Phần 5

Giới Định Huệ – Bát Chánh Đạo

Minh Sát Căn Bản

Đề Mục Thiền

Bắt Đầu Với Đề Mục Dễ Thấy

Lãnh Vực Của Thiền Minh Sát Niệm Xứ

Tục Đế và Chân Đế.

Đặc Tính Của Đề Mục

Giới, Định, Huệ hay Bát Chánh Đạo

Có ba loại phiền não là phiền não tác động (vitikkamakilesa), phiền não tư tưởng (pariyuthānakilesa), và phiền não ngủ ngầm (anusayakilesa). Muốn diệt tận được ba loại phiền não này cần phải tu tập Giới, Định, Huệ hay Bát Chánh Đạo. Đây là con đường duy nhất.

Để chế ngự phiền não tác động cần phải giữ giới. Như không đi đến một vùng đang có bệnh truyền nhiễm, cá nhân phải tự gìn giữ không đến nơi chốn của phiền não bằng cách thu thúc không để phiền não sanh khởi qua thân và khẩu. Giữ giới giúp tránh được được loại phiền não tác động này. Đối với loại phiền não tư tưởng, cần phải ngăn ngừa không cho phát sinh nơi tâm bằng sự định tâm. Nếu chúng có phát sinh, hành giả ghi nhận và loại trừ ngay lập tức. Đối với loại phiền não ngủ ngầm, hành giả làm suy yếu bằng Minh Sát Tuệ (vipassanā ñāna) và tận diệt bằng Đạo Tuệ (magga ñāna).

Sư lấy một thí dụ cho dễ hiểu. Giống như lực lượng an ninh phải dàn trải ra bốn hướng để ngăn ngừa kẻ thù xâm nhập. Nếu phát hiện kẻ thù, hãy lập tức dùng mọi biện pháp cần thiết để tiêu diệt. Cùng thế ấy, hành giả phải ngăn ngừa phiền não bằng chánh niệm. Nhờ chánh niệm bao phủ và trải rộng nên tâm được bảo vệ. Bất kỳ đề mục gì sinh khởi, hành giả phải tinh tấn dũng mãnh hướng và đưa tâm đến đối mặt với đề mục rồi chánh niệm ghi nhận một cách liên tục. Nhờ chánh niệm bao phủ trọn vẹn đề mục, tâm được bảo vệ an toàn khỏi phiền não. Chánh niệm với phẩm chất cao là loại chánh niệm vững vàng (satipaṭṭhāna) hình thành bởi Tầm và Tấn được duy trì chặt chẽ liên tục trên đề mục, bao trùm đề mục.

Để khắc phục biếng nhác khi hành thiền, hành giả cần phải vận dụng ba loại tinh tấn là tinh tấn khởi động, tinh tấn triển khai, và tinh tấn kiên trì. Có cả ba loại tinh tấn này, hành giả tránh được sức hút của phiền não. Muốn giải thoát khỏi phiền não, hành giả phải ghi nhận các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong giây phút hiện tại. Hành giả hãy nỗ lực ghi nhận đề mục kịp thời ngay khi vừa mới sinh khởi. Ngoài ra, tinh tấn cũng làm cho tâm không bị co rút, đông cứng. Khi kinh hành, hành giả chú tâm vào bước chân hay chuyển động của bàn chân. Trong khi dở, bước, đạp, hành giả phải chú tâm theo dõi liên tục từ đầu cho đến cuối của mỗi động tác dở, bước, đạp. Muốn có khả năng ghi nhận tất cả những gì đang sinh khởi, hành giả cần phải vận dụng tất cả các loại tinh tấn. Trong giai đoạn đầu tu tập, hành giả vận dụng tinh tấn khởi động để hướng và đưa tâm đến ghi nhận đề mục. Khi lười biếng phát sinh cũng như khi tâm trở nên co rút và trì trệ giống như bơ đông lạnh, hành giả dùng tinh tấn triển khai để chế ngự.

Nhờ tinh tấn, chánh niệm hình thành và tâm trở nên gom tụ trên đề mục làm phát triển sát na định. Chánh Tinh Tấn không cho phiền não phát sinh, Chánh Niệm bảo vệ để tâm không bị phiền não xâm nhập, và Chánh Định giữ cho tâm an trụ không còn phân tán. Khi có các trạng thái này, tâm định tĩnh nên các ý nghĩ bất thiện như dục tầm, sân tầm và hại tầm vắng bóng. Và đó là Chánh Tư Duy. Nhờ vậy, tuệ giác hay Chánh Kiến sẽ phát sinh. Tam học Giới, Định, Huệ làm cho hành giả có thân, khẩu, ý thiện lành và tâm trở nên trong sạch.

