi, thấy rõ nóng lạnh, cứng mềm, sứt hút ra sao. Lúc đến nơi ghi nhận đứng, đưa tay cầm nắm ly ghi nhận cầm nắm, khi đưa lên miệng uống ghi nhận uống. 

Thiền sinh phải nỗ lực tập luyện suốt ngày đêm mới sớm khai triển được định tâm và đạt tuệ giác, nhất là tuệ giác thứ 4 – tuệ giác sinh diệt, và đạt các tuệ giác cao hơn.

Một thiền sinh thực hành nghiêm chỉnh sẽ tích cực giữ tâm chánh niệm trong mọi lúc, dường như không biết đến sự ngủ nghỉ. Khi đến giờ ngủ, thiền sinh liên tục ghi nhận cho đến khi hoàn toàn rơi vào giấc ngủ. 

Nếu việc hành thiền tốt đẹp, thiền sinh sẽ thấy tỉnh táo, đến giờ ngủ cũng chưa thấy buồn ngủ, trạng thái này còn tốt đẹp hơn việc đi ngủ. 

Nếu hôn trầm dã dượi, buồn ngủ thì thiền sinh sẽ cảm thấy buồn ngủ, khi hôn trầm đến thiền sinh phải ghi nhận “buồn ngủ, buồn ngủ”, khi ngủ mí mắt sụp xuống ghi nhận “sụp xuống, sụp xuống”, khi mí mắt trở nên nặng ghi nhận “nặng, nặng”. Nếu mắt trở nên cay thì ghi nhận “cay, cay”. Nếu ghi nhận 1 cách chánh niệm thì cơn buồn ngủ có thể biến mất, thiền sinh sẽ tươi tỉnh trở lại, khi đó cần ghi nhận lại trạng thái “tươi tỉnh, tươi tỉnh” rồi trở về đề mục của mình. Thiền sinh tiếp tục ghi nhận cho đến khi buồn ngủ. Nên nhớ khi mình đã ngủ hoàn toàn thì tâm không có suy nghĩ việc gì nữa. Như Đức Phật đã nói nằm mộng là khi đó chưa ngủ, còn khi ngủ thật rồi thì không có mộng nữa. Khoa học cũng chứng minh giấc mộng không có kéo dài, cùng lắm được 15s thôi, trong 15s đó mình thấy nhiều chuyện kéo dài như suốt cuộc đời mình đó, nhưng chỉ 15s thôi. Rồi 1 giấc mộng khác lại đến nữa. Do đó 1 đêm nếu nói về mộng mình nhiều lắm, còn khi đã ngủ rồi thì mình hoàn toàn không có mộng, giống như mình bị chích thuốc mê rồi đó, là không biết gì cả, khi đó mới gọi là ngủ thật sự. 

Nhớ là khi hành thiền ở tư thế nằm rất dễ buồn ngủ, bởi vậy với thiền sinh, nhất là thiền sinh mới không nên hành thiền ở tư thế nằm quá nhiều mà phải ngồi và đi kinh hành nhiều hơn. Nhưng đến giờ đi ngủ nên thiền ở tư thế nằm và ghi nhận sự phồng xẹp ở bụng cho đến khi nào rơi vào giấc ngủ 1 cách tự nhiên. Thời gian ngủ là thời gian nghỉ ngơi cho thiền sinh. Nhưng với thiền sinh tích cực thì nên giới hạn giờ ngủ khoảng 4 tiếng mỗi đêm, là ngủ từ 10h tối đến 2h sáng, hoặc 11h tối đến 3h sáng. Nhớ là chỉ cần 4 tiếng là đủ, nếu thiền sinh mới thì có thể ngủ 5-6 tiếng chứ không nên ngủ nhiều hơn. Ngủ 6 tiếng là đủ cho sức khỏe rồi. Khi thức dậy thiền sinh phải lập tức trở về với sự ghi nhận.