Trước khi hành thiền, do ý muốn giữ giới để dễ thu thúc các căn, Chánh Ngữ (sammā vācā), Chánh Nghiệp (sammā kammanta) và Chánh Mạng (sammā ājīva) thuộc nhóm Giới tự động hình thành. Nhờ Giới, phiền não tác động được chế ngự. Trong khi hành thiền, với Chánh Tinh Tấn (vīriya), Chánh Niệm (sati) và Chánh Định (samādhi), nhóm Định của Bát Chánh Đạo thành hình. Khi nhóm Định có mặt, phiền não tư tưởng không thể sanh khởi nơi tâm được nữa nên tâm trong sạch. Làm cho tâm trong sạch và lớn mạnh được gọi là thiền hay vun bồi tâm linh (bhāvanā).

Tiếp tục tu tập là hành giả thanh lọc tâm, nhờ vậy Chánh Tư Duy (sammā saṅkhapa) và Chánh Kiến (sammādiṭṭhi) tức tuệ giác sanh khởi hay nhóm Huệ hình thành. Như vậy, Giới, Định, Huệ hay Bát Chánh Đạo bao gồm Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Kiến và Chánh Tư Duy phát triển trong khi thiền tập. Đó còn gọi là Sơ Đạo (pubbabhāga magga) hay con đường đưa đến Niết Bàn. Tiếp tục thiền tập, các tuệ giác tuần tự phát triển theo từng giai đoạn, và khi trí tuệ chín muồi, hành giả đạt Đạo, Quả và chứng ngộ Niết Bàn. Kết quả là phiền não ngũ ngầm trong tâm được đoạn trừ và hành giả kinh nghiệm loại hạnh phúc bình an thật sự. Đây là loại hạnh phúc bảo đảm, đích thực và cao thượng vượt trội bao nhiêu lần hạnh phúc thế tục. Các chi của Bát Chánh Đạo lúc này tự động hình thành và Bát Chánh đạo trở thành Bát Thánh Đạo.

Đức Phật dạy trong Kinh Đại Niệm Xứ (mahāsatipaṭṭhāna) như đã được trích dẫn ở trên: “Này Chư Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sự sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.” Khi hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả phải chánh niệm ghi nhận mọi hiện tượng sanh khởi qua thân, thọ, tâm và pháp hay tất cả những gì sinh khởi qua sáu cửa giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý để giữ cho tâm không bị phiền não chi phối. Tâm không có phiền não như tham lam, sân hận quá độ hay ý tưởng chiếm đoạt hay hãm hại người khác phát sinh nên trong sạch. Tâm không có phiền não giống như món đồ không dính bụi dơ.

Có hành giả, thay vì chú tâm ghi nhận đề mục, lại ngồi suy nghĩ hết chuyện này chuyện nọ. Làm như thế, hành giả không hưởng được lợi lạc từ pháp hành Minh Sát Niệm Xứ. Trong một phút chánh niệm, hành giả có sáu mươi lần tâm trong sạch. Giữ chánh niệm được một giờ, hành giả có ba ngàn sáu trăm lần tâm trong sạch. Khi hưởng được lợi lạc từ sự tu tập, hành giả bỗng trân quý pháp hành và nỗ lực tu tập nghiêm túc hơn.

Vậy hành giả nên chú tâm chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi… sao cho hành giả hưởng được lợi lạc. Chánh niệm phải được duy trì khít khao, liên tục giống như ván lót sàn được đặt kế tiếp nhau không khoảng hở để bụi không lọt vào. Khi chánh niệm được giữ liên tục, phiền não không thể xâm nhập tâm. Thiền tập như vậy, hành giả sẽ có tiến bộ trong vòng một tuần. Không tu tập cẩn thận thì dù có tham dự trọn khóa cũng không thể nào có kết quả được.

MINH SÁT CĂN BẢN

Đề Mục Thiền

Trong việc hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả phải thực tập đúng theo tiêu chuẩn để cho sự tu tập có hiệu quả. Tiêu chuẩn đặt ra có công dụng giống như lằn kẽ sẵn trong vở cho trẻ mới tập viết hay như dấu mốc cho người thợ mộc khi cưa cây. Nhờ đường chuẩn mà trẻ em không viết trồi sụt khó coi và có thể viết được thẳng hàng. Người thợ mộc nhờ thước đo đạc để đánh dấu khúc gỗ. Nếu chỉ nhắm chừng bằng mắt, người thợ có thể cưa sai vì không đúng với kích thước và do đó miếng gỗ có thể không còn sử dụng được nữa. Tương tự như thế, hành giả hành thiền Minh Sát Niệm Xứ cần làm theo những gì được chỉ dạy trong kinh điển (sutta) vì kinh điển giống như dấu mốc mà người thợ mộc vẽ trên miếng gỗ hay lằn kẽ trong tập của trẻ học vỡ lòng.

Theo kinh điển, hành giả cần phải ghi nhận tất cả các hiện tượng danh sắc hay tâm và vật lý sanh khởi nổi bật qua sáu căn hay sáu cửa giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Nói một cách khác, Thiền Minh Sát Niệm Xứ quán sát đặc tính riêng và đặc tính chung của các hiện tượng được phân loại thành ngũ uẩn (khandha) gồm sắc (rūpa) hay thân, thọ (vedanā) hay cảm giác, tưởng (saññā) là sự ghi dấu hay tri giác, hành (saṅkhāra) là sự vận hành tâm ý, và thức (viññāṇa) hay tâm vương (citta) là sự nhận biết đơn thuần về sự có mặt của đối tượng. Thọ, tưởng, hành, thức thuộc về danh (nāma) nên ngũ uẩn chính là các hiện tương danh sắc (nāma-rūpa) hay là các hiện tượng tâm-vật-lý. Do đó, đối tượng hay đề mục quán sát trong Thiền Minh Sát Niệm Xứ bao gồm các hiện tượng danh sắc hay ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Chú Giải nói rằng những gì xảy ra chính là ngũ uẩn và chúng phải được hành giả ghi nhận (bhūtami khandha pañcakaṁ). Trong câu “bhūtami khandha pañcakaṁ”, “khandha” là “uẩn” và “bhūta” có nghĩa “đang hiện hữu”. Cho nên, câu này có ý nghĩa là quan sát ngũ uẩn đang xảy ra. Ngũ uẩn được xem là thật sự hiện hữu (bhūta) vì chúng vừa mới sinh khởi (jāta) hay đang sinh khởi (vijjamāna) do nhiều nguyên nhân (jātattā paccayehi). Ngũ uẩn là thực tại tối hậu hay chân đế (paramattha) và là những gì mà hành giả có thể kinh nghiệm (attapaccakkha) trong khi hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Cái gì đã qua hay chưa tới không thể gọi là mới sinh khởi hay đang sinh khởi. Vậy ngũ uẩn hay danh sắc là những hiện tượng tâm-vật-lý đang sinh khởi do nhiều nguyên nhân có thể được ghi nhận và kinh nghiệm rõ ràng qua thiền tập.

Bắt Đầu Với Đề Mục Dễ Thấy

Tuy đề mục thiền Minh Sát Niệm Xứ là ngũ uẩn nhưng đối với hành giả sơ cơ, sự ghi nhận ngũ uẩn ngay trong khoảnh khắc hiện tại là một điều khó làm được ngay lúc mới bắt đầu tập thiền. Giống như trẻ mới bắt đầu học cần được dạy những gì đơn giản nhất, hành giả mới thực tập thiền Minh Sát Niệm Xứ nên được hướng dẫn ghi nhận đề mục nào nổi bật, dễ ghi nhận nhất (yathāpākataṁ vipassanābhiniveso) để khỏi bị sai lầm trong bước đầu thực tập. Rồi từ từ hành giả mới ghi nhận thêm nhiều đề mục. Thực hành theo lối này dễ cho hành giả đạt được tiến bộ và nhờ vậy sẽ phát triển được Niệm, Định, Huệ trong một thời gian ngắn. Sau khi có nội lực, hành giả sẽ có khả năng ghi nhận tất cả những hiện tượng sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan.

Giữa thân tâm thì thân biểu hiện rõ và dễ thấy hơn tâm. Có lẽ vì vậy mà Đức Phật đề cập phép quán thân trước trong Tứ Niệm Xứ tức bốn phép quán niệm gồm quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp như được đề cập ở trên. Trong phép quán thân, Ngài dạy phương pháp theo dõi hơi thở trước vì hơi thở là yếu tố gió hay phong đại dễ thấy nhất trong Tứ Đại gồm đất, nước, gió, lửa. Cố Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi cũng theo sự chỉ dạy này khi chọn chuyển động phồng xẹp của bụng làm đề mục chính để thiền sinh ghi nhận khi mới bắt đầu ngồi thiền vì chuyển động phồng xẹp liên hệ đến hơi thở thuộc yếu tố gió hay phong đại. Và khi đi kinh hành theo dõi bước chân vì chuyển động của bàn chân liên hệ đến phong đại. Trong sinh hoạt hằng ngày, hành giả nỗ lực ghi nhận những động tác nhỏ nhặt như co, duỗi, nhìn trước, nhìn sau… Như vậy, hành giả phải nỗ lực giữ chánh niệm luôn luôn trong lúc ngồi thiền, trong khi kinh hành và trong các sinh hoạt hàng ngày.

Lãnh Vực Của Thiền Minh Sát Niệm Xứ

Như quý vị biết, chân đế là những thực tại hiện tiền có thể kinh nghiệm được qua thiền tập. Chân đế còn được gọi là sự thật tuyệt đối. Hành giả Thiền Minh Sát Niệm Xứ chỉ quán sát các đề mục thuộc chân đế hay danh, sắc vì danh và sắc thuộc về chân đế. Như vậy, hành giả không quán sát bất kỳ đề mục nào thuộc tục đế cả. Sư sẽ giảng về danh sắc qua hai phương diện lý thuyết và thực hành.