Một thiền sinh thật sự muốn nỗ lực hành thiền để đạt Đạo Quả, thì chỉ ngừng hành thiền trong khi ngủ thôi. Trong khi thức họ nỗ lực ghi nhận liên tục. Nên khi thức dậy họ ghi nhận sự thức dậy của mình. Nếu không ghi nhận được những trạng thái của tâm lúc mới thức dậy thì hãy bắt đầu ghi nhận sự phồng xẹp của bụng.

Nếu thiền sinh có ý định ngồi dậy và bước xuống đất thì hãy ghi nhận “muốn ngồi dậy, muốn ngồi dậy”, tiếp theo ghi nhận tất cả hành động liên quan đến ngồi dậy như chống tay, co chân, nhỏm dậy, ngồi. Nhất là khi mình đang nằm, mình phải ngồi dậy mới đứng dậy để đi được. Cũng như khi mình buồn ngủ, mình đi vào chỗ ngủ thì khi đó mình bước từng bước 1 chánh niệm, đến nơi rồi mình đứng lại, mình biết mình đứng lại, coi những sự tác động của sự đứng lại, rồi xoay người biết xoay, ngồi xuống biết ngồi, mông chạm vào giường biết chạm, nghiêng người ngủ thì biết nghiêng. 

Cho nên Ngài Ananda khi Ngài hành thiền 1 thời gian mấy tháng chưa giác ngộ Đạo Quả, khi Ngài muốn đi ngủ Ngài vẫn tiếp tục chánh niệm và Ngài giác ngộ trong khi đang nghiêng người xuống để nằm ngủ. Nên làm bất kỳ việc gì cũng luôn luôn chánh niệm.

Như vậy thiền sinh có ý định ngồi dậy bước xuống giường và ghi nhận. Khi đã ngồi và muốn ngồi 1 lát, thì hãy chú tâm ghi nhận sự phồng xẹp của bụng. Muốn đứng dậy đi rửa mặt thì ghi nhận ý muốn và ghi nhận tất cả tác động này, khi rửa mặt hay khi tắm ghi nhận tất cả các tác động. Bởi những tác động khi rửa mặt, tắm là những tác động hơi nhanh nên không thể ghi nhận được hết, nên hãy cố gắng ghi nhận càng nhiều càng tốt.  Lúc chải đầu, mặc áo quần, mở cửa, đóng cửa… đều phải ghi nhận kỹ càng. 

Lúc đến giờ ăn thiền sinh vào bàn ăn phải ghi nhận là “thấy, thấy” hoặc “nhìn, nhìn”. Khi đưa tay đụng thức ăn, lấy thức ăn hay rút tay về đưa lên miệng đều phải ghi nhận. Khi dùng đũa hay muỗng để lấy thức ăn cũng phải ghi nhận mọi tác động liên quan đến sự gắp hay lấy thức ăn, lúc đó niệm “gắp, gắp”, “múc, múc”… Khi nhai thức ăn ghi nhận “nhai, nhai”, khi nhận biết khi nhai mùi vị thế nào mình cũng biết, lúc nuốt thế nào mình cũng biết “nuốt nuốt”, thực phẩm đi qua cổ mình cũng biết các cảm giác ở cổ. Tất cả các tác động trong khi ăn đều phải ghi nhận. Đây là cách thiền sinh ghi nhận khi đưa từng muỗng thức ăn vào miệng. Khi thiền sinh muốn dùng canh, tất cả các tác động như đưa tay ra, cầm muỗng, múc canh… đều phải ghi nhận. Việc ghi nhận trong khi ăn có khó khăn, vì có nhiều tác động nên thiền sinh mới có thể bỏ sót, nhưng về sau có tâm định mạnh mẽ, thiền sinh có thể ghi nhận tất cả tác động trong việc ăn này.