Nếu đã học qua Vi Diệu Pháp, hành giả không gặp khó khăn về phương diện lý thuyết để hiểu chân đế bao gồm sắc, tâm tục thế, tâm sở tục thế, Đạo Tâm siêu thế, Quả Tâm siêu thế và Niết Bàn. Khi hành thiền, hành giả chỉ nên quán sát các đề mục chân đế tục thế mà thôi. Đó là các hiện tượng danh sắc đang thật sự sinh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan gồm tâm tục thế, tâm sở tục thế và sắc pháp. Đạo tâm, Quả tâm và Niết Bàn là chân đế siêu thế vượt ra ngoài lãnh vực quán sát của Thiền Minh Sát Niệm Xứ. Hành giả không quán sát nhưng sẽ thực chứng những chân đế siêu thế này sau khi phát triển đầy đủ các Tuệ Minh Sát qua pháp hành Minh Sát Niệm Xứ.

Khi hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả hiểu được đặc tính riêng, đặc tính điều kiện rồi đặc tính chung của các hiện tượng danh sắc và tuần tự phát triển các Tuệ Minh Sát từ thấp đến cao. Đến khi Tuệ Minh Sát chín muồi, hành giả kinh nghiệm Đạo Tâm (magga) và chứng ngộ Niết Bàn (nibbāna) là sự ngừng nghỉ của danh sắc thuộc pháp siêu thế (lokuttara). Hành giả từ phàm nhân trở thành bậc thánh nhân và với Quả Tâm (phala) an hưởng quả vị giác ngộ.

Quán sát các đề mục danh sắc tục thế sẽ giúp hành giả không bị phiền não, và đây là lợi ích của sự quán sát. Quán sát các đề mục thuộc siêu thế chưa kinh nghiệm không cho hành giả lợi ích như vậy. Vì thế, hành giả không nên quán sát các đề mục thuộc siêu thế. Ngài Cố Hòa Thượng Mahasi Sayadaw đã cho một thí dụ về con đường dốc có nhiều lỗ trũng cần phải sửa chữa. Theo Ngài, muốn sửa chữa cho mặt đường bằng phẳng cần phải lấy đất lấp đầy các lỗ trũng và san bằng độ dốc của con đường. Nếu chỉ đổ đất lên chỗ bằng mà không lấp các lỗ trũng thì không có lợi ích gì hết. Thanh Tịnh Đạo và phụ Chú Giải giải thích là phàm nhân chưa chứng đắc các pháp siêu thế nên họ không cần phải quán sát các pháp đó vì chúng nằm ngoài lãnh vực quán sát của phàm nhân.

Tóm lại, hành giả nên quán sát các đề mục thân tâm tức là các hiện tượng tâm-vật-lý sinh khởi nổi bật qua sáu căn hay sáu cửa giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nếu không ghi nhận được ngay khi các hiện tượng danh sắc sinh khởi qua sáu căn, hành giả sẽ không thấy được đặc tính riêng, đặc tính điều kiện, và đặc tính chung của các hiện tượng này rồi nghĩ rằng chúng là thường còn và có tà kiến về sự hiện hữu của bản ngã hay tiểu hồn (jīva atta) điều khiển mọi sinh hoạt của cá nhân. Quán sát các đề mục thân tâm hay danh sắc tục thế giúp hành giả sẽ phát triển được tuệ giác và dần dà thoát khỏi phiền não do ái dục và tà kiến gây ra.

Tục Đế Và Chân Đế

Như vậy, đề mục dùng để quán sát trong Thiền Minh Sát Niệm Xứ là các hiện tượng danh sắc tục thế sinh khởi theo tương quan nhân quả và có đặc tính chung là vô thường, khổ và vô ngã. Chỉ khi nào biết rõ ràng lãnh vực của đề mục và chọn đề mục hành thiền thích nghi, hành giả mới thực tập thiền một cách đúng đắn. Như đã đề cập ở trên, trong Thiền Minh sát Niệm Xứ, hành giả quán sát đề mục thuộc chân đế chứ không phải tục đế. Nhưng tục đế và chân đế là gì?

Tục đế (paññatti) gồm có ba loại là hình tướng (santānapaññatti), tư thế (ākārapaññatti) và tên gọi (nāmapaññatti) của các hiện tượng danh sắc. Tục đế được gọi là “sự thật quy ước” theo ý nghĩa không phải là sự thật tối hậu nhưng chỉ là ý niệm hay sự chế định đặt tên cho các hiện tượng danh sắc mà thôi. Tục đế được sử dụng theo quy uớc vì tính cách tiện lợi của chúng trong đời sống năng động hàng ngày. Tục đế chỉ là ý niệm, không phải là những thực tại tối hậu, nên không thay đổi. Do đó, chúng không thật sự hiện hữu với các đặc tính vô thường, khổ, vô ngã nên không thể là đề mục quán sát trong Thiền Minh Sát Niệm Xứ.

Chân đế (paramattha) trái lại là những thực tại tối hậu có thật. Cái gì không có thật không thể coi là chân lý, chỉ có cái gì có thật mới được gọi là chân lý hay chân đế. Có bốn chân đế hay sự thật tối hậu gồm tâm vương (citta) là sự nhận biết đơn thuần về sự có mặt của đối tượng, tâm sở (cetasika) là những trạng thái của tâm, sắc (rūpa) hay vật chất được định nghĩa là những gì không có khả năng nhận biết, và Niết Bàn (nibbāna) là sự dừng nghỉ của danh sắc.