Tóm tắt lại chỉ có vài điều cần nhớ: Khi đi nhanh hãy ghi nhận trái phải, đi chậm ghi nhận dở đạp, chậm hơn thì ghi nhận dở – bước – đạp hoặc dở – bước – đạp – ấn. Khi ngồi xuống hãy chú tâm vào sự phồng xẹp ở bụng. Khi nằm cũng chú tâm vào bụng nếu không có điều gì đặc biệt ghi nhận. Trong khi ghi nhận, nếu bị phóng tâm hãy ghi nhận “phóng tâm” rồi trở về bụng. Cũng phải ghi nhận tất cả các cảm giác xảy ra như tê, cứng, đau nhức, nóng lạnh. Nhưng không phải đi tìm nó, mà khi nào nó hiện ra rõ nhất thì ghi nhận, ghi nhận xong thì trở lại ghi nhận ở bụng. Trong các tác động khác như co duỗi tay chân, ngẩng đầu… đều phải được ghi nhận rồi trở về đề mục chính. 

Nếu thiền sinh tiếp tục tinh tấn ghi nhận, về sau thiền sinh có thể ghi nhận rất nhiều diễn biến xảy ra. Lúc mới hành thiền tâm thiền sinh thường dễ phóng đi nơi đây nơi đó, thiền sinh thường quên và bỏ sót ghi nhận. Nhưng không nên lấy đó làm chán nản, thiền sinh mới đều gặp phải khó khăn này, hành thiền lâu hơn thiền sinh sẽ ghi nhận 1 cách dễ dàng mỗi khi tâm phóng đi, cuối cùng tâm không bị phóng nữa, khi đó tâm sẽ dính chặt với đề mục ghi nhận. 

Tâm chánh niệm phải đi song song với đối tượng ghi nhận, nói cách khác là tâm ghi nhận luôn theo sát với đề mục. Chả hạn khi phồng xẹp và tâm ghi nhận phồng xẹp thì phải đi song song với nhau, không bỏ sót. Đối tượng vật chất dễ ghi nhận, và tâm ghi nhận vật chất là 1 cặp, chả có 1 con người hay đối tượng nào nằm trong đó cả, bất kỳ mình làm gì thì chỉ có thân và tâm nhận biết. Chỉ có đối tượng vật chất ghi nhận và tâm ghi nhận mà chả có gì khác. Thiền sinh sẽ kịp thời và tự mình kinh nghiệm các diễn tiến này, trong khi chú tâm ghi nhận sự phồng xẹp ở bụng, thiền sinh sẽ phân biệt được sự phồng lên của bụng là vật chất, và tâm ghi nhận là hiện tượng của tâm. Tương tự như vậy, xẹp của bụng là hiện tượng vật chất, và tâm ghi nhận sự xẹp là hiện tượng của tâm.

Đến đây thiền sinh đã hiểu rõ ràng sự diễn tiến đồng thời của cặp hiện tượng tâm và vật chất này, do đó qua mỗi tác động ghi nhận, thiền sinh dễ tự mình hiểu 1 cách rõ ràng là chỉ có hiện tượng vật chất đó là đối tượng để ghi nhận và hiện tượng của tâm là sự ghi nhận. Khi có sự phân biệt thì thiền sinh đạt được Tuệ Phân Biệt Danh Sắc, là biết cái gì là vật chất, cái gì là tâm, đó là tuệ đầu tiên đạt được. Tuệ giác này đạt được 1 cách đúng đắn là điều hết sức quan trọng, bởi vì sau khi đạt được tuệ giác này, nếu tiếp tục tinh tấn hành thiền thiền sinh sẽ đạt được tuệ kế tiếp là Tuệ Phân Biệt Được Nhân Và Quả, khi thiền sinh tiếp tục ghi nhận, thiền sinh sẽ thấy những gì xảy ra đều biến mất trong 1 khoảnh khắc ngắn ngủi ngay sau đó, người ta thường cho rằng cả 2 hiện tượng vật chất và tâm đều kéo dài suốt đời, từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Thật ra điều đó không đúng, không có hiện tượng gì có thể trường tồn vĩnh viễn, mà hiện tượng đều sinh ra rồi diệt ngay 1 cách nhanh chóng. Chúng không thể kéo dài lâu hơn thời gian của 1 cái chớp mắt. Thiền sinh sẽ tự nhận ra, tự biết được điều này khi thiền sinh liên tục ghi nhận. Nhờ thế thiền sinh thấy rõ rằng tất cả hiện tượng đều là vô thường, khi có được sự nhận biết này thì thiền sinh đã có được Tuệ Giác Vô Thường. Tiếp theo đó, thiền sinh sẽ được Tuệ Giác Thấy Rõ Khổ Não, khi có tuệ giác này thiền sinh sẽ biết rõ rằng tất cả mọi sự vô thường đều đau khổ. Lúc bấy giờ thiền sinh cũng tự mình kinh nghiệm được, hay trải qua các sự đau nhức trong cơ thể, cơ thể này chả qua là tập hợp của sự khổ đau, tiếp theo thiền sinh sẽ nhận biết một cách rõ ràng rằng mọi hiện tượng tâm vật lý đều diễn ra theo chiều hướng riêng của nó, hiện tượng vật lý diễn ra không do ai kiểm soát, không ai điều khiển được theo ý của mình. Khi ghi nhận được điều này, thiền sinh thấy rõ vô ngã. Khi tiếp tục hành thiền không thối chuyển, thiền sinh ý thức được rằng chắc chắn mọi hiện tượng đều vô thường, khổ, vô ngã, thiền sinh sẽ đạt được Niết bàn. Tất cả Chư Phật, các vị Arahan và các bậc Thánh đã đạt được Niết bàn đều đi theo con đường này. Tất cả các thiền sinh nên nhận ra rằng, hiện nay chính mình cũng đang đi trên con đường để đạt được sở nguyện là đạt Đạo Quả và Niết bàn. Các thiền sinh phải thấy rằng vui mừng vì mình đã đi đúng đường, đúng hướng và sẽ đạt được chánh định và tri tuệ mà các vị Arahan đã đạt thành trước đây. Nếu thiền sinh tích cực hành thiền thì chả bao lâu thiền sinh sẽ chính mình kinh nghiệm được Đạo Quả và Niết bàn mà Chư Phật, Chư vị Arahan đã kinh nghiệm. Thật vậy, thiền sinh có thể đạt được kết quả này trong 15 ngày, 20 ngày hay 1 tháng. Nếu kiên trì thực tập, với những thiền sinh có Ba la mật đặc biệt thì có thể đạt được Đạo Quả trong vòng 7 ngày. Thiền sinh phải luôn tin tưởng rằng, mình có thể đạt được Đạo Quả trong thời gian hạn định trên, nhất là Quả Nhập Lưu, Tu Đà Hoàn, dứt được thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ, không còn bị tái sinh vào 4 ác đạo nữa. Thiền sinh cố gắng tinh tấn thực hành với sự tin tưởng này. Khi 1 người sau khi đắc Quả Tu Đà Hoàn thì họ vẫn phải tái sinh kiếp sau, nhưng họ không còn tái sanh xuống 4 ác đạo (súc sanh, ngạ quỷ, atula, địa ngục), họ sẽ thành người hay Chư Thiên thôi.

Kinh hành:

Trong khi thực hành Thiền Minh Sát, điều quan trọng là phải luôn luôn chú tâm ghi nhận chánh niệm. Bởi vậy khi thay đổi tư thế ngồi sang tư thế đứng, thiền sinh phải luôn giữ tâm chánh niệm. Trước khi đứng dậy, ghi nhận ý định “đứng dậy” hay ghi nhận “muốn, muốn”, sau đó chú tâm vào toàn bộ cơ thể và từ từ đứng dậy. Ghi nhận toàn bộ tiến trình của sự đứng dậy, hay niệm là “đứng dậy, đứng dậy”. Đứng dậy rồi thì chú tâm vào sự đứng dậy, trong khi đó có thể niệm “đứng, đứng”.