Có hai loại hiểu biết là hiểu biết qua sách vở và hiểu biết qua kinh nghiệm thực chứng. Những gì được kinh nghiệm, dù tốt hay xấu, vẫn là điều có thật. Những gì biết qua sách vở hay nghe nói có thể thật hay không thật nên không chắc chắn; do đó, không thể coi là sự thật theo ý nghĩa tối hậu. Chân đế hay thực tại tối hậu là những gì chắc chắn có thật có thể thực chứng bằng kinh nghiệm cá nhân qua thiền tập. Cho nên, sự hiểu biết qua kinh nghiệm thực chứng (attapaccakkha) có phẩm chất cao và có thật. Nhưng sự hiểu biết qua kinh nghiệm thực chứng có thật là gì?

Để Sư giải thích bằng thí dụ về sự nắm chặt tay. Khi nắm chặt tay lại, hành giả kinh nghiệm sự căng cứng. Đây là sắc pháp (rūpa) hay vật chất thuộc thân và là chân đế vì có thật. Tâm (citta) hay biết sự căng cứng này cũng là chân đế. Trước khi nắm tay lại, có hàng loạt ý muốn nắm tay. Các ý muốn này là trạng thái của tâm hay tâm sở (cetasika) nên cũng là chân đế. Chuyển động nắm tay là sắc pháp (rūpa) cũng thuộc chân đế. Càng nắm chặt tay càng lâu sự căng cứng càng gia tăng, sự căng lúc đầu không giống sự căng kế tiếp, sự căng kế tiếp không giống sự căng kế tiếp nữa… Nếu chú tâm cẩn thận sẽ thấy sự khác biệt này, rồi có thể thấy khó chịu, nóng… Và vì muốn thoát ra khỏi cảm giác khó chịu, nóng đó mà hành giả muốn mở tay ra với hàng loạt ý muốn mở tay sanh khởi. Ý muốn mở tay là tâm sở (cetasika) thuộc danh pháp. Đây là chân đế. Nếu không có ý muốn mở tay để thoát khỏi cảm giác khó chịu, hành giả sẽ không mở tay ra. Và vì mở tay ra nên trạng thái căng cứng và cảm giác khó chịu giảm dần. Do đó, khi chú tâm theo dõi cẩn thận từ lúc bắt đầu nắm tay cho đến khi mở tay, hành giả sẽ thấy các hiện tượng danh sắc theo nhau sinh khởi liên tục. Sự hiểu biết có được từ kinh nghiệm các chân đế này có thật chứ không phải do tưởng tượng mà ra.

Trong Thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả phải kịp thời quán sát đề mục ngay lúc nó vừa sinh khởi. Trong sự nắm tay, nếu không quán sát kịp thời hành giả sẽ không biết được diễn tiến của sự nắm tay như co tay vào và mở tay ra. Không chánh niệm, hành giả sẽ không thấy hình tướng hoặc tư thế của sự mở tay, đừng nói chi đến bản chất hay đặc tính của sự nắm tay. Nếu chánh niệm hời hợt, hành giả chỉ có khái niệm về hình tướng của bàn tay hay tư thế nắm hay mở của tay chứ không thể nào kinh nghiệm được sự căng, cứng, nóng, khó chịu xảy ra trong suốt diễn trình của sự nắm tay. Đa số khi nắm tay hay mở tay ra đều chỉ thấy hình tướng của bàn tay hoặc tư thế nắm hay mở của bàn tay. Cả ba hình tướng, tư thế, và tên gọi chỉ là khái niệm nên là tục đế chứ không phải chân đế. Chúng không được dùng làm đề mục quán sát trong Thiền Minh Sát Niệm Xứ vì chúng không phải là thực tại tối hậu có thật theo ý nghĩa của chân đế. Khi khái niệm tục đế nổi bật che khuất bản chất chân đế thật sự của sự nắm tay thì hành giả không thể kinh nghiệm các đặc tính căng, cứng, nóng, khó chịu…được. Muốn thấy các đặc tính này hay bản chất thật sự của sự nắm tay, hành giả phải quán sát xuyên thấu đối tượng.

Để xuyên thấu đối tượng hay đề mục, trước hết hành giả phải hướng tâm đến đề mục (Tầm) rồi nỗ lực đưa tâm đến (Tấn) và chà sát tâm trên đề mục (Tứ). Kế đến hành giả phải hết lòng chú tâm ghi nhận và theo dõi đề mục (Chánh Niệm). Khi chánh niệm bao trùm trọn vẹn và chìm sâu vào đề mục (sabbakāya patisamvedī), tâm sẽ gom tụ trên đề mục và sát na định (khaṇika samādhi) hay chập định hình thành. Nhờ có tâm định, hành giả sẽ thấy được bản chất thực sự của đề mục.

Do đó, khi chú niệm vào đề mục, hành giả phải vận dụng hết sức các sức mạnh của tâm. Thiếu sức mạnh của tâm, hành giả chỉ thấy được hình tướng hay tư thế của đề mục mà không thể thấy được bản chất thật sự trong chuyển động phồng, xẹp khi ngồi thiền hay trong các động tác dở, bước, đạp của bàn chân khi đi kinh hành.