Khi đi kinh hành tốt nhất nên chọn lối đi đã có sẵn, rồi đi tới đi lui trên đó. Đừng đi xa quá cũng đừng dài quá, lựa đường kinh hành dài 10-15 bước là được rồi. Khi đó mình mới có cơ hội đến cuối đường kinh hành mình đứng lại, rồi ghi nhận ý định muốn quay, quay xong ghi nhận sự đứng lại, đứng lại xong ghi nhận ý muốn bước, rồi bước tới. Chú ý như vậy. Với thiền sinh mới có thể đạt được tuệ giác thứ 2 là thấy rõ nhân quả. Nhân là tâm muốn, quả là chân muốn đi.

Khi đi kinh hành hãy đi chậm rãi, chú tâm vào chân hay chuyển động của chân. Chú tâm ghi nhận ít nhất 4 giai đoạn của bước đi. Để thực hiện mỗi bước đi, trước tiên phải nhón gót, hãy chú tâm vào chân và ghi nhận 1 cách chánh niệm sự nhón, hoặc ghi nhận vừa niệm thầm “nhón, nhón”, khi chân đưa ra phía trước, hãy ghi nhận chuyển động đưa tới, trong khi ghi nhận chuyển động phải niệm thầm “bước, bước” , khi chân hạ xuống hay đụng mặt đất, hãy ghi nhận và có thể niệm thầm “đạp, đạp”, khi chuyển sức nặng sang chân khác để bước 1 bước mới, hay ghi nhận chánh niệm trên toàn thể thân và niệm thầm “chuyển, chuyển”. Chúng ta cũng có thể chú tâm vào sự nhấn xuống của bàn chân. Sau đó tiếp tục bước kế tiếp là “dở – bước – đạp – nhấn”, nhớ là di chuyển chậm rãi, nhìn về phía trước cách khoảng 2 thước trước mặt, đừng nhìn xa quá, gần quá. Không nhắm mắt vì dễ ngã, mắt nhìn vừa phải vào lối đi.

Khi đến cuối đường kinh hành thì đứng lại, ghi nhận sự đứng lại, có thể niệm “đứng, đứng”, khi muốn quay lui ghi nhận ý muốn quay, có thể niệm thầm “muốn, muốn”, sau đó quay lại từ từ. Trong khi quay hãy chú tâm chánh niệm vào chuyển động quay, hay có thể niệm thầm “quay, quay”. Khi bắt đầu đi trở lại cũng hãy ghi nhận chánh niệm từng giai đoạn 1 của bước đi “dở – bước – đạp – chuyển/nhấn” cho đến cuối đoạn đường kinh hành.

Khi đứng lại, hãy chánh niệm vào sự đứng lại, khi muốn quay lui ghi nhận ý muốn quay, có thể niệm thầm “muốn, muốn”, sau đó quay lại từ từ. Khi đi 2 tay có thể nắm lại phía trước hoặc phía sau, cứ thế tiếp tục đi cho đến hết giờ kinh hành.

Kinh hành cũng là dịp để thể dục cho cơ thể. Nếu ngồi thiền trong 30p hay 1 giờ thì không phải đi kinh hành, nhưng khi tham gia 1 khóa thiền suốt ngày, thì cơ thể cần phải vận động vì vậy phải đi kinh hành, và sự kinh hành, ngồi thiền xen kẽ nhau. Sau khi xong 1 giờ kinh hành là đến 1 giờ ngồi thiền.

Sau khi kinh hành trở về thiền đường phải đi 1 cách chậm rãi, ghi nhận và ý thức từng bước 1 của bước đi. Khi ngồi xuống ghi nhận ý muốn ngồi, rồi ngồi chậm rãi, chú tâm vào toàn bộ cơ thể, khi cơ thể chạm vào sàn nhà, hãy ghi nhận “đụng, đụng”, khi xếp chân ghi nhận “xếp, xếp” sau đó chú tâm vào chuyển động của bụng.

Bây giờ quý vị nhớ những điều Sư vừa đọc, quý vị nào quên thì bài này Sư có ghi trong những cuốn sách như cuốn Hiểu biết trọn vẹn gồm có 2 cuốn, mỗi cuốn đều ghi nhận những bài tập về hành thiền và đi kinh hành.

Trình Pháp:

Câu hỏi 1: Thưa Sư, Sư dạy rằng chúng ta có thể chánh niệm trên nhiều đề mục của thân, ngoài hơi thở ở mũi và sự phồng xẹp ở bụng. Nếu chỗ nào gây sự chú ý mạnh hơn và có tính sinh diệt, như vậy con có thể ghi nhận từ đề mục này sang đề mục khác trong 1 thời hành thiền, miễn là đề mục đó có tính sanh diệt. Kính mong Sư hoan hỉ chỉ rõ ạ?

Trả lời: đúng vậy, mình hành thiền là mình chú ý đến đề mục trong hiện tại. Cái gì rõ ràng nhất là mình chú ý vào đó. Ví dụ mình đang ngồi chú tâm vào sự phồng xẹp ở bụng, nhưng có chỗ nào đó như cái chân giật giật thì chỗ đó là mạnh nhất, thì chú ý vào chỗ giật giật đó. Hay mình thấy chỗ nào đau, mà đau mạnh hơn chuyển động phồng xẹp thì mình chú ý vào chỗ đau giật đó. Tức là cái gì xảy ra trong hiện tại mà mạnh nhất thì ghi nhận chỗ đó. Chứ đừng cố gắng ghi nhận 1 chỗ, mình ghi nhận mà không thấy thì không nên làm. Hành thiền cũng giống như 1 người đi bán hàng rong, mình đi thì chỗ nào họ kêu thì mình đến bán, chứ mình không ngồi 1 chỗ. Cho nên khi hành thiền, chỗ nào mạnh nhất thì mình chú ý vào đó.

Câu hỏi 2: Thưa Sư, khi hành thiền đến giai đoạn con mất ý thức, như vậy là hành thiền đúng hay sai, nếu đúng thì mình làm gì tiếp theo. Con cám ơn Sư.

Trả lời: nhiều người nói tôi mất ý thức, nhưng có khi mất ý thức là tiến bộ, nhưng có khi mất ý thức là mình thiếu chánh niệm. Nên phải coi. Nhưng trường hợp như vậy mình ghi nhận rồi mình trở về đề mục chính, hoặc nơi nào cảm giác mạnh trong người mình. Còn nếu mà tình trạng này xảy ra lâu quá, mình có thể đứng dậy đi kinh hành. Hoặc mình đang ngồi thiền vậy, mình chú ý vào tay mình, mình đưa 1 ngón tay lên, ngón trỏ chả hạn, mình dở lên, dở xuống thì mình thấy rõ ngón tay chuyển động, giống như mình đi kinh hành là chuyển động bàn chân, thì đây chuyển động ngón tay dở lên dở xuống. Nhiều trường thiền họ còn cho tập ngồi dậy đưa tay lên, hạ tay xuống giống như đi kinh hành vậy đó. Nên khi nào mình không thấy rõ đề mục thì làm cho thấy rõ. Nhưng thường mất đề mục chỉ mất 1 chút xíu thôi, rồi thấy lại liền.

Câu hỏi 3: Để việc tu tập thiền hành có kết quả cao thì cần những điều kiện gì ạ? Con cám ơn Sư.

Trả lời: chả có điều kiện gì cả, mình ngồi 1 tiếng đi 1 tiếng. Nếu có điều kiện là sao? Là cơ thể mình khỏe mạnh đi được, đó là điều kiện. Còn mình đi được là đủ điều kiện rồi. Chỉ trường hợp mình không đi nổi thì không đi kinh hành được, thì mình vịn vào tường đi. Vì cơ thể mình cần vận động. 