Khi đi kinh hành, muốn thấy được bản chất thực sự của đề mục, hành giả phải làm chậm lại. Vì các hiện tượng danh sắc diễn ra quá nhanh, hành giả phải làm chậm mới có thể theo kịp chúng. Chậm theo thiền sư là di chuyển với tốc độ gần với số không. Khi dở hãy chú tâm theo dõi từ đầu sự dở đến cuối sự dở, khi bước hãy chú tâm theo dõi từ đầu sự bước đến cuối sự bước, và khi đạp hãy chú tâm theo dõi từ đầu sự đạp đến cuối sự đạp.

Để Sư cho một ví dụ cho dễ hiểu. Ở trước thiền viện có đàn kiến đen bò nối đuôi nhau. Từ đàng xa, hành giả không thấy lằn đen này. Đến gần, hành giả sẽ thấy một lằn đen. “Lằn đen” là tên đặt ra để gọi nên là danh chế định (nāmapaññatti). Như vậy “lằn đen” hình tướng là ý niệm thuộc tục đế (santāna paññatti). Sở dĩ có ý niệm “lằn đen” này là do từng nhóm hay đàn kiến nối tiếp nhau được nhìn từ xa. Ý niệm “nhóm”, “đàn”, dầu chi tiết hơn, cũng thuộc tục đế (samūhapaññatti). Đến gần hơn nữa, hành giả không còn thấy từng nhóm hay đàn kiến nữa mà là từng con kiến một nối đuôi nhau. Lúc đó, ý niệm về “lằn đen”, “nhóm”, “đàn” kiến không còn nữa. Hành giả chỉ còn có ý niệm về “con kiến” mà thôi. Tóm lại, hành giả thấy từ một lằn đen, rồi từng đoàn kiến đen, đến cuối cùng từng con kiến một.

Cùng thế ấy, khi chánh niệm chưa đủ mạnh, hành giả chỉ thấy hình tướng, tư thế của đề mục. Muốn thấy bản chất thật sự của chuyển động phồng xẹp hay của bước chân, hành giả phải tinh tấn hướng tâm đến đề mục sao cho tâm ghi nhận gắn chặt với đề mục. Khi chánh niệm được thiết lập vững vàng nơi đề mục, tâm không còn phóng chạy đó đây mà gom tụ nơi đề mục. Vào lúc đó, đề mục trở nên rõ ràng. Khi tâm trụ vào trạng thái căng, hành giả hiểu sự căng; khi tâm trụ vào trạng thái nặng, hành giả hiểu sự nặng; khi tâm trụ vào trạng thái nhẹ, hành giả hiểu sự nhẹ…Do vậy, nếu ghi nhận đúng phương pháp thì chỉ trong một hoặc hai thời thiền ngồi, hành giả có thể kinh nghiệm chân đế, tức bản chất thật sự của đề mục như nặng, nhẹ, căng, giản, nóng, lạnh… Nếu hành giả vẫn chưa kinh nghiệm đặc tính riêng của đề mục dầu đã tham dự khóa thiền một thời gian thì có thể hành giả chưa tu tập đúng phương pháp. Ghi nhận một cách chính xác như được hướng dẫn, Sư chắc chắn hành giả sẽ phát triển được sát na định và kinh nghiệm được đặc tính một cách nhanh chóng. 

Đặc Tính Của Đề Mục

Đặc Tính Riêng

Kệ ngôn “bhūtaṁ bhūtato passati” (trích từ Itivuttaka) có nghĩa quán sát và ghi nhận hiện tượng như nó là vậy. “Bhūtato” là cái gì thật sự hiện hữu, tức đặc tính riêng (sabhāvalakkhaṇā), đặc tính điều kiện (sankhatalakkhaṇā), và đặc tính chung (sāmaññalakkhaṇā) của hiện tượng. Mỗi hiện tượng danh, sắc (tâm lý, vật lý) có đặc tính riêng của nó nhưng đều có cùng đặc tính chung. Ghi nhận đề mục kịp thời, liên tục khiến chánh niệm vững vàng và sát na định trở nên mạnh mẽ. Nhờ vậy sẽ thấy đặc tính riêng, đặc tính điều kiện, và rồi đặc tính chung của các hiện tượng danh sắc. Đặc tính riêng của sắc (vật chất) là thay đổi tùy theo điều kiện nóng, lạnh… Đặc tính riêng của danh (tâm) là hướng về đối tượng.

Sắc gồm tứ đại là địa đại (đất), thủy đại (nước), phong đại (gió), hỏa đại (lửa) và những tính chất vật chất khác. Đặc tính riêng của đất (pathavīdhātu) là sự cứng, mềm, thô; đặc tính riêng của nước (āpodhātu) là ẩm ướt, dính hút hay gò bó; đặc tính riêng của lửa (tejodhātu) là nóng, lạnh; và đặc tính riêng của gió (vāyodhātu) là căng, đẩy, ép hay chuyển động.