Cũng có 1 ông thiền hành với Sư. Về sau ông bị bệnh chân không đi được, Sư mới nói là tập đi kinh hành đi cho chân nhanh khỏe. Ông vịn vào tường rồi đi từng bước một, dở đạp, dở đạp… tập dần thành dở bước đạp, tay kia thì vẫn vịn vào tường. Ông đi 1 thời gian ông đi lại như thường. 

Những người liệt này kia, không đi được, bác sĩ bắt mình tập đi thì mình tranh thủ đi kinh hành, vừa dứt bệnh vừa thiền hành được.

Nên nhớ là đi không được thì mình tìm cách khác để thiền. Như mình ngồi, mà ngồi không được thì nằm. Quan trọng mình tinh tấn là được. Chỉ khi nào mình chết mình mới không hành thiền được thôi. Chứ nằm liệt giường cũng thiền được.

Câu hỏi 4: Khi thực hành giới, định, tuệ thì chữ định trong vipassana được hiểu như thế nào cho đúng? Chúng con có cần thực hành để đi vào các tầng thiền như tứ thiền không ạ?

Trả lời: khi có Thiền Minh Sát là Đức Phật mới ra đời dạy Thiền Minh Sát. Còn trước đó trên thế gian vẫn có thiền định như thường, nhưng thiền định chỉ đưa đến định tâm thôi, có thể đạt tầng thiền cao tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp, nhưng đi quanh quẩn vậy thôi, hết phước nó xuống lại. Chỉ có Thiền Minh Sát mới vượt qua vòng sinh tử luân hồi. Nhớ rằng chỉ khi có 1 vị Phật ra đời thì vị Phật này mới dạy Thiền Minh Sát. Rồi khi mình hành Thiền Minh Sát thì đừng có lo tôi không có thiền định, trước khi Thiền Minh Sát tiến triển thì vào lúc đầu nó đều bệnh hết, ví như lúc nãy nếu như các tuệ giác như tuệ giác đầu tiên thấy rõ cái gì là vật chất, cái gì là tâm, cái thứ 2 khi mình thấy được nhân quả, cái thứ 3 mình thấy được vô thường – khổ – vô ngã, thì khi 3 tuệ giác này còn nằm trong thiền định, thiền chỉ đó. Tại sao, vì trong thiền định, thiền chỉ là còn sự suy tư ở đó, trong tuệ giác mà mình nói đến giải thoát thì 3 tuệ giác đầu tiên là nằm trong thiền định. Quý vị cứ hành Thiền Minh Sát đi, nó có bao gồm định ở trong đó, nó cũng là giới – định – tuệ. Thì Thiền Minh Sát mới phát triển được tuệ. Còn làm việc bình thường lâu lâu mình có tâm định mạnh lắm. Ngay cả 1 người đi trộm, khi chăm chú đi trộm là cũng có tâm định rồi. Ví dụ nó đi vào nhà ăn trộm, nó đi từng bước 1, nó định tâm lắm đó, vì sợ tiếng động người ta, nhưng là tà định vì mục đích xấu. Còn mình định để loại bỏ tham, sân, si, nó lợi cho mình và lợi cho người khác, mình giảm tham mình không xâm phạm của cải vật chất người khác, nên thực tập cho mình là cũng đem lại lợi ích cho người khác.

Câu hỏi 5: Khi thiền tập, mình tập trung vào sự phồng xẹp ở bụng và mình đếm từ 1-10, phồng đếm 1, xẹp đếm 2, đến 10 lại quay lại. Như vậy được không?

Trả lời: không nên đếm như vậy, vì kiểu vậy tâm nó phải nhớ đến sự đếm, thành ra nó bị chia làm 2: chăm chú sự phồng xẹp và đếm, nên chỉ ghi nhận thôi. Nhưng mà giai đoạn đầu mình có thể đếm cũng được để cho dễ nhớ, cũng như ngay trong thiền định, lúc đầu thở ra đếm 1, hít vào đếm 2, nhưng chỉ giai đoạn đầu, giai đoạn sau bỏ đếm đi, nên giai đoạn đầu họ gọi là sổ tức, giai đoạn sau là tùy tức, tức là đi theo hơi thở (tức là hơi thở). Giai đoạn đầu họ có thể dùng phương tiện bên ngoài, số đếm để tập trung, nhưng cái chính là mình thấy được sự sinh diệt chứ không phải thấy số đếm.

Cũng như khi mình hành thiền, đầu tiên bước mình niệm là muốn bước, rồi bước bước. Rồi khi ngồi thiền lúc đầu mình đều phải niệm “muốn, muốn” trước .Mình niệm thầm như vậy giống như cái gậy để giúp cho những người đi chưa được vững. Giống như đứa con nít đi chưa được thì ngồi lên xe cho nó đạp 2 chân đi. Nhưng nó lớn rồi thì phải bỏ cái đó. Rồi tập bơi lúc đầu dùng phao, nhưng bơi giỏi rồi thì đâu dùng phao, khi đó thành sự vướng bận. Niệm thầm, hay niệm số là giai đoạn đầu, giai đoạn sau không cần dùng nữa, giai đoạn đó mà dùng thì thành trở ngại. Thì khi đó tự động mình chỉ làm thôi chứ không còn niệm thầm, không còn đếm nữa. Từ từ tiến bộ sẽ đến giai đoạn này, mình sẽ chỉ còn Thiền Minh Sát thôi. Nhưng giai đoạn đầu nó cần đó.

Câu hỏi 6: Khi con ngồi thiền, con thấy tê chân, con niệm trong tâm “mong oai linh của Phật giúp con hết tê chân”. Sau đó con hết tê chân, 2, 3 lần sau con niệm như thế có đúng không Sư?

Trả lời: đây là trùng hợp thôi, hoặc theo hiện tượng tâm lý. Mình không có làm như vậy, tê chân mình biết nó tê, mình dùng tê chân đó để thấy cái tê đó nó sinh diệt, cái tê trước và tê sau nó khác nhau đó. Cái đau đó làm đề mục cho mình, nó biến đổi bên trong, mình nhìn vào cái đau thấy sự sinh diệt, biến đổi của cái đau, nó biến đổi là vô thường. Nên hành thiền mình thấy được vô thường, khổ, mình không làm gì được nó nên là vô ngã. Nên mình chỉ ghi nhận thôi. Nếu tê quá thì mình ghi nhận tê quá, rồi mình ghi nhận ý muốn đổi chân và sự đổi chân của mình. Đổi xong mình nhìn vào cơn đau để thấy nó giảm dần. Nhiều khi nhìn vào sự đau giảm này giúp mình giác ngộ. Đây là lợi dụng phiền não để phát sinh Bồ Đề. Đau thì quan sát sự sinh diệt của đau, nhức thì quan sát sự sinh diệt của nhức, buồn cũng chú tâm sự sinh diệt của cơn buồn, giận thì nhìn vào tâm giận thấy nó cũng sinh diệt. Thành ra Thiền Minh Sát tất cả những gì trong thế gian hiện ra đều làm đề mục cho mình. Lúc mới đầu mình phải ngồi để thấy rõ, về sau tất cả tác động của mình đều phải ghi nhận hết. Như khi mình ngồi thiền vậy, nhưng khi đứng dậy tất cả hành động của mình đều phải trong chánh niệm, chứ đừng để thức dậy rồi đến trưa mới nhớ ra sáng giờ chưa chánh niệm. Nên thức dậy phải chánh niệm ngay vào cái gì rõ nhất trong người mình, hoặc là vào bụng. Tưởng làm không được chứ làm 1, 2 ngày là quen thôi. Chứ đừng để ăn sáng xong mới nhớ mình quên theo dõi. Rồi khi ngủ dậy bước xuống mình cũng biết chân nào bước xuống trước…

(Xin tri ân đạo hữu Vũ Thái Bình đã đánh máy)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app