Danh gồm tâm vương (citta), tâm sở (cetasika) và Niết Bàn (nibbāna). Tuy nhiên, Niết Bàn là thực tại hay chân đế siêu thế nên khỏi đề cập ở đây. Tâm vương là sự nhận biết đơn thuần về sự có mặt của đối tượng. Tâm sở là những trạng thái tâm minh định tính chất của tâm vương bao gồm xúc (phassa) có đặc tính đưa tâm tiếp xúc với đối tượng, thọ (vedanā) có đặc tính cảm nhận, kinh nghiệm đối tượng và những tâm sở khác với những đặc tính riêng của chúng.

Đặc tính riêng của các hiện tượng danh thật sự hiện hữu (bhāva) là chân đế (paramattha) có thể nhận biết được qua kinh nghiệm thiền tập. Đặc tính riêng được ví như vị riêng của từng loại thức ăn như đường có vị ngọt, chanh có vị chua, ớt có vị cay, khổ qua có vị đắng… Sự hay biết tất cả các vị riêng này là do tâm.

Tương tự như thế, mọi hiện tượng danh sắc sinh khởi có đặc tính riêng của nó. Để nhận ra những đặc tính riêng biệt này, hành giả phải quan sát kỹ càng đề mục bằng pháp hành Minh Sát Niệm Xứ (satipaṭṭhāna).

Trong khi kinh hành theo dõi động tác dở bàn chân lên, hành giả kinh nghiệm sức đẩy lên và sự nhẹ nhàng trong chuyển động. Đây là đặc tính riêng của yếu tố gió hay phong đại giống như ngọt là vị riêng của đường. Ngay khi mở mắt hay nháy mắt cũng vậy, nếu ghi nhận hời hợt, hành giả sẽ không thấy đặc tính riêng của các yếu tố gió, đất…trong sự mở mắt hay chớp mắt. Trái lại, nếu ghi nhận cẩn thận hành giả sẽ thấy có sự căng, cứng ở mắt và đây là đặc tính riêng của các yếu tố gió, đất… trong hiện tượng mở hay nháy mắt.

“Phồng”, “xẹp” chỉ là tên gọi, nhưng nếu chú tâm quan sát cẩn thận tiến trình phồng và xẹp, hành giả sẽ cảm nhận được sự căng, ép và chuyển động trong đó. Căng, ép và chuyển động là đặc tính riêng của yếu tố gió hay phong đại là những gì có thật hay thật sự hiện hữu. Nếu ghi nhận phồng xẹp một cách lơ là, hành giả sẽ không biết được đặc tính riêng hay bản chất thật sự của yếu tố gió.

Hành giả phải năng động, tỉnh thức khi hành thiền. Hành giả cần nỗ lực hướng và đưa tâm đến đề mục, chà sát tâm trên đề mục, và ghi nhận đề mục một cách hữu hiệu. Lúc đầu, khi chập định hay sát na định (khaṇika samādhi) còn yếu, hành giả chỉ thấy hình tướng hay dáng vẻ (santāna) của phồng xẹp, đôi khi thấy tư thế hay cách thức chuyển động (ākāra). Ví như khi thức ăn mới đưa vào miệng, chưa nhận ra ngay vị mặn, lạt của chúng, khi ghi nhận “phồng”, hành giả sơ cơ chưa thể kinh nghiệm đặc tính mà chỉ có thể nhận biết hình dáng của bụng như sự phình lên to hay nhỏ hay tư thế của bụng như mau, chậm, đột ngột, từ từ, phồng từng chập… mà thôi. Hành giả nên tiếp tục nỗ lực chú tâm ghi nhận chuyển động phồng xẹp. Khi việc ghi nhận trở nên thuần thục, chánh niệm vững vàng, sát na định vững mạnh hành giả sẽ thấy những đặc tính riêng của đề mục như căng, dãn, nóng, lạnh, cứng, mềm, ướt, trơn… Khi có sự cứng, hành giả ghi nhận “cứng”, khi có sự căng, hành giả ghi nhận “căng”… Những đặc tính riêng này, ví như hương vị của thức ăn, được nhận biết rõ ràng qua thiền tập. 

Đặc Tính Điều Kiện Và Tương Quan Nhân Quả

Mỗi đặc tính riêng của các hiện tượng danh sắc đều có bắt đầu, kéo dài và kết thúc hay là sanh (uppāda), trụ (thiti), và diệt (bhaṇga). Sanh có nghĩa là sự sanh khởi của hiện tượng. Trụ có nghĩa là giai đoạn diễn biến hay tiếp tục hay tiến đến hoại diệt. Diệt là sự tan vỡ hay hoại diệt. Sanh, trụ, diệt là đặc tính điều kiện (saṅkhata lakkhaṇa).

Ngoài ra, các hiện tượng danh sắc hay tâm-vật-lý đều do điều kiện mà thành hay sanh khởi theo tương quan nhân quả. Nếu chánh niệm theo dõi kịp thời khi các hiện tượng vừa mới sanh khởi, hành giả sẽ hiểu được danh và sắc hay tâm và thân xuất hiện trước sau từng cặp đôi một theo liên hệ nhân quả. Khi ghi nhận cẩn thận và chính xác sự mở hay nháy mắt, hành giả kinh nghiệm được đặc tính riêng như căng, cứng ở mắt. Rồi hành giả cũng thấy được là vì có sự căng, cứng ở mắt nên mới có cảm giác khó chịu. Và cũng vì thấy khó chịu nên hành giả muốn thấy cảm giác này biến mất đi. Vì muốn cảm giác khó chịu biến mất nên mới có ý muốn nháy mắt. Do có ý muốn nháy mắt nên có sự nháy mắt, và vì có sự nháy mắt nên hành giả không còn thấy khó chịu hay cảm thấy thoải mái.

Ý muốn nháy mắt thuộc tâm, sự nháy mắt xảy ra thuộc thân, và cảm giác thoải mái thuộc tâm. Như vậy, các hiện tượng xảy ra đều có điều kiện hay liên hệ với nhau theo tương quan nhân quả. Trước khi dở chân, hành giả thấy có ý muốn dở chân, và cũng vì có ý muốn dở chân nên mới có sự dở chân. Trong khi chân dở lên, hành giả kinh nghiệm có sức đẩy lên và sự nhẹ nhàng. Sự đẩy lên cũng là đặc tính riêng biệt của yếu tố gió. Khi đặt chân xuống, hành giả thấy được sự cứng, mềm. Trong các động tác dở, bước, đạp có hàng loạt ý muốn và chuyển động của chân sanh khởi và hoại diệt theo từng cặp đôi một theo tương quan nhân quả.

Đặc Tính Chung

Để kinh nghiệm ba đặc tính chung vô thường, khổ, và vô ngã của các hiện tượng danh sắc, hành giả nên ghi nhận đề mục kịp thời ngay khi nó vừa sinh khởi. Hành giả phải hướng tâm đến đề mục (Tầm), nỗ lực đưa tâm đến đề mục (Tấn) và giữ hay chà sát tâm trên đề mục (Tứ). Khi sự ghi nhận liên tục, chánh niệm trở nên vững vàng và sát na định càng mạnh mẽ. Nhờ vậy, hành giả kinh nghiệm bản chất thực sự của đề mục.

Trong khi ăn, hành giả cảm giác hương vị của thức ăn như ngọt, chua…và một lúc sau, hương vị này không còn nữa. Hành giả thấy hương vị sinh khởi rồi hoại diệt, và tâm ghi nhận cũng sinh rồi diệt. Như vậy, không những hương vị mà tâm ghi nhận hương vị cũng vô thường (anicca). Qua đó, hành giả hiểu rằng sinh diệt là đặc tính chung của các hiện tượng tâm và vật lý. Do vậy, vận dụng hữu hiệu hai chi thiền Tầm và Tứ khi ghi nhận đề mục, hành giả sẽ biết được đặc tính riêng và đặc tính chung (sāmaññalakkhana) của các hiện tượng.

Mọi hiện tượng đều có sinh, có diệt, không tồn tại lâu nên là vô thường (anicca). Cái gì vô thường thì không toại nguyện hay khổ (dukkha). Hiểu được đặc tính vô thường và bất toại nguyện của các hiện tượng danh sắc nên hành giả không còn khởi tâm bám níu, tham muốn nữa. Và các hiện tượng danh sắc sanh khởi và hoại diệt theo cách thế riêng của chúng mà không nằm dưới sự kiểm soát của bất cứ ai cả nên là vô ngã (anatta). Thấy được bản chất vô ngã nơi đề mục, hành giả hiểu rằng không có một Thượng Đế hay linh hồn nào kiểm soát chúng sinh và nhờ đó loại bỏ được tà kiến về Thượng đế hay đấng tạo hoá.

Tóm lại, ba đặc tính chung của tất cả các hiện tượng danh sắc hay các pháp hữu vi do điều kiện tạo thành là vô thường, bất toại nguyện hay khổ, và vô ngã. Ba đặc tính chung này không phải là danh sắc nhưng là đặc tính nội tại phổ quát của các hiện tượng danh sắc. Lấy một ví dụ về ba lỗ hổng trên chiếc áo (cổ áo và hai ống tay áo) để làm sáng tỏ điều này. Câu hỏi là “Ba lỗ hổng ấy ở đâu?”

Trả lời: “Chúng nằm trong chiếc áo chứ không nằm ở trên trời.”

Hỏi: “Có phải ba lỗ hổng ấy và chiếc áo là hai sự vật giống nhau?”

Trả lời: “Không, ba lỗ hổng và chiếc áo là hai sự vật khác nhau. Nhưng ba lỗ hổng nằm trong chiếc áo.”

Danh và sắc thuộc chân đế có đặc tính chung là vô thường, khổ và vô ngã. Sự hiểu biết ba đặc tính chung này là tuệ giác (ñāna), kết quả của thiền tập theo pháp hành Minh Sát Niệm Xứ (vipassanā).

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